TRÍ HUỆ SINH RA TRONG TĨNH LẶNG, CÒN NGU MUỘI SINH RA TRONG OÁN GIẬN.

SHARE:

Con người sống ở đời, ai có thể tránh khỏi những lúc gặp chuyện trái lòng, nghịch ý? Và khi cơn giận đã lên tới đỉnh đầu, ai còn có thể khống chế được đây? Tuy nhiên để biết tức giận đúng người, đúng lúc, đúng cách thì lại là việc hoàn toàn khác. 

Khi bị người khác khiêu khích, đối với một người bình thường, thì việc phản ứng lại là điều rất tự nhiên. Hay khi gặp một ai đó làm điều sai trái, chúng ta không nhẫn được cũng liền nổi cơn tam bành. Làm như vậy có thể phần nào giúp chúng ta giảm đi một phần khó chịu trong lòng, nhưng sau đó thì sao? Bạn có khi nào hối hận vì những điều mình làm khi tức giận? Tức giận có thể giải quyết được căn bản của vấn đề, có thể đạt được kết quả viên mãn? Có thể giúp mối quan hệ giữa hai người được tốt hơn? Thường thì câu trả lời là không.

Kết quả của oán giận còn đáng sợ hơn cả nguyên nhân khiến ta tức giận

Có câu chuyện kể về một người phụ nữ viết thư cho nhà văn nổi tiếng Dale Breckenridge Carnegie, nguyên nhân bởi ông đã lên truyền hình nói về những việc liên quan đến ngài tổng thống Abraham Lincoln, trong đó rất nhiều cột mốc thời gian đều sai.

Người phụ nữ đó rất tôn kính tổng thống Abraham Lincoln cho nên đã viết một bức thư với những lời lẽ vô cùng phẫn nộ: “Nếu như ngay cả những điều truyền kỳ căn bản về cuộc sống của ngài Abraham Lincoln ông đều không biết, vậy thì đừng có lên truyền hình mà nói, đây là một việc sỉ nhục đối với ngài Abraham Lincoln. Còn nếu như tư liệu của ngài không đầy đủ, vậy thì hãy chuẩn bị đầy đủ rồi hãy lên diễn giảng”.

Dale Carnegie khi đó đã là một người rất nổi tiếng, có rất nhiều tác phẩm bán chạy trên thị trường, được độc giả hoan nghênh đón nhận. Vậy nên khi đọc được bức thư này, ông cảm thấy vô cùng tức giận, lập tức viết hồi đáp người phụ nữ đó bằng những lời lẽ oán giận. Tuy nhiên vì trời cũng đã muộn, người giúp việc đã trở về nhà nên bức thư không thể gửi đi ngay được, vậy nên ông để tạm bức thư trên bàn.

Sáng hôm sau, khi chuẩn bị đem bức thư này cho người giúp việc đem đi gửi, ông xem lại lần nữa, trong lòng cảm thấy mình đã viết với những lời lẽ quá phẫn nộ, người phụ nữ đó không hề dùng những lời lẽ như này. Không những vậy, những gì mà cô ấy nói cũng có phần đạo lý. Vậy là ông viết một bức thư khác để gửi cho người phụ nữ đó.

Nội dung bức thư mới không hề có một lời oán giận nào, mà thay vào đó là sự cảm ơn sâu sắc đối với người phụ nữ đó, ông nói nó giúp ông tỉnh ngộ, nhìn được ra cái sai của mình. Sau đó ông lại nghĩ: “Nếu như một sự việc to lớn như vậy lại có thể thay đổi hoàn toàn trong vòng 12h đồng hồ, vậy sao mình không thử đợi thêm vài ngày nữa hãy gửi bức thư này đi?”.

Ông bắt đầu làm một thực nghiệm, ông lại để bức thư mới này lên trên bàn, đến tối ông lại đọc một lần nữa, sau khi đọc xong ông muốn sửa đổi một số chỗ. Và cho đến ngày thứ 7, nó đã hoàn toàn biến thành một bức thư với đầy đủ những lời lẽ chân tình, thấm đẫm tình cảm, lòng biết ơn.

Sau cùng, người phụ nữ đó được chứng thực là người nói thật lòng nhất, và đối với Dale Carnegie mà nói, cô đã trở thành người bạn quan trọng nhất trong cuộc đời của ông. Nếu như hôm đó, người giúp việc của Dale Carnegie không về sớm mà đem bức thư đầu tiên gửi đi, thực sự không thể hình dung kết cục rồi sẽ ra sao? Chắc chắn nó phải là một kết cục tệ hại hơn bao giờ hết, hai người sẽ trở thành những kẻ thù địch của nhau.

Kết quả của oán giận còn đáng sợ hơn cả nguyên nhân khiến ta tức giận
Sau cùng, đối với Dale Carnegie mà nói, người phụ nữ đó đã trở thành người bạn quan trọng nhất trong cuộc đời của ông. (Ảnh: wikipedia.org)

Tức giận không phải “lẽ thường tình”

Trong kinh điển của người Do Thái có viết: “Khi con người tức giận thì chính là lúc dễ mắc phải sai lầm”, và trong Thánh Kinh Tân Ước cũng có nói: “Khi con người tức giận đều điên loạn”. Bất luận nguyên nhân là gì, thì khi chúng ta không tự chủ được chính mình, lúc đó rất có thể sẽ làm tổn thương một ai đó, hủy hoại đi một mối thâm tình nào đó, thậm chí dẫn tới sự hối hận cả đời.

Nguyên nhân của mọi tội lỗi cũng như ốm đau bệnh tật phần lớn đều bắt đầu từ sự tức giận, nó chính là nguyên nhân góp phần đưa chúng ta đến chỗ thất bại. Rất nhiều tội phạm gây ra tội ác nghiêm trọng, khi được hỏi họ đều có chung một câu trả lời: “Nếu như lúc đó tôi không tức giận như vậy thì có lẽ đã không hành động như thế”.

Khi cơn tức giận qua đi thì sự hối hận cũng bắt đầu ngự trị, vậy nên sống mà có thể tĩnh lặng với thế nhân mới là minh trí. Chỉ cần khi đối diện với sự tức giận, chúng ta hãy tĩnh lặng đợi chờ cho 5 giây qua đi, có thể chỉ 5 giây ngắn ngủi nhưng hiệu quả mang đến lại to lớn vô cùng. Và nếu như có thể nhẫn nại 1 phút, rồi 10 phút, rồi 1 tiếng và sau đó là một ngày, bạn sẽ thấy rằng sự tĩnh lặng là vị thầy chỉ đường tốt nhất cho mỗi chúng ta, và chờ đợi cũng chính là vị thầy chữa lành mọi vết thương.

Có câu: Trí huệ sinh ra trong sự tĩnh lặng còn sự ngu muội lại sinh ra khi oán giận. Tức giận có thể giúp bạn vơi đi áp lực nhất thời, nhưng không thể mang cho bạn niềm vui mãi mãi.

Tức giận không phải “lẽ thường tình”
Tức giận có thể giúp bạn vơi đi áp lực nhất thời, nhưng không thể mang cho bạn niềm vui mãi mãi… (Ảnh: ivsky.com)

Khi các bậc cao nhân đối diện với oán giận, họ thường tự hỏi chính mình ba điều sau:

1. Việc này có thực sự quan trọng đến vậy hay không? Khi lý tính sinh ra, cũng là lúc mình nhận ra: Hóa ra đây chỉ là việc nhỏ hóa to.

2. Việc này có cần phải tức giận đến mức vậy không? Tức giận rồi có tác dụng gì chăng? Khi hỏi lòng mình điều này, sẽ giúp bạn giảm đi sự tức giận, thậm chí là loại bỏ nó.

3. Lúc này có thể làm việc gì hữu ích hơn không? Có thể ra ngoài đi dạo, hít thở không khí bên ngoài, tĩnh lặng nhìn vào chính nội tâm của mình, hỏi xem mình đang muốn gì?

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Minh Vũ biên dịch

SHARE:

Trả lời