SHARE:
Đức Phật dạy cho chúng ta, nhất là lớp Tăng Ni trẻ, muốn đạt đạo thì phải đi qua ba bậc: đó là Kiến đạo, Tu đạo và Chứng đạo. Nhưng muốn Kiến đạo thì phải có bốn điều kiện: a. Thân cận thiện hữu; b. Thính văn chánh pháp; c. Như lý tác ý; và d. Pháp tùy pháp hành.
Thân cận thiện hữu: Là thân cận các bậc thiện hữu tri thức, gần gũi thầy tốt, gần gũi bạn lành. Vì gần gũi thầy tốt thì họ mới dắt dẫn cho mình đi đúng Chánh pháp, tiến tới con đường giải thoát giác ngộ. Gần gũi bạn lành như gần gũi đèn sáng. Còn thân cận ác hữu thì toàn nghe những điều ác chứ không nghe được điều thiện. Gần gũi bạn ác như đi trong đêm tối. như gần mực thì đen nên không được sáng. Có thân cận thiện hữu thì mới nghe điều hay lẽ phải, trên có chư Tôn thiền đức, trí đức uyên thâm, từ tâm chỉ dạy cho chúng ta, xung quanh có các thiện hữu tri thức khác giúp đỡ. Đó là một thiện duyên, một niềm vui lớn. Nếu đã có thiện hữu tri thức giúp đỡ, thì hiện nay hay mai sau, khi ra hành đạo các phương hy vọng chúng ta sẽ gặp được bạn tốt, bạn đồng tu. Nếu được như vậy thật là hạnh phúc cho chúng ta có duyên lành ở trong ngôi nhà Phật pháp, thuận lợi cho việc tu học và hoằng pháp lợi sinh.
Ở đây tôi cũng xin nói thêm một ý nữa, trong kinh Pháp cú dạy rằng: Nếu không gặp được người hơn mình, không gặp được người ngang mình kết bạn, thì thà sống một mình còn hơn kết bạn với người ngu. Người ngu ở đây là người điên đảo, hẹp hòi, chấp ngã không thật. Những người này thì không nên kết bạn, trái lại nên tìm những vị thiện hữu tri thức kết bạn thì họ mới dẫn dắt chỉ cho mình con đường giải thoát và giác ngộ.
Thời đại chúng tôi sống không có được diễm phúc như ngày hôm nay. Trường học của chúng tôi không qui tụ được nhiều thành phần như cả Trung, cả Nam, cả Bắc, cho nên khi ra hành đạo cũng lắm lúc bỡ ngỡ. Đi ra Bắc có nhiều vị là đạo đồng, pháp đồng, hạnh đồng nhưng trên sắc tướng chưa hề gặp nhau, nên cũng hạn chế đôi phần trong công tác Phật sự. Đi vào Nam gặp các sư, các thầy: Đạo đồng, pháp đồng, hạnh đồng, nhưng sắc tướng chưa từng gặp nhau cho nên ban đầu cũng bỡ ngỡ như vậy Giờ đây có các trường, các Học viện cả ba miền cùng học dưới một trường, một lớp, cùng nhau tranh đua để học. Tranh đua chứ không ganh đua, vì ganh đua thì dở, thấy ai hơn mình thì phải noi gương mà học, còn nếu ai kém thua mình thì phải động viên giúp đỡ họ, luôn luôn có một tinh thần đùm bọc và cảnh giác như thế thì các vị sẽ tiến bộ trong học tập.
Thính văn Chánh pháp: Phải nghe Chánh pháp để học. Chánh pháp của Phật phải lắng mới nghe được, chứ không lắng thì không nghe được. Khi có lắng rồi thì tâm mới tịnh. Tâm đã tịnh thì nghe câu nào lọt vào tai câu ấy. Nếu tâm không tịnh thì nghe một câu như vậy thì vừa là nghe tiến pháp, vừa là nghe tiếng kèn thì vô cùng lộn xộn. Khi đã nghe tạp nham như vậy thì câu nghe đó cũng chẳng thành chánh pháp nữa, cho nên phải lắng là vậy. Nếu người không tin Phật thì sẽ không lắng tai nghe, không lắng tai nghe thì sẽ không có kết quả, chánh pháp để ngoài tai. Tóm lại, Thính văn Chánh pháp là phải lắng nghe chánh pháp nghe lời dạy dỗ đúng của chánh pháp của các vị thiện hữu tri thức, nghe chánh pháp là nghe lời dạy giải thoát đau khổ của thiện hữu tri thức đó, chứ không phải nghe lời buộc ràng tâm tư, cột chặt mình vào ở trong vòng nhân ngã.
Như lý tác ý: Là tư duy đúng như lý của nó. Ví như lý vô thường, cắt nghĩa như thế như kia, như kia như nọ là vô thường, nhưng đi ra đường thấy cục vàng trước nắt thì vô thường sao được! Nó khó lắm. Cục vàng nằm đó chắc ai cũng muốn lượm, muốn lấy chứ không ai từ bỏ. Nếu không có vàng thì người ta cũng tìm cách mua, chứ nói nó vô thường mà không mua cũng khó! Nói đời vô thường thì thấy cái gì vô thường trước mình phải quán trước, ví như lời khen chê. Lời nói là vô thường, khi nói ra rồi thì nó bay mất, nhưng nếu không quán vô thường thì nó không bay được mà còn đọng lại trong tâm. Ví dụ, khi nghe ai chưởi mình một tiếng thì mình giận lắm, giận ngay khi ấy. Giận cho đến nỗi năm này chưa tiêu được thì đợi sang năm, sang năm chưa tiêu được thì phải đời cho đến chết. Một lời nói như gió thoảng qua nhưng mà nó cứ đọng lại trong lòng ta không bao giờ mất. Vô thường là luật tự nhiên nhưng trong lòng chúng ta chấp chặt nên nó không vô thường, cứ khư khư giữ lấy nó như ôm chặt cục vàng, đi đâu cũng mang lè khè nó theo. Lời khen chê như gió thoảng mà mình không quán được nó là vô thường thì chỉ là lý thuyết suông, cho nên phải học và quán đúng như lý tác ý, là phải suy nghĩ đúng như lý của nó, chúng ta phải hiểu vô thường làm sao cho đúng. Ví như quán lá còn xanh trên cây cũng là vô thường chứ không phải chờ khi lá rụng mới biết vô thường. Tóm lại, như lý tác ý là phải nghe rồi phải suy, suy cho thật hiểu, biết rằng lời dạy mà mình đã nghe đó, trên thực tế nghe thế nào, áp dụng trong thực tế ra sao? Nói bố thí, hiểu bố thí là như thế, suy nghĩ áp dụng vào thực tế, vào trong mọi hoàn cảnh như đối với một người ăn xin là như thế nào? Đối với người bị gặp cảnh lâm nạn thì như thế nào? Khi mình có đồng tiền thì như thế nào? Khi mình không có bạc thì như thế nào? Đó là những tình huống đã, đang và sẽ xảy ra, nếu không suy tư thì không thể áp dụng cho trọn vẹn được, nên phải như lý tác ý.
Pháp tùy pháp hành: khi đã như lý tác ý rồi thì phải thực hành, bởi vì Phật dạy cho chúng ta nhiều pháp môn tu hay lắm: một mặt quán và một mặt hành. Quán là quán trí và hành là hành động. Chúng ta phải quán các pháp là vô thường. Chúng ta phải thực hành giới định tuệ, thực hành bố thí, nhẫn nhục, thực hành các hạnh tự lợi và lợi tha v.v… Tóm lại, pháp tùy pháp hành tức là làm theo, thực hành theo điều mình đã suy nghĩ chín chắn, suy nghĩ đúng đắn, thực hành áp dụng vào trong đời sống hàng ngày của mình. Không phải đợi một ngày kia làm ông nọ bà kia hay là làm ông giảng sư, giáo sư mới là hoằng pháp, mới là hành, mà chính ngay trong đời sống, trong hơi thở của mình phải an trú trong chánh pháp, ngôn ngữ phải đúng chánh pháp, hành động phải theo chánh pháp, thì chính cái đó dầu một vị tu sĩ còn nhỏ như chú tiểu cũng đủ hoằng dương chánh pháp, chứ không đợi lớn, không phải đợi làm Hòa thượng, Thượng tọa mới gọi là Hoằng dương chánh pháp. Vì Hòa thượng, Thượng tọa hoằng dương chánh pháp có cách của vị Hòa thượng, Thượng tọa. Một chú tiểu hoằng dương chánh pháp có cách của một chú tiểu, miễn làm thế nào giữ được bốn điều là thân cận thiện hữu, thính văn chánh pháp, như lý tác ý, pháp tùy pháp hành thì chúng ta sẽ sống một cuộc sống an lành ở trong giáo pháp của đức Phật và mới khỏi phụ lòng xuất gia của mình, khỏi phụ lòng mong mỏi của cha mẹ mình đã cho mình xuất gia và khỏi phụ lòng bổn sư của mình cho mình học đạo.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS