THẦY CHÙA

SHARE:

Đối với chúng tôi, ông thầy chùa đó chính là nước một vị, còn như chúng tôi, những đệ tử của Thầy, học đủ thứ trên trời dưới đất, viết đủ chuyện bốn biển năm châu, quì trước Thầy thì vẫn như những con sóng bập bềnh trôi nổi…Có lần cúi xuống lạy Thầy, khi nhìn lên tôi bắt gặp một nụ cười của Thầy. Tôi bỗng biết đó là nụ cười từ ngàn xưa cho đến ngàn sau.

 

Nếu hai tiếng “thầy chùa” dùng để chỉ một vị tu sĩ “quê mùa,” ít sách vở, không văn chương… thì Thầy tôi cũng chính hiệu là một ông “thầy chùa.” Ông thầy chùa đó, ngày ngày, với bất cứ bộ áo quần nào có thể có được và một đôi giày bố lính, sáng vác cuốc đi, chiều vác cuốc về… Và cho đến bây giờ đã tròn trăm tuổi, không còn vác cuốc đã mấy mươi năm, “sự nghiệp một đời” của Thầy cũng chỉ trước sau chừng đó, không bớt cũng không thêm.

 

Thầy Nguyễn Thế Đăng viết về vị thầy chùa nông dân đó như sau:

“Những khi Thầy đi một mình trên con đường từ rẫy về chùa, khuôn mặt Thầy là nỗi hân hoan của trời đất, là vẻ xanh tươi của cây cỏ bốn mùa… Thầy nói: “Người thấy Tánh thì nhìn một chiếc lá rụng cũng thấy vui tràn bờ.” Có những lúc Thầy ngồi một mình trong vườn, không quá khứ, không hiện tại, không tương lai, vô niệm, vô tướng, vô trụ … như Bát Nhã, đích thực là Bát Nhã vậy.” (Ai Tri Âm Đó.)

 

Đối với chúng tôi, ông thầy chùa đó chính là nước một vị, còn như chúng tôi, những đệ tử của Thầy, học đủ thứ trên trời dưới đất, viết đủ chuyện bốn biển năm châu, quì trước Thầy thì vẫn như những con sóng bập bềnh trôi nổi… Có lần cúi xuống lạy Thầy, khi nhìn lên tôi bắt gặp một nụ cười của Thầy. Tôi bỗng biết đó là nụ cười từ ngàn xưa cho đến ngàn sau:

“Sau khi lạy Thầy ba lạy để từ giả, nhìn lên tôi bắt gặp cặp mắt và nụ cười của Thầy. Tôi biết rằng đó vẫn là cặp mắt và nụ cười tự thuở nào và cũng sẽ là cặp mắt và nụ cười trong tương lai.”

 

Một vị “thầy chùa” khác mà tôi muốn được chia sẻ là Hòa thượng Chí Tín, trụ trì đời thứ ba chùa Long Sơn Nha trang. Một đêm Giao thừa ờ xứ người tôi đã viết về Hòa thượng như sau:

“…Chùa Tỉnh Hội gần trường Bồ Đề có Thầy Trụ Trì mà bao nhiêu năm hình ảnh vẫn không thay đổi. Đó là hình ảnh của một vị chân tăng tâm không hề có tăng có giảm, dù chùa Tỉnh Hội là nơi xảy ra nhiều sự đến đi tăng giảm…” (Việc Đời Qua Trước Mắt.)

 

Vị thầy chùa đó trụ trì một ngôi chùa lớn mà tôi được biết cách đây trên 50 năm, quần lúc nào cũng xắn cao, trên tay như lúc nào cũng có cây rựa, quan sát chỗ nầy chỗ kia trong vườn chùa. Mỗi khi có một ít tiền là thầy lại đi giúp người nghèo, thăm bịnh nhân ở bịnh viện. Cách đây mấy năm tôi có về ghé thăm thầy. Vẫn áo quần đơn sơ, tấm phản nằm đơn giản với chiếc chiếu không trải hết phản, cũng vồn vã gần gũi như thuở nào. Chỉ có một cái khác là thầy không còn cầm trên tay cây rựa như ngày xưa vì lớn tuổi. Nghe nói sau năm 1975, có lần có người lẻn vào chùa leo lên trần định lấy trộm bóng đèn điện, thầy hay được chạy đến bảo người ăn trộm hãy từ từ kẻo té, để thầy đi lấy cái thang cho.

 

Vâng, có rất nhiều ông “thầy chùa” như vậy. Và chính những ông thầy chùa nầy đã trực tiếp đóng góp một phần rất lớn trong việc làm cho đạo Phật thấm vào lòng người và lan ra xã hội. Và tôi nghĩ các vị Thiền sư thuở xưa, nếu không vì một cơ duyên nào đó mà để lại dấu vết cho đời, thì cũng là những ông “thầy chùa,” những vị “bần tăng” đốn củi, hái rau, cày ruộng, cuốc đất. Người đời làm sao thấy được dấu vết của các ngài!

 

“Mắt xanh ít người biết
Mây trắng hỏi đường qua!”

(Thầy Chùa)

Thị Giới.

SHARE:

Trả lời