PHẢN QUANG TỰ KỶ- CÁCH THỰC HÀNH

SHARE:

“Phản quang tự kỷ bổn phận sự bất tùng tha đắc” , là lời dạy của Tuệ Trung Thượng sĩ khi ngài Trần Nhân Tông hỏi ông hằng ngày tu tập cần phải làm gì.

Chúng ta tham thiền thường ứng dụng câu nói này trong việc tu hành của mình. Như vậy, cách ứng dụng như thế nào?

Trước tiên chúng ta phải hiểu nghĩa của lời dạy. Phản quang là xoay ánh sáng ngược lại, tùy theo khả năng nhận thức về việc này cho nên ứng dụng có nhiều cách. Và tự kỷ là chính mình, chính mình ở đây như thế nào? Nếu chúng ta thấy được cả hai: phản quang và chính mình thật ở mức độ nào thì phản quang sẽ có hiệu quả tùy thuộc vào mức độ nhận thức này rất lớn.

 

Thứ nhất, phản quang có tính chất tương đối:

Cách mà người mới tu thường nghĩ khi nghe nói đến phản quang là nhìn trở vào trong mình, ý thức về trong ngoài là cách thế hiện sinh của người này cho nên khi nghe nói phản quang là có ý nghĩ xoay vào trong, xoay lại mình, thay vì tâm luôn luôn phóng chiếu nắm bắt bên ngoài.

Phản quang tự kỷ, bổn phận sự bất tùng tha đắc, (nhìn lại chính mình là chính, không chạy theo bên ngoài mà được). Người tu hiểu lầm trong ngoài ở đây, nếu lấy cái thấy ở trong thì cái bị thấy là ngoại cảnh ở ngoài; và tư tưởng bên trong cũng là ở ngoài vì nó đối lại với cái thấy, nó là pháp trần bị thấy. Như vậy phản quang theo nghĩa nhìn vào trong vẫn là nhìn bên ngoài so với cái thấy.

Phản quang tại sao có tính tương đối? Bởi vì, cái nhìn của chúng ta luôn luôn nhìn từ một trung tâm nhìn ra, vì có trung tâm nên đối với trung tâm là đối tượng bị nhìn. Khi cái thấy vẫn còn phân hai: có trung tâm và ngoại vi là cái thấy tương đối.

Muốn thoát khỏi thế tương đối này thì chúng ta phải thường xuyên soi xét mình, kiên trì nhận biết tâm biểu hiện trên ba phương diện: những tư tưởng khởi diệt từ tâm, những hình tướng được tâm tiếp cận, và cả chính tâm đang nhận biết. Chúng ta phải nhận biết xuyên thấu qua những che chướng không cho chúng ta trực tiếp được với cái thấy như thật, hay thấy cho đến khi hợp nhất được người thấy và đối tượng bị thấy là một. Chúng ta chứng nghiệm được Nhất tâm.

Nhất tâm là nền tảng, hay là ánh sáng căn bản luôn hiện hữu xưa nay, vì chúng ta luôn phóng chiếu tâm chạy theo cảnh, luôn mắc vào cái nhìn xuất phát từ cái tôi cho nên chúng ta không nhận ra. Nhận biết trên mọi phương diện của tâm chính là phản quang, chúng ta tương tục thực hành theo thời gian, tâm không còn phóng chiếu, tâm chỉ tương tục nhận biết, cho đến khi chúng ta không còn tác ý để nhận biết, chúng ta quên không còn thấy có người phản quang, khi không có ai để phản quang mà ánh sáng của tự tâm vẫn thấu thoát mọi phương diện đó là Nhất tâm. Chúng ta đã trở về ánh sáng căn bản, ánh sáng nền tảng của Tâm.

 

Thứ hai, phản quang tuyệt đối, cái thấy trực tiếp:

Người tu có thể thấy thẳng vào Tâm hay không? Như khi thấy sắc là thấy được Tâm, khi biết vọng là biết được Tâm, và cả khi nhìn lại chính tâm đang thấy cũng thấy được Tâm? Đây là cái mà chúng ta cần phải nhận ra trên tinh thần phản quang. Nó là lối trực chỉ nhất và ít tốn công sức nhất.

Chúng ta muốn thực hành con đường trực tiếp này đòi hỏi chúng ta phải thoát khỏi cách nghĩ và sống bằng mê lầm chấp trước về ánh sáng của tâm và tầm cỡ của tự kỷ. Mê lầm thâm căn này là có một cái ta gán cho cái thấy.

Nguyên do của tinh thần phản quang có tính cách tương đối bởi vì chúng ta đang chấp mắc một cái tôi, chúng ta loay hoay trong cái tôi này và hành xử của chúng ta cũng trong cái tôi đó cho nên chúng ta tu hành chỉ lẫn quẩn không thoát khỏi cái tôi.

Với người được một vị thầy giới thiệu, hay đọc kinh điển để nhận ra tự kỷ lớn hơn, trùm khắp thì việc phản quang sẽ cụ thể hơn và gần với thực tướng giải thoát hơn; tức thấy là thấy cả hai, ngã và pháp đều Không, ngã và pháp là biểu hiện ánh sáng của Tâm giải thoát.

Như thế nào là tự kỷ của chính mình? Nếu chúng ta được giới thiệu tất cả hiện tượng là Tâm, tất cả tư tưởng là Tâm, thì mục tiêu của chúng ta phản quang là nhận ra được Tâm rất đơn giản và trực tiếp. Chỉ nhận ra chính tâm mình trong mọi hoàn cảnh trong mọi thời khắc, trong mọi trình hiện từ tư tưởng cho đến hiện tượng; lúc nào, hoàn cảnh nào, hiện tượng nào cũng có ánh sáng của Tâm và phản quang chỉ là nhận ra sự hiện hữu của Tâm mà thôi.

Chúng ta hãy tham khảo về ánh sáng của tâm và tự kỷ ở ba phương diện, một là từ kinh điển, hai là từ truyền thống Phật giáo Tây Tạng và cuối cùng là những lời dạy của Tuệ Trung Thượng Sĩ (đại diện cho Thiền tông).

Trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm Thập Địa nói: “Ba cõi chỉ là Một Tâm”. Chỗ khác, phẩm Dạ ma cung kệ tán nói: “Như tâm, Phật cũng vậy. Như Phật chúng sanh đồng. Tâm Phật và chúng sanh cả ba không sai khác.” Công việc phản quang là tin tự kỷ của mình chính là Một Tâm và thể nhận tự kỷ này trong thực hành.

Chúng ta ai cũng có Tâm, ai cũng sống bằng chính Tâm hiện hữu, như vậy Tâm hiện hữu như thế nào? Nhìn lại, thức tỉnh lại, ánh sáng của Tâm lúc nào cũng biểu hiện, chính nhờ ánh sáng của Tâm mà chúng ta biết làm mọi chuyện: làm ác, làm lành; và có thiện có ác thì thiện ác đó cũng xảy ra trên và trong ánh sáng của Tâm. Ngay cả tư tưởng của chúng ta, chúng luôn luôn khởi và diệt nơi tâm nhưng dù chúng có khởi diệt cách nào, ở tốc độ nào thì cũng khởi và diệt trong sự nhận biết của Tâm. Như vậy, Tâm luôn luôn hiện hữu như gương sáng luôn luôn phản chiếu mọi hình tướng, dù hình đẹp hay hình xấu, có hay không có hình; vì vậy, trong kinh Hoa Nghiêm và kinh Viên Giác nói đến phương diện này của tâm là quang minh hay Đại Quang Minh Tạng. Phản quang là ngay nơi ánh sáng bị lầm chấp có một cái tôi sở hữu ánh sáng này, trở về ánh sáng căn bản, hay trực nhận ra tâm không hạn cuộc (có tôi và cái ngoài tôi như mê lầm che chướng trước đây) mà tâm là ánh sáng Đại Quang Minh, vì Đại Quang Minh Tạng cho nên phản quang là nhận ra mọi sự việc, mọi hiện tượng đều xảy ra và tiêu mất trong Tâm Đại Quang Minh này.

Trong truyền thống Phật Giáo Tây Tạng, lời khai thị của ngài Liên Hoa Sanh trong Tự Giải Thoát Qua Cái Thấy Trần Trụi. Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức Như sau:

Emaho!

Chính cái tâm đơn nhất trùm khắp tất cả sanh tử và niết bàn.

Dù bản tánh của nó đã hiện hữu từ sơ thủy, con đã không nhận biết nó.

Dù sự trong sáng và hiện diện của nó là không dứt, con đã không gặp khuôn mặt của nó.

Dù sự sanh khởi của nó không bị che ám ở đâu cả, con vẫn chưa nắm hiểu nó.”

Và trong Cái Thấy và Thiền Định về Đại Toàn Thiện, người dịch Rangxi Sangbo ngài Jamgon Kongtrul Lodro Thaye dạy:

‘Tâm của con không thể tìm thấy ở đâu khác. Nó chính là bản tính của sự suy nghĩ từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác. Hãy nhìn một cách trần truồng cốt lõi của sự suy nghĩ này và con sẽ tìm thấy sự nhận biết hiện tại, ngay tại nơi con.”

Với Tuệ Trung Thượng Sĩ:

Có phải ánh sáng của Tâm chỉ xuất phát từ một cái tôi?

Theo Tuệ Trung Thượng Sĩ:

“Thôi tìm Thiếu Thất với Tào Khê

Thể tánh sáng ngời chửa từng mê,

Trăng cổ chiếu soi nào cận viễn

Gió trời thổi mát thấp cao chê.

Ánh thu đen trắng tùy duyên sắc

Sen nở thơm hồng bùn chẳng hề.

Diệu khúc xưa nay cần cứ hát

Chớ tìm nam bắc với đông tê.”

(Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục giảng giải, Hòa Thượng Thích Thanh Từ, bài: Bảo Chúng )

Một bài thơ bày hiện tất cả chỉ là ánh sáng của Tâm, chúng ta ai cũng sở hữu nó ngay tại đây và bây giờ, nó luôn luôn hiện hữu không cần phải tìm kiếm ở Thiếu Thất (tổ Bồ Đề Đạt Ma), hay ở Tào Khê (Lục Tổ Huệ Năng). Nó có đủ cho mỗi người trong chúng ta, cứ thong thả mà thụ hưởng (Diệu khúc xưa nay cần cứ hát).

Chỉ một câu: “Thể tánh sáng ngời chửa từng mê”. Hãy chiêm nghiệm từng chữ của câu này, rồi phản quang để nhận ra thực tánh của nó ngay nơi tâm mình. Nó sáng ngời như thế nào? Thể tánh sáng ngời đó có hình tướng gì để nắm bắt không? Nó chửa từng mê, vậy ai mê?

 

Ngay nơi tâm là ánh sáng này, ngay tâm là Phật, không có Phật ngoài tâm.

      “…Muốn tìm Tâm đừng tìm ngoài

           Bản thể như nhiên tự rỗng lặng

           Niết bàn sanh tử buộc ràng suông

          Phiền não Bồ đề đối địch rỗng.

          Tâm tức Phật, Phật tức tâm

          Diệu chỉ sáng ngời suốt cổ kim.

          Xuân đến, tự nhiên hoa xuân nở.

         Thu về, hiện rõ nước thu sâu

         Bỏ vọng tâm, giữ chân tánh

         Như người tìm bóng mà quên kính.

         Đâu biết bóng có từ nơi gương

         Chẳng rõ vọng từ trong chơn hiện.

         Vọng đến không thật cũng không hư

         Gương nhận không cong cũng không thẳng…”

(Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục giảng giải, Hòa Thượng Thích Thanh Từ, bài Bài Ca Tâm Phật )

Tâm tức Phật, xưa nay sáng ngời, cảnh hiển bày Tâm, thực tại giải thoát luôn luôn hiện hữu, phản quang là nhận ra cái đang hiện hữu này.

 

Từ sự hiển bày này của Tâm, Tâm luôn luôn không rời giữa hai yếu tố:

Tâm cảnh thảy đều không:

           “Ngày ngày khi đối cảnh,

            Cảnh cảnh từ Tâm sanh.

            Tâm cảnh xưa nay không,

            Chốn chốn ba la mật.

         Tâm cảnh thảy đều không nhưng ứng hiện muôn pháp

      “Anh thấy chăng

        Người mất trước đó là ai?

        Người được sau đó là ai?

       Hai tâm sai khác một dòng mạng.

       Rốt cuộc vào tám muôn bốn ngàn pháp môn đà la ni.

       Đồng nhiếp vào gương trí rộng lớn tròn đầy thái hư”

 (Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục, Hòa Thượng Thích Thanh Từ, bài Phàm Thánh Không Hai)

Từ cái thấy bị chia cắt, thấy có ta và thế giới có tâm để phản quang lại chính mình, phản quang là nhận ra tất cả chỉ là một Tâm: ánh sáng của tâm, và tâm “Đồng nhiếp vào gương trí rộng lớn tròn đầy thái hư”.

 

Trên là cách giới thiệu cho hành giả một cái thấy về ánh sáng của Tâm và tự kỷ. Chúng ta có Phật tánh nó hiện hữu bất cứ đâu và từ vô thỉ nó đã hiện hữu, như vậy phản quang là trực nhận cái mà chúng ta đang sống đang tung hoành, đang ứng dụng nó trong mọi thời gian, trong mọi không gian, trong mọi hoàn cảnh, trong mọi thứ tâm.

Như vậy, thực nghĩa của phản quang là nhìn lại tâm hay nhìn ra chính nó. Ít ai ngờ rằng đây là nghĩa thật của phản quang. Thông thường người ta nghĩ phản quang là xoay ánh sáng chiếu ra bên ngoài (cái thấy phóng chiếu) và phản quang là soi ánh sáng lại nhận biết trong tâm: những tư tưởng, hay những phản ứng yêu ghét lấy bỏ của tâm, biểu hiện như vậy là phản quang.

Thực sự, phản quang là nhìn lại chính tâm, chính cái soi xét đó, chính cái soi xét cả bên ngoài và nhận biết cả tư tưởng bên trong; cái đó là cái cần được phản quang; còn hiện tượng bên ngoài chỉ là cảnh, và tư tưởng bên trong là pháp trần, cũng chỉ là cảnh. (khi đã thể nhập được ánh sáng sáng ngời của Tâm thì hiện tượng và trần cảnh chính là ánh sáng của Tâm ánh sáng của Tâm đồng hiện cùng trần và cảnh, trần cảnh chỉ là biểu hiện ánh sáng của Tâm.)

Như vậy, xoay ngược ánh sáng là xoay ngược cái hay thấy hay nghe về chính bản thân nó. Cái hay thấy hay nghe được nhận biết bởi chính nó, vượt qua kẻ thấy và vật bị thấy, thấy trực tiếp ngay tâm đang lưu xuất, chúng ta mới bắt gặp thật tánh của Tâm. Còn không, xoay ra xoay vô chỉ là thấy sự biểu hiện của tâm qua tương quan với một hiện tượng hoặc một trần mà thôi. Phải nhận ra cái hoạt dụng xoay ra, xoay vô đó mới là phản quang.

Tâm nhận thấy chính nó là gì? “Tâm cảnh xưa nay không, Chốn chốn Ba la mật” Chỉ là Tâm, không có gì để chỉ ra, để nắm bắt nhưng nó quang minh, sáng tỏ. Nếu chúng ta sống trong sự hợp nhất giữa cái thấy và cái bị thấy, tức là chúng ta đang sống bằng quang minh của Tâm, có quang minh chúng ta mới nhận ra mọi hiện tượng mọi tư tưởng hiển bày. Và sự hiện hữu này là Tâm, sự hiện hữu này đồng thời có mặt khi cảnh có mặt, khi tư tưởng có mặt; vì vậy cơ hội để phản quang là cùng khắp bởi vì sự hiện hữu cũng cùng khắp. Thực tế Tâm hiện hữu cả khi không có cảnh và tư tưởng. Tâm như tấm gương luôn luôn sáng dù có hay không có vật hiện hình.

Công việc của chúng ta là chỉ nhận biết ánh sáng này đang hiện hữu. Chỉ nhận biết ánh sáng của Tâm đang hiện hữu đối với mọi sự vật, mọi hiện tượng, đối với sự khởi tâm của chúng ta. Đây là cách phản quang, là cách nhắc nhở người tu nhận ra sự biểu hiện của Tâm. Sự biểu hiện đó biểu thị bằng khả năng nhận biết không tác ý những gì đang xảy ra.

Và khi tâm tìm chính nó, khi truy tìm đến cùng; ta sẽ nhận ra tâm là trống không nhưng trống không, rỗng rang lại sáng tỏ quang minh. Hai yếu tố quyết định này là biểu hiện của Tâm, như vậy chúng ta kết thúc một vòng của sự đi tìm bản chất của tâm mà Phật giáo đã dùng phần lớn phương tiện để hành giả thể nhập được cái thấy này. Cái thấy giải thoát.

 

Tóm lại, nếu sự hiện hữu của chúng ta là không bao giờ dứt, thì cơ hội cho việc phản quang cũng không bao giờ dứt, bất cứ không gian thời gian nào cũng có sự hiện hữu của Tâm, bất cứ hoàn cảnh sự việc nào cũng xảy ra ngay nơi ánh sáng của Tâm; ngay tại đây và bây giờ chúng ta đang hiện hữu và ngay đây và bây giờ luôn luôn tồn tại để chúng ta từng khắc từng khắc khám phá ra chính ánh sáng của Tâm đang lưu xuất sáng ngời.

Khi đã thật sự xác quyết được ánh sáng của Tâm, vẫn tiếp tục phản quang, việc tu hành đến đây là luôn luôn thấy ánh sáng này hiện hữu như lời dạy của Lục Tổ Huệ Năng, “Nhất niệm tương ưng niệm niệm tương ưng”, “Niệm niệm thường thấy bản tánh tự tu tự hành tự thành Phật đạo”; hay như trong truyền thống Đại Toàn Thiện nói về cái thấy, thiền định, và hạnh. Cái thấy chính là ánh sáng của tâm, thiền định là sống bằng ánh sáng này và hạnh là biểu hiện của ánh sáng này trong cuộc sống.

 

 

 

Tháng 6 năm 2016, Phật Lịch 2560, Tánh Hải

 

SHARE:

Trả lời