Nụ Cười Của Phật

SHARE:

Cây đào trước sân đã trụi lá chỉ còn những cành trơ. Ở đây không có Tết trong không gian, nhưng Tết vẫn đến trong thời gian. Nhưng hình như trong sâu thẳm của mỗi người, phải hội đủ cả không gian và thời gian thì mới ra Tết, mới có sự cảm nhận về Tết.

Ở trong nước, để chuẩn bị cho Tết, trước đó người ta tước lá cho mai, săn sóc cho cúc để hoa nở đúng thời gian. Ở đây, người ta dùng mai giả, anh đào giả… để tạo ra một không gian Tết. Người ta chuẩn bị để có một sự tương giao trọn vẹn giữa không gian và thời gian trong ngày Tết. Có cả thời gian và không gian, sự việc mới tròn đầy, viên mãn. Và con người thì luôn luôn đi tìm cái tròn đầy, cái toàn thể, khi có cơ hội. Và Tết là một cơ hội.

Ở chỗ giao hội giữa không gian và thời gian đó, con người cảm nhận được sự kết nối. Sự kết nối giữa người với người, với cỏ cây, với đất trời, và sự kết nối không cùng giữa vạn vật.

Chỗ giao hội đó thể hiện trong một nụ cười an lành, tự tại, kết nối, bao dung. Đó là nụ cười của đức Di Lặc, cũng là nụ cười của tất cả chư Phật, chư Tổ. Đối với người Phật tử, ngày Tết cũng là ngày vía đức Di Lặc. Và nụ cười của Ngài là ngón tay chỉ mặt trăng, là công án cho chúng ta tìm thấy mùa Xuân chân thật, mùa Xuân tiềm tàng sẵn có nơi tất cả chúng ta.

Nụ Cười Của Đức Bổn Sư

Hai lần trao truyền hai pháp môn quan trọng là hai lần chúng ta thấy kinh điển đề cập đến nụ cười của đức Bổn sư. Một lần khi Ngài trao truyền pháp môn Tịnh độ cho hoàng hậu Vi Đề Hi (Vaideli), vợ của vua Tần Bà Sa La (Bimbisàra), và một lần khi Ngài trao truyền Tâm ấn Thiền cho Ngài Ma Ha Ca Diếp (Mahàkàsyapa.)

Về lần Ngài truyền Pháp môn Tịnh độ, trong Quán Kinh có đoạn:

“Ðức Thế Tôn phóng ánh sáng giữa hai mày, ánh sáng ấy màu chơn kim, chiếu khắp mười phương vô lượng thế giới, trở về trụ tại đỉnh đầu Phật, hóa làm đài chơn kim lớn như núi Tu Di, bao nhiêu quốc độ thanh tịnh vi diệu của mười phương chư Phật đều hiện rõ trong đài vàng ấy.

Hoặc có quốc độ thất bửu hiệp thành. Hoặc có quốc độ thuần là liên hoa. Lại có quốc độ như tự tại Thiên cung. Lại có quốc độ như gương pha lê. Có vô lượng quốc độ chư Phật như vậy trang nghiêm xinh đẹp, khiến Vi Ðề Hi được thấy.

Vi Ðề Hi bạch Phật rằng:” Bạch đức Thế Tôn! Dầu các Phật độ ấy đều thanh tịnh đều có quang minh. Nay tôi thích sanh về Cực Lạc thế giới, chỗ của đức Phật A Di Ðà. Duy nguyện đức Thế Tôn dạy tôi tư duy, dạy tôi chánh thọ”.

Ðức Thế Tôn liền mĩm cười, có ánh sáng ngũ sắc từ miệng Phật phóng ra, mỗi mỗi ánh sáng chiếu đỉnh đầu vua Tần Bà Sa La.

Dầu bị giam cầm ngục tối, tâm nhãn vua không chướng ngại xa thấy đức Thế Tôn, vua đầu mặt lạy Phật, tự nhiên tăng tiến đạo lực thành bực A Na Hàm.

(Kinh Quan Vô Lượng Thọ – HT Thich Trí Tịnh dịch)

Khi đọc Quán Kinh, thường chúng ta không để ý đến nụ cười của đức Phật. Có thể hoàng hậu Vi Đề Hi cũng không hiểu nụ cười đó của đức Phật, nhưng chắc chắn vua Tần Bà Sa La đã hiểu. Ngay sau khi nhìn thấy đức Thế Tôn với ánh sáng phóng ra từ miệng đang mỉm cười, ông liền chứng quả A Na Hàm, một quả vị giải thoát không tái sanh lại trong thế gian.

Nụ cười đó là nụ cười đem con người từ khổ đau đến an vui, đem con người ra khỏi ngục tù để đi vào một đời sống tự do thênh thang. Đó là nụ cười chứa đầy ánh sáng, thứ ánh sáng có thể nhổ sạch những vướn mắc, khổ đau, xóa sạch những tối tăm, bất tịnh.

Ánh sáng đó mở ra một thế giới thanh tịnh, một thế giới không còn ngăn ngại. Dầu bị giam cầm ngục tối, tâm nhãn vua không chướng ngại, vẫn xa thấy đức Thế Tôn. Đó là thế giới mà vạn pháp kết nối và dung thông nhau, một thế giới không còn giới hạn vào không gian và thời gian, ở đó không gian và thời gian là một. Thế giới đó chỉ có thể tỏ bày bằng sự im lặng hay một nụ cười.

Theo truyền thống Thiền, một hôm trong Pháp hội ở Linh Sơn, đức Phật đưa lên một cành hoa sen trước đại chúng, miệng mỉm cười. Tất cả đại chúng đều yên lặng ngơ ngác. Khi đó chỉ có ngài Ca Diếp nhìn Phật mỉm cười. Đức Phật nói: “Ta có Chánh pháp nhãn tạng, Niết bàn diệu tâm, nay trao cho Ma Ha Ca Diếp.”

Chánh pháp nhãn tạng, Niết bàn diệu tâm là mục đích cứu cánh của Thiền nói riêng và của Phật giáo nói chung. Nhưng đó cũng là cái mà chúng ta đang sống từng phút giây trong đó mà không hề hay biết. Và khi nào chúng ta nhận ra được cái đó là lúc chúng ta thật sự nhìn thấy không gian và thời gian. Hoa sen và nụ cười, đó là không gian và thời gian. Đó là lúc con người dừng lại thời gian là tâm thức để là một với không gian là hoa sen. Không gian và thời gian gặp nhau và dừng lại ở chỗ đó, ở nụ cười của đức Phật, của Ngài Ma Ha Ca Diếp. Khi không gian và thời gian là một thì cũng không còn không gian và thời gian. Đó là Chánh pháp nhãn tạng, Niết bàn diệu tâm. Chánh pháp nhãn tạng, Niết bàn diệu tâm là một cái toàn thể. Một sự việc hiện ra riêng rẽ thì có trước có sau, có chỗ nầy có chỗ kia, có tốt có xấu. Nhưng cái toàn thể thì vượt ra ngoài những tính chất đó, vượt ra ngoài không gian và thời gian.

Hai lần mỉm cười của đức Phật mang cùng một ý nghĩa. Đó là ý nghĩa của hy vọng và giải thoát. Hy vọng là hướng về một tương lai không phải là bây giờ, giải thoát là hướng về một nơi chốn không phải là ở đây. Nụ cười của đức Phật làm cho hy vọng đơm hoa ngay bây giờ và giải thoát kết trái ngay nơi đây.

Đứng trước sự vô thường và khổ đau, con người mong cầu một cái gì vĩnh cữu và không khổ đau. Nhưng khi vẫn còn sống trong dòng thời gian không ngừng trôi thì không gian sẽ vẫn còn đổi thay, biến dịch. Lúc đó sẽ không có bình an và hạnh phúc. Chỉ khi nào thời gian không còn tách rời với không gian, khi nào con người nắm bắt được cái hiện tại, nhìn thấy được cái khoảng cách giữa hai khoảnh khắc của thời gian hay giữa hai niệm tưởng tiếp nối, khi đó mới có bình an, hạnh phúc. Khi đó chúng ta mới đón nhận được nụ cười của đức Phật và tự mình mới có thễ chân thật mĩm cười.

Đó là niềm ước vọng ngàn đời của con người. Và ngày Tết trong một ý nghĩa nào đó nói lên cái ước vọng dừng lại ngàn đời đó.

Đến Nụ Cười Của Ngài Di Lặc

Từ Thị hay Di Lặc tiếng Phạn là Maitreya là vị Bồ tát được đức Thích Ca Mâu Ni thọ ký sẽ thành Phật trong thế giới nầy kế sau Ngài.

Theo giáo lý Nam Tông cũng như Bắc Tông, trú xứ hiện tại của đức Di Lặc là cung trời Đâu Suất, và Ngài sẽ ra đời chứng quả Vô Thượng Chánh Giác để hóa độ trời và người khi giáo pháp của đức Thích Ca không còn dấu vết trên thế gian.

Trong khoảng thời gian đến khi chứng quả Phật, đức Di Lặc vẫn theo dõi và thủ hộ thế gian. Một phần trong việc thủ hộ thế gian của Ngài là thường xuất hiện trong thế gian dưới nhiều hình thức để dẫn dắt chúng sanh thăng tiến theo hướng chân chính.

Vì hạnh nguyện của Ngài và niềm hy vọng của thế gian về sự xuất hiện của Ngài, Ngài thường được tôn thờ như một vị Phật. Bồ tát Long Thọ, vị tổ của giáo lý Trung Quán, nói rằng sự thờ kính đức Di Lặc là một con đường dễ dàng dẫn đến giác ngộ bằng tha lực.

Trong Phật giáo chúng ta thường có cụm từ “Xuân Di Lặc.” Xuân Di Lặc là Xuân an vui, như hình ảnh của đức Di Lặc lúc nào cũng tươi cười thong dong trong thế giới của sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Kinh Pháp Hoa nói:

“…Trong hàng tám trăm người đệ tử có một người tên Cầu Danh, người nầy tham ưa danh lợi, dầu cũng đọc tụng Kinh mà chẳng thuộc rành, phần nhiều quên mất nên gọi là Cầu Danh. Người nầy cũng do có trồng các nhơn duyên căn lành nên đặng gặp vô lượng trăm nghìn muôn ức đức Phật mà cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen.

Di Lặc nên biết! Lúc đó Diệu Quang Bồ Tát đâu phải người nào lạ, chính là ta (Văn Thù) đấy. Còn Cầu Danh Bồ Tát chính là ngài đấy…”

(Kinh Pháp Hoa – Phẩm Tựa)

Đó là sự hòa nhập trong thế gian, xúc chạm với thế gian. Nếu không có sự hòa nhập đó, không có sự xúc chạm đó, Ngài đã không được đức Thích Ca Mâu Ni thọ ký cho sẽ thành Phật tiếp sau Ngài. Hòa nhập mà không hòa nhập, xúc chạm mà rời xúc chạm. Đó là nụ cười vừa từ bi vừa trí tuệ, vừa ôm vạn pháp trong lòng vừa biết rằng các pháp là không thật, không có tự tánh.

Thiền sư Đàm Cứu Chỉ thời Lý viết: “Thấu rõ chúng sanh chỉ là một pháp, chứ không phải hai. Không bỏ nghiệp cảnh đó là phương tiện thiện xảo. [Như thế] thì ở trong thế giới hữu vi mà chỉ rõ được pháp hữu vi và không phân biệt với tướng vô vi. Đó là vì muốn dứt bỏ mọi vọng niệm, mọi sự phân biệt mà thôi.” (Tâm Pháp – Băng Thanh dịch.)

Có người hỏi Tuệ Trung Thượng sĩ:

– Dật Đa (Di Lặc) không tu định huệ, tại sao vẫn thành Phật?

Sư đáp:

Đào thắm trên cây thời tiết đúng

Cúc vàng bên dậu chẳng là Xuân!

(Hồng đào thụ thượng chân thời tiết

Hồng cúc ly biên bất thị Xuân)

(Thượng Sỹ Ngữ Lục)

Nụ cười của đức Di Lặc chỉ cho chúng ta thấy rằng đào thắm, cúc vàng, thời tiết chẳng làm nên được mùa Xuân. Mùa Xuân vốn có sẵn trong pháp giới cũng như trong tâm của mọi người. Mùa Xuân đó không ở trong không gian hay thời gian. Nó vốn có sẵn nhưng chỉ được nhìn thấy và sống với khi có thể dừng lại ngay trong dòng biến dịch của thời gian để thấy được phút giây hiện tại, phút giây chứa đựng cả không gian và thời gian, là chỗ mà không gian và thời gian gặp nhau, chỗ mà trong thâm sâu của tâm thức, con người muốn đi tìm trong ngày Tết. Đó là Phật Tánh tiềm ẩn trong mọi chúng sanh.

Trong Uttaratantra, đức Di Lặc mặc khải cho ngài Vô Trước giáo lý Phật Tánh có sẵn trong tâm của mọi chúng sanh có đoạn sau đây:

Bảo tàng nằm dưới nền nhà của kẻ nghèo khó

Nhưng vì y không biết có bảo tàng

Nên không biết rằng mình là người giàu có.

Cũng thế, trong tâm mỗi người đều có sẵn chân lý bất hoại

Nhưng vì không thấy được nó,

Con người trôi theo dòng đau khổ không ngừng.

Bảo tàng nằm dưới nền nhà của kẻ nghèo khó

Y không nói rằng mình có một kho bảo tàng

Vì y không biết nó.

Cũng thế, kho tàng chân lý nằm trong căn nhà tâm,

Nhưng con người sống nghèo nàn vì thiếu nó.

Do đó người nhìn thấy sinh ra và sống thanh tịnh trong thế gian

Để mở bày kho bảo tàng vốn sẵn đó.

Đức Di Lặc là đấng đang và sẽ mở bày kho bảo tàng vốn sẵn đó. Ngài đi trong khắp thế gian để chuẩn bị cho sự thành tựu lớn của thế gian trong tương lai.

“Kinh Di Lặc Thượng Sanh nói : “Không khởi tu thiền định, không vọng trừ phiền não. Phật thọ ký cho người này thành Phật không nghi”.

Học sĩ Trần Tú Ngọc có lần hỏi Tổ Vạn Tùng rằng : “Ðức Di Lặc Bồ Tát vì sao chẳng tu thiền định, chẳng dứt trừ phiền não ?”

Tổ Tùng đáp : “Chân Tâm vốn tịnh, nên chẳng tu thiền định. Vọng tưởng vốn không, nên chẳng dứt lìa phiền não”.

Học sĩ lại đem câu này hỏi Ngài Hương Sơn Ðại Nhuận Hòa Thượng. Ngài đáp : “Tâm Thiền vốn định, chẳng trở lại tu. Phiền não tịch diệt, chẳng cần lại đoạn”.

Học sĩ lại đem hỏi Ngài Trúc Lâm Hải Cự Xuyên. Tổ Xuyên đáp : “Vốn không có thiền định, phiền não !”

Học sĩ nói : “Chỉ có thế này mới khoái !”

(Kinh Lăng Nghiêm Tông Thông)

Hình ảnh đức Di Lặc mà người Trung hoa và Việt nam hay thờ là hình ảnh của một vị Thiền sư tên là Bố Đại (Bố Đại Hòa Thượng). Tương truyền Ngài là một hóa thân của đức Di Lặc. Khi sắp tịch Ngài ngồi ngay thẳng trên bàn thạch dưới đông lang ở chùa Nhạc Lâm, nói bài kệ:

Di Lặc chơn Di Lặc

Hóa thân thiên bách ức

Thời thời thị thời nhơn

Thời nhơn giai bất thức.

(Di Lặc thật Di Lặc 

Phân thân nghìn trăm ức 

Luôn luôn chỉ dạy người 

Người đời không tự biết.)

Theo Priyanshu Shrivastava, những ý tưởng về hình tượng của Phật Di Lặc xuất phát từ những tin tưởng về sau của người Phật tử rằng đời sống tốt đẹp và xứng ý có thể đạt được trong thế gian nầy. Nó có thể có được qua việc sống một đời sống đơn giản, cố gắng chân chính, lòng rộng lượng và sự hiểu biết.

Nụ cười của Phật cũng nói lên cái nhìn vào thế gian bằng cái nhìn hài hước. Nụ cười hài hước không mâu thuẩn với nụ cười bao dung. Khi nhìn từ cái toàn thể, thấy con người cũng đầy đủ Tánh Phật lại lăng xăng trong những cái đối kháng nhau, miệt mài với những mảnh vụn không thật, thật đáng cười mà cũng đáng yêu biết mấy.

Tuy nhiên, hình ảnh đức Di Lặc bụng lớn miệng cười xề xòa đã bị thế gian hóa nặng nề theo thời gian và càng ngày càng bớt đi sự truyền cảm.

Theo niềm tin của người Trung hoa, hình ảnh đức Phật cười có thể đem đến sự may mắn, thành công, hạnh phúc, mãn nguyện, sung túc và giàu có. Qua thời gian, hình ảnh Phật giáo bị người Trung hoa làm pha trộn bằng những lý tưởng Trung hoa về đời sống và sự hạnh phúc. Sự pha trộn đó đã làm lệch lạc những lý tưởng và giá trị nguyên thủy của Phật giáo. Và ngày nay, hạnh phúc đã trở thành đồng nghĩa với sự giàu có về vật chất. Hình ảnh đức Phật Di Lặc trở thành một vị thần được sùng bái với hy vọng có được của cải dồi dào và cuộc sống may mắn. Hình tượng  đức Phật Di Lặc bị đồng hóa với “ông địa” trong tín ngưỡng dân gian của Trung hoa.

Trong thời buổi mà vật chất đang đè bẹp con người, chúng ta nên trở về tìm lại nụ cười nguyên sơ của đức Di Lặc, cũng là nụ cười của tất cà chư Phật. Về hình tướng, chúng ta nên trở về với hình ảnh truyền thống của Ngài còn tồn tại ở Ấn Độ và Tây tạng.

Tóm lại, đức Phật Di Lặc là đức Phật của tương lai, là niềm hy vọng cho tương lai. Niềm hy vọng nầy được xây dựng ngay từ bây giờ, bằng hạnh phúc và an lạc ngay bây giờ và ở đây. Hạnh phúc hiện tại sẽ là nền tảng cho hạnh phúc tương lai. Sống trong mùa Xuân hiện tại là để thành tựu cho một Mùa Xuân Lớn trong tương lai.

Nụ Cười Của Tiền Nhân

Cư Trần Lạc Đạo Phú của Trần Nhân Tông có đoạn:

Biết vậy !

Miễn được lòng rồi

Chẳng còn phép khác

Gìn tính sáng tính mới hầu an

Nén niềm vọng niềm dừng chẳng thác

Dứt trừ nhân ngã thời ra tướng báu kim cương

Dừng hết tham sân mới lảu lòng mầu viên giác

Tịnh độ là lòng trong sạch chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương

Di Đà là tính sáng soi mựa phải nhọc tìm về cực lạc …

Các Thiền sư Việt Nam thường dùng hình ảnh mùa Xuân để diễn tả tâm an lạc của giác ngộ, cái tâm luôn mới mẻ, luôn tràn đầy. Vua Trần Nhân Tông dùng chữ Được Lòng để nói lên trạng thái tâm cảnh nhứt như đó. Và đó là nụ cười của Thiền sư Giác Hoàng.

Được Lòng có nghĩa là được Tâm, thấy được Phật Tánh, Pháp Thân. Đó là thấy được nền tảng thanh tịnh và trong sáng bản nhiên của vạn pháp, thấy được sự kết nối trùng trùng duyên khởi, luôn luôn biến dịch nhưng luôn luôn hòa điệu của pháp giới.

Được Lòng trong tiếng Việt có nghĩa là được cả tâm mình lẫn tâm người. Cái tâm được cả mình và người là cái tâm phổ quát, nguyên sơ. Tâm đó là Tâm Phật. Khi được tâm mình mà không được tâm người thì có nghĩa là chưa đủ, chưa trọn vẹn, hay chưa đúng. Một dấu hiệu của sự Được Lòng hay giác ngộ là thấy rằng chúng ta và tất cả mọi người đều bình đẳng, đều như nhau trong nền tảng của sự sống; rằng chúng ta và mọi người, mọi loài có sự kết nối không thể tháo gỡ trong bản thể của chúng ta và của mọi sự vật; tất cả chúng ta đều cùng tròn đủ Tánh Phật. Sự kết nối với con người, với vạn vật đó được Thiền Sư Mãn Giác nói lên qua hình ảnh một cành mai, được Trần Nhân Tông nói lên qua hình ảnh một đóa hồng đang rơi, hay hình ảnh hai người cùng đứng lặng chìm mình trong thiên nhiên. Nhìn thấy sự kết nối của mọi sự mọi vật đó là nhìn thấy bản chất của sự sống, là dứt trừ nhơn-ngã. “Đó là cái thấy không phân ly, một là tất cả và tất cả là một, ngay ở đây và bây giờ. Đó là cái thấy không ta, không người, không chúng sanh, không người thọ, đồng thời cũng là cảnh giới Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Đó là Tâm, Tâm Phật cũng là Tâm của tất cả chúng sanh.”

Được Lòng trong ngôn ngữ Việt Nam còn nói lên sự thỏa mãn trọn vẹn. Sự thỏa mãn trọn vẹn đó là niềm vui dàn trải từ bên trong đến bên ngoài. Niềm vui đó là sự Được Lòng, là nắm được cái nền tảng, cái cốt tủy của đời sống.

Như vậy Được Lòng có nghĩa là sống trong Pháp Tánh, trong sơ tâm, thấy rõ không qua suy luận tánh vô ngã rỗng rang của mỗi chúng ta và người khác, đồng thời cũng thấy rõ rằng chúng ta và mọi người, mọi loài đều có sự kết nối trong nhau.

(Thị Giới, Vài Nét Đặc Trưng Của Phật Giáo Việt Nam)

Đạo Phật là đạo của niềm vui. Người Phật tử là người biết yêu mến cuộc sống. Nói như Thanissaro Bhikkhu, “Đức Phật không bao giờ đòi hỏi chúng ta đóng khung tâm thức trong việc phủ nhận thế gian hay khẳng định thế gian. Ngài muốn chúng ta khám phá thế gian.” (Niềm Vui Tinh Tấn.) Đời sống là môi trường, là phòng thí nghiệm để chúng ta khám phá sự sống, khám phá ra rằng chính đời sống là một bảo tàng. Từ đời sống chúng ta khám phá ra niềm vui, ra cái Được Lòng. Niềm vui đó, cái Được Lòng đó chỉ có thể thành tựu trong sự hợp nhứt, trong cái toàn thể. Và sự thành tựu đó chỉ xảy ra trong sự giao hội hài hòa giữa không gian và thời gian.

Thiền sư Mãn Giác thời Lý có bài kệ Thị Tịch:

Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tùng đầu thượng lai

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

(Xuân đi trăm hoa rụng

Xuân đến trăm hoa tươi

Việc đời qua trước mắt

Trên đầu già đến rồi.

Đừng bảo Xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một cành mai.)

Đó là không gian không ngăn cách và thời gian không hạn cuộc. Đêm qua sân trước là thời gian và không gian. “Một cành mai” là cái xúc tác để thời gian của “đêm qua” và không gian của “sân trước” được hiển bày trong sự hợp nhứt, trong cái toàn thể. Nếu không có một cành mai thì đêm qua sân trước vẫn là đêm qua sân trước, vẫn là một toàn thể hợp nhất của không gian và thời gian. Và khi bắt được thời gian và không gian đó, nhận ra được khuôn mặt thật của mùa Xuân, cũng là khuôn mặt thật của bốn mùa Xuân, Hạ, Thu và Đông, thì liền có được niềm vui bất tuyệt như vua Trần Nhân Tông đã thốt:

Như kim khám phá Ðông hoàng diện

Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.

(Khuôn mặt chúa Xuân nay khám phá

Ngồi trên thiền đệm ngắm hoa rơi.)

Như chúng ta đều biết, vua Trần Nhân Tông là một vị vua lãnh đạo chiến thắng hai cuộc chống ngoại xâm Nguyên Mông, tổ chức thành công Hội Nghị Diên Hồng, xây dựng một xã hội đạo đức, thanh bình, có nề nếp, cũng là vị vua đã mở mang bờ cõi trong tinh thần hòa bình. Như vậy, Đuợc Lòng, nụ cười của Phật giáo Việt nam nói riêng và của Phật giáo nói chung, là một nụ cười gắn bó và hòa nhịp với bước chân của thời đại, nhân sinh, xã hội và con người, là Thực tại sống động ở ngay đây và bây giờ.

Và Nụ Cười Của Chúng ta

Nụ cười của Phật mất đi trên thế gian khi chúng ta chìm vào trong tham, sân, si, mạn, nghi. Nó mất đi khi chúng ta sống một đời sống ngăn cách, xa lìa, chia chẻ, bất hòa. Nụ cười đó cũng mất đi khi chúng ta không còn biết lắng nghe, không còn biết chiêm ngưỡng, tôn trọng,  yêu mến và biết ơn những cái đẹp của đời sống. Nụ cười đó cũng không còn nữa khi chúng ta không hòa nhập được vào dòng sống của thời đại, của xã hội, không đồng hành cùng con người và thời đại chúng ta đang sống.

Chúng ta hãy nhìn bằng cái nhìn “Bốn mắt nhìn nhau” (*) để có thể nhìn sâu vào nhau, để có thể nhìn được Phật tánh của nhau.

Chúng ta hãy chúc nhau bằng lời chúc của ngài Chân Nguyên:

Quốc gia vĩnh cữu, ngôi báu kim luân và trời đất trường tồn.

Phật đạo không cùng, nối Tổ truyền Tông cùng Thứu Phong chẳng mất.

Hãy lấy nụ cười của Phật làm nền tảng, làm con mắt cho những lời chúc đó. Khi xã hội có nền tảng, có con mắt thì nó mới phát triển đúng hướng, con người trong đó mới có hạnh phúc, và đất nước mới thanh bình, giàu mạnh.

Nụ cười đó thật sự vẫn mãi mãi tồn tại trong tâm của mỗi người, đó là  Phật tánh vốn sẵn của mỗi người. Để khơi lại nụ cười đó, chúng ta cần phát triển và đào sâu cái nhìn, cái thấy để cảm thông, để có tình thương, trách nhiệm, lòng lân mẫn và biết đối xử bằng trái tim ấm áp với mọi người, mọi loài, hữu tình hay vô tình.

Nụ cười đó không phải khó nhọc đi tìm như chàng trai kia cột đá vào lưng, nhọc nhằn leo lên đầu núi thẳm để tìm kiếm, như trong một cuốn phim của Đại Hàn có tên Xuân Hạ Thu Đông. Nhưng nụ cười đó nằm ngay trong cuộc sống bình thường, đói ăn khát uống, đúng thời khắc thì tự tại ra đi như của vị Thầy.

Nụ cười đó vốn sẵn ngay đây và bây giờ, ở ngay trong điểm giao hội giữa không gian và thời gian mà chúng ta dễ cảm nhận qua ngày Tết, qua mùa Xuân. Khi tâm thức dừng lại, “không nghĩ thiện, không nghĩ ác” (**), khi tâm thức xả bỏ mọi thứ trong quá khứ (của năm cũ) và chưa nhọc nhằn tính toán cho tương lai, Phật Tánh sẽ chiếu qua chỗ dừng nghỉ đó để hiển lộ. Hãy chộp lấy nó và gìn giữ nó. Khi chúng ta chộp bắt được nền tảng của mùa Xuân, chúng ta sẽ chộp bắt được nền tảng của sự tương giao giữa chúng ta và thế giới, giữa chúng ta và cái nền tảng nằm bên sau và bao trùm mọi hiện tượng, mọi tưởng niệm. Khi đó chúng ta Được Lòng. Khi Được Lòng rồi, như lời dạy của các Thiền sư, chúng ta hãy khéo quán sát và giữ gìn Nó.

Hy vọng nụ cười của Phật sẽ vẫn nở cho đến khi mọi người đều nhìn thấy và cảm nhận. Và cũng hy vọng rằng mùa Xuân sẽ là một môi trường để chúng ta dừng lại và nhìn thấy nụ cuời đó, như tiền nhân của chúng ta đã từng làm.

Xin chúc mọi người:

Xuân đến, Xuân đi, Xuân bất tận,

Vui hoài, vui mãi, vui không cùng.

Thị Giới.

Chú thích:

(*)Năm 19 tuổi, Thiền Sư Chân Nguyên lên chùa Hoa Yên vào yết kiến Thiền sư Tuệ Nguyệt (Chân Trú).

Thiền sư Tuệ Nguyệt hỏi:- Ngươi ở đâu đến đây ?

Sư thưa:- Vốn không đi lại.

Tuệ Nguyệt biết Sư là pháp khí sau này, bèn thế phát xuất gia cho pháp danh là Tuệ Đăng. Sau không bao lâu Tuệ Nguyệt tịch. Sư cùng bạn đồng liêu là Như Niệm phát nguyện tu hạnh đầu-đà đi du phương để tham vấn Phật pháp. Thời gian sau, Như Niệm đổi ý trở về trụ trì chùa Cô Tiên. Sư đi lên chùa Vĩnh Phúc ở núi Côn Cương tham vấn Thiền sư Minh Lương là đệ tử của Chuyết Chuyết.

Sư hỏi: – “Bao năm dồn chứa ngọc trong đãy, hôm nay tận mặt thấy thế nào” là sao ?

Thiền sư Minh Lương đưa mắt nhìn thẳng vào Sư, Sư nhìn lại, liền cảm ngộ, sụp xuống lạy. Minh Lương bảo:

–  Dòng thiền Lâm Tế trao cho ông, ông nên kế thừa làm thạnh ở đời.

Minh Lương đặt cho Sư pháp hiệu là Chân Nguyên và bài kệ phó pháp:

          Ngọc quý ẩn trong đá

          Hoa sen mọc từ bùn

          Nên biết chỗ sinh tử

          Ngộ vốn thật Bồ-đề.

          (Mỹ ngọc tàng ngoan thạch

          Liên hoa xuất ứ nê

          Tu tri sinh tử xứ

          Ngộ thị tức Bồ-đề.)

Chính vì chỗ ngộ này, sau Sư soạn quyển “Trần Triều Thiền Tôn Chỉ Nam Truyền Tâm Quốc Ngữ Hành” có cả thảy bảy lần nói về “Tứ mục tương cố” (bốn mắt nhìn nhau).(HT Thích Thanh Từ.)

(**) Ngài Huệ Năng, Pháp Bảo Đàn Kinh.

SHARE:

Để lại một bình luận