ĐÓN NHẬN NGUỒN CẢM HỨNG CHÂN THẬT

SHARE:

Đức Thế Tôn đã không cố “truyền cảm hứng” hay gây ấn tượng với người khác bằng những câu chuyện huyền hoặc. Ngài đã không ra vẻ là một bậc thầy bằng cách đi khắp nơi ban lực gia trì cho mọi người, hay làm những chuyện tương tự. Điểm tương đồng mà Đức Phật đã sử dụng, được lặp đi lặp lại trong toàn bộ giáo lý nhà Phật, là một vị Phật giống như mặt trời. Mặt trời không cố gắng sưởi ấm con người. Do bản chất tự nhiên của mặt trời, nó tự động mang đến hơi ấm cho mọi người.

 

Đôi khi, hình thức hỗ trợ mà ta có thể nhận được từ vị thầy tâm linh, từ tăng thân hay bạn bè được gọi là “nguồn cảm hứng.” Giáo lý của Đức Phật đặt nặng trọng tâm vào việc đón nhận nguồn cảm hứng từ Tam Bảo, từ đạo sư, v.v… Từ ngữ Tây Tạng là “jinlab” (byin-rlabs), thường được dịch là “lực gia trì,” vốn là một cách phiên dịch không phù hợp. Chúng ta cần có nguồn cảm hứng. Chúng ta cần một loại sức mạnh nào đó để tiếp tục tu hành.

 

Đường tu theo Phật pháp không phải là một con đường dễ dàng. Nó đương đầu với những điều tệ hại của cuộc sống. Chúng ta cần một nguồn cảm hứng vững chắc. Nếu nguồn cảm hứng của ta là những câu chuyện huyền hoặc về phép mầu và những điều đại loại mà vị thầy kể về bản thân họ hay các nhân vật khác trong lịch sử Phật giáo, đó không phải là một nguồn cảm hứng thật bền vững. Chắc chắn chúng rất thú vị, nhưng ta phải xem xét chúng ảnh hưởng ta như thế nào. Đối với nhiều người, chúng củng cố một thế giới tưởng tượng, trong đó ta mong ước sự cứu rỗi của phép mầu. Ta tưởng tượng rằng một vị ảo thuật gia lỗi lạc sẽ cứu giúp ta bằng quyền năng kỳ diệu của vị ấy, hoặc bỗng nhiên ta có thể tự mình phát triển những điều kỳ diệu này. Ta phải vô cùng thận trọng đối với những câu chuyện huyền hoặc này. Chúng có thể truyền cảm hứng cho niềm tin của ta, v.v…, và điều này có thể hữu ích, nhưng nó không phải là nền tảng vững chắc của nguồn cảm hứng. Chúng ta cần có một nền tảng vững bền.

 

Một ví dụ hoàn hảo là trường hợp của Đức Phật. Đức Thế Tôn đã không cố “truyền cảm hứng” hay gây ấn tượng với người khác bằng những câu chuyện huyền hoặc. Ngài đã không ra vẻ là một bậc thầy bằng cách đi khắp nơi ban lực gia trì cho mọi người, hay làm những chuyện tương tự. Điểm tương đồng mà Đức Phật đã sử dụng, được lặp đi lặp lại trong toàn bộ giáo lý nhà Phật, là một vị Phật giống như mặt trời. Mặt trời không cố gắng sưởi ấm con người. Do bản chất tự nhiên của mặt trời, nó tự động mang đến hơi ấm cho mọi người. Mặc dù ta có thể thấy lâng lâng khi nghe một câu chuyện kỳ bí, được chạm đầu vào một tượng Phật, hay có một sợi dây đỏ để đeo quanh cổ, nhưng chúng không vững chắc. Nguồn cảm hứng vững chắc là cách một vị thầy thể hiện những phẩm chất tự phát và tự nhiên của một con người, cá tính của họ, cách vị ấy thể hiện bản thân từ kết quả của việc thực hành Pháp. Đây mới chính là nguồn cảm hứng, chứ không phải những hành động mà người ta tạo ra để chúng ta giải trí. Mặc dù điều này có thể không thú vị bằng những mẫu chuyện huyền hoặc, nó sẽ mang đến cho ta một nguồn cảm hứng bền vững.

 

Khi có tiến bộ trong việc tu tập, ta có thể nhận được nguồn cảm hứng từ chính sự tiến bộ của mình, không phải từ những quyền năng kỳ diệu, mà là từ sự thay đổi chậm rãi trong tâm tính. Giáo pháp luôn nhấn mạnh việc tùy hỷ đối với những thiện hạnh của mình. Điều vô cùng quan trọng mà ta nên nhớ là sự tiến bộ trong việc tu tập không bao giờ là một đường thẳng tiến. Nó không đơn thuần tiến triển tốt hơn mỗi ngày. Một trong những tính chất của luân hồi là tâm trạng của ta liên tục thay đổi lên xuống, cho đến khi ta hoàn toàn giải thoát khỏi luân hồi, và đó là một trạng huống tiến bộ vượt bực. Ta phải tiên liệu rằng sẽ có những lúc ta cảm thấy hạnh phúc, đôi khi thì bất hạnh. Đôi khi, ta có thể hành động một cách tích cực, và khi khác thì những thói quen điên rồ lại chiếm ưu thế. Sự việc sẽ lên xuống như thế. Thường thì phép lạ không xảy ra.

 

Giáo lý về việc lánh xa bát phong nhấn mạnh việc không tự mãn khi mọi việc diễn ra tốt đẹp, và không chán chường khi chúng không tiến triển thuận lợi. Cuộc sống là vậy. Ta cần phải nhìn vào những hiệu ứng lâu dài, chứ không phải những hiệu ứng nhất thời. Ví dụ, nếu đã tu tập được 5 năm thì so với 5 năm về trước, ta có rất nhiều tiến bộ. Mặc dù đôi khi bị rối trí, nếu ta nhận ra rằng mình có thể giải quyết tình huống bằng lý trí và tình cảm một cách bình tĩnh hơn, sáng suốt hơn, điều này cho thấy ta đã có tiến bộ. Đây chính là nguồn cảm hứng. Nó không có chất kịch tính, mặc dù ta muốn nó như vậy và cảm thấy lâng lâng đối với những vở tuồng đầy kịch tính. Đó là nguồn cảm hứng vững chắc.

 

Giáo Pháp Trong Đi Sng Hàng Ngày

Alexander Berzin 
Morelia, Mễ Tây Cơ, tháng Sáu, 2000 
Trần Ngọc Phú chuyển Việt ngữ; Lozang Ngodrub hiệu đính

SHARE:

Trả lời