SHARE:
“Thiền sư Chân Không (1045 – 1100) – (Đời thứ 16, dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi)
Sư họ Vương tục danh Hải Thiềm, quê làng Phù Đổng huyện Tiên Du, con nhà sang trọng. Lúc mẹ mang thai Sư, cha mộng thấy vị Tăng trao cho cây tích trượng. Sau đó, sinh ra Sư. Thuở nhỏ, Sư thích ở riêng một mình, siêng năng đọc sách, chẳng màng những việc vặt vãnh. Năm 15 tuổi, Sư đã bác thông sách sử. Đến 20 tuổi, Sư xuất gia, rồi dạo khắp tùng lâm tìm nơi khế hợp. Sư đến pháp hội chùa Tĩnh Lự núi Đông Cứu nghe giảng kinh Pháp Hoa, hoát nhiên tỉnh ngộ. Cơ duyên khế hợp ấy, khác nào con rùa mù gặp bộng cây. Sư ở đây nhập thất sáu năm, sự tham vấn càng ngày càng sâu. Nhân đó, được truyền tâm ấn.
Sau, Sư đến núi Từ Sơn dừng trụ. Tự lấy giới luật giữ mình, trên hai mươi năm không hề xuống núi. Danh tiếng vang dậy xa gần. Vua Lý Nhân Tông nghe danh, xuống chiếu mời vào Đại nội giảng kinh Pháp Hoa. Thính giả nghe giảng ai nấy đều kính phục. Bấy giờ, Thái úy Lý Thường Kiệt, Thích sử Lạng Châu, Tướng quốc Thân Công rất kính trọng Sư thường xả tài vật cúng dường. Những phần cúng dường Sư đều dùng vào việc sửa chùa xây tháp, đúc hồng chung để lại đời.”
(trích Thiền Sư Việt Nam, Hòa Thượng Thích Thanh Từ Biên Soạn)
Ngày mùng 1 tháng 11 niên hiệu Hội Phong thứ chín (1100), Sư báo tin sắp tịch nói kệ:
Diệu bản thênh thang rõ tự bày,
Gió hòa thổi dậy khắp ta-bà.
Người người biết rõ vô vi lạc,
Nếu đúng vô vi mới là nhà.
(Diệu bản hư vô minh tự khoa,
Hòa phong xuy khởi biến ta-bà.
Nhân nhân tận thức vô vi lạc,
Nhược đắc vô vi thủy thị gia.)
(Chữ đắc có hai nghĩa tương ứng: được và đúng người viết dùng nghĩa đúng trong trường hợp này.)
Diệu bản thênh thang rõ tự bày, Bản tâm thêng thang như hư không, không thể nắm bắt, không thể chỉ ra nhưng cái diệu dụng của nó, nếu chúng ta rõ được, chúng ta sẽ nhận được tâm này bày hiện.
Gió hòa thổi dậy khắp ta bà, là sự phô diễn, khơi gợi, không ngừng hóa hiện của tâm giải thoát trong cuộc sống của chúng ta dù chúng ta có biết hay không biết, có để tâm hay không để tâm tới, có đau khổ hay hạnh phúc có biến đổi thăng trầm hay không thăng trầm; thì vẫn gió hòa thổi dậy khắp ta bà. Sự mời gọi này là tất cả nhịp điệu diễn ra trong cuộc sống, đâu đâu cũng giải thoát, đâu đâu cũng là tâm, đâu đâu cũng nhắc nhỡ gió hòa đâu đâu cũng thổi dậy khắp. Chúng ta có sống như thế nào đi nữa cũng không ngoài Tâm nền tảng giải thoát luôn dung chứa bao hàm, nó là môi trường, là không gian sống cho chúng ta hoạt dụng dù đau khổ hay hạnh phúc, dù trầm lắng hay sống động chúng ta cũng không sống ngoài không gian gió hòa thổi dậy khắp ta bà này; đó là điều hiển nhiên mà ngài gợi ý, nhắc nhở, ban tặng cho chúng ta những người học đời sau.
Người người biết rõ vô vi lạc, là đường vào thực tại giải thoát mà ngài đã nêu ở hai câu trên. Như thế nào là đường vào? Chúng ta tham khảo cách ngài khai thị:
“Về sau, Sư trụ trì chùa Chúc Thánh trên núi Phả Lại, có vị tăng đến hỏi:
– Thế nào là diệu đạo ?
Sư đáp:
– Sau khi giác rồi mới biết.
– Chỉ dạy từ trước học nhân chưa rõ, lời dạy hôm nay làm sao hội được ?
– Nếu đến tiên gia trong động sâu,
Hoàn đan hoán cốt được mang về.”
Thế nào là Diệu đạo? Người học muốn ngài chỉ ra diệu dụng của Đạo. đầu tiên ngài dạy sau khi giác rồi mới biết, điều này nói lên diệu đạo không thể hiểu được, mà phải tu hành để chứng nghiệm. Kế đến, ngài dẫn giải rõ phải vào được động sâu (sắc tức thị không) mới mang thuốc quý về (không tức thị sắc). Đây là một tiến trình tu hành mà hành giả thông thường nào cũng phải trải qua. Trước nhất nhận ra tâm giải thoát nền tảng thoát khỏi sự che chướng của tư tưởng, sau đó nhận ra tư tưởng khởi sanh không ngoài tâm giải thoát, các hình tướng nhận biết không ngoài ánh sáng của tâm, cho nên Tâm giải thoát dung chứa cả khởi tưởng lẫn các tướng.
Một kinh nghiệm ngộ, sau khi giác rồi mới biết, là yếu tố quyết định đối với người tu hành. Cửa đầu tiên hay bước thật đầu tiên là nhận diện ra một niệm giác trong vô vàng niệm tưởng khởi diệt nơi tâm. Nơi mắt, thấy vô tướng ngay cái thấy chấp tướng; nơi tai, nghe tánh nghe không chạy theo có tiếng và không tiếng…
Nếu đến tiên gia trong động sâu là phải tham thiền tụng kinh niệm Phật lễ lạy, bố thí, cúng dường… sao cho tâm thức lầm chấp này sụp đỗ, phải tịnh hóa được tâm thức này, đây là bước hết sức khó khăn và gian khổ đối với người tu. Có thực hành thành công bước này mới đến được tận cùng của tâm thức hay nhận ra tâm nền tảng, nơi động sâu mới mang hoàn đan (loại thuốc quý) về sự sống. Nói khác đi chúng ta phải khám phá cho được sự không thật của thân tâm hình tướng này, phải phá tan thói quen dựa dẫm, nương gá cho thân tâm là thật và phải nhận ra bản chất nền tảng của thân tâm là tánh Không nơi xuất sinh ra các tướng và cả chấp tướng, như vậy là chúng ta đã vào được động sâu.
Khi đã trải qua một quá trình tu hành tịnh hóa tâm thức, tâm nền tảng đã được khám phá hành giả mới nhận thấy sự chấp trước hư vọng của mình đối với tâm thức, đến đây mới thấy sự thật là ngay khi các hình tướng hiển hiện, mọi thứ đều không ngoài tâm nền tảng, cho nên tiên gia trong động sâu thẳng tấp là sự phát hiện bản chất của tâm ngay nơi vọng tâm. Tâm sáng tỏ chính ngay nơi tâm mê mờ. Chỉ đổi cách nhìn chứ không thay đổi cái nhìn. Nhìn dính tướng thì hạn cuộc, chật hẹp; còn nhìn lìa tướng thì toàn khắp, giải thoát.
Nếu chúng ta có phước duyên được gặp một vị thầy sáng mắt, ngài chỉ ra cho chúng ta cái thấy giải thoát, đây là cách an toàn và tập trung nhất trong hạ thủ công phu của mình khi tu tập, vì chúng ta được một vị thấy kinh nghiệm chỉ dạy.
Hoàn đan Hoán cốt: cho chúng ta thấy một tiến trình khám phá tâm thức của mình, chúng ta tham thiền để nhận ra nguồn gốc của tâm thức, nơi xuất phát, tập khởi tư tưởng, khi đã nhận ra nguồn tâm, chúng ta thấy được thực chất của tâm, từ đây tâm mê chuyển thành tâm giải thoát, hay dù chúng ta có mê như thế nào đi nữa cũng không ngoài cái thấy giải thoát là nền tảng luôn dung chứa bao hàm tất cả.
Hoán cốt là tâm giải thoát không tìm đâu ngoài các tư tưởng, vì vậy tư tưởng chính là đối tượng để chúng ta tu hành, để chúng ta khám phá và cũng chính tư tưởng là biểu hiện của tâm giải thoát cho nên con đường trực chỉ là thấy được cái thấy lìa tướng ngay nơi tâm chấp tướng, bởi vì khi chúng ta không chấp tướng thì cái thấy lìa tướng sẵn đó, nó luôn luôn hiện hữu ngoài sự mê ngộ của chúng ta, nó là môi trường là không gian cho tâm hoạt dụng.
Hoàn đan hoán cốt? Là yếu quyết của Phật giáo Đại thừa: không phá hoại, từ bỏ, chỉnh sữa các pháp đang có; chỉ cần hoán cốt, thay đổi cái thấy từ mê chạy theo các tướng coi các tướng là thật có, chuyển thành cái thấy lìa tướng, nhận ra cái thể chưa từng mất (tiên gia trong động sâu); mới thay đổi, thoát khỏi cái thấy mê tướng và nhận ra các tướng hiển hiện trong cái thấy xưa nay chưa từng mất này. Cái thấy giải thoát lìa tướng nhưng dung chứa tất cả tướng. Đây là Diệu đạo mà người học muốn hỏi.
Ông tăng vẫn còn thắc mắc:
“- Thế nào là hoàn đan ?
– Nhiều kiếp tối tăm không hiểu thấu,
Hôm nay chợt ngộ được khai minh.
– Thế nào là khai minh ?
– Khai minh chiếu khắp cõi ta-bà,
Tất cả chúng sanh chung một nhà.
Tăng lại thưa:
– Tuy nhiên không biện rõ.
– Chốn chốn đều gặp y.”
Nhiều kiếp tối tăm đến khi chợt được khai minh, khai minh là nhận ra không hai giữa bản tánh thanh tịnh của tâm và sự chiếu sáng từ nơi thanh tịnh này. Tịch và chiếu, hay tánh Không và quang minh là không hai. Khi đã khai minh thì mới nhận thấy tâm khai minh chiếu khắp cõi ta bà.
Như thế nào là chiếu khắp?
Xưa nay chúng ta sống trong ánh sáng chiếu khắp này mà chúng ta không nhận ra, chúng ta thấy mọi vật nhưng kẹt trên tướng thấy, có người thấy và vật bị thấy, thấy có hai. Khi tâm kẹt trên tướng thì tâm không còn chiếu khắp mà chỉ trụ vào tướng đang kẹt. Chỉ cần tham thiền cho đến khi không còn dính mắc vào tướng bị thấy và trung tâm để thấy là chúng ta trở về, chúng ta khai minh cái thấy của mình.
Khi được khai minh không dính mắc vào tướng thấy thì tâm giải thoát chiếu khắp cõi ta bà, chúng ta sẽ nhận ra nơi nơi, chốn chốn là ánh sáng của khai minh, nghĩa là: khi thấy thay vì kẹt trên tướng thấy thì thấy chính là ánh sáng của tâm, tâm chúng ta là ánh sáng biểu hiện các tướng, các tướng là ánh sáng của tâm, các tướng là tâm. Cái thấy không còn trung tâm và ngoại vi, đó là cái thấy được khai minh. Hay nói theo kinh Kim Cang là chúng ta đã thoát được tứ tướng: ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả.
Khi đã phá được tứ tướng, chứng ngộ được cái thấy thì ta hòa với tất cả, không ta không người không trung tâm không cảnh vật chỉ là một ánh sáng của tâm cho nên chốn chốn đều gặp y. Y là tất cả, toàn khắp, cảnh tức là tâm ngoài cảnh không có tâm. Tâm cảnh nhất như.
Nhưng ông tăng này còn thắc mắc tiếp:
– cái gì là y?
Sư đáp:
– Kiếp hỏa cháy tan mảy may sạch,
Núi xanh như cũ, mây trắng bay.
Tăng hỏi:
– Khi sắc thân bại hoại thì thế nào ?
– Xuân đến, xuân đi ngỡ xuân hết,
Hoa nở, hoa tàn chỉ là xuân.
Tăng suy nghĩ, Sư quát rằng:
– Đất bằng sau binh lửa,
Thực vật đều ngát thơm.
(Bình nguyên kinh hỏa hậu,
Thực vật các thù phương)
Tăng lễ bái.
Để khẳng định cái thấy không dính tướng ngài nói kiếp hỏa có cháy sạch những gì có tướng ở cõi nước này thì chính tâm giải thoát vẫn tồn tại núi xanh như cũ, mây trắng bay. Về thời gian thì dù cho xuân có đến, có đi hoa có nở hoa tàn đó chỉ là việc của thời gian còn cái thấy giải thoát hay thực tại thì không bị trói buộc bởi không gian và thời gian tạo ra sinh tử.
Khi vị tăng còn chần chừ suy nghĩ, sư quát vào mặt như một tiếng hét cắt đứt dòng tâm thức tương tục để người học thể nhận ngay thực tại. Đất bằng sau binh lửa, thực vật đều ngát thơm, hãy thể nghiệm chứ đừng chần chừ suy nghĩ, càng suy nghĩ thì tâm thức lại lôi mình đi trong sanh tử mà thôi. Phải trực tiếp nhận ra ánh sáng của tự tâm, nó chưa bao giờ rời chúng ta một mảy may.
Câu cuối cùng Nếu đúng vô vi mới là nhà. Chữ đúng nhắc chúng ta tâm giải thoát là một sự thật sẵn có, người tu không thêm cũng không bớt, không được cũng không mất tâm này mà chỉ cần lìa những che chướng lầm chấp thì chúng ta nhận ra nó đã từng có mặt xưa nay, nó là nhà có nghĩa nó xưa nay che chở bao bọc cho chúng ta, giống như cá sống là nhờ vào nước, người và vật trên cạn sống là nhờ vào không khí, cũng như vậy chúng ta sống được vì chúng ta chưa bao giờ rời tâm giải thoát.
Vô vi lạc chính là Diệu đạo, chúng ta không cần phải tìm ở đâu ngoài cuộc sống này, một buổi sáng thức dậy, bạn ra sân nhà nhìn cây cỏ, cảnh vật. Mỗi mỗi bày ra trong sớm mai thanh tĩnh, đạo đang hiện bày. Diệu đạo biểu hiện nơi mỗi chiếc lá, nơi mỗi giọt sương, nơi bầu trời buổi sớm rạng đông hay vào một ngày chiều ráng ánh vàng; hoặc một buổi thức dậy sớm vào những ngày rằm bạn nhận ra trăng treo nơi cuối trời tây tỏa ánh sáng trong cuối đêm tĩnh mịch, trăng sắp lặn để nhường cho buổi sáng của một ngày. Hay khi bạn đi vào một khu chợ đang buôn bán vào lúc đông đúc, bạn ngắm nhìn sự tấp nập, bận rộn, xao động của cảnh chợ, chúng đang bày hiện thanh tĩnh nơi tâm bạn.
Một ngọn gió lùa, một hạt mưa rơi; dù cảnh có tĩnh hay động cũng không ngoài tâm của bạn, đó là Diệu đạo. Niềm vui cảm nghiệm vô vi lạc không lúc nào là không có mặt.
Chúng ta tự thức tỉnh mình để nhận ra ngay tại đây và bây giờ là cửa để trở về, ngay tại đây và bây giờ, chúng ta đang đứng trên và trong đất thật của tâm, chốn chốn đều gặp y, chúng ta không đứng ngoài, không thể nào đứng ngoài Diệu đạo.
Tháng 2 năm 2016, Phật lịch 2560 Tánh Hải.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS