CÕI PHẬT CỦA BỒ TÁT

SHARE:

Bồ tát là người nỗ lực đạt đến giác ngộ – tức là chứng cho được, thực hiện cho được cõi Phật thanh tịnh, nơi không có tất cả phiền não, khổ đau – vì tất cả chúng sanh. Như thế, bồ tát luôn luôn hành hai cái Trí huệ và Đại bi. Trí huệ là thấy thật tướng của chúng sanh (nói rộng ra là của tất cả các pháp) và Đại bi là không bỏ chúng sanh.

 

Kinh

Bấy giờ, con nhà trưởng giả Bảo Tích nói kệ tụng xong, bạch Phật rằng: “Thế Tôn, năm trăm con nhà trưởng giả chúng con đều đã phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác, nay muốn nghe làm thế nào để được sự thanh tịnh của quốc độ Phật. Xin Thế Tôn nói cho các hạnh thực hiện Tịnh Độ của Bồ tát.”

Phật bảo: “Lành thay, Bảo Tích. Ngươi đã vì các Bồ tát mà hỏi Như Lai hạnh Tịnh Độ của Bồ tát. Hãy nghe kỹ! Hãy nghe kỹ! Khéo suy nghĩ ghi nhớ, ta sẽ vì ngươi nói ra.”

Lúc ấy, Bảo Tích và năm trăm con nhà trưởng giả vâng lời dạy, cung kính lóng nghe.

Phật nói với Bảo Tích: “Tất cả chúng sanh là cõi Phật của Bồ tát. Tại sao như thê? Bồ tát tùy chỗ giáo hóa chúng sanh mà giữ lấy cõi Phật; tùy chỗ điều phục chúng sanh mà giữ lấy cõi Phật; tùy các chúng sanh hợp với quốc độ nào để được vào trí huệ Phật mà giữ lấy cõi Phật; tùy các chúng sanh hợp với quốc độ nào để phát khởi căn Bồ tát mà giữ lấy cõi Phật. Tại sao như thế? Bồ tát giữ gìn cõi nước thanh tịnh đều vì lợi lạc cho chúng sanh. Ví như có người muốn tạo lập nhà cửa cung điện nơi khoảng đất trống thì tùy ý không ngại. Còn nếu ở nơi hư không, rốt chẳng thành tựu. Bồ tát như vậy: vì thành tựu chúng sanh, nên nguyện giử lấy cõi nước Phật. Nguyện giữ lấy cõi nước Phật chẳng phải ở nơi hư không.

 

Bồ tát là người nỗ lực đạt đến giác ngộ – tức là chứng cho được, thực hiện cho được cõi Phật thanh tịnh, nơi không có tất cả phiền não, khổ đau – vì tất cả chúng sanh. Như thế, bồ tát luôn luôn hành hai cái Trí huệ và Đại bi. Trí huệ là thấy thật tướng của chúng sanh (nói rộng ra là của tất cả các pháp) và Đại bi là không bỏ chúng sanh.

 

Trong ý nghĩa đó, tại sao chúng sanh là cõi Phật của bồ tát? Về mặt trí huệ – tức Chân đế, chân lý tuyệt đối – thì như kinh Hoa Nghiêm nói, “Tâm, Phật, chúng sanh, cả ba không sai khác.” Nghĩa là, trong trí huệ, thật tướng của chúng sanh tức là Phật, tức là Tâm và cũng là cõi Phật thanh tịnh. Bởi thế, giữ gìn thật tướng của chúng sanh nghĩa là giữ gìn cõi Phật và muốn giữ gìn cõi Phật thì phải giữ gìn thật tướng của chúng sanh. Cái thấy biết tất cả sắc là sắc Phật, tất cả âm thanh là âm thanh Phật, tất cả núi sông đất đai là là biểu hiện của thân Phật thanh tịnh, tất cả chúng sanh bổn lai là Phật, cái thấy biết ấy khiến chúng ta giải thoát và đưa chúng ta vào cõi Tịnh Độ của Phật: tất cả đều là vàng ròng, trong đó không còn chỗ cho phân chia, phiền não.

 

Về mặt đại bi – tức là Tục đế, chân lý tương đối – tuy ở trong trí huệ rốt ráo là như thế, nhưng tất cả chúng sanh còn chưa chứng ngộ được như vậy, vẫn còn lang thang luân lạc chìm nổi trong biển cả sanh tử nghiệp báo khổ đau do chưa thấy được “Tâm, Phật, chúng sanh cả ba không sai khác”, nên bồ tát phải giúp đỡ chúng sanh đạt đến đó. Tận lực giúp đỡ chúng sanh trải qua nhiều kiếp, công việc đó vô vàn gian khổ khó khăn, nhưng cũng nhờ vô số chúng sanh mà bồ tát đạt được vô số công đức. Chúng sanh là tạng công đức của của bồ tát, như thế nghĩa là “chúng sanh là cõi Phật của bồ tát”. Cũng nhờ thành tựu cho chúng sanh bằng đủ mọi phương tiện, mà bồ tát giữ lấy cõi Phật, nghĩa là việc giữ lấy cõi Phật – tức “Tâm, Phật, chúng sanh cả ba không sai khác” – của bồ tát là nhờ vào chúng sanh, vào việc làm lợi lạc cho chúng sanh.

 

Như thế cõi Phậtchúng sanh có một tương quan biện chứng. Cõi Phật càng được giữ gìn, càng thanh tịnh khi sự giúp đỡ cho chúng sanh càng sâu, càng rộng, và chúng sanh càng được lợi lạc khi cõi Phật càng được giữ gìn, càng thanh tịnh. Cõi Phật ấy vừa là tâm xưa nay thanh tịnh của bồ tát (chánh báo) vừa là cõi Tịnh độ do tâm thanh tịnh của Bồ tát ứng hiện ra (y báo) để độ cho chúng sanh khi bồ tát đã đạt đến rốt ráo, nghĩa là thành Phật.

 

Tóm lại, cõi Phật thanh tịnh có hai loại:

– Do trí huệ thấu suốt tánh Không, tức pháp tánh mà Bồ tát chứng được Pháp thân. Pháp thân này là tuyệt đối thanh tịnh, chung, như nhau của tất cả chư Phật, đó là cõi Phật vốn thanh tịnh, tức là pháp giới vốn thanh tịnh. Do tịnh hóa tâm mình bằng tánh Không mà Bồ tát đạt được cõi Phật thanh tịnh tức Pháp thân này: “Tùy tâm mình tịnh tức cõi Phật tịnh”.

– Do công đức mà Bồ tát có được Sắc thân, gồm Báo thân và Hóa thân. Nhờ năng lực của Báo thân và Hóa thân, Bồ tát khi thành Phật hóa hiện ra một cõi Phật theo ý nguyện từ trước của mình để độ những người có duyên có cùng tịnh nghiệp sanh về cõi nước đó: “Khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh (không dua nịnh, đầy đủ công đức, hành Mười Thiện v.v…) sanh sang nước mình”.

 

Kinh

“Bảo Tích! Hãy biết rằng: Trực tâm là Tịnh độ của Bồ tát: khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh không dua nịnh sanh sang nước mình. Thâm tâm là Tịnh độ của Bồ tát: khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh đầy đủ công đức sanh sang nước mình. Bồ đề tâm là Tịnh độ của Bồ tát: khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh Đại thừa sanh sang nước mình.

 

Trực tâm là tâm trực niệm Chân Như, tức pháp tánh, tức tánh Không. Người tu đạo Bồ tát niệm niệm tương ưng với tánh Không, đó là Trí huệ. Thâm tâm là tâm tích tập công đức sâu dày, kiên cố. Trực tâm là sự tích tập trí huệ; thâm tâm là sự tích tập công đức. Bồ đề tâm là tâm thâm nhập trí huệ vì lợi lạc mai sau cho tất cả chúng sanh.

 

Đoạn này nói rõ Hạnh và Quả là một. Ngay nơi Hạnh là Quả, Hạnh đến đâu Quả đến đó. Hành giả phải thấy tính cách Hạnh Quả đồng thời này, Nhân Quả đồng thời này. Có như thế, con đường Bồ tát tuy dài lâu, xa thăm thẳm, nhưng trong bất cứ giây phút nào hành giả cũng thọ dụng được những hoa thơm trái ngọt trên con đường vinh quang và phong nhiêu đó.

 

THỰC HÀNH CON ĐƯỜNG BỒ TÁT QUA KINH DUY MA CẬT

Tác Giả: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức

 

 

SHARE:

Trả lời