DÙNG CẢNH ĐỂ HIỂN TÂM CỦA THIỀN SƯ VIỆT NAM.

SHARE:

Bậc giác ngộ thấy tâm cảnh bất nhị (không hai) hay tâm cảnh nhất như (như một). Cái thấy đảo lộn so với góc nhìn của chúng ta. Trong kinh Hoa Nghiêm gọi là Pháp giới một tướng, Kinh Lăng Nghiêm gọi tất cả đều từ Như Lai Tạng theo nghiệp chúng sanh mà ứng hiện, cho nên các ngài thấy tâm cảnh là biểu hiện của Như Lai Tạng hay tâm cảnh chính là Như Lai Tạng. Trong bốn yoga của Ấn Tạng được dạy trong Tánh Giác Lộ Toàn Thân, nxb Thiện Tri Thức, nói lên trình tự tham thiền để trở về tánh giác: yoga nhất tâm, yoga thoát khỏi tạo tác ý niệm, yoga một vị và yoga không thiền định. Yoga một vị là giai đoạn thấy cảnh không ngoài tâm, chỉ có một vị giải thoát.

 

Cảnh, tâm phân hai đối với người mê. Trong cuộc sống, thông thường chúng ta sinh ra và lớn lên theo nghiệp đã an bày, có ta độc lập, như nhận thức của chúng ta thấy có thân và tâm cách biệt với môi trường, và môi trường là đối cảnh để cho ta sinh sống hoạt dụng. Tâm và cảnh với chúng ta nguyên thủy (không biết tự bao giờ, con người chúng ta đã có góc nhìn dính kẹt vào cái thế phân đôi này) và cũng theo nghiệp đồng phận, chúng ta sinh ra trong môi trường xã hội loài người, thế giới sống mà ai ai cũng thấy giống như cái thấy của cá nhân ta, thấy có tâm và cảnh là hai.

 

Thấy có hai là cái thấy của thế giới sanh tử, trên đây mọi mâu thuẫn cuộc đời, mâu thuẫn loài người, mâu thuẫn với cả thế giới sống nãy sinh; chúng ta không biết chánh báo (tâm) và y báo (cảnh) chỉ là một, là biểu hiện của tổng báo mà cái nhìn của chúng ta về sự sống đã qui định tùy thuộc vào tổng báo này. Vì không biết là tổng báo cho nên trong cuộc sống, chúng ta thay vì hợp nhất chánh báo và y báo thành một để không còn thấy mâu thuẫn chúng ta lại sinh ra thái độ thù địch với y báo của mình chúng ta tự làm cho tương quan giữa chánh báo và y báo xấu hơn và ta không biết hành động thù địch với thế giới xung quanh, như tàn phá thiên nhiên, tìm cách hơn thua bóc lột với nhau, căm hờn oán trách xã hội, oán trách môi trường, hoàn cảnh sống của mình đang sống; đó cũng là hành xử sai lầm trên mảnh đất tâm của mình đang ứng hiện theo nghiệp biểu hiện mà thôi.

 

Bậc giác ngộ thấy tâm cảnh bất nhị (không hai) hay tâm cảnh nhất như (như một). Cái thấy đảo lộn so với góc nhìn của chúng ta. Trong kinh Hoa Nghiêm gọi là Pháp giới một tướng, Kinh Lăng Nghiêm gọi tất cả đều từ Như Lai Tạng theo nghiệp chúng sanh mà ứng hiện, cho nên các ngài thấy tâm cảnh là biểu hiện của Như Lai Tạng hay tâm cảnh chính là Như Lai Tạng. Trong bốn yoga của Ấn Tạng được dạy trong Tánh Giác Lộ Toàn Thân, nxb Thiện Tri Thức, nói lên trình tự tham thiền để trở về tánh giác: yoga nhất tâm, yoga thoát khỏi tạo tác ý niệm, yoga một vị và yoga không thiền định. Yoga một vị là giai đoạn thấy cảnh không ngoài tâm, chỉ có một vị giải thoát.

 

Nếu chính cảnh là tâm có phải là cái thấy lộn ngược với cái thấy của chúng ta không? Chúng ta có cam nhận ra điều này là chân lý để từ đó mà tu hành phát hiện ra nó không?

 

Thử tìm hiểu điều này nơi lời dạy của các thiền sư Việt Nam.

Đầu tiên là lời dạy của thiền sư Cảm Thành (? – 860), Sơ tổ của dòng thiền Vô Ngôn Thông:

“Có vị tăng đến hỏi:

_thế nào là Phật?

Sư đáp:

_Khắp tất cả chỗ.

_Thế nào là tâm Phật?

_Chẳng từng che dấu.

_Học nhân chẳng hội?

_Đã lầm qua rồi.”

Đoạn trích này không cần bình giải, bởi vì hai câu cuối đã kết luận rồi. Chẳng hội thì lầm qua, thế thôi. Ngẫu hứng, ngắn gọn, sáng tỏ, đầy đủ, dứt khoát.

 

Với thiền ngài Từ Đạo Hạnh ( (? – 1115) đời thứ 12 dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi) Trong khi đi khắp các tùng lâm để học thiền, ngài Từ Đạo Hạnh nghe Kiều Trí Huyền hóa đạo ở Thái Bình, Sư đến tham vấn. Sư nói kệ hỏi về Chân tâm:

                             “Lẫn lộn phàm trần chưa hiểu vàng

                              Chẳng biết nơi nào phải chân tâm?

                             Cúi mong chỉ thẳng bày phương tiện

                              Thấy rõ như như hết khổ tầm

Trí Huyền đáp:

                            Trong ngọc ẩn thanh diễn diệu âm,

                            Nơi kia đầy mắt bày thiền tâm.

                            Hà sa cảnh là Bồ-đề cảnh,

                            Nghĩ đến Bồ-đề cách vạn tầm.

Sư vẫn mờ mịt chẳng hiểu, lại tìm đến pháp hội của Thiền sư Sùng Phạm ( (1004 – 1087) đời thứ 11 Tỳ Ni Đa Lưu Chi) ở chùa Pháp Vân. Đến đây, Sư cũng lặp lại câu hỏi:

  • Thế nào là Chân tâm?
  • Sùng Phạm đáp:
  • Cái gì chẳng phải Chân tâm?

Sư hoát nhiên nhận được. Lại hỏi:

  • Làm sao gìn giữ?
  • Sùng Phạm bảo:
  • Đói ăn, khát uống.

Sư liền lễ bái rồi lui.”

Chúng ta để ý thấy câu hỏi của ngài Từ Đạo Hạnh là: ngài muốn hiểu (chữ thức được dịch ra là hiểu hoặc biết) như thế nào là Chân tâm? đây là thói quen của tình thức, vì tình thức thì chỉ hiểu, biết về tâm; tình thức chỉ nắm bắt trong thế phân hai có người hiểu và sự việc để hiểu.

 

Ngài Trí Huyền chỉ ra tất cả cảnh đều là cảnh Bồ đề, nhưng tuyệt đối cấm dùng suy nghĩ để hiểu. Phải trực tiếp nhận ra mà thôi, trực tiếp nhận ra mới là cửa vào của nhà thiền.

 

Và cũng câu hỏi trước đã hỏi ngài Kiều Trí Huyền, ngài đem hỏi thiền sư Sùng Phạm. Thiền sư Sùng Phạm trả lời ngài vắn tắt và bất ngờ: “Cái gì chẳng phải Chân tâm?”. Ngay đây ngài có chỗ vào.

 

Trước đó ngài Kiều Trí Huyền đã cảnh báo không cho suy nghĩ, kế đến ngay khi hỏi, ngài Sùng Phạm trả lời bất ngờ, suy nghĩ chưa kịp nên chớp nhoáng nhận ra. Vấn đề là trực tiếp thể nhập. Nếu biết trần trụi thì sẽ tự thể nhập thôi.

 

Sau đây là lời dạy của Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230 – 1291) trong bài Bảo Chúng, bài kệ vừa dùng cảnh để so sánh với tâm lại vừa để chỉ thẳng vào tâm. Nhưng trong bài kệ này dùng cách so sánh thì nhiều hơn.

                             “Thôi tìm Thiếu Thất với Tào Khê,

                              Thể tánh sáng tròn chẳng từng mê.

                              Nào ngại xa gần trăng vẫn chiếu,

                              Thấp cao gió thổi chẳng ưa chê.

                              Ánh thu đen trắng tùy duyên hiện,

                              Sen nở hương nồng chẳng dính nhơ.

                             Khúc nhạc xưa nay nên gẩy hát,

                             Chớ tìm nam bắc với đông tây.”

         

Một đoạn đối đáp giữa sơ tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông (1258 – 1308) và người học:

“Hỏi:

 “Dưới ruộng bầy cò ngàn điểm tuyết

   Trên cây oanh đậu một cành hoa”, thì thế nào?

Đáp:

 – Lầm!

– Theo Đại tôn đức thì thế nào?

– Dưới ruộng bầy cò ngàn điểm tuyết

 Trên cây oanh đậu một cành hoa.”

Cảnh hiển bày tâm trọn vẹn, không lời để giải thích, chỉ có người trong cuộc tự nhận mà thôi. Thử hỏi người đang trong cảnh: cánh đồng trắng những cánh cò, trên cây hoa nở chim oanh đậu, mọi thứ rỡ ràng có gì che dấu đâu mà không nhận ra? Chúng ta, khi đứng trong một cảnh nào mà mình trọn vẹn với nó, khi chúng ta trọn vẹn với cảnh, không còn thấy cách biệt có ta có cảnh thì chúng ta sẽ cảm nhận ra ý chỉ của ngài khi khai thị cho người học trên. Còn như chúng ta chưa trọn vẹn với một cảnh nào thì chúng ta chưa thể nhận ra lời dạy của ngài.

 

Khi đã trọn vẹn với một cảnh, thường xuyên tham thiền về cái thấy này chúng ta sẽ thấy mọi cảnh đều trọn vẹn, người với cảnh là một, chúng ta mới hiểu “tất cả pháp là Phật pháp” như thế nào.

 

Kế đến là việc lớn, việc sanh tử. Thử xem các thiền sư giải quyết sanh tử như thế nào?

Thứ nhất, dùng cảnh để so sánh, chỉ bày ra chỗ giải thoát, như thiền sư Pháp Loa (1284 – 1330) (Tổ Thứ hai phái Trúc Lâm)

Khi sư bệnh, đệ tử đồng đến thỉnh:

– Người xưa lúc sắp tịch đều có để kệ dạy đệ tử, sao riêng Thầy không có? Sư quở trách họ. Giây lâu bèn ngồi dậy bảo đem giấy viết lại. Sư viết một bài kệ:

                             “Muôn duyên cắt đứt, một thân nhàn

                              Hơn bốn mươi năm giấc mộng tràng

                              Nhắn bảo mọi người thôi chớ hỏi

                              Bên kia trăng gió rộng thênh thang.”

 

Viết xong, Sư ném bút, an nhiên thị tịch, thọ bốn mươi bảy tuổi.

 

Thứ hai, dùng cảnh chỉ thẳng vào tâm, như thiền sư Thường Chiếu (? – 1203) (đời thứ 12 dòng Vô Ngôn Thông) khi sắp tịch sư nhóm chúng nói kệ:

                     Đạo vốn không nhan sắc,

                     Ngày ngày lại mới khoe,

                     Ngoài đại thiên sa giới,

                     Chỗ nào chẳng là nhà.

Nếu trong cuộc sống, chúng ta nhận ra cảnh không ngoài tâm, thì khi sanh tử đến chỉ là sanh tử với cái thân có sanh có diệt, hay xưa nay sanh diệt của thân cũng không ngoài nền tảng là Tâm, Tâm luôn luôn hiện hữu ở khắp không gian và thời gian, cái không thể chỉ ra được nhưng nó là nền tảng cho mọi hình tướng sinh trưởng hoại diệt trên và trong nó, vì nó không thể nắm bắt cho nên nó vẫn vậy, Ngoài kia trăng gió rộng thênh thang, hay Ngoài đại thiên sa giới Chỗ nào chẳng là nhà. Đó chính là Tâm.

 

Sau này, đến thế kỷ thứ mười sáu, mười bảy, hai dòng thiền Lâm Tế và Tào Động truyền vào Việt Nam có thiền sư Thủy Nguyệt hiệu Thông Giác (1637 – 1704) (Đời pháp thứ 36, tông Tào Động) ngài bôn ba sang Trung Hoa để học thiền lại vừa học tiếng Hoa. Lật bật đã hết sáu năm, một hôm Hòa thượng gọi Sư vào phương trượng hỏi:

“ – Đã thấy tánh chưa?

     Sư ra lễ bái, trình kệ:

             Sáng tròn thường ở giữa hư không

            Bởi bị mây mê vọng khởi lồng

            Một phen gió thổi mây tứ tán

            Thế giới hà sa sáng chiếu thông.”

Bài kệ trên khẳng định: tâm giải thoát có sẵn, nhưng vì bị sự che chướng mê vọng, khi tu hành một phen làm cho sự che chướng này tan rã thì sẽ nhận ra tâm giải thoát chiếu thông. Đặc biệt, ngài dùng cảnh để chỉ tâm bằng cách so sánh.

 

Và thi vị nhất là bài kệ truyền pháp của ngài:

                   “Núi dệt gấm, nước vẽ hình

                    Suối ngọc chảy, tuôn rượu đà tô.

                   Bờ cúc nở hoa hoàng oanh hót

                   Nước trong sóng biếc cá Điệp nhào.

                  Trăng sáng rỡ ràng ông chài ngủ

                  Trời soi rừng rực kén nằm nhô.”

Một bức tranh tâm rực rỡ muôn màu, bày hiện sóng động, chúng ta chỉ tự thưởng thức chứ không lời để phân tích. Chúng ta tự hỏi, với ngài sao tâm giải thoát lại đẹp rực rỡ đến như vậy?

 

Một thiền sư nữa là Đại sư Kim Liên Tịch Truyền (1745 – 1816) (Đời pháp thứ 41, tông Lâm Tế) bài kệ truyền pháp của Sư khẳng định sự tương quan giữa thân, tâm và trời đất:

                                       “Tâm là trước đất trời

                                        Thân là sau trời đất

                                        Thân tâm trong đất trời

                                        Tuần hoàn không cùng tận”

 

Xem ra ông cha ta từ khi Thiền tông truyền vào Việt Nam cho mãi đến sau này, cảnh chính là tâm được các ngài sống và truyền lại, các ngài khai thị cho đệ tử và chúng ta hiện nay cái thấy pháp giới một tướng này.

 

Chúng ta những người hậu học, chúng ta phải học cho hết và thật sự đảm đương những gì mà các ngài muốn nhắn gửi. Những lời dạy của các ngài minh chứng một sự thật mà nhiều đời các ngài đã thâm nhập và sống được với sự thật này; các ngài nhắn nhủ chúng ta cần phải khám phá, thâm nhập và sống được như các ngài, bởi vì, đạo vẫn luôn hiện hữu quanh chúng ta là nền tảng hằng hằng sống động chưa bao giờ thiếu vắng. Chúng ta đang sống đây, lúc nào cũng là cơ hội để chúng ta thể nhập và học tập nó; để cho thiền tông Việt Nam, Phật giáo Việt Nam, hay Phật giáo nói chung vẫn sáng mãi.

 

 (Những dòng trích nghiêng trong bài viết này, trích từ Thiền Sư Việt Nam, Hòa Thượng Thích Thanh Từ biên soạn)

Tháng 3 năm 2016, Phật Lịch 2060.

Tánh Hải.

 

 

SHARE:

Trả lời