ĐỐN GIÁO Ở CÁI THẤY ĐỒNG KHỞI VÀ LỜI DẠY CỦA LỤC TỔ HUỆ NĂNG

SHARE:

Đồng khởi ám chỉ sự kiện rằng trí huệ chứng ngộ thật tánh của những hiện tượng đã hiện hữu sẵn trong chúng ta. Nó không phải là cái gì cần được sanh ra mới. Chúng ta có trí huệ này, nhưng chúng ta không chứng ngộ nó. Bởi vì chúng ta không chứng ngộ những sự vật như chúng là, hay đại ấn, mà chúng ta khổ đau. Qua trí huệ đồng khởi, chúng ta kết nối với thực tại của những sự vật, thực tại ấy vốn hiện hữu trong chúng ta.”

Đốn giáo là lời dạy chỉ thẳng vào tánh giác của bậc giải thoát. Lời dạy không qua bất cứ phương tiện gián tiếp nào, hay có phương tiện thì chính phương tiện là cứu cánh.

Tinh thần đốn giáo này được thể hiện bằng pháp tu đồng khởi trong thiền Đại Ấn. Chúng ta cùng nhau xem xét đồng khởi và lời dạy của Lục tổ Huệ Năng (người xiển dương mạnh mẽ đốn giáo trong Thiền tông) tương đồng như thế nào.

 

 Như thế nào là đồng khởi?

 “Từ lhenchig kyepa Tây Tạng được dịch là “đồng khởi” hay “đến cùng nhau”, như hai con sông hòa với nhau. Nó cũng có thể được dịch là “bẩm sinh”, bởi vì theo nghĩa đen nó là “sanh cùng nhau” (câu sanh).

Đồng khởi ám chỉ sự kiện rằng trí huệ chứng ngộ thật tánh của những hiện tượng đã hiện hữu sẵn trong chúng ta. Nó không phải là cái gì cần được sanh ra mới. Chúng ta có trí huệ này, nhưng chúng ta không chứng ngộ nó. Bởi vì chúng ta không chứng ngộ những sự vật như chúng là, hay đại ấn, mà chúng ta khổ đau. Qua trí huệ đồng khởi, chúng ta kết nối với thực tại của những sự vật, thực tại ấy vốn hiện hữu trong chúng ta.”

“Khi chúng ta nói đến đồng khởi, chúng ta không nói cái gì khác ngoài thật tánh của tâm. Như vậy, đồng khởi nghĩa là tịnh quang giống như không gian và nó trùm khắp tất cả sanh tử và niết bàn.

Khi chúng ta nói đến đồng khởi, chúng ta cũng nói đến sự bất khả phân, của tánh Không và quang minh. Khi người bình thường như chúng ta hiểu điều gì về tánh Không của tâm, chúng ta không hiểu quang minh của nó, và khi chúng ta hiểu điều gì về quang minh của tâm, chúng ta không nắm được tánh Không của nó. Nhưng thật ra, tánh Không và quang minh của tâm hoàn toàn hòa nhập với nhau. Tánh Không của tâm không phải là một tánh Không phủ định quang minh – nó là sự không có nền tảng hoàn toàn của tâm. Và quang minh của tâm không làm cứng đặc khả năng biết của nó. Tánh Không và quang minh không mâu thuẫn chút nào. Chúng là đồng khởi.”

Theo định nghĩa trên ta có thể tóm tắt đồng khởi là:

Đến cùng nhau, sanh cùng nhau.

Tánh Không và quang minh là không rời nhau, có tánh Không là có quang minh, và quang minh là biểu hiện của tánh Không. Minh Không là bất nhị, chúng đồng khởi. Minh không chính là Pháp thân. Nó là nền tảng sẵn có trùm khắp tất cả sanh tử và niết bàn.

 

Đồng khởi được phát triển theo dòng Kagyu hay thiền Đại Ấn qua các đạo sư của dòng như: Gampopa, Gomchung, Pagmodrupa.

Với Gampopa đồng khởi được phân chia là tâm đồng khởi và hiện tướng đồng khởi. Tâm đồng khởi là sự thống nhất của tánh Không và quang minh, nhưng tâm có một nguồn năng lực không dứt cho nên ta có hiện tướng đồng khởi hay hiện tướng là bản tánh của tâm lưu xuất vì vậy mới có hiện tướng đồng khởi.

Với Gomchung đồng khởi được chia ra làm ba: tâm đồng khởi được xem là pháp thân, tư tưởng đồng khởi như những làn sóng của pháp thân và hiện tướng đồng khởi là ánh sáng của pháp thân.

Cuối cùng với Pagmodrupa ba phương diện đồng khởi thống nhất chỉ là một pháp thân. Chúng được chúng ta nhận ra trong quá trình tham thiền về đồng khởi.

 

Ba phương diện của tâm như thế nào?

Ba phương diện của tâm thức trong đời sống chúng ta là: tâm, tư tưởng, và các hiện tướng.

Nếu gọi ngã và pháp thì ngã là tâm, và pháp là tư tưởng và hiện tướng. Nếu gọi tâm và cảnh thì tâm là khả năng nhận biết còn tư tưởng và các hiện tướng mà tâm nhận biết là cảnh đối với tâm.

Ngã và pháp hay tâm và cảnh là toàn cảnh của cuộc sống mà một con người chúng ta đang sống đang hoạt dụng. Đồng khởi là lời chỉ thẳng tánh giác hiện hữu đồng thời cùng toàn cảnh đó qua ba biểu hiện: tâm, tư tưởng, và các hiện tướng. Hay với một hành giả nhận biết được đồng khởi sẽ nhận thấy tâm là đồng khởi, tư tưởng là đồng khởi và các hiện tướng là đồng khởi; cả ba phương diện là đồng khởi cùng với tánh giác. Cả ba phương diện của tâm trên mặt hình tướng hiện tượng được thống nhất chỉ là một tâm giải thoát. Tâm và cảnh, ngã và pháp; chỉ là biểu hiện của tánh giác, chúng chính là tánh giác.

 

So sánh tâm đồng khởi với lời dạy của Lục Tổ.

Theo Gampopa “Tâm đồng khởi ám chỉ điểm chứng ngộ khi thiền chỉ và thiền quán hòa hợp và chúng ta chứng ngộ tâm như nó là – trống không, quang minh và thoát khỏi phức tạp.”

Muốn nhận biết được tâm đồng khởi chúng ta phải tham thiền để nhận diện bản tánh của tâm khi thoát khỏi sự che chướng của tâm thức hay là sự  phức tạp của tâm. Hoặc chúng ta phải tịnh hóa tâm để chúng ta nhận ra tâm đồng khởi. Tâm đồng khởi xảy ra khi không còn sự phức tạp của tâm cho nên nó được nhận biết trong tham thiền ở khoảng hở giữa hay tư tưởng. Ở ngay khoảng hở này tâm không còn che chướng bởi tư tưởng, tâm rỗng rang nhưng sáng tỏ. Hai yếu tố căn bản của tâm là tánh Không và quang minh được nhận diện ngay lúc này. Vì vậy chúng ta phải tham thiền dựa vào pháp tu chỉ và quán song song thì khả năng đưa đến tâm đồng khởi hay ở khoảng hở giữa hai tư tưởng này mới có đầy đủ cả hai mặt: lặng lẽ mà sáng tỏ, tịch mà chiếu.

Lời dạy của ngài Thargu Ringpoche trong: Những Điểm Thiết Yếu của Đại Ấn Nhìn Thẳng Tâm, chương 11 Tâm Như Nó Là Đồng Khởi Nxb Thiện Tri Thức.

“Chúng ta bắt đầu tham thiền này khi tâm không chìm đắm và loạn động. Chúng ta nghỉ ngơi theo một cách rất thư giãn. Chỉ bằng cách nhìn chính nó, tư tưởng được bình lặng. Điều này nêu bật kinh nghiệm thiền chỉ trong bối cảnh đại ấn. Từ trong thiền chỉ, chúng ta nghiên tầm những phẩm tính của quang minh và tánh Không. Nếu tâm ta xuất hiện là quang minh và sống động, chúng ta nhìn vào đó. Cái sống động ấy là gì? Nếu tâm ta có vẻ trống không, chúng ta nghiên tầm tánh Không này. Tánh Không ấy là gì? Nó trống không như thế nào? Chúng ta không cần đặt những câu hỏi này với ai khác; chúng ta cần trả lời chúng từ kinh nghiệm riêng.

          Trong kinh nghiệm ấy, sự vững chắc được gọi là thiền chỉ và trí thông minh chứng ngộ bản tánh của sự vật là thiền quán. Tên của chúng khác nhau, nhưng ở điểm này, thiền chỉ và thiền quán không tách lìa, đúng ra chúng là hai phương diện của một sự việc. Chúng được thống nhất và hòa nhập.

          Khi kinh nghiệm của chúng ta về điều này an định, đó là tâm đồng khởi.”

 

Tâm đồng khởi có khi xảy ra không phải lúc ngồi thiền, khi nhân duyên tu tập đã đủ hành giả sẽ bất chợt nhận ra tâm đồng khởi ở bất cứ đâu, ở bất cứ thời gian nào. Đó là kinh nghiệm ngộ cần phải tự thể nghiệm và chúng ta phải nhận biết tâm đồng khởi này thường xuyên trong quá trình tu hành của mình.

Sự thể nghiệm thường xuyên với tâm đồng khởi rất khó khăn với đa số hành giả. Vì vậy, được ở gần một vị đạo sư có kinh nghiệm, thầy sẽ chỉ bảo chúng ta cần làm gì để có thể tiếp cận nhiều hơn nữa với tâm đồng khởi và cho đến trọn vẹn sống được với nó, xác quyết rõ ràng về nó.

Các đạo sư của Tây Tạng chỉ ra tâm đồng khởi như vậy còn Lục Tổ Huệ Năng ngài dạy trong phẩm Cơ duyên:

“Tức tâm là Huệ,

Tức Phật là Định,

Định huệ đồng trì,

Trong ý thanh tịnh.

Tỏ pháp môn này,

Do người tập tánh,

Dùng gốc vô sanh,

Song tu là chánh.

Một cặp không rời của định và huệ là đồng khởi. Và ngài cũng dạy chúng ta song tu, hay đồng trì trong thực hành.

Và Lục Tổ có cả một Phẩm Định Huệ trong Pháp Bảo Đàn Kinh như sau: “Nầy thiện tri thức! Pháp môn ta đây lấy Định Huệ làm gốc; đại chúng chớ mê mà nói Định Huệ riêng khác. Thiệt Định Huệ một thể, vốn chẳng phải hai. Định là ‘thể’ của Huệ, Huệ là ‘dụng’ của Định; trong lúc định tức Huệ, thì Định ở nơi Huệ; trong lúc Huệ tức Định, thì Huệ ở nơi Định; nếu hiểu nghĩa ấy, tức là Định Huệ đồng học.”

Lời dạy của ngài là không thể tách rời giữa định và huệ, tức định là định vào sự sáng suốt của tâm (định trong huệ) và tâm sáng suốt là sáng suốt xuất phát từ nơi tâm rỗng rang (huệ trong định).

Để nhấn mạnh thêm về điểm này ngài lại dạy tiếp: “Kẻ mê đắm theo pháp tướng, rồi chấp cái nghĩa “nhứt hạnh tam muội” mà nói rằng: “Ngồi im lặng chẳng động, đừng cho vọng niệm khởi ở nơi tâm”, tức là đồng với loài vô tình, mà trở lại thành cái nhơn duyên chướng đạo.”

Tổ dạy cho chúng hiểu rằng: “Nầy thiện tri thức! Đạo cần phải lưu thông, sao lại để cho ngưng trệ; hễ tâm chẳng trụ nơi pháp, thì đạo mới thông lưu; bằng tâm trụ nơi pháp thì mình tự trói. Nếu nói: ngồi im chẳng động là phải, thì cũng như ông Xá Lợi Phất, khi ngồi im lặng trong rừng mà bị ngài Duy Ma Cật la rầy đó chẳng khác.”

“Nầy thiện tri thức! Lại có người dạy ngồi, để xem lòng quán tịnh, đừng động thân và đừng khởi niệm, cứ do đó mà lập công, rồi kẻ mê không rõ trở lại chấp cái ngồi mà thành khùng thành điên. Những bọn như vậy đông lắm, nó cứ dạy như thế ấy, cho nên biết là thiệt lầm.”

Rõ ràng lời dạy của ngài về định huệ đồng thời nhằm cảnh tỉnh chúng ta một lối mòn của hai khuynh hướng. Một là theo thế gian hay những người tu học chưa thật am hiểu cứ nghĩ rằng định là dừng dứt mọi thứ tạp loạn của tâm, định là trống trơn, không ngơ.

Hai nữa do tâm quá lộn xộn nên dứt được xao động hành giả muốn giữ cái không động. Không ngờ nó chỉ là trạng thái tịnh đối với trạng thái động của tâm chứ không phải là chánh định vì chánh định là định tức huệ (Minh Không).

Mặt khác ngài dạy tâm không trụ nơi pháp. Không trụ nơi pháp là không dính mắc vào các pháp mà tâm đang nhận biết như không trụ vào tư tưởng hay các hình tướng mà tâm đang nhận diện và cũng không có một trung tâm xuất phát sự nhận biết, không có một cái ngã để biết hay vô tâm mà biết. Vô tâm chính là định, định mà biết là cái biết vô trụ. Cái biết vô trụ đó là tâm đồng khởi.

Ba mặt của tâm tư tưởng và các hiện tướng là hoạt dụng của tâm thức nhưng hoạt dụng đó luôn luôn đồng khởi cùng với tâm vô trụ. Hay tâm vô trụ là nền tảng cho tâm thức hoạt dụng, nếu chúng ta nhận biết được đồng khởi chúng ta sẽ nhận biết tâm vô trụ.

 

Tư tưởng đồng khởi, và hiện tướng đồng khởi

Khi hành giả tham thiền chứng nghiệm được tâm đồng khởi, là hành giả đã nhận ra pháp thân, nhưng chiều kích của pháp thân không chỉ ở tâm đồng khởi (khi tâm thoát khỏi mọi che chướng của tư tưởng, tâm rỗng lặng và sáng tỏ). Chiều kích của pháp thân là cả pháp giới, tất cả pháp đều là Phật pháp. Cho nên, tư tưởng, và các hiện tướng cũng là pháp thân. Hay tư tưởng khởi sinh từ pháp thân và lặng dứt trong pháp thân, các hiện tướng là quang minh của pháp thân. Tánh không và quang minh là không hai, cho nên tư tưởng và các hiện tướng đồng khởi cùng với quang minh, cũng chính là đồng khởi cùng với tánh không.

Theo Gompopa: “Những tư tưởng xuất hiện và được tri giác nhưng thật sự không khác với tâm.

Tuy nhiên, tâm có một nguồn tài nguyên, hay năng lượng không dứt. Nguồn vô tận này xuất lộ như những hiện tướng khác nhau. Bởi vì những hiện tướng này không vượt khỏi bản tánh của tâm, chúng được gọi là những hiện tướng đồng khởi. Trong cách này, chúng ta nối kết những chỉ dạy về đồng khởi với thực hành tham thiền.”

Với Gomchung:

“Gomchung chỉ ra rằng chúng ta có nhiều loại tư tưởng và xúc cảm khác nhau, như vui vẻ và đam mê. Chúng ta có thể nghĩ chúng là tốt hoặc xấu, nhưng tất cả chúng đều không khác với bản thân tâm. Chúng không gì khác hơn là quang minh và vô tự tánh.

          Gomchung diễn tả ba loại đồng khởi: Bản thân tâm đồng khởi, nó có thể được xem là Pháp thân; hiện tướng đồng khởi, nó có thể được xem là ánh sáng của Pháp thân; và tư tưởng đồng khởi, nó có thể được xem là những làn sóng của Pháp thân – như những làn sóng của đại dương không tách với bản thân đại dương, thế nên những tư tưởng không tách lìa khỏi bản thân tâm. Cho nên trong khi những tantra và những luận nói đến sự đồng khởi như là nền tảng, con đường và quả, những chỉ dạy tinh túy nói đến đồng khởi như là bản thân tâm, hiện tướng, và tư tưởng.”

Với lời dạy của Lục Tổ Huệ Năng về vấn đề này, để dễ tiếp cận chúng ta nghiên tầm theo thuật ngữ thường nhận thấy trong kinh điển là: chân không diệu hữu, hay tự tánh khởi dụng. Bởi vì, khi nói đến tư tưởng đồng khởi hay hiện tướng đồng khởi là nói ở phương diện nhận ra giải thoát rộng hơn tâm đồng khởi. Thấy được chân không là phương diện tâm đồng khởi, tiến tới thấy được diệu hữu tức là thấy được tư tưởng đồng khởi và các hiện tướng đồng khởi. Chúng ta sẽ nhận ra ba phương diện: tâm, tư tưởng, và hiện tướng là đồng khởi; cả ba chỉ là một tâm giải thoát; chúng không sai khác.

Một điều chúng ta cũng nên biết chân không diệu hữu hay tự tánh khởi dụng chúng ta thường hiểu như một quá trình nhân quả. Nghĩa là có chân không từ đó khởi ra diệu hữu, và có tự tánh và từ đó khởi dụng, chúng xảy ra theo chiều thời gian có trước có sau, hoặc không gian có trong có ngoài. Thật ra, trên phương diện tham thiền chân không và diệu hữu là đồng hiện hay đúng hơn diệu hữu chính là sự mở rộng của cái thấy chân không và khởi dụng tới đâu thì tự tánh mở ra tới đó. Mở rộng là đứng trên phương diện nhận diện giải thoát của hành giả trong tu hành, thật ra chiều kích của giải thoát đã sẵn là toàn khắp không trong ngoài không quá trình. Đây là cái nhìn mà như chúng ta đã nêu ra lúc đầu về đốn giáo. Tức thấy đồng khởi là thấy trực tiếp. Nó là một cặp đối giữa phương pháp dạy và cách chứng nghiệm. Lời dạy là đốn giáo thì người học phải thể nghiệm trực tiếp, thấy trực tiếp.

Khi nói về tư tưởng đồng khởi (ở đây tư tưởng được Lục Tổ dùng là phàm phu, phiền não) ngài chỉ thẳng nơi vọng tâm có tịnh tâm, ngài dạy:

Nầy thiện tri thức! Phàm phu tức là: Phật; phiền não tức là: Bồ đề; niệm trước mê tức là phàm phu, niệm sau ngộ tức là Phật; niệm trước đắm cảnh tức là phiền não; niệm sau lìa cảnh tức là: Bồ đề.

Bồ đề gốc tự tánh,

Khởi tâm tức là vọng,

Tịnh tâm ở trong vọng,

Vẫn chánh không ba chướng.

 (phẩm Bát nhã)

 

Khi nói đến hiện tướng đồng khởi; là sự đồng khởi của các tướng hay sắc loại và đạo. Ngài dạy:

Sắc loại sẵn có đạo,

Đều chẳng phòng não nhau,

Lìa đạo mà tìm đạo,

Trọn đời thấy đạo đâu.

 (bài tụng vô tướng, phẩm Bát nhã)

Còn một bài kệ nữa của Lục Tổ đối lại với bài kệ của Ngọa Luân. Nếu chúng ta không nắm được nguyên tắc chân Không diệu hữu, tự tánh khởi dụng hay đồng khởi chúng ta cũng khá hoang mang. Khi Ngọa Luân có bài kệ:

Ngọa Luân rất có tài,

Trăm việc không lo nghĩ,

Đối cảnh tâm không khởi,

Bồ đề ngày càng lớn.

Lục Tổ đối lại bằng bài kệ:

Huệ Năng không có tài,

Trăm việc đều lo nghĩ,

Đối cảnh tâm thường khởi,

Bồ đề có gì lớn.

(phẩm cơ duyên)

Với Lục Tổ tâm thì lo nghĩ nhưng lo nghĩ là tự tánh khởi dụng hay tư tưởng và tánh không là đồng khởi; cũng vậy, đối cảnh tâm thường khởi đây cũng là cảnh và tâm đồng khởi. Chính ngài đã sống được tâm cảnh và khởi tưởng là một; chỉ là sự đồng khởi với giải thoát cho nên ngài kết luận: Bồ đề có gì lớn. Hay với ngài, bồ đề là toàn khắp, kể cả mọi khởi tưởng và hiện tướng; đó là chiều kích của pháp thân, trong Đại Ấn gọi là Đại Ấn nền tảng, cái đã có sẵn; và hành giả tham thiền phải nhận ra ở Đại Ấn con đường, cái được nhận ra trong khi tu; tức là áp dụng cái thấy đồng khởi này trong tu hành.

Rõ ràng hơn về tính đồng khởi mà Lục Tổ gọi là không hai (bất nhị) được ngày dạy cho Tiết Giản:

“Phiền não tức là Bồ đề, không hai không khác; nếu lấy trí huệ soi phá phiền não, thì tức là chỗ kiến giải của hàng Nhị thừa và căn cơ thuộc về bực xe Nai, xe Dê; đến như bậc thượng trí đại căn, thì tất chẳng như vậy.

Giản bạch: “Thế nào là chỗ kiến giải của bực Đại thừa?”

Tổ nói: “Sáng cùng không sáng, tự nơi kẻ phàm phu thấy làm hai; còn người trí giải thì rõ suốt, tánh đâu có hai; cái tánh không hai gọi là: thiệt tánh. Cái thiệt tánh ấy, ở nơi kẻ phàm phu chẳng bớt ở nơi hiền thánh không thêm, ở nơi phiền não chẳng rối loạn, ở nơi thiền định chẳng vắng lặng, chẳng đoạn, chẳng thường, chẳng tới, chẳng lui, chẳng ở chính giữa và trong ngoài, chẳng sanh, chẳng diệt, tánh tướng như như, thường trụ chẳng dời, ấy gọi là: Đạo”. (phẩm Hộ pháp)

Nơi kẻ phàm phu chẳng bớt, nơi hiền thánh không thêm, nơi phiền não chẳng rối loạn nơi thiền định chẳng vắng lặng, tánh tướng như như là sự đồng khởi giữa bản tánh và các tướng, lời dạy này hết sức rõ ràng về đồng khởi.

Và đây là đoạn kệ ngài dạy về Chân như khởi dụng (sự lưu xuất của tánh giác) hay tư tưởng đồng khởi:

“Nầy thiện tri thức! tâm lượng rộng lớn khắp cả pháp giới, dùng ra thì làu làu phân minh. Khi ứng dụng thì biết hết thảy, hết thảy tức là một, một tức là hết thảy, lui tới tự do, tâm thể vốn không trở trệ, ấy tức là: Bát Nhã.

Hữu tình tức biết động,

Vô tình tức chẳng động,

Nếu tu hạnh chẳng động,

Đồng vô tình chẳng động.

Bằng tìm chơn chẳng động,

Trong động có chẳng động,

Chẳng động là chẳng động,

Không tình không Phật chủng.

Rành được tướng phân biệt,

Nghĩa thứ nhứt chẳng động,

Chỉ cái thấy như vậy,

Tức là chơn như dụng.

 (Kệ Chơn Giả Động Tịnh)

Hết thảy tức một, một tức hết thảy là tự tánh khởi dụng, hay dụng và tự tánh đồng khởi. Trong động có chẳng động là tư tưởng và hiện tướng đồng khởi.

 

Kết luận:

Trong dòng chỉ dạy của Những Điểm Thiết Yếu Của Đại Ấn Nhìn Thẳng Tâm Nxb Thiện Tri Thức hành giả phải qua bước thực hành sơ bộ, phải nhận biết thiền chỉ và thiền quán của các truyền thống kinh, thiền chỉ thiền quán của Đại Ấn, rồi sau cùng mới tiếp nhận Tâm Như Nó Là Đồng khởi. Sự chỉ dạy này cho chúng ta thấy, người muốn nhận diện ra đồng khởi hay lời dạy của Lục Tổ tương đương với mức độ này, người tu phải qua thực hành sơ bộ tịnh hóa tâm thức của mình; khi mọi che chướng đã tịnh hóa, lúc này người đó sẽ đối mặt với đồng khởi. Hành giả mới đủ sự tương ưng của tâm để nhận ra lời dạy trực tiếp này; hay “Đường ngôn ngữ dứt bặt chỗ tâm hành” là nói lên khả năng của người tham thiền đã đủ tương ưng hay chưa (với đồng khởi).

Đồng khởi xảy ra theo trình tự nhận diện trong tham thiền. Trước nhất là tâm đồng khởi, trong tham thiền gọi là chết đi sống lại; chết mọi che chướng, sống lại là tâm đồng khởi. Thứ hai, từ nền tảng của tâm đồng khởi, hành giả nhận ra tư tưởng đồng khởi và hiện tướng đồng khởi. Khi chưa nhận ra tâm đồng khởi, tư tưởng và các tướng là sự nhiễu loạn của tâm vì chúng ta bám vào các tướng và tưởng mà không nhận biết được tâm nền tảng. Khi đã nhận ra tâm đồng khởi là nền tảng giải thoát; hành giả tiến tới nhận ra tư tưởng và các tướng đồng khởi cùng với tâm giải thoát, chúng không ngoài tâm giải thoát; cho nên tư tưởng và các hiện tướng là giải thoát.

Thước đo của hành giả là thấy trực tiếp, đây là giai đoạn nhận diện giải thoát thoát khỏi mọi khái niệm, ngôn ngữ. Phải thấy trực tiếp mới có thể tương thông với lời dạy đốn giáo.

Đồng khởi là cái thấy không khác giữa tánh và tướng (sắc tức thị không, không tức thị sắc). Hay theo tinh thần Hoa Nghiêm về bốn pháp giới: sự, lý, lý sự vô ngại và sự sự vô ngại; tâm đồng khởi là pháp giới thứ hai: lý vô ngại; tư tưởng đồng khởi, hiện tướng đồng khởi là pháp giới thứ ba: lý sự vô ngại. Tư tưởng và hiện tướng đồng khởi là đặc trưng của Đại thừa.

Tánh không là giải thoát cứu cánh nhưng tánh không không rời các hiện tướng, chính điều này thể hiện tâm lượng của những hành giả Đại thừa. Vừa giải thoát cho mình mà vừa thực hành Bồ tát hạnh để giải thoát cho người, hay tầm cỡ của đồng khởi là giải thoát tất cả. Chính đồng khởi là con đường của Bồ tát.

Thấy được đồng khởi là thấy được Niết bàn vô trụ xứ, hành giả đã đứng trong toàn cảnh của giải thoát, là sự hợp nhất của tánh và tướng, của sanh tử và Niết bàn, chính ngay nhân là quả; hành giả mở rộng cái thấy này đến đâu thì giải thoát đến đó.

Trên phương diện đồng khởi, chúng ta nhận thấy rất phù hợp với tông chỉ đốn giáo của Lục Tổ. Bởi vì lời dạy của Lục Tổ phần lớn chỉ thẳng vào cái thấy giải thoát, không qua một quá trình nhận thức ngôn ngữ, đồng khởi cũng mang tính chất như vậy.

Cuối cùng, qua sự khảo sát về pháp tu đồng khởi và lời dạy của Lục Tổ chúng ta thấy: những sự chỉ dạy của Phật giáo Tây Tạng mà tiêu biểu là Đại Ấn và lời dạy của Lục Tổ (một vị tổ có ảnh hưởng lớn trong Thiền tông) là không khác.

Trải qua nhiều đời nối tiếp nhau trong dòng truyền thừa sẽ có những vấn đề nãy sinh đặc biệt để người tu hành chú trọng vào. Như vấn đề Đồng khởi của truyền thống Đại Ấn được nhấn mạnh thành một pháp tu mà chúng ta đã biết. Tuy vậy chúng ta nhận thấy những đặc điểm này cũng có trong truyền thống của Thiền tông qua Pháp Bảo Đàn Kinh của Lục Tổ Huệ Năng.

 

Những tháng hạ năm Kỷ Mão (2015). Tánh Hải.

 

 

SHARE:

Trả lời