HAI CHIỀU KÍCH CỦA MỘT TÂM GIẢI THOÁT

SHARE:

Nói đến Phật giáo là nói đến giải thoát, và giải thoát là giải thoát cái gì? Như thế nào là giải thoát? Trong phạm vi bài viết này, chúng ta hãy lượt qua cái thấy giải thoát của Phật và các vị Tổ là như thế nào? Và chúng ta xem như thế nào mới thật sự chạm tới giải thoát?

 

  1. Cái thấy của của Phật và Tổ trong Kinh:

 

Trước nhất ở phần thu về Như Lai Tạng trong Kinh Lăng Nghiêm như sau: “Anan, ông còn không biết rằng hết thảy các tướng huyễn hóa của tiền trần ngay nơi chỗ mà sanh ra, tùy theo chỗ mà diệt mất. Hư huyễn vì mê vọng nên nói là tướng, chứ thật tánh chúng là Diệu Giác Minh Thể. Như vậy, cho đến năm Ấm, sáu Nhập, mười hai Xứ và mười tám Giới đều là : – Nhân Duyên hòa hợp: in tuồng có sanh ra; – Nhân Duyên chia lìa: in tuồng diệt mất. Quyết chẳng biết rằng sanh, diệt, đến, đi vốn là Như Lai Tạng Tánh thường trụ, mầu sáng, bất động, tròn khắp, tánh diệu Chân Như. Trong Tánh Chân Thường ấy mà tìm cầu cho ra tướng đến, đi, mê, ngộ, sanh, tử rốt là không được”.

Phật nói tất cả chỉ là một Như Lai Tạng. Các tướng là do mê vọng chứ thật ra nó là Diệu Giác Minh Thể. Tức là, Tâm giải thoát thì trùm khắp không còn cái gì gọi là sinh diệt đến đi như cái thấy mê lầm của chúng ta.

 

Trong lý duyên khởi, Tánh không và duyên sinh là hai mặt của một Tâm. Chiều kích tánh Không là nói về chiều sâu của tâm thức là giải thoát là Không, còn chiều kích của duyên sinh hay hiện tượng xảy ra từ tánh Không là chiều hiện tượng biến hóa cùng khắp từ Tánh không. Giữa hai cấp độ: tuyệt đối là Tánh không và cấp độ tương đối là duyên sinh phải được nhận biết như là một tức là một vị của giác ngộ giải thoát.

 

Hay theo Bát Nhã Tâm Kinh, “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”.

 

Trong Đại Ấn diễn tiến của một người tu để thâm nhập Đại Ấn theo thứ tự căn cơ của người bình thường là: đầu tiên thấy bản tánh của tâm an định, rồi kế đến là thấy bản tánh của tâm chuyển động. Rồi hành giả sống bằng cái thấy đó để dung hòa hai cấp độ tuyệt đối và tương đối của mọi mặt trong đời sống, tiến đến cái thấy một vị, và đến giai đoạn không thiền định. (Đại Ấn, Thiền xóa tan bóng tối của vô minh, Karmapa thứ IX Thiện Tri Thức 2001)

 

      Trong Pháp Bảo Đàn Kinh, bài kệ Tâm thông Thuyết thông Lục Tổ nói: “Phật pháp ở trong đời, chẳng lìa đời mà có. Lìa đời tìm Bồ Đề. Nào khác cầu sừng thỏ”.

 

Còn lời khai thị của ngài Padmasambhava (vị Tổ của Phật giáo Tây Tạng):

“Emaho!  Chính cái tâm đơn nhất trùm thông tất cả sanh tử và Niết bàn.

Dù bản tánh cố hữu của nó đã hiện hữu từ sơ thủy, con đã không nhận biết nó.

Dù sự trong sáng và hiện diện của nó là không dứt, con đã chưa gặp khuôn mặt của nó.

Dù sự sanh khởi của nó không bị che ám ở đâu cả, con vẫn chưa nắm hiểu nó.” (Trích trong Tự Giải Thoát Qua Thấy Trần Trụi. NXB Thiện Tri Thức)

 

Qua những đoạn trích trên ta thấy tâm giải thoát hay Pháp thân, có hai chiều kích rõ ràng: một chiều là giải thoát, lặng lẽ, là Không là bản thể còn một chiều là cùng khắp các tư tưởng, các hình tướng, các sự việc, hiện tượng. Giải thoát là thâm nhập được chiều sâu của tâm nhưng cũng biến khắp theo chiều rộng của Tâm.

 

 Hai chiều kích trên là một trong Tâm giải thoát.

 

  1. Con đường thâm nhập của người tu để trở về cái thấy Giải thoát.

Cái thấy có hai chiều kích thì tham thiền phải kinh nghiệm được cả hai chiều kích trên.Chính hai phương diện của Pháp thân: một mặt là Không, giải thoát; một mặt là phô diễn thành tất cả các hiện tượng sống (ứng hóa thân). Ít người đi thẳng vào cái thấy trọn vẹn đủ cả hai mặt. Người tu thường có hai lối vào: tức trên phương diện tĩnh tại, hay trên mặt hiện tượng.

 

Về phương diện chứng thật pháp thân trong thiền định, hành giả tham thiền thoát khỏi tư tưởng tạo tác. Ngay khi tham thiền hoặc do tu hành miên mật trong nhiều ngày như tu theo khóa nhập thất dài ngày hoặc có một chương trình nổ lực nào đó của tự thân; nhờ có công phu trước đó cho nên trong cuộc sống sinh hoạt bình thường bỗng nhiên nhận ra được tâm giải thoát tức là trạng thái tâm không còn bị che chướng. Và có hành giả trong lúc tham thiền được nhất tâm cũng là bước đầu của cái thấy giải thoát.

 

Chúng ta thấy trường hợp nhận biết được tâm giải thoát ở đây rất là phổ biến với tất cả những người tu thiền. Giống như một trái cây đủ ngày đủ tháng, chín muồi rồi sẽ rụng; vì vậy trường hợp nhận ra cái thấy giải thoát này không có một hoàn cảnh nào cố định. Hốt nhiên rơi vào cái thấy đó và hành giả tự biết. Tự người tu có được niềm tin về chính mình. Sau cái thấy này phải nỗ lực tu học mạnh mẽ như tham thiền hoặc giữ gìn thời khóa tu hành hết sức mình mới có thể liên hệ hoặc duy trì cái thấy này; làm cho cái thấy này được tương tục. Nếu không nỗ lực tu, hành giả lại rơi trở lại cuộc sống bình thường như trước kia. Cái thấy chỉ là kinh nghiệm đã nhận biết để nói về nó, và việc tái lập lại cái thấy cũng rất khó khăn.

 

Nhưng đây chỉ là một phần của cái thấy, một phần của Pháp thân, muốn được viên mãn thì cơ sở là thiền định vốn có, phải mở rộng Tâm giải thoát ra các hiện tượng sống hằng ngày. Muốn như vậy thì mọi che chướng về mặt ngăn cách theo chiều kích này phải được giải tỏa mà lòng bi là yếu tố chủ lực. Từ thói quen tập trung thiền định. Hành giả phải chuyển sang hoạt động trong đời sống. Người tu phải tham dự mọi hoạt động từ phạm vi hẹp, dần dần đến phạm vi phức tạp hơn để mở rộng cái thấy theo chiều còn lại. Cái thấy ban đầu chỉ thiên về tĩnh tại, cái sau cần bổ sung là cái thấy quán chiếu hay huệ quán.

 

Có một ngã rẽ ở đây với người nhận ra cái thấy trong thiền định. Nếu hành giả chỉ một mực tham thiền về chiều sâu này của tâm thức, thì sẽ giải thoát nhưng đó thiên về giải thoát chỉ cho mỗi một mình. Chỉ có tâm giải thoát còn cảnh thì chưa. Hay nói cách khác chỉ có Ngã Không còn Pháp chưa Không. Nếu không có lòng từ bi nghĩ đến biết bao chúng sanh khác còn trong mê mờ thì hành giả chỉ tu giải thoát cho chỉ riêng mình và không có lòng bi thì khả năng mở rộng cái thấy ra chiều quán chiếu để làm cho cảnh giải thoát là chưa đủ căn cơ, chưa đủ yếu tố để có thể giải thoát được phần còn lại của tâm.

 

Phương diện thứ hai là trên mặt hiện tượng nhận biết được Tâm. Cái thấy này được các vị tổ Trung Hoa khai thị hay các vị guru Tây Tạng đưa cho đệ tử vào cái thấy giải thoát. Tây Tạng gọi là Ripa, còn thiền tông gọi là Kiến tánh. Sự khai thị của các ngài là nhằm vào Tâm giải thoát đang lưu xuất tức nó gồm đủ cả hai mặt như đã phân tích ở trên. Nhưng vì căn cơ của học nhân, khả năng thấu đáo sự việc, kinh nghiệm tu hành còn non kém; mà có khi người học chỉ nhận được tâm ở mức độ như trong Kinh Lăng Nghiêm Phật gọi là mặt trăng thứ hai. Tức cái thấy của Tâm nhưng chỉ trên bề mặt hiện tượng.

 

            Hành giả phải thật sự dè dặt trong nhận biết của mình về cái thấy trên mặt quán chiếu này. Vì một người tu nhận ra bản tâm mà thật sự nhận biết trên phương diện quán chiếu là rất hiếm, trong Đại Ấn có nói những hành giả mà thể nhận cái thấy trong trường hợp này là những người có căn cơ cao hay là những bậc tái sanh. Cũng Trong Tánh Giác Lộ Toàn Thân của Karma Chagmé, Thiện Tri Thức 2003, bốn yoga nói về quá trình nhận ra chân tánh và làm quen với nó diễn ra trong bốn yoga thì: yoga đầu nói về nhất tâm rồi yoga thứ hai mới thoát khỏi tạo tác ý niệm. (Tức cái thấy đủ cả hai mặt như phân tích ở trên). Trừ những hành giả được dìu dắt bởi một vị thầy để xác chứng cho cái thấy của mình đã nhận ra; còn như đã nói ở trên chỉ hiểu do tìm đọc hoặc nhận thức bằng ý thức phân biệt thì cái thấy chỉ là bề mặt nhưng nó cũng là cửa để vào với điều kiện người tu trong trường hợp này phải thường xuyên tỉnh thức trong cái thấy này. Đây là cách làm cho tư tưởng che chướng bị xem xét và cũng song song đó là luyện cho mình thói quen tỉnh thức. Nếu hành giả tu tập thuần thục và với công phu đó; theo thời gian tỉnh thức sẽ chuyển thành Tỉnh giác. Tức là khi không còn tác ý để duy trì sự tỉnh thức này mà bỗng nhiên tâm vẫn nhận biết rõ ràng mọi thứ từ góc độ Vô tâm; chứ không như trước, có chủ tâm, có tác ý.

 

  1. Tham khảo thêm Ngữ lục.

Để rõ cái thấy này chúng ta hãy tham khảo qua một số lời khai thị hoặc sự chứng ngộ của các vị thiền sư:

 

Hòa thượng Hối Ðường dạy chúng: “Nếu người chỉ thấu rõ tự kỷ mà chưa ngộ cái trước mắt, người này như có mắt mà không có chân. Nếu ngộ được cái trước mắt mà chẳng thấu rõ tự kỷ, người này như có chân mà không có mắt. Hai người này, trong hai mươi bốn giờ thường có một vật ngăn trong lồng ngực. Vật đã ở trong ngực thì cái tướng bất an thường ở trước mắt. Ðã ở trước mắt thì gặp việc, thành ra bị kẹt, làm sao mà được an ổn?”  (Trích trong Kho Báu Nhà Thiền, sưu tầm Định Huệ).

 

Sau đây là lời trò chuyện của thầy trò Qui Sơn và Ngưỡng Sơn:
“Sư (Qui Sơn) cùng chúng đi hái trà. Sư bảo Huệ Tịch (Ngưỡng Sơn):

– Trọn ngày hái trà chỉ nghe tiếng con mà chẳng thấy hình con, hãy hiện Bản hình cho ta thấy coi.

Huệ Tịch liền đập cây trà.

Sư bảo: – Con chỉ được cái Dụng của nó, chẳng được cái Thể của nó.

Huệ Tịch thưa:

– Chưa biết Hòa thượng thế nào?

Sư im lặng. – Hòa thượng chỉ được cái Thể của nó, không được cái Dụng của nó.

– Cho con hai chục gậy”.

 

Hai chục gậy đó là dành cho chúng ta nếu hiểu rằng mỗi vị: Thầy được Thể, trò được Dụng. Các vị khéo bày để nhắn nhủ người đời sau; cái thấy phải đủ hai chiều kích.

 

Kế đến là hai bài kệ trình sở ngộ của thiền sư Trí Nhàn cho Ngưỡng Sơn nghe như sau: “Ngưỡng Sơn đến thăm Trí Nhàn, bảo:

– Hòa thượng khen ngợi Sư đệ đã phát minh đại sự, thử nói tôi nghe?

 

Sư tụng: (Năm xưa nghèo chưa thật nghèo

  Năm nay nghèo mới thật nghèo

  Năm xưa nghèo vẫn còn có đất cắm dùi

Năm nay nghèo dùi cũng không.)

 

Ngưỡng Sơn bảo:

– Sư đệ ngộ Như Lai thiền mà chưa ngộ Tổ sư thiền.

Sư lại nói bài tụng:

Ta có một ki (cơ)

Chớp mắt chỉ y

Nếu người chẳng hội

Riêng gọi Sa-di.

Ngưỡng Sơn gật đầu và về thưa lại Qui Sơn:

– Đáng mừng! Sư đệ Trí Nhàn đã ngộ Tổ sư thiền”.

 

Đừng để mắc kẹt vào cái bẫy của các vị về tên Tổ Sư Thiền hay Như Lai Thiền.

Xem? hai bài kệ đó có phải nói về một Tâm hay không?

 (Trích trong Thiền sư Trung Hoa, Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch)

 

Tóm lại, như đã trích ở trên cái thấy giải thoát chỉ là Như Lai Tạng, hay Tánh không dù là hinh tướng gì cũng ở trong Tánh không, cũng là Như Lai Tạng. Vì thế, trên phương diện để đánh giá cái thấy là: không còn phân chia, không bị mắc trong ba thời quá khứ hiện tại vị lai hay tứ tướng ngã nhân chúng sanh thọ giả như trong Kinh Kim Cang thường nêu. Dù chạm được cái thấy trên phương diện thiền định hay phương diện quán chiếu gì cũng vậy, thực hư phải dựa trên cái Một, không có sự chứng nghiệm của người thấy và sự việc được chứng nghiệm. Tất cả là một không ngăn chia phân mảnh. Nhận ra cái thấy là cái đã sẵn có. Cái thấy phải luôn luôn tươi mới, không cản trở sự phóng chiếu của tâm thức mà là nền tảng của mọi phóng chiếu đó. Giải thoát phải luôn luôn đi kèm với lòng bi như một thuộc tính mới thật sự là cái thấy của Đại thừa.

 

Như vậy là mới khởi đầu của việc tu hành. Người tu mới thật sự chạm tới giải thoát và từ đây phải theo một chương trình tu tập để làm cho cái thấy này sâu hơn rộng hơn viên mãn hơn. Các vị tổ Trung Hoa đã ở ẩn vài chục năm trên núi như Lục Tổ tám tháng giả gạo, mười năm với phường săn; quốc sư Huệ Trung trụ ở núi Bạch Nhai hơn bốn mươi năm; Thiền sư Triệu Châu mấy mươi năm tu trong chúng… hay như những bước tu nâng cấp trong Đại Ấn hoặc cái Thấy Thiền định và Hạnh trong Đại Toàn Thiện, (đây là giai đoạn thiền định trở đi); của pháp tu Ấn Tạng.

Tánh Hải –  những tháng Hạ năm 2014

SHARE:

Trả lời