Những Lời Nói Đầu Của Người Biên Tập

SHARE:


EINSTEIN và ĐỨC PHẬT – NHỮNG LỜI NÓI TƯƠNG TỰ
Biên tập: Thomas J. Mc Farlane
Giới thiệu: Wes Nisker
Thiện Tri Thức

1. Mục lục
2. Giới thiệu bởi Wes Nisker
3. Những Lời Nói Đầu Của Người Biên Tập
4. Những Lời Nói Tương Tự, Những Thế Giới Tương Tự
5. Những Nhà Vật Lý Học
6. Những Nhà Đạo Học
7. Kinh nghiệm Con người
8. Hòn Đá Thử của Chân lý
9. Nghịch lý và Mâu thuẫn
10. Nói được và Không thể nói được
11. Chủ thể và Đối tượng
12. Tên gọi và hình tướng
13. Những Ảo tưởng và những Mê lầm
14. Những Sóng, những Trường và Năng lượng
15. Những Hạt và Vật chất
16. Toàn Thể và Tương Thuộc
17. Thời gian và Không gian
18. Biểu lộ và nhân quả
19. Nhất thể và Đa thù
20. Vật lý học và Đạo học

Những Lời Nói Đầu Của Người Biên Tập

“Quan niệm không gian tách khỏi mọi hàm lượng vật lý thì không thể có”

Hay lời nói khác:

“Nếu có duy nhất không gian trống không, không có những mặt trời cũng như những hành tinh, bấy giờ không gian mất đi bản chất của nó”.

Một trong hai tuyên bố này là của Siddhartha Gautama (Tất Đạt Đa Cồ Đàm), được gọi là đức Phật, vị đã sống khoảng thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên và đã sáng lập một tôn giáo lớn mà hôm nay có 350 triệu tín đồ trên khắp thế giới. Câu kia được viết trong thế kỷ 20 bởi Albert Einstein, mà lý thuyết tương đối của ông đã cách mạng khoa học vật lý (Để tìm ra ai đã nói câu nào, hãy xem trang …)

Dù hai người đã sống cách nhau hàng thiên niên kỷ, ở hai mặt đối nhau của trái đất, và đã dùng những phương pháp khác nhau để hiểu và truy tìm bản chất của thực tại, cả hai đã khám phá nhiều chân lý giống nhau. Ngoài bản chất của không gian, những nhận định của Einstein và những nhà vật lý hiện đại khác tương đồng với những nhận định của những nhà đạo học phương Đông trong những lãnh vực như bản chất của thời gian và vật chất, tính toàn thể của mọi sự vật, sự diễn tả thực tại bằng nghịch lý, sự tương quan giữa người quan sát và cái được quan sát và sự cần thiết thử nghiệm hiểu biết qua kinh nghiệm. Trong nhiều (dù không phải tất cả) phương diện, vật lý học hiện đại bao giờ cũng đưa chúng ta đến gần hơn với cái thấy thực tại như những triết học cổ Châu Á chấp nhận.

Ba trăm năm trước, khoa học và tôn giáo được xem là những đối nghịch. Những tương tự giữa những tôn giáo phương Đông và vật lý học hiện đại thách thức quan niệm này và ghi những dấu hiệu đầu tiên về một chuyển hóa sâu xa trong cách chúng ta truy tìm và thấu hiểu thực tại. Trong những thế kỷ tới, người ta hẳn nhìn lại thời đại chúng ta như một cuộc cách mạng khoa học lần thứ hai – cuộc cách mạng trong đó nhị nguyên giữa khoa học đối nghịch với tôn giáo được phát hiện là một ảo tưởng hư vọng, và nhân loại nhận ra hai phương pháp là bổ túc cho nhau hơn là mâu thuẫn.

Ngày nay, chúng ta đã đi những bước đầu tiên trên con đường đó và không biết sự phiêu lưu sẽ khai mở thế nào. Mục tiêu của cuốn sách này là giới thiệu những tương tự giữa khoa học hiện đại và đạo học phương Đông theo một cách trực tiếp để độc giả khảo sát những điểm giống nhau này và thấy chúng phát hiện những kỳ diệu nào.

Khoa học và tôn giáo thì không hoàn toàn khác cũng không hoàn toàn như nhau. So sánh những câu nói tương tự của những nhà vật lý và những nhà đạo học cho phép chúng ta nhìn vượt lên sự đối nghịch đã có như một truyền thống giữa hai cái để đến một vùng đất mới của hòa điệu và hòa nhập.

Những câu nói tương tự này là những hạt giống gợi mở cho suy nghiệm về một thực tại vượt khỏi cách hiểu chặt chẻ theo vật lý hay thuần túy tâm linh. Nơi những câu nói biểu hiện những tương đồng, chúng phát hiện sự thống nhất trong những khác biệt giữa khoa học và tôn giáo. Nơi chúng biểu hiện những khác biệt, chúng soi sáng bản chất sâu xa của sự thống nhất đó. Như những công án Thiền, chúng giúp nới lỏng sự bám chấp của tâm vào những quan điểm sơ giản về thực tại, mở cho chúng ta một không gian nơi cái thấy thấu suốt có thể mọc lên.

Khoảng thời gian đức Phật sống ở Ấn Độ, những triết gia đầu tiên của phương Tây đã gieo trồng những hạt giống của khoa học ở Hy Lạp cổ. Thủ lãnh trong các triết gia ấy, Pythagoras đã đề nghị rằng toàn bộ vũ trụ là trật tự một cách toán học và có thể được hiểu một cách lý trí theo những con số và những liên hệ của chúng. Dù hạt giống này phải cần hàng thế kỷ để nẩy mầm, nó đã – và vẫn còn – nằm nơi gốc rễ của lối tiếp cận khoa học để thấu hiểu thực tại gần 2000 năm sau, trong thời Phục Hưng, quan niệm của Pythagoras đã liên kết với phương pháp thực nghiệm, và khoa học như chúng ta đã biết ra đời.

Hầu hết những sử gia đồng ý rằng sự thù oán giữa khoa học và tôn giáo trong văn hóa phương Tây khởi lên trước tiên khi những tư tưởng gia khoa học như Copernicus và Galileo đã có những khám phá có vẻ trái nghịch thẳng thừng với giáo điều tôn giáo thời đó. Một hậu quả là, những người muốn thúc đẩy xa hơn hiểu biết khoa học thì bị giáo hội kết tội là dị giáo. Về sau, khi quyền lực của khoa học tăng lên, thực tại đã bị chia thành hai nửa vật chất và tâm linh, và khoa học đã được trao cho thẩm quyền đối với thế giới vật chất. Sự phân chia giả tạo này giữa tôn giáo và khoa học, ngược lại, đã làm phát sanh một sốnhững quan niệm sai lầm thường được giữ cho đến ngày nay.

Một quan niệm sai như vậy là khoa học thì chuyên về những sự kiện vật lý, trong khi tôn giáo thì lo về những giá trị tâm linh. Khoa học, như chúng ta đã nói, thì nói với chúng ta sự kiện nào là thật, trong khi tôn giáo nói với chúng ta giá trị nào là tốt. Nhưng khi khoa học có một nhận định về sự kiện, nó cũng có một phê phán về cái gì là giá trị. Nếu một lượng vàng được tìm thấy là vàng của một gã khờ, tất cả giá trị của nó thình lình tan biến; cũng vậy, nếu khoa học tuyên bố thế giới vật chất là thực tại duy nhất, nó đã minh nhiên thách thức giá trị của bất kỳ thực tại tâm linh nào. Cái chúng ta xem là sự kiện khoa học xác định cái chúng ta cho là giá trị. Cũng thế, cái chúng ta cho là giá trị giúp chúng ta xác định cái chúng ta cho là những sự kiện khoa học. Chúng ta đặc biệt thấy điều này khi hai lý thuyết rất khác nhau giải thích cùng một dữ kiện. Trong trường hợp ấy, những nhà khoa học chọn một lý thuyết thay vì cái kia bằng cách cầu viện đến những giá trị như cái đẹp, sự thanh nhã, giản dị và sự mạch lạc chặt chẽ.

Những sự kiện, cũng như những giá trị, cũng thiết yếu với tôn giáo. Cốt lõi căn bản của bất kỳ hệ thống những giá trị tâm linh nào là bản chất chân thật của thực tại. Với những nhà đạo học, Phật tánh, Brahman hay Đạo không chỉ là giá trị tối hậu mà còn là sự kiện, thực tại và chân lý tối hậu. Hiểu biết về chân lý này là chìa khóa cho cứu độ hay giải thoát. Như Jesus nói, “Các ngươi sẽ biết chân lý, và chân lý sẽ khiến các ngươi tự do”. Hay như đức Phật nói, “Người hành động theo chân lý thì hạnh phúc trong thế giới này và ngoài thế giới này”. Cả hai cái, những sự kiện và những giá trị là những yếu tố không thể tách lìa của tôn giáo cũng như khoa học.

Một quan niệm sai lầm khác là khoa học thì xử lý với thế giới vật chất bên ngoài, trong khi tôn giáo xử lý với thế giới tâm linh bên trong. Thật ra, những lý thuyết khoa học không chỉ được hình thành bởi những tri giác của chúng ta về thế giới bên ngoài mà còn bởi sự nhạy cảm thẩm mỹ của nhà khoa học như cái đẹp, sự thanh nhã, giản dị và chặt chẽ toán học. Đối tượng tối hậu của hiểu biết khoa học không phải là thế giới bên ngoài thấy qua những giác quan nhưng là một lý thuyết về trật tự và hài hòa của thế giới như được tri giác trong tâm của nhà khoa học.

Dù tâm là dụng cụ hàng đầu được dùng trong chiêm nghiệm tôn giáo, phạm vi của chiêm nghiệm ấy bao gồm cả những đối tượng bên trong và bên ngoài. Mục đích tối hậu của người tìm kiếm tâm linh là nhận thức rằng không có sự phân biệt thực sự giữa bên trong và bên ngoài, giữa mình và cái khác. Những truyền thống tôn giáo, cũng như tư tưởng khoa học, xử lý với cả thế giới bên trong của những cái thấy thấu suốt và thế giới bên ngoài của những hiện tượng giác quan.

Cũng không chính xác khi nói khoa học đặt nền trên tư tưởng và hoài nghi thuộc lý trí, trong khi tôn giáo đặt nền trên trực giác và đức tin. Đúng là lý tính và logic là những tiêu chuẩn quan trọng của tư tưởng khoa học; nhưng không có một đột phá sáng tạo khoa học nào có thể có nếu không có cái thấy thấu suốt trực giác và cảm hứng. Và khi cái thấy thấu suốt trực giác là suối nguồn của mọi lời dạy thiêng liêng, thì tư tưởng lý tính và lý luận triết học giữ những vai trò quan trọng trong việc làm ngăn nắp tâm trí để cho trực giác có thể chiếu soi không chướng ngại.

Tương tự, dù nhà khoa học phải sẵn sàng nghi ngờ mọi giả thiết vật lý, sự thực hành khoa học mời gọi đức tin nền tảng rằng thực tại là có thể hiểu được một cách lý trí. Người tìm kiếm tâm linh cũng phải bắt đầu với đức tin rằng chân lý tối hậu có thể biết được, nhưng sẽ không bao giờ biết chân lý đó nếu không có một nghi ngờ căn bản về mọi hình thức hiểu biết của con người bình thường. Cả hai đức tin và nghi ngờ, cũng như logic và trực giác, là những phẩm tính mà nhà khoa học và nhà đạo học cùng chia xẻ.

Những phân biệt giả tạo giữa khoa học và tôn giáo, một khi đã giải tan, phát lộ sự hòa điệu giữa chúng với nhau. Cái Thiện và cái Chân là hợp nhất, Plato nói với chúng ta như vậy. Upanishads tuyên bố rằng Atman bên trong và Brahman bên ngoài là một. Có một cấp độ sâu thẳm của thực tại mà cả bên ngoài và bên trong, sự kiện và giá trị, chia xẻ cùng nhau. Biết được thực tại này đòi hỏi cả lý trí và trực giác, nghi ngờ và đức tin. Khi hai lối tiếp cận bổ túc nhau đến cùng một thực tại, khoa học và tôn giáo có thể phối hợp những kỹ thuật quan sát của chúng với những quan niệm và biểu tượng khiến làm khởi sanh những vũ trụ quan và lý thuyết cách mạng mới.

Cả hai, những nhà khoa học và những nhà đạo học đều truy tìm thực tại bằng cách tinh lọc những khả năng của họ để quan sát những hiện tượng cực kỳ vi tế vượt xa những giới hạn của tri giác bình thường. Vật lý học tạo ra những thiết bị đo lường và sử dụng những biểu tượng toán học để hình dung thực tại. Những truyền thống chiêm nghiệm trau dồi những hình thức đặc biệt của cái thấy thấu suốt bằng thiền định và những kỹ luật tâm thức khác và sử dụng huyền thoại, nghệ thuật, thơ ca, ẩn dụ và triết học để hình dung thực tại.

Một khác biệt là những nhà đạo học quan niệm những học thuyết của họ rốt ráo chỉ đến một thực tại không thể biết trong quan niệm và lý thuyết, trong khi những nhà khoa học quan tâm đến việc phát triển những kiểu mẫu quan niệm của một thực tại đối tượng khách quan. Mục đích của họ không là bản thân thực tại mà là một lý thuyết về thực tại. Tuy nhiên, sự khác biệt này không phải là căn bản cho một đối nghịch giữa khoa học và tôn giáo. Hầu hết những giáo lý và kinh nghiệm tâm linh không phải là về cái Tuyệt Đối không thể diễn tả mà liên hệ đến cái có thể được biết một cách khách quan. Điều này cũng đúng đối với khoa học.

So sánh những lối tiếp cận khoa học và chiêm nghiệm hướng đến thực tại, chúng ta có thể thấy những khả năng đồng quy. Einstein và đức Phật đều tìm cách biến những chân lý sâu xa nhất về cùng một thực tại, sử dụng nhiều nguyên lý truy tìm như nhau. Sẽ không ngạc nhiên khi họ nói những điều giống nhau về cái họ đã khám phá.

Thomas McFarlane

Tháng Mười Một 2001

SHARE:

Trả lời