Chiếu kiến năm uẩn đều Không

SHARE:


BÁT NHÃ TÂM KINH THIỀN GIẢI
ĐƯƠNG ĐẠO
IN LẦN THỨ NHẤT 1981
IN LẦN THỨ HAI NXB. THIỆN TRI THỨC 2002

1. DẪN NHẬP
2. MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH
3. HÀNH GIẢI
4. Ma Ha
5. Bát-nhã Ba-la-mật-đa
6. Tâm Kinh
7. Quán Tự Tại Bồ-tát
8. Khi hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa
9. Chiếu kiến năm uẩn đều Không
10. Vượt qua mọi khổ ách
11. Xá-lợi Tử!
12. Không chẳng khác sắc
13. Sắc tức là Không, Không tức là sắc
14. Thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như thế
15. Xá-lợi Tử! Thế nên mọi pháp là Không tướng, không sanh không diệt, không cấu không tịnh, không tăng không giảm.
16. Thế nên trong Không, không có sắc, không có thọ tưởng hành thức, không có mắt tai mũi lưỡi thân ý, không có sắc thanh hương vị xúc pháp, không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới, không có vô minh, cũng không có hết vô minh, cho đến không có lão tử, cũng không có hết lão tử, không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo, không có trí huệ cũng không có chứng đắc.
17. Do vô sở đắc, Bồ-tát y vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa, tâm vô quái ngại, do vô quái ngại không mọi điên đảo, rời xa mọi điên đảo mộng tưởng, rốt ráo Niết-bàn
18. Ba đời chư Phật, do y vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa, đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác
19. Thế nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa là đại thần chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú, hay trừ tất cả khổ, chân thật bất hư
20. Nên thuyết Bát-nhã Ba-la-mật-đa chú, tức thuyết chú rằng Gaté gaté, paragaté, parasam-gaté, Bodhi svaha

Chiếu kiến năm uẩn đều Không

1. Soi thấy tất cả những gì theo thế gian gọi là vật chất và tinh thần đều rỗng không, không có tự tánh.

Sắc là những hình tướng vật chất thấy được. Sắc không có tự tánh. Nếu có tự tánh, sắc đã không bị biến dạng và hủy hoại.

Thọ là những gì ta cảm nhận. Thọ là do tiếp xúc, do nhân duyên. Tho qua đi, không để lại vết tích. Thọ lầm lạc, do cơ thể khi mạnh khi yếu, khi nóng khi lạnh, trẻ già

Tưởng là các tưởng niệm. Khi nói đến trái me tự nhiên chảy nuớc miếng. Đó là tưởng. Hình sắc, cảm thọ còn không có tự tánh, không thật, làm sao bóng dáng của chúng trong tâm thức lại thật.

Hành là sự trôi chảy không ngừng của tưởng niệm. Sự trôi chảy, tiếp nối, thúc đẩy nhau của hành là những mắt xích tiếp nối của dòng tâm thức để tiếp tục tái sanh bất tận theo nghiệp thức trong cõi luân hồi. Hành không thật, vì bằng sức định tâm, hành có thể bị chặn đứng và tiêu diệt.

Thức là thứ vi tế nhất mà Đức Phật nói trong kinh Lăng Nghiêm: “Thức A-đà-na vi tế, ta không nói đến vì sợ chúng sanh chấp làm ngã.”. Cũng chính thức này tạo ra thân tâm và thế giới. Tất cả mọi sự ta cảm nhận, thân thể, thân tâm và ngoại cảnh là do thức tạo thành. Một sự vật tùy theo loài mà cảm nghiệm khác nhau. Một dòng sông là tất cả sự sống của loài cá. Nhưng đó là cái chết của loài chim. Đó là sự sống của loài người nhưng cũng là chướng ngại của loài người. Và đối với ngạ quỷ, theo kinh Lăng Nghiêm, sông Hằng (Gange) là một dòng lửa đỏ đối với chúng. Thế giới có tùy theo nghiệp thức của mỗi loài. Đó là điều đạo Phật nói là “Tam giới duy Tâm, vạn pháp duy thức.” Thức không có tự tánh, vì thức có thể bị tiêu diệt vì Thiền định. Thức không thật, vì mỗi loài có riêng nghiệp thức của mình

Năm uẩn đó là năm lớp che chướng Thực Tại, chúng đều không có tự tánh, sanh ra rồi diệt mất, theo luật sanh, trụ, dị, diệt. Vì không có tự tánh nên là Không. Tất cả mọi làn sóng khác nhau theo hình thể, tất cả mọi sông, suối, ao, hồ, mây, hơi, đều khác nhau, chúng đều không có tự tánh vì có thể biến hóa, đắp đổi biến thành lẫn nhau. Nhưng tất cả đều là nước. Tất cả sóng, sông, ao, hồ, mây, hơi đều không có tự tánh. Và vì không có tự tánh riêng nên chúng là tánh nước. Cũng thế, tất cả mọi pháp đều không có tự tánh riêng, nên chúng là tánh Không.

2. Tự Tánh Chân Không thì thường tịch mà vẫn thường chiếu. Phật Tâm thì vốn tự định, tự chiếu, hằng yên lặng và sáng soi như thế. Không ai có thể “định” được Phật Tâm, cũng không có trí huệ nào soi sáng thêm cho Phật Tâm. Tự Tánh thì vốn tự nhiên như thế, không sanh diệt, tăng giảm, không hề phải dụng công. Nhưng con người phải dụng công để tương ưng với Tự Tánh. Nếu Tự Tánh thì tự tịch, tự chiếu mà con người bước đầu phải quán chiếu. Quán chiếu là buớc đầu của Tịch Chiếu. Quán chiếu thì dụng công, tu tập còn Tịch Chiếu thì không dụng công, không tu, không đắc.

Đối với hành giả mà con mắt Bát-nhã đã phần nào khai mở, nghĩa là bắt đầu quán chiếu, thì tất cả mọi pháp kể cả thân mình đều trống rỗng. Người ấy xem thấy mọi pháp, cả sanh tử lẫn Niết-bàn, đều như những hình ảnh trong một giấc mộng. Chỉ khác là với người thường, những hình ảnh thấy được là trong một giấc mộng không tỉnh thức, còn với hành giả, những hình ảnh của sanh tử là hình bóng của một giấc mộng tỉnh thức. Càng tỉnh thức, trần gian càng biến thành giấc mộng. Tâm Không càng sáng tỏ, trần cảnh càng tiêu vong, đến mức một hình tướng không thể nói là có hay không. Vì thế, đạo Phật dùng chữ Như Huyễn. Kinh Kim Cang nói: “Phàm có hình tướng, thảy đều hư vọng.”

Kinh Hoa Nghiêm (phẩm Thập Địa):

“Quán pháp vô tướng cũng vô tánh
Vô sanh vô diệt vốn thanh tịnh
Không có hý luận, không lấy bỏ
Thể tướng tịch diệt như huyễn thảy
Hữu vô bất nhị rời phân biệt
Tùy thuận pháp tánh, quán như vậy”

3. Có người hỏi Quốc sư Huệ Trung: “Làm thế nào để giải thoát?”
Sư đáp: “Các pháp không đến nhau, ngay đó là giải thoát”
Lại hỏi: “Làm sao đoạn được?”
Sư đáp: “Đã nói là các pháp không đến nhau, đoạn cái gì?”

* Ngài Duy-ma-cật nói với Ưu-bà-ly: “Tất cả các pháp sanh diệt không ngừng, như ảo, như lằn chớp. Các pháp chẳng đợi nhau, cho đến một niệm cũng không trụ lại. Mọi pháp đều là vọng thấy, như mộng, như nháng lửa, như trăng dưới nước, như bóng trong gương, do vọng tưởng sanh. Biết thế, gọi là phụng trì Giới luật.”

4. Ngài Duy-ma-cật nói với Đại Ca-diếp: “Vì chẳng ăn nên mới đi khất thực. Vì hoại tướng hòa hiệp nên mới ăn. Vì chẳng thọ nên mới dùng đồ ăn ấy. Vì nghĩ rằng mọi tụ họp là rỗng không nên mới đến chỗ dân cư tụ hội. Chỗ thấy sắc cũng như đui. Tiếng nghe đều như vang, không từ đâu đến, không đi về đâu. Mùi hương cũng như gió. Vị đồ ăn chẳng phân biệt. Cảm thọ mọi xúc đều như Trí chứng. Biết các pháp như ảo tướng: không có tự tánh riêng của mình, cũng không có tánh của cái khác, xưa vốn không cháy, nay tức chẳng tắt.”

Tu như thế là tu Bát-nhã

SHARE:

Trả lời