Khi hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa

SHARE:


BÁT NHÃ TÂM KINH THIỀN GIẢI
ĐƯƠNG ĐẠO
IN LẦN THỨ NHẤT 1981
IN LẦN THỨ HAI NXB. THIỆN TRI THỨC 2002

1. DẪN NHẬP
2. MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH
3. HÀNH GIẢI
4. Ma Ha
5. Bát-nhã Ba-la-mật-đa
6. Tâm Kinh
7. Quán Tự Tại Bồ-tát
8. Khi hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa
9. Chiếu kiến năm uẩn đều Không
10. Vượt qua mọi khổ ách
11. Xá-lợi Tử!
12. Không chẳng khác sắc
13. Sắc tức là Không, Không tức là sắc
14. Thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như thế
15. Xá-lợi Tử! Thế nên mọi pháp là Không tướng, không sanh không diệt, không cấu không tịnh, không tăng không giảm.
16. Thế nên trong Không, không có sắc, không có thọ tưởng hành thức, không có mắt tai mũi lưỡi thân ý, không có sắc thanh hương vị xúc pháp, không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới, không có vô minh, cũng không có hết vô minh, cho đến không có lão tử, cũng không có hết lão tử, không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo, không có trí huệ cũng không có chứng đắc.
17. Do vô sở đắc, Bồ-tát y vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa, tâm vô quái ngại, do vô quái ngại không mọi điên đảo, rời xa mọi điên đảo mộng tưởng, rốt ráo Niết-bàn
18. Ba đời chư Phật, do y vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa, đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác
19. Thế nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa là đại thần chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú, hay trừ tất cả khổ, chân thật bất hư
20. Nên thuyết Bát-nhã Ba-la-mật-đa chú, tức thuyết chú rằng Gaté gaté, paragaté, parasam-gaté, Bodhi svaha

Khi hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa

1. Khi hành Trí Huệ Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa có nghĩa là đi sâu vào thực tại Không. Nói một cách giản dị, đó là đi sâu vào ba phép tu Chỉ (Samatha), Quán (Vipasyana) và Thiền (Dhyana). Đó là ba pháp tu tạo nên đạo Phật. Không kinh điển nào không giảng một trong ba pháp tu này.

Chỉ có nghĩa là định tâm, tâm định thì sanh huệ, Trí Bát-nhã xuất hiện rõ ràng trong tâm định.

Quán là quán sát mọi hình tướng mọi tư tưởng đều là giả danh, không thật có, do đó mọi pháp đều như huyễn, do nhân duyên mà có. Nhân duyên đó là do cảnh như huyễn và tâm như huyễn tạo nên. Như trên đã nói, mọi pháp đều không thật, vì không có tự tánh, tâm thức cũng không có tự tánh vì sanh diệt tiếp nối không ngừng. Cả hai thứ không có tự tánh đó đã giả hợp nên thế giới của chúng ta.

Thiền là biết tự tâm Chân Không vượt ngoài mọi hình tướng, thấu thoát qua mọi hình sắc sông núi thân tâm, như tiếng chuông phát ra ngoài mặt chuông không ngăn ngại. Tự tánh đó vừa là tịch diệt yên lặng, vừa sáng soi, trong đó không có căn trần và thế giới. Đó là Chân Tâm của chư Phật.

Người tu theo Bồ-tát Quán Tự Tại đi sâu vào Trí Huệ tức là đi sâu vào ba pháp môn này để nhìn thấy Thực Tại. Nói ngài Quán Tự Tại “hành” chỉ là nói phương tiện, vì ngài có tu nữa đâu. Đây là nói cho chúng ta. Tuy thực tại thì luôn luôn hiện hữu ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ thời gian nào, nhưng vì chúng ta bị các vọng trần tạo ra không gian và vọng niệm tạo ra thời gian che chướng, nên lọt vào trong thế giới trói buộc của không gian cứng đọng và thời gian hạn hẹp. Bị tù hãm trong đó, chúng ta chẳng thể nào thấy được Thực Tại là Chân Không, vốn vô hạn so với không gian hữu hạn, và vĩnh cữu so với thời gian chia cắt và trôi chảy. Chỉ có khi nào thoát khỏi sự ràng buộc của những thứ tạo nên thân tâm chúng ta (sắc thọ tưởng hành thức), chúng ta mới chấm dứt được sự ràng buộc của không gian thời gian, chấm dứt sự ràng buộc trong vòng trôi lăn của luân hồi sanh tử và thấy được thực tại chân thường vốn là khuôn mặt xưa nay của chúng ta.

2. Với người tu đạo Phật, đi vào Trí Huệ nghĩa là thường xuyên quán chiếu và nhận biết những chướng ngại ngăn che Trí Huệ. Các chướng ngại đó là năm ấm. Các chướng ngại hết, ngã pháp đều không, Trí Huệ hiện tiền.

Đi vào thực tại, nghĩa là lìa mọi sai lầm, lìa khỏi tâm, ý, ý thức, nghĩa là vô niệm. Lục Tổ giảng về Bát-nhã: “Nếu tất cả chỗ, tất cả mọi thời, niệm niệm không ngu, thường hành Trí Huệ tức là hạnh Bát-nhã. Một niệm ngu tức Bát-nhã dứt, một niệm trí tức Bát-nhã sanh.” Ngu ở đây nghĩa là bị tướng và tưởng che với Thực Tại.

3. Có người hỏi Thiền sư Cảm Thành, Tổ thứ nhất dòng Vô Ngôn Thông Việt Nam: “Phật là thế nào?”
Đáp: “Khắp tất cả chỗ”
Hỏi: “Thế nào là Bát-nhã?”
Đáp: “Không từng che dấu”

* Người xưa nói” “Xanh xanh trúc biếc đâu chẳng phải là Pháp thân. Rỡ rỡ hoa vàng đâu không là Bát-nhã”

4. Tổ Huệ Năng dạy về Bát-nhã tam-muội: “Bát-nhã tam-muội là Vô niệm. Thế nào là Vô niệm? Thấy tất cả các pháp không nhiễm, không trước là vô niệm. Dùng thì biến khắp xứ xứ, cũng không nhiễm trước tất cả xứ. Chỉ trong sạch lấy bổn tâm, khiến sáu thức ra sáu cửa đối trong sáu trần không nhiễm không tạp, tới lui tự do, dung thông không trệ là Bát-nhã tam-muội”

SHARE:

Để lại một bình luận