THỂ NHẬP TÍNH CÁCH NHƯ MỘNG CỦA TÁNH KHÔNG

SHARE:


NHỮNG LỐI VÀO THỰC TẠI TỐI HẬU
Dudjom Rinpoche – Việt dịch: Nguyễn An Cư – Thiện Tri Thức 2004

1. Giới Thiệu
2. PHẬT QUẢ KHÔNG THIỀN ĐỊNH
3. TÁNH KHÔNG CỦA MỌI SỰ VẬT
4. THỀ NHẬP VÀO NHƯ HUYỄN
5. BẢY ĐẶC TÍNH NHƯ KIM CƯƠNG CỦA HƯ KHÔNG
6. THỂ NHẬP TÍNH CÁCH NHƯ MỘNG CỦA TÁNH KHÔNG
7. THẦN LINH VÀ MA QỦY CHỈ LÀ SỰ HÓA HIỆN CỦA TÂM THỨC
8. THỰC TẠI VỐN LÌA CÁC HÌNH TƯỚNG
9. CHUYỂN SANH TỬ VÀ NIẾT BÀN VỀ CÙNG MỘT NỀN TẢNG
10. NHỮNG HÌNH TƯỚNG XUẤT HIỆN NHƯ THẾ NÀO?
11. KHÔNG – VÔ TƯỚNG – VÔ NGUYỆN
12. TÁNH GIÁC VÀ NHỮNG BIỂU LỘ CỦA NÓ
13. LÝ DO THỰC HÀNH QUÁN TƯỞNG BỔN TÔN VÀ CÁC CỎI TỊNH ĐỘ
14. NHỮNG DANH HIỆU CỦA THỰC TẠI TỐI HẬU
15. CON ĐƯỜNG ĐẠI TOÀN THIỆN
16. PHÂN BIỆT TRÍ VÀ THỨC
17. LỜI BẠT CỦA ĐỨC NGÀI Dudjom Rinpoche
18. Phân Tích và Phác Họa Cơ Cấu của Đức Ngài Dudjom Rinpoche

THỂ NHẬP TÍNH CÁCH NHƯ MỘNG CỦA TÁNH KHÔNG

Đã đạt đến một kết luận quyết định như vậy, tôi hiểu mọi hiện tượng hình tướng tự chúng đều trống không. Nhưng khi nhìn những hiện tượng hình tướng của thế giới bên ngoài như một đồ chứa đựng, những chúng sanh hữu tình được chứa trong đó và những sự vật biểu lộ giữa khoảng đó như năm loại kích thích của giác quan, tôi vẫn còn nghĩ đến chuyện bỏ chúng lại và đi đến cõi khác, và về phần tất cả chúng sanh thì vẫn thực sự hiện hữu, mỗi chúng sanh với một dòng tâm thức cá biệt.

Trong thời kỳ đó, trong một giấc mộng tôi gặp Thầy của tôi là [Longchenpa] Drimed Odzer, ngài dạy dỗ tôi, ban cho tôi một thể nhập trực tiếp trong hình thức một buổi hỏi đáp.

Ngài nói :

“Hỡi đứa con của dòng tộc vinh hiển, khi con đi ngủ, những hiện tượng hình tướng ở ngoài của vũ trụ vô tình như một đồ chứa đựng, chúng sanh hữu tình ở trong đó và những sự vật biểu lộ giữa khoảng đó như là năm loại kích thích của giác quan, tất cả đều tan vào không gian của tánh Không nền tảng của mọi kinh nghiệm bình thường, giống như một trò huyễn thuật ảo ảnh tan vào hư không căn bản. Sau đó, qua sức mạnh sáng tạo của năng lực nghiệp vi tế khởi động, những hiện tượng hình tướng của một cái ta và thân thể biểu lộ. Từ sự biểu lộ này trạng thái mộng mở ra – toàn bộ thế giới như một chứa đựng và mọi kinh nghiệm giác quan. Có sự mê lầm, do có sự bám chấp hiển nhiên vào những cái ấy. Cuối cùng, thế giới mộng với mọi hình tướng có thể có tan vào tánh Không nền tảng của mọi kinh nghiệm bình thường, như một cầu vồng tan mất trong bầu trời, và những hiện tượng hình tướng của tâm thức trong trạng thái thức lại hiện hình như trước.”

Tới đây, tôi đáp lại ngài, “Con vẫn nghĩ rằng thân thể con không chỉ là một xuất hiện hình tướng, vì rõ ràng nó sanh ra từ những nhân duyên là cha mẹ của con.”

Ngài nói, “Nếu con nghĩ rằng thân thể con đến từ cha và mẹ, thế thì cái gì là bắt đầu và chấm dứt của cha và mẹ ? Cái gì là nguồn gốc, chỗ ở, và chỗ đến sau cùng của cái cha mẹ này ? Hãy nói cho ta !”

Tôi trả lời, “Con nghĩ rằng những cái đó có, nhưng con không biết chúng. Con thấy một thân thể vật chất mà không có cha mẹ là một điều bất khả.”

Ngài lại nói, “Hãy xem xét điều này : Ai là cha mẹ của thân thể trong một giấc mộng, trong trung ấm và trong những cõi địa ngục ?” Với sự việc này, tôi đến quyết định rằng thân thể này không thể xem là cái gì khác hơn một hiện tượng hình tướng giả ảo.

Tôi tiếp tục, “Thưa Thầy, con cảm thấy rằng khi thân con nằm trên giường với chăn mền, những hình ảnh mộng sanh khởi trong khi thân thể và cõi người vẫn không thay đổi.”

Vị Thầy nói, “Hãy tìm kiếm chỗ ở khách quan của sự phô bày biểu hiện đồ sộ này, những hình ảnh mộng này của những hình tướng bên ngoài của vũ trụ bao la vô tình như là một đồ chứa đựng, của vô số chúng sanh được chứa trong đó và của những sự vật biểu lộ nơi khoảng giữa như năm loại kích thích của giác quan. Chỗ trú của tất cả những cái đó là ở trong đầu chăng, ở tay chân, phần trên thân hay phần dưới ?”

Dù tôi chắc chắn không có một chỗ nào như vậy cả, tôi vẫn tiếp tục, “Thưa Thầy, con giả định rằng những hình ảnh mộng sanh khởi khi tâm thức con đã đi đến một chỗ nào khác và những hiện tượng hình tướng của tâm thức trong trạng thái thức sanh khởi khi nó vào lại trong thân.”

Vị Thầy trả lời, “Nếu như vậy thì thân thể này trở thành một cái gì giống như một khách sạn, thế thì hãy nhận ra và diễn tả cho ta đâu là cửa của khách sạn này nhờ đó thức bỏ đi và trở vào lại. Không chỉ có thế, con cũng phải cho biết tâm thức trú ngụ chỗ nào.

“Nếu nó ở nơi phần trên thân, làm sao con cảm thấy đau khi phần dưới bị gai đâm ? Nếu nó ở nơi phần dưới thân, thì tương tự như vậy, không có lý do nào để cảm thấy đau ở phần trên thân. Vô lý khi cho rằng nó có những kích cỡ khác nhau, nó nhỏ lại khi đi vào qua một lỗ nhỏ rồi nở lớn ra toàn thân và sau đó thu nhỏ lại để đi ra qua một lỗ nhỏ. Nếu như vậy, thì một khi thức đã lìa khỏi thân, tại sao nó không vào trở lại cái xác sau khi chết ?

“Môi trường của những hình ảnh mộng này, nơi chốn khác con đi đến này hiện hữu ở đâu ? Ở trên ? Ở dưới ? Ở hướng chính hay hướng phụ nào ? Con có cho nó là đồng nhất với thế giới trong trạng thái thức như một đồ chứa đựng và những vật trong đó hay là cái gì khác biệt ? Nếu con cho nó là đồng nhất thì giấc ngủ có xác định những biên giới của nó hay không ? Nếu giấc ngủ phân định ranh giới, nó không phải là tri giác lúc thức ; nếu giấc ngủ không phân định ranh giới, nó đâu phải là hình ảnh mộng. Còn nếu cho rằng những hiện tượng hình tướng như nhau đều có thật, quy cho chúng vào một hệ thống đẳng cấp cao hơn hay thấp hơn, bên ngoài hơn hay bên trong hơn thì cũng không xác đáng.”

Tôi nói, “Thưa Thầy, vậy thì con phải đi đến quyết định thế nào ? Con phải giữ vững cấp độ kinh nghiệm nào ? Con xin thầy, bậc thầy cao cả, chỉ cho con.”

Vị Thầy trả lời, “Suốt cuộc sanh tử từ vô thủy này chưa từng lúc nào có sự sanh thực sự ; chỉ có hình tướng của sự sanh. Chưa từng bao giờ có sự chết thực sự, mà chỉ có sự chuyển hóa những hiện tượng hình tướng bề ngoài, như sự đổi thay từ trạng thái mộng qua trạng thái thức. Mọi cảm giác – thấy, nghe, ngửi, nếm và cảm thấy như là sắc, thanh, hương, vị, xúc bởi mắt, tai, mũi, lưỡi, và da – tất cả chỉ là sự sanh khởi, trong chúng và tự chúng, của những hình tướng tự biểu lộ một cách tự nhiên, không có dù chỉ một mảy may hiện hữu nào như là cái gì khác.

“Con có thể nghĩ rằng cái gì khác đang hiện hữu một cách độc lập bởi vì con có thể trực tiếp thấy nó bằng mắt con, thực sự nắm nó trong tay con hay kinh nghiệm nó qua những giác quan khác của con. Nhưng thật ra, dù tất cả sắc, thanh, hương, vị, xúc trong mộng có vẻ hiện hữu thực trong bối cảnh riêng của chúng, đứng trên kinh nghiệm khi thức chúng chưa từng hiện hữu, không hiện hữu một cách khách quan.

“Suốt cuộc sanh tử từ vô thủy, chưa từng bao giờ có bất kỳ kinh nghiệm thực sự nào về chuyển di hay đi từ một trạng thái này sang trạng thái khác, hoặc bất kỳ kinh nghiệm thực sự nào về việc trú ngụ trong nơi chốn nào khác. Tình huống này tương tự những hình ảnh trong một giấc mộng.

“Con có thể nghĩ rằng sự chắc thật tương đối của các hình ảnh lúc mộng thì không bằng sự chắc thật tương đối của những hình tướng lúc thức. Nhưng hãy nghĩ đến mọi kinh nghiệm lúc mộng và kinh nghiệm lúc thức từ lúc sanh ra cho đến giờ – những hoạt động, những bận rộn, những nỗ lực, những tính toán. Hãy xem xét chúng có tương đương hay không. Nếu con khảo sát chúng kỹ lưỡng, bất kể chúng lâu hay mau, nhiều hay ít, con sẽ đến kết luận rằng chúng là như nhau.

“Nhưng chưa hết, vì nếu những hình ảnh lúc mộng thì không thật và những hình tướng lúc thức là thật, điều này có nghĩa những hình ảnh lúc mộng là những trạng thái mê lầm còn những kinh nghiệm lúc thức là sáng suốt. Thế thì con phải cho rằng con là một chúng sanh trong những kinh nghiệm mộng và là một vị Phật trong trạng thái thức. Còn nếu cả hai là những hiện tượng hình tướng có ra từ mê lầm, thì bất kỳ sự phân biệt nào về việc chúng có thật hay không có thật đều vô nghĩa, bởi vì câu nói ‘những hiện tượng hình tướng có ra từ mê lầm’ hàm ý sự bám chấp vào cái gì không hiện hữu mà chỉ xuất hiện thế thôi.

“Cho tới bây giờ con đã ăn một khối lượng thức ăn bằng núi Tu Di và đã uống một số nước bằng những đại dương, nhưng con vẫn không đầy. Dù con đã từng mặc quần áo đủ để đắp cho tam thiên đại thiên thế giới, con vẫn không ấm. Con cần hiểu đấy là những chỉ dẫn cho thấy rằng không có cái gì có thể được xem là có thật, rằng tất cả chỉ là những hiện tượng hình tướng bề ngoài.

“Thật là một sai lầm lớn lao khi không hiểu rằng cái biểu lộ như là thân thể chỉ là trống không mà lại gán cho nó là thật có. Sai lầm này là con quỷ nuốt hết, bởi lẽ tất cả sức lực cố gắng mà con làm ra vì thân thể này sẽ ăn sạch quả của toàn giác. Nó là đao phủ sát nhân, bởi vì nó cung cấp mối liên kết từ chu kỳ này đến chu kỳ khác trong vòng sanh tử, khiến những hình tướng sanh và chết biểu lộ. Nó là kẻ cắt đứt sinh mạng, bởi lẽ để cho thân thể, con bị sai khiến phải tìm hạnh phúc từ ăn mặc v.v…, và như vậy cắt đứt mạch sống của giải thoát bằng cách bám giữ tham luyến và ghét bỏ, những cái làm tiếp diễn hy vọng và lo sợ. Nó cũng là kẻ trộm hơi thở, bởi vì nó cướp của con hơi thở của hạnh phúc trường cửu.

“Thế nên, tất cả những ai bám chấp những đối tượng hình tướng sáu trần của thức thì giống như con nai thấy một ảo ảnh của nước và đuổi theo nó, không có một mảy may hiện hữu nào trong đó.

“Thêm nữa, dù con hiểu những sự vật là trống không như vậy, chúng vẫn y như cũ, có vẻ là thật chứ không biến mất. Thế nên con có thể tự hỏi cái hiểu như vậy dùng để làm gì. Nếu con không hiểu tánh Không là tinh túy của cái cần trau dồi trong thiền định, bấy giờ mọi cố gắng trong thiền định chắc chắn sẽ không hiệu quả.

“Hơn nữa, con có thể nghĩ, ‘Bởi vì chỉ cái hiểu tri thức hay ý niệm trong tất cả các pháp thiền quán và thiền định khác sẽ không mang lại giải thoát, thì tại sao chỉ sự chứng ngộ tánh Không mới làm hiển lộ bản tánh nền tảng của mọi sự là không hiện hữu ? Nếu những sự vật là trống không từ vô thủy thì việc người ta biết chúng là không hay không phải không chỉ là điều vô nghĩa ?’ Tuy nhiên, chính từ sự khác biệt này của việc nhận thức hay không nhận thức, biết hay không biết, mà có niết bàn và sanh tử, giải thoát và mê lầm vô minh. Như thế, con phải thấu rõ rằng cái hiểu và nhận thức này là điểm then chốt.

“Ngoài ra, hoặc con chứng ngộ tánh Không do trải qua những khó khăn lớn lao trong tu học và vân vân, hay con chứng ngộ tánh Không không chút khó khăn nào thì cũng không có gì khác nhau, chẳng hạn như con tìm thấy vàng bằng cách trải nghiệm khó nhọc lớn lao hay không có chút khó nhọc nào ngay trong giường mình, thì đâu có sự khác biệt nào giữa phẩm chất của vàng.

“Từ ngữ ‘trí phân biệt’ ám chỉ trí huệ đạt được qua phân tích đưa đến kết luận quyết định rằng mọi hiện tượng là tánh Không. Từ ngữ ‘trí vô ngã’ ám chỉ trí huệ tiếp theo đi cùng sự xác quyết rằng sanh tử và niết bàn là tánh Không tối thượng. Điểm cốt yếu là con trau dồi hai phương diện của trí huệ siêu việt này trong dòng tâm thức của con, ban đầu như sự chứng ngộ, sau đó như kinh nghiệm cá nhân và cuối cùng như sự chứng đắc tin chắc không thối chuyển.

“Lại nữa, con có thể phản đối rằng không hợp lý khi cho rằng thân thể và thế giới không thể xem là cái gì khác hơn chỉ là những hiện tượng hình tướng bề ngoài, vì những cá nhân đã chứng ngộ bản tánh Không của thân thể họ vẫn cảm thấy đau đớn khi chạm vào lửa hay nước lạnh hay khi bị tên, giáo, gậy… đánh vào. Điều này được trả lời bằng sự kiện rằng bao giờ con chưa đạt đến trạng thái của hư không căn bản trong đó những hiện tượng tan biến trong thật tánh của thực tại, hay pháp tánh (dharmata), những hình tướng nhị nguyên vẫn không tiêu mất, những hình tướng có lợi hay có hại vẫn xảy ra không dứt. Trong thật tế, ngay cả lửa của địa ngục vẫn chưa từng cháy.”

Nói như thế, ngài tan biến.

****

 

SHARE:

Trả lời