BẢY ĐẶC TÍNH NHƯ KIM CƯƠNG CỦA HƯ KHÔNG

SHARE:


NHỮNG LỐI VÀO THỰC TẠI TỐI HẬU
Dudjom Rinpoche – Việt dịch: Nguyễn An Cư – Thiện Tri Thức 2004

1. Giới Thiệu
2. PHẬT QUẢ KHÔNG THIỀN ĐỊNH
3. TÁNH KHÔNG CỦA MỌI SỰ VẬT
4. THỀ NHẬP VÀO NHƯ HUYỄN
5. BẢY ĐẶC TÍNH NHƯ KIM CƯƠNG CỦA HƯ KHÔNG
6. THỂ NHẬP TÍNH CÁCH NHƯ MỘNG CỦA TÁNH KHÔNG
7. THẦN LINH VÀ MA QỦY CHỈ LÀ SỰ HÓA HIỆN CỦA TÂM THỨC
8. THỰC TẠI VỐN LÌA CÁC HÌNH TƯỚNG
9. CHUYỂN SANH TỬ VÀ NIẾT BÀN VỀ CÙNG MỘT NỀN TẢNG
10. NHỮNG HÌNH TƯỚNG XUẤT HIỆN NHƯ THẾ NÀO?
11. KHÔNG – VÔ TƯỚNG – VÔ NGUYỆN
12. TÁNH GIÁC VÀ NHỮNG BIỂU LỘ CỦA NÓ
13. LÝ DO THỰC HÀNH QUÁN TƯỞNG BỔN TÔN VÀ CÁC CỎI TỊNH ĐỘ
14. NHỮNG DANH HIỆU CỦA THỰC TẠI TỐI HẬU
15. CON ĐƯỜNG ĐẠI TOÀN THIỆN
16. PHÂN BIỆT TRÍ VÀ THỨC
17. LỜI BẠT CỦA ĐỨC NGÀI Dudjom Rinpoche
18. Phân Tích và Phác Họa Cơ Cấu của Đức Ngài Dudjom Rinpoche

 

BẢY ĐẶC TÍNH NHƯ KIM CƯƠNG CỦA HƯ KHÔNG

Một lần khác, bậc nắm giữ tánh giác nội tại Duddul Dorje nói với tôi, “Kim cương (Vajra), kim cương vĩnh cửu – thực nghĩa của nó, hãy nhìn thẳng vào chính hư không !”

Để phát hiện nghĩa của thực tại này, ngài nói như sau :

“A ! Không gian trống không này là nền tảng cho sự sanh khởi của toàn bộ thế giới như một đồ để chứa bao la và những vật được chứa trong đó. Lấy thí dụ, giống như một tấm gương là nền tảng cho sự sanh khởi một hình bóng phản chiếu trong đó, hình bóng đó không thể xem là cái gì khác với tấm gương. Như nước là nền tảng cho sự sanh khởi của bóng trăng, bóng trăng không thể xem là cái gì khác với nước. Như bầu trời là nền tảng cho sự sanh khởi của một cầu vồng, cầu vồng không thể xem là cái gì khác với bầu trời.

“Hư không này không thể bị thương tổn nên bất hoại. Bởi vì hư không không thể bị chinh phục hay hủy diệt, nó là bất diệt. Bởi vì hư không thường trụ như cơ sở cho sự khai mở của mọi xuất hiện hình tướng tạo thành, nó là xác thực. Bởi vì hư không không thể thoái hóa vì những khuyết điểm hay những phẩm tính, nó là không hư hoại. Bởi vì hư không không có biến đổi, nó là vững chắc. Bởi vì hư không thường hằng thấm lọt dù một hạt nào nhỏ nhất dưới cấp độ nguyên tử, nó hoàn toàn không có ngăn ngại. Và bởi vì không có cái gì có thể làm hư hại nó, nó bao giờ cũng vô địch.

“Vì mọi sự vật khác bị vũ khí làm thương tổn nên chúng có thể hoại. Vì những duyên có thể chinh phục hay hủy diệt chúng nên chúng là có thể diệt. Vì chúng có thể thay đổi thành một hay nhiều vật, chúng là hư giả. Vì chúng có thể bị thoái hóa bởi cái gì khác, chúng là hư hoại. Vì chúng bao hàm chuyển động và lay động và không có chỗ trụ thường hằng, chúng là không vững chắc. Chúng luôn luôn bị ngăn ngại trong mọi cách. Vì những duyên khác có thể giảm trừ chúng thành không, chúng có thể bị đánh bại. Những sự vật có tính chất như vậy, nghĩa là không có tự tánh, không thực, đều là trống không.

“Hơn nữa, những vật thô có thể giảm trừ thành bột mịn, thành những phân tử. Những phân tử này có thể giảm trừ thành những nguyên tử. Đến lượt những nguyên tử này bị giảm trừ thành hư không. Tính chất này của những sự vật khiến không thể xem chúng là có thật.

“Nếu con nghĩ rằng những sự vật ấy vốn hiện hữu nhưng bị giảm trừ thành không hiện hữu do con đi qua một tiến trình như vậy, thì hãy nhìn vào những hình ảnh trong giấc mộng, chúng không thể hiện hữu thậm chí ngay khi chúng biểu lộ. Và hãy quan sát cách những hình ảnh này khởi lên hay diệt mất chỉ do thấy hay không thấy bởi mắt mở hay nhắm, hay do cảm thấy bàn chân khi đặt xuống hoặc không cảm thấy dở lên trong lúc bước đi.

“Con có thể phản bác, ‘Nhưng không phải là một hình tướng trước kia chấm dứt và biến mất, rồi có một thực thể về sau phát triển sau đó để thay chỗ. Đúng hơn, khi một hiện tượng hình tướng trong khoảnh khắc trước di chuyển đến một điểm thời gian khác, mọi hình tướng này, trong những khoảnh khắc thời gian trước và sau, vẫn hiện hữu theo một cách mà chúng có thể được xem là có thật.’ Nếu con nghĩ như vậy, hãy nhìn lại vào những hình ảnh trong giấc mộng. Hãy xem xét kỹ sự việc, vì không thể có một bản chất nào hiện hữu tự mình nó mà không phải chỉ là một sự định danh quy ước nào đó dựa trên tính liên hệ lẫn nhau của nhân và quả.

“Thế thì, những giải thích này về bảy đặc tính như kim cương của hư không dùng những thí dụ để chỉ ra như thế nào hư không thì không có chuyển dời hay biến đổi vì nó là không có chất thể, không có tự tánh. Chúng chứng tỏ cách thế thường trụ của thật tánh của thực tại là một bản tánh không biến đổi, không thể diển tả, không thể quan niệm, vượt qua mọi ngôn ngữ văn tự.

“Phần trên là một luận chứng lý tưởng áp dụng vào những giải thích để phân biệt giữa cái thật tánh và không thật tánh, giữa cái xác thực và cái hư giả. Thế nên khi dùng biểu tượng như ngón tay để chỉ mặt trăng, hãy nhìn vào mặt trăng và chớ thỏa mãn chỉ nhìn vào đầu ngón tay. Nếu con không đạt đến một xác quyết về tánh Không bằng cách làm quen với chủ điểm này lập đi lập lại nhiều lần, con sẽ không xích lại gần hơn một chút nào con đường đến toàn giác.

“Hỡi tiểu anh hùng ở chót đỉnh của hiểu biết và trí huệ, con phải nhìn thông suốt vào nghĩa của điều này, trở thành một thiền giả của sự rỗng rang của hư không, người chứng ngộ mọi hiện tượng hình tướng là chính hư không.”

Nói thế, ngài biến mất.

****

 

SHARE:

Trả lời