CHÚNG TA CẦN THỰC HÀNH NHƯ THẾ NÀO

SHARE:

Tôi vui mừng chúng ta đã có cơ hội này để nghiên cứu Ánh trăng Đại Ấn. Trong nhiều chỉ dạy bằng miệng về đại ấn, bản văn này thì rất đặc biệt. Như tôi đã giải thích lúc đầu, khi tôi hỏi cuốn sách nào có lợi lạc lớn nhất nếu nó được dịch ra tiếng Anh, Gyalwa Karmapa đã chọn Ánh trăng Đại Ấn. Tuy nhiên bản văn thì rất dài, và nhiều học trò đã được dạy để nghiên cứu nó đã lúng túng vì độ dày của nó. Thế nên tôi vui mừng khi, trong một thời gian cô đọng, chúng ta đã có dịp may cùng xem nó, nghiên cứu những điều nó nói, và suy nghĩ về nó trong một môi trường thực hành. Tôi rất hạnh phúc vì điều đó.

Có nhiều cuốn sách chúng ta có thể nghiên cứu chủ yếu nói về hiểu biết. Khi chúng ta cố gắng nối kết chúng với kinh nghiệm thì chúng ta thấy rằng rất khó làm. Những cuốn sách khác nhắm vào kinh nghiệm nội tâm nhưng khó hiểu. Như Tashi Namgyal đã nói ở lúc bắt đầu, có nhiều cư sĩ có nghiên cứu nhưng không tiến đến thực hành và không có được kinh nghiệm về nghĩa của cái họ đã nghiên cứu. Và có những người khác có thực hành một số, Nhưng bởi vì họ không giỏi về ngôn ngữ, họ không thể giải thích sự việc thật rõ ràng. Thế nên Tashi Namgyal tạo bản văn này phối hợp ngôn ngữ, nghĩa, và kinh nghiệm; nó ích lợi cho cả nghiên cứu và thực hành.

Khi chúng ta đọc Ánh trăng Đại Ấn lần đầu, không phải là nó dễ hiểu. Có ai mong muốn như vậy? Tuy nhiên, khi đọc lại cẩn thận, chúng ta sẽ bắt đầu hiểu tại sao nó quan trọng và nhiều ý nghĩa, và chúng ta sẽ có một thích thú và nồng nhiệt với nó. Bằng cách nhìn vào bản văn và thực hành những chỉ dạy trong đó lập đi lập lại, nghĩa sẽ trở nên càng lúc càng rõ ràng. Theo cách này, lợi lạc lớn lao sẽ xảy ra.

Điều quan trọng nhất là đem kinh nghiệm và chứng ngộ này thành rõ ràng hơn và vững chắc hơn. Nếu chúng ta nghiên cứu và thực hành dần dần, sự hiểu nghĩa và tính chất của những lời dạy về vô ngã và vân vân sẽ tăng trưởng. Nghĩa được trình bày trong bản văn này thì sâu xa, sống động, rõ ràng, thực dụng, thích thú, và không phải tất cả đều khó. Xin chớ dừng ở cái hiểu. Hãy đi xa hơn đến điểm của kinh nghiệm, và hơn nữa đến chứng ngộ, cho đến khi bạn đạt đến Phật quả trọn vẹn.

Một số học trò có vị lạt ma biết chính xác cái gì đang xảy ra trong tâm học trò. Tôi không có lòng bi cũng không có những ban phước để làm điều này. Tôi không có loại thiên nhãn ấy. Tuy nhiên, tôi đã cho những lời chỉ dạy về thực hành đại ấn. Chúng không phải là những chỉ dạy của riêng tôi mà những chỉ dạy ấy đã được truyền xuống qua dòng Kagyu. Tôi đã cực kỳ may mắn trong đời tôi vì đã có thể nhận được nhiều chỉ dạy miệng đặc biệt và được ban phước từ nhiều vị thầy vĩ đại. Tôi dâng tặng những chỉ dạy ấy cho các bạn muốn thực hành Pháp, với niềm tin thành thật rằng nếu bạn thực hành chúng chắc chắn chúng sẽ dẫn đến giải thoát trọn vẹn. Một số bạn có thể nghĩ, “Tốt, nếu thầy ấy không có những ban phước hay thiên nhãn thì chắc là thầy đang trên con đường sai.” Nhưng bạn không cần có nghi ngại gì như thế – những lời dạy này là chính thống và đích thực. Nếu bạn thực hành chúng, bạn sẽ thấy rằng sự thực hành của bạn sẽ trở nên hoàn hảo và bạn sẽ hoàn thành kết quả đã được dự kiến.

Để đến chứng ngộ trong truyền thống của kinh chúng ta phải thực hành và tích tập công đức và trí huệ trong một vô số kiếp. Nhưng nếu chúng ta đã được giới thiệu cho những chỉ dạy miệng của đại ấn, chúng ta có thể có kinh nghiệm về trí huệ Bát nhã khi chúng ta nghe rằng mọi hiện tượng là tánh Không. Những người may mắn sẽ có kinh nghiệm trực tiếp. Những người không có kinh nghiệm này ngay nhưng sẽ hiểu nghĩa, và dần dần cái hiểu này sẽ trở thành kinh nghiệm. Chúng ta đang ở trong một hoàn cảnh may mắn và không nên phung phí nó. Chúng ta cần thực hành và tham thiền tốt.

Khi một số người bắt đầu thực hành, họ cảm thấy một mong muốn rất mạnh mẽ từ bỏ thế giới này. Họ nghĩ, “Tôi sắp thực hành Pháp. Tôi không cần một nơi để sống. Tôi không cần lo cho chồng hay vợ của tôi. Tôi sẽ quên con cái. Tôi không cần quan tâm đến thực phẩm. Tôi không cần quan tâm đến áo quần.” Họ tin rằng họ có thể vắt bỏ mọi sự khác. Nhưng loại từ bỏ ấy không vững chắc và lâu bền. Hơn nữa, gia đình và cha mẹ bạn thì rất quan trọng, và cũng quan trọng là không vứt bỏ họ đi. Thay vì thế, chúng ta cần tiếp tục công việc của mình trong thế giới và tiếp tục thực hành Pháp. Bởi vì chúng ta là những hành giả của Pháp, chúng ta không nên làm người không có từ và bi, với cái đầu xoay tròn trong mọi lúc.

Bởi vì chúng ta đã đủ may mắn kinh nghiệm Pháp, chúng ta có khuynh hướng làm người có từ bi và muốn giúp đỡ những người khác. Tâm chúng ta không liên tục xao lãng và kéo lê theo mọi sự xảy ra. Khi không có nhiều thời gian để thực hành tham thiền, đó là thời gian để thực hành chánh niệm tỉnh giác. Khi có thời gian để nhập thất dài hay ngắn, thì làm như vậy là ích lợi. Cái cốt yếu là chúng ta duy trì chánh niệm trong mọi hoạt động của chúng ta và trong mọi lúc. Điều đó sẽ giúp tâm chúng ta rất nhiều.

Chúng ta cần nhận biết cực kỳ may mắn biết bao chúng ta có cơ hội tham thiền. Chúng ta cũng cần nhận biết rằng có rất nhiều người không có niềm tin nơi Pháp. Họ chẳng phải ghê gớm hay xấu xa gì, thế nên không có lý do để chúng ta trở nên kiêu căng vì những thành tựu Pháp của chúng ta; họ chỉ tạm thời chưa có thích thú hay tin tưởng Pháp và chưa đi vào đó. Những người ấy phải là chất liệu cho lòng từ bi của chúng ta. Thúc dục người ta đi vào Pháp bằng cách nói Pháp thật kỳ diệu chỉ đẩy họ ra xa. Đó là công việc không kết quả và không thật khéo léo. Một số người chỉ chưa phát sanh lòng tin vào Pháp, nhưng luôn luôn họ có thể làm điều đó. Nếu vào lúc thích hợp chúng ta có thể giúp họ tìm thấy con đường, điều đó rất tốt, nhưng quan trọng là dẫn người ta vào con đường Pháp bằng một cách thiện xảo.

Một số học trò đã sẵn sàng và những người khác thì chưa. Những người chưa sẵn sàng sẽ dần dần trở nên sẵn sàng. Khi thời gian chín hoạt động của Phật sẽ sanh khởi tự phát, và sẽ có một cơ hội cho họ đi vào cửa Pháp. Đối với những người chưa sẵn sàng đi vào Pháp, chúng ta phải không kéo đẩy họ mà chờ cho đến khi họ sẵn sàng và có thể. Thế nên, nhìn thấy người sẵn sàng hay chưa là quan trọng.

Nếu chúng ta có may mắn đi vào sự thực hành và thích thú làm việc ấy, nhưng những điều kiện trái nghịch xảy ra, đó là thời gian cho kham nhẫn. Nhẫn sẽ làm dễ dàng cho sự xóa đi những hoàn cảnh và khó khăn như vậy. Khi cơ hội thực hành khởi lên trở lại, chúng ta cần không phung phí nó.

Đức Phật đã nói rằng rèn luyện tâm mình là tinh túy sâu xa nhất của Pháp. Rèn luyện tâm gồm bỏ cái xấu và trau dồi cái tốt. Chúng ta cần từ bỏ hay làm bình lặng những phiền não như tham, sân, si, kiêu căng và ghen tỵ. Chúng ta cần trau dồi trí huệ, nó dẫn đến những phẩm tính tốt và những thuộc tính phi thường của một người chứng ngộ. Phương pháp chính để từ bỏ cái cần từ bỏ và trau dồi cái cần trau dồi là tham thiền. Có chánh niệm và cảnh giác là bằng chứng của chứng ngộ.

Khi thực hành tham thiền, có cả thời gian tham thiền và thời sau tham thiền, nó sanh khởi từ thời tham thiền. Chúng ta duy trì dòng tương tục của chánh niệm và cảnh giác qua cả hai. Trong cách ấy thời tham thiền và thời sau tham thiền sẽ làm lợi ích cho nhau. Điểm quan trọng là sự tương tục của chánh niệm và không lang thang của tâm. Đây là điều Đức Phật muốn nói khi nói rằng tinh túy sâu xa nhất của Pháp là rèn luyện tâm mình.

 

SHARE:

Trả lời