CHỨNG NGỘ HIỆN LÊN NHƯ THẾ NÀO

SHARE:

Như chúng ta đã hiểu khá kỹ cho đến bây giờ, cần thiết duy trì kinh nghiệm tham thiền và không lạc vào những xao lãng và con đường sai giả. Không chỉ phải ở trên một con đường đích thật, mà sự tham thiền cũng phải khai triển đến những cấp độ bao giờ cũng cao hơn. Để nâng cấp tham thiền, chúng ta phải dấn thân vào những thực hành đi vào một cách có chủ ý những hoàn cảnh đối nghịch gây ra những quan niệm ngăn che. Khi chúng ta đã học duy trì chứng ngộ qua mọi hoàn cảnh, chứng ngộ bấy giờ hiện lên trong những giai đoạn. Khi chúng ta tiến bộ dọc theo con đường, chứng ngộ trở nên rõ ràng hơn và sâu thẳm hơn. Trong chương này chúng ta sẽ bàn luận chứng ngộ sanh khởi như thế nào.

 

Cần thiết có động lực thanh tịnh

       Hoặc chúng ta thực hành tham thiền, nghiên cứu những chỉ dạy tinh túy, nghe những lời dạy, hay tự mình ban cho những giáo lý, cực kỳ quan trọng là có một động lực thanh tịnh vào mọi lúc. Trước hết, động lực thanh tịnh này là một hột giống. Chúng ta nghĩ, “Tôi sắp thực hành Pháp, không phải để hàng phục những kẻ thù hay tích tập giàu có, nhưng để tôi có thể hoàn thành giải thoát khỏi sanh tử và hoàn thành trạng thái của giác ngộ viên mãn.” Với động cơ ấy, chúng ta nghe những chỉ dạy, tham thiền, thực hành, và như vậy thành tựu hạnh phúc của chính mình. Hơn nữa chúng ta nhiệt thành cố gắng tăng trưởng lợi lạc của người khác. “Khi nghe những chỉ dạy này và thực hành chúng, tôi không làm cho riêng tôi mà cho lợi lạc của nhiều, rất nhiều chúng sanh, đến độ sau này tôi sẽ có thể dạy Pháp cho họ một cách thích đáng và che chở họ khỏi khổ đau của sanh tử. Tôi sẽ có thể giúp đỡ họ tìm thấy giải thoát và giác ngộ viên mãn bằng cách chỉ cho họ những con đường dẫn đến trạng thái ấy.” Thế nên ý định hoàn thành giác ngộ tối thượng là vì lợi lạc của tất cả chúng sanh là trọng yếu khi chúng ta nghe những lời dạy, và trọng yếu khi dạy Pháp cho những người khác. Tuyệt đối cần thiết bất cứ hoạt động nào chúng ta dấn thân vào phải được chỉ đạo bởi nguyện vọng giác ngộ viên mãn này vì lợi lạc của tất cả chúng sanh.

 

Cần thiết sùng mộ đối với Guru

       Để khai triển sự thực hành hơn nữa, chúng ta cần phát sanh sùng mộ. Đối tượng của sùng mộ có thể là bổn sư của chúng ta, hay có thể mở rộng đến những guru của dòng phái, Như Milarepa, Marpa, Naropa, hay Tilopa. Do đọc những tiểu sử tâm linh của những guru của dòng, chúng ta bắt đầu cảm thấy đức tin và sùng mộ lớn lao đối với các ngài, dâng những cầu khẩn, và nhận những ban phước của các ngài.

Điều này có thể như thế nào? Nó có thể bởi vì bản tánh của chúng ta là tánh Không; tâm chúng ta không khác biệt với hư không bao la hợp nhất với cái thấy thấu suốt không thể chia tách. Cũng thế, những guru vĩ đại của dòng đã hòa lẫn tâm các ngài không tách lìa với sự hợp nhất của hư không và cái thấy thấu suốt này. Bởi vì tâm chúng ta không tách lìa với sự hợp nhất của hư không và cái thấy thấu suốt, và tâm của các guru của dòng đã hòa lẫn với và biểu lộ cõi giới hư không và cái thấy thấu suốt này, các guru của dòng không cách xa chúng ta. Nếu chúng ta cảm thấy và tin chắc sự hòa lẫn và không thể chia tách của tâm các guru với tâm của chúng ta, bấy giờ chúng ta nhận những ban phước của các ngài, và tiềm năng lớn lao của tâm các guru đi vào chúng ta.

Chúng ta có thể gặp mặt đối mặt với những vị thầy thành tựu. Nếu chúng ta cầu khẩn các ngài bằng cách quán tưởng ánh sáng rót từ ba trung tâm của thân các ngài và tan vào ba trung tâm của thân chúng ta, thì thân, khẩu, tâm của guru hòa lẫn không chia tách với thân, khẩu, tâm bình thường của chúng ta, và chúng ta phát sanh lòng tin và một cảm giác lạ thường rằng những ban phước đi vào trong chúng ta. Khi tham thiền của chúng ta ít trong sáng và vững chắc, chúng ta có thể khẩn cầu những guru với lòng sùng mộ. Những ban phước của các ngài sẽ đi vào dòng tương tục của chúng ta và làm lợi lạc sự thực hành của chúng ta, làm cho tham thiền của chúng ta trong sáng và vững chắc hơn.

 

Ba cấp độ của thực hành

[350]     Có ba gia đình của những hành giả; chúng ta thấy mình trong gia đình nào thì tùy thuộc vào việc chúng ta đã tu hành nhiều bao nhiêu và tốt bao nhiêu trong những đời trước. Gia đình thứ nhất của những hành giả gồm những người có khả năng cực kỳ bén nhạy và với họ những cấp độ của chứng ngộ hiện lên tất cả một lần (TT. chigcharwa). Nhóm thứ hai gồm những người “đi theo những cấp độ” (TT. tögalwa). Dù những hành giả này có thể thực hành một cấp độ thấp, họ chứng ngộ một cấp độ cao hơn. Tuy nhiên sự chứng ngộ cao hơn này không vững chắc; đôi khi nó rõ ràng và đôi khi nó mơ hồ, đôi khi nó hiện diện và đôi khi nó vắng mặt. Nhóm thứ ba gồm những người tiến hành một cách dần dần, bước này sang bước khác, cấp độ này sang cấp độ khác (TT. ringyipa).

Cũng có ba cấp độ biết bản tánh của pháp tánh, được gọi là hiểu (TT. go), kinh nghiệm (TT. nyong), và chứng ngộ (TT. tog). Cấp độ thứ nhất – hiểu pháp tánh – dùng ý thức nghiên tầm, học hỏi, và suy nghĩ về những hiện tượng thì trống không và tâm có bản tánh trong sáng như thế nào. Qua cái biết vững chắc, nghĩa của tánh Không hay pháp tánh được biết nhờ con đường ngôn ngữ.

Khi cái hiểu về pháp tánh trở nên trong sáng hơn, chúng ta đến cấp độ thứ hai, kinh nghiệm pháp tánh. Ở cấp độ này không chỉ dùng lời nói mà thực sự kinh nghiệm khái niệm ấy trong tham thiền. Những sự cố sanh khởi và chúng ta kinh nghiệm bản tánh sâu xa của tâm. Nhưng chúng ta chưa quen thuộc nhiều với bản tánh của tâm, và như vậy đôi khi nó xuất hiện rõ ràng và những lúc khác không rất rõ ràng.

Ở cấp độ thứ ba – chứng ngộ trực tiếp – chúng ta kinh nghiệm bản tánh sâu xa của tâm một cách rõ ràng, trực tiếp. Chúng ta biết nghĩa của tất cả các pháp hay các hiện tượng, không trung gian nào, và như một kết quả, hiểu biết của chúng ta về pháp tánh thì xác quyết và không dao động.

Khi nhìn vào bản tánh của tâm, có thể lầm một cấp độ biết pháp tánh với một cấp độ khác. Chẳng hạn, chúng ta có thể nghĩ rằng chỉ hiểu là chứng ngộ, hay chứng ngộ là chỉ hiểu pháp tánh. Thực ra, chỉ hiểu có thể ngăn che chứng ngộ. Thế nên chúng ta phải nhận biết rằng hiểu không phải là chứng ngộ và phải tiến thêm đến điểm chứng ngộ thật sự. Chúng ta chứng ngộ bản tánh sâu xa không phải qua sự chỉ hiểu, mà bằng cách thấy nó trần trụi và trực tiếp.

Cách thứ nhất để hiểu biết pháp tánh là qua cái hiểu lý luận. Cách thứ hai là qua kinh nghiệm. Gampopa giải thích rằng kinh nghiệm pháp tánh thì vẫn chưa siêu vượt khỏi tâm. Đúng ra, giống như kinh nghiệm mặt trời trong một ngày có mây – có lúc mặt trời sáng, vào những lúc khác thì bị mây che tối. Điều này cũng tương tự những kinh nghiệm tạm thời về lạc, trong sáng, và vô niệm, chúng có khi có có khi không. Nếu chúng ta kiên trì với những kinh nghiệm thoáng qua này mà không bám luyến chúng, chúng ta có thể vượt khỏi tất cả nghi ngờ về cách thế trong đó tâm hiện hữu và khai triển một tin chắc xác quyết. Và đó là chứng ngộ.

 

Căn cứ vững chắc của Bốn Yoga

[354]     Một số tác giả đã nói bốn yoga (đã nói trong chương 13) không phải là phần của Phật pháp mà được các học giả Kagyu tạo ra. Họ chỉ ra rằng nhiều bản văn Phật giáo bàn luận năm con đường và mười địa Bồ tát nhưng không đề cập đến bốn yoga. Tuy nhiên, Tashi Namgyal chỉ ra rằng bốn yoga đã được nói đến trong Kinh Lăng Già, và trích những đoạn từ những tantra khác nhau để làm rõ bốn yoga không phải do các học giả Kagyu sáng tạo ra.

 

Nghĩa của Bốn Yoga

[358]     Bốn yoga là nhất niệm, thoát khỏi tạo tác, một vị, và không tham thiền. Mỗi cái này có ba phần: thấp, giữa, và lớn. Như vậy có yoga nhất niệm thấp, yoga nhất niệm giữa, và yoga nhất niệm lớn, làm thành một tổng thể mười hai phần cho bốn yoga. Đi qua mười hai yoga này, chúng ta đến quả giác ngộ viên mãn.

Để đi đến yoga nhất niệm, trước hết chúng ta hoàn thành thiền chỉ và rồi chúng ta nối kết thiền chỉ với thiền quán. Ban đầu thiền chỉ của chúng ta không vững chắc lắm và tâm sẽ không an định. Nhất niệm chỉ rằng thiền chỉ ấy đã trở nên vững chắc – tâm chúng ta được đưa đến an định. Rồi qua an định này, chúng ta thấy tâm rõ ràng; bất kỳ thêm thắt nào đều bị cắt đứt, và những phức tạp đa thù được đưa về đơn nhất.

Ở cấp độ thấp của nhất niệm, chúng ta thấy bản tánh của tâm, tuy nhiên, chúng ta thấy nó trong một cách thô. Đã thấy bản tánh của tâm, chúng ta thoát khỏi phần lớn lo âu và đau khổ. Ở cấp độ giữa của nhất niệm, chúng ta hoàn thành năng lực đối với sự vững chắc và bắt đầu có sự độc lập nào đó khiến tham thiền không còn khó khăn hay công việc nặng nhọc. Ở cấp độ lớn nhất niệm, có nói rằng kinh nghiệm tham thiền bao quanh chúng ta trong mọi cách – tham thiền là liên tục.

Khi chúng ta khai triển một sự tin chắc xác quyết và đích thực và thoát khỏi tạo tác và phức tạp, chúng ta đến yoga thứ hai, thoát khỏi tạo tác. Yoga này gồm nhận biết quang minh và tánh Không, và phát sanh tin chắc vào tánh Không.

Ở cấp độ thấp của thoát khỏi tạo tác, chúng ta chứng ngộ bản tánh vô sanh của những hiện tượng. Ở cấp độ giữa chúng ta hiểu những hiện tượng không chỉ là vô sanh, mà thực sự là không gốc rễ. Ở cấp độ lớn thiền giả hiểu rằng những hiện tướng bên ngoài không lìa với thực tại, hay pháp tánh, thế nên mọi phóng chiếu của những hiện tượng bên ngoài hoàn toàn cạn kiệt.

Khi kinh nghiệm của yoga thứ hai tăng trưởng, chúng ta đến yoga một vị. Tham thiền của chúng ta trở nên trong sáng rõ ràng hơn, và chúng ta hiểu rằng sanh tử và niết bàn là một vị. Chúng ta hiểu rằng cái cần từ bỏ và cái nên nhận lấy là một vị.

Bởi vì sự chứng ngộ những sự vật như chúng là đã trở nên biểu lộ, ở cấp độ thấp của một vị chúng ta thấy rằng không có khác biệt giữa sanh tử và niết bàn. Ở cấp độ giữa chúng ta cắt đứt gốc rễ của sự thấy một khác biệt giữa đối tượng được nắm hiểu và chủ thể nắm hiểu, đến mức chúng không còn xuất hiện là tách rời. Ở cấp độ cao chúng ta thấy rằng mọi hiện tượng thực sự là một vị. Chúng ta không còn nhìn thấy cái gì là nguy hiểm và như vậy cảm thấy không sợ hãi lớn lao.

Bằng cách trở nên càng lúc càng quen thuộc với chứng ngộ một vị, thiền giả đến điểm mà anh ấy hay chị ấy không cần đi vào một cấu trúc của tham thiền chính thức. Đây là cấp độ không tham thiền. Bản tánh của tâm đã được xác quyết, và thiền giả không cần thực hành bất kỳ tham thiền đặc biệt nào để kinh nghiệm cái này.

Ở cấp độ thấp của không tham thiền, bởi vì bản thân tâm và thực tại đã trở nên biểu lộ, chúng ta không cần tham thiền nữa. Không còn cảm giác cái gì được tham thiền và người nào đang tham thiền. Cố gắng và nỗ lực được đòi hỏi ở một mức độ nào đó ở cấp độ thấp của không tham thiền, nhưng ở cấp độ giữa chúng ta hoàn thành sự có mặt tự phát thành thử cố gắng và nỗ lực không còn cần thiết. Có nói rằng ở cấp độ lớn, chúng ta đã đến cấp độ Bồ tát nơi chúng ta gặp Pháp thân, nghĩa là, Pháp thân đã biểu lộ trọn vẹn. Ở điểm này, tịnh quang của nền tảng và tịnh quang của con đường hòa lẫn.

 

Hậu tham thiền và Bốn Yoga

[364]     Một kinh nghiệm hậu tham thiền khác biệt liên hệ với mỗi cái trong bốn yoga. Theo yoga nhất niệm thứ nhất, chúng ta chưa quen lắm với bản tánh sâu xa của tâm. Ở cấp độ này trong hậu tham thiền chúng ta kinh nghiệm những hiện tướng khác nhau và tin chúng là thật, nhưng chúng ta có ít tư tưởng hay tri giác, và ít lan man.

Trong kinh nghiệm hậu tham thiền tiếp theo đến yoga thứ hai, thoát khỏi tạo tác, yếu tố trong sáng tiến hơn nữa, và cái hiểu về bản tánh sâu xa của tâm sâu hơn. Khi những hiện tướng khác nhau xuất hiện, chúng ta hiểu chúng và nhìn thấy chúng như huyễn. Trong yoga này chúng ta không có nhiều ý niệm.

Kinh nghiệm hậu tham thiền tiếp theo đến yoga thứ ba, một vị, gồm hiểu sự hợp nhất của hiện tướng và tánh Không. Nhưng chúng ta chưa hoàn toàn nắm hiểu sự hợp nhất này, dù kinh nghiệm về tánh Không mạnh mẽ hơn.

Yoga thứ tư không tham thiền được phân biệt bởi sự hòa lẫn của tham thiền và hậu tham thiền. Do sự hòa lẫn này lòng bi cho tất cả chúng sanh trở nên mạnh mẽ hơn. Bởi vì bây giờ chúng ta có khả năng lớn lao để chứng ngộ bản tánh sâu xa trong cân bằng tham thiền, có một sức mạnh rất lớn hơn cho lòng bi đối với chúng sanh.

 

Những lời dạy cho Yoga thứ nhất

[373]     Yoga nhất niệm ám chỉ sự tập trung đơn nhất của tâm trong đó chúng ta dần dần và rõ ràng hiểu bản tánh của tâm. Khai triển điều này đòi hỏi nỗ lực nào đó. Có lợi khi nhập thất yên lặng trong một hay hai ngày, bởi vì nói chuyện tạo ra mê mờ. Khi chúng ta thực hành yoga nhất niệm này, chúng ta có thể kinh nghiệm hôn trầm hay loạn động. Quan trọng là xóa bỏ trạng thái ấy của tâm. Chúng ta có thể làm điều này bằng cách áp dụng tập trung cho trạng thái hôn trầm và thư giản cho loạn động. Hay chúng ta dùng phương pháp đại ấn đặc biệt để nhìn trực tiếp vào bản tánh của tâm và xua tan bất kỳ chướng ngại nào.

Nếu chúng ta kinh nghiệm cái được gọi là một “bóng tối của ngu si,” cần thiết dùng những phương pháp để tịnh hóa những nghiệp xấu và những ngăn chướng, như guru yoga. Chúng ta nhận những quán đảnh cho sự vững chắc tham thiền, cúng dường nhiều loại, và sám hối những nghiệp xấu. Làm những phương pháp như vậy làm giảm sự khắc nghiệt của những chướng ngại mà chúng ta đang kinh nghiệm. Chúng ta có thể nói với guru hay bạn thiền, hỏi họ đã làm gì khi chướng ngại này xảy ra và cái gì tốt trong trường hợp này.

Khi học rằng chúng ta đã có những tà kiến về những điểm của Pháp và tham thiền, chúng ta cố gắng có được chánh kiến. Có khi chúng ta quy y và tụng nghi thức nhận quy y. Chúng ta suy nghĩ về những cách trong đó sanh tử không có tự tánh và những theo đuổi trong sanh tử là hoàn toàn vô ích. Điều này làm phát sanh một mong ước đích thật giải thoát khỏi sanh tử, làm mạnh hơn lòng sùng mộ với Pháp và guru, và giúp phát sanh lòng bi với chúng sanh.

Chúng ta có thể thấy rằng, sau khi thực hành thời gian lâu, chúng ta mệt mỏi. Trong trường hợp này nghỉ ngơi và cho phép tâm ta rỗng rang là thích hợp. Tuy nhiên, vào mọi lúc, chánh niệm là quan trọng. Có hai loại chánh niệm ở điểm này: một chánh niệm cực kỳ tập trung, chú tâm và một chánh niệm lỏng hơn.

Đôi khi đang thực hành chúng ta thình lình có một cái hiểu cực kỳ tốt về cái gì đó và kinh nghiệm cái thấy thấu suốt đích thật. Trong hậu tham thiền bất cứ hiện tướng nào xảy ra, lời dạy là không trở nên dính mắc vào nó mà chỉ để tự nó. Đôi khi chúng ta cảm thấy một kinh nghiệm tham thiền là xấu. Dù kinh nghiệm nào thì không quan trọng. Điểm quan trọng là không đánh giá chúng, mà chỉ nỗ lực thực hành. Đây là những chỉ dạy cho yoga nhất niệm.

 

Những chỉ dạy cho Yoga thứ hai

Những chỉ dạy cho yoga thứ hai thoát khỏi phức tạp là đi đến một nơi vắng vẻ, ở một mình, và thực hành tham thiền. Chủ yếu là chúng ta tham thiền bằng cách dựa vào loại chánh niệm thư giản hơn trước đây đã bàn luận. Khi có vẻ lợi lạc cho tham thiền, chúng ta cúng dường, cầu khẩn các guru của dòng, và đi vào những phương pháp làm tăng trưởng sùng mộ, hiện tướng thanh tịnh, và lòng bi cho những người khác.

Khi đang thực hành yoga này, có ích nếu nói chuyện với guru hay các bạn đồng tu về kinh nghiệm tham thiền của chúng ta, vì họ đã có những kinh nghiệm tương tự. Điều này giúp cho kinh nghiệm tiến bộ hơn. Cũng có ích khi khởi lên sự mong mỏi hơn. Thêm vào đó, chúng ta có thể đọc những bài ca tâm linh của những thành tựu giả – như của Marpa và Milarepa hay những bài trong Mưa Trí Huệ –  suy nghĩ về những điểm thiết yếu trong đó, hay tự ngâm hát cho mình nghe.

Khi tham thiền không tiến bộ, chúng ta có thể thực hành tham thiền về bổn tôn riêng của mình. Chúng ta tưởng tượng bổn tôn này một cách sống động và rõ ràng. Điều này sẽ giúp sự tham thiền của chúng ta một cách đáng kể.

 

Những chỉ dạy cho Yoga thứ ba

[374]     Để khai triển yoga thứ ba, một vị, đôi khi chúng ta thực hành một mình và đôi khi đi đến một chỗ đông người. Làm như vậy chúng ta thấy tâm ta và tham thiền của ta đang vận hành thế nào. Tham thiền tăng hay giảm? Những phiền não có phát sanh không? Đôi khi chúng ta thực hành dựa vào chánh niệm mạnh mẽ; đôi khi chúng ta để chánh niệm rất lỏng và chỉ quan sát.

Trong yoga một vị yếu tố chứng ngộ và xác quyết tánh Không trở nên rất mạnh. Bởi vì điều này chúng ta có thể tối thiểu hóa một cách sai lầm sự liên hệ giữa những hành động và những hậu quả của chúng và do đó không biết thực hành trau dồi đức hạnh và loại bỏ điều xấu. Đó là một lỗi lầm nghiêm trọng. Nếu chúng ta bắt đầu nghĩ theo cách ấy, hiểu tại sao nó không đúng là điều rất quan trọng.

 

Những chỉ dạy cho Yoga thứ tư

[402]     Bốn yoga của đại ấn có thể tương quan với năm con đường của thừa kinh điển. Yoga nhất niệm tương đương với hai con đường đầu tiên là tích tập (tư lương vị) và chuẩn bị (gia hạnh vị). Chúng ta chưa có chứng ngộ trực tiếp tánh Không trên hai con đường này; tuy nhiên cái thấy thấu suốt hay nội quán đã phát sanh trong dòng tương tục của chúng ta. Yoga thoát khỏi phức tạp tương đương với con đường thấy (kiến đạo vị hay thông đạt vị) thứ ba. Tánh Không bây giờ được chứng ngộ trực tiếp, không qua trung gian khái niệm. Yoga một vị tương đương với con đường tham thiền thứ tư, và yoga không tham thiền tương đương với con đường thứ năm không học nữa.

Bản văn và những luận nói rộng về những phẩm tính phi thường – những hóa thân, những thần lực và thiên nhãn, ba mươi hai tướng tốt và tám mươi dấu hiệu của một vị Phật và vân vân – mà chúng ta phát triển trên những con đường và làm trọn vẹn trên con đường cuối cùng. Khi chúng ta tiến bộ qua bốn yoga và tới yoga cuối cùng, chúng ta không có những phẩm tính hóa thân và thiên nhãn hay những dấu hiệu trên thân của Đức Phật Thích Ca. Tại sao thế? Thực sự không có khác biệt về những phẩm tính của tâm – về cái cần từ bỏ và cái cần chứng ngộ. Tuy nhiên Đức Phật Thích Ca đã trải qua vô số kiếp tích tập công đức và trí huệ, nên khi ngài sanh ở Ấn Độ, ngài sanh ra không phải do nghiệp lực mà do sức mạnh của việc tích tập bao la công đức và trí huệ. Trái lại, Milarepa đã sanh làm một người rất bình thường. Qua sự chín thành những hành động và phiền não đã tích tập do mê lầm, ngài cực kỳ may mắn đã gặp một guru phẩm tính trọn vẹn và nhận những chỉ dạy sâu xa từ vị ấy. Ngài đã có thể nỗ lực dữ dội trong thực hành đến độ đã hoàn thành giác ngộ trong một đời. Tâm của Milarepa không khác với tâm Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong điều từ bỏ và điều chứng ngộ; tuy nhiên, không tiến bộ trên con đường trong cùng cách tích tập công đức bao la như vậy, Milarepa không có những phẩm tính của thân và ngữ mà Đức Phật đã có.

 

SHARE:

Trả lời