VÀO ĐỀ

SHARE:

PHẦN MỘT: NHỮNG NGUYÊN TẮC NUÔI DẠY TÂM THỨC

VÀO ĐỀ

Sau hai mươi năm ở Tây phương để dạy thiền định, hay chỉ có những lời khuyên cho những người đến hỏi, tôi đi đến kết luận rằng điều nhiều người chờ đợi từ tôi không luôn luôn hoàn toàn là cái họ cần. Họ đến gặp tôi, nói rằng họ muốn nghiên cứu đạo Phật hay thiền định. Nhưng khi hỏi những chuyện đó, hay dần dần biết rõ họ hơn, tôi hiểu họ cảm thấy một sự không thỏa mãn nào đó đối với cuộc đời của họ và thế giới và họ thường không biết phải làm sao đối diện với những khó khăn của đời thường.

 

Thật vậy, họ tìm kiếm một phương tiện để vượt qua chúng, hay đôi khi một “bằng chứng không phạm tội” để phớt lờ chúng đi. Hơn là cơn mơ mộng, thứ tâm linh mơ hồ, triết học, tôn giáo và những lễ nghi, họ cần phải hiểu : hiểu tại sao cuộc đời họ không thỏa mãn cho họ, hiểu tại sao đôi khi họ thấy quá khó khăn để sống với chính mình và với những người khác, trong một thế giới đang bại trận tháo chạy. Và để thật sự hiểu điều đó, trước tiên họ phải học để tự biết mình, bởi vì chính từ bản thân mình mà người ta nhận biết thế giới.

 

Để tự biết mình, phải đi đến cội rễ của bản thể mình, nghĩa là tinh thần mình, tâm thức mình, bởi vì đó là nguồn gốc của tất cả những kinh nghiệm của chúng ta. Chính qua tâm thức mà người ta nhận biết, người ta suy nghĩ, và người ta cảm nghiệm, điều đó muốn nói rằng chính tâm thức đã tạo ra bản chuyển dịch riêng của chúng ta về thực tại. Nhưng chính đó là cái mà hiện giờ phần đông chúng ta không biết, hay thích không biết thì hơn ; quả là thoải mái, dễ dàng khi nghĩ rằng mọi cái khó chịu đến với chúng ta là do lỗi của những người khác, của xã hội hay của nhà cầm quyền, hơn là tự hỏi phải chăng cái hình ảnh người ta tự tạo về những sự vật quả có liên hệ với cái nhìn mà người ta chiếu rọi trên chúng. Một vấn đề mà chúng ta sẽ có dịp khám phá chi tiết bởi vì đó là một chủ đề chính của sự chuẩn bị “nuôi dạy con cọp”. Con cọp là một ẩn dụ về tình trạng hoang dã và không hợp lý của tâm thức chừng nào nó không nhận biết bản tánh chân thật của nó là gì. Vậy thì phải dạy cho thuần tính cái năng lực hoang dã và bất kham này để hiểu cái gì xảy ra trong chính mình, và trong những tương quan với những người khác và thế giới bao quanh chúng ta. Chính khi nuôi dạy con cọp, nghĩa là khi học làm chủ tâm thức mình để nhận ra sự toàn thiện vốn có của nó, mà người ta sẽ có thể sống an vui với chính mình và với thế giới.

 

Vậy thì cần yếu phải biết tâm thức, vừa như nó xuất hiện trong chức năng bình thường của nó, mà cũng như nó hiện hữu trong bản tính thật sự của nó. Cái hiểu biết này nằm ở ngay tâm của đạo Phật và đạo Phật đã đề nghị vô số phương tiện và kỹ thuật để nắm được cái hiểu biết đó. Có đủ loại phương pháp thích hợp với những nhu cầu của mỗi người, theo những ước muốn cá nhân, mức độ trưởng thành, những vấn đề và những bổn phận riêng của họ. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh một điểm quan trọng : những dụng cụ này góp phần vào gia sản của loài người, cùng một danh nghĩa như sự sáng chế ra bánh xe hay sự khám phá những định luật hấp dẫn, chúng không chuyên biệt là “Phật giáo” hay dành riêng cho những người “Phật giáo”. Thật vậy, Phật nghĩa là “thức tỉnh” – thức tỉnh khỏi giấc ngủ của vô minh về bản tánh thật sự của tâm thức. Và trong ý nghĩa đó, một người Phật tử là người thí nghiệm theo cùng con đường ấy để cùng đến sự hiểu biết ấy về chính mình. Nếu người ta chỉ quan niệm “đạo Phật” như một tôn giáo được tổ chức, người ta nhấn mạnh những yếu tố phân chia ; trong khi nói đến một con đường dẫn đến sự thức tỉnh của tâm thức, người ta làm mạnh những yếu tố hợp nhất. Luôn luôn trong ý nghĩa đó mà tôi dùng những danh từ Phật và đạo Phật trong cuốn sách này. Những dụng cụ được thừa hưởng từ đạo Phật chỉ tạo thành một hệ thống hiểu biết cao cấp về tâm thức con người và về những cơ cấu vận hành của nó, bất cứ ai cũng có thể dùng – mà không cần nhãn hiệu “Phật tử” hay nhãn hiệu nào khác – để học tự biết mình, hầu sống tốt hơn với chính mình và với mọi người. Vả lại đó chính là điều tôi luôn luôn đặc biệt nhớ cho riêng tôi : tôi nghĩ rằng tính tâm linh (đạo) không phải ở trong nhà thờ tôn giáo này hay tôn giáo nọ, mà nó là một sự đóng góp sống động đem đến cho xã hội hiện thời, bằng cách cung cấp cho những ai muốn có phương tiện để sống cuộc đời hạnh phúc hơn và bừng nở hơn, bởi vì ít ích kỷ và vật chất hơn, và có phương tiện để giúp đỡ những người khác cũng làm như thế. Chính trong tinh thần đó mà Nghệ thuật nuôi dạy con cọp bên trong đã được tạo thành, để cho những người sử dụng nó cảm thấy hoàn toàn tự do với mọi sự phục tùng một hệ thống hay một tín điều đã được ban cho.

 

Vậy tôi cũng đi đến chỗ đề nghị cho những ai đến với tôi làm theo những bài thực tập căn cứ trên hiểu biết của tôi về “Phật tử” – theo nghĩa tôi đã định nghĩa ở trên – và về người trị liệu, cũng như trên kinh nghiệm của tôi về việc dạy thiền định, và cũng trên sự đánh giá của tôi về những nhu cầu và những khó khăn đặc biệt của người Tây phương sống trong xã hội hiện thời. Phần đông người ta có đời sống đã khá đầy ắp, phức tạp và căng thẳng ; vậy tôi đã đề nghị với họ những bài thực tập đơn giản và cụ thể, đặt nền trên sự thư giãn, buông xả, thích hợp với cuộc đời hành nghề và gia đình của họ.

 

Việc này hình thành trên một nền tảng cá nhân, trong nhiều năm, và rồi càng ngày người ta càng rút được lợi lạc từ bước đi này và rồi nhiều người khác cũng muốn tự mình thực hành, tôi đã tìm cách hệ thống hóa một ít những bài thực tập trong một chương trình “trị liệu” mà những bài thực tập được trình bày ở đây trong Nghệ thuật nuôi dạy con cọp bên trong là một phần trong số đó. “Trị liệu” là nói đến “chăm sóc, điều trị, phương cách để chữa lành” ; ở đây phải hiểu nó trong nghĩa đồng thời phòng ngừa và chữa bệnh. Đó là tự chữa lành khỏi sự tha hóa của chính mình, khỏi sự không tự biết chính mình, điều này là gốc rễ của tất cả những vấn đề phiền não khác của chúng ta, như chúng ta có dịp xác định nó suốt trong cuốn sách này. Chữa lành nhưng cũng là phòng ngừa, bằng cách rút được cái sức mạnh và những phương tiện để đối mặt với mọi thứ có thể đến với chúng ta sau đó từ sự hiểu biết về tâm thức.

 

Những thực tập mà tôi đề nghị ở đây có mục đích dẫn dắt những người thực hành chúng đến một mức độ nào đó của sự thức tỉnh tâm linh bằng cách học điều phục tâm thức họ để loại bỏ những méo mó thức tình luôn luôn ngăn cản tâm thức thấy biết thế giới và những người khác như chúng thật sự là. Một khi tâm thức đã nhận biết bản tánh toàn thiện của nó, cái tri giác của nó về thế giới phản ánh cái nó tri giác về chính nó, bấy giờ tất cả đều được chuyển hóa, mặc dầu xung quanh bên ngoài, tất cả mọi sự không có gì thay đổi. Thông điệp rõ ràng và cốt yếu : chính nơi mình mà sự chuyển hóa xảy ra, hơn là tìm cách làm thay đổi con người và thế giới quanh ta. Nếu người ta thay đổi bên trong mình, bên ngoài sẽ tự động được chuyển hóa, biến chất. Người ta mở con mắt với cái đẹp bên trong của chính mình và của thế giới, để cuối cùng người ta khám phá toàn thể cái đẹp trong sự toàn thiện nội tại của nó.

 

Việc hệ thống hóa những bài thực tập được làm dần dần, với sự hợp tác của Edie Irwin, một nhà trị liệu Hoa Kỳ cũng đã hình thành những kỹ thuật khác nhau về xoa bóp mà bà đã thực hành ở Edimbourg. Từ năm 1984, dưới sự chỉ huy của tôi bà đã trông coi những nhóm người muốn thực hành hệ thống này, ở Anh, Ái Nhĩ Lan, Thụy Sĩ, Bỉ, Tây Ban Nha, Ý, Nam Phi và Hoa Kỳ. Hiện giờ bà đã để thời gian của mình cho việc tiến hành chương trình trị liệu này. Chính từ kinh nghiệm thực tiễn này có được trong nhiều năm, đã sinh ra chương trình những thực tập trong nhiều giai đoạn, mà Nghệ thuật nuôi dạy con cọp bên trong là chương trình thứ hai (cái đầu là “Trở về nơi khởi đầu”). Bản thân cuốn sách đáp ứng cho sự mong mỏi của nhiều nhóm và những cá nhân để có thể dùng một thực hành cẩm nang hướng dẫn họ giữa những khóa tham thiền và theo đuổi công việc.

 

Tôi muốn nói đến “trị liệu” hơn là thiền định, dù cho những kỹ thuật được sử dụng đôi khi là như nhau, bởi vì điều đó cho phép tránh một số quan niệm sai lầm và những ám ảnh. Tôi luôn cố gắng làm cho những người đến tham vấn tôi hiểu rằng tâm linh không phải là một phương tiện để trốn tránh thực tại, mà ngược lại để học giáp mặt với nó, để học không trốn tránh trong chính mình hay ngoài mình ; bằng cách trở nên thăng bằng hơn và ít quy ngã hơn, người ta đóng góp trực tiếp vào sự an vui của những người khác và tôi cầu chúc Nghệ thuật nuôi dạy con cọp bên trong có thể mang lại sự đóng góp khiêm tốn của tôi trong chiều hướng đó.

Akong Rinpoche
Samye-Ling, tháng tám 1989

SHARE:

Trả lời