NHƯ VẬY ĐÓ VÀ KHÔNG THỂ KHÁC VẬY ĐƯỢC

SHARE:

“Xin Chúa ban cho con một tâm hồn bình tĩnh để cam nhận những tình thế không thể thay đổi được, một lòng can đảm để thay đổi những tình thế có thể thay đổi được và một tinh thần sáng suốt để biết phân biệt tình thế nào có thể thay đổi được, tình thế nào không thể thay đổi được.”

Hồi nhỏ tôi toàn chơi với vài đứa bạn trên thượng lương một ngôi nhà bỏ hoang ở Missouri. Tôi leo từ trên sàn gác xuống, đặt chân lên thành một cửa sổ rồi nhảy xuống đất. Ngón tay trỏ bên trái của tôi đeo một chiếc nhẫn, và khi nhảy, chiếc nhẫn móc vào đầu một cây đinh, ngón tay tôi đứt văng ra.

Tôi hoảng lên, la lớn, chắc chắn là sẽ chết. Nhưng khi vết thương đã lành tôi không còn nghĩ chút xíu gì tới bàn tay cụt 1 ngón của mình hết. Ích lợi gì đâu?… Điều gì đã không tránh được thì lo buồn để làm gì? Bây giờ có khi cả tháng tôi cũng không nhớ rằng bàn tay trái của mình chỉ còn 4 ngón.

Mấy năm trước, có lần lên thang máy trong một ngôi nhà chọc trời ở New York, tôi thấy người coi thang cụt bàn tay trái. Tôi hỏi có buồn vì cụt tay không, người đó đáp: “Không, ít khi tôi nghĩ đến điều ấy lắm. Tôi sống độc thân và chỉ khi nào xỏ kim tôi mới nhớ tới.”

Thật lạ lùng! Gặp một hoàn cảnh nào, nếu đã phải nhận nó, thì ta nhận một cách dễ dàng, mau mắn; chúng ta tự thay đổi tính tình để thích hợp với hoàn cảnh ấy rồi quên hẳn nó đi.

Tôi nhớ câu này khắc trên cửa một ngôi nhà hoang tàn cất từ thế kỷ 15 ở Amsterdam: “Như vậy đó – Và không thể khác vậy được”.

Bạn và tôi, trên đường đời, sẽ gặp nhiều tình thế bất mãn, không thể thay đổi. Những lúc ấy ta phải lựa lấy 1 trong 2 đường sau đây: Hoặc chấp nhận tình thế đó mà tự thay đổi cách sống cho thích hợp hoặc chống cự lại để rồi hại sức khỏe và sau cùng mang lấy bệnh thần kinh.

Dưới đây là lời khuyên rất minh triết của một trong những tâm lý gia tôi ngưỡng mộ nhất, ông William James: “Chịu thuận với hoàn cảnh đi. Biết chấp nhận một tình thế đã xảy ra là bước được bước đầu để chiến thắng những hậu quả của bất kỳ tai họa nào.”

Bà Elizabeth Connley đã khổ sở mới tìm được chân lý ấy. “Chính ngày mà nước Mỹ cử hành lễ đại thắng quân địch ở Bắc Phi, tôi nhận được một điện tín của bộ chiến tranh báo tin đứa cháu tôi – đứa mà tôi thương nhất – coi như bị mất tích. Kế đó một điện tín khác cho hay nó đã tử trận.

Tôi đau đớn vô cùng. Trước đây tôi cho đời là rất đẹp. Tôi có một việc làm mà tôi thích, chu cấp cho đứa cháu ấy để nó nên người. Tôi thấy nó thật là một thanh niên dễ thương, đáng làm kiểu mẫu. Trời đã thưởng công tôi! … Rồi thì bức điện tín tới. Đất như sụt dưới chân tôi. Tôi thấy không còn lý do gì sống nữa. Tôi bỏ bê công việc, lạt lẽo với bạn bè, phó hết thảy cho dòng nước chảy xuôi.

Tôi hóa ra chua chát và uất ức. Tại sao Trời già độc địa bắt đứa cháu của tôi đi? Tại sao một thanh niên dễ thương như vậy – có cả một tương lai xán lạn trước mắt – mà lại phải chết? Tôi không tin có thể thế được. Tôi uất ức quá đến nỗi muốn bỏ việc, bỏ cả xứ, tự giam trong một nơi để khóc lóc và than thở. Tôi xếp dọn giấy tờ trên bàn, sửa soạn đi xa thì thấy một bức thư bỏ quên của cháu viết cho tôi khi thân mẫu tôi mất mấy năm về trước. Trong thư nói: “Bà mất, cô và cháu thấy nhà vắng hẳn đi, nhất là cô. Nhưng cháu chắc rằng sẽ nén buồn được nhờ chân lý mà cô đã tìm thấy. Cháu không bao giờ quên cái chân lý đẹp đẽ mà cô đã dạy cháu. Dù ở chân trời góc bể, ngăn sông cách núi cháu cũng ghi lòng tạc dạ rằng cô đã khuyên cháu dù gặp bất cứ nghịch cảnh nào cũng luôn luôn mỉm cười, vui vẻ nhận nó như một kẻ trượng phu vậy.”

Tôi đọc đi đọc lại bức thư ấy, thấy như có cháu đang đứng bên cạnh, nói với tôi: “Tại sao cô không làm như cô đã khuyên cháu? Cứ vui sống đi, mặc kệ tình thế ra sao thì ra, giấu nỗi lòng trong một nụ cười rồi vui vẻ sống.”

Tôi dùng hết cả tâm lực trong công việc của mình. Tôi viết thư cho những người lính khác để an ủi họ và thân nhân họ. Tôi nhận dạy giúp buổi tối trong một lớp thanh niên, tìm ra được những nỗi vui mới, làm quen được với được với những người bạn mới. Bây giờ nhớ lại, tôi cũng ngạc nhiên về sự thay đổi gần như khó tin đó. Tôi không còn than thở về cái dĩ vãng đã thật chết rồi nữa. Tôi vui vẻ sống mỗi ngày, y như lời cháu khuyên và cam nhận lấy số phận, không chống lại đời mình. Đời tôi bây giờ đầy đủ hơn lúc nào hết.”

Bà Elizabeth Connley ở Portland đã học được một điều mà chúng ta trước sau gì cũng phải học là số phận đã không tránh được thì hãy chấp nhận và hợp tác với nó đi. “Như vậy đó – Và không thể khác vậy được”.

Bài học đó khó thật. Cả những quân vương trên ngai vàng cũng cần phải tự chủ mới theo được đúng. Anh hoàng George V cho đóng khuôn câu này rồi treo lên tường trong thư viện của ngài ở cung điện Buckingham: “Xin ai hãy khuyên tôi đừng đòi ông trăng trên trời hoặc bất bình về một tình thế không sao cứu vãn được.” Schopenhauer cũng nghĩ như vậy trong câu này: “Trên đường đời, hành lý quan trọng nhất phải mang theo là lòng nhẫn nhục.”

Chắc là hoàn cảnh tự nó không thể làm cho ta sung sướng hay đau khổ. Chính cái cách ta phản ứng lại với nó làm cho ta khổ hay vui. Jesu nói: “Thiên đường ở trong lòng ta.” Trong lòng ta có Thiên đường mà cũng có Địa ngục là thế đó.

Nếu cần, chúng ta có thể chịu nổi và thắng được tất cả những tai họa và thảm kịch vì chúng ta có những năng lực tiềm tàng mạnh mẽ lạ thường mà nếu biết dùng tới, ta sẽ thắng được mọi nghịch cảnh. Chúng ta mạnh hơn chúng ta tưởng.

Ông Tarkington luôn luôn nói: “Tai họa gì trời đất bắt tôi chịu, tôi cũng chịu được hết, chỉ trừ một tật đui thôi. Không bao giờ tôi chịu cảnh ấy.”

Nhưng một ngày kia, khi tới lục tuần, ông ngó xuống tấm thảm ở trên sàn nhà thì… sao màu sắc mờ mờ, nhòe đi thế này? Ông không còn trông rõ hình thêu trên thảm nữa. Lại hỏi một bác sĩ chuyên muôn trị mắt, ông mới hay cái sự thật đau đớn này: Ông sắp đui. Một con mắt đã gần mù hẳn rồi, còn mắt kia cũng sẽ mù luôn. Điều mà ông sợ nhất đã xảy ra!

Ông Tarkington phản ứng lại cách nào khi bị “tai nạn ghê gớm nhất” ấy? Ông có nghĩ như vầy không: Tới số rồi. Tới lúc tận số rồi đây!

Không. Ông ngạc nhiên thấy mình rất vui vẻ, còn có óc trào phúng nữa là khác. Ông bực bội vì những đốm mờ mờ đi qua con ngươi mình, làm ông hết còn trông rõ, nhưng khi cái đốm lớn nhất vừa qua khỏi, ông nói: “A! Ông nội lại tới. Sáng nay đẹp trời, ông nội đi dạo chơi đâu vậy?”

Vận mạng làm sao mà thắng nổi một tâm hồn như vậy? Khi đã hoàn toàn đui, ông nói: “Tôi thấy rằng tôi chịu được cảnh đui như những người khác chịu được những tai nạn của họ. Tôi tin chắc nếu cả ngũ quan của tôi mang tật, hóa ra vô dụng nữa thì tôi vẫn có thể sống với tinh thần, vì chúng ta trông bằng tinh thần, sống bằng tinh thần.”

Trong 1 năm, ông để cho y sĩ mổ mắt 12 lần, hy vọng sẽ khỏi bệnh. Các y sĩ đều dùng thuốc tê mà không lần nào ông phản kháng rên la. Ông biết không sao tránh được cho nên chỉ có cách để tránh bớt đau khổ là vui lòng nhận lấy hết. Tại nhà thương, ông không chịu nằm trong phòng riêng mà xin nằm trong một phòng chung để được gần những người đau khổ khác. Ông rán nâng cao tinh thần họ, và sắp bị mổ mắt, biết trước sẽ đau đớn lắm, nhưng ông rán nhớ rằng mình hãy còn sung sướng nhiều. Ông nói: “Thật kỳ diệu! Khoa học ngày nay tinh vi tới nỗi mổ được bộ phận tế nhị là con mắt! Thật kỳ diệu!”

Người thường, nếu đui và bị mổ mắt 12 lần thì chắc là sợ mà gầy ốm như ma dại, còn ông Tarkingtom thì nói: “Bây giờ có đổi nỗi đau đớn ấy để được nỗi vui hơn tôi cũng không đổi.” Tại sao vậy? Vì nó đã dạy cho ông biết an phận, cho biết rằng sức ông chịu được những cảnh đau đớn nhất đời, nó đã cho ông thấy lời này của thi sĩ John Milton là chí lý: “Đui không phải là khổ, không chịu được cảnh đui mới là khổ.”

Bà Margaret Fuller, người bênh vực nữ quyền nổi danh nhất ở Anh, một lần dùng câu này làm châm ngôn: “Cõi đời ra sao, tôi nhận làm vậy!” Ông già quạu quọ Thomas Carlyle nghe câu đó, liền nói mỉa: “Thì tất nhiên mụ ấy phải đành vậy thôi!” Phải, bạn và tôi, chúng ta cũng phải nhận số phận của ta vậy chứ sao!

Nếu chúng ta rên rỉ, giẫy giụa, sinh ra chua chát, thì cũng không thay đổi được tình cảnh mà chỉ làm thay đổi được tính tình, cơ thể ta thôi. Tôi nói vậy vì tôi đã được kinh nghiệm. Có lần tôi không chịu nhận một tình thế mà tôi không sao tránh được. Tôi nổi điên, chống cự lại, sinh ra mất ngủ, khiến đời mình thành cảnh địa ngục. Thành thử tôi tự mua thêm những nỗi bất mãn. Rút cục, sau 1 năm tự giày vò tấm thân, tôi phải chấp nhận cái tình thế mà ngay từ lúc đầu tôi đã không có cách nào cải thiện cả. Sao tôi không noi gương ông già Walt Whitman mà thản nhiên như loài cây, loài thú trước những cảnh tối tăm, đói lạnh, dông tố?

Hồi nọ, tôi nuôi bò trong 12 năm trời. Không khi nào tôi thấy con bò cái nổi nóng lên vì nắng dai làm cháy cỏ hoặc vì trời lạnh quá và mưa đá, hoặc vì con bò đực bạn trăm năm của nó o bế một con bò cái khác. Loài vật thản nhiên trước cảnh tối tăm, dông tố và thất tình; vì vậy chúng không bao giờ đau thần kinh hoặc bị vị ung, cũng không bao giờ hóa điên hết.

Như thế có phải là tôi khuyên bạn cúi đầu mà chịu hết những nghịch cảnh trên đường đời không? Không bao giờ tôi có mảy may ý đó. Như vậy là theo thuyết định mạng rồi. Hễ còn hy vọng cứu vãn được tình thế thì còn phải tranh đấu! Nhưng khi biết rõ rằng chống lại cũng vô ích, sự đã vậy, không sao thay đổi được thì xin bạn thương hệ thần kinh của mình mà đừng quay cuồng, ngó trước ngó sau, than tiếc những tình thế đẹp tốt hơn nữa.

Ông khoa trưởng Hawkers ở trường Đại học Columbia nói với tôi ông lấy bài ca ‘Ngỗng Mẹ’ sau đây làm châm ngôn:

“Trời sinh mỗi bệnh ở đời

Có phương thời chữa, không thời vô phương

Có phương hãy rán tìm phương

Vô phương thì chịu, lo lương làm gì.”

………

Không ai có đủ khí lực và nghị lực để vừa chống cự với một tình thế không tránh được, vừa tạo một đời sống mới đâu. Phải lựa 1 trong 2 hành động ấy, hoặc là cúi đầu chịu những cơn bão táp tất có trong đời, hoặc chống lại với nó để rồi chết.

Chính tôi đã được mục đích cảnh chết ấy trong trại của mình ở Missouri. Tại đó tôi trồng vài chục gốc cây. Mới đầu chúng mọc rất mau. Rồi một trận bão tuyết ào tới, tuyết đóng nặng trên mỗi cành, mỗi nhánh. Đáng lẽ uyển chuyển trĩu xuống dưới sức nặng thì những cây ấy lại hiên ngang đứng thẳng chống cự lại, tới nỗi tuyết nặng quá, cành phải gãy, thân phải nứt – rồi tôi phải đốn bỏ đi hết.

Những cây trong rừng phương Bắc khôn hơn. Tôi đã đi qua hàng mấy trăm cây số rừng bốn mùa xanh tốt ở Canada mà chưa thấy một cây nào bị tuyết đè nặng làm gãy hết. Những cây quanh năm tươi ấy biết uốn thân, cành dưới sức nặng, biết cái đạo hợp tác với những tình thế không tránh được.

Các ông thầy võ Nhật dạy các môn đệ “phải mềm mại như cây liễu, đừng cứng cỏi như cây tùng”.

Bạn có biết tại sao những lốp xe lăn trên đường mà chịu được đủ cái tội tình, nào cọ vào đường, nào đè lên đá nhọn không? Mới đầu người ta chế tạo ra những lốp xe cứng rắn. Nhưng chẳng bao lâu chiếc lốp tan tành ra từng mảnh. Rồi họ mới chế ra những lốp xe mềm hơn để làm cho sự đụng chạm trên đường dịu nhẹ đi và những chiếc lốp này “chịu đựng” được.

Trên đường đời khấp khểnh, bạn và tôi nếu học được cách làm cho những sự đụng chạm dịu bớt đi thì cuộc hành trình của ta cũng dài hơn và êm đềm, sung sướng hơn. Nếu không theo cách ấy mà cứ chống lại với những sự khó khăn trong đời thì chúng ta sẽ ra sao? Nếu không chịu “mềm mại như cây liễu” mà cứ nhất định “cứng cỏi như cây tùng” thì chúng ta sẽ ra sao? Dễ biết lắm. Chúng ta sẽ gây ra những xung đột bất tận trong thâm tâm ta, chúng ta sẽ lo lắng, khổ sở, cáu kỉnh và bị bệnh thần kinh.

………

Trong 8 năm vừa rồi, tôi đã đọc hết những sách, báo cũ, mới mà mình có thể kiếm được bàn về vấn đề diệt ưu tư… Bạn muốn biết một lời khuyên ngắn, hay nhất mà tôi đã chọn được trong hết thảy những sách vở báo chí ấy không? Thì đây, lời khuyên đó tóm tắt trong mấy hàng sau này rất đáng dán lên kính của mọi phòng tắm để mỗi khi rửa bụi bặm, mồ hôi trên mặt, chúng ta cũng rửa luôn những ưu tư trong óc nữa. Xin nói rõ đó là lời cầu nguyện viết ra bởi Reinhald Niebur, một giáo sư về đạo Thiên Chúa thực hành:

“Xin Chúa ban cho con một tâm hồn bình tĩnh để cam nhận những tình thế không thể thay đổi được, một lòng can đảm để thay đổi những tình thế có thể thay đổi được và một tinh thần sáng suốt để biết phân biệt tình thế nào có thể thay đổi được, tình thế nào không thể thay đổi được.”

 

Trích và biên tập từ tác phẩm ‘Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống’  

                                                  do cố dịch giả Nguyễn Hiến Lê chuyển ngữ từ cuốn

‘How To Stop Worring And Start Living’ của tác giả Dale Canegie

SHARE:

Trả lời