YÊU THƯƠNG CHÍNH MÌNH THỰC SỰ KHÔNG PHẢI LÀ VỊ KỶ

SHARE:

 

“Lý do khiến con người không thoát khỏi được khổ đau là vì họ không nhận ra và thực hành đúng tinh thần của giáo lý. Thậm chí có người học thuộc rất nhiều kinh điển, giảng thuyết và giải thich rất trôi chảy nhưng khổ đau vẫn hoàn khổ đau.”
.
Yêu thương chính mình không phải là điều trái với giáo lý Đai thừa. Đại thừa Phật giáo không dạy chúng ta đừng nên yêu thương chính mình. Mặt khác, xả bỏ tính vị kỷ và luôn yêu thương người khác cũng chính là cách tự thương yêu mình. Thực ra, thực hành Đại thừa Phật giáo chính là cách hay nhất để tự lợi và lợi tha vì lợi tha trong nghĩa rốt ráo của nó cũng bao hàm tự lợi.
.
Tất cả những hành động của chúng ta đều không ngoài mục đích là muốn có được hạnh phúc. Bằng cách quan sát chính mình và quan sát những sinh vật khác, chúng ta nhận ra rằng tất cả đều giống nhau ở chỗ là đều mưu cầu hạnh phúc. Khổ đau là điều chúng ta không mong muốn và hạnh phúc là điều chúng ta mưu cầu. Chỉ với thân tâm nầy chúng ta có thể ngăn ngừa tất cả khổ đau phát sinh, và cũng với thân tâm nầy chúng ta có thể tạo dựng hạnh phúc. Tại sao như vậy? Bởi vì khổ đau và hạnh phúc đều không phải đến từ bên ngoài mà đến từ trong chính thân tâm của chúng ta. Vì vậy, từ nơi thân tâm của chúng ta mà chúng ta có thể loại trừ khổ đau và thực hiện được an lạc hạnh phúc và thực hiện giác ngộ giải thoát.
.
Vấn đề của những người bình thường, những người không theo một tín ngưỡng nào và tín đồ các tôn giáo đều giống nhau ở chỗ tất cả đều xuất phát từ sự không hiểu biết về ý nghĩa thực sự của việc tự thương yêu mình. Con người nên tạo tự do cho mình, nên thương yêu chính mình, nhưng thương yêu như thế nào? Nếu chúng ta hiểu sai điều này, chúng ta thường sẽ tự gây đau khổ cho mình và cho người khác. Trong Phật giáo, đặc biệt là ở Đại thừa Phật giáo, cách tốt nhật để tự yêu thương chính mình là biết tìm ra nguyên nhân của tất cả vấn đề, nguyên nhân ấy nằm ở trong tâm mỗi người: đó chính là sự đề cao tự ngã, lòng vị kỷ. Vì vậy, nếu con người xa rời tính chấp ngã, vị kỷ thì dù phải đối mặt với bất cứ tình huống nào, vấn đề cũng trở nên đơn giản và dễ giải quyết.
.
Giây phút mà bạn phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng xảy ra cho bạn thì tương tự như bạn đang đứng trước một ngọn núi to lớn, nhưng giây phút mà bạn dẹp bỏ bản ngã đi thì vấn đề không còn tồn tại nữa, như ngọn núi đã hóa thành đất bằng. Ví dụ, người bạn yêu thương không còn đối xử tốt với bạn nữa, không còn yêu thương bạn nữa, đó cũng là một vấn đề lớn, nhưng khi bạn quên đi bản ngã, bạn sẽ không còn xem đó là một vấn đề và chính sự thay đổi tâm bạn sẽ giúp chuyển đổi tâm người yêu của bạn vì bạn không còn ích kỷ, hẹp hòi: bạn trở nên dễ chịu, dễ thông cảm và dễ tha thứ cho nhau. Chính điều này làm cho người yêu của bạn yêu mến bạn hơn và đây cũng là cách hay nhất để yêu thương chính mình. Khoan nói đến chuyện đạt được giác ngộ, giải thoát, sự xả bỏ đầu óc chấp thủ, vị kỷ cũng mang lại nhiều hạnh phúc, an bình cho bạn, bạn sẽ thấy cuộc sống có nhiều ý nghĩa hơn. Ngay cả khi bạn chẳng biết gì về giáo lý, nếu bạn biết xả bỏ nguyên nhân của mọi rắc rối trong cuộc đời, bỏ đi cái tự ngã mà đã làm bạn luôn luôn kêu gào như một em bé: “Tôi không hạnh phúc, tôi không hạnh phúc, tôi không hạnh phúc…”, thì bạn sẽ tìm được hạnh phúc và sự an bình. Ngược lại, dù bạn học hỏi được nhiều giáo lý bao nhiêu đi nữa, nhưng tâm bạn luôn cố chấp tự ngã, luôn kêu gào “Tôi không hạnh phúc!” “Tôi”, “Tôi”, “Tôi”… thì khổ đau vẫn đeo đẳng bạn mãi hoài.
.
Yêu thương mình theo cách đó sẽ có nghĩa là yêu thương dục vọng, yêu thương sự chấp thủ và bạn trở thành nô lệ của dục vọng, nô lệ của những suy nghĩ xấu; và đây chính là kẻ địch nguy hiểm nhất đã ngăn cản bạn tiến đến giải thoát, nó là đầu mối của nghiệp, của luân hồi và của khổ đau. Sự bám víu tự ngã sẽ che mờ trí tuệ của bạn và làm dầy hơn mây mù vô minh, nguyên nhân căn bản của sinh tử luân hồi. Không suy nghiệm kỹ những rối rắm mà đầu óc chấp thủ tạo ra, con người sẽ bị nô lệ cho chính nó, bạn sẽ luôn luôn vâng lời và tuân thủ dục vọng thấp hèn. Và vì những gì bạn làm là làm cho ý tưởng vị ngã, làm theo dục vọng, nên bạn luôn gặt hái khổ đau và tuyệt vọng.
.
Lý do khiến con người không thoát khỏi được khổ đau là vì họ không nhận ra và thực hành đúng tinh thần của giáo lý. Thậm chí có người học thuộc rất nhiều kinh điển, giảng thuyết và giải thích rất trôi chảy nhưng khổ đau vẫn hoàn khổ đau. Và do đó có người đã lầm trách giáo pháp, cho rằng giáo lý đạo Phật không hướng đến giải thoát khổ đau. Tuy vậy, nhưng có người mặc dù không hiểu biết gì sâu xa về giáo lý, họ vẫn đạt được sự an bình tâm hồn nhờ thực hành xả bỏ chấp thủ tự ngã. Những người biết thực tập như vậy là những người đã mở cửa vào giác ngộ, đã mở cửa đến hạnh phúc cho mình và cho mọi người.
.
Cái tâm chấp thủ, vị kỷ này cũng là tâm bạn, và cái tâm buông xả, vị tha ấy cũng là tâm bạn. Nếu bạn có tâm hỷ xả thì khi một ai đó chỉ trích, chửi mắng bạn, bạn cũng chẳng thấy bị tổn thương gì cả; Nhưng nếu bạn chạy theo tâm chấp thủ, xem nó là chính mình thì khi một ai chỉ trích bạn, bạn sẽ cảm thấy bị tổn thương và khổ đau. Nếu nhận thức được như vậy thì vấn đề khổ đau hay hạnh phúc nằm trong tầm tay của bạn. Bạn có thể từ đây mà gặt hái được nhiều an bình, nhiều hạnh phúc cho mình. Chìa khoá để đi đến hạnh phúc là hãy xả bỏ tính vị kỷ, thực hiện sự yêu thương mọi người, mọi loài cũng chính là sự tự yêu thương mình cao cả nhất vậy.

NGUYÊN HẠNH dịch
.
(Theo Mandala May-June – 1998)

Post: Nghiêm Hạnh

SHARE:

Trả lời