Nếu tính cách rỗng rang là trí tuệ, thì chính tính cách lấp đầy, tràn đầy, lan rộng của tâm thức là từ bi. Sau đây chúng ta sẽ nói rõ hơn về cách tiếp cận với Pháp Hoa qua từ bi, hay nói theo ngôn ngữ thông thường, là qua lòng thương yêu.
Chúng ta đã thấy trong phẩm thứ nhất, Đức Phật từ sợi lông trắng giữa đôi mày phóng một luồng hào quang chiếu một vạn tám ngàn cõi ở phương Đông, khiến tất cả thông suốt với nhau, thành một thế giới, thành Nhất chân pháp giới. Làm cho tất cả các thế giới hợp thành một thế giới, điều đó có thể thực hiện được bằng trí tuệ hoặc bằng thương yêu. Cái nhất thừa hợp nhất toàn bộ chúng sanh cũng có thể thực hiện được bằng trí tuệ hay bằng thương yêu. Những câu chuyện diễn tả tình thương yêu của Cha đối với Con, cha làm cho tất cả mọi loại xe, xe trâu, xe dê, xe nai và xe trâu trắng trang hoàng đẹp đẻ (phẩm Thí dụ), cha làm mọi cách để đứa con nghèo cùng trở về (phẩm Tín giải), cha làm lương y nói dối để con chịu uống thuốc (phẩm Như Lai thọ lượng)…
……..
Vậy thì thế giới Pháp Hoa có thể ngộ nhập qua lòng thương yêu. Diệu Pháp Liên Hoa có thể được khai thị ngộ nhập bởi lòng thương yêu. Khi thương yêu phát khởi, tuôn trào nơi lòng người, người đó dễ dàng hợp nhất với mọi sự, từ cái thấp nhất đến cái cao nhất, tức là những chân lý của Pháp Hoa: Nhất thừa, Hiện bảo tháp, Tùng địa dũng xuất, Như Lai thọ lượng và Như Lai thần lực. Thương yêu là mối dây vô hình nối kết chỗ sâu thẳm nhất của tâm thức chúng ta với cái sâu thẳm nhất của mọi sự. Thương yêu là cái “bản năng” tìm lại sự hợp nhất vốn có của tất cả mọi sự, cái Nhất chân pháp giới. Khi để cho thương yêu được “tùng địa dũng xuất”, chúng ta xóa tan thế giới ngăn ngại, xung đột của mình để cho Nhất chân pháp giới, tức thế giới Pháp Hoa hiển lộ.
Thương yêu Phật đưa chúng ta đến gần Phật hơn, và dần dần chúng ta thấy trong đáy lòng mỗi chúng ta đều có Phật, như một mặt trăng hiện muôn bóng trong muôn triệu ao hồ, và cũng vì thế mà dần dần chúng ta có thể thương yêu, tha thứ, bao dung và độ lượng với chúng sanh hơn.
Thương yêu người khác sẽ xóa đi “cái ta” và “cái của ta”, sự ngăn cách giả tạo, xóa đi sự khác biệt do nghiệp, để thấy tất cả đang dự hội Pháp Hoa, trong vĩnh cửu Nhất Thừa. Thương yêu một hòn đá, một cội cây sẽ xóa đi biên giới vô hình trong tâm thức để “dũng xuất” vào cái thế giới ”mình là tất cả, tất cả là mình”, cái thế giới sinh động vô tư của Như Lai thần lực. Thương yêu tất cả mọi sự, mọi biến cố để thấy tất cả đều là phương tiện của lòng thương yêu vô bờ bến của Phật đối với mỗi chúng sanh; Những phương tiện đó là những xe dê, xe hươu, xe trâu, cứu đàn con ra khỏi nhà lửa. Thương yêu tất cả để thấy mình là một với Nhất chân thế giới pháp giới. Thương yêu là một cái Diệu – đừng bao giờ nói tôi thương yêu như vậy là đủ – để thấy mình là muôn ngàn vô số cái Diệu khác hợp thành thế giới Pháp Hoa, thế giới của Phật. Khi nào nơi lòng ta có thương yêu, khi đó ta đang ở trong thế giới Pháp Hoa, và khi nào thương yêu càng “tùng địa dũng xuất”, thế giới đó càng đậm chất và đậm nét, hiển lộ rực rỡ vinh quang.
……
Tới một lúc nào thành một Phật tử thật sự, thành một người con Phật thật sự, chúng ta thấy rằng không thể nào giải quyết được những vấn nạn của thế gian này bằng cái gì khác ngoài trí tuệ và từ bi. Ví dụ chúng ta không thể thanh toán được nghiệp quả cho một người khác – đừng nói gì chúng ta, ngày cả các bậc giác ngộ cũng không thể tự nhiên và “vô tư” xoá sạch nghiệp quả của một chúng sanh. Nhưng chúng ta có thể có lòng thương yêu bi mẫn thấu đến những chiều sâu của sanh tử, và thương yêu thì vượt lên nghiệp quả và do đó sẽ biến đổi “bản chất” của nghiệp quả. Cũng như chúng ta đang sống trong cỏi Ta-bà – cỏi Kham Nhẫn, đó vừa là một cay đắng – kham nhẫn – vừa là một vinh quang vì kham nhẫn là một mặt của thương yêu. Phải chăng chính trong cỏi Kham Nhẫn mà thương yêu biểu lộ rõ hơn hết, và phải chăng vì cái vinh quang đó của cõi Kham Nhẫn mà đức Phật Thích ca Mâu ni đã từ chối sự hộ trì kinh Pháp Hoa của các Bồ tát ở các cỏi khác?
Thương yêu là một cái “diệu” của Diệu Pháp Liên Hoa, mà chúng ta phải khai mở cho được ở tận đáy lòng mình và mở rộng, tràn lan cho đến khắp cỏi Kham Nhẫn này. Thương yêu là đời sống của người tin hiểu Pháp Hoa, đó là động lực để tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh.
Đương Đạo