Xin hỏi thientrithuc trong Phật giáo Tây Tạng thường nói đến thực hành sơ bộ để tịnh hóa tâm thức, như vậy, thực hành sơ bộ có tầm quan trọng như thế nào đối với người tu? Có cần thiết phải thực hành sơ bộ hay không?

SHARE:

Xin hỏi thientrithuc trong Phật giáo Tây Tạng thường nói đến thực hành sơ bộ để tịnh hóa tâm thức, như vậy, thực hành sơ bộ có tầm quan trọng như thế nào đối với người tu? Có cần thiết phải thực hành sơ bộ hay không?

Trả lời:
Bạn thân mến, thông thường chúng ta tìm hiểu Phật giáo chúng ta không biết một nguyên tắc căn bản, là thâm nhập đạo Phật phải đi bằng hai chân một là hiểu chân lý hai là thực hành để thể nghiệm chân lý. Đa số người học Phật chúng ta không thực hành vế thứ hai, mà chỉ muốn dùng tâm hiểu biết để hiểu đạo Phật chính vì không chịu thực hành cho nên người tu thì nhiều còn người chứng ngộ được, thâm nhập được Phật đạo thì rất ít.
Một trong những yếu tố vượt trội của Phật giáo Tây Tạng, ngoài cách dạy thẳng tắt không khác gì Thiền tông (đốn giáo), Tây Tạng có một chương trình đào tạo thứ lớp từ thấp đến cao rất chặt chẽ và phù hợp với sự thay đổi tâm thức của người tu. Cách thức đó là thực hành sơ bộ, thực hành sơ bộ được áp dụng cho tất cả những Phật tử ở Tây Tạng, ngay cả những bậc tái sanh cũng phải thực hành sơ bộ dù không cần thiết lắm cho cá nhân người này nhưng họ phải thực hành để làm gương cho đời sau, để duy trì truyền thống tu tập, chứng tỏ thực hành sơ bộ là một bước tu tập không thể thiếu được.
Trong Ngữ lục của Thiền tông thường hay diễn tả lại sự đối đáp khi thầy khai thị cho học trò, ít có chỗ nói về việc tu tập trước đó, tuy nhiên trong thực tế không có ai không qua thực hành ngồi thiền, niệm Phật, hay trì chú, hoặc thực hành các pháp tu khác trong một thời gian cho đến chín mùi tâm thức mà có thể cảm nhận được lời khai thị của một vị thầy.
Như vậy thực hành sơ bộ rất quan trọng và cần thiết đối với một người tu. Tại sao chúng ta phải qua thực hành sơ bộ? Một người khi mới bắt đầu tu, tâm thức người này có rất nhiều mê lầm hay họ sống bằng sự mê lầm. Muốn cho sự mê lầm không làm chủ tâm thức của người đó cách tốt nhất là thực hành sơ bộ, cụ thể là lễ lạy 100.000 lạy, cúng dường mạn đà la 100.000 lần, trì chú 100.000 biến …với tâm thành hướng tới giải thoát người tu hoàn tất chương trình thực hành sơ bộ sẽ đưa đến kết quả là tâm thức của người này được tịnh hóa. Khi tâm đã thanh tịnh là lúc mà tâm đã tương đối tương thông với tâm  giải thoát, lúc đó vị thầy sẽ khai thị, hay đưa học trò nhận diện ra cái thấy giải thoát nơi chính tâm đã chín muồi của người học, và từ đây tiếp tục một chương trình tu tiếp theo thật hơn và hiệu quả hơn.
Điểm quan trọng ở đây, chúng ta phải để ý là sự tương thông của tâm thức hành giả, khi tâm đã tương thông thì lúc đó mọi hoàn cảnh, mọi lời dạy, đều là cơ hội để cho hành giả nhận ra tâm giải thoát, thậm chí mọi cảnh vật xung quanh cũng có thể thay lời dạy của một vị thầy, tất cả đều là Phật pháp cho nên tất cả đều có thể cho người tu lúc này kinh nghiệm về tâm giải thoát. Muốn có tâm tương thông phải qua thực hành sơ bộ. Chúng ta phải thật sự tịnh hóa được tâm thức của mình, khi đó thì cơ hội thay đổi cục diện tu hành sẽ diễn ra. Vì vậy, với người tu muốn thật sự đi trên con đường thì chúng ta phải ráo riết thực hành một phương pháp nào đó mà chúng ta có thiện căn, cộng với lòng tha thiết, với ý chí thực hành không lay chuyển theo thời gian. Chúng ta phải tự mình tịnh hóa tâm thức mình trong thực hành, có như vậy mới thay đổi được tâm thức mê lầm che chướng chúng ta trong nhiều đời.
Nếu chúng ta hiểu tầm quan trọng của thực hành sơ bộ như vậy, chúng ta phải dựa vào hoàn cảnh tu hành thực tế của chúng ta và cụ thể là thiện căn của chính mình. Phải xem xét khả năng thực hành của mình như: trì chú, niệm Phật, ngồi thiền, tụng kinh, lễ lạy, sám hối, cúng dường,… chúng ta phải thực hành một pháp nào đó mà mình thấy hợp với mình, các pháp kia là pháp hỗ trợ, lâu ngày tâm thức mình sẽ được tịnh hóa. Thời gian lâu hay mau là tùy theo nghiệp lực của mỗi người. Khi tâm chúng ta được tịnh hóa, tâm đã tương thông với tâm giải thoát chúng ta sẽ có cơ hội để chứng nghiệm giải thoát. Đây giai đoạn thực hành rất khó khăn đối với người tu, bởi vì có nhiều người khi đến với đạo Phật thì phát tâm rất lớn nhưng không đủ nghị lực để thực hành bước sơ bộ này, cho nên họ thường bỏ dở nữa chừng. Như vậy, thực hành sơ bộ là giai đoạn tu tập rất quan trọng không thể thiếu đối với người tu, cho nên chúng ta ai cũng phải trải qua, thậm chí trong đời này chúng ta không thực hiện được hoàn tất thì đời sau trên con đường Phật đạo chúng ta cũng phải thực hành tiếp tục giai đoạn này, không qua thực hành sơ bộ thì không tịnh hóa được tâm thức, không tịnh hóa được tâm thức thì tâm thức không tương thông với tâm giải thoát, tâm không tương thông với tâm giải thoát thì việc tu tập chỉ là tợ tu chứ không phải chánh tu. Mong bạn có cảm hứng và nỗ lực thực hành. Chào bạn.

SHARE:

Trả lời