Xin hỏi Thientrithuc nguyên nhân nào mà xưa nay người tu thì nhiều mà chứng ngộ lại rất ít?

SHARE:

Tu hành ai cũng mong muốn mình được giải thoát hay chứng ngộ. Nhưng thực tế người tu thì nhiều mà người thật sự chứng ngộ lại rất ít. Xin thientrithuc giải thích nguyên nhân tại sao?

Trả lời:
 
Bạn thân mến đây là một thắc mắc rất hay và rất thiết thực cho những người thật sự muốn tu hành thấu đáo Phật đạo.
Theo Thientrithuc nguyên nhân kể ra thì nhiều nhưng có thể nêu lên bốn nguyên nhân chính như sau:
Thứ nhất, người tu không có phát nguyện lớn.
Thứ hai không được một người thầy có kinh nghiệm dẫn dắt, chỉ dạy.
Thứ ba không có duyên sinh hoạt trong một chúng thật sự có chánh kiến, có nhiệt tình tu hành.
Thứ tư không đủ sức phá tan những chấp trước của mình, hay chưa đủ nhiệt huyết thực hành để vượt qua phiền não chướng và sở tri chướng.

Thứ nhất, Phát nguyện lớn là một thái độ sống tích cực với mình và thế giới xung quanh. Người có tâm niệm muốn giải thoát cho mình và cho cả mọi người là một người đã tích lũy nhiều đời hoài bảo này rồi, hay họ là người đã nhiều đời thực hành Bồ tát hạnh. Cho nên, phát nguyện lớn có nguyên nhân và động lực rất sâu xa. Nó nói lên chủng tánh như trong Duy Thức học chia làm năm loại:
Đại thừa chủng tánh là sự tu hành của các vị theo Bồ tát hạnh.
Nhị thừa quyết định chủng tánh, các bậc Duyên Giác và Thanh Văn.
Bất định chủng tánh, đi theo hai đường: một là từ Thanh Văn Duyên Giác vào Bồ tát thừa hoặc từ Độc Giác vào Bồ tát thừa.
Ngoại đạo chủng tánh, ưa thích các pháp ngoài Phật giáo.
Thế gian chủng tánh, chỉ quan tâm đến cuộc sống thế gian. Nhưng loại này dễ vào Phật đạo hơn là ngoại đạo chủng tánh. (trích trong tự điển Phật học Hoa Linh Thoại)
Chủng tánh là sự huân tập nhiều đời thói quen sống đưa vào trong Tàng thức, nó ẩn chứa trong đó nhiều chủng tử và hiện hành ra tạo thành thái độ sống. Thái độ sống này có nhiều khác biệt nên Duy Thức Học đã chia ra năm loại đại diện tất cả con người có mặt trên thế gian này.
Vì vậy, phát nguyện lớn là yếu tố quan trọng nhất. Nó bao trùm tất cả các yếu tố kia, có thể nhờ phát nguyện lớn chúng ta mới gặp được một vị thầy giỏi, nhờ phát nguyện lớn chúng ta mới gặp được một chúng tu tập nỗ lực có chánh kiến, nhờ phát nguyện lớn chúng ta mới có nhiệt huyết bức phá vượt qua những che chướng phủ lên nhận thức của mình để thấy được Phật đạo.
Hơn nữa tâm chư Phật và các vị Bồ tát thì rộng lớn tương ưng với Pháp giới. Chúng ta đem tâm nhỏ hẹp để vào đạo, mong được giải thoát, nếu mình không vượt qua tâm nhỏ hẹp này, chúng ta sẽ khó có thể có tâm tương ưng như các ngài được; như vậy, chúng ta rất khó chứng ngộ như các vị Bồ tát, các vị Phật. Hãy so sánh mình với năm loại chủng tánh, biết mình nằm trong chủng tánh nào; thì sẽ hiểu tại sao mình không thể chứng ngộ.

Thứ hai, được một vị thầy có thẩm quyền hay nhiều vị thầy có kinh nghiệm mà mình được may mắn tiếp cận, mình có phước được gần gũi học hỏi, và nhất là được sống nhiều năm bên thầy; đây là phước báu to lớn của người tu. Nhờ sự dạy bảo của thầy, chúng ta có thể thay đổi phát nguyện của mình nếu cái thấy của chúng ta quá hạn hẹp; có như vậy, tâm mình sẽ cởi mở hơn, và mình định hướng đúng con đường tu tập hơn. Thầy là người hiểu rõ học trò nhất trên bước đường tu hành; cho nên, thầy chỉ bảo mình tận tình trong tu hành và cũng là người tạo nhiều cảm hứng cho mình trong cái thấy, trong thực hành, và trong sự bao dung tỏa ra từ tâm giải thoát nơi thầy.

Thứ ba, được sinh hoạt trong một chúng có cái nhìn đúng đắn, có chánh kiến về việc tu hành cũng là một cơ hội. Trong một chúng có những quan hệ tương tác nâng đỡ nhau về mọi mặt khi sinh hoạt chung. Tương tác bởi những bất đồng tập cho chúng ta hòa giải những bất đồng này, tương tác những thuận duyên làm cho chúng ta nâng cao tinh thần sống vì người khi chia sẽ kinh nghiệm của mình và học hỏi ở bạn mình những cái mình còn thiếu xót. Và nhiều va chạm khác khi sinh hoạt trong một chúng, môi trường tu hành trở nên sống động và nhiều màu sắc để chúng ta tập sống cởi mở, hòa vào mọi người, quên cái ta nhỏ bé của mình để thay đổi mình và nó cũng làm cho chúng ta dễ dàng thông cảm và tiếp cận với xã hội muôn hình muôn vẻ hơn.
Cùng nỗ lực dưới sự dẫn dắt của một vị thầy, trong chúng sẽ dìu nhau trên các chặn đường tu tập. Đặc biệt trong hoàn cảnh xã hội nhiều mối bận tâm và nhiều cám dỗ như hiện nay, sinh hoạt trong một chúng tu hành mạnh mẽ là rất cần thiết. Chúng ta được đứng trong một chúng có một tiến độ tu tập tốt; sinh hoạt với chúng sẽ khích lệ chính bản thân mình nếu chúng ta lười biếng, bê trễ, thoái bồ đề tâm.
Tập sống trong một chúng để tiến tu cũng là cách chúng ta nâng nhân cách của mình để tiếp cận với đời sống mà chúng ta đang sinh hoạt sống hằng ngày. Chúng ta đem cuộc sống đạo trong chúng biến thành cuộc sống đạo ngoài đời. Đây là hạnh phúc rất lớn lao; nếu ai có thể vừa sống vừa làm việc, lại vừa thấy cuộc sống này cũng là thể hiện cuộc sống đạo. Cho nên, tu trong một chúng có lợi ích rất lớn đối với chúng ta, trước tiên nó tạo môi trường cho chúng ta thực tập, sau đó khi đã đủ lực, đủ sức; chúng ta hòa lối sống này vào môi trường khắc nghiệt hơn; và chúng ta biết: “Đem khó khăn vào con đường”, như Phật giáo Tây Tạng đã dạy.

Thứ tư, nhiệt quyết hay lửa tu hành trong tâm mình nung nấu như thế nào để có thể đốt cháy mọi phiền não chướng và sở tri chướng? Thật sự chúng ta có thói quen sống chỉ quan tâm tới giải thoát; hay ngược lại, chúng ta còn bận rộn dính mắc quá nhiều theo lối sống mà chúng ta đắm mình trong đó từ đời này sang đời khác; để chúng ta không chịu, và không thể thức tỉnh nổi mình thoát khỏi nó? Đây là một vấn nạn lớn và cũng là một nguyên nhân chủ quan khá trầm trọng (nó ảnh hưởng bởi chủng tử mà chúng ta đã huân tập). Chúng ta có thói quen khi gặp thầy, gặp bạn tốt, hay đến chùa, sinh hoạt tu hành thì chúng ta gần như trọn vẹn với đạo; nhưng vừa rời khỏi không gian sống này là chúng ta buông trôi tâm mình trả về với cuộc sống hoang dã trong sanh tử như chúng ta đã từng sống bao đời nay.
Thật rất khó cho một người tu hành chuyển đổi thái độ sống: chỉ biết trầm luân trong đó; chuyển sang thái độ sống: cũng sống nhưng luôn luôn thức tỉnh mình khi sống.
Khi đã có mức thức tỉnh mình khi sống, cộng với được thầy dạy bảo, được sinh hoạt trong chúng; chúng ta sẽ thấy chân trời mới và chúng ta sẽ có những phát nguyện lớn hơn mà mình chưa biết.
Con đường tu hành bắt đầu thênh thang và vững vàng trong: lợi mình, và lợi người. Chúng ta thật sự thành công như Phật giáo Tây Tạng dạy: “Giác ngộ chỉ trong một đời”. Có thể mức độ thành công của mình không lớn như lời dạy trên, nhưng chúng ta thấy việc tu hành của mình làm thay đổi mình và làm lợi ích cho mọi người cho xã hội; khi biết chắc điều này là chúng ta đã thật sự có một cuộc sống đạo.

Tóm lại, qua các yếu tố vừa trình bày trên, nếu chúng ta có đủ cả bốn yếu tố thì chắc chắn thành công sẽ đến với bạn, còn nếu thiếu bạn phải cố gắng nhiều hơn để bù đắp những thiếu sót mà không có nó bạn bị thiệt thòi.
Trong bốn yếu tố trên yếu tố phát nguyện là quan trọng nhất, nhưng thật ra bốn yếu tố này nó tương tác và hình thành như một ê kíp trong phát nguỵện của bạn, hay nói khác đi, nó đã có trong nhiều đời bởi bạn thực hành tu hạnh Bồ tát. Bốn yếu tố này không thể thiếu bởi vì nó là nguyên nhân chính kiến tạo sự thành công của bạn trên con đường Phật đạo.
Còn như bạn chưa thật sự sống trong môi trường có đầy đủ các yếu tố này, bạn hãy nguyện cho mình sớm gặp một môi trường tu tập như vậy để việc tu hành của bạn tốt hơn. Chào bạn.

SHARE:

Trả lời