Xin hỏi thientrithuc, người mới học Phật nên đọc sách Phật giáo như thế nào để có lợi ích. Có thể chỉ đọc sách nhằm thỏa mãn tính hiếu kỳ của mình hay không?

SHARE:

Xin hỏi thientrithuc, người mới học Phật nên đọc sách Phật giáo như thế nào để có lợi ích. Có thể chỉ đọc sách nhằm thỏa mãn tính hiếu kỳ của mình hay không?

Trả lời
Bạn thân mến, có rất nhiều lý do mà một người học Phật không thấu đáo. Chính vì không thấu đáo cho nên việc ứng dụng hiểu biết của mình trong thực hành sẽ không có kết quả, do không biết rõ con đường và tổng quan của con đường tu tập cho nên người tu không tránh khỏi những sai sót có khi trầm trọng làm cho lợi ích của việc tu hành không mấy khả quan.
Có thể tóm gọn việc tu tập của một Phật tử từ khi bắt đầu đến với đạo Phật cho đến cuối con đường giác ngộ là thực hành hai sự tích tập, tích tập phước đức và tích tập trí tuệ, việc thực hành này phải qua các giai đoạn như sau:
Đầu tiên, là tịnh hóa tâm thức, Phật giáo Tây Tạng ví tâm ta (những người mới tu hành) như cái bình dơ, tịnh hóa là làm cho dơ nhiễm bám dính trong bình được tẩy sạch.
Nghĩa của tịnh hóa là làm cho lắng dịu những che chướng, cho nên chúng ta phải thực hành giữ giới, duy trì thời khóa tu hành như: ngồi thiền, niệm Phật, trì chú, lễ lạy, sám hối, tụng kinh…
Nghĩa của tịnh hóa cũng là xả bỏ. Mê lầm lớn nhất là thấy có thân và tâm là thật. Tịnh hóa là xả bỏ ảo tưởng về sự không thật này.
Tánh giác là nền tảng, chỉ vì mê lầm nên nhận thức phân biệt làm che chướng tánh giác, cho nên tịnh hóa cũng có nghĩa là tùy thuận vào tánh giác. Tin và thực hành theo lời dạy của kinh điển, các vị thầy có kinh nghiệm, thiện tri thức; cũng là tịnh hóa theo nghĩa tùy thuận vào tánh giác.
Mục đích của tịnh hóa là làm cho tâm người tu tương thông với tâm của bậc giải thoát, tương thông với tâm Phật.
Làm cho sự che chướng vơi bớt phần nào là tích tập trí huệ được phần đó, và tích tập phước đức chính là cuộc sống biểu hiện bằng hành động không còn bị che chướng này.
Kế đến, Khi tâm đã tương thông thì kinh nghiệm về tâm giải thoát sẽ xảy ra, người thực hành sẽ có những kinh nghiệm ngộ; lúc này người tu chỉ tham thiền về cái thấy đã kinh nghiệm này, sống với nó, phát hiện nó sâu rộng cho đến cuối con đường.
Câu nói của thiền sư Đạo Nguyên, tổ của tông Tào Động Nhật Bản thể hiện tiến trình này như sau:“Học đạo là học chính mình học chính mình là quên chính mình, quên chính mình là thể nhập vạn pháp”

Qua cái nhìn tổng quan của con đường tu hành, chúng ta nhận thấy nếu là một người mới học Phật chúng ta cần học và đọc sách nào cần thiết? Trong giai đoạn mới thực hành này chúng ta chỉ để ý đến chữ xả, sách và lời dạy nào dạy quên chính mình thì chúng ta đọc, chúng ta học. Đọc sách, và học là học cách thực hành để xả đi những dính mắc, che chướng, để làm cho những thói quen sống bằng nhận thức phân biệt tiêu mòn.
Đọc sách phân tích những dính mắc của tâm thức mà chúng ta đang mắc phải để chúng ta không còn xem sự dính mắc của chúng ta là thật. Chúng ta phải có nhận thức khác đi. Có cái thấy về tâm thức phân biệt là không thật, chúng ta sẽ dễ dàng tu hành để tịnh hóa những dính mắc này hơn.
Tự mình tìm ra một cách thực hành buông xả trong nhiều cách tu hành từ nơi một vị thầy, từ trong sách vở và tiến hành thực hành nó hằng ngày.
Tuy nhiên theo truyền thống Tây Tạng có chia ra hai cách, một là phá thấu hai là nhảy qua. Phá thấu là từng bước thực hành như trình tự nêu trên, còn nhảy qua là đi tắt. Hay nhất và an toàn nhất là chúng ta có được một vị thầy hướng dẫn, thầy sẽ là người nhận biết mức độ che chướng và khả năng của mình mà chỉ định mình đọc những quyển sách nào hợp với khả năng của mình hiện có, chúng ta sẽ đỡ tốn thời gian thông qua thứ lớp, đỡ tốn thời gian học những điều mà mình chưa có thể tiếp nhận được. Nghe có vẻ cách này ưu việt hơn và đi tắt hơn; thật ra, hành giả có khả năng đi tắt được là người này đã nhiều đời thực hành pháp cho nên những bước mà họ nhảy qua được là họ đã thực hành rồi.
Cách thực hành nhảy qua này thể hiện như người tu thích một bộ kinh nào đó hay chỉ một câu kinh, câu nói của các bậc giác ngộ. Người này suy nghĩ đeo mang nó trong khi vẫn thực hành những công việc tu học như bình thường; nhưng câu kinh, lời nói mà người này thắc mắc vẫn ám ảnh mình suốt trong nhiều thời gian. Đến khi tâm thức tương thông, bỗng nhiên họ nhận ra thực sự ý nghĩa của câu kinh đó nơi chính tâm mình như thế nào. Khi đã nhận ra, họ cũng tu hành nhưng bắt đầu từ cái mà tâm họ đã kinh nghiệm vừa phát hiện, tức là đã nhảy qua một bước khá dài trong tu hành.
Cho nên khi tâm bạn chưa tương thông với tâm giải thoát bạn chỉ nên học cách xả tâm dính mắc của mình, và thắc mắc một câu nào đó mà mình cảm thấy gần gũi, yêu thích mặc dù mình chưa hiểu nổi thực nghĩa của nó. Làm như vậy là bạn vừa thực hành theo thứ lớp nhưng cũng chuẩn bị để nhảy qua.

Trong hoàn cảnh chúng ta sống hiện nay, rất nhiều sách vở kinh điển, nếu muốn, chúng ta có thể tiếp cận tất cả những kinh điển. Cho nên việc này có lợi mà cũng có hại. Lợi vì sách vở, nguồn tư liệu rất dồi dào, hại vì nếu không có người hướng dẫn có kinh nghiệm chúng ta không thể thẩm định đúng sai của sách, không có người hướng dẫn chúng ta sẽ đọc những sách nội dung không xứng với khả năng tiếp nhận của mình.
Không nên đọc sách chỉ để thỏa mãn sự hiếu kỳ của bạn. Chúng ta khi phát tâm tu hành theo Phật giáo, chúng ta phải thực hành để xóa bỏ hai thứ: phiền não chướng và sở tri chướng. Hai thứ này che chướng không cho chúng ta thấy biết tâm thật, mặc dù tâm nền tảng vẫn chưa bao giờ thôi hiện hữu. Khi tiếp cận đạo Phật, chưa tháo gỡ được hết che chướng hiện có chúng ta dùng tâm hiếu kỳ của mình để nắm bắt kinh điển sách vở mà chúng ta không có khả năng để thông hiểu, vô tình chúng ta tạo thêm che chướng mới trong tu hành. Chúng ta vì không biết cách học, chúng ta lại hại mình thêm; thay vì học cách để buông gánh nặng đang mang trên người xuống, chúng ta không biết lại mang vác thêm một gánh nặng khác.

Tốt nhất, đọc sách nhưng phải ứng dụng những điều trong sách dạy vào tu tập phải biến hiểu biết sách vở thành sự thật theo nguyên tắc văn, tư, tu. Văn là nghe, đọc. Tư là tư duy suy nghĩ điều đã nghe đọc. Tu là thực hành tu để kinh nghiệm được những điều đã học ở nơi chính công phu tu hành của mình. Một vài chia sẽ cùng bạn, mong bạn hài lòng. Chào bạn.

SHARE:

Để lại một bình luận