Tôi thường bị ngủ sau mười lăm phút ngồi thiền, xin hỏi thientrithuc tôi ngồi thiền bị mắc lỗi gì?

SHARE:

Xin hỏi thientrithuc, tôi đang ngồi thiền bằng cách theo dõi hơi thở, tôi theo dõi hơi thở rất chặt chẽ, lúc nào tôi cũng nhận biết hơi thở vào và ra, nhưng gần đây tôi thường bị chứng hôn trầm, cụ thể khi bắt đầu ngồi thiền tôi theo dõi hơi thở rất dễ dàng nhưng khoảng mười lăm phút sau thì tôi lại không còn tỉnh để tiếp tục theo dõi hơi thở nữa. Đang mở mắt để tham thiền tôi buộc phải nhắm lại và tôi không thể nào cưỡng nổi cơn buồn ngủ, xin thientrithuc chỉ ra tôi mắc lỗi như thế nào về cách công phu của mình mà lại bị như vậy, trong khi trước đó thì tôi không có bị như thế này. Xin cảm ơn.

Trả lời:

Bạn thân mến, bạn phải xem mình dụng tâm ra sao khi tham thiền. Như bạn cho biết bạn theo dõi hơi thở nhưng điều quan trọng trong theo dõi hơi thở là cách dụng tâm như thế nào trong phương pháp này.
Khi theo dõi hơi thở với mục đích đối trị, tức là hướng sự chú tâm vào hơi thở mà không để tâm lan man. Cách thức này có tác dụng làm cho sự chú ý của tâm vào một phạm vi cần phải an trú trong tham thiền nhằm đối trị lại với việc không kiểm soát nổi tâm khi tâm khởi tưởng liên tục. Nhưng cách thức này chỉ có tác dụng ban đầu khi bạn chưa làm chủ tâm mình.
Thí dụ, lúc bạn chú tâm vào hơi thở vào và ra, bạn chỉ để tâm vào tướng trạng của hơi thở đang diễn ra thô hay tế động hay yên, ban đầu hơi thở còn thô bạn được kích động bởi hơi thở cho nên bạn có tỉnh; nhưng theo thời gian hơi thở sẽ nhẹ, êm, hơi thở lắng dịu thì tâm bạn cũng lắng dịu; bạn rơi vào vô ký hay ngủ theo sự lắng dịu của hơi thở là phải.
Khi đã tương đối thuần thục làm chủ được tâm chúng ta không còn dùng phương pháp đối trị này nữa mà dụng tâm khác hơn. Để cho yên tâm thực hành, tập trung hết tinh lực của mình vào việc tham thiền chúng ta theo phương cách loại suy để tìm chánh nhân dụng tâm. Loại suy bằng cách nào? Chúng ta tự quán chiếu xem trong tâm chúng ta cái gì có sinh là có diệt; cái gì có tướng như giận, vui, buồn, lo, yêu, ghét… những thứ tâm đó có tướng và có sinh có diệt. Chúng ta loại dần để rồi tìm ra cái gì luôn luôn hiện hữu mà không có tướng, chưa từng sanh chưa từng diệt. Thử lấy cái tâm biết tham thiền của mình, có phải nó lúc nào cũng hiện hữu hay không? Nếu chúng ta chọn đúng chánh nhân để tham thiền thì loạn tưởng hay vô ký sẽ không thể xảy ra được.
Khi buồn vui giận ghét là tâm có tướng, rồi các thứ tâm đó qua đi, các tâm này không hiện hữu, cái gì luôn luôn hiện hữu cùng với các tâm đó? Hẳn nhiên có cái hiện hữu chưa từng mất. Ngay khi các thứ tâm đó khởi, lúc nó diệt cái gì vẫn thường hằng, không có tướng, không thể nắm bắt không thể chỉ ra, nhưng luôn luôn hiện hữu?
Người xưa nói: kiến sắc minh tâm. Minh tâm nào? Chúng ta tham thiền theo dõi hơi thở, đếm hơi thở, hay nhận biết tư tưởng (biết vọng); hoặc tham thiền về: thân, thọ, tâm, pháp trong thiền Tứ Niệm Xứ; những phương tiện tu hành trên là sắc và sắc được nhận biết cốt là để sáng được tâm. Thử tìm xem tâm nhờ tu mới sáng hay xưa nay nó đã sáng rồi? Có phải tâm lúc nào cũng minh (sáng) khi giận cũng biết giận khi buồn cũng biết buồn khi không giận cũng biết không giận khi không buồn cũng biết không buồn, các loại tâm khác cũng vậy. Cái biết luôn luôn hiện hữu còn các trạng thái, các tướng hiện hữu có sinh diệt cái biết mọi thứ đó có sinh diệt hay không?
Khi đã xác định điểm cốt lõi để thực hành rồi chúng ta sẽ luôn luôn tin chắc và an trú trong đó mà thực hành. Có thể thấy trên sự nhận biết này xảy ra những cấp độ như sau:
Thứ nhất, nhận biết tương đối. Khi chúng ta xác định chánh nhân cần phải thực hành trong tham thiền, chúng ta có thể tham thiền mọi lúc mọi nơi chứ không nhất thiết trong ngồi thiền; vì nhận biết luôn luôn có mặt bên mình hay nhận biết chính là mình cho nên cứ nhớ mình đang nhận biết là chúng ta đang tham thiền. Nhận biết này với người mới tu tập là nhận biết có chủ ý, cho nên nó có tính cách tương đối, và nhận biết xảy ra trên bình diện có người nhận biết và sự việc nhận biết. Trong giai đoạn nhận biết này, vì chúng ta mới công phu cho nên người tu thấy khả năng nhận biết đối tượng tham thiền của mình còn yếu, so với sự mênh mông của các tướng nhắm tới nhận biết, người tu thấy ánh sáng nhận biết còn rất yếu so với toàn cảnh được nhận biết.
Thứ hai, an nghĩ trong nhận biết. Đây là giai đoạn sự nhận biết đã tương đối thuần thục trong tham thiền, chúng ta dần dần phát hiện ra sự thường hằng của khả năng nhận biết, khi đã thuần trong nhận biết chúng ta tham thiền thay vì có tác ý nhớ nghĩ tới ánh sáng của tâm, tới đây chúng ta an nghĩ trong ánh sáng này. Công phu lúc này chỉ cần nhớ đến tâm và chúng ta sống trong sự sáng suốt của nó. Bản thân của tâm là tự sáng suốt, chúng ta không cần phải tác ý để biết, tâm có khả năng tự biết.
Thứ ba, không thể không biết. Chúng ta thường xuyên an trú trong cái tự biết này. Đến lúc nào đó chúng ta sẽ nhận ra cái tự biết là sự nhận biết toàn khắp, không có sự việc hiện tượng gì xảy ra nằm ngoài khả năng nhận biết này. Từ trong tâm cho đến các hiện tướng bên ngoài và cả chính tâm đang biết: chỉ là một cái biết. Tất cả là biểu hiện của cái biết hay toàn cảnh là ánh sáng của tâm, không gì ngoài ánh sáng này chỉ có một vị là giải thoát, thường trực sống bằng cái thấy này cho đến khi không thể thấy khác đi được.
Từ bước thứ nhất chuyển qua bước thứ hai phải qua sự quán chiếu và tham thiền tương tục. Có khi nhờ duy trì miên mật theo cách thứ nhất mà hành giả có những kinh nghiệm định tâm, và khi có kinh nghiệm này người tu sẽ càng hiểu rõ hơn cái biết mà mình đang dụng công: biết không tác ý, Vô tâm mà biết. Hoặc người tu được một vị thầy giới thiệu vào cái biết này; nói chung đây là bước ngoặc vô cùng quan trọng, vì khi đã nhận ra khả năng đã có sẵn này, chúng ta phát hiện ra nó đã từng hiện hữu thì việc tu hành sẽ thật hơn, nhẹ nhàng hơn. Có khi người tu thư giãn cách thức tu hành mà mình hằng đeo đuổi, bỗng nhiên thể nhập cái biết vô tâm này. Bản thân cái tự biết đã có sẵn cho nên che chướng bằng cách nào đó không còn thì người tu tự thể nhận; mức độ che chướng vơi đi càng lớn thì sự thể nhận càng sâu, càng rõ.
Tóm lại, khi chúng ta xác định đúng chánh nhân trong tham thiền, chúng ta sẽ khám phá chánh nhân này cho đến tận cùng mọi mặt, mọi chiều hướng của nó. Thời gian thực hiện thành công các bước này tùy theo sự tha thiết và cảm hứng tu hành của mình được duy trì mạnh mẽ và tương tục hay không. Đây là một cách trong nhiều cách tham thiền thientrithuc giới thiệu đến bạn, bài viết hạn hẹp chỉ giới thiệu các giai đoạn mà người tu thể nhận còn thực hành nhanh hay chậm, gian nan hay dễ dàng tùy theo căn cơ của mỗi người. Nếu chúng ta có niềm tin có thiện căn với phương pháp này, chúng ta thực hành và phát triển nó, ứng dụng nó thì sẽ có hiệu quả.
Ngoài chánh nhân là đeo đuổi theo cái biết, chúng ta thực hành các trợ nhân có dạy trong 37 phẩm trợ đạo. Trung tâm là cái thấy, còn xung quanh là tất cả những yếu tố tương trợ đắc lực khác, có như vậy chúng ta mới khám phá hết tận chiều sâu của tâm thức. Mong bạn có thay đổi tốt trong tu hành của mình. Chào bạn.

SHARE:

Để lại một bình luận