Tại sao thực hiện câu Pháp môn vô lượng thệ nguyện học quá khó khăn?

SHARE:

Chào ban biên tập Thientrithuc. Tôi có một câu hỏi, theo như chúng ta thường đọc tụng hồi hướng khi kết thúc một buổi lễ hay một buổi học trong sinh hoạt tu học:
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn,
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
Tôi nhận thấy câu Pháp môn vô lượng thệ nguyện học, thật khó thực hành bởi vì kinh điển Đại thừa rất khó thâm nhập. tôi nghĩ mình không thể thực hiện nỗi lời nguyện này. Xin Thientrithuc giải thích rõ vì sao như vậy?

Trả lời: 
Chào bạn, câu hỏi của bạn rất hay, bạn thắc mắc như vậy là rất đúng với thực tế trình độ tu học đa số của chúng ta phổ biến hiện giờ. Nhưng nếu để ý thấy trình tự của bốn câu kệ trên, chúng ta sẽ thấy do sự ứng dụng của chúng ta chưa đúng giai đoạn tu hành của mình cho nên chúng ta không thể thâm nhập được kinh tạng.
Có thể chia bài kệ trên làm hai phần: hai câu đầu và hai câu cuối. Hai câu đầu là phá tướng, và hai câu sau là hiển tánh.
Hai câu đầu có tác dụng tịnh hóa tâm, hay phá sự chấp tướng của người tu. Và khi tướng đã phá được hoặc do tham thiền, hoặc tu các pháp môn khác; một lúc nào đó túc duyên đủ, chúng ta trực nhận được tánh Không.
Khi đó chúng ta mới có một cái thấy chân thật. Chúng ta có kinh nghiệm về giải thoát, từ đây trở đi chúng ta mới vừa tu hành cho cái thấy này được hiển bày trọn vẹn và đồng thời thực hành hai câu sau: “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học, Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.”
Cho nên, với người mới tu học hay người tu học mà không thâm nhập được bản tánh của tâm. Chỉ nên đọc những gì mà có tác dụng tốt xung quanh việc thực hành tu học của mình. Tránh đọc nhiều kinh điển trong khi mình không thấu hiểu nổi, rồi trên đó tâm ý thức của mình chứa chấp ngỗn ngang trong đầu mà không tiêu hóa được là không tốt cho việc tu.
Thứ hai, theo nguyên tắc Văn, Tư, Tu. Chúng ta chỉ thắc mắc một câu nào đó mà mình thấy có duyên với mình và tham thiền về nó đến khi thật nghĩa của nó hiển lộ trong tu hành của mình thì lúc đó là thành công, và chỉ khi thấu rõ phần nào bản tánh của tâm mới có thể thực hiện Pháp môn vô lượng học được.
Cách đọc tụng kinh theo thời khóa cũng có tác dụng Văn Tư Tu như đã nói ở trên. Kinh điểu đọc tụng sẽ gieo và tâm mình một hạt giống lâu ngày đủ duyên sẽ nẫy mầm chúng ta sẽ hiểu được thực nghĩa của nó. Thực hiện đọc tụng cũng có tác dụng tịnh hóa tâm vì chúng ta nhiếp tâm vào việc đọc tụng.

Cũng có thể giải thích rõ sự thắc mắc của bạn dựa trên tinh thần Bát Nhã. Như chúng ta biết, theo tinh thần của Bát Nhã Tâm Kinh là: “Sắc chẳng khác Không, và Không chẳng khác Sắc”, và chặt chẽ hơn nữa, “sắc tức là Không, Không tức là sắc”.
Sắc ở đây là các hiện tướng, nó thể hiện ở các tướng như chúng sanh vô biên, và ngay nơi tâm như là phiền não vô tận. Chúng sanh tướng và phiền não, chúng chưa bao giờ rời tánh Không, “sắc tức thị Không”.
Sắc là biểu hiện của tánh Không. Người mê chỉ thấy sắc tướng mà không nhận biết nó chính là biểu hiện của tánh Không. Người giác thì thấy sự hòa điệu của hiện tướng và bản tánh là không rời.
Cho nên nếu chúng ta chưa thực hành được hai câu đầu của bài kệ: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn” thì chúng ta chưa thể nhận ra tánh Không, mà kinh điển Đại thừa là nói đến tánh Không, cả thiền tông nói kiến tánh cũng là nhận ra tánh không, hay cái thấy thiền định và hạnh của Đại Ấn, cũng là cái thấy từ tánh Không, niệm Phật đến Nhất tâm bất loạn về lý cũng nhận ra tánh Không.
Căn bản là chúng ta có nhận ra tánh Không hay không? Nếu chúng ta nhận ra tánh Không chúng ta dễ dàng thực hiện câu “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học.” Và chúng ta phải hiểu là khi chúng ta tu hành phá được một phần che chướng, thì sẽ hiển hiện một phần tánh Không, trên tinh thần đó chúng ta nỗ lực tu tập để đời tu của mình hiển được tánh và có thể thâm nhập được tất cả các kinh điển Đại thừa.
Mong những giải thích này sẽ làm rõ đường tu của bạn và khích lệ bạn trong tu hành của mình. Chào bạn.

SHARE:

Trả lời