Cái gì tạo nên Bản Ngã? làm sao để nhận diện được Ngã Tánh ấy, để đoạn trừ và đạt tới Vô Ngã. Nhờ các thientrithuc hướng dẫn, cảm ơn nhiều.

SHARE:

Cái gì tạo nên Bản Ngã? làm sao để nhận diện được Ngã Tánh ấy, để đoạn trừ và đạt tới Vô Ngã. Nhờ các thientrithuc hướng dẫn, cảm ơn nhiều.

Trả lời:
Bạn thân mến, để trả lời câu hỏi của bạn chúng ta không theo một trình tự như bạn hỏi, mà chúng ta sẽ theo một trình tự khác, cuối cùng những vấn đề của chúng ta cần tìm hiểu sẽ được giải tỏa.
Trước tiên, chúng ta biết Vô ngã là nền tảng của tất cả các tông phái, các truyền thống Phật giáo, dù tu hành cách nào, phương pháp nào, Vô ngã là cái đích phải đến, cái cửa phải qua. Và Vô ngã cũng là nền tảng cho việc tu tập tiếp theo tùy theo sự nhắm tới giải thoát ở tầm cỡ nào của các truyền thống Phật giáo.

Đầu tiên chúng ta nói đến ngũ uẩn vô ngã. Ở đây, Vô ngã đi đôi với cái chấp ngã, và chấp ngã ở chính là chấp ngũ uẩn làm ngã; tức chúng ta nhận ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức, làm ngã. Từ uẩn dùng ở đây có nghĩa là nhóm họp, tức là những thứ rời rạc nhóm họp thành một cái ngã vì vậy mà nó không có thật tánh. Nó có nhờ nhiều thứ hợp lại phải năm thứ mới hợp thành cái ngã. Vì là năm thứ cho nên nó không có tự ngã như ta lầm chấp. Nó không tự thường còn bởi vì nó rời rạc.

Kế đến ngũ uẩn còn gọi là ngũ ấm, tức là năm sự che đậy, ấm ở đây nghĩa là che đậy không cho chúng ta thấy thực các pháp như chính nó là mà qua ngũ uẩn các pháp được thấy khác như thật. Tùy theo tập nghiệp của chúng ta như thế nào chúng ta sẽ thấy theo cái góc độ của sự che đậy đó.
Thí dụ dễ nhận biết nhất là nếu ai không biết bơi thì khi vừa xuống đò nhỏ qua sông là họ liền sợ còn người biết bơi thì thích thú với quang cảnh sông nước. Bác sĩ đi đâu cũng nhìn thấy bệnh và vi trùng, đại khái là cái nhìn chúng ta tùy theo sự tích tập kiến thức mà ta đã học hỏi chính đó là sự che đậy làm cho cái thấy của ta trở thành chuyên môn mà không thấy như thực.
Sự che đậy lớn nhất là tham ái chấp thủ, chính nó là động lực làm cho sự thực thành méo mó theo tình chấp và tham ái. Nó cũng cố cho cái ta và cái của ta thêm vững chắc và theo chiều hướng đó chấp ngã càng kiên cố và vững chắc hơn theo kiếp sống.

Và cuối cùng ngũ uẩn được xem là gánh nặng trong kinh Tương Ưng tập 3 có ghi:
“Năm uẩn là gánh nặng,
Kẻ gánh nặng là người,
Cầm lấy gánh nặng lên,
Chính là khổ ở đời.
Còn bỏ gánh nặng xuống,
Tức là lạc không khổ,
Gánh nặng bỏ xuống xong,
Không mang theo gánh khác.
Nếu nhổ khác ái lên,
Tận cùng đến gốc rễ,
Không còn đói và khát,
Được giải thoát tịnh lạc”.

Trong giáo lý duyên khởi nói lên các pháp có được là do duyên sinh và các pháp mất đi là do duyên diệt, cái này có mặt nên cái kia có mặt, cái này không có mặt nên cái kia không có mặt, cái này sinh nên cái kia sinh, cái này diệt nên cái kia diệt. Các pháp có liên quan trùng trùng với nhau chi phối nhau nên nó không có ngã tính cố định vì vậy nó là vô ngã. Chỉ có duyên sinh và duyên diệt chứ không có một cái ta nào hứng chịu sự sinh diệt đó cả. giáo lý này giúp chúng ta không dính mắc vào tự ngã mà nhìn nó theo cái nhìn duyên khởi vô ngã.

Qua những nguồn giáo lý nhìn nhận như trên ta rút ra một kết luận cho câu hỏi đầu tiên cái gì tạo nên bản ngã. Đó là lầm chấp hư vọng vì vô ngã là rốt ráo, là nền tảng, chỉ vì lầm chấp của ta mà tạo thành cái ngã nhưng thật ra chưa từng có cái ngã thật nào cả.

Kế đến, làm sao để nhận diện bản ngã, chúng ta dùng từ như vậy là đúng hơn. Chứ không phải nhận ra ngã tính, vì nhận ra ngã tính là đã vô ngã rồi chứ không cần phải loại bỏ chấp ngã nữa.
Với một người chưa tu học hoặc tu học mà chưa được giới thiệu, hay tiếp cận những giáo lý về vô ngã hoặc tu mà chưa nhận ra bản tánh của mình thì tất cả những hành hoạt của người đó là biểu thị của cái ngã, là biểu hiện của ngã chấp. Tất cả những gì của họ là ngã sở hữu (cái tùy thuộc vào bản ngã) cái thấy của họ là ngã kiến cái họ nhận thấy là cái thấy ngã chấp… Không có cái gì mà không là biểu thị của cái ngã cả. Vì vậy nhận ra bản ngã đối với người mê thì dễ dàng, nhưng để đoạn trừ và đạt tới vô ngã thì không phải dễ.

Cái khó nhất là làm thế nào để thể nhận hay đạt tới vô ngã như bạn muốn. Như đã nói vô ngã là nền tảng chung cho tất cả các tông phái, các truyền thống Phật giáo. Cho nên, việc tu như thế nào để đạt được vô Ngã cũng có nhiều cách, nhiều phương pháp vận dụng, có người chỉ nghe Phật thuyết một bài pháp là có thể chứng được vô ngã. Có người phải thực hành tu tập qua thời gian dài để tháo gỡ những dính mắc của mình.
Theo hiểu biết của thientrithuc có ba cách để giải thoát khỏi cái ngã.
Thứ nhất như bạn đề nghị là đoạn trừ bản ngã để đạt được vô ngã.
Cách thứ hai nhận ra bản tánh của ngũ uẩn là Không, là đạt được Vô ngã.
Cách thứ ba Ngũ uẩn được chỉ ra là biểu hiện của Vô ngã. Người tu chỉ nhận ra biểu hiện của nó trong mọi lãnh vực là biểu hiện của Vô ngã. Ngũ uẩn và Vô ngã là không tách lìa.

Trên đây là những giới thiệu sơ lược cho bạn nhận biết, thientrithuc nghĩ mình diễn tả không được đầy đủ một đề tài mà rất nhiều kinh sách nói về nó. hy vọng bạn có một khái niệm chung và dựa vào đó bạn phải tham khảo những quyển sách nói chi tiết hơn trong những phần đã được nêu. Điều cần yếu là bạn, chính bạn phải tha thiết với việc tu học của mình, bạn phải coi nó là vấn đề quan trọng nhất của mình trong hiện tại và cả đời, hay nhiều đời. Thứ hai bạn phải thân cận một vị thầy giác ngộ để dẫn giải, chia sẽ dìu dắt và gợi cảm hứng cho bạn trong việc tu tập; bạn và thầy bạn cùng nhau chọn một phương pháp thích hợp cho mình trong việc giải quyết ngã chấp. Thientrithuc có những đề nghị khái quát chứ qua hỏi đáp mà có cách tu để thoát khỏi bản ngã thì rất khó thành công. Mong bạn hiểu những đề nghị trên mà có một chương trình tu học cho mình. Khi có những vướng mắc cụ thể nào đó trong tu hành của bạn chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết tiếp, chào bạn.

SHARE:

Trả lời