SHARE:
Trích đoạn:
Tinh túy, bản tánh và năng lực được gọi là ba “trí huệ bổn nguyên” bởi vì chúng tượng trưng trạng thái giác ngộ trong toàn bộ. Cá nhân có ba phương diện này từ sơ thủy và tiếp tục có chúng cho đến khi thành tựu giác ngộ viên mãn. Người ta có thể nghĩ: “Bấy giờ cái gì là điểm thực hành, nếu chúng ta đã sẵn có cùng những phẩm tính như một vị Phật? Chúng ta có thể ở yên trong bình an mà khỏi làm gì cả!” Dĩ nhiên chúng ta có thể ở yên trong bình an mà chẳng làm gì cả chừng nào chúng ta không xao lãng, chừng nào chúng ta thực sự thấy mình trong trạng thái này. Nhưng nếu là khác, đó có nghĩa là chúng ta đang nô lệ cho nhị nguyên, bị điều kiện hóa bởi đối tượng. Trong trường hợp này không thể nghĩ rằng chúng ta vốn có tinh túy, bản tánh và năng lực: bị điều kiện hóa bởi cái nhìn thấy nhị nguyên là chướng ngại chúng ta cần vượt qua để mặt trời của trạng thái bổn nguyên chiếu rọi trở lại.
Đây là lý do tại sao con đường là cần thiết, rằng nó bao gồm ba phương diện cái thấy, thiền định và cư xử. Trong Dzogchen “cái thấy”, hay viễn cảnh, không nói đến cái gì ở ngoài, nó đơn giản nghĩa là quan sát chính mình để khám phá thể trạng thật của mình. Căn bản, nó nghĩa là nhìn rõ sự điều kiện hóa nhị nguyên do thân, ngữ, tâm để vượt qua nó nhờ thực hành. Giáo lý Dzogchen không có ý định xây một chuồng củi mới vào chỗ cái mà chúng ta đã tìm thấy mình trong đó; ngược lại, nó được dùng như một chìa khóa để mở cửa chuồng. Thật vậy, khám phá chúng ta đang bị nhốt trong chuồng củi nhị nguyên thì không đủ: chúng ta cần ra khỏi đó, và đây là mục tiêu của “thiền định”.
Về phương diện thứ hai, thiền định, dù lúc bắt đầu cần dùng những phương pháp tập trung, thở…, để làm bình lặng tâm và củng cố một tình trạng vững chắc, mục tiêu thật của thiền định là sự liên tục của tánh giác, hay hiện diện của trạng thái bổn nguyên. Ở đây chúng ta cần nói thêm về tham thiền, điểm thiết yếu của cái là hiện diện thanh tịnh tức thời, hay rigpa. Hành giả Dzogchen tìm cách hiểu trạng thái của hiện diện này qua những kinh nghiệm khác nhau về tánh Không, sáng tỏ, những cảm giác lạc thú và vân vân. Thực ra, mục tiêu của những phương pháp trong những kinh và tantra cũng chỉ để đốt cháy lên những kinh nghiệm. Tuy nhiên, con đường thật sự của hành giả Dzogchen là tham thiền. Thật vậy, chỉ khi chúng ta trong tham thiền mà mọi căng thẳng của thân, ngữ, tâm được cuối cùng giải thoát không cố gắng: trừ phi chúng ta khám phá và an trụ vững chắc trong trạng thái này, kinh nghiệm “thư giãn, buông xả” của chúng ta sẽ không đầy đủ. Tham thiền, như được gợi ý ở trên, có thể kết với một kinh nghiệm về tánh Không, về sáng tỏ, hay về lạc, nhưng trong trạng thái của nó chỉ là một: sự hiện diện tức thời của rigpa. Có nhiều phương pháp để nhận biết, củng cố và hòa nhập trạng thái này vào mọi hoàn cảnh của đời sống hàng ngày gắn với ba bộ nền tảng của Dzogchen: Semde, Longde, và Mennagde.
“Cư xử” hay “hạnh”, cái chót của ba phương diện của con đường, liên hệ đến thái độ mà những hành giả cần có khi họ ra khỏi một thời thiền định và trải qua nhiều hoạt động khác nhau. Mục tiêu của nó là hoàn thành sự hòa nhập trọn vẹn của tham thiền với đời sống hàng ngày, vượt qua bất kỳ phân biệt nào giữa thiền định và hậu thiền định.
Bây giờ chúng ta hãy xoay đến phương diện thứ ba và cuối cùng của giáo lý Dzogchen, quả hay “kết quả” của thực hành: chứng ngộ. Chúng ta đã nói rằng trạng thái bổn nguyên chứa đựng tiềm ẩn sự biểu lộ của giác ngộ. Chẳng hạn, mặt trời có ánh sáng và những tia sáng một cách tự nhiên, nhưng khi trời có mây chúng ta không thấy chúng. Mây là những chướng ngại, kết quả của nhị nguyên và bị điều kiện hóa: khi chúng được vượt qua, trạng thái tự toàn thiện tỏa chiếu với mọi biểu lộ của năng lực, không hề bị biến đổi hay phải cải thiện. Đây là nguyên lý đặc trưng của Dzogchen. Không hiểu điều này có thể đưa người ta đến chỗ nghĩ rằng Dzogchen thì giống như Zen hay Thiền. Về căn bản, không nghi ngờ gì Thiền là một giáo lý Phật giáo cao cấp và trực tiếp, được đặt nền trên nguyên lý tánh Không như được giải thích trong các kinh như Bát nhã ba la mật đa. Cho dù về mặt này, trong bản chất nó không khác với Dzogchen, đặc thù của Dzogchen nằm ở sự giới thiệu trực tiếp vào trạng thái bổn nguyên không phải như là “tánh Không thuần túy” mà hơn nữa có sẵn mọi phương diện của tự toàn thiện của năng lực. Chính qua áp dụng những phương diện ấy mà người ta đạt chứng ngộ.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS