SHARE:
Một khi phải có một nơi chốn để đi cùng nhau, cái ấy là gì? Tôi rất quan tâm theo đuổi điều này, khi nhìn vào nơi chốn nền tảng của hiểu biết và kinh nghiệm này. Mỗi hệ thống dùng những thuật ngữ khác nhau, có tác dụng đặc biệt để giúp cho người ta hiểu những điểm đặc biệt nào đó, nhưng khi chúng ta gặp những thuật ngữ khác biệt, chúng ta phải xem xét ngữ cảnh, nghĩa đặc biệt, và những nguồn quy chiếu trong những hệ thống ấy mà không mất cái nhìn về nguyên lý nền tảng.
Trong những văn bản chúng ta được thừa hưởng từ Ấn Độ, nguyên lý nền tảng đôi khi được gọi là “tâm nền tảng vốn có của tịnh quang” và “trí huệ nền tảng vốn có của tịnh quang” – hai từ này có cùng một nghĩa. Trong những bản văn khác, nó được gọi là “không gian kim cương thấm khắp”, trong khi có những cái khác nó được gọi là “Viên ngọc tâm”. Chẳng hạn, có nói “lìa khỏi viên ngọc tâm thì không có Phật và không có chúng sanh”.
Rồi thì, ở Tây Tạng, trong một số văn bản, nó được gọi là “tâm thức bình thường” và “tỉnh giác sâu thẳm nội tại nhất”. Những từ này được dùng trong ngữ cảnh nói về tự do khỏi tư tưởng, mà về tâm lý và kinh nghiệm được diễn tả là “tự giải thoát”, “giải thoát trần trụi”, và “vô ngại”; chúng ta sẽ bàn luận chi tiết ở sau. Tỉnh giác nội tại sâu thẳm nhất (hay tánh giác) được nói là căn cứ của sự xuất hiện của vòng sanh tử khổ đau và cũng là căn cứ của giải thoát. Mọi sự, không trừ cái gì, đều đầy đủ trong dòng tương tục của tỉnh giác nội tại sâu thẳm nhất. Thậm chí còn được nói là “sanh khởi cách tự nhiên”, bởi vì nó luôn luôn đã hiện hữu và luôn luôn sẽ hiện hữu.
Tất cả mọi hiện tượng của sanh tử và Niết bàn, khi bạn đi đến tận nền tảng của chúng, không phải mới sanh ra từ những nhân và duyên mà vốn hoàn hảo trọn vẹn trong bản tánh của tỉnh giác nội tại nhất vốn tự sanh khởi; mọi sự được chứa đựng trong khối cầu của nó, trong phạm vi của nó. Ở chỗ chấm dứt thấp nhất, nền tảng của sự phát sanh tất cả những hiện tượng của thế giới khổ đau là tâm kim cương của tịnh quang này, và ở chỗ chấm dứt cao nhất, nền tảng của sự phát sanh mọi hiện tượng thanh tịnh của giải thoát cũng chính là tỉnh giác nội tại nhất này, cũng được gọi là “tâm kim cương của tịnh quang”. (diamond mind of clear light)
Đây là chủ đề rất đáng khám phá để đem lại hơn nữa sự bình an bên trong bằng cách mở tâm chúng ta vượt khỏi dòng tư tưởng bình thường; chúng ta cần nhìn vào cái này để có thêm bình an với những người lân cận và khắp thế giới.
Bất kể loại thức nào, tịnh quang của tỉnh giác nội tại đều thấm nhập thẩu suốt tất cả. Băng, dù đặc và rất cứng, cũng không thể vượt khỏi bản tánh của nước. Cũng thế, những khái niệm bất kể thô cứng, nặng nề đến đâu thì chỗ chúng xuất hiện ra và chỗ chúng tan biến vào khi chúng ta không còn nghĩ đến chúng đều không vượt khỏi tỉnh giác nội tại.
Cái biết theo khái niệm xuất hiện từ trong khối cầu của tỉnh giác nội tại và cuối cùng tan vào khối cầu của tỉnh giác nội tại. Chính vì sự việc này mà thiền giả học giả đầu thế kỷ XX của Trường Phái Cựu Dịch (Nyingma) Dodrupchen Jigme Tenpe Nyima nói, cũng như dầu thấm khắp những hạt mè, tịnh quang thấm khắp tất cả thức. Ngài kết luận rằng bởi thế, dù vào lúc những cấp độ thô của tâm biểu lộ – cả khi suy nghĩ và khi các thức giác quan phối hợp với mắt, tai, mũi, lưỡi và thân vận hành – vẫn có thể nhận ra, qua năng lực của sự ban phước và giáo huấn tinh túy một vị thầy, một đặc trưng vi tế của tịnh quang thấm nhuần mỗi loại thức này.
Làm thế nào chúng ta có thể đem tỉnh giác nội tại sâu thẳm nhất vào con đường tâm linh ngay bây giờ? Qua được giới thiệu và nhận ra – bằng kinh nghiệm – tịnh quang thấm khắp mọi loại thức và nhất tâm thiền định về nó, duy trì chú ý vào nó trong trạng thái không tư tưởng, không khái niệm hóa. (vô niệm)
Bấy giờ, khi tịnh quang trở nên càng lúc càng sâu, những loại tư tưởng thô cứng dần dần giảm. Đây là lý do sự thực hành này được gọi là “con đường tinh yếu mà qua sự hiểu biết nó, mọi trạng thái (của thức) được giải thoát”. Đến chỗ biết cái tỉnh giác đơn nhất nội tại sâu thẳm nhất này ( tánh giác), chúng ta thoát khỏi mọi loại hoàn cảnh căng thẳng. Để nhận ra tánh giác, phần khó khăn nhất là phân biệt giữa tâm (TT. sems) và tánh giác (TT. rigpa). Dễ dàng khi nói về sự phân biệt này nơi miệng, “tánh giác không bao giờ bị ô nhiễm bởi lỗi lầm, trong khi tâm thì dưới ảnh hưởng của khái niệm hóa và bị nhiễm ô bởi tư tưởng lỗi lầm”. Điều này dễ nói, nhưng về kinh nghiệm thực trong dòng tâm thức của chính bạn, nó rất khó.
Dodrupchen đã nói rằng dù chúng ta có tưởng tượng rằng chúng ta đang thiền định về tánh giác, có một nguy cơ rằng chúng ta thực ra chỉ duy trì tập trung trên bản chất trong sáng và rõ biết của một tâm bề mặt, thế nên chúng ta cần cẩn thận. Ích lợi khi thiền định như vậy nhưng nó không sâu lắm.
Ở đây trong cuốn sách này chúng ta sẽ khám phá làm sao để đặt mình vào cốt lõi của tỉnh giác nội tại sâu thẳm nhất bằng cách khảo sát một bản văn Phật Giáo Tây Tạng của Trường Phái Cựu Dịch. Có lẽ bạn sẽ thấy nó gây xúc động về mặt tâm lý và tâm linh.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS