SHARE:
Bản chất cốt lõi của cái gì đó là cái mà không thể tách ra khỏi nó. Không có ý nghĩ, hình ảnh, cảm xúc, cảm giác, hoạt động, mối quan hệ nào là cốt lõi với chúng ta, cũng giống như không có bộ phim nào là cốt lõi đối với màn hình mà trên đó nó xuất hiện.
Những kinh nghiệm, giống như phim, đến rồi đi. Nhưng bản thể cốt lõi của chúng ta không bao giờ xuất hiện hay biến mất. Nó luôn luôn có mặt, không thay đổi. Nó là nhân tố bất biến trong tất cả những kinh nghiệm không ngừng biến động đổi thay.
Khi tước bỏ những phẩm chất và giới hạn mà chúng ta đã có được từ kinh nghiệm, thì cái duy nhất còn lại chính là bản thể trần trụi, vô điều kiện – đó là thực tại của mỗi chúng ta. Thực ra thì chúng ta không thể gọi nó là bản thể của chúng ta, vì khi không có những giới hạn, nó không còn bị tô màu bởi những đặc tính của một con người nữa.
Đó là cốt lõi tận cùng, hoàn toàn không thuộc về con người: một bản thể thân thiết, vô ngã, vô hạn.
Bản thể hiện hữu không phải là một phẩm chất hay một thuộc tính thuộc về con người. Con người chỉ là một cái tên và hình tướng tạm thời của bản thể thân thiết, vô ngã, vô hạn đó.
Chính bản thể vô ngã, vô hạn này đã chiếu sáng bên trong mỗi chúng ta như là nhận biết “đang là chính mình” trước khi bị những kinh nghiệm tạo ra những phẩm chất bên trong nó.
Sau khi loại bỏ những phẩm chất mà nó thừa hưởng được từ những kinh nghiệm, bản thể sẽ là vô hạn, viên mãn, tròn đầy và bất phân chia. Tất cả mọi người, muông thú và vạn pháp đều vay mượn sự tồn tại có vẻ như độc lập của mình từ bản thể đó.
Tính “một” của bản thể chiếu sáng trong mỗi chúng ta như sự nhận biết “ đang là chính mình” hay hiểu biết “Tôi là”. Nó chiếu sáng trong thế giới như là “Cái Đang Là” (is-ness) của vạn hữu.
Sự nhận ra bản thể chúng ta cùng có chung là kinh nghiệm của tình thương trong quan hệ với muôn loài, và là vẻ đẹp trong quan hệ với những đối tượng và thế giới bên ngoài.
Mọi suy nghĩ, cảm xúc, dù có nội dung như thế nào, dễ chịu, khó chịu hay trung tính, đều sinh lên và diệt mất. Ngay cả những cảm xúc thân mật nhất, thương quý nhất cũng không có mặt mãi mãi, và nếu cái gì đó không luôn luôn đi cùng với chúng ta thì đó đương nhiên không phải là cốt lõi của chính mình.
Vì lý do này, đừng bao giờ có nhu cầu phải khống chế hay loại bỏ bất kỳ ý nghĩ hay cảm xúc nào, mà chỉ cần thấy rõ rằng bản thể hay hiện hữu cốt lõi của chúng ta đã có trước và độc lập với mọi suy nghĩ, cảm xúc. Chúng ta không cần phải làm gì để Bản thể có được sự độc lập qua nỗ lực hay luyện tập. Nó vốn dĩ luôn luôn đã tự do rồi. Việc cần thiết duy nhất là nhận ra nó vốn đã là như thế.
Bất cứ cảm giác nào thuộc về thân đều không có mặt một cách liên tục; cảm giác cứ xuất hiện, thay đổi, rồi tan biến trong kinh nghiệm của chúng ta. Vì vậy, chúng ta không cần phải khống chế những kinh nghiệm xảy ra trên thân bằng bất cứ cách nào. Điều quan trọng duy nhất là nhận ra rằng bản thể của mình đã có trước và độc lập với mọi trạng thái của thân thể.
Điều này cũng đúng với những tri giác qua các giác quan: cảnh sắc, âm thanh, mùi vị, cấu trúc, và hương vị. Tất cả chúng đều sinh lên, tồn tại, thay đổi và biến mất. Không có một tri giác nào là cốt lõi đối với chúng ta.
Ngoài ra, cũng không có mối quan hệ nào là cốt lõi đối với chúng ta cả. Dù thân mật thế nào, tất cả đều không quan trọng. Thực ra thì, nếu không xét đến suy nghĩ ngay khoảnh khắc này, chúng ta sẽ không có hiểu biết gì về chuyện có những mối quan hệ hay đang trong quan hệ với ai đó. Điều này không hàm ý là các mối quan hệ đều không có giá trị hay đáng trân quý, mà chỉ đơn giản muốn nhấn mạnh đến một điều là bản thể hiện hữu cốt lõi của chúng ta đã có trước và độc lập với chúng.
Cũng vậy, không có bất cứ hoạt động nào là cốt lõi đối với chúng ta. Mọi chuyện chúng ta làm đều được bao trùm bởi nhận biết “đang là chính mình”. Khi tham gia vào một hoạt động nào đó, chúng ta có khả năng bị cuốn hút hay đồng nhất mình với nó, nhưng khi hoạt động kết thúc, bản thể hiện hữu đơn giản vẫn có đó như nó luôn luôn đang là.
Không có gì từng xảy ra cho bản thể thuần khiết cả.
Cái gì sẽ còn lại sau khi chúng ta đã buông xả tất cả suy nghĩ, hình ảnh, ký ức, cảm xúc, cảm giác, tri giác, hoạt động và những mối quan hệ?
Chỉ có một mình bản thể còn lại: đó không phải là một cái ngã giác ngộ, siêu việt, tâm linh, đặc biệt hay một bản thể mà chúng ta được trở thành qua nỗ lực, thực hành hay kỷ luật, mà chỉ là hiện hữu cốt lõi mà chúng ta luôn luôn là nó trước khi bị tô màu bởi những kinh nghiệm.
Chúng ta không khống chế kinh nghiệm, mà chỉ đang trải nghiệm nó. Bản thể không phải đang được phát triển từ từ. Nó đơn giản chỉ được thấy biết rõ ràng khi không còn những giới hạn mà nó có vẻ như đã nhận được từ những kinh nghiệm.
Bản thể luôn luôn trong tình trạng tinh khôi, trong suốt. Nếu bây giờ chúng ta nói đến cảm giác “đang là chính mình” trước khi nó bị tô màu bởi kinh nghiệm, và nếu chúng ta “thăm” lại cùng kinh nghiệm đó lúc năm tuổi, mười tuổi, hai mươi hay ba mươi tuổi, ta sẽ luôn luôn thấy cùng một bản thể như nhau, cùng một hiện hữu không-phẩm-chất như nhau.
Không có gì xảy ra với bản thể giữa những thăng trầm của cuộc sống. Bản chất của nó không bao giờ bị lu mờ hay giảm thiểu bởi những kinh nghiệm, mà chỉ tạm thời bị kinh nghiệm che mờ.
Điều này cũng giống như việc cởi bỏ y phục ban đêm trước khi đi ngủ. Chúng ta cởi bỏ tất cả những gì có thể cởi bỏ được, và thân thể trần trụi vẫn như thế. Tấm thân trần trụi không phải được tạo ra mỗi lần chúng ta cởi quần áo; nó đơn giản lộ ra khi quần áo không còn.
Cũng không phải chúng ta trở thành thân thể trần trụi khi đồ được cởi ra; nó vẫn có mặt suốt ngày, dù có thể chúng ta đã không chú ý đến khi nó bị nhiều lớp y phục phủ lên.
Chúng ta quay về với bản thể trần trụi của mình cũng với cách tương tự như vậy. Thực ra thì không phải là chúng ta quay trở về với bản thể, bởi vì chúng ta chưa bao giờ rời xa nó cả. Bản thể hiện hữu chưa từng rời chính nó. Dù đi đâu, chúng ta cũng đem theo bản thể của chính mình, dù nghĩ gì, cảm gì, làm gì, nó vẫn luôn luôn có mặt với chúng ta.
Chúng ta chỉ đơn giản “ cởi đồ ra”. Nghĩa là, ta thấy rõ ràng rằng bản thể đã nằm sẵn bên dưới những kinh nghiệm, phía sau những kinh nghiệm.
Khi tước bỏ những phẩm chất đã vay mượn từ những kinh nghiệm, bản thể cốt lõi hay hiện hữu của chúng ta sẽ không còn bị cài đặt (vô điều kiện) và không còn bị giới hạn (vô hạn).
Vì không có những phẩm chất thuộc đối tượng, nên bản thể không thể được định nghĩa hay mô tả bằng những từ ngữ quy ước thường dùng để chuyển tải nội dung của những kinh nghiệm khách thể, vì ít hay nhiều thì mọi ngôn ngữ như thế đều bị nhuốm màu bởi những giới hạn vốn là thuộc tính của những đối tượng này.
Cách tốt nhất chúng ta có thể làm để mô tả màn hình, vốn tự nó không có màu sắc gì, là nói về những gì không phải là nó – không phải màu xanh, màu đỏ, màu vàng – thay vì nói nó là gì, và những từ như “trong suốt”, “vô màu” hay “trống rỗng” cũng chỉ là những cố gắng để chuyển tải điều này mà thôi.
Vì vậy, nếu phải nói về bản thể hiện hữu cốt lõi của chính mình, chúng ta không có chọn lựa nào khác ngoài việc phải nhượng bộ và vay mượn những từ ngữ thông thường: “trong suốt”, “rộng mở”, yên lặng”, “tĩnh mặc”, “an lạc”, “viên mãn” v.v…. tất cả chỉ có một mục đích là gợi lên những phẩm chất của bản thể chứ không phải diễn tả nó, mặc dù ngay cả khi nói rằng bản thể cốt lõi của chúng ta có những phẩm chất nào đó thì tự nó cũng là một sự nhân nhượng.
Suy nghĩ có thể xáo động hay không xáo động, nhưng ngay cả khi xáo động có mặt, thì nơi phần nền hậu cảnh, bản thể cốt lõi vẫn không có bất cứ phẩm chất nào. Sự vắng mặt của xáo động được nói đến như là “an lạc”, và như vậy, chúng ta nói rằng an lạc vốn có sẵn nơi bản thể của chính mình.
Có thể chúng ta có cảm giác thiếu thốn, nhưng trước khi có cảm giác đó và trong cái nền hậu cảnh của những cảm giác thiếu thốn đó, bản thể không hề biết thiếu thốn là gì, và chúng ta gọi sự vắng mặt của thiếu thốn là “hạnh phúc”.
Những thuật ngữ như “an lạc” và “hạnh phúc” không diễn tả được những cảm xúc hay tình cảm trong ý nghĩa bình thường của những từ này. Chúng chính là bản chất của bản thể khi không có mặt những giới hạn mà chúng ta có vẻ như đã nhận được từ những kinh nghiệm.
Ngay khi bản thể hiện hữu của chúng ta tự cởi trói để thoát ra khỏi sự phiêu lưu nơi những kinh nghiệm và “quay trở về” với chính nó, nó sẽ nhận ra chính mình và tự nếm lại được hương vị tinh túy của chính nó. Hương vị đó là hạnh phúc vốn đã có sẵn nơi chính nó.
Giống như một nghệ sĩ mặc vào trang phục của một nhân vật trong vở kịch, diễn xuất những suy nghĩ và tình cảm của nhân vật và có vẻ đã trở thành nhân vật đó, nhưng thực sự chưa từng mất đi vai trò nghệ sĩ của mình; cũng vậy, bản thể cốt lõi của chúng ta tự “mặc vào trang phục” phẩm chất của kinh nghiệm và có vẻ trở thành một cái ngã giới hạn, tạm thời, nhưng thực sự chưa bao giờ mất đi cái biết vĩnh hằng, vô hạn của chính nó.
Hãy tưởng tượng một nghệ sĩ tên John Smith đang đóng vai Vua Lear. John Smith có một cuộc sống hạnh phúc, viên mãn. Mỗi đêm, John rời nhà, đi đến nhà hát, mặc vào y phục hoàng đế, bước lên sân khấu, suy nghĩ, nói năng và hành động như một vị vua.
Một đêm nọ, vở kịch mở màn như thường lệ, Vua Lear bắt đầu cãi cọ với mấy cô con gái. Khi vở kịch lên cao trào, nhà vua càng lúc càng bị cuốn vào những tình huống, đến mức có những lúc Ngài quên hẳn mình là John Smith và dường như đã thực sự trở thành Vua Lear. John Smith tin và cảm thấy như “Mình là Vua Lear”. Những lúc bị suy nghĩ và cảm xúc đó khống chế, sự đau khổ lập tức phát sinh.
Rồi vở kịch kết thúc nhưng John đã quên “phản bổn hoàn nguyên” trở về với con người thật của mình là John Smith, và bị lạc mất trong màn kịch của những kinh nghiệm. Khi một người bạn tới phòng thay đồ để chúc mừng John, chỉ thấy một Vua Lear tội nghiệp đang chìm trong thống khổ. “Sao ông đau khổ thể?” – người bạn hỏi – “Vở kịch thật tuyệt vời kia mà!”
Vua Lear đáp, “Ta khổ vì chuyện giữa ta và con gái Cordelia của ta, khổ vì chiến tranh với nước Pháp”.
Hiểu được tâm trạng này nên người bạn nói, “Không phải vậy, ông đau khổ chỉ vì đã quên mất mình là ai. Ông biết ông thực sự là ai không?” Vua Lear trả lời. “Ta là cha của ba đứa con gái và là Hoàng Đế của nước Anh”.
“Không, không. Đó không phải là ông thật!” người bạn la lớn lên. “Ông là ai trước khi là một người cha, một vị vua? Nhớ lại đi, nhìn sâu hơn vào chính mình đi.”
Nghe bạn nói như vậy, Vua Lear bắt đầu nói ra những suy nghĩ và tình cảm của mình, và một lần nữa, người bạn lại nói, “Không phải, những suy nghĩ, tình cảm này không phải là bản chất của ông. Chúng không luôn luôn đi cùng với ông. Ông là ai trước khi có những suy nghĩ cảm xúc đó?”
Vua Lear càng lúc càng đi sâu vào bản thân mình, loại bỏ hết những mối quan hệ, loại bỏ hết những hoạt động, suy tư, tình cảm, những câu chuyện đã xảy ra với mình trong quá khứ và những gì mình đã bị cài đặt, đã bị lập trình, cho tới khi tất cả những gì không phải là cốt lõi đã tan biến, lúc bấy giờ bản chất của Ngài hiển lộ ra, không mang phẩm chất của bất cứ kinh nghiệm nào. Thật yên lặng, Ngài lên tiếng, “Ta là John Smith”. Ngay lúc đó, đau khổ biến mất.
Giống như việc nhận ra “Mình là John Smith” là sự hiển lộ bản thể cốt lõi của Vua Lear, việc thấy rõ bản thể trần trụi là sự nhận ra bản thể của chính mình – đó không phải là cái gì đó chúng ta đã từng biết và đã quên đi, mà là sự nhớ lại cái đang hiện hữu ngay bây giờ và luôn luôn được biết nhưng thường bị phớt lờ hay bị bỏ qua.
Đó là sự hiển lộ bản chất bất giảm, cốt lõi của chúng ta trước khi nó bị che lấp bởi những kinh nghiệm, và với sự hiển lộ này, an lạc và hạnh phúc được phục hồi trở lại.
Thực ra thì mọi người đều biết bản thể của riêng họ, hay kinh nghiệm “đang là chính mình”, ngay nơi mỗi kinh nghiệm. Không có chuyện hiểu biết về bản thể của ai đó có thể bị che lấp hoàn toàn bởi nội dung của những kinh nghiệm. Ngay cả trong những thời điểm đen tối nhất, chúng ta vẫn có sự nhận thức “đang là chính mình”. Cảm nhận “đang là chính mình” chưa bao giờ rời chúng ta cả, bởi vì nó chính là ta. Chúng ta không thể rời bỏ chính bản thể của mình được.
Tất cả mọi thứ trừ bản thể có thể “chia tay” với chúng ta, nhưng bản thể không thể bỏ ta đi được, giống như, nói một cách tương đối, chúng ta không thể bước ra khỏi thân thể của mình. Chúng ta có thể bước ra khỏi y phục nhưng bước ra khỏi thân thể thì không.
Chúng ta mang theo thân thể trần trụi bất cứ nơi nào chúng ta đi, dù nó thường bị quần áo che phủ, cũng giống như vậy, chúng ta mang theo bản thể trần trụi của mình vào trong bất cứ việc gì chúng ta làm, mặc dầu nó thường bị che lấp bởi những kinh nghiệm.
Và cũng giống như chuyện không cần cởi bỏ y phục để có thể cảm nhận được tấm thân trần trụi, chúng ta không cần thiết phải thay đổi nội dung của kinh nghiệm bằng bất cứ cách nào để có thể tiếp xúc với bình an và hạnh phúc vốn đã có sẵn nơi chính chúng ta.
Tác giả: Rupert Spira
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS