TƯƠNG QUAN GIỮA ĐỜI VÀ ĐẠO

SHARE:

MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA ĐỜI VÀ ĐẠO [PHẦN THẦY GIẢNG]

07/12/2021

Thầy: Bây giờ mấy vị ở thành phố này có muốn hỏi gì? Nãy giờ có những vấn đề gì mình chưa giải quyết hay còn thắc mắc thì hỏi Thầy.

H.L: Dạ thưa. Con hay bị dính vào chuyện tách đời với đạo làm đôi. Con xin Thầy chỉ dạy thêm cho con làm sao thấy đời ở trong đạo và đạo ở trong đời ạ.

Thầy: Đơn giản là mình chẳng biết đời là cái gì hết. Cái thực của đời sống là cái gì? Nói theo kinh điển là thực tướng của đời sống là cái gì? Thật tướng của đời sống chính là đạo. Ví dụ, thật tướng của sóng là cái gì? Thật tướng của sóng là nước của đại dương, đơn giản vậy thôi. Thành ra anh phải nhìn cho ra thật tướng đó, còn anh đừng có nhìn theo lối chia tách phân biệt đó. Tất cả đây là những làn sóng phải không? Mỗi người theo duyên nghiệp, người cao người thấp. Nhưng mà thật tướng của những làn sóng này là gì? Là nước của đại dương, vậy thôi. Thành ra tu hành hay thực hành là mình làm sao để mình thâm nhập vô sâu cái thực tướng của đời sống, thâm nhập vô sâu cái thực tướng của làn sóng, thì nó là nước. Khi mình thấy nó là nước đại dương thì mình sẽ yên bình thôi. Còn mình thấy có là những làn sóng khác nhau thì mình khổ.

Thành ra cái quan trọng mình ngồi thiền, mình thiền định để làm gì? Để mình đi sâu vào cái thực tướng của đời sống là gì? Đi sâu vào đó thì mình sẽ thấy nó an bình thôi. Ví dụ đơn giản như bây giờ những ý tưởng người ở đây đều khác nhau phải không? Khác nhau hết, không có ai giống ai hết. Mỗi người sống theo cái duyên của mình, nó khác nhau hết á. Vậy thì nó có cái gì chung? Các ý tướng đều khác nhau hết, cái chung của tất cả các ý tưởng là gì? Thầy ở đây, ý tưởng của thầy khác với một ông bên Tây, bên Pháp nào đó chứ phải không? Hai ý tưởng nó khác nhau, nhưng có cái chung là cái gì? Theo L?

L: Dạ kính thưa Thầy. Theo cái chung là cái hiểu biết mà thường gọi là nền tảng.

Thầy: Cụ thể hơn nữa. Cái chung đó nó cụ thể lắm. Cái chung đó là cái không có ý tưởng. Cái không có ý tưởng đó gọi là vô niệm. Tất cả mọi ý tưởng của mình khởi lên đều khởi từ cái không có ý tưởng, cái vô niệm đó hết. Và mỗi người đều chung nhau ở cái vô niệm đó hết, cái không có ý tưởng. Chung nhau là chung nhau chỗ đó. Nếu như mình nói một cách chữ nghĩa hơn nữa thì tất cả mọi người đều chung nhau một tánh Không đó hết. Còn bây giờ mình đi tìm sự sai biệt, đó là chuyện của mình. Bởi vì mình thấy không ai giống ai hết á. Thầy đã nói rồi, vân tay của tám tỷ người trên thế giới này khác nhau hết. Mỗi người theo duyên nghiệp, theo hoàn cảnh nó khác nhau hết phải không? Nhưng mà nó giống nhau chỗ nào? Nó có một cái chung trong đó.

Đạo là để làm sao khám phá ra cái chung đó. Mình khám phá ra cái chung đó, mình mới yên bình. Đó chính là nơi mà mình quy y, quy y là quy y cái chung đó, phải không? Còn mình nương dựa vào cái ý thức của mình thì nó khác biệt. Như ông này ý thức của ông gồm có: nhà ông này, vợ ông này, con ông này, phải không? Thì ông khác Thầy xa lắm. Thành ra cái vấn đề mình phải thấy cái chung đó nó nằm ngay ở đây chứ không phải nó nằm đâu xa hết, đừng suy nghĩ gì xa xôi hết. L suy nghĩ khác Thầy, Thầy suy nghĩ khác L, bởi vì hai người hai nghề nghiệp khác nhau, tuổi tác khác nhau thì nó phải suy nghĩ khác nhau. Nhưng mà mình chung nhau ở cái gì? Mình chung nhau ở cái là những ý tưởng của mình đều phát xuất, đều khởi sanh từ một cái không có ý tưởng. Không có ý tưởng là cái chung phải không?

Mình khám phá ra cái không có ý tưởng đó chính là đạo. Mình khám phá ra lần lần mình sẽ thấy té ra đời của mình là phát sanh từ đạo, từ cái không có ý tưởng. Mình ngồi Thiền là để làm sao mình khám phá ra cái chung đó, cái mà tâm không có niệm đó, tâm không có ý tưởng đó, tâm vô niệm đó. Đó là cái chung. Chứ còn mình làm sao mà mình chung được? Ngay cả bây giờ một vị cao cấp nhất về đạo cũng không có gì chung với Đức Phật hết, phải không? Bởi vì Đức Phật, những ý tưởng của Ngài cách đây 2600 năm, hồi đó xã hội Ấn Độ như thế này, đủ thứ chuyện. Còn mình, xã hội mình như thế này, đủ thứ chuyện. Những ý tưởng khác nhau, nhưng mà chung nhau cái gì? Chung nhau ở chỗ là không có ý tưởng. Không có ý tưởng nói theo kinh điển, nói theo sách vở là cái tâm vô niệm. Còn cái niệm không bao giờ giống nhau hết á. Đừng nói gì, giữa L với Thầy đã khác nhau rồi. Ngay cả những ý tưởng của Thầy cách đây 5 phút trước khi lên nó đã khác với bây giờ rồi. Chính mình cũng thay đổi liên tục, những ý tưởng của mình nó thay đổi liên tục. Vậy thì có một cái gì không thay đổi nơi những ý tưởng thay đổi liên tục và khác biệt nhau đến như vậy. Chỉ có một cái thôi, đó là cái không có ý tưởng, cái tâm vô niệm. Mà cái tâm vô niệm đó hiện giờ nó nằm ở đây, chứ không phải nó chạy đi đâu hết.

Thành ra mình ngồi thiền, mình tụng kinh hay mình trì chú để mà khám phá ra một cái chung đó. Nếu như mình cứ theo những ý tưởng cái riêng của mình thì mình sẽ thấy là cuộc đời mình khổ lắm. Bởi vì càng ngày mình càng riêng, càng tách biệt với những người khác, mình không thấy mình là chung. Còn mình đi sâu vào tâm thức mình để thấy cái mà mình hay dịch bây giờ là bản tánh của tâm thức. Bản tánh của tâm thức thì nó không có một ý tưởng nào hết. Đơn giản, cũng như đại dương, thật sự ở dưới đại dương không có một làn sóng nào hết. Mình cứ chạy theo những làn sóng, những khác biệt thì mình khổ miết thôi. Khổ chính là sự khác biệt, phải không? Thôi bây giờ cụ thể như ông với bà xã ông chẳng hạn, hai cái khác biệt nhau. Bắt đầu mình thấy khổ rồi đó. Sao tui thích cái này mà cô không thích cái này?! Sao tui không ưa cái này cô lại ưa cái này?! Rồi từ sự khác biệt đó người ta tranh luận nhau, người ta cãi nhau trên những ý tưởng, phải không?

Cho nên một vị Phật được gọi là “Muni”, Muni (Mâu Ni) có nghĩa là không có lời nói, bậc tịch lặng. Bởi vì lời nói sẽ khác biệt. Một vị Muni là họ đã đi tới tận nguồn những ý tưởng của mình. Thành ra tận nguồn đó không có ý tưởng, không có gì gì đó, cho nên đời xưa gọi là vô niệm. Và cái vô niệm đó hiện giờ mình còn đang chia sẻ nhau chung cái này. Mình chia sẻ là chia sẻ cái vô niệm đó chứ có phải chia sẻ những ý tưởng đâu. Ý tưởng của L thầy không chấp nhận, mà ý tưởng của thầy L cũng không chấp nhận. Thành ra chia sẻ chung là chia sẻ cái hồi nãy L nói là nền tảng. Cái nền tảng đó là vô niệm, không có ý tưởng và đó là cái chung. Còn nếu như mình chạy theo những ý tưởng khác biệt thì mỗi người mỗi khác biệt. Ví dụ như bây giờ đơn giản, thầy sống trong chiến tranh chẳng hạn, thì Thầy nhìn thấy chuyện đó nó khác lắm. Còn bây giờ thấy nhà mấy chục tầng. Hồi đó đâu có thấy. Hồi đó là có chiến tranh. Bây giờ nghe nói chuyện chiến tranh là kinh khủng lắm, rồi người ta cũng thấy đâu có gì đâu.

Ngay cả một kinh nghiệm cũng không thể chia sẻ nhau được, phải không? Bởi vì kinh nghiệm là ý tưởng, kinh nghiệm không thể chia sẻ nhau được. Anh chỉ có thể chia sẻ ở cái rốt ráo cuối cùng của những ý tưởng là Muni, là cái không có ý tưởng, đó là sự tịch lặng. Ý tưởng không thể chia sẻ nhau được, kinh nghiệm không thể chia sẻ nhau được. Kinh nghiệm của L là của L chứ sao chia sẻ cho thầy được, thầy có ăn nhằm gì tới chuyện đó đâu phải không? Thành ra cái nền tảng, cái cội nguồn, nguồn gốc của tất cả những ý tưởng, kinh nghiệm thì cái đó là cái chung. Cái chung là vì sao? Vì từ đó phát sinh ra những kinh nghiệm khác biệt. Kinh nghiệm đừng có hòng ai mà chia sẻ được với mình hết phải không? Bây giờ uống nước cam thôi, nhưng mỗi người sẽ kinh nghiệm khác nhau. Thầy không thích uống nước cam, chua chua thầy không thích. Nhưng người thích uống nước cam họ nói uống nước cam nhiều vitamin C, họ thích lắm. Nhưng mà thầy không thích.

Thành ra những kinh nghiệm đó mình phải đi tìm. Cuộc đời này là những kinh nghiệm, những ý nghĩ, mình phải đi tìm sâu vô. Những ý nghĩ, những kinh nghiệm đó để đi sâu vô, để mình thấy cái gì là chung. Một cái kinh nghiệm chung của tất cả nhân loại, một cái gia tài chung của tất cả nhân loại. Xin lỗi chứ tiền tệ trên thế giới cũng là chung phải không? Nhưng mà tiền thầy bỏ trong tủ này là riêng. Mình phải thấy cái chung đó phải không? Tiền là chung hết,có giá trị trên toàn bộ thế giới này, dầu là tiền Pháp hay tiền Hongkong, tiền Anh, tiền gì gì đó thì nó cũng đổi ra một giá trị chung là như vậy. Nhưng mà tiền trong tủ thầy đây là riêng, và Thầy cứ nghĩ riêng này là không có gì chung hết thì Thầy sẽ khổ thôi. Chứ cái gì cũng chung hết phải không? Rồi mình coi lại mình thấy mình chung với bên ngoài những gì? Bên ngoài là gì? Đất, nước, lửa, gió. Thân mình cũng đất, nước, lửa, gió thôi. Gió là hơi thở mình đây, ngày nào nó ngưng lại thì mình thở hơi cuối cùng rồi mình chết.

Thành ra bây giờ đây mình sống đây mình cũng chia sẻ với xung quanh, chia sẻ với không khí, đất, nước, lửa, gió phải không? Đó là thân mình cũng chia sẻ cùng một cái như vậy. Cái tâm mình cũng chia sẻ cùng một cái, đó là không có ý tưởng. Cái này dễ lắm, mình cứ đi sâu vào trong những ý tưởng đó, cội nguồn của những ý tưởng thì mình sẽ thấy vậy. Cho nên khi Đức Phật giác ngộ, ngài nói: Lạ thay tất cả chúng sanh đều có tri kiến Phật, là cái thấy biết của Phật. Tại sao họ không ngộ được? Là bởi họ chạy theo những cái riêng của họ, còn Đức Phật là cái chung đó cho nên là thực sự là thầy của Trời và Người. Bởi vì Ngài đã biết cái chung của Trời là gì, của Người là gì, cái chung của Trời và Người là gì. Ngài phải biết cái đó thì ngài mới dạy được người ta, nên ngài mới là thầy của Trời và người. Cái quan trọng ở đây là mình sai lầm ở chỗ nhấn mạnh quá nhiều vào sự khác biệt, mình ru ngủ mình trong cái sự khác biệt đó. Mình lấy sự khác biệt đó làm hạnh phúc cho tới khi mình thấy cái sự khác biệt đó là sai lầm thì lúc đó mình mới bắt đầu quay lại. Đời là gì? Là mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, tay sờ, lưỡi nếm… phải không? Nhưng tất cả các cái đó có một cái nền tảng, có một cái nguồn chung, cái chung đó chính là Đạo.

Trong Kinh Pháp Hoa và trong những Kinh khác có nói những vị thành Phật thì đều cùng chung một tên cả. Ví dụ là khi anh L thành Phật thì thấy vị nào cũng tên L hết, hay Bồ Tát cũng cùng là một tên hết. Mình khổ là bởi vì mình tách riêng ra khỏi cái thực tại. Cái thực tại vốn có, cái thực tại hiện tiền, nó đang trước mắt mình đây nhưng mà mình tách riêng nó ra. Mình lấy cái tách riêng đó ra làm cái sự kiêu hãnh của mình, rằng tôi là thế này, tôi là thế nọ.

Một vị Phật là ngài từ chối hết, thành ra trong Kinh có nói là khi được hỏi rằng ngài có phải là một vị trời không thì ngài nói là không phải, hỏi ngài có phải là người không thì ngài cũng nói là không phải. Khi anh không phải là cái gì cả thì anh là cội nguồn, vì là cội nguồn nó không phải là cái gì hết nên nó lại là tất cả mọi cái. Đại dương nó không phải là làn sóng nào hết, nhưng tất cả sóng đều là Đại dương.

Đạo và Đời tách biệt ra thì đó là vô minh của mình. Mình đi sâu vào đời thì mình sẽ thấy là Đạo, vậy thôi. Đơn giản bây giờ mình ngồi Thiền, mình đi sâu vào hơi thở mình sẽ thấy gì(!?) Mình sẽ thấy là không có hơi thở. Đi sâu vào ý nghĩ của mình, mình sẽ thấy là không có ý nghĩ. Đó là cái chung. Rồi có vị nào ở đây mời hỏi câu tiếp theo.

V. T: Dạ kính thưa thầy, kính thưa đại chúng! Vừa nãy con có nghe một câu hỏi là Đời có làm hại gì cho Đạo hay không, xin thầy giảng ra cho chúng con hiểu thêm ạ.

Thầy: Câu hỏi hay đó. Đơn giản là con dao chuyên để gọt khoai tây khoai lang đó mà mình lại nhè cái ngón tay mình ra để gọt thì nó  hại. Cái dao không có hại gì hết nhưng mà mình sử dụng sai thì nó hại. Phải không? Cắt móng tay mình phải mua cái cắt móng tay, mình bấm móng thôi, mà mình lại đi lấy dao mà gọt vào da thịt thì nó chảy máu thôi. Thành ra, cái dao nó vô hại, mà do mình sử dụng sai thì nó thành có hại.

Trong Đạo cũng là vậy, mình sử dụng sai là do mình thấy lầm, nghĩ lầm phải không? Mình ngứa lỗ tai mình phải mua cái ngoáy lỗ tai, mà mình sợ đi mua đường nó xa, mình tùy tiện lấy cái dao mình ngoáy thì nó nguy hại. Sử dụng lầm, nghĩ lầm thì nó ra là tai hại. Cuộc đời tốt đẹp cho người nào hiểu biết cái tốt đẹp, cuộc đời tai  hại cho người nào tai hại.

Nhiều khi mình tự làm hại mình chứ đời này nó không có gì tai hại hết. Chính cái cách mình sử dụng cuộc đời, chính cách mình bám níu lấy nó, cho nó là tuyệt đối thì cái đó nó mới trở thành tai hại, phải không? Nước này đánh với nước kia là vì anh nào cũng nghĩ cái tư tưởng, cái ý thức hệ của anh là tuyệt đối. Hai anh cho rằng mình là tuyệt đối thì sinh ra chiến tranh thôi, phải không? Đơn giản vậy đó, tai hại là do mình. Mình không biết cái gì hết thành ra tự chuốc họa vào thân thôi. Mình cứ hay nói đời là khổ đau… nhưng mà đời này đâu có khổ! Khổ là do mình chứ không có đổ thừa gì hết. Khổ không nằm trong cây cối. Khổ không nằm trong bức vách. Khổ không nằm trong ánh sáng đèn này. Vậy là tại sao mình khổ? Khổ là do mình làm sai, do mình thấy sai, do mình nghĩ sai. Tai hại là do cái sai của mình! Cuộc đời tốt đẹp là nó nuôi dưỡng thêm trí huệ, nuôi dưỡng thêm từ bi. Cuộc đời tai hại là nuôi dưỡng những phiền não của mình. Tham càng ngày càng nhiều. Sân càng ngày càng nhiều. Si càng ngày càng nhiều. Đố kỵ càng ngày càng nhiều. Kiêu mạn càng ngày càng nhiều.

Ví dụ giờ cái máy vi tính là nó không có gì hại cho mình, nhưng cả ngày mình cứ ngồi chơi Game, chơi những thứ linh tinh không có ích lợi gì thì nó hại. Vậy thôi! Tự cái máy nó không có làm hại gì hết. Ăn thua ở nơi mình sử dụng, mình khổ là càng ngày mình càng tạo ra và nuôi dưỡng những phiền não, càng ngày càng nặng nề thêm, phải không? Nặng bởi tham càng ngày càng nặng, sân càng ngày càng nặng, si càng ngày càng nặng. Những cái đó làm mình càng ngày càng đi xa cái nguồn, xa cái nền tảng của mình.

Cái nguồn này là nguồn chung cho tất cả mọi sự, thành ra anh càng ngày càng về gần nguồn chừng nào thì anh không chỉ có một vài thứ mà anh có tất cả nhân loại này. Thầy thì thầy không dám nói, nhưng thầy nghĩ Đức Phật là có tất cả nhân loại này, có tất cả đất đai này, có tất cả mọi thứ. Còn mình cứ chạy miết theo một cái nhỏ xíu. Trong công cuộc chạy theo, mỗi anh chạy theo mỗi cái khác, chạy theo mỗi kiểu thì đụng chạm nhau rồi thì tranh luận nhau, rồi đánh nhau…Ở cái cội nguồn nó không có những chuyện đó.

Trong Kinh điển có nói là con Ngỗng chúa nó bơi trong nước với sữa, nhưng nó đủ thông minh để chỉ uống sữa chứ không uống nước. Nếu cuộc đời này mình chỉ hút cam lồ không thôi thì mình khỏe mạnh, mình hạnh phúc. Còn mình hút ba thứ tầm bậy vào thì nó sẽ khổ. Ăn thua là mình biết hút cái gì thôi. Cuộc đời này nó lẫn lộn tốt xấu lung tung hết và cái cần làm là anh phải thông minh như con Ngỗng chúa, anh chỉ hút sữa thôi chứ anh đừng có uống nước, đôi khi nó có nước dơ trong đó.

Đơn giản, tu hành là mình chọn cho mình cái hạnh phúc, còn anh chọn cái khổ đau là anh chịu lấy thôi chứ anh đừng có trách ai hết. Anh chọn khổ đau là chuyện của anh. Đức Phật và chư Bồ Tát đã chỉ cho anh cách chọn hạnh phúc thế nào đầy đủ hết rồi, phải không? Mình cứ chọn miết khổ đau thôi thì đó là chuyện của mình.

Rồi bây giờ có vị nào ở Hà nội hỏi đi, ở đây có hai người hỏi rồi.

V. D: Dạ, con kính chào thầy và đại chúng! Con là Việt Dũng ạ. Thầy cho con xin hỏi trong buổi Thảo luận hôm nay, con có suy nghĩ về y báo và chánh báo. Con hiểu chánh báo là do công phu tu tập của mình, do đức hạnh, phước đức và trí huệ của mình là do chính bản thân mình. Y báo là cái đi theo chánh báo, là những cái điều kiện hoàn cảnh bên ngoài, là cái thuận duyên cho mình tu tập, cho mình đạt được cái mục đích tu tập của mình. Con không biết như vậy có đúng không, xin thầy giảng rộng nghĩa cái vấn đề này cho con và đại chúng rõ hơn ạ.

Thầy: Suy nghĩ vậy cũng đúng, chánh báo của mình chính là tâm của mình. Y báo là hoàn cảnh của mình, cảnh mà mình thấy tương đối đấy thôi chứ mình không thấy hết được. Chánh báo của mình quyết định y báo của mình. Nếu tâm mình thanh tịnh thì mình thấy tất cả xung quanh mình đều thanh tịnh hết. Trong Kinh Duy Ma Cật nói, nếu tâm mình thanh tịnh thì đây là cõi tịnh độ của Phật Thích Ca. Mình không thấy đây là cõi tịnh độ của Đức Thích Ca là tại vì tâm mình không thanh tịnh, phải không? Chánh báo là tâm, nó mà thanh tịnh thì y báo là anh sẽ thấy cảnh thanh tịnh. Cảnh đó không phải anh sửa đổi cho nó thành thanh tịnh đâu. Khi tâm anh thanh tịnh thì anh nhìn cái bức tường còn dơ chưa quét của thầy đây, nó cũ lắm rồi nhưng mà anh vẫn thấy nó thanh tịnh. Vậy thôi. Anh không cần có tiền rồi quét sơn quét hồ gì hết. Thậm chí, khi tâm anh thanh tịnh anh thấy một đống rác nó cũng thanh tịnh, còn tâm anh không thanh tịnh thì anh thấy cái gì cũng bất tịnh hết.

Như cụ Nguyễn Du đã nói, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ, khi anh phiền não thì anh thấy cái gì cũng phiền não hết. Khi tâm mình phiền não thì dù tối nay có mời mình đi ăn ở khách sạn năm sao, ngồi nhìn toàn thành phố, rồi nghe ca nhạc, uống cà phê, ăn những đồ rất ngon… thì tâm mình đang buồn vẫn thấy những cái đó buồn hết, phải không? Tâm mình vui thì như ông Nguyễn Công Trứ nói, người quân tử vỗ bụng rau bình bịch, ăn rau cũng vui. Ăn thua là ở cái tâm của mình nó quyết định, thầy thấy cái đó là một thực tế.

Có nhiều người họ nói ăn cơm gạo lứt muối mè họ ăn không nổi, nhưng có người họ nói là ăn cũng món đó mà nhai càng nhiều chừng nào thì thấy càng ngọt chừng đó, không những nó tốt cho sức khỏe của mình mà nó càng nhai càng ngọt. Xưa thầy thấy bà ngoại của thầy, bà nấu cơm, bà rắc muối trắng lên ăn mà không cần nước tương nước dầu gì hết, mà bà nói nó ngọt lắm. Hóa ra mình ưa đồ nhiều gia vị là tại sức khỏe mình xấu, sức khỏe tốt thì ăn cái gì cũng ngon hết. Cái Tâm mình tốt thì cái gì cũng đẹp hết, còn cái tâm lủng củng thì nhìn cái gì cũng bất mãn hết, phải không?

Đó là chánh báo và y báo, hai cái đó theo sát nhau, anh cứ nhìn y báo y như là mặt mình trong tấm gương vậy. Chánh báo là mình đây. Nhìn vô đó sẽ thấy. Tu nữa rồi tâm mình càng ngày càng lớn ra, rộng ra như mấy bài hát “thế giới này là của chúng ta”, trong khi thế giới của mình, mình chỉ thấy cái nhà của mình.

Thế giới này là của chúng ta nếu cái tâm mình rộng tới cỡ mức đó, có thể ôm trùm thế giới này và nó nói là thế giới này là của chúng ta. Còn tâm mình nhỏ quá thì mình thấy thế giới này nhỏ hẹp. Mặc dù tôi không có đi phi thuyền, bỏ mấy trăm ngàn đô, phóng ra ngoài không gian 5, 10 phút gì đó rồi về.

Bầu trời này là của chúng ta. Mây kia là của chúng ta. Buổi chiều nắng bắt đầu vàng. Trong này cũng gọi là chút mùa thu, vàng ra. Đó là của chúng ta. Còn nếu như cái tâm mình chật hẹp thì anh thấy nắng vàng (xin lỗi chứ) muốn chửi thề, phải không? Anh không hưởng được gì hết, nếu cái tâm anh nhỏ hẹp.

Cái tâm anh phiền não thì anh không hưởng được gì hết. Phiền não nó làm cho cái tâm mình cắt vụn, cắt vụn ra. Thành ra cuộc đời này sẽ bị cắt vụn ra, rồi anh nói sao cuộc đời này chật hẹp quá, chống đối nhau tùm lum … do mình cắt vụn ra. Chứ thật tướng của đời sống chỉ là một thôi. Thấy khác biệt, thấy cắt vụn ra đó là lỗi của mình, thành ra anh làm sao trở về cái nguồn chung.

Ngày cả khoa học đi lên trạm không gian nhìn xuống thấy trái đất là một cái ngôi nhà chung. Chứ hồi xưa là nước này đánh nước kia … còn ở trên nhìn xuống thấy trái đất này là ngôi nhà chung. Thành ra tu hành là làm sao để cho cái tâm mình nó rộng ra, cái tầm nhìn mình nó rộng ra để mình thấy được cái chung đó, đó là Đạo. Làm sao mỗi ngày mỗi ngày mình tiến gần hơn với cái đó, đó gọi là thực hành, còn mình không tiến gần tới cái đó, thì càng ngày mình càng thêm phiền não.

Thành ra kinh Nhật tụng, nhật là mỗi ngày, chuyện này là mình tiến tới mỗi ngày, thấy những chữ Phật giáo là nó hiện thực với mình, như “tự thọ dụng tam muội”, không cần bia bọt gì hết … con người anh vẫn say say, say say vậy đó, luôn luôn, phải không? Không cần bia bọt. Anh uống nước lã vô anh vẫn thấy say như thường. Niềm vui anh nhiều quá thì anh tự thọ dụng lấy, anh thấy một cái cây hay một cái gì đó thì nó vẫn say như thường, đó là “tự thọ dụng tam muội”.

Các vị Bồ tát thì họ nói là cuộc đời này chỉ là cuộc rong chơi thôi. Trong khi mình thì thấy bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu khổ đau. Chữ rong chơi đó là gì? “Du hí tam muội”. Du hí là đi chơi thôi, còn mình thì du hí không nổi, khổ quá.

Thành ra cái chuyện này mình phải làm thôi. Mình không làm uổng lắm. Rồi mình thấy cuộc đời mình sẽ qua nhanh lắm, phải không? Mình đi lượm một vài cái vớ vẩn nào đó, tới khi mình già, … là mình tiêu. Đời sau cũng khổ tiếp. Tại sao đời này mình có cơ hội mình dứt điểm cho rồi. Không phải dứt điểm hoàn toàn được thì ít ra anh đặt chân lên cái đất hứa đó đó, về miền đất hứa. Anh đặt lên được vài bước chân là anh yên tâm rồi. Không dễ gì anh đi toàn cái cõi đó đâu, nhưng mà ít ra anh đặt chân lên bờ bên kia, nơi đó không có khổ đau, nơi đó chỉ có niềm vui, thường lạc ngã tịnh, y như trong Kinh nói: Phật tánh là thường – lạc – ngã – tịnh vậy đó. Thường là nó thường xuyên như vậy, lạc là nó an vui, ngã là một cái gì không thay đổi, chứ không phải ngã là cái tôi này đâu, cái tôi này thay đổi nó không gọi là ngã đâu. Tịnh là nó thanh tịnh, trong sạch.

Chứ con mắt mình không trong sạch. Nói thẳng ra mình chưa bao giờ thấy ra một bầu trời đâu. Nên nhớ như vậy đó. Mình tưởng như mình thấy bầu trời nhưng mà mình thấy bằng con mắt không thanh tịnh thì mình chưa bao giờ thấy được bầu trời đâu? Mình để ý những vị cao cấp ví dụ Đại toàn thiện … hay Kinh điển hay nói tới không gian, nói tới bầu trời. Thật sự ra mình chưa bao giờ thấy một bầu trời hết, bởi vì con mắt mình bất tịnh nhiều rác rưởi trong này, nhiều thứ phiền não, nhiều thứ trong này, nên mình chưa bao giờ thấy một cái gì hết, Thành ra bởi vậy tu hành, người ta dịch là thấy sự gì y như nó là. Mình chưa bao giờ thấy một sự vật y như nó là hết. Mà không thấy cái đó thì mình sẽ khổ đau. Bởi vì mình thấy nó méo mó, nó không đúng như nó là, cho nên mình không thấy.

Thầy: Bây giờ Thầy hỏi V.Hoàng, thấy trong Kinh điển, các vị Phật gặp nhau chỉ hỏi là “Ngài có an vui hay không?”. Bây giờ thầy cũng hỏi V. Hoàng là Ngài có an vui hay không? Và cái an vui đó ngày càng tăng hay không?

V. H: Dạ thưa thầy có ạ.

Thầy: Vậy thì tốt rồi, đó là thực hành đó, biết thực hành đúng đường là mình an vui, và càng ngày mình càng an vui hơn.

V. H: Thưa thầy có thể giảng sâu rộng hơn, cụ thể hơn về cái nguồn vui đấy được không ạ?

Thầy: Thì nãy thầy có nói rồi, cái tâm mình thanh tịnh, tâm mình trong sáng, tâm mình vui thì mình nhìn cái gì cũng vui hết, đời là để mình hưởng thụ chứ đâu phải để mình buồn bã đâu? Khi mà tâm mình vui, thanh tịnh, trong sáng, thì mình thấy cái gì cũng thanh tịnh hết. Mình bằng lòng với cuộc đời mình, như Tây hay nói Çava, Tây hay nói Çava là tốt lắm, Well …Thì tất cả các câu thần chú của Ấn Độ, thần chú tốt lành thì cuối cùng cũng là Svaha, Svaha cũng có nghĩa là tốt lắm.

Cuộc đời mình là những bất toại nguyện, bây giờ làm sao để khi nói cái gì cũng Svaha (tốt lắm). Ca ngợi cuộc đời đi bạn. Cuộc đời không phải để bạn phấn đấu hay rắc rối gì hết, bạn phải ca ngợi cuộc đời.

Trong Kinh điển mình thấy mười hạnh nguyện Phổ Hiền, thứ nhất lễ kính chư Phật, thứ hai xưng tán Như Lai. Nếu cuộc đời anh là sự xưng tán cái thực tại thì anh không còn cái gì để buồn bã cả. Làm sao xưng tán cho được?! Cuộc đời mình là để xưng tán, lời nói của mình, tất cả hành động của mình để xưng tán thực tại đó, mà thực tại đó nằm trước mắt mình chứ đâu phải đợi lên Chánh điện mới xưng tán Như Lai được?! Nếu cặp mắt anh thanh tịnh, chỉ cần cặp mắt mình trong sáng, cặp mắt mình sạch, thì cặp mắt mình xưng tán từng cái sự vật một, chứ không phải là đợi có tượng Phật tôi mới xưng tán được đâu. Nếu con mắt mình trong sạch, thì mình nhìn cái gì là mình xưng tán nó đó. Nói cho nó ngon lành nữa thì thầy cũng chưa được như vậy nữa, nhưng mà mình nhìn cái gì có nghĩa là mình ban phước cho cái đó. Sức thầy chỉ cụ thể tới cỡ đó thôi, chứ cụ thể nữa thầy cụ thể không nổi đâu. Thôi để hôm khác, nếu chưa thấy cụ thể.

Chú C: Thưa thầy, khi nào con thấy con sống tùy duyên được?

Thầy: Thầy thì chưa tùy duyên nổi đâu nhưng mà thầy nghĩ là khi nào anh thấy tất cả mọi cái đều là đạo, tất cả mọi cái gì của đời đều là đạo hết. Đó là tùy duyên. Mà khi anh tùy duyên đó là tự do, chứ không phải tùy duyên để mà bị bó buộc không đâu, phải không? Tùy duyên mà mình thấy khổ là mình biết mình bị nó trói buộc rồi, phải không? Còn khi anh thấy tất cả mọi sự đều là đạo thì đó là anh tùy duyên. Mà tùy duyên mà tự tại nữa, chứ không phải mà tùy duyên là cắn răng mà tùy duyên đâu, phải không? Khổ lắm, tự an ủi mình là thôi mình cũng tùy duyên.

Khi anh thấy tất cả đều là đạo thì lúc đó anh tùy duyên mà anh tự tại luôn. Tùy duyên lúc đó cái gì đến với mình, cái đó cũng là quà tặng của cuộc đời, cái gì đến với mình cái đó đều là ân điển của Tam Bảo, kể cả nhiều khi covid nữa.

Chú H. D: Dạ, hồi nãy con có nghe thầy nói là đời tốt đẹp do người biết tốt đẹp, đời tai hại do người tai hại, nghĩa là nghĩ sai, làm sai, sử dụng lầm thì đời nó sẽ tai hại. Nếu vậy thì vai trò của nhân quả, của nghiệp duyên nó nằm ở chỗ nào? Dạ, thầy giảng thêm cho con và nếu thật sự mình thấy đời tốt đẹp vậy tùy duyên, tùy hỷ như thế nào? Thầy nói, thì rõ ràng nhân quả nó đóng vai trò như thế nào trong cuộc đời của mình, xin thầy giải nghĩa rộng cho con.

Thầy: Câu hỏi là nghiệp như thế nào phải không?

Chú H. D: Dạ.

Thầy: Khi anh đi sâu vào, quán chiếu cho sâu vào thì anh sẽ thấy nghiệp thật sự là một món quà cho mình, chứ không phải nghiệp gì hết. Khổ đau cũng là một món quà cho mình, chứ không có khổ đau thì làm sao sống, phải không? Lúc mà anh đi sâu vào đó thì anh sẽ thấy tùy duyên, và nghiệp mình cũng tùy duyên luôn, phải không? Chứ cứ bắt thầy đi tới đằng trước mà không cho thầy đi thụt lùi sao, phải không? Không cho thầy đi thụt lùi sao? Cứ bắt thầy tiến tới trước, ráng lên, ráng lên, xung phong lên rồi cứ bắt thầy đi tới đằng trước, nhiều khi thầy cũng đi thụt lùi, phải không? Nhưng nếu như mình đã thấy được cái tới hay lùi đều là đạo hết, thì lúc đó nghiệp của mình không nặng nề như mình nghĩ đâu, phải không? Bởi vì cội nguồn của nghiệp, cái gì sinh ra nghiệp? Chính là cái nguồn an vui đó sinh ra nghiệp. Thành ra khi mình đi tới nguồn thì mình hốt tất cả các nghiệp thành gia tài của mình, nghiệp trở thành gia tài của mình. Vậy đạo Phật mới gọi là chuyển hóa chớ, chuyển thức thành trí là vậy đó, Phật giáo hay dùng chữ chuyển thức thành trí, thức thì khổ đau lắm nhưng mà khi nó chuyển thành trí rồi… Biết đâu ly nước mình uống, mình tưởng là cay đắng lắm, nhưng mà khi đi tới tận cùng của nó biết đâu là nước cam lồ, phải không?

Rồi còn nhân quả phải không? Khi mà anh tới cội nguồn thì tất cả nhân nó đều tốt hết, thì nó ra quả tốt hết, phải không? Đơn giản vậy thôi, khi mà tới cội nguồn thì như Thầy hay nói là mình biến tất cả thành vàng hết. Thì nhân là vậy đó, bây giờ là mình sợ nhân lắm chứ gì, phải không? Nhưng mà, mình đi tới cội nguồn của cái nhân là gì thì mình sẽ biến nhân đó thành quả tốt đẹp hết, mà cái biến đó không phải chờ mình hì hục mình biến đâu, mình chỉ biến bằng một cái thấy thôi. Anh thấy vàng thì tất cả là vàng vậy thôi, phải không ông Châu. Chỉ bằng một cái thấy thôi, khi mình thấy vàng thì tất cả đều là vàng hết. Thành ra đừng có sợ nghiệp lắm, nghiệp mà đã gây ra rồi thì mình phải làm sao mình biến nó thành vàng. Ví dụ, như phòng này chẳng hạn, có những rác này rác nọ, nó đủ thứ nghiệp trong đó, phải không? Nhưng mà mình bật đèn lên mình thấy tất cả đều sáng hết, phải không? Chứ đâu phải phòng này không có dơ, cũng rác, cũng bụi bặm đầy hết, nhưng khi bật đèn lên tất cả đều sáng hết. Thành ra quan trọng là về tới cái nguồn đó, thì mình sẽ thấy tất cả mọi thứ đều sáng hết, và tới một lúc nào đó mình thấy hình như trong đời mình nó không có cái gì dư đâu, phải không? Không có cái gì dư đâu, kể cả những nghiệp xấu của mình nó cũng không dư đâu, lúc đó mới gọi là chuyển nghiệp đó, chứ không phải chuyển nghiệp là hì hà hì hục đẩy một tảng đá mà tảng đá đó nặng gấp trăm lần mình thì làm sao đẩy cho nổi.

Chú H. D: Dạ, con cám ơn thầy nhiều.

H TN: Con chào thầy, chào đại chúng. Đạo và đời song hành, mà thầy nói đời là tưởng, còn đạo là chính mình là vô tưởng, là không tưởng thì thầy dạy cho con cái cách là tham gia đạo tràng từ 2h đến 5h thì con có sẵn cái tưởng và cái vô tưởng, con có sẵn 2 cái này, nhưng mà thầy dạy cho con từ 2h đến 5h hết chương trình này mà con luôn luôn giải thoát. Vậy là, cái tưởng giải thoát như thế nào và cái không tưởng giải thoát như thế nào? Nghĩa là con có sẵn 2 cái này nhưng mà thầy cụ thể cho nó rõ ràng, cái tưởng giải thoát và cái tưởng không giải thoát; và cái không tưởng giải thoát và cái không tưởng chưa giải thoát. Thầy chi tiết cho con, Mô Phật.

Thầy: Thứ nhất là hồi nãy thầy nói cái không có tưởng phải không? Không có tưởng thì vốn nó đã giải thoát rồi, cái vô niệm nó vốn là giải thoát rồi phải không, đồng ý chưa? Rồi khi anh đi vào cái không có tưởng đó, cái vốn giải thoát đó thì anh sẽ thấy tất cả những cái tưởng của anh đều là vô tưởng hết. Không còn cái gì là tưởng hết, không còn cái gì là đời hết, chỉ có đạo thôi. Khi mà anh đi vào cái vô tưởng đó thật sự rồi thì tất cả những cái tưởng đó đều là vô tưởng hết và do đó tất cả đời nó biến thành đạo hết.

Rồi hồi nãy giờ chờ 2 tiếng mà nói ngắn gọn vậy mà có chịu hay không, hay là để bữa khác tiếp tục.

Hùng TN: Con rất là vừa ý lắm thầy ơi, con tri ân thầy rất là nhiều.

Thầy: Nên nhớ là không nên dùng chữ vừa ý nha, vừa ý là… bồi bàn bưng cơm nước ra, vừa ý là phải trả tiền (mọi người cùng cười).

Cô G: Thưa thầy, thưa đại chúng. Câu nói mục đích của người tu là đạo và đời viên dung, tại vì Lục Tổ có nói là: “Đạo mà lìa đời thì không thể giác ngộ được, thì thầy nói rõ hơn, sâu hơn cho chúng con về việc hành như thế nào để đạo và đời viên dung?

Thầy: Hồi nãy thầy có nói, hành quan trọng nhất là cái thấy phải không?

Cô G: Dạ, đúng rồi ạ.

Thầy: Anh làm sao anh thấy sắc tức là không, đời tức là đạo vậy thôi, chứ hành gì bây giờ. Nơi con mắt mình nó hành, chứ cần gì mình phải hành, anh cứ thấy đi sắc tức là không, đời tức là đạo, chập thì anh thấy đời này làm gì có chuyện đời nữa chỉ có đạo thôi. Cũng như những vị đắc quả A La Hán đó chỉ thấy có Niết Bàn thôi chứ không có thấy sanh tử đâu hết.

Cô G: Dạ, con cám ơn thầy.

Thầy: Thì hành là do con mắt mình thấy thôi chứ có gì đâu. Bởi vậy trong Đại Ấn chẳng hạn nói là trước hết là thấy, thì cái thấy là quan trọng nhất.

Bây giờ thầy hỏi lại, có thấy thầy không?

Cô G: Dạ, thấy.

Thầy: Vậy thì đòi gì nữa?

(Mọi người cùng cười)

Cô G: Dạ.

Thầy: Hay là muốn thầy mặc áo khác, thấy thầy thì đó chính là cái thấy rồi còn bây giờ đòi thầy mặc áo vàng vô hả, mới là thấy hả? Thấy là được rồi, và trong cái thấy đó nó không có lăng xăng, nói theo ông H TN là không có lăng xăng, tưởng gì hết phải không? Thấy không có ý tưởng, không có lăng xăng, không có đòi hỏi thầy phải mặc áo vàng hay gì khác hết. Thấy đủ rồi, không thêm không bớt.

SHARE:

Trả lời