THẾ GIỚI LÀ MỘT HỢP TƯỚNG

SHARE:

Kinh: Tu Bồ Đề! Nếu có người thiện nam, đem ba ngàn đại thiên thế giới này nghiền thành bụi nhỏ, ý ông nghĩ sao, số bụi nhỏ ấy có nhiều không?
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn, rất nhiều. Vì sao thế? Nếu những bụi nhỏ ấy thật có, Phật ắt chẳng nói là những bụi nhỏ. Tại sao như thế? Phật nói những bụi nhỏ tức chẳng phải bụi nhỏ, đó gọi là những bụi nhỏ. Bạch Thế Tôn! Như Lai nói tam thiên đại thiên thế giới tức chẳng phải thế giới, đó gọi là thế giới. Vì sao thế? Nếu thế giới thật có thì ắt là một hợp tướng. Như Lai nói một hợp tướng tức chẳng phải một hợp tướng, đó gọi là một hợp tướng.
Tu Bồ Đề! Một hợp tướng đó tức là chẳng thể nói, chỉ do người phàm phu tham bám sự ấy.
Cái mà chúng ta gọi là thế giới chỉ là những hạt bụi nhỏ hợp thành. Những hạt bụi nhỏ ấy ngày nay chúng ta gọi là những nguyên tử và những hạt nhỏ hơn cấu thành một nguyên tử.
Đức Phật nói “những hạt bụi nhỏ ấy không thật có”. Khoa học ngày nay cũng cho ta biết nguyên tử gần như trống không, vì giữa nhân của nguyên tử và các hạt electron chạy chung quanh với tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng, khoảng cách ấy rất lớn. Có thể lấy thí dụ trong một khoảng không gian rộng bằng sân bóng đá, thì nhân là trái bóng đá nằm ở giữa và các hạt electron là những trái chanh chạy vòng ở rìa sân.
Nguyên tử thì vô thường, vì vận tốc của các hạt quá nhanh phải tính theo tốc độ ánh sáng làm căn bản, và có những hạt chỉ “sống” có vài phần triệu giây. Nó cũng vô ngã vì thay đổi nhanh chóng, dễ dàng kết hợp với những nguyên tử khác để thành ra những nguyên tử mới.
Những nguyên tử không màu sắc, không mùi hương… nhưng hệ thống thần kinh loài người lại diễn dịch thành một thế giới đầy đủ sự vật, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp của riêng loài người.
Với những kiến thức thông thường của khoa học hiện đại như trên cũng cho chúng ta hiểu khái quát tại sao Đức Phật nói “những hạt bụi nhỏ là không thật có, thế giới là không thật có”.
Không thật có, giả hợp, như huyễn, là một mặt trong ba mặt của tánh Không được nói trong kinh này.
Thế giới là một hợp tướng của những cái Không, Vô thường, Vô ngã. Thế mà chúng ta, vì vô minh, cứ cho đó là những cái có, thường còn, có ngã, có tự tánh. Hợp tướng thế giới ấy không cứng đặc, không bất động, rỗng không, không có bản chất, sanh diệt trong từng khoảnh khắc. Cái tâm thức nhìn thấy hợp tướng thế giới ấy, bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả cũng sanh diệt trong từng khoảnh khắc, không có một trung tâm, một bản chất riêng nào cả.
Với trí huệ Bát nhã thấy được như vậy thì mới giải tan được cái ảo tưởng về hợp tướng sanh tử và do đó giải thoát khỏi sanh tử hư vọng.
Một hợp tướng đó chẳng thể nói vì không thật có, chưa từng có. Hợp tướng đó như những bông hoa trên hư không, như mình và cảnh vật thấy trong giấc mộng, như ảo ảnh thấy sóng nắng trên đất cằn khô mà tưởng là nước…
Tất cả là do tham bám, khao khát, thương ghét của người thường chúng ta mà có ra các sự ấy.
Trí huệ Bát nhã là thấy được vô ngã và vô pháp, và do đó giải thoát khỏi tất cả những gì gọi là ngã và pháp do tham bám sanh ra, nghĩa là giải thoát khỏi tất cả sanh tử.
Đương Đạo
Trích “Thực Hành Kinh Kim Cương Bát Nhã”
NXB Thiện Tri Thức
Post: Nghiêm Hạnh

SHARE:

Để lại một bình luận