VIẾT VỀ THẦY TÔI

SHARE:

Như một con chim se sẻ nghĩ về con chim đại bàng. Tôi viết về Thầy tôi cũng giống như vậy. Con se sẻ làm sao hiểu được ý chí của đại bàng. Một con ếch nằm ở đáy giếng làm sao nghĩ được có một bầu trời phía trên rất bao la, cho nên những dòng cảm nghĩ về Thầy làm sao tránh được sự vụng về, sơ sót, mê mờ, có khi vô tình làm xúc phạm đến Thầy. Nhưng tôi biết Thầy sẽ rộng lượng tha thứ và sẽ mỉm cười về những suy nghĩ ức đoán của tôi.

 

Tôi viết về Thầy, bởi nếu không, tự thấy như một sự thiếu sót. Viết để chia sẻ cùng huynh đệ bằng hữu, những người vô cùng tôn kính Thầy, hay có thể băn khoăn thắc mắc về Thầy, bởi lịch sử của Thầy không đơn thuần suông sẻ, mà đầy thác ghềnh, có khi vô cùng tĩnh lặng, nhưng cũng lắm lúc đầy sấm sét, vũ bão, chông gai. Với Thầy giữa đạo và đời không có bờ ngăn cách. Thầy tùy duyên mà bất biến, vì tùy duyên nên không có trở ngại nào mà Thầy không vượt qua, không một dư luận nào làm Thầy nao núng, miễn là việc làm của Thầy đem lại sự lợi ích an vui cho người khác. Thầy không nghĩ đến sự tổn hại của bản thân, Thầy gạt ra ngoài mọi đàm tiếu khen chê, mọi hờn ghen trách móc, mọi tán dương tôn kính. Tất cả những thứ đó không dính líu gì đến Thầy. Thầy sừng sững như một tượng đá, uy nghi như một ngọn núi và mênh mông như một biển cả. Tất cả thế gian là một trò huyễn hóa, một cơn đại mộng. Thầy đã từ trong cõi mộng đó bước ra, thì có gì trong cõi mộng làm Thầy xao xuyến, bâng khuâng. Có chăng Thầy thương cho mọi người còn nằm trong giấc mộng, quằn quại trong giấc mộng. Chúng sanh ngủ cũng mộng mà thức lại càng thêm mộng. Một cơn mộng triền miên từ vô thỉ đến giờ. Vì mê mờ chúng ta tự gieo họa cho chính mình, tự cột chân trói tay, tự ném mình xuống địa ngục, rồi rên la than khóc, trách trời, trách đất, trách người, trách cho thân phận. Thật đáng thảm thương. Thầy tìm mọi cách đưa ta ra khỏi giấc mộng đó. Thầy dạy cho đệ tử hãy thâm tín nhân quả – đây là giáo lý sơ khởi của Phật giáo, nhưng nếu áp dụng một cách sâu sắc thì ích lợi chẳng thể nghĩ bàn, nên Thầy bảo: “Nam mô nhân quả thì không còn gì oan ức khổ não nữa, thế gian đâu có gì bất công, tất cả đều công bằng” và: “Không ai mắc nợ của ai mà không trả, dầu là một giọt mồ hôi ”

 

Thâm tín nhân quả lo bồi công lập đức, căn lành nảy nở, chắc hẳn có ngày sẽ đến đích. Nhưng đây dẫu sao cũng là con đường tu hành tiệm tiến, con đường “thời thời thường phất thức” của Thần Tú. Nhưng Thầy tôi muốn dạy đệ tử con đường đốn giáo, nhanh lẹ và rốt ráo hơn. Đó là con đường “vô nhất vật” của Huệ Năng. Đây là đường lối của Hòa thượng Nhẫn Tế, khai sơn chùa Tây Tạng, sau khi qua Tây Tạng năm 1935 tu tập xong trở về, đã đặt ra. Hòa thượng Khai sơn bảo: ”Cần đào tạo tiến sĩ, không đặt nặng tú tài hay cử nhân”. Chính vì mục đích lớn lao quan yếu như vậy, cho nên chùa Tây Tạng giới luật gắt gao, làm việc rất nhiều, gần như không có thời gian rảnh để lim dim nghĩ ngợi lung tung. Vì thế nếu ai không có tâm tu hành kiên cố thì có lẽ không kham nổi.

 

Tinh thần đốn giáo từ Hòa thượng Khai sơn truyền xuống Thầy tôi, thể hiện bàng bạc trong phong cách sống và những lời dạy của Thầy. Như trường hợp một cư sĩ giữ giới rất cố chấp, thường hay làm khó cho gia đình, làm phiền não cho bằng hữu, Thầy bảo: “Con hãy giữ cho Thầy một giới thôi, đó là giới không phân biệt”

 

Chỉ một giới không phân biệt là gồm thâu toàn bộ giáo lý Phật giáo. Bởi phân biệt tức phàm, không phân biệt, tức không chấp, là Thánh. Chấp là sinh tử, không chấp là Niết bàn. Chấp là có ta, có người, có tu có chứng, không chấp là vô tu vô chứng. Đó là pháp Đại thừa tối thượng.

 

Có một phật tử nói: “Con thích niệm Nam mô A Di Đà Phật, cầu vãng sinh tịnh độ dễ làm”.

Thầy bảo: “Thầy thích vãng sinh ngay bây giờ”.

Có cư sĩ hỏi: “Thầy thoát vòng sinh tử chưa?”.

Thầy: “Có sinh đâu mà tử ”.

Có lúc Thầy bảo: “Sanh lão bệnh tử khổ miễn mình không khổ thì thôi, Phật cũng chỉ như vậy”.

 

Sinh lão bệnh tử vốn không khổ hay vui, tại mình chấp nên sinh vui khổ. Nếu giữ một tâm không phân biệt thì chẳng có cái khổ nào để phải thoát ra, chẳng có niết bàn nào để tìm đến. Đó cũng là nghĩa của câu Thầy nói: “Làm mà thấy mình làm thì cũng như con trâu”.

 

Làm mà không thấy mình làm, cho mà không thấy mình cho, không thấy kẻ được cho, đó là bố thí vô tướng, Bố thí ba-la-mật. Hành động vô tướng là hành động giải thoát.

 

Thầy bảo:

“Nếu tu thì ba A tăng kỳ kiếp, cần phải ngộ nhập. Không phải mò mẫm từ cái này đến cái khác.

Đó là con đường của “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ chơn tâm, kiến tánh thành Phật” của Thiền tông.

 

Đạo tự nó tròn đầy viên mãn, lục độ vạn hạnh đầy đủ, thần thông biến hóa không thiếu, không sinh không diệt, không thiếu không dư, đâu cần phải tu sửa. Ngoài suy tư lý luận, tìm hiểu, phải quấy hơn thua – cho nên “đầu sào trăm thước” (bách xích can đầu), có thể mò mẫm đi lên được. Nhưng nếu không có “bước nhảy cuối cùng” (cánh tiến nhất bộ) thì đối với Đạo vẫn còn mịt mờ. Vì thế cần phải Ngộ, phải chứng, phải thâm nhập, phải chết đi sống lại, thì mới xong chuyện. Danh từ Thiền tông thường gọi là “Trực hạ thừa đương”, “Đương xứ tức chân”. Ngộ thì ngộ ngay, thấy thì thấy tức thì, không do dự tính toán, không xuyên qua khối óc mà trực tiếp từ bổn tâm tự tánh. Một đệ tử hỏi Thầy: “Tu có cần cố gắng dụng công gì không”. Thầy bảo:

– “Không cố gắng khỉ mốc gì hết !

– Không nỗ lực khỉ mốc gì hết !

– Không từ bi khỉ mốc gì hết!”

 

Từ bi mà còn nghĩ mình là từ bi thì đó chỉ là bản ngã, chẳng phải từ bi chân thực. Từ bi thực sự chỉ có đối với người đã đập tan bản ngã, chấm dứt cái tôi. Lúc đó tạm gọi là từ bi, chứ thật ra nó ngoài ngôn ngữ chữ nghĩa. Thiền sư Lâm Tế nói: “Phật pháp không có chỗ dụng công, chỉ là bình thường vô sự, đi tiêu, đi tiểu, mặc áo, ăn cơm, mệt thì đi nằm”.

 

Đạo là vô tướng vô vi, cho nên lấy tâm hữu vi mà tìm cầu thì càng ngày càng xa cách. Hãy để tâm tự nhiên trống rỗng, mọi việc đến và đi như gió thoảng giữa hư không, như hình bóng hiện qua gương – không lưu lại dấu vết.

 

Có lần, một phật tử quá lo lắng cho con nhỏ mới sinh, những cái lo vu vơ làm mất ăn mất ngủ – bèn hỏi Thầy. Thầy bảo: “Kệ mẹ nó”.

 

Đây cũng là một cách tu. Trong Tổ sư thiền cũng có câu chuyện, một người đàn bà mà mọi chuyện đến với bà đều “Kệ mẹ nó” (Tùy tha khứ – mặc kệ nó). Bị người ta vu oan chưởi bới, bà cũng “Kệ mẹ nó”, nhà cửa cháy, sự nghiệp tan tành cũng “Kệ mẹ nó”. Mọi chuyện đến và đi đều không quan trọng và dính líu gì đến bà. Công phu thuần thục, một hôm bà đổ dầu vào chảo nghe “xèo” một cái, hoát nhiên bà tỏ ngộ.

 

Nói về tỏ ngộ bản tánh, Thầy bảo: “Chơn thật là chơn thật, chơn thật là sẵn có, không bị mua chuộc, không bị tạo tác, không bị thời gian không gian chi phối, ngoài vòng sinh diệt, không có mê ngộ”

 

Được Đạo cũng là được cái không gì cả, bởi Đạo là Vô sở đắc , nếu có một cái để đắc, thì không phải là được Đạo.

 

Được Đạo, Thầy thường gọi là được cái Một – Một đây không phải là cái đối đãi của hai, mà Một là tuyệt đối. “Một là tất cả, tất cả là một”

 

“Ta là người, người là ta”.

“Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”

 

“Ngã đây là Một – Một là Phật tánh. Tánh là Tánh giác trong tất cả chúng sanh. Cái Tánh giác ấy bình đẳng, không phân biệt, không hơn kém. Tất cả mọi loài đều ở trong Tánh giác ấy. Thế nên tất cả chỉ là Một. Nếu như nhận ngay được, tất cả chỉ là Một, là kể như xong. Còn không thì phải Nam mô Nhân quả”.

 

Hay Thầy nói:

“Tất cả là Một, thì còn danh lợi tình tiền gì nữa, còn chém giết gì nữa, hết Tham sân si”.

Hay: “Tất cả là Mình – Mình là tất cả. Ngoài người không có Mình, ngoài Mình không có người. Từ đó mới có Đại Từ, Đại Bi, Đại Hỷ, Đại Xả được”.

Có lần Thầy hỏi một phật tử : “Con tu sao?”. “Con giữ giới”.

Thầy: “Vô ích”.

 

Một phật tử khác: “Con nghiên cứu Kinh Lăng Nghiêm Tông Thông”. Thầy: “Không được”. Rồi Thầy nói: “Mình là nó”. Nó là cái Một – là Tánh giác. Thâm nhập được Tánh giác này, thì làm tất cả mọi việc đều là Phật sự, là làm tất cả mà như không làm gì cả. Suốt ngày bận rộn mà chẳng thấy mình bận rộn. Cả đời độ chúng sinh mà không thấy chúng sinh nào được độ.

 

Thầy nói:

“Khi Kiến tánh thấy tất cả chúng sanh là Phật” – mọi phiền não đều là Bồ đề, mọi trần lao đều là Tịnh độ. Với Tâm Bình Đẳng đó nên nếu có người làm khổ Thầy, Thầy vẫn tự tại an nhiên. Nhiều lần Thầy nói: “Như năm ngón tay của một bàn tay, nếu có ngón nào cào xước mình, không lẽ mình đánh nó. Thầy nói: “Chúng sanh muốn Phật đi hoài thì Phật đi hoài, muốn Phật ngồi hoài thì Phật ngồi hoài, muốn nằm hoài thì Phật nằm hoài”.

 

Thầy tìm cách giúp mọi người. Đối với chính bản thân Thầy sống vô cùng đạm bạc, đơn giản, nhẹ nhàng và tất cả là tiết kiệm, không hoang phí, dầu là một cốc nước trong, không phá một cọng cỏ một cách vô lý. Y phục rất đơn sơ, phòng ngủ chỉ che chắn bằng một vài vách tủ. Thầy cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với đệ tử, gần gũi thân ái như cha với con. Có lần một đệ tử thấy người Thầy đầy mồ hôi, áo quần lam lũ như một nông dân, xách cuốc đi vào bèn bảo: “Chánh đại diện sao mà tả tơi quá”. Thầy bảo: “Không cầu, kể cả làm Phật, chứ cầu gì cái Chánh đại diện”.

 

Tinh thần không mưu cầu và tùy thuận thể hiện trong hình thức thờ phượng ở chùa Tây Tạng. Trước năm 1975, có lần phái đoàn Sứ giả Như Lai từ Sài Gòn đến viếng chùa, bảo: “Sao Thầy thờ phượng lung tung quá”. Thầy bảo: “Các ông thờ Phật còn tôi thờ chúng sanh”. Chúng sanh muốn như vậy, tôi thờ như vậy. Đức Phật đâu có muốn chúng sanh thờ Ngài – thờ Phật chỉ vì lợi ích cho chúng sanh. Thầy tôi muốn hình ảnh Phật đập mạnh vào tiềm thức của mọi người, nên hình Phật hầu như nhan nhản trong chùa. Từ nơi trang nghiêm nhất đến chỗ bình thường, không đâu không thấy Phật. Mới nhìn thì lộn xộn, nhưng lộn xộn mà thực tế ích lợi cho phật tử vẫn tốt hơn, so với trật tự phép tắc mà lạnh lùng khép kín xa rời đồng loại. Cho nên tôi trộm nghĩ Phật và chư Long thần Hộ pháp cũng sẽ mỉm cười hoan hỷ.

 

Cũng vì tùy thuận mà Thầy cho phép coi ngày giờ, tang ma, lễ hội, coi hướng đất đai, cất nhà cất miễu…hay cúng sao giải hạn. Điều này không ai không biết, đối với Phật giáo là tả đạo bàng môn, không cho phép làm, nhưng chúng ta cũng biết rằng “Phật pháp không lìa thế gian pháp”. Thế gian cần pháp đó, tại sao chúng ta không dùng để hướng dẫn họ về với chánh pháp. Điều cần yếu là làm việc đó không có mưu cầu, lợi dưỡng mờ ám. Vào thời đại chúng ta, người người phước trí cạn mỏng, nếu không lấy cái giả thì cũng khó bề hiển lộ cái chơn. Nếu không thì cũng ít kẻ tới chùa, đâu có cơ hội lễ Phật nghe Kinh. Lại nữa, nếu biết dùng thì tất cả các pháp đều là Phật pháp. Một thầy thuốc giỏi thì chẳng có gì là không thuốc hay. Chúng sanh đủ thứ bệnh, nên thuốc cũng có vô vàn. Cũng như một đạo sư hay thì không có pháp nào không là pháp giải thoát và Thầy tôi cũng bảo:

“Dĩ Tham hành Phật sự

Dĩ Sân hành Phật sự

Dĩ Si hành Phật sự ”

 

Đối với người đã vào Đạo, thì Tham Sân Si trở thành Bi Trí Dũng. Cho nên một người còn đứng ngoài đạo như chúng ta làm sao hiểu được hành trạng bất khả tư nghì của Thánh nhân – Phật hiểu Phật – Bồ tát hiểu Bồ tát. Bồ tát còn không hiểu Phật thì làm sao con người phàm mà có thể dò la tin tức bậc Thánh. Có nhiều người thường theo dõi Thầy, quan sát, tìm hiểu, nhưng cũng chỉ là ấu trĩ, vô ích thôi. Thầy nói: “Theo dõi Thầy riết điên à ”.

 

Chư vị Bồ tát độ sinh, ngoài những thuận duyên, thuận hạnh thì ai cũng thấy được nhưng nghịch duyên nghịch hạnh thì nào ai hiểu. Một đệ tử nhìn phong thái của Thầy, từ mọi cử chỉ… bèn hết lời tán thán. Thầy bảo: “Nếu một vị làm nghịch hạnh thì sao!”.

 

Thuận hạnh ôn tồn, thương yêu dạy bảo, thì ai cũng khen ngợi – nhưng đánh đập, chửi bới la hét thì đâu có ai ưa. Có biết bao Thiền sư dùng nghịch duyên để dạy dỗ đồ chúng, những Mã Tổ, Lâm Tế, Cừu Chỉ, Đạt Ma, Huỳnh Long… Vị Tổ thứ chín ngành Lâm Tế đã từng đối xử tàn tệ với đệ tử, xua đuổi, đánh đập, đến nỗi đệ tử bỏ đi hết chỉ còn lại 6 người. Sáu vị này tin tưởng tuyệt đối vào Thầy và cuối cùng thành sáu vị Thiền sư kiến tánh – và chúng ta, môn đồ dòng Lâm Tế đời thứ 42, tức môn đồ của một trong sáu vị này.

 

Hay như trường hợp của Milarepa bị Thầy hành hạ dở chết, dở sống nhưng vẫn kiên quyết một lòng tin tưởng Thầy không đổi. Nếu lúc đó vội nghĩ rằng, sao Thầy lợi dụng mình quá sức, ổng cũng có gia đình con cái, sao mình phải khổ sở xây nhà cho con ông…Nếu sanh tâm như vậy thì làm sao trở thành một Tổ sư vĩ đại của dòng Mật tông Tây Tạng sau này.

 

Ngoài ra còn có rất nhiều vị Bồ tát nghịch hạnh, suốt một đời chẳng ai hay biết, nào Bố Đại Hòa Thượng, Hàn Sơn, Thập Đắc…chỉ đến lúc mất mọi người mới biết đây là Thánh nhân thị hiện cứu đời.

 

Chùa Tây Tạng còn giữ tập tục xin keo, khi tín đồ nhập môn, quy y hay xuất gia. Điều này cũng không ngoài câu “Vạn pháp duy Tâm tạo”. Tâm có cảm, tất có ứng , linh tại ngã bất linh tại ngã. Một ích lợi tối thiểu của việc xin keo này, là người được chấp nhận quy y, tự thấy mình được thiêng liêng đáp ứng, sẽ sốt sắng, tinh tấn trong việc giữ giới luật. Nếu người chẳng có đức tin thì sẽ cho là mê tín, nhưng người có đức tin thì vô cùng hoan hỷ. Lại nữa, một bộ kinh lớn của Khổng giáo là Kinh Dịch cũng đầy đủ trong đó Nho – Y – Lý – Bốc. Bốc chẳng phải là bói quẻ đó sao! Một “Vạn thế sư biểu” như Khổng Tử không lẽ mê tín sao! Cho nên chúng ta chớ nên đem đầu óc hẹp hòi, thiển cận mà phê bình, chỉ chuốc lấy phiền não tai họa mà thôi – “Bán cú phi ngôn, ngô tổn bình sinh chi đức”.

 

Việc xuất gia, thọ giới ở chùa Tây Tạng cũng rất bình đẳng, không cần biết người đó là ngu dốt, khờ khạo hay thông minh trí thức, đẹp xấu, giàu hay nghèo, quan quyền hay dân dã, khiêm tốn hiền lành hay hung hăng thô bạo… miễn là tha thiết phát tâm tu hành. Hột giống Bồ Đề luôn thành cây trái Phật. Nếu được nhận làm tu sĩ thì mỗi người cũng chỉ một cái đơn, vài bộ đồ cùng ăn nghỉ làm việc, giống như vị Tân Trụ trì không khác.

 

Giữa thời buổi văn minh, chuộng tri thức khoa bảng mà chùa Tây Tạng không chủ trương cho đệ tử ra học văn hóa khoa học hay Phật pháp ở các trường ngoài đời làm cho nhiều người thắc mắc – cho nên có kẻ tới chùa nói rằng: “Chùa Tây Tạng không kiến thức, tu mù”. Đây là điều nhận xét đúng với đời nhưng hoàn toàn sai với đạo. Đời thì càng nhiều kiến thức, lắm khoa bảng thì càng tốt, càng tạo được danh được lợi nhưng Đạo càng nhiều kiến thức thì càng nguy, càng hại việc công phu, nhất là đối với Thiền tông, Tổ Sư Thiền, thì kiến thức chỉ là tai họa, càng thông minh lanh lợi, càng cản trở việc minh tâm kiến tánh. Chúng ta hãy nghe kinh điển Phật dạy và giáo pháp các vị Thiền sư:

– “Kiến văn giác tri là bệnh đã thành từ vô thỉ” (Kinh Lăng Nghiêm).

– “Tri kiến lập tri, tức vô minh bổn” (Lăng Nghiêm).

– “Nghĩ mà biết, suy mà hiểu là kế sống nhà quỷ” (Thiền sư Tượng).

– “Pháp lìa Kiến văn giác tri, nếu hành theo Kiến văn giác tri thì chẳng phải cầu pháp”. (Kinh Duy Ma Cật).

– “Tình nguyện suốt đời chẳng hiểu Phật pháp”. (Trung phong Minh Bổn).

– “Hiểu nhiều khó chứng, vì chứng là chứng cái chưa hiểu”.

– “Hãy bỏ tất cả những gì mình có và đừng đem vào Tâm cái mình chưa có”. (Bàng Uẩn).

……

Thiền Tông chỉ một chữ biết đã là tai họa, chỉ một chữ hiểu đã là cản trở việc hội nhập huống gì nói đến đa văn kiến thức. Huệ Năng không đa văn kiến thức, nhưng khi nghe câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” thì hoát nhiên tỏ ngộ còn chúng ta có khi nghe câu đó cả ngàn lần, hiểu thì ai cũng hiểu, mà ngộ thì đã có ai!

 

Hiểu thì dùng cái trí, bộ não mà ngộ là tại Bổn Tâm.

 

Phật khai thị giáo lý cốt để chúng ta ngộ nhập chứ không phải để hiểu. Hiểu thì dầu cỡ nào đi nữa cũng chỉ là phàm. Đa văn, hiểu rộng như A Nan cũng không thể giải thoát. Chỉ có Ngộ mới là Thánh nhân.

Thánh nhân thấy như thấy, nghe như nghe mà tâm không hề động, mọi hiểu biết đều là trí huệ Bát nhã, còn chúng ta mà thấy mà nghe là khởi lên cái biết và sóng phiền não cuồn cuộn nổi lên, nào ta, người, thị phi, thương ghét… mang mang không dứt.

Thầy tôi không chuộng nói mà chuộng làm, không chuộng tri mà chuộng hành, vì càng nói nhiều càng rỗng tuếch. Thầy thường bảo các đệ tử: “Thầy không thích nói Giải thoát mà muốn chứng minh sự Giải thoát”, và “Càng đọc sách nhiều càng loạn tâm, người xưa chỉ một câu để vào Đạo”.

Tịnh Độ tông chỉ một câu Nam mô A Di Đà Phật cũng có thể trở thành “Bất thối Bồ tát vi bạn lữ”, Thiền tông chỉ cần một công án hay một thoại đầu, với cái “Nghi” cũng đủ Minh Tâm Kiến Tánh.

 

Con người bị cái tâm hướng ngoại tìm cầu, quá ham kiến thức, làm cho tâm trí khô cứng, mất đi sự linh hoạt nhạy bén, vô tư , từ đó dễ sinh ngạo mạn tự cao nên Thánh nhân thường quở là “Sở tri chướng” hay “Sở tri ngu”.

 

Người tu chỉ nên dùng một pháp. Cọ cây thì cọ một chỗ mới có ngày ra lửa, đường nào thì chỉ một đường mà đi, “Hướng thượng nhất lộ” mới mong đến đích. Đó cũng là những gì Thầy thường răn dạy.

 

Đến nay Thầy tôi đã 104 tuổi, Thầy không đi lại và thường ngồi xe lăn. Giáo lý, những lời khai thị của Thầy là những cái mỉm cười, gục đầu hay lặng thinh không nói.

 

Chúng đệ tử và Phật tử vẫn một lòng tôn kính và thương yêu Thầy.

 

Trước đây Thầy nói năng dạy dỗ đệ tử như vậy, nay Thầy yên lặng và cũng dạy dỗ đệ tử như vậy. Như Đức Phật nói: “Nói năng như Chánh pháp và yên lặng như Chánh pháp”.

 

Thầy tôi từ xưa đến nay lúc nào cũng như vậy.

Tất cả đều Như Thị.

 

Đối với tôi, được gặp Thầy là một hân hạnh. Được xuất gia cùng Thầy là một ân sủng lớn, bởi giữa thời buổi này, việc tìm Thầy cầu đạo không phải là việc đơn giản dễ làm.

 

Như vậy và chắc hẳn là nhơn duyên từ nhiều đời tôi đã gặp Thầy tôi, Hòa Thượng Như Trạm, Tịch Chiếu – Tây Tạng Tự.

 

THIỀN SƯ NHẪN TẾ 80 NĂM KỶ NIỆM TÂY DU PHẬT QUỐC

 TÂY TẠNG TỰ

 NXB: TÔN GIÁO

 

 

 

 

 

SHARE:

Trả lời