ĐỨC PHẬT DẠY PHÁP THẤY TÁNH

SHARE:

Bài viết này sẽ trình bày rằng Thiền Tông là pháp môn nguyên thủy và cốt tủy do Đức Phật dạy. Nói nguyên thủy, vì Thiền Tông chính từ lời Đức Phật dạy. Nói cốt tủy, vì nhiều cách an tâm trong Thiền Tông là từ các kinh, khi chư tăng cao niên xin dạy pháp ngắn gọn để sẽ lui về một góc rừng ngồi trọn đời cho tới khi giải thoát.

Bài viết này sẽ sắp xếp các lý luận sao cho thực dụng, có lợi cho tất cả những người quan tâm và muốn bước vào Thiền Tông. Tính thực dụng trong cách an tâm sẽ trình bày cụ thể, trong mức có thể được. Bản thân người viết tự xét sở học bất toàn, nên sẽ tránh ý riêng tối đa, để chủ yếu dựa vào các kinh Pali phổ biến, có sẵn với các bản Anh văn trên mạng.

Hy hữu trong đời là gặp được, tin được và tu học được Phật pháp. Trước tiên, xin ghi lời ngợi ca Phật pháp bằng cách ghi lại Kinh Pháp Cú kệ 178:

“Chỉ mới đạt sơ quả Tu Đà Hoàn, đã thấy tốt lành hơn là làm chủ trọn thế gian nay, tốt lành hơn là vào sống cõi chư thiên, tốt lành hơn là lên ngôi vua tối thượng của toàn vũ trụ…”

Vâng, chỉ mới sơ quả thôi, đã có giá trị tuyệt vời như thế. Cuộc đời này quá ngắn, gặp được Phật pháp là cơ duyên tuyệt diệu, hy hữu của trăm kiếp, nghìn đời. Căn bản Phật pháp có thể gom về ba chữ là tu giới định huệ, để lìa tham sân si; tất cả các pháp không ngoài xả ly tham sân si. Thực sự Kinh Phật dạy, chỉ cần lìa riêng một tâm sân thôi, cũng đủ đắc tam quả A Na Hàm.

Trong muôn ngàn lời dạy từ Kinh Phật, tuyệt vời nhất là khi học được và tu được pháp môn ngắn gọn do chính Đức Phật tuyên thuyết. Vì rất nhiều người trong chúng ta không còn nhiều thì giờ nữa trong đời này.

Tại sao nói rằng Đức Phật đã dạy pháp Thấy Tánh?

Đơn giản, đọc lại Kinh Pali, có thể thấy rằng tới 90% kinh là dạy về thấy, nghe, hay, biết… dạy về sắc, thọ, tưởng, hành, thức…  dạy thấy tâm nơi không một pháp nào dính vào, nhìn thấy tâm nơi chỗ rỗng rang, nhìn thấy tâm nơi khởi lên và biến diệt, nhìn thấy tâm vô tác, vô tướng… Ngắn gọn, đây là dạy Thấy Tánh.

Đúng là Đức Phật có dạy ngồi thở, có dạy về một số pháp xử thế trong xã hội.  Nhưng phần lớn, hầu hết, Đức Phật nói về bản tánh các pháp là vô thường, là bất như ý, là không tự ngã, là rỗng rang, là chiếu sáng của tâm, là hư ảo của sắc thọ tưởng hành thức, và tương tự. Thấy được tánh các pháp như thế, là giải thoát.

Thiền Tông chỉ dạy pháp Thấy Tánh. Dạy ngồi, dạy hít thở chỉ là phụ.  Khi đã Thấy Tánh rồi, đã thấy là rỗng rang vô ngã, đã thấy muôn pháp tương tức nhân duyên, tức nhiên là trong tâm sẵn đủ Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo. Lúc đó, cần ngồi làm chi, không cần tu một pháp nào hết nhưng muôn pháp sẽ trọn đủ. Bởi vì, tất cả các pháp sẽ hoàn tất ngay trong một niệm. Khi nhìn thấy vừa khởi niệm (bất kể là niệm tham sân si hay không, bất kể niệm lành hay dữ), người tu thấy ngay bản tánh của niệm là rỗng rang, là vô tự tánh, tức khắc niệm này sẽ biến vào cõi lặng lẽ của tâm – trong mỗi niệm dưới mắt người thấy tánh, niệm này tức khắc trải qua sanh lão bệnh tử để trở về biển tâm vốn rỗng rang, vô tướng, vô tác … Cho nên, gọi rằng không cần tu. Và thấy nghe hay biết như trong pháp Như, trước mắt thấy tự tâm là gương sáng rỗng rang bất động, bất kể khi cảnh mưa gió bão tuyết hiện ra trước gương tâm nhưng tính rỗng sáng vẫn bất động, vẫn lặng lẽ. Tuy rằng tu pháp như như bất động, nhưng vẫn viết sách, vẫn làm thơ, vẫn vào đời thuận theo cơ duyên hoằng pháp…

***

Thiền Tông phần lớn dựa vào lời dạy ngắn gọn, thường là các pháp đặc biệt do Đức Phật tuyên thuyết, khi có một vị tăng cao niên xin lời ngắn gọn để nghe xong, sẽ lui về góc rừng ngồi tu tới trọn đời.

Lời dạy ngắn gọn thường được nhắc tới là Kinh Bahiya, khi một du sĩ ngoại đạo nghe xong, vài khoảnh khắc sau là thành A La Hán, trong đó Đức Phật dạy rằng hãy tập là trong cái thấy chỉ là cái được thấy, trong cái nghe chỉ là cái được nghe… (1) 

Lời dạy ngắn gọn tương tự là Kinh Malunkyaputta, khi Tỳ kheo Malunkyaputta đã cao niên, tự biết không còn ở lâu trên cõi đời này, cho nên mới hỏi Đức Phật, xin dạy pháp ngắn gọn, để lui về tu khẩn cấp.(2)

Lời dạy ngắn gọn khác được dạy là Kinh Khemaka, dạy để tâm vô sở trụ (không dính tâm vào đâu cả), phương pháp là hãy chăm chú nhìn vào chỗ tập khởi và biến diệt của tâm. Nghe xong, 61 tỳ kheo đắc quả A La Hán.(3)

Lời dạy ngắn gọn khác là ở Kinh Kalaka, dạy chớ dựng lập thấy biết, được giảng lại chi tiết ở Kinh Lăng Nghiêm, và Đức Phật nói rằng đó là dạy về pháp “Như” tối thượng, không pháp nào cao hơn. (4)

Lời dạy ngắn gọn khác là ở Kinh Cetana, dạy chớ dựng lập ý niệm. (5)

Lời dạy ngắn gọn khác là ở Kinh SA 17, dạy bứng gốc và buông bỏ sắc thọ tưởng hành thức, nghĩa là bứng gốc và buông bỏ mọi hiện tướng của thân tâm. (6)

Các pháp ghi trên thực ra là rất gần nhau, là nhiều cách tiếp cận khác để tâm rỗng rang, bình lặng, mà không cần tập định, vì đây là tự tánh định. Theo các lời dạy này, hễ khởi tâm tập định là dính vào cõi thấy nghe hay biết của sắc thọ tưởng hành thức, nghĩa là dính vào tập quán hành nghiệp muôn đời.

Các lời dạy ngắn gọn nêu trên Bồ Đề Đạt Ma truyền sang Trung Hoa, rồi do Ngài Huệ Năng dạy trong Kinh Pháp Bảo Đàn, dùng làm các pháp thiền cốt tủy cho Tổ Sư Thiền. Vào cuối thế kỷ 20 và đầu 21, một trong những người nối pháp Thiền Tông là cố Thiền Sư Duy Lực, một vị sư từng được GHPGVN thỉnh giảng trong một số khóa tu ngắn hạn ở các tỉnh Miền Trung và Miền Nam cuối thập niên 1990s. Nhiều thế kỷ trước, tại Việt Nam, các pháp ngắn gọn này được Phật Hoàng Trần Nhân Tông dùng làm pháp cốt tủy cho Thiền Trúc Lâm, một thiền phái một thời bặt dấu và gần đây được hồi phục  nhờ công lớn của Thiền Sư Thích Thanh Từ.

***

Câu hỏi là, pháp chánh niệm (mindfulness) hiện nay dạy phổ biến ở Hoa Kỳ và Châu Âu, có liên hệ gì tới Thiền Tông? Xin trả lời, đây là một công cụ để an tâm. Nếu không Thấy Tánh, có thể người tu sẽ bị dẫn đi lầm lạc, hoặc chệch sang các pháp thế tục, hoặc chệch sang ngoại đạo.

Một điểm để suy nghĩ rằng, Phật giáo khi sang Hoa Kỳ và Châu Âu, công cụ chánh niệm (mindfulness) được rút ra để phục vụ cho nhiều mục đích trần gian. Hiệu quả đa dạng của chánh niệm được dùng trong bệnh viện để chữa bệnh, dùng trong giới sinh viên để tập trung tư tưởng và tăng trí nhớ, dùng trong quân sự đê tăng phản ứng nhanh nhẹn và tăng hiệu năng tác chiến, dùng trong nhà thờ để “tĩnh tâm và lắng nghe Thượng Đế” và cũng được một số bác sĩ sử dụng (mindfulness) để hướng dẫn tăng các khoái lạc thân xác. Thậm chí, một số Phật tử tập thiền có thể đi lạc sang ngoại đạo, khi thấy cơ thể nhẹ nhàng và đạt vài công năng đặc dị, và rồi chạy theo những người tự xưng thế này, thế kia.

Đọc Kinh Phật, chúng ta sẽ thấy rằng, trong rất nhiều kinh, khi Đức Phật nói xong, là có những vị sư (và cả cư sĩ, du sĩ) đắc ngay quả A La Hán.  Tại sao như thế? Có phải vì nghiệp có thể tan biến chỉ trong khoảnh khắc? Hay thực sự, không hề có gì gọi là nghiệp cả, mà chỉ vì khi chúng ta mê thì nghiệp níu kéo, khi tỉnh thì nghiệp nhẹ thênh thang? Chỉ vì nghiệp tự thân cũng là vô ngã, cũng là do nhân duyên. Nếu nghiệp có thực thể, chúng ta trả nghiệp hoài cũng không xong.

Hãy nghĩ rằng, chúng ta như trên sân khấu các vở kịch, đóng đủ thứ vai trò, khi làm vua, lúc làm dân, cũng với đủ thứ vui buồn giận dữ, nhưng khi thấy được tánh của các vở kịch chỉ là hư giả, mới tỉnh ra rằng đây là vở kịch; lúc đó sẽ không có cảm xúc nào trong kịch lôi kéo mình nổi, và khi bước ra sân khấu là vô lượng nghiệp của trăm ngàn vai kịch cũng sẽ khoảnh khắc tan biến. Đó là lý do, một khi Thấy Tánh, vô lượng nghiệp dữ tan biến.

***

Pháp Thấy Tánh thực ra mở Kinh Pháp Cú là thấy rồi.

Trong Kinh Pháp Cú, Kệ 170, kể về một lời dạy ngắn gọn của Đức Phật. Kinh này ghi rằng, có 500 nhà sư ban đầu nhận đề mục thiền định từ Đức Phật, nhưng tập hoài vẫn không khởi được tuệ giác. Khi Đức Phật nói lên Kệ 170, và gần như tức khắc, 500 vị sư đắc quả A La Hán. Tại sao nhanh như thế? Có phải nghiệp tan biến dưới đôi mắt tuệ? Có phải nghiệp vô lượng kiếp chỉ là vô lượng vai trò với tham sân si trên sân khấu kịch, và khi tỉnh ra rằng đây là kịch, tất cả tham sân si trong các vai kia sẽ mất tác dụng?

Nơi đây, xin trích đăng Tích Truyện Pháp Cú, bản dịch của Thiền Viện Viên Chiếu, về Kệ 170, trích:

“3. Năm Trăm Tỳ Kheo Chứng Quả

Hãy nhìn như bọt nước …

Câu chuyện này xảy ra khi đức Bổn sư ở tại Kỳ Viên với năm trăm Tỳ-kheo chứng quả.

Có năm trăm Tỳ-kheo nhận đề mục thiền định từ đức Bổn Sư, trở về rừng và nỗ lực thiền định. Nhưng mặc dù gắng sức chiến đấu hết mình, họ không thể nào phát triển tuệ giác.

Các thầy nghĩ thầm: “Chúng ta sẽ đổi đề mục khác thích hợp với chúng ta hơn”. Các thầy lại chỗ Phật, trên đường đi các thầy thấy một ảo ảnh, tập trung mọi ý niệm về ảo ảnh ấy, các thầy khai mở tuệ giác. Khi bước vào sân tu viện, trời đổ mưa, các thầy đứng đấy nhìn những bọt nước nổi bập bềnh và tan nhanh chóng. Một tư tưởng trỗi dậy: “Tự ngã của chúng ta như bọt nước nổi tan”. Lập tức các thầy tập trung tư tưởng vào ý nghĩ này. Đức Bổn Sư đang ngồi trong hương thất, bèn hóa thân đến trước các thầy, nói kệ:

(170) Hãy nhìn như bọt nước,

Hãy nhìn như cảnh huyễn!

Quán nhìn đời như vậy,

Thần chết không bắt gặp.

Nghe xong, các thầy chứng quả A-la-hán ngay tại chỗ.” (ngưng trích)

Xin xem bản Việt dịch và Anh dịch ở link (7).

***

Nhìn như bọt nước, nhìn như cảnh huyễn? Đó là pháp Thấy Tánh. Đức Phật bảo phải nhìn, không bảo phải ngồi rèn luyện công phu. Ai thấy tất cả các pháp cõi này như thế trọn ngày, tự nhiên, là không còn pháp nào dình vào tâm nữa, và tức khắc giải thoát vì không gì buộc nữa. Xin chú ý rằng, pháp (mindfulness) dùng cho các thế gian trên báo Mỹ hầu hết không hề nói gì về nhìn các pháp như huyễn, mà đều dùng như công cụ để thành đạt và vun bồi cho cái tự ngã để thành công hơn trong cõi dục này.

Chư Tổ đưa pháp ngắn gọn trong Kệ 170 vào Kinh Kim Cang, được Thiền Sư Thích Thanh Từ dịch như sau, trích:

“Này Tu-bồ-đề, nếu có người đem bảy báu bằng thế giới trải qua số kiếp vô lượng a-tăng-kỳ để bố thí. Nếu có người thiện nam, người thiện nữ phát tâm bồ-đề đem kinh này cho đến bốn câu kệ v.v. thọ trì, đọc tụng, vì người diễn nói thì phước của người này còn hơn phước của người kia. Thế nào là vì người diễn nói? Chẳng thủ nơi tướng, như như bất động. Vì cớ sao?

Tất cả pháp hữu vi,

Như mộng, huyễn, bọt, bóng,

Như sương cũng như điện,

Nên khởi quán như thế…” (ngưng trích) (8)

***

Chỉ thấy các pháp là huyễn, có nghĩa là thấy ngay hiện cảnh sắc thọ tưởng hành thức trước mắt cần quăng bỏ, tức khắc thoát sinh tử luân hồi… Pháp môn đó, không có thứ lớp, nên còn gọi là Vô Môn, tức Không Cửa Vào, còn gọi là Tâm Tông.  Và vì quăng bỏ sắc thọ tưởng hành thức, và vì đưa vô lượng chúng sinh (hiện tướng của sắc thọ tưởng hành thức) vào Niết Bàn, nên còn gọi Thiền Tông là 84 ngàn pháp môn, khi 84 ngàn phiền não khi được nhìn tới liền tức khắc là 84 ngàn cửa vào đạo. Đó là, phiền não tức bồ đề.

Lời dạy trong Pháp Cú Kệ 170 còn đưa vào Kinh Viên Giác, được chư Tổ giảng rằng “tri huyễn tức ly” là pháp không cần tu, không cần ngồi – thấy huyễn, là không còn dính gì tới cõi sinh tử nữa, là nghiệp vô lượng kiếp sẽ không kéo nổi chúng ta nữa.

Bản dịch của Thiền sư Duy Lực, trích:

“Thiện nam tử! Tất cả Bồ Tát và chúng sanh đời mạt pháp nên xa lìa tất cả huyễn hoá, những cảnh giới hư vọng do vọng tâm cố chấp mà sanh. Nay xa lìa vọng tâm, cái tâm năng lìa cũng là huyễn, cũng phải xa lìa. Có sự xa lìa cũng là huyễn cũng phải xa lìa. Có sự xa lìa để lìa vẫn là huyễn, cũng phải lìa luôn, lìa rồi lại lìa nữa, đến chỗ chẳng có sở lìa mới dứt hẳn các huyễn. Ví như dùi cây lấy lửa, hai cây chà xát vào nhau, lửa ra thì cây cháy thành tro, khói diệt tro bay, đất chỗ nơi đốt vốn chẳng động; vậy dùng huyễn tu huyễn cũng như thế, các huyễn diệt hết nhưng chẳng phải đoạn diệt.

Thiện nam tử! Biết huyễn tức là lìa, chẳng lập phương tiện; lìa huyễn tức là giác, cũng chẳng thứ lớp. Tất cả Bồ Tát và chúng sanh đời mạt pháp theo đó tu hành, như thế mới được lìa hẳn các huyễn. (hết trích) (9)

Cả Kinh Kim Cang và Kinh Viên Giác đều là căn bản của Thiền Tông. Cảnh giác, tuy nói không cần tu, nhưng thực sự là tu suốt ngày, tu trong từng khoảnh khắc của tâm. Nhưng không quán gì hết, vì quán là rơi vào thứ lớp, rơi vào sinh diệt. Quán chỉ là một phương tiện của các pháp có tu, trong khi Thiền Tông là cái thấy nghe hay biết không qua mài giũa, vì là pháp vô sinh diệt. Ngắn gọn, Thiền Tông là bảo nhậm cái tâm xa lìa mọi sắc thọ tưởng hành thức.

Để đối chiếu, thử nêu một thí dụ, trong nhà chùa có pháp gọi tên (labelling) bất kỳ hiện tướng nào của tâm thân, khi đi biết và gọi tên là đi, khi ngồi biết và gọi tên là ngồi, khi thấy tâm vui hay buồn thì nhận ra và gọi tên  là tâm vui, buồn… Đó là một pháp an tâm tuyệt diệu. Tuy nhiên, Thiền Tông lại khác, vì không cần gọi tên bất kỳ pháp nào ra, vì là ngôn ngữ đạo đoạn (cắt đứt con đường ngôn ngữ), vì là đọc “kinh không chữ” và là cái thấy nghe hay biết trước khi ngôn ngữ hình thành. Thiền Tông là pháp môn khi tâm chưa khởi lên, là pháp môn của quăng bỏ sắc thọ tưởng hành thức.

Rất nhiều người cũng từng có những kinh nghiệm thế này: khi bạn bước ra vườn và đột nhiên mưa rào đổ xuống, bạn thấy lạnh co ro… và nhận ra cái tâm thấy lạnh và co ro đó khi chưa có chữ nào hiện lên, lúc đó là tâm sơ nguyên – tâm này xa lìa thiện ác lành dữ, xa lìa mọi thứ lớp  ba cõi sáu đường, và là một cõi gương sáng, rỗng rang, vô ngôn. Tương tự, khi một vị sư bị véo mũi, hay một vi sư bị cánh cửa kẹp vào chân đau điếng… chính ngay khi thân đau đó, khi chữ chưa hiện ra, đã thấy đó là tâm. Pháp môn này là thấy được tâm vô tâm, không trải qua chữ nào hết.

***

Các pháp (mindfulness) được dạy ở Hoa Kỳ và Châu Âu là tập trung vào cái bây giờ – không nghĩ tới hôm qua, không nghĩ tới ngày mai, không nghĩ chuyện quá khứ, không vẽ vời chuyện tương lai. Đúng là Đức Phật có dạy như thế trong Trung Bộ kinh 131. Nhưng, khi dạy tới pháp “vô sở trụ” hay pháp “bứng gốc và buông bỏ sắc thọ tưởng hành thức” thì lấy đâu ra cái bây giờ để thân tâm này chăm sóc cái (mindfulness), vì lúc đó cả ba thời – quá, hiện, vị lai – đều vào cõi vắng lặng rồi.

Tới đây, chúng ta nên nhắc về trường họp Pháp Sư Đức Sơn (782-865) chuyên giảng Kim Kim Cang, không tin các sư dạy pháp thiền đốn ngộ, nên đã về phương Nam để tìm tranh luận. Khi tới Lễ Châu, gặp một bà già bán bánh rán, mới hỏi mua cho đỡ đói. Thấy sư gánh bộ Thanh Long Sớ Sao, bà già nói là sẽ hỏi một câu, nếu sư trả lời được thì sẽ được cúng bánh.

Sư Đức Sơn đồng ý, bà liền hỏi: “Trong kinh Kim cương có nói ‘Tâm quá khứ bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc.’ Vậy Thầy muốn điểm tâm nào?”

Sư Đức Sơn lặng thinh, không đáp được. Bà già mới chỉ Sư đến tham vấn Thiền sư Long Đàm.

Sư Đức Sơn về học với Ngài Long Đàm, nhiều năm chưa ngộ. Uyên bác như thế, tinh cần như thế… tại sao chưa ngộ? Một đêm, Đức Sơn hầu Long Đàm, nói khuya rồi, không thấy gì, Long Đàm thắp nến đưa, Đức Sơn tính nhận thì Long Đàm thổi tắt biến. Đức Sơn nói rằng từ đây không còn nghi ngờ lời dạy của Sư Long Đàm nữa.

Đó là trong cái khoảng khắc của thấy bóng tối, rồi thấy đèn, rồi đèn tắt lại thấy bóng tối. Thấy sáng, thấy tối… sao nói là không thấy tâm nào cần điểm? Thấy đó là một tâm, và xa lìa nhân duyên sáng tối, là khi cái được thấy là cái được thấy, xa lìa cả ngôn ngữ “sáng, tối”… Đây là kinh nghiệm, không phải chữ để thuộc lòng. Chính ngay lúc đó, tâm hiện tại nói là biến mất cũng được, nói là một niệm ngàn năm cũng được, nhưng đó là khoảng khắc của quăng bỏ sắc thọ tưởng hành thức. Nếu cứ nói là “giữ tâm hiện tại” có khi sẽ mắc mưu các bác si Mỹ chỉ muốn dùng (mindfulness) để chữa bệnh và tìm cái khoái lạc hiện tại ở cõi này.

***

Trong Kinh Pháp Cú, kệ 348 có lời dạy của Đức Phật tương tự. Kinh này cho thấy, sau khi Đức Phật dạy ngắn gọn rằng hãy buông bỏ hết ngũ uần (tức, buông bỏ: sắc thọ tưởng hành thức) trong quá khứ, hiện tại, vị lai… chàng trai làm xiếc tức khắc chứng qủa A La Hán ngay trên cột cao. Đây lại thêm trường hợp một cư sĩ chứng quả tối thượng, ngay khi đang làm xiếc. Chỉ vì một lời dạy của Đức Phật. Lời này cũng dạy phải quăng bỏ cái hiện tại. Nghĩa là, không một tâm có thể dính tới.

Tích Truyện Pháp Cú, Kệ 348, do Thiền viện Viên Chiếu dịch, trích như sau:

“…Phật đọc được tư tưởng của chàng liền bảo Trưởng lão Mục-kiền liên:

– Ông hãy đến bảo con viên chưởng khố ta muốn xem chàng biểu diễn tài nghệ.

Tôn giả đến bên cây cột nói với chàng diễn viên:

Này, Uggasena

Diễn viên xiếc tài ba!

Hãy phô trương tài nghệ,

Cống hiến dân thành ta.

Uggasena nghe vậy vô cùng hoan hỉ: “Chắc đức Thế Tôn muốn xem tài năng của ta”. Nghĩ vậy, chàng liền đáp, trong lúc vẫn đứng lơ lửng trên đầu cột:

Hãy xem tôi, Mục-kiền-liên Tôn giả!

Bậc đại trí, bậc đại thần thông!

Tôi trổ tài cống hiến đám đông

Và làm họ cười reo thỏa thích

Từ trên đầu cột chàng tung mình lên không, quay lộn mười bốn vòng rồi đặt chân trở lại, giữ thăng bằng trên đầu cột.

Đức Thế Tôn bảo:

– Này Uggasena, người trí phải biết cởi bỏ buộc ràng của thân ngũ uẩn trong quá khứ, hiện tại và vị lại. Như vậy, người ấy mới thoát được sanh, già, bệnh, chết.

Ngài nói kệ:

(348) Bỏ quá, hiện, vị lai,

Đến bờ kia cuộc đời,

Ý giải thoát tất cả,

Chớ vướng lại sanh già.

Phật nói xong, tám vạn bốn ngàn người được pháp nhãn thanh tịnh, con trai quan chưởng khố đắc quả A-la-hán và được thần thông ngay khi chàng còn đứng lơ lửng đầu cột.

Chàng tụt xuống, tiến tới trước đức Thế Tôn, năm vóc gieo xuống đất đảnh lễ Phật và xin được gia nhập Tăng đoàn. Phật đưa tay nói: “Hãy đến, Tỳ-kheo!” Chàng liền biến thành một vị Trưởng lão chừng sáu mươi tuổi, với đầy đủ tám vật dụng tùy thân. Các thầy Tỳ-kheo hỏi Trưởng lão:

– Này huynh Uggasena, huynh leo từ cây cột ba chục thước xuống mà không sợ sao?

Uggasena đáp:

– Chư huynh đệ, tôi chẳng sợ chút nào.Chúng Tỳ-kheo bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn, Uggasena nói “Tôi chẳng sợ chút nào” là nói điều không thật. Ông ấy phạm việc dối trá.

Phật bảo:

– Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo như Uggasena đã diệt trừ tham ái, không còn lo âu sợ hãi gì nữa.” (hết trích)

Bản Việt dịch và Anh dịch để ở link (10).

Chú ý câu bên trên: “tám vạn bốn ngàn người được pháp nhãn thanh tịnh” có nghĩa là 84.000 phiền não trong tâm tức khắc trở thành trí tuệ pháp nhãn. Đây là ý nghĩa của tám vạn bốn ngàn pháp môn. Kệ này cũng cho thấy y hệt như Kinh SA 17 rằng pháp môn này không cần trải qua thời gian tuần tự. Chỉ cần quăng bỏ hết các pháp…

***

Chúng ta nói Thấy Tánh, có thực cần như thế không? Xin trả lời: Cực kỳ cần thiết, để khỏi chệch sang ngoại đạo: Có thể thấy một cảnh giác ghi về những pháp giữ tâm an lạc hiện tại kiểu Hoa Kỳ và Châu Âu (nếu chúng ta thuần túy giữ tâm an lạc trong hiện tại) qua bài “Kinh SA 79: Đức Phật Dạy Về Pháp Ngắn Gọn.”

Kinh này sẽ làm sáng tỏ rằng giữ tâm an lạc nơi các pháp hiện tại có thể sẽ mang nhiều rủi ro chệch hướng. Trích bản Anh dịch, và sẽ chuyển ra Việt ngữ, như sau:

“Saṃyuktāgama 79. Discourse on a Brief Teaching

… At that time the Blessed One said to the monks: “Past and future bodily form is after all impermanent, what to say of present bodily form! A learned noble disciple who examines it in this way is not concerned with past bodily form and does not rejoice in future bodily form. Being disenchanted with present bodily form, he becomes free from desire for it and proceeds towards its cessation. Feeling … perception … formations … consciousness are also in this way…

… As for “impermanent“, so with “dukkha“, “empty” and “not self” three discourses should be recited in the same way.”

“Saṃyuktāgama 79. Kinh về Giáo pháp ngắn gọn

… Vào lúc đó, Thế Tôn nói với các sư: “Thân quá khứ và tương lai đều vô thường, nói gì về thân hiện tại! Bậc thánh đệ tử nào khảo sát trong cách này sẽ không quan tâm gì về thân quá khứ, và không tìm sung sướng trong thân xác tương lai. Thấy hư ảo trong sắc thân hiện tại, sẽ không tham ái thân này và cứ giữ mãi cái thấy này cho tới khi thân diệt tận. Thọ… tưởng… hành… thức cũng nhìn như thế.

…Tương tự, ba kinh sau sẽ thay chữ “vô thường” bằng chữ “bất như ý”, chữ “rỗng rang”, chữ “vô ngã” để tụng đọc như thế.” (11)

Nhóm 4 chữ “khổ, vô thường, vô ngã, không” có nơi còn gọi là Tứ Pháp Ấn, tức lá 4 đặc tướng của các pháp thế gian. Như thế, chúng ta thấy rằng trong Kinh Pháp Cú 348 và SA.79, Đức Phật dạy quăng bỏ cả cái gọi là hiện tại.  Và nhóm 4 chữ này hiểu là tương đương như nhau khi tu giải thoát. Nghĩa là, Đức Phật dạy rằng thực tướng của sắc thọ tưởng hành thức là: khổ, vô thường, vô ngã, không.

Nhóm 4 pháp ấn này có thể diễn cho dễ hiểu là: tất cả các pháp đều bất như ý, đều biến dịch không ngừng, đều không hề có bất cứ gì gọi là tự ngã, đều rỗng rang không thực tướng.

Có nghĩa là gì? Nghĩa là, không cần làm gì hết, chỉ cần thấy một pháp ấn thôi, là tất cả  tự nhiên sụp đổ, là như Kinh SA 17 nói là sắc thọ tưởng hành thức bị bật gốc và buông bỏ.

Một cách đơn giản là, không cần ngồi thiền, bạn hãy lặng lẽ ngó tâm mình, lặng lẽ và chỉ ngó tâm thôi, sẽ thấy các niệm chảy xiết và từ từ chạy chậm lại, bạn sẽ thấy các niệm đó vô thường (biến diệt), các niệm đó bất như ý (bạn không chủ động được), các niệm đó vô ngã (không thực thế), và tâm bạn thực sự là vô tâm (rỗng rang, vắng lặng). Không cần thấy hết 4 pháp ấn, chỉ cần thấy một thôi, cũng đủ để bạn thấy tham sân si không còn bám dính bạn nữa: nếu có niệm nào khởi lên, bạn chỉ ngó thôi, lập tức niệm biến ngay. Chư Tổ nói rằng niệm tham sân si cũng như bông tuyết bay, bạn chỉ cần ngó thấy là niệm sẽ rơi trên đất tâm và tan thành nước.

***

Câu hỏi tới đây, rằng hiện tướng thân tâm và thế giới (tâm và cảnh) dưới mắt Đức Phật là gì? Nơi đây có thể dẫn Kinh SN 35.23 và Kinh SN 35.82 để trả lời. Hai kinh này rất ngắn, nên ghi toàn văn và dịch luôn ở đây.

Sau đây là Kinh SN 35.23:

“Saṃyutta nikāya 35: Connected discourses on the six sense bases

23. The All

At Savatthi. “Bhikkhus, I will teach you the all. Listen to that….

“And what, bhikkhus, is the all? The eye and forms, the ear and sounds, the nose and odours, the tongue and tastes, the body and tactile objects, the mind and mental phenomena. This is called the all.

“If anyone, bhikkhus, should speak thus: ‘Having rejected this all, I shall make known another all’—that would be a mere empty boast on his part. If he were questioned he would not be able to reply and, further, he would meet with vexation. For what reason? Because, bhikkhus, that would not be within his domain.”

Dịch Kinh SN 35.23, trong ngoặc tròn là tác giả Việt dịch ghi thêm cho rõ:

23. Tất cả

Tại thành Xá vệ, “Các sư, thầy sẽ dạy các sư về cái tất cả. Hãy lắng nghe…

“Các sư, các gì là tất cả? Mắt và sắc (cái được nhìn thấy), tai và thanh (cái được nghe), mũi và mùi, lưỡi và hương vị, thân và cảm giác của thân, tâm và hiện tướng của tâm. Đó gọi là tất cả.

“Các sư, nếu có ai nói rằng: ‘Dẹp bỏ hết cái tất cả này, tôi sẽ chỉ ra cái tất cả khác’ – đó sẽ chỉ là lời khoe khoang trống rỗng. Nếu người đó bị chất vấn, y sẽ không thể trả lời và thêm nữa, y sẽ lúng túng. Vì sao? Các sư, bởi vì ngoài cái tất cả đó (ngoài cái thấy và cái được thấy, ngoài cái nghe và cái được nghe, tương tự với mũi, lưỡi, thân, ý…) lại không nằm trong lĩnh vực của y.” (12)

Sau đây là bản Kinh SN 35.82 và Việt dịch:

“Saṃyutta nikāya 35 – connected discourses on the six sense bases

82. The World

Then a certain bhikkhu approached the Blessed One … and said to him: “Venerable sir, it is said, ‘the world, the world.’ In what way, venerable sir, is it said ‘the world’?”

“It is disintegrating, bhikkhu, therefore it is called the world. And what is disintegrating? The eye, bhikkhu, is disintegrating, forms are disintegrating, eye-consciousness is disintegrating, eye-contact is disintegrating, and whatever feeling arises with eye-contact as condition … that too is disintegrating. The ear is disintegrating … The mind is disintegrating … Whatever feeling arises with mind-contact as condition … that too is disintegrating. It is disintegrating, bhikkhu, therefore it is called the world.

Kinhh SN 35.82 nói căn, trần, thức gộp lại là thế giới, dịch như sau:

“82. Thế giới

Khi đó, một vị sư tới gần Thế Tôn… và nói với ngài: “Bạch Thế Tôn, khi nói thế giới, thế giới… trong ý nghĩa nào, thế giới được nói như thế?

“Các sư, nó đang hư rã, nên được gọi là thế giới. Và cái gì đang hư rã? Mắt đang hư rã, sắc (cái được thấy) đang hư rã, nhãn thức đang hư rã, nhãn xúc đang hư rã, và bất cứ thọ nào khởi lên với nhãn xúc… cũng đang hư rã. Tương tự với tai… nhẫn tới ý… cũng đang hư rã. Các sư, đó đang hư rã, cho nên được gọi là thế giới.” (12)

Hai kinh vừa dịch trên cho thấy tính bất nhị: tâm và cảnh (tât cả các pháp, hay toàn bộ thế giới) có thể hiểu là một, vì không phải là hai, nhưng vẫn không thể gọi là một, vì không một pháp nào có thực thể (vô ngã) nên không thể gọi là một hay nhiều. Hai kinh vừa dẫn cũng là nền tảng cho Thiền Tông, dẫn tới cái nhìn bất nhị, khi tâm cảnh nhất như. Cũng gọi là bình đẳng. Tới đây, độc giả có thể ngưng đọc vài phút, hãy tự nhìn vào tâm, giữ lòng cho lặng lẽ… Nếu bất chợt lúc đó có một tiếng chim kêu, có thể sẽ thấy rằng tiếng chim kêu đó chính là tâm hiển lộ và ngay lúc đó không có chữ nào để diễn tả, và sẽ tràn ngập cái hạnh phúc của khoảnh khắc nhận ra tâm sơ nguyên đó. Tính bất nhị là khi nhận ra ở đây: tâm không lìa tiếng chim kêu mà có, và tiếng chim kêu không lìa tâm mà có.  Nhưng tâm và tiếng chim không phải hai, không phải một – và đó gọi cho gọn là bất nhị.

***

Như vậy, khi quăng bỏ hết thế giới này, quăng bỏ tất cả cõi này, cái gì còn lại? Trong khoảng gần 10 kinh dẫn trên, cho thấy khi không dính gì tới “tất cả” hay khi không dính gì tới “thế giới” theo định nghĩa ở 2 kinh trên, là sẽ giải thoát, sẽ đắc quả A La Hán. Có nghĩa là, rời pháp thế gian, sẽ tức khắc thấy pháp xuất thế gian.

Nơi một đoạn trên, chúng ta đã nói rằng phiền não tức bồ đề, tham sân si thực tướng là giải thoát (khi nhận ra tính hư ảo của các tâm này), như vậy, pháp xuất thế gian nằm ở đâu trong cõi này?

Tới đây, chúng ta bước vào cõi bất nhị (còn gọi là thể không hai) của pháp Như.

Trong bài viết “Giới Thiệu Thành Duy Thức” của Thầy Tuệ Sỹ, có đoạn, trích:

Đại Bát-nhã nói: “Pháp tính của Như Lai ở ngay trong uẩn, xứ, giới của các loại hữu tình, vận chuyển tiếp nối liên tục kể từ thời vô thủy; bản tính thanh tịnh không bị nhiễm ô bởi phiền não. Các tâm-ý-thức không thể vin vào đó làm đối tượng để sinh khởi.”…(13)

Có thể so sánh cho dễ hiểu: chúng ta thấy tất cả uẩn, xứ, giới (nghĩa là toàn bộ thế giới) hiện ra trong tâm gương sáng, rỗng rang, và bất kể sinh khởi, vận chuyển thế nào, tất cả đều mang sẵn pháp tính của Như Lai, tức đã sẵn giải thoát. Vì gương tâm rỗng rang không lìa cảnh mà có, và thế giới này không lìa tâm mà có. Thấy như thế, tức khắc sẽ không bị dính vào đâu hết.

Trong “Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tông Thông” với bản dịch của Thubten Osall Lama – Nhẫn Tế Thiền Sư, nơi đoạn “II. Thấy Rõ Tánh của Mối Nút để Tức Thời Giải Thoát,” trích đoạn ý này như sau:

“…Từ lúc Căn hợp với Trần mà trôi xuôi thì gọi là buộc. Từ lúc Căn ngược với Trần mà trở về nguồn, thì gọi là mở. Cái trói chính là sáu Căn, chứ không phải vật gì khác. Cái mở cũng là sáu Căn, chứ không còn vật gì khác. Thể vốn không hai vậy. Trong cái Thể không hai này mà soi xét, thì trói buộc chẳng là dơ, cởi mở chẳng là sạch. Nơi Thể không hai đó, chưa từng có thêm bớt, đó là Căn, Trần vốn đồng nguồn vậy, ai thấy là khác được ? Trói, mở vốn không hai, ai thấy được là hai ?

Sở dĩ phân biệt chia tách, là do cái Thức vậy. Thức này hư vọng mà phân biệt, cũng như dụi mắt mà vọng thấy có không-hoa. Vốn nào có Căn, Trần lại vọng thấy Căn, Trần. Vốn nào có trói, mở mà vọng thấy trói, mở. Biết rõ cái Thức này, có cũng như do dụi mắt, bèn chuyển Thức về nguồn, thì con mắt trong sáng, nên chóng chứng an lạc giải thoát, Tịch Tịnh Diệu Thường. Chẳng phải ở nơi Căn mà quay lại, nhưng ở nơi Thức mà chuyển. Sao gọi là Thức hư vọng giống như hoa đốm ? Chẳng phải bảo là lìa cái Thức tánh hư vọng mà riêng có cái gọi là Tịch Tịnh Diệu Thường đâu. Chỉ cần tin cái Thức là hư vọng, thì Diệu Thường ở ngay nơi Thức. Chỉ cần tin hoa đốm không tự tánh, thì con mắt sáng trong ở ngay tại không-hoa.” (14)

Như thế, giải thoát đã là ngay khi cảnh hiện ra ở gương tâm rỗng rang ngời sáng. Nếu ngay lúc đó, bị cảnh lôi kéo đi (thí dụ, trong lễ hội âm nhạc, chợt khởi tâm quyến luyến giọng ca mùi mẫn và nhan sắc của cô ca sĩ). Như vậy, có pháp nào cho người tu không bị chệch hướng?

Bồ Đề Đạt Ma nói là phải thấy tánh, thấy cái rỗng rang ngời sáng đó, thì cảnh tới (như chim bay tới) rồi cảnh sẽ biến đi không dấu tích (chim không lưu dấu trên hư không); có cách tiếp cận y hệt pháp Như do Đức Phật dạy ở trên, ghi lại trong chương Ngộ Tánh Luận ở cuốn Thiếu Thất Lục Môn, bản của Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải, trích:

“Nói pháp Đại thừa hay Tối thượng thừa đều là nói đến chỗ sở hành của Bồ-tát. Không gì không là pháp ấy, lại cũng không có gì là pháp ấy. Suốt ngày tu pháp ấy mà chưa từng tu pháp, đó là Phật thừa. Kinh dạy rằng: “Vô thừa là Phật thừa.”

Như có người nào rõ biết rằng sáu căn là không thật, năm uẩn đều là tên gọi giả tạo, cầu tìm khắp trong đó cũng không có chỗ nào chắc thật, nên biết rằng người ấy đã hiểu được lời Phật dạy. Kinh dạy rằng: “Nơi tụ hội của năm uẩn gọi là thiền viện. Soi sáng trong tâm, mở thông rõ biết tức là pháp Đại thừa. Không nhớ tưởng bất cứ pháp nào nên gọi là thiền định.” Nếu như hiểu rõ được lời dạy này thì dù trong khi đi đứng nằm ngồi cũng đều là thiền định.

Rõ biết tâm là không, gọi là thấy Phật. Vì sao vậy? Mười phương chư Phật đều dùng chỗ tâm không ấy. Không thấy ở nơi tâm gọi là thấy Phật. Lìa bỏ tâm không tham tiếc gọi là sự bố thí lớn lao.” (15)

***

Tính bất nhị của tâm và pháp, hay tâm và cảnh, còn ghi lại trong tích Niêm Hoa Vi Tiếu. Theo truyền thuyết, khi Đức Phật cầm hoa đưa lên, ngài Ca Diếp mỉm cười. Có phải vì lúc đó, ngài Ca Diếp nhận ra trong cánh hoa (cái được thấy) đó thực sự là hiện tướng trong gương tâm rỗng rang chiếu sáng?  Hay như trong Kinh Pháp Bảo Đàn, khi ngó thấy phướn bay, tức thời thấy ngay tâm động (vì phướn không lìa tâm)?

Lời dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong ngôn ngữ cụ thể hơn: rằng hoa chính là tâm, rằng tâm chính là hoa, rằng hoa và tâm là bất nhị, nhưng hoa và tâm cũng không thể gọi là một dù rằng (lúc đó) lìa hoa không có tâm. Tâm cảnh nhất như cũng là một cửa vào.

Pháp an tâm này Đức Đạt Lai Lạt Ma đã dạy trong rất nhiều pháp hội khắp thế giới, và sau này ghi lại trong tác phẩm “The Gelug-Kagyu Tradition of Mahamudra”… Mahamudra, hay Đại Thủ Ấn, chính là Thiền Đốn Ngộ truyền dạy theo phiên bản Phật Giáo Tây Tạng. Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích tính bất nhị của tâm và cảnh (hay cái được thấy, được nghe…), và chúng ta sẽ thấy trở lại y hệt như các kinh Đức Phật dạy về pháp Như, trích như sau (nếu độc giả có bản giấy in 1997, đoạn này ở trang 61, nhưng ghi chú sẽ có link cho bản điện tử):

“The Nonduality of Subject and Object

Buddha taught the nonduality of that which has an object and its object – usually translated as the “nonduality of subject and object.” We must understand this point correctly, otherwise we may mistakenly think that Buddha contradicted himself when he also taught that mind always has an object. We may think this implies that since the two are different, they are dual. If we become angry with the table, the nonduality of subject and object, however, does not mean that my anger is the table. Nonduality does not render mind and its objects totally identical – one and the same thing.

Experience always has contents. We cannot have an experience without experiencing something. A thought does not exist without a thinking of the thought, and no one can think without thinking a thought. Nondual, then, means that in any moment, these two things – mind and its object, or experience and its contents – always come together as one entity. Putting this in simple, everyday language, we can say they always come together in the same package. There cannot be one without the other. Therefore, in Buddhism “mind” always refers to experience with contents.”

Việt dịch:

“Tính Bất nhị của chủ thể và đối thể

Đức Phật dạy về tính bất nhị của hiện tướng, nơi đó có một pháp và một vật của nó – thường được dịch như là “tính bất nhị của chủ thể và đối thể.” Chúng ta phải hiểu điểm này chính xác, nếu không, chúng ta sẽ nghĩ nhầm  rằng Đức Phật tự mâu thuẫn khi ngài dạy rằng tâm luôn luôn có một vật (cảnh).  Chúng ta có thể nghĩ rằng thế là ám chỉ rằng bởi vì cả hai pháp đó khác nhau, chúng là hai. Nếu chúng ta nổi giận với cái bàn, tính bất nhị của tâm và vật, tuy nhiên, không có nghĩa rằng nỗi giận của tôi là cái bàn. Tính bất nhị không có nghĩa rằng tâm và cảnh hoàn toàn y hệt nhau – một và cùng như thế.

Kinh nghiệm luôn luôn có nội dung trong đó. Chúng ta không thể có một kinh nghiệm mà không kinh nghiệm về cái gì. Một niệm không hiện hữu mà không nghĩ về niệm đó, và không ai có thể suy nghĩ mà không nghĩ về một niệm. Do vậy, bất nhị có nghĩa là trong bất kỳ khoảnh khắc nào, hai thứ này – tâm và cảnh [của tâm], hay kinh nghiệm và nội dung của nó – luôn luôn đi chung như một thể. Nói cho đơn giản, trong chữ đời thường, chúng ta có thể nói rằng chúng luôn luôn đi chung nhau trong cùng một gói. Không có thể có một cái này mà không có cái kia. Do vậy, trong Phật Giáo, “tâm” luôn luôn chỉ tới kinh nghiệm với nội dung của nó.” (16)

***

Khi đã thấy bất nhị giữa tâm và cảnh, có nghĩa là trong cái thấy này, tất cả các pháp hiện ra trước mắt (hay nghe bên tai) đều bất động (không lay động), bất kể là mưa bay tuyết thổi trước mắt (hay gió gầm rú bên tai). Xin nhắc rằng tất cả những dòng chữ viết trong bài này đều rất thực dụng, độc giả thỉnh thoảng có thể ngưng đọc vài phút để thử nhìn tâm là sẽ thấy. Vì cái rỗng rang chiếu sáng bao trùm tất cả các pháp thực ra xa lìa cả động và bất động.

Pháp môn Thiền Tông cực kỳ ảo diệu, vì ngộ đạo xong, nói gì cũng không nhầm.

Do vậy, nói tâm cảnh nhất như cũng đúng.

Nói quăng bỏ cả tâm và cảnh cũng đúng.

Nói mặc kệ  muôn cảnh vạn pháp, chỉ thấy trước mắt cái tâm rỗng rang gương sáng này cũng đúng.

Nói mặc kệ tâm, mặc kệ cảnh cũng đúng.

Bốn câu vừa rồi là diễn lại 4 cách ngài Lâm Tế thường dạy học nhân.

Tương tự, trong dòng Thiền Tào Động, các bài kệ Động Sơn ngũ vị, nếu:

– thay chữ “Chính” bằng chữ “Không” hay “thể rỗng rang gương sáng của tâm” và

– thay chữ “Thiên” bằng chữ “cảnh” hay “muôn pháp”,

các bài kệ trong dòng Thiền này sẽ hiện ra là hình thức khác của các  giáo pháp ngắn gọn do Đức Phật dạy đã nêu trong các kinh trên.

Tới đây, chúng ta sẽ dẫn lời của Đức Phật trong Kinh SA.21 cũng là một cách tiếp cận với pháp Như. Kinh này cũng dạy cho các vị sư muốn học pháp cốt tủy ngắn gọn để lui về một góc rừng tu chỉ một pháp này thôi.

***

Kinh SA.21 bản Anh dịch (cũng như Kinh SN 35.23 và Kinh SN 35.82 nêu trên) đều do ngài Bhikkhu Bodhi thực hiện. Trong kinh này không hề nói phải tu hay phải mài giũa gì, cũng không dạy phải quán chiếu gì, Đức Phật chỉ nói là chớ dao động, bất kể cảnh nào hiện ra. Có một chữ “tâm như tường vách” của Bồ Đề Đạt Ma, hay đơn giản hơn, hãy để tâm tự nhiên, ngay nơi thể rỗng rang của tâm đã là như như bất động. Trích dịch như sau.

“Saṃyuktāgama: 21. Discourse on Being Agitated

Thus have I heard. At one time the Buddha was staying at Sāvatthī in Jeta’s Grove, Anāthapiṇḍika’s Park. A that time a certain monk rose from his seat, paid homage to the Buddha and said to the Buddha:

“May the Blessed One teach me the essentials of the Dharma in brief. On having heard the Dharma I shall alone and in a quiet place reflect on it with energy. Having become established in it without negligence, I shall reflect on that for whose sake a clansman’s son out of right faith goes forth to homelessness … up to … knowing myself that there will be no receiving of further existence.’

“SA.21: Kinh về Bị Dao Động

Tôi nghe như vầy. Một thời Đức Phật ở thành Xá vệ, nơi rừng Kỳ đà, trong vườn Cấp Cô Độc. Lúc đó một vị sư từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Đức Phật và bạch:

“Kính xin Đức Thế Tôn dạy cho con phần cốt tủy của Giáo pháp ngắn gọn. Khi nghe xong, con sẽ đơn độc về một góc vắng lặng để nhiệt tâm tu pháp này. Vào pháp này không buông lơi, con sẽ thọ trì pháp này vì lợi ích của con trai của một bộ tộc khi xuất gia, trở thành kẻ không nhà… cho tới… tự biết là không còn thọ thân sau nữa.

At that time the Blessed One said to that monk: “It is well, it is well, that you speak like this: ‘It would be well if the Blessed One would teach me the essentials of the Dharma in brief. On having heard the Dharma, I shall alone and in a quiet place reflect on it with energy. Being established in it without negligence … up to … knowing myself that there will be no receiving of further existence.’ Is it like this?” The monk said to the Buddha: “It is like this, Blessed One.”

Lúc đó, Đức Phật nói với vị sư kia, “Tốt lắm, tốt lắm, khi con nói thế này, “Con hoan hỷ nếu Đức Thế Tôn dạy con  phần cốt tủy của Giáo pháp ngắn gọn. Khi nghe xong, con sẽ đơn độc về một góc vắng lặng để nhiệt tâm tu pháp này. Vào pháp này không buông lơi, con sẽ thọ trì pháp này vì lợi ích của con trai của một bộ tộc khi xuất gia, trở thành kẻ không nhà… cho tới… tự biết là không còn thọ thân sau nữa.’ Có phải không?” Vị sư nói với Đức Phật: “Bạch Thế Tôn, đúng là như thế.”

The Buddha said to the monk: “Listen, listen and pay careful attention to what I will tell you. Monk, at the time of being agitated, one is bound by Māra. If one is not agitated, one is free from the Evil One.” The monk said to the Buddha: “I understood, Blessed One, I understood Well Gone One!”

The Buddha said to the monk: “How do you understand in full the meaning of the teaching I herein spoke in brief?” The monk said to the Buddha: “Blessed One, at the time of being agitated by bodily form, one is bound by Māra. If one is not agitated, one is free from the Evil One. In the same way at the time of being agitated by feeling … perception … formations … consciousness, one is bound by Māra. If one is not agitated, one is free from the Evil One. Blessed One, I thus understand in full the meaning of the teaching herein spoken in brief.”

Đức Phật nói với vị sư: “Hãy nghe, hãy nghe và chú ý tới lời Thầy sẽ nói với con. Ty kheo, vào lúc bị dao động, sẽ bị Ma vương trói buộc. Nếu có ai không dao động, người đó sẽ xa lìa Ma vương.” Vị sư nói với Đức Phật: “Bạch Thế Tôn, con hiểu rồi, con đã hiểu Như Lai!”

Đức Phật nói với vị sư: “Làm sao con hiểu đầy đủ ý nghĩa giáo pháp Thầy vừa mới nói ngắn gọn?” Vị sư nói với Đức Phật: “Bạch thế Tôn, vào lúc bị dao động bởi sắc thân hình hài, sẽ bị trói buộc bởi Ma vương. Nếu có ai không dao động, người đó sẽ xa lìa Ma vương. Tương tự, vào lúc bị dao động bởi thọ… tưởng… hành… thức, người đó sẽ bị trói buộc bởi Ma vương. Nếu có ai không bị dao động, người đó sẽ xa lìa Ma vương. Bạch Thế Tôn, như thế con hiểu đầy đủ ý nghĩa giáo pháp được tuyên thuyết ngắn gọn!” (17)

***

Thiền Tông nói rất nhiều về pháp như như bất động. Ngay trong Tâm Kinh Bát Nhã cũng là một diễn giải khác của pháp quăng bỏ sắc thọ tường hình thức, để hiển lộ ra cái rỗng rang không tướng của tâm.

Bất kỳ ai cũng có thể tu học Thiền Tông. Pháp này không cần ngồi, vì sẽ tu trọn ngày, cả khi khi đi đứng nằm ngồi. Bạn có thể ngồi nhìn ra biển, hay đi bộ bên góc núi, hay ngay cả khi đọc sách, khi đang làm thơ, luôn luôn thấy tâm lặng lẽ ứng phó mọi trường hợp mà không để dính theo bất kỳ pháp nào. Nếu không tự nhiên lặng lẽ được, có thể theo những phương tiện khác do chư Tổ dạy. Thực sự, khi trọn ngày không lìa Tự Tánh (rỗng rang, gương sáng), tất nhiên không dễ cảnh nào lay động nổi. Dù vậy, có một số ngành nghề trong xã hội bất lợi cho việc tu Thiền. Chỗ này, mỗi hoàn cảnh nên tự nghiệm ra, vì không thể rời giới định huệ.

Nơi đây, có thể dẫn ra một lời dạy về pháp như như bất động từ Kinh Pháp Bảo Đàn, bản dịch của Hoà Thượng Thích Thanh Từ, nơi Phẩm Cơ Duyên, trích:

“…Diệu trạm viên tịch, thể dụng như như, năm ấm vốn không, sáu trần chẳng phải có, chẳng ra chẳng vào, chẳng định chẳng loạn, tánh thiền không trụ, lìa trụ thiền tịch, tánh thiền không sanh, lìa sanh thiền tưởng, tâm như hư không cũng không có cái lượng của hư không…

…Ông chỉ tâm như hư không mà chẳng có kiến chấp không, ứng dụng không ngăn ngại, động và tịnh đều không tâm, tình phàm Thánh đều quên, năng sở đều dứt, tánh tướng như như, không có lúc nào mà chẳng định.” (18)

***

Hay là lời dạy của ngài Hoàng Bá, nói về thấy nghe hay biết (kiến văn giác tri) giống hệt lời Đức Phật dạy trong các kinh dẫn nơi đầu bài viết.

Trong “Truyền Tâm Pháp Yếu,” ngài Hoàng Bá dạy, bản dịch của Hòa Thượng Thích Duy Lực, trích:

“Cái tâm bổn nguyên thanh tịnh này thường tự tròn đầy sáng tỏ chiếu soi khắp nơi, người đời chẳng ngộ chỉ nhận kiến văn giác tri là tâm, bị kiến văn giác tri che khuất cho nên chẳng thấy cái bản thể tinh diệu sáng tỏ. Nếu ngay đó vô tâm thì bản thể tự hiện như mặt trời trên hư không chiếu khắp mười phương chẳng gì chướng ngại. Người học đạo chớ nên chỉ nhận kiến văn giác tri, động tác làm việc, cho đó là tâm, cũng chớ nên bỏ hẳn kiến văn giác tri khiến cho đường tâm bị bít tuyệt chẳng có chỗ nhập. Hãy ngay nơi kiến văn giác tri nhận bản tâm, nhưng bản tâm chẳng thuộc kiến văn giác tri cũng chẳng lìa kiến văn giác tri. Chớ nên ở nơi kiến văn giác tri sanh khởi kiến giải, nghĩa là chớ ở nơi kiến văn giác tri động niệm. Cũng chớ lìa kiến văn giác tri tìm tâm, cũng chớ bỏ kiến văn giác tri lấy pháp. Bất tức bất ly, chẳng trụ chẳng chấp,tung hoành tự tại đều là đạo tràng.” (19)

***

Hay là pháp tham thoại đầu. Bạn hãy khởi lên trong tâm chữ “Ai?” hay “Ai đó?” rồi nhìn vào chỗ khi niệm chưa sanh, xem là cái gì…

Hay là một lời dạy tuyệt vời từ Ngài Hư Vân trong sách “Hư Vân Lão Hòa Thượng” bản dịch và ghi chú của Báo Ân. Cũng là lối vào một pháp tham thoại đầu, trích văn nơi đây kèm 2 ghi chú:

“Chỉ ĐƠN ĐỘC nơi một niệm “Trạm nhiên tịch chiếu, như như bất động, linh linh bất muội, liễu liễu thường tri” này (21), như “Lãnh hỏa trừu yên”(22), tựa một sợi chỉ dài dằng dặc không đứt đoạn.

21. MỘT niệm “TRẠM NHIÊN TỊCH CHIẾU, NHƯ NHƯ BẤT ĐỘNG, LINH LINH BẤT MUỘI, LIỄU LIỄU THƯỜNG TRI”:

– Trạm nhiên tịch chiếu: rõ ràng trong suốt, yên lặng mà chiếu soi muôn vật.

– Linh linh bất muội: linh minh không mê muội.

– Liễu liễu thường tri: rõ ràng thường biết.

Tấm gương sáng lúc chiếu soi vạn hữu thì “Trạm nhiên tịch chiếu, như như bất động”, nhưng gương là vật vô tri nên không “linh linh bất muội, liễu liễu thường tri”. Còn chúng hữu tình do có “tánh giác” nên khi chiếu soi vạn hữu thì vừa “Trạm nhiên tịch chiếu, như như bất động” lại vừa “linh linh bất muội, liễu liễu thường tri”.

22. LÃNH HOẢ TRỪU YÊN: Lửa sau khi tắt gọi là lãnh hỏa.Trừu yên là rút khói .Tức làn khói nhẹ bốc lên từ vật được đốt cháy (ví dụ như thuốc lá)  khi lửa vừa tắt.” (20)

***

Tới đây, tự thấy đã dài, xin ngừng bài viết.

Lời cuối, xin trân trọng đảnh lễ tạ ơn tới Tam Bảo, và ba mẹ nhiều đời.  Và cũng trân trọng tạ ơn tới tất cả  quý thầy mà người viết đã có cơ duyên đọc trong kiếp này, trong đó có Đức Đạt Lai Lạt Ma, HT Duy Lực, HT Thanh Từ, HT Minh Châu, HT Nhất Hạnh, HT Đức Thắng, Thầy Tuệ Sỹ, ngài J. Krishnamurti, rất nhiều vị thầy khác, và tất cả các thiện hữu tri thức.

Và đặc biệt, trân trọng tạ ơn bổn sư Thích Tịch Chiếu và sư thúc Thích Thường Chiếu ở Chùa Tây Tạng Bình Dương, nơi người viết nhiều thập niên trước đã học Tổ Sư Thiền.

Tác Giả: Nguyên Giác

Đức Phật Dạy Pháp Thấy Tánh

Nguồn: THƯ VIỆN HOA SEN

GHI CHÚ:

(7) Tích Truyện Pháp Cú, Kệ 170. Bản Việt dịch: http://thuvienhoasen.org/a10744/xiii-pham-the-gian
(8) Kinh Kim Cang Giảng Giải: http://thuvienhoasen.org/p17a1872/32-ung-hoa-phi-chan
(11) Xem Kinh SA.79 ở đây:  https://suttacentral.net/en/sa79
(12) Xem Kinh SN 35.23 https://suttacentral.net/en/sn35.23

SHARE:

Trả lời