CON ĐƯỜNG ĐẾN GIÁC NGỘ

SHARE:

Bốn Yoga của Đại Ấn

Yoga của Đại Ấn phát triển xuyên qua bốn giai đoạn và được biết đến với bốn loại yoga: yoga nhất tâm, yoga không tạo tác ý niệm, yoga một vị, yoga không thiền định. Mỗi cấp độ đồng thời là quả của cấp độ trước đó và là con đường dẫn đến cấp độ tiếp theo. Những bước này phản ánh một sự nhận biết tăng dần về ba đặc tính của tâm.Trạng thái không thiền định là sự thực hành cuối cùng của tiến trình này. Vào thời điểm đó, tất cả các sự che chướng, tất cả các cảm xúc và bám víu bản ngã trở thành một phần kinh nghiệm của giác ngộ.Không có gì phải loại bỏ cả.

NHẤT TÂM

Giai đoạn đầu tiên của hành trình trên con đường đến giác ngộ thông qua bốn yoga được gọi là yoga nhất tâm. Yoga này là sự nhận ra trước tiên bản tâm chúng ta. Nó là “ Cú nhấp đầu tiên” của chân giác ngộ. Chúng ta có thể so sánh nó với lần đầu tiên chúng ta bị đánh thức vào buổi sáng  bằng một xô nước lạnh. Có một sức mạnh to lớn và năng lượng ở dạng này của sự chứng ngộ. Nó rất khác đối với việc nghe tiếng reo của đồng hồ báo thức. Có một cảm giác lớn hơn về sự dũng cảm, lòng can đảm và sự chắc chắn khi chúng ta sử dụng phương pháp xô nước. Khi chúng ta sử dụng đồng hồ báo thức để dậy, có một cảm giác của sự yếu đuối và uể oải, thậm chí âm thanh của đồng hồ cũng là âm thanh yếu ớt. Bản ngã cảm thấy rằng nó có đầy sức mạnh để bỏ qua tiếng reo của đồng hồ báo thức bằng cách đơn giản là nhấn nút ngủ ngày với chỉ một ngón trỏ và đi ngủ trở lại.

Ở giai đoạn đầu tiên trong việc nhận ra bản tâm. Tiêu điểm của chúng ta là nhất tâm trực tiếp hướng về trạng thái tỉnh giác. Chúng ta hoàn toàn tập trung vào tiến trình của tỉnh giác. Tại thời điểm này chúng ta bắt đầu kinh nghiệm những trạng thái tích cực khác nhau của thiền định. Những  điều này được gọi chung là lạc, sáng tỏ và vô niệm. Chúng không phải là những kinh nghiệm liên tục, nhưng chúng xuất hiện lần này đến lần khác trong sự thiền định của chúng ta. Ở giai đoạn nhất tâm chúng ta cũng phát triển một trạng thái của sức mạnh trong thiền định. Chúng ta có thể đi thẳng vào thiền định nhất tâm vào bất kì thời điểm nào mà không bị phân tán bởi sự quấy rối ở bên ngoài

KHÔNG TẠO TÁC Ý NIỆM

Giai đoạn thứ hai của bốn yoga được gọi là không tạo tác ý niệm, hay đơn giản, là ám chỉ đến kinh nghiệm cắt đứt hoàn toàn sự bám víu của bản ngã. Nó ngụ ý là một sự thấu hiểu hoàn toàn và kinh nghiệm một số giai đoạn về vô ngã, vô tự tánh, Tánh Không, hay shunyata. Ở cấp độ này, tâm chúng ta không bị tạo tác bởi bất kì dấu hiệu bám víu bản ngã hay khái niệm nào. Do đó chúng ta thực sự thấy bản tánh của tâm là Tánh Không, bản tánh của ngã là vô ngã, bản tánh của tự ngã là vô tự tánh. Đây là cái thấy được chỉ dạy rộng rãi bởi những vị thầy như Long Thọ và yoga này nương vào sự hiểu biết và nghiên cứu của dòng truyền thừa ngài Long Thọ. Nói chung, chúng ta nhìn nhận “ hình tướng” là một việc và “Tánh Không” là một việc khác. Một mặt chúng ta nghĩ rằng có nhiều điều như là hình sắc. Ví dụ: chúng ta nghĩ kia thuần túy là những cái bàn và cái ghế. Chúng ta nghĩ rằng mặt đất chỉ thuần túy là đất và kia thuần túy là những người mà ta đang nói chuyện. Mặt khác chúng ta nói về Tánh Không và chúng ta nghĩ mơ hồ rằng: “ Tánh Không này là bản tánh của những hình sắc này”. Chúng ta nghĩ về cái “bản tánh” này như là cái gì đó tồn tại đằng sau những hình dáng này. Khi chúng ta suy nghĩ theo lối này, chúng ta tạo ra một sự phân biệt giữa hình sắc và Tánh Không của nó. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, chúng ta cắt đứt trạng thái dựa trên các khái niệm phân biệt giữa hình tướng và Tánh Không.

Tâm kinh được biết đến với trình bày của nó về bốn sự  khẳng định Tánh Không. Kinh này nói rõ, “ Sắc chính là không, không chính là sắc, sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc”. Bốn sự khẳng định Tánh Không thực sự diễn đạt một ý nghĩa chân thật của Tánh Không là bản tánh thực của hình tướng bên ngoài, thay vì Tánh Không như là cái gì khác được gọi là  “ một bản tánh”. Do vậy, Hình sắc và Tánh Không là không thể tách rời. Hình sắc không thể tách rời khỏi Tánh Không, và Tánh Không không thể tách rời khỏi hình sắc.

Đây là những gì được chứng ngộ ở giai đoạn của yoga không tạo tác ý niệm. Chúng ta đạt được một kinh nghiệm trực tiếp về sự hợp nhất của hình tướng và Tánh Không. Chúng ta đạt đến sự hiểu biết rằng không thể phân chia hai thứ. Một mặt diễn tả đặc tính của Tánh Không và mặt khác diễn tả đặc tính của hình sắc hay hình tướng.

MỘT VỊ

Yoga một vị đề cập đến kinh nghiệm của hình tướng và tâm. Ở giai đoạn này không có sự khác biệt giữa hình tướng bên ngoài và tâm thức bên trong đang nhận thức những hình tướng đó. Có một cảm nhận thâm nhập vào chiều sâu của tính nhị nguyên, chuyển hóa nó và thấy được bản chất bất nhị của tâm chúng ta. Đó được gọi là “một vị”. Không có một vị cho những gì được gọi là “hình tướng” và vị khác cho những gì được gọi là “Tánh Không” Kinh nghiệm của một vị giống như ăn một cái bánh xốp lớn. Dẫu cho kích cỡ miếng bánh bạn ăn vào là lớn hay nhỏ thì mùi vị vẫn như nhau. Chỉ có duy nhất một bản chất và bạn kinh nghiệm bản chất chân thật đó.

Đây là triết lý Phật Pháp rất căn bản được giải thích bởi vị thầy lớn người Ấn Độ Arydeva thuộc trường phái trung quán hay trung đạo. Từ quan điểm nhìn nhận này. Không có sự khác biệt giữa Tánh Không của một cái tách và Tánh Không của một cái bàn. Chỉ có duy nhất một Tánh Không. Chúng ta không thể nói, “Đây là Tánh Không của tâm tôi nhưng không phải Tánh Không của tâm bạn” hay “Đây là bản tâm của tôi nhưng không phải bản tâm của anh”. Ở cấp độ căn bản của bản tâm, cấp độ căn bản của Tánh Không, không có sự khác biệt. Nếu chúng ta thực sự nhận ra rằng mọi thứ đều có cùng một vị, do đó sẽ không có sự khác biệt trong sự chứng ngộ bản chất của Tánh Không về bất kì hiện tượng nào. Một khi chúng ta chứng ngộ Tánh Không của chiếc tách, chúng ta chứng ngộ Tánh Không của toàn thể vũ trụ. Đó là lập luận logic được trình bày bởi ngài Aryveda. Một khi chúng ta chứng ngộ Tánh Không của tự ngã, chúng ta chứng ngộ Tánh Không của tất cả các hiện tượng. Chỉ có một vị

bởi vì chỉ có duy nhất một Tánh Không, một thực tại, một sự thật tuyệt đối.

Bởi vì chỉ có duy nhất một vị trong sự cảm nhận sau cùng, những sự thực hành khác hay con đường khác sẽ không đưa đến những vị khác nhau. Chúng ta không thể nói “Khi tôi thực hành Đại Ấn, tôi kinh nghiệm Tánh Không theo cách này. Khi tôi suy tư về trung quán, tôi kinh nghiệm Tánh Không theo cách kia. Khi tôi suy tư về Đại Toàn Thiện tôi kinh nghiệm Tánh Không theo cách khác”. Không có sự phân biệt nào như vậy có thể thực hiện được bởi vì thực tại tối hậu của thế giới hiện tượng chỉ đơn giản là một thực tại. Bản tánh của tâm là một bản tánh căn bản. Do đó cho dầu chúng ta thực hành con đường nào, nếu chúng ta đạt đến cấp độ của sự thấu hiểu về một vị, sau đó chúng ta sẽ kinh nghiệm như nhau, đó là một thực tại có thật. Trong truyền thống Đại Ấn, thường được dạy rằng Trung Quán, Đại Ấn và Đại Toàn Thiện hoàn toàn là một. Điều này đôi khi được bày tỏ bằng cách nói Trung Quán là nền tảng, Đại Ấn là con đường và Đại Toàn Thiện là quả. Khi đạt được kết quả hay quả thực sự là kinh nghiệm về nền tảng, không có sự khác biệt giữa những truyền thống. Do đó yoga một vị ám chỉ đến một vị về bản tánh của bản tâm và bản tánh của thế giới hiện tượng.

KHÔNG THIỀN ĐỊNH

Yoga thứ tư được gọi là yoga không thiền định hay không học thêm gì nữa (vô học) đó là trạng thái cạn kiệt hoàn toàn ô nhiễm sinh tử của chính mình. Nó đã được chuyển hóa và xử lý hoàn toàn. Hơn nữa bởi vì không còn ô nhiễm, do đó cũng không còn cảm nhận sự thanh tịnh. Hai khái niệm “ ô nhiễm” và “thanh tịnh” hoàn toàn phụ thuộc vào nhau. Khi chúng ta cảm nhận cái gì đó là “thanh tịnh” thì phải có cái gì khác chúng ta gọi là “không thanh tịnh” và khi chúng ta cảm nhận cái gì là “không thanh tịnh” thì phải có cái gì khác chúng ta gán nhãn là “thanh tịnh”. Do đó không có cái nào trong hai trạng thái này thực sự tồn tại. Ở giai đoạn này tất cả những khái niệm như vậy đều được xử lý và làm sạch hoàn toàn.

Đây là điểm mà tại đó chúng ta giác ngộ hay hiện thực trạng thái của pháp thân hơn là đơn thuần suy nghĩ hay thiền định về nó. Chúng ta vượt qua tất cả những suy nghĩ như vậy, vượt qua tất cả mọi cố gắng và nỗ lực của mình, chúng ta đạt đến điểm nơi mà không cần thiêt phải nổ lực gì thêm. Chúng ta giác ngộ bản tánh của của bản tâm và bản tánh của pháp tánh hay thế giới hiện tượng. Đây là giai đoạn của Phật quả trong đó tất cả các khuynh hướng quen thuộc và các khuôn khổ khái niệm thuộc về sinh tử của  cuộc đời chúng ta đã cạn kiệt.

Nơi đây, chúng ta được tiếp cận với khía cạnh của kết quả, hay là quả của Đại Ấn. Chuyến hành trình chúng ta bắt đầu với sự phát triển cái thấy về nền tảng của Đại Ấn, đây là thấy tâm chúng ta và bản tánh căn bản của sinh tử là hiện hữu trong bản tánh của ba thân. Tại thời điểm này chúng ta tiếp cận trở lại với cấp độ nền tảng. Chúng ta hiện thực hóa bản chất của ba thân và khám phá chúng bên trong chính tâm thức sâu xa của mình. Tâm thức sanh tử mê lầm này của chúng ta.

Hành giả Yogi Milarepa nói: “Nếu bạn tìm kiếm điều gì được gọi là giác ngộ bên ngoài tâm của chính mình bạn giống như một đấu sĩ lớn tìm kiếm viên ngọc quí giá của gia đình ở vùng quê nghèo”. Ví dụ của Milarepa kể về câu chuyện của một cậu con trai trong một gia đình đấu sĩ người Ấn Độ đã trở nên một trong những đấu sĩ nổi tiếng thời bấy giờ. Theo như phong tục thường lệ, anh ta đã thừa hưởng một viên đá quý từ cha của anh. Khi anh ta sắp bắt đầu nghề nghiệp của mình như là một đấu sĩ, anh ta gắn viên ngọc quí giá này trên tóc của mình như phong tục. Trong suốt một trận so đài, anh ta nhận thấy có một vết rách lớn ở trên trán của mình. Tại thời điểm đó, hầu hết mọi người đều rất sợ bị thương, và do đó họ sẽ dùng một ít thuốc bôi ở trên bề mặt để giúp lành vết thương, nhưng họ hiếm khi xem xét vết thương đó kĩ hơn.

Khi trận đấu kết thúc, người đấu sĩ nhận ra rằng anh ta đã đánh mất viên ngọc quí giá từng là biểu tượng của gia đình mình. Anh ta đã tìm kiếm nó mọi nơi, đi khắp các khán đài và các sàn đấu. Anh ta đã không thể tìm ra nó, mặc dầu anh ta tiếp tục tìm kiếm qua nhiều năm tháng. Cuối cùng anh ta đã đi tham khảo ý kiến của một vị Bà La Môn thông thái. Ngày nay chúng ta có thể xem như là một bác sĩ tâm thần học, nhưng vào thời gian đó vai trò đã được lấp đầy bởi những người được coi là “người đàn ông thông thái”. Người đấu sĩ đi đến vị Bà La Môn thông thái này để xin lời khuyên về việc làm thế nào để đối phó với việc mất viên ngọc, cũng như để tìm lời khuyên làm sao lấy lại nó. Vị Ba La Môn thông thái đã lắng nghe tỉ mỉ như người đấu sĩ kể về câu chuyện của mình. Sau đó vị Bà La Môn đã hỏi: “Anh có vết thương ở trên trán trước khi trở thành đấu sĩ không?” Người đấu sĩ chạm trán mình và nói: “ Không, thực ra là không” tôi có vết rách này trên đầu khi tôi thi đấu. Vị Bà La Môn nói “ À viên ngọc của anh đã lọt vào trong vết rách. Nó vẫn ở đó”

Hầu hết thời gian mà người đấu sĩ đã trải qua để tìm viên ngọc của mình bị lãng phí bởi vì viên ngọc luôn ở bên trong anh ta. Là một phần thể chất của mình. Milarepa nói rằng, một cách tương tự, chúng ta đã tìm sự giác ngộ của mình, mà chúng ta đánh mất, mới đây hay đã lâu, trong trận đấu của chúng ta với bản ngã của mình. Nó là như chúng ta có một vết thương tương tự, đã phủ trùm một viên ngọc quí.

Đạt được cấp độ quả này của Đại Ấn đơn giản nghĩa là chúng ta lấy lại viên ngọc bị mất của chính mình, chúng ta khám phá tâm Phật luôn luôn ở trong tâm của chính mình. Không có gì ngoài điều đó. Giác ngộ thì không và chẳng bao giờ ở bên ngoài tâm chúng ta. Do đó trở lại với tình trạng thực tế là điều chúng ta gọi là giai đoạn của quả, mà chúng ta có thể nhìn thấy như cái gì đó sẽ xảy ra trong tương lai. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta nói chuyện về chuyến hành trình này do đó chúng ta sẽ đến một kết quả nào đó ở tương lai, một ngày nào đó chúng ta sẽ đến đích được gọi là Phật quả. Tuy nhiên chúng ta thực sự đang đi “Trở lại tương lai” bởi vì trạng thái của Phật quả luôn là bản tánh của tâm chúng ta. Nó giống như đất, nó luôn ở đó. Chúng ta cố gắng trở lại với tâm Phật căn bản, tồn tại trong trạng thái của ba thân. Sự chứng ngộ hoàn toàn tâm chúng ta như là ba thân của Phật là những gì chúng ta gọi là giai đoạn của Đại Ấn.

Tác giả:Dzogchen Ponlop, The heart of Mahamudra and Dzogchen

Người dịch:Chúc Hiếu

SHARE:

Trả lời