SHARE:
Kính lễ đức Quán Thế Âm !
Đây là những giáo huấn thực hành sâu xa của Quán Thế Âm. Những giáo lý của những kinh, tantra và của những siddha (thành tựu giả) về nhận diện tự tâm mình và tánh giác này là Đại Ấn giống như lời khuyên được ban cho trong bí mật, thế nên hãy cố hiểu chắc chắn (về điểm này).
– Bản tánh của tâm của chính bạn là sugatagarbha. Một sugata là người đã đạt đến an lạc, và garbha là một phôi mầm, tử cung hay tinh túy ; sugatagarbha là Như Lai tạng. Bản tánh này hiện diện ở đâu ? Bạn có thể nói nó hiện diện trong bản thân bạn, nhưng chính xác hơn là nói đơn giản : nó là bạn. Do nhận diện bản tánh của chính bạn, bạn cắt đứt mọi tạo tác ý niệm và đơn thuần an trụ trong bản tánh của tánh giác của chính bạn. Bản tánh này không hình dạng, màu sắc. Nó không ngẫu nhiên, cũng không xảy ra ở một thời gian sau này ; hơn thế, nó tự do một cách bổn nguyên, một cách viên mãn bởi tự tánh của nó, trần trụi lộ bày và trinh nguyên, tươi mới.
Bằng cách dần dần trở nên quen biết với bản tánh này, sẽ có được quán chiếu đích thực, nó đạt đến tột đỉnh với sự có được tự tin. Một khi đã có tự tin này, bạn chỉ đơn giản ở trong trạng thái đó và giữ gìn sự tự tin đó mà không thêm vào bất kỳ tạo tác nào. Bản tánh tối vi tế này không nhiễm ô bởi những lỗi lầm của sanh tử, thế nên chớ trộn lẫn nó với bất kỳ cái gì khác. Chớ cố gắng tìm kiếm cái gì khác để làm ; chỉ đơn giản ở trong sự tự tin đã đạt được. Hãy an trụ thường hằng trong trạng thái này và thỏa mãn với sự nhận biết đó.
Để có được một chứng ngộ trần trụi thoát thể như vậy, cốt yếu là đệ tử phải được chín muồi về tâm linh qua chuẩn bị. Một khi bạn thấy vị hướng dẫn tâm linh của bạn như một vị Phật, cảm thấy lòng bi chân thật đối với những người khác, và có niềm tin vào Phật và Pháp, bạn có thể được đưa vào bản tánh của tánh giác, và điều đó làm khởi lên cái thấy chân chánh và cho phép một số huệ quán nào đó sanh khởi.
Như một sản phẩm phụ của việc ở trên con đường và có được quán chiếu chân chánh, những đệ tử có thể có được những khả năng siêu phàm như thấu thị. Nếu được dùng với một động cơ không thích đáng, bạn chỉ làm lầm lạc chính mình và người khác đến độ cả hai đều bại vong, như tra tay vào còng. Bởi thế, những phô diễn siêu phàm này được xem như là những cám dỗ của ma. Dù có nhiều người đã đạt được những siddhi (thành tựu), như bay trên trời hay đi qua dưới đất, chúng cần được nghĩ đến như những nguy hiểm tiềm tàng cho đến khi người ta đạt đến trạng thái “tắt mất, tịch diệt vào bản thân thực tại”, là pha cuối cùng của giai đoạn Nhảy Qua trong thực hành Dzogchen. Cho đến lúc đó, người ta phải có một cái thấy (kiến) bao la như không gian, nhưng những hành động (hạnh) phải cực kỳ chính xác và chu đáo. –
Kinh Đống Ngọc nói :
Thực tại bí mật của tất cả chư Phật
Không dính dáng gì đến tạo tác ý niệm và
không có tự tánh.
Nó là vô tự tánh và bất biến.
Cái này được những vị tham thiền hiểu biết.
– Thực tại bí mật ấy bạn cần phải nhận biết nó là bản tánh hiện tiền của chính bạn. Những giáo lý của những kinh, những tantra, giai đoạn phát triển và thành tựu v.v… là để cho phép chúng ta nhận ra bản tánh thực sự của quả – tự tánh của chính chúng ta.
Chớ hỏi sanh tử hay niết bàn có hiện hữu không. Hãy hỏi chính bạn, “Tôi có thực sự hiện hữu ?” Hãy lấy chính bạn làm đối tượng tra vấn, “Nếu tôi hiện hữu, thì tôi hiện hữu ở đâu ?” Tiếp theo, hãy nghiên cứu thân bạn, xem cái “tôi” này có được tìm thấy chăng. Sự tiến bộ hiệu quả nhất để theo đuổi việc này là bắt đầu với những thực hành sơ bộ, đi tiếp vào tĩnh lặng, rồi đến điểm khảo sát bản chất của sự hiện hữu của bạn, tự hỏi bạn có thực sự hiện hữu hay không. Theo tiến trình này, bạn sẽ thấy rằng không thể biện hộ để kết luận rằng bạn hiện hữu ; nhưng cũng có vẻ không thuyết phục rằng bạn không hiện hữu ! –
Kinh Đại Tổng Hợp nói :
Mọi sự đều bao hàm trong trạng thái của
tự thân thực tại,
Thế nên nó là Đại Toàn Thiện.
Những Câu Hỏi của Kinh Nairatmya nói :
Những hiện tượng thoát khỏi mọi tạo tác
ý niệm.
Đó là bindu duy nhất.
– Bindu duy nhất là bản tánh nhất thể của toàn thể sanh tử và niết bàn. Bindu được tượng trưng là hình cầu, vì nó không có trung tâm hay chu vi. Điều đó cũng đúng với sanh tử và niết bàn, chúng không có trung tâm hay chu vi. Bindu này là bản tánh của ba thân của Phật, và bởi thế của tất cả chư Phật.
Có đúng là tất cả chúng sanh thật ra là những vị Phật bởi vì mọi sự đồng một bản tánh ? Đúng vậy. Sự khác biệt duy nhất là những vị Phật thì đã biết tự tánh của các vị, trong khi chúng ta thì chưa thấu rõ tự tánh chúng ta. Bởi thế, chúng sanh vẫn là những vị Phật chưa biểu lộ.
Kinh Đống Ngọc cũng nói rằng bản tánh của tất cả chư Phật là bindu duy nhất. Đây là điểm của những giáo lý bí mật của chư Phật và những đại thành tựu giả trong quá khứ. Cái gì là bản tánh của bindu duy nhất này ? Đó là bạn, chính bạn. Nếu bạn nhận biết bản tánh của chính bạn, bấy giờ bạn sẽ thấy nó là bindu duy nhất này. Do thực tại của bindu duy nhất này, mọi sự phân biệt ta-người… phải không hiện hữu. –
Kinh Hội Chúng Rạng Rỡ nói :
Nó không được tạo ra từ ban đầu bởi
các học giả ;
Bản tánh của nó không bị biến chất bởi
những sự vật ;
Khi được chứng ngộ, nó là Đại Ấn.
Tantra Bhairava Vinh Quang nói :
Nếu tự tâm con, nguồn gốc của mọi hiện tượng,
Không được chứng biết,
Thì dù con tu hành toàn hảo việc nghe, tư duy và thiền định,
Kết quả sẽ không thành tựu.
Con sẽ giống như một người mù không ai dẫn dắt.
Thế nên hãy chứng biết tâm của chính con.
– Sự nhận biết bản tánh của tự tâm bạn thì giống như một phương thuốc độc nhất chữa lành một trăm thứ bệnh hay một chìa khóa mở được hàng trăm cánh cửa. Không có sự chứng biết đó, dù bạn có nghe nhiều giáo lý, nghiên cứu đủ kinh điển luận lý, và thậm chí thiền định kịch liệt, kết quả không thể thành.
Xin nhớ cho điều này : Dù bạn có tập trung nghiên cứu một ngàn năm, bạn cũng không thể hiểu toàn thân những giáo lý trong các kinh, tantra, vân vân. Thậm chí có thuộc lòng chúng cũng không đưa lại chứng ngộ hoặc giải thoát. Dù có một ban phước, nó cũng không chuyển hóa tận gốc tâm thức bạn. Với nghe và suy nghĩ như một nền tảng thiết yếu, hãy mạo hiểm vào thực hành. Điểm tối yếu này, nhận biết bản tánh của chính bạn, là kết quả của nghe và suy nghĩ, rồi thực hành. Đây là chìa khóa độc nhất, phương thuốc độc nhất. –
Tantra của Hai Bindu nói :
Nếu con thiếu chứng ngộ thực sự tự tâm,
Con sẽ không thành Phật dù con có vẻ đủ hết mạn đà la.
Tantra Sảnh Đường Kim Cương nói :
Sự tham thiền này là sự chứng ngộ tối thượng về tâm.
Không nương dựa vào cái này, (chứng ngộ) sẽ không có ;
Thế nên dù những samadhi (định) tinh vi của những thừa thấp có được xem xét,
Cũng chẳng thể dò tới Đại Ấn.
Nếu gốc vô minh không bị cắt,
Mọi thứ nghe, tư duy và thiền định
Chỉ vẫn là những giả danh của lời nói phù hợp với những khuynh hướng thói quen ;
Nhưng tinh túy của chính mình không được chứng biết.
Bởi thế, hãy thâm nhập vào nó từ bắt đầu cho đến chấm dứt.
Kinh Những Câu Hỏi của Vua Dewa Lodroš nói :
Người thiền định về tánh Không và quang minh
Vượt khỏi những người khác.
Đây là cách thế sống của một đại thiền giả,
Thế nên nhờ chứng biết tâm,
Giác ngộ nhất định xảy ra.
Tantra Đi Vào Đời Sống Từ Bỏ nói :
Tính chất của tự tâm con
Vẫn là giác ngộ viên mãn – sự bí mật vĩ đại.
Nó chẳng hề được biết bởi mọi nhà trí thức,
Thế nên ta sẽ giải thích mọi sự cho con.
– Một nhà trí thức ở đây được định nghĩa như một người chỉ biết tìm ở bên ngoài. Người như thế dù có hành trì hàng trăm pháp môn cũng vẫn là người bình thường, với sự bí mật vĩ đại của tự tâm họ vẫn còn che dấu đối với họ. –
Tantra của Bindu Duy Nhất nói :
Có một lý do để con tập trung toàn bộ con người của con vào tâm : chớ bám vào bất cứ cái gì cả ! Hãy làm điều này vào mọi lúc.
– Đoạn hướng dẫn ngắn này về những tư tưởng khởi sanh trong tâm thường được các lama dạy : Bất cứ cái gì đến, chỉ để nó đến ; bất cứ cái gì đi, chỉ để nó đi. Không chấp nhận cũng không khước từ, bất cứ cái gì đến với tâm, hãy để nó thế.
Đây là sự thực hành của bậc đại căn, ở ngưỡng cửa của giác ngộ, có thể đi trực tiếp vào những thực hành này, và khi chết, họ đạt giải thoát. Nghe những giáo lý Đại Ấn này, một số người mới học bị hấp dẫn đến độ muốn tức thời lấy đó làm thực hành ban đầu của mình. Tuy nhiên, nếu chúng ta đi thẳng vào vào thực hành này, chúng ta phải làm tốt những thực hành khác, dầu chúng ta có muốn chỉ tập trung vào mỗi thực hành bao nhiêu đi nữa. Thay vì để mặc cho những tư tưởng, rất có khả năng chúng ta sẽ chạy theo chúng và để chúng mang đi đến đâu không biết, và đó không phải là thực hành chút nào.
Để có tiến bộ thực sự, hãy theo trình tự nghe, suy nghĩ và thiền định, trau dồi tĩnh lặng và sau đó quán chiếu, rồi trên căn bản này, bạn sẽ có thể đi vào thực hành Dzog-chen và thấy tất cả mọi hiện tượng như là những trò phô diễn hay những biểu hiện sáng tạo của tánh giác. Từ điểm đó của thực hành, hãy để cho việc khởi niệm cứ mặc nó. Về tánh giác và những phô diễn của nó, tất cả xuất hiện với tâm như là nước và tánh ướt, như lửa và sức nóng. Cái sau chỉ là những biểu hiện của cái trước. Bạn sẽ không nhìn thấy sanh tử như là vấn nạn nữa, cũng không thấy những phẩm tính của Phật là phi thường. Chúng sẽ chỉ một vị.
Qua thực hành đúng đắn, cuối cùng người ta sẽ đạt được chứng ngộ, nhưng tự nó thì không đủ. Cần nuôi dưỡng, hộ trì và làm sâu thêm quán chiếu đó mà không để cho tính khí của bạn làm hỏng đi. Chớ nghĩ rằng bạn có thể làm điều bạn cảm thấy thích. Sự chứng ngộ của bạn phải cân bằng với hạnh thích đáng. Mặt khác cũng chớ để những luật lệ trói buộc, đến độ bạn quá cố chấp và hạnh kiểm của bạn làm che tối chứng ngộ. Thực đơn giản : hãy ghi nhớ cả hai cái đó và giữ cả hai cân bằng. –
Tantra của sự Giác Ngộ Trọn Vẹn của Vajrasattva nói :
Gốc của những hiện tượng của sanh tử và niết bàn
Chính là tự tâm con.
Bất cứ nhớ tưởng và tư tưởng nào xuất hiện với tâm,
Giống như sương mỏng trong bầu trời,
Chúng không đặt nền trên chất liệu nào.
Chúng không có màu sắc, hình dạng,
Và dù đôi mắt của trí huệ bổn nguyên của Phật
Cũng không thấy chúng thậm chí là một hạt vi trần.
– Hiện tượng độc nhất này, tự tâm bạn, là gốc rễ của toàn thể sanh tử và niết bàn, nhưng bạn kinh nghiệm về nó khác nhau tùy theo bạn chứng ngộ bản tánh của chính bạn hay chưa. –
Tantra của sự Giác Ngộ Trọn Vẹn của Vairocana nói :
Bởi vì nó bị bỏ quên bởi mọi phân biệt có và không,
Và bởi vì nó không thể tự phát âm,
Thực tế của bản thân trí huệ bổn nguyên
Được gọi là Như Lai.
Tantra của sự Trình Bày Chánh Định nói :
Thực tại cốt lõi của tâm con
Không nền tảng chất thể, và nó siêu vượt những dấu hiệu.
Lìa khỏi sự tương tục của tánh giác,
Bản thân tâm kim cương thì không thể chứng minh.
– Bản thân tâm kim cương là không hiện hữu ? Không, vì nó là bản tánh của cả sanh tử và niết bàn. Thế nghĩa là nó hiện hữu ? Không, bởi vì nó không được thấy bởi bất kỳ vị Phật nào của ba thời. Bởi thế, nó là không thể chứng minh. –
Tantra của Nhận Diện Tánh Giác Tự-Sanh nói :
Về cái thấy, hãy quan sát tự tâm con.
Nó là Pháp thân trong sáng, ngoài nó không có vật gì.
Nếu con thường trực không rời lìa khỏi nó,
Thì thật tế không có dù một chút biến dịch nào.
Tantra của Sọ Đen của Yama nói :
Nó vốn bất nhị, như bản tánh của không gian ;
Xa lìa lời nói và những quy ước, và không chỉnh trị ;
Hiện tiền xưa nay, nó không cần phải tìm kiếm đâu khác.
Sự Trau Dồi Bồ Đề Tâm nói :
Tâm và tự thân thực tại vốn là bất nhị.
Dù cho con có tìm kiếm bản tánh của tâm, nó không thể nắm bắt.
Nó không thể chỉ cho người khác bằng cách nói. “Nó giống như thế này…”
Tantra Đồng Đẳng với Không Gian nói :
Trước khi có một vị Phật,
Không có cả danh từ “chúng sanh”.
Tinh túy của Pháp là Ta, Tự Ta.
Khi cái ấy được chứng ngộ, nó là Pháp thân.
Nếu con đảnh lễ (tức là nhận biết) ta, liền hiển hiện sự thức tỉnh tâm linh.
Tantra của An Lạc Tự-Sanh nói :
Có cái thấy nhờ đó con xác tín tánh giác của chính con,
Không xao lãng, hãy quan sát tâm con.
Nó vốn không một vật.
Quan sát chính mình, tâm là trong trẻo.
Tantra của Tất Cả Những Cái Thấy nói :
Bồ Đề Tâm là thực tại của cái biết.
Cái đã qua chỉ là những khuynh hướng thói quen ;
Cái sanh khởi về sau chỉ là những phiền não ;
Những tư tưởng sanh khởi như là năm cửa (của tri giác) ;
Không nghiêng ngã theo ba cái này, đó là bản tánh bổn nguyên.
Không có gì cho mắt bám nắm, nó tự nhiên trong trẻo ;
Đó là bản thân trí huệ bổn nguyên không ngăn ngại.
Bản tánh cốt lõi của chính con là Pháp thân.
Nó không bản chất và được xác định là thức.
Tự tâm con là không sửa sang chỉnh trị.
Tự tâm con không phát sanh từ cái gì khác.
– Bồ đề tâm là bản tánh cốt lõi của cái biết. Không bám nắm bất cứ cái gì sanh khởi như là quá khứ hoặc tương lai, hay những tư tưởng sanh khởi như là năm cửa của tri giác, đó là bản tánh bổn nguyên, cách thế tối hậu của hiện thể. Khi cái thấu hiểu này ló dạng cho những người đang trên con đường, nó như mặt trời soi sáng mọi sự. Sáng tỏ hiện ra. Mặt khác, với người ở trong thực tại, không có gì sanh khởi hay không có gì được chiếu sáng. Đây chỉ đơn giản là bản tánh của thực tại. –
Tantra Vinh Quang của Hoan Hỷ Kim Cương nói :
Đại trí huệ bổn nguyên trụ trong thân.
Nó rốt ráo tự do với mọi khởi niệm,
Và nó thấu qua khắp và hiểu biết mọi sự.
Tantra của Giai Cấp Tối Thượng của Kila nói :
Mọi sự xuất hiện như là những hiện tượng
Là kila(5) của trí huệ bổn nguyên của chính con.
Bản tánh của tâm là không thể nắm hiểu.
Bản tánh của không gian là không có bản chất.
Tinh Túy của những Tantra nói :
Quang minh của thế giới hiện tượng là tinh túy.
Quang minh của thức là Pháp thân.
Không bám trước, nó hiện tiền tự nhiên.
Tantra của Bindu Duy Nhất nói :
Hãy biết rằng dù Tam Bảo có hình tướng
Thực ra là không có hình tướng.
Hãy chứng biết tâm con, không hình tướng,
là Pháp thân.
Do đó, Tam Bảo là trọn vẹn trong con.
Tantra của Không Gian Vĩ Đại nói :
An trụ không sửa sang trong bản thân thực tại,
Không có những hình tướng xuất hiện, là thiền định.
Tantra Đồng Đẳng với Không Gian nói :
Bất cứ dấu vết gì của khởi niệm xảy ra,
Chúng đều là sự vô ngại, sự tự-sanh khởi và
sự tự an lặng vĩ đại.
Không biến chất và vô sanh, chúng vốn quang minh tự nhiên.
Nếu con an trụ trong trạng thái không biến chất, không sửa sang của đại bình thản,
Thì cái gọi là “thiền định” chỉ là một quy ước giả danh.
Tantra Thoát Khỏi Tranh Cãi nói :
Chánh niệm không phóng dật là sự trì tụng.
Làm theo cái đó là sự thành tựu.
– Trong giai đoạn phát sanh, những sadhana được đọc và những mantra được tụng, nhưng trong giai đoạn thực hành này, chánh niệm tỉnh giác đơn giản và không xao lãng thì đáp ứng cho mục tiêu của những trì tụng này, và hành động theo đó là sự thành tựu của quả. Chánh niệm tỉnh giác này không chỉ gồm một tâm an bình, mà nhận biết thực sự bản tánh của cái giác của chính bạn. Do làm thế, mục tiêu của mọi trì tụng đã được hoàn thành. –
Tantra của sự Tổng Hợp của Tánh Giác nói :
Nền tảng là tánh Không, Pháp thân.
Nếu người trí không quên thực tại này,
Đại định sẽ trôi chảy không gián đoạn.
Tâm là nền tảng đích thực.
Như trong bầu trời không có dấu chim,
Không có bản tánh nội tại nào trong này.
Đó được gọi là chánh niệm của sự biến đổi thường xuyên
Của những khoảnh khắc của tâm.
Tinh Túy của cái Thấy Tự-Sanh nói :
Sự nhận biết trí huệ bổn nguyên tự biết của con
Là thực tại của bản tánh tự sanh của mọi sự.
Thanh tịnh như bầu trời, sáng láng như mặt trời,
Nó chính là quang minh không hao hụt.
Nó toàn khắp, không bản chất.
Nó không phải không có, vì nó nhận thức và hiểu biết.
Nó chính là tánh giác, bản tánh trống không.
Tantra của An Lạc Tự-Sanh nói :
Do nhận ra tự tâm con là Pháp thân,
Nó được thấy là rạng rỡ tự nhiên, không nắm bắt một đối tượng nào.
Hiện tiền xưa nay, không tăng không giảm,
Vĩnh viễn xa lìa những hoạt động của thân và tâm.
Cũng luận ấy nói :
Người lính gác tự tri ấy không có bản chất và tự do.
Chánh niệm tỉnh giác không lầm lỗi không đi không đến.
Bất cứ niệm tưởng và hiểu biết nào xảy ra,
Đều vô tự tánh ngay khi sanh khởi.
Tantra của Cõi Giới Bao La của Không Gian nói :
Pháp thân thanh tịnh, sâu thẳm
Thì không sanh không diệt.
Những dấu vết động niệm đều thanh tịnh từ căn bản,
Và nó tự do khỏi bản chất của phiền não.
– Đâu là sự liên hệ giữa Pháp thân và phiền não ? Thay vì thấy phiền não là bất tịnh để đoạn trừ và Pháp thân là thanh tịnh để chứng ngộ, bạn cần xác quyết rằng bản tánh của những phiền não của bạn không gì khác hơn là Pháp thân. Nếu không chứng biết bản tánh của những phiền não, bạn sẽ một lần nữa rơi vào và bị nhốt trong suy nghĩ nhị nguyên. –
Tantra của Định Tối Thượng nói :
Thức trong nguyên thể của nó thì trinh nguyên.
Không xao lãng đến cái gì khác, hãy quan sát tâm.
Ngay trên sự quan sát, thức được thấy là vô tự tánh và quang minh.
Hãy chỉ làm điều đó liên tục, không xao lãng,
Vì thiền định không được tìm ở đâu khác.
Kinh Trí Huệ Bổn Nguyên Giải Thoát nói :
Tự tâm là tịnh quang.
Bất cứ hình tướng xuất hiện nào khởi lên từ nó,
Chúng được phát hiện là thực tại của cái vô sanh.
Chánh niệm về cái vô sanh
Được gọi là ở thường trực trong Pháp thân.
Tantra của sự Gom Tụ những Bí Mật về Vô Tâm nói :
Nếu con chứng ngộ thực tại tuyệt vời của tâm,
Sẽ có sự thành tựu trong một đời.
– Chứng biết bản tánh của dù chỉ một tư tưởng sẽ rải ánh sáng trên bản tánh của tất cả những biến cố của tâm thức. Nếu bạn giải thoát khỏi một biến cố tâm thức, bạn được giải thoát khỏi tất cả chúng. Chứng biết bản tánh của một biến cố tâm thức thì giống như chứng biết bản tánh của một bọt nước. Nhưng chưa đủ. Bạn phải chứng biết rằng bản tánh của đại dương thì không khác với bản tánh của một bọt nước đó. Bằng cách nhận biết sự liên hệ giữa bọt nước và đại dương, bạn sẽ không nhìn thấy một bọt nước là một biến cố tách lìa ngoài đại dương nữa, mà thay vì thế, bạn chứng biết bản tánh của toàn thể đại dương.
Áp dụng tiến trình này cho một khởi niệm, bạn sẽ hiểu rằng nó không khác với bản tánh của tâm, được ví với đại dương. Do chứng biết bản tánh của chỉ một tư tưởng, mọi tư tưởng sẽ được giải thoát. Khi thực hành, bạn cần tiếp tục giải thoát theo cách đó những tư tưởng khi nào chúng khởi. Chớ nghĩ chỉ làm một vài lần là đủ. –
Tantra của những Bí Mật Không Thể Nghĩ Bàn nói :
Chót đỉnh của mọi hiện tượng
Là không gian tuyệt đối, không có bản chất.
Một tâm không có cái thấy nào
Quan sát thấy Đại Ấn.
Tâm con là bản tánh của mọi sự.
Tantra Đồng Đẳng với Không Gian nói :
Mê và ngộ cùng một bản tánh.
Một chúng sanh không có hai dòng tâm –
Đây là tánh giác tịnh quang.
Hãy để cho tánh giác không hề biến chất được là chính nó.
– Cả hai trạng thái mê và ngộ của tâm thức đều nguyên là bản tánh của sugatagarbha, Phật tánh. Bản tánh của dòng tâm thức là tánh giác tịnh quang này. Nếu bạn thâm nhập bản tánh của một tư tưởng, bạn thâm nhập mọi tư tưởng. Hãy để cho bản tánh bất biến của bạn được là chính nó.
Có bốn loại “để cho là”. Cái thứ nhất là để cho cái thấy được là, như một trái núi. Khi bạn để cho nó là chính nó, bạn thành như một trái núi chẳng động. Hãy nhớ lại rằng người đã sẵn sàng cho thực hành này có thể vào trạng thái này như chim garuda (kim xí điểu) tức thời bay lên khỏi vỏ trứng, nhưng hầu hết người thường phải theo một con đường tiệm tiến hơn.
Thứ hai là để cho thiền định là, giống như để cho đại dương là. Không có cái thấy, thiền định không thể theo sau. Trong sự để cho là này, thân thể vẫn hoàn toàn bất động, yên lặng. Ngữ, như những dây đàn đã bị cắt, hoàn toàn im lặng. Cái nhìn cố định và vững chắc không có đích điểm. Như đại dương, tâm bất động, thân bất động, ngữ bất động và cái nhìn cố định không chớp mắt.
Thứ ba là để cho những hình tướng xuất hiện là. Hãy để cho tất cả xuất hiện với sáu cửa của tri giác – tích cực hay tiêu cực, tốt hay xấu – đơn giản sanh khởi. Bất cứ cái gì sanh khởi với tâm, hãy để chúng sanh khởi. Không theo, không nắm, không ngăn chặn, và không đáp trả với hy vọng hay lo sợ. Những xuất hiện này giống như những làn sóng trôi dạt trên mặt đại dương, khi ấy bản tánh của nó thì không khác với đại dương. Chúng cũng giống như những tia sáng của mặt trời không khác với mặt trời. Đó là sự thực hành để cho những xuất hiện là.
Thứ tư là để cho quả là, tức là để cho tánh giác là. Điều này thoát khỏi cảm thức có cái gì để đạt được hay có ai để đạt được. Bạn thoát khỏi mọi mong cầu – dù là hy vọng với sự thức tỉnh tâm linh. Qua việc để cho tánh giác là, bạn xác quyết bản chất chân thật của tánh giác, và bạn biết bản tánh của tánh giác là Phật. Một vị Phật không mong thành Phật, không sợ không thành Phật. Khi bạn chứng ngộ bản tánh của tánh giác của bạn, bạn sẽ biết không có cái gì để đạt được. Bạn sẽ biết không có Phật tánh ở đâu khác phải tìm.
Có được thành công trong thực hành “để cho là” giống như gì ? Khi bạn thiện nghệ trong việc để cho là như một trái núi, đấy giống như leo lên đỉnh cao nhất của một rặng núi. Từ đỉnh cao đó bạn có thể nhìn toàn bộ các dãy núi. Một khi bạn đã chứng ngộ cái thấy đích thực này, mọi sự khác có thể thấy được. Trong trạng thái này không có sự khác biệt giữa định và sau định. Có tính đồng nhất trọn vẹn giữa định đích thực và trạng thái sau định.
Một khi bạn đã có kinh nghiệm để cho là như một đại dương, bạn hoàn toàn siêu vượt khỏi sự phân biệt ba cái : người thiền định, đối tượng thiền định và sự thiền định. Mọi hiện tượng trong sanh tử và niết bàn xuất hiện với tâm trong sự trong suốt cao tột, như thể bạn nhìn một đại dương bao la trong đó nước hoàn toàn trong suốt và sáng ngời. Ấy giống như nhìn những hình ảnh trong một tấm gương rất trong sáng. Trong trạng thái này, ngược với hiện trạng của chúng ta, có một phẩm tính biết khắp của tánh giác của bạn. Bạn có hai loại hiểu biết : bản thể và hiện tượng. Hơn nữa, bạn có tự tin. Mọi hiện tượng ở trong tánh giác của bạn trở nên trong sáng, và bạn có sự tự tin của một con kim xí điểu đang bay, không lo lắng bị rơi xuống đất. Tương tự, bạn đạt được sự tự tin về tự do viên mãn. Hơn nữa, mọi biến cố xấu tốt xuất hiện như những tự-phô diễn, hay những biểu hiện sáng tạo, của tánh giác, như sóng khởi từ đại dương.
Liên kết chặt chẽ với chứng ngộ này là việc thấy bindu độc nhất, nó là nhất tánh nền tảng của toàn thể sanh tử và niết bàn, tự chứng nghiệm thấy một vị của sanh tử và niết bàn. Chi tiết hơn : Ba hiện thân, Pháp thân, Báo thân và Hóa thân, tương đương với tinh túy, bản tánh và lòng bi toàn khắp của tánh giác. Báo thân khởi lên như một phô diễn sáng tạo của Pháp thân, và Hóa thân là một phô diễn sáng tạo của Báo thân. Điều này liên hệ với sự khẳng định rằng nếu người ta nhận biết bản tánh của một tư tưởng, việc đó soi sáng về bản tánh của mọi khởi niệm. Bằng cách hiểu biết bản tánh của một tư tưởng, bạn biết bản tánh của tất cả mọi tư tưởng.
Trạng thái để cho những xuất hiện là, cũng được gọi là “để cho các hạnh của bạn là”, và để cho tánh giác là, cả hai đều là những trạng thái siêu việt không thể diễn tả bằng lời nói. Trong thực hành bạn đạt đến bốn cấp độ chứng ngộ này một cách thứ lớp, bằng cách trước tiên trau dồi sự phát tâm và rất tỉ mỉ về thái độ cư xử và những hậu quả đạo đức của nó. –
Tantra của Vô niệm nói :
Tâm vốn sẵn, vô trụ một cách bổn nguyên,
Là Đại Ấn, nó không sanh tưởng điều gì,
Tất cả những hiện tượng không thể chạm đến,
Hãy an trụ trong trạng thái bất biến đó.
Tantra của Vô Trụ nói :
Trong gỗ thuần khiết của mọi khởi niệm
Ngọn lửa vĩ đại của tịnh quang
Cháy sáng không cùng như là Đại Ấn.
Đó là công đức tối thượng của bình đẳng.
Vốn giác ngộ từ sơ thủy,
Trí huệ bổn nguyên trụ trong dòng tâm thức của con.
Về ba pháp tu tâm
Không chắc chắn điều con mong muốn sẽ xảy ra.
Chỉ với dòng tương tục của chánh niệm không phóng dật
Tinh túy sẽ xảy ra ngay lúc đó.
Với sự lớn mạnh và hoàn thiện của lòng bi vô niệm,
Đó là Đại thừa.
Không có trạng thái thiền định và sau thiền định,
Thì không có đứt đoạn trong dòng tâm thức này.
Những nhà tham thiền vĩ đại trau dồi cái này
Họ không trở nên manh mún.
– Những tư tưởng, hình ảnh… sanh khởi trong tâm như một khu rừng vô tận. Chẳng lẽ chúng ta đốn từng cây một ? Hãy để cho tất cả bị cháy thiêu trong ngọn lửa lớn của tịnh quang của Đại Ấn.
Ba pháp ám chỉ sự sai khác của những phương pháp tu hành tâm thức. Bạn có thể dấn thân vào những phương pháp này, nhưng không bảo đảm bạn sẽ thành tựu đúng kết quả mà bạn nghĩ. Như một kết quả của thiền định, có người bước đầu kinh nghiệm về lạc, hoặc trong sáng, hoặc vô niệm. Bám chấp vào ba kinh nghiệm đó sẽ dẫn đến cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc theo thứ tự. Còn không bám chấp vào chúng, bạn sẽ đến chỗ chứng ngộ bản tánh cốt lõi của chúng là ba thân Phật. Bản chất thật sự của lạc là Hóa thân, của trong sáng là Báo thân và của vô niệm là Pháp thân. Trong thực hành này ba thân không được hoàn thành từng cái một, mà đồng thời. Vì thế tâm của những nhà tham thiền vĩ đại tu hành pháp này không bị trở nên manh mún. –
Tantra của Bất Khả Tư Nghì nói :
Tâm là Pháp thân, nên nó không là gì hết thảy.
Thân là Báo thân, với những tướng tốt.
Bởi vì nó có thể soi sáng những hiện tượng, nó là Hóa thân.
Hãy luôn luôn thờ phụng mạn đà la của ba hiện thân này.
Bởi vì nó biểu lộ những kết quả tướng tốt,
Cái này được gọi là cái thấy cao cấp, không thể nghĩ bàn.
Với một tiếng nói duy nhất của ngữ của tất cả chư Phật,
Cái này được tuyên bố là tantra vĩ đại, vô thượng.
Tantra của Sambhuta nói :
Khi quay lưng lại với chính mình,
Và tìm kiếm mọi nơi trong mọi cõi vũ trụ,
Phật không được tìm thấy ở nơi nào khác.
Tantra của những Bí Mật Không Thể Nghĩ Bàn nói :
Chót đỉnh của mọi hiện tượng
Là không gian tuyệt đối không có bản chất.
Một tâm không có cái thấy nào
Quán thấy Đại Ấn.
Tantra Sảnh Đường Kim Cương nói :
Ngoài viên ngọc tâm
Không có chư Phật không có chúng sanh.
Tantra Vinh Quang của Hoạt Động Bí Mật nói :
Mọi hiện tượng có bản tánh là tâm,
Và tâm có bản tánh của tánh Không.
Mọi sự là trống không, một vị.
Đây là không gian tuyệt đối, trong đó
không có lấy hay bỏ.
Tantra Vajra Daka Bí Mật nói :
Do chứng ngộ tự tâm cho chính mình,
Chúng sanh vốn là Phật.
Năm Giai Đoạn nói :
Như thế, ba trí huệ bổn nguyên
Sanh khởi từ tịnh quang thuần khiết,
Mang ba mươi hai tướng chánh,
Và tám mươi tướng phụ.
Bậc Toàn Giác, với mọi phương tiện tối thượng,
Sanh khởi từ cái đó.
Tantra Vinh Quang của Hoạt Động Bí Mật nói :
Người nắm hiểu và cái được nắm hiểu
Làm hiện hình mọi vật.
Bởi vì tự tâm là không thể quan niệm,
Chớ quan niệm ra cái gì.
– Những thực hành khác, như giai đoạn phát sanh và một số thực hành trong giai đoạn thành tựu bao gồm sự sử dụng tư tưởng và sự bám nắm ý niệm. Nhưng trọng điểm của đoạn trích dẫn này nói bởi vì từ sơ thủy bản tánh của tâm vừa vô niệm vừa không thể quan niệm, thế nên hãy làm thực hành đơn giản nhất : chớ quan niệm ra cái gì. Hãy vượt lên khỏi mọi việc đối tượng hóa và bám nắm gồm trong những thực hành khác nhau của những giai đoạn phát triển và thành tựu. –
Tantra Guhyasamaja nói :
Về thực tại tối hậu,
Hãy thiền định về những sự vật của ba cõi là vô tự tánh.
Sự thiền định thực sự về vô tự tánh
Là sự thiền định không có gì để thiền định.
Bởi thế, sự thiền định về những cái có bản chất và không bản chất
Là không có đối vật nào.
Tantra Nguyên Thủy nói :
Sự trau dồi tham thiền nhất tâm
Bao gồm suy nghĩ về “không một vật”.
Tantra Vinh Quang của Cam Lồ Vương Giả nói :
Thiền định về tịnh quang, bản tánh của nó là trống không,
Nó không thể tìm được,
Cũng không thể tìm được bằng cách không thiền định.
Bản thân thiền định là sự ý niệm hóa,
Và không thiền định cũng là sự ý niệm hóa,
Không có một điểm nào để thiền định,
Chớ bị xao lãng dù chỉ một giây.
– Một mặt, bạn cố gắng rất nhiều để thiền định, nhưng trạng thái thiền định không sanh khởi. Sau đó, bạn bỏ thiền định, và trạng thái thiền định vẫn không sanh khởi. Ngược lại, nếu bạn thực sự nhận biết bản tánh tịnh quang của tự tâm bạn, thì không cần thiền định… và không cần không thiền định. –
Kinh Những Câu Hỏi của Madrošpa nói :
Người ta thấy bằng cách nhìn với đôi mắt của trí huệ.
Thấy mà không thấy là thấy tánh (thấy thực tại).
Thấy cái bất động với đôi mắt của trí huệ
Là thấy Phật.
– Thấy vượt qua thực tại quy ước là thấy với cái nhìn thấy của Phật. Thực hành này giống như chỉ vào khắp nơi mà hỏi, “Tôi ở đâu ? Tôi ở đâu ?” Cuối cùng ngón tay của bạn đi vòng vòng, rồi chỉ vào chính cái mũi của bạn, và bạn nhận ra bản tánh của chính bạn. –
Trang Hoàng cho Chứng Ngộ Cao Hơn nói :
Đối tượng của cái này là không có tự tánh.
Và tác nhân được nói là chánh niệm tỉnh giác.
Doha Vua nói :
Không chánh niệm tỉnh giác về chân lý quy ước,
Tâm trở thành vô tâm.
Sự chuyển hóa là cái tốt nhất của cái tốt nhất.
Hãy biết rằng cái này là tối hậu, tối thượng.
Tâm được thống nhất trong định không cần chánh niệm,
Và đó là sự tịnh hóa triệt để những phiền não.
Như một hoa sen từ bùn sanh ra không dơ nhiễm bởi bùn,
Người ta chẳng hề dính nhiễm bởi đại dương lỗi lầm của sanh tử.
– Một doha là một bài ca tự phát của chứng ngộ. Trong trạng thái chứng ngộ nói ở đây, tánh giác vượt khỏi mọi chánh niệm, và như thế tâm thành vô tâm, nghĩa là tâm vô tự tánh. Đây là cái tốt nhất của cái tốt nhất. Hãy ghi nhớ và tin chắc rằng Phật tánh vốn thanh tịnh. Như hoa sen không nhiễm bùn, Phật tánh không nhiễm ô bởi những lỗi lầm của sanh tử. –
Kho Tàng Doha trong Một Trăm Mười Bài Kệ nói :
Cái tâm không nhìn bên ngoài cũng không nhìn bên trong
Thì không nghĩ đến cái gì cũng không toan tính cái gì.
Cái tâm có khi phóng dật trong những tạo tác ý niệm liên hệ đến những hình thể hợp tạo
Tỏ rõ bản tánh không có chuyển di hay tham dự.
Hãy thiền định về tinh túy bình thường của tâm.
Tâm này giống như tâm trí một người điên không dính dáng gì đến hành động.
Hãy thiền định về trí huệ bổn nguyên, nó không bị nhiễm ô bởi những biên kiến.
Hỡi những nhà tham thiền không nhắm mắt và không thiền định,
Họ ngồi trên một cái đệm tịch lặng, không quê hương,
Hãy thiền định về bản tánh cốt lõi của tâm,
Thực tại không hề có dấu vết nhiễm ô của luyến ái và ghét hờn.
Sự không thể phân chia này của nhân và quả là tâm cốt lõi.
Không cần nỗ lực cho lắm để kinh nghiệm được nó.
Một Trăm Sáu Mươi Bài Kệ của Doha Công Khai nói :
Hỡi những người ngu, ngay trên chứng ngộ tâm của tâm,
Mọi quan kiến có hại sẽ tự nhiên được giải phóng.
Nhờ do thần lưÏc của đại lạc tối thượng,
Nếu bạn trụ trong đó, siddhi tối hậu sẽ được kinh nghiệm.
– Ngay trên sự chứng ngộ bản tánh của chính bạn, mọi quan điểm, cái thấy, ý kiến, niềm tin và viễn cảnh sẽ tự nhiên được giải phóng. Chính xác hơn, không phải những cái thấy kia là sai lầm mà chính sự bám chấp vào chúng làm chúng trở nên có hại. Trên sự chứng ngộ bản tánh, sự bám chấp vào những cái thấy, cùng những khuynh hướng thói quen thúc đẩy làm như vậy, sẽ tự nhiên giải thoát. –
Luận Văn Kho Tàng của Hiện Thân Bí Mật nói :
Đại Ấn không nương dựa trên cái gì khác,
Thế nên đối tượng của thiền định là chính con, và thiền giả là tự tâm con.
Trong trạng thái vượt khỏi trí năng, có tự do khỏi tính đối tượng.
Bởi vì đó là quả, không có nương dựa vào cái gì khác.
Thiền định, thành tựu và trì chú là tự tâm con.
Bổn tôn đã chọn của con cũng là tự tâm con,
Thế nên những tiên tri của những dakini và vân vân là tự tâm con.
Trong trạng thái vượt khỏi trí năng, có tự do khỏi tính đối tượng.
– Thiền giả, đối tượng của thiền định và sự thiền định là bản tánh của chính bạn. Trong trạng thái vượt khỏi trí năng, bạn xa lìa khỏi mọi quy chiếu đối tượng. Bạn không bám nắm cái gì với tánh giác của bạn. Thậm chí bổn tôn đã chọn lựa là tâm của chính bạn, dù nam hay nữ, bình an hay hung nộ. Điều này cũng đúng cho những cõi tịnh độ. –
Kho Tàng của Ngữ Bí Mật nói :
Ồ, như thế nào vòng hiện hữu bị bỏ lại đằng sau ?
Không có những nguyên nhân hay trợ duyên, tánh Như của tâm,
Nó không phải là một đối tượng của tư tưởng, vốn nguyên là Đại Ấn.
Do thần lực của tánh Như, người ta thoát khỏi những hình tướng,
Và Đại Ấn được chứng ngộ trong chỉ một đời.
– Nếu bạn thực sự nhận biết bản tánh của sanh tử, bạn sẽ thấy rằng thế giới hiện tượng này, không có nền tảng, không có tự tánh, không cần từ bỏ hay khước từ. Bạn chỉ cần thấu hiểu bản tánh thực sự của nó. Một lần nữa, hãy ghi nhớ trong tâm rằng bản tánh của sanh tử và niết bàn là tâm của chính bạn. Sự huy hoàng của niết bàn là tự tâm bạn, những khủng khiếp của ba cõi thấp của sanh tử là tự tâm bạn. Nếu bạn nhận biết bản tánh của sanh tử và niết bàn là tâm của bạn, bấy giờ trong chỉ một đời, Đại Ấn sẽ được chứng ngộ. –
Kho Tàng của Tâm Bí Mật nói :
Với sự phát hiện những tính chất của Đại Ấn,
Thoát khỏi người nắm hiểu và cái được nắm hiểu, những lỗi lầm v.v… bị thiêu ra tro.
Nếu nó được quan sát một cách nhất tâm, đây là sự tuyệt hảo nhất.
Làm thế một cách nhất tâm, không có sự trau dồi những phẩm tính tuyệt hảo.
Những tư tưởng là tự-soi sáng, và chúng được bình lặng trong trạng thái không vết dơ.
Không có chánh niệm và không có hình tướng, chúng giống như những phản chiếu trong gương.
– Những khuyết điểm chỉ hiện hữu như những khuyết điểm nếu bạn không nhận biết thực tánh của chúng. Nếu bạn nhận biết bản tánh của chúng, bạn thấy chúng là bản tánh của Đại Ấn. Chỉ đơn giản quan sát nó một cách nhất tâm là sự trau dồi (tu hành) tuyệt hảo nhất, và không có cái nào khác cần thiết. Những tư tưởng này và những hiện tượng khác là tự-soi sáng – chúng xuất hiện, nhưng chúng không có nền tảng và không bản chất như bóng trong gương. –
Sự Không Dính Dáng đến Thức của Ba Hiện Thân nói :
Nơi nào có sự không rời lìa khỏi cái này,
Trong một khoảnh khắc có tự do khỏi những đối tượng của chánh niệm và bám níu.
Khó mà truy tìm tâm kim cương.
Cái nhìn thấy tâm như là tâm thì có một vị bình đẳng,
Và nó được phát hiện bởi chót đỉnh của an định bên ngoài và bên trong.
Sự tham thiền an trụ trong thực tại bổn nhiên
Được hoàn thiện trong không gian bí mật, tuyệt đối của trí huệ bổn nguyên.
– Vị bình đẳng có thể giải thích : Người ta thấy ba hiện thân Pháp thân, Báo thân, Hóa thân như một vị, một bản tánh. Giải thích khác nói đến Bồ đề tâm, trong đó người ta nhìn những người khác một cách bình đẳng, không thân không sơ. Cuối cùng, có một vị của sanh tử và niết bàn. Sự tham thiền trụ trong thực tại bổn nhiên, tánh thanh tịnh tự nhiên, được hoàn thiện trong không gian tuyệt đối của trí huệ bổn nguyên. Đây là Dzogchen, Đại Toàn Thiện ; đây là Mahamudra, Đại Ấn. –
Doha của ẩn sĩ Saraha vinh quang nói :
Ồ, hãy để tâm quan sát chính nó không phóng dật !
Nếu bạn chứng ngộ tánh như của chính bạn,
Thậm chí tâm phóng dật sẽ khởi lên như Đại Ấn.
Đây là trạng thái của đại an lạc, trong đó những dấu vết hình tướng tự-giải phóng.
– Chớ làm gì khác, chớ tham dự vào cái gì bên ngoài, chỉ thức giác về tự tâm bạn. Chứng ngộ bản tánh của tâm, thì ngay cả tâm phóng dật khởi sanh như là Đại Ấn. Điều này liên hệ chặt chẽ với khẳng định rằng giải thoát một tư tưởng thì tất cả tư tưởng được giải thoát ; bằng cách có quán chiếu vào một tư tưởng thì có quán chiếu vào tất cả tư tưởng. Chừng nào người ta ở trong trạng thái tánh giác này, bèn không có tư tưởng, phân biệt. Qua sự chứng ngộ bản tánh của tâm bạn, bạn chứng ngộ một vị của sanh tử và niết bàn. –
Doha của Virupa nói :
Cõi giới của tự thân thực tại của tâm không hiện hữu như “nó là cái này”.
Như thế, trong đó không có nhị nguyên thiền định và đối tượng của thiền định.
Hãy an trụ không phóng dật trong trạng thái trong đó không có những tư tưởng về có hay không.
Doha của Tilopa nói :
Tôi, Tilopa, không có cái gì để bộc lộ.
Chỗ ở của tôi thì không cô đơn cũng không phải không cô đơn.
Mắt tôi không mở cũng không nhắm.
Tâm tôi không được tạo dựng cũng không phải không tạo dựng.
Hãy biết rằng cái bẩm sinh vốn sẵn không thể đem đến cho tâm.
Doha của Nagpopa nói :
Khi trên con đường, bạn thoát khỏi cố gắng, đó là trạng thái vốn sẵn.
Không cách gì toan tính tánh như bằng những ý niệm.
Khi bạn thấy nghĩa rốt ráo là không thể toan tính và không thể sai lầm,
Không có bám níu nhị nguyên vào “trống không” hay “chẳng trống không”.
Hãy tiến đến cực điểm của sự tịch diệt của những hiện tượng và sự tịch diệt của
trí năng.
Doha của Maitripa nói :
Nếu bạn biết tâm bạn vốn thống nhất với tâm giác ngộ, đó là bổn tôn được chọn.
Chớ rút lui thức của bạn, mà chỉ dần dần loại bỏ tư tưởng.
Nếu khởi niệm xảy ra trong tâm, thiền giả
Để cho nó buông xả và không tạo dựng, như một mảnh bông gòn lơ lửng.
Hãy loại bỏ tạo tác và để cho tâm bạn quan sát chính nó.
Mahamudra Gangama nói :
Tâm, như tinh túy của không gian, siêu vượt khỏi những đối tượng của khởi niệm.
Hãy thư giãn trong trạng thái này, không điều khiển hay đặt định nó.
Khi tâm không có đối tượng hữu ý, đó là Đại Ấn.
Nếu bạn tự mình làm quen với nó, giác ngộ vô thượng sẽ thành.
Tổng Hợp Cái Thấy của Naropa nói :
Có nói rằng tâm thường trụ như không gian,
Và bản thân cái giác, thoát khỏi tạo tác ý niệm,
Xuất hiện và trống không, trống không và xuất hiện.
Như thế, nó là xuất hiện và trống không không thể phân chia.
Tổng Hợp Những Lời của Maitripa về Đại Ấn nói :
Hãy ở yên trong bản tánh vô sanh.
Cái không thể suy nghĩ là Pháp thân.
Ở yên không chỉnh sửa trong thiền định ;
Tìm kiếm và thiền định chỉ bao gồm trí năng lừa dối.
Chín Hạt Giống của Lời Khuyên Thực Hành Quý Báu của Panchen Sakyasùri nói :
Bất cứ cái gì xuất hiện, nếu bạn để cho nó nơi chỗ của nó, là sự hiện diện tự nhiên, thoát khỏi hành.
Nếu bạn thấu rõ bất cứ cái gì sanh khởi, tỉnh giác được giải thoát ngay chỗ của nó.
Nếu bạn cắt đứt sự tìm cầu phân tán, mọi tư tưởng tan biến vào không gian tuyệt đối.
Ba cái này là bản tánh hiện trạng của tâm bạn, thế nên hãy trau dồi chúng như thực hành chính yếu.
Truyền Thống Zhijepa của Phadampa nói :
Tâm của chính bạn thoát khỏi bám nắm,
Không có thức rải rắc
Phân tán theo những xuất hiện của năm giác quan,
Là phương pháp vĩ đại của sự an tâm.
Sự Tiết Lộ Những Bí Mật của Songtsen Gampo nói :
Khi nhìn, không có đối tượng được thấy,
Nhưng bằng ở yên không nhìn, bản thân thực tại được thấy.
Bằng ở yên không hoàn thành, bản thân tâm được hiện thể.
Không bám nắm và không buông thả, (tâm) được giải thoát ngay chỗ của nó.
Hãy ở yên không bám nắm bất cứ chút gì.
Khi có nhận biết, (tâm) được giải thoát trong thái của chính nó.
Trong Đại Toàn Thiện nhiều phân biệt giữa tâm và tánh giác được bàn luận, nhưng chúng đều quy về một điểm. Tantra của Cõi Giới Trong Sáng Chói Ngời của những Dakini nói :
Cái được gọi là “tánh giác, tánh giác”
Là tánh giác tỏ biết và trong sáng.
Khởi niệm trước được giải thoát ngay chỗ của nó ;
Bám nắm sắp tới không sanh khởi ;
Trong khoảng giữa ấy có tự do khỏi tạo dựng và nhiễm ô của các cực đoan.
Khoảng hở này và chỗ chia cách này, thoát khỏi dấu vết nhiễm ô,
Được nhận biết như là tánh giác.
Tinh túy của nó là trống không, bản tánh của nó là trong sáng,
Và lòng bi của nó có thể xuất hiện với tất cả.
Đó là bản tánh hiện trạng của tánh giác.
Thơ của Dechen Lingpa nói :
Tánh giác hiện hữu bổn nguyên, Pháp thân này,
Là tự-sanh, tự-hiện. Không biết bản tánh cốt lõi của nó,
Người ta xoay tròn trong chuỗi sanh tử.
Ngay bây giờ hãy biết bản tánh cốt lõi của bạn !
Bạn là tất cả hình thái của những sự vật ;
Cũng thế, nếu bạn bác bỏ hay khẳng định cái này cái nọ, bạn bị trói buộc.
Trong thực tế những hiện tượng là không nền tảng, không trụ ;
Không thực có, những xuất hiện hư vọng không thể có được bằng nắm bắt.
Cái này, nó tự nhiên an trụ, không tạo dựng, trinh nguyên và thảnh thơi,
Vốn là Phật xưa nay.
Không dấn mình vào sửa đổi, nhiễm ô, truy tìm hay phân tích tốt xấu,
Thường trực canh giữ gác canh của chánh niệm thoát khỏi phóng dật.
Tánh đồng nhất vĩ đại, toàn khắp của vị bình đẳng giữa sanh tử và giải thoát,
Tại sao bạn gọi cái này là “sự không sanh khởi của vô minh ?”
Mặc kệ tư tưởng nỗ lực chuyên cần với Pháp,
Hãy an trụ trong trạng thái không hành vi, thoát khỏi cố gắng.
Cái thức tươi mới trinh nguyên này của khoảnh khắc hiện tại
Là Đại Ấn, sự tham thiền của những bậc Điều Ngự.
Hãy yên nghỉ không tham cầu thành tựu định và sau định,
Kinh nghiệm chứng ngộ, trí huệ bổn nguyên v.v…
Nếu bạn đã hoàn thành sự thức tỉnh tâm linh, bạn chỉ là tánh giác.
Trong vòng sanh tử những trạng thái khổ đau, chỉ là bạn đã mê mờ tánh giác này.
Bởi thế, ngoài chỉ tánh giác của bạn,
Chớ chăm sóc hy vọng hay lo sợ, lấy hay bỏ, xác định hay phủ định.
Rendawa Zhošnnu Lodroš nói :
Theo cách này hãy quan sát không gian tuyệt đối của tâm bổn nhiên :
Đây là sự không thể chia tách của phương tiện thiện xảo và trí huệ và Đại Ấn của một vị.
Nó là tâm nguyên sơ, xa lìa mê ngộ, hôn trầm và trạo cử.
Hãy ở yên trong hiện trạng của chính bạn, không làm nhiễm ô nó bằng tư tưởng muốn thiền định.
Hãy ở yên thong dong, và canh gác tháp canh của tỉnh giác.
Như một con chim bay khỏi một chiếc tàu trong đại dương,
Bay vòng và trở lại yên nghỉ trên con tàu,
Dù có nhiều khối tư tưởng tuôn ra,
Cuối cùng chúng cũng trở về yên nghỉ nơi chỗ ở của chính chúng, không gian tuyệt đối của những hiện tượng.
Như thế, nào cần có một điểm dừng cho sự khởi niệm.
Hãy giải phóng trong rỗng rang, và canh gác tháp canh của tỉnh giác.
Như áp dụng một thần chú cho thuốc độc,
Những tư tưởng và phiền não sanh khởi như đại trí huệ bổn nguyên.
Chớ nghĩ điều này được thành tựu bằng sự cố gắng.
Bóng tối của những che chướng được xua tan bởi tịnh quang tự-sanh.
Như thế, hỡi những nhà tham thiền, nếu các bạn muốn kinh nghiệm tịnh quang tự-sanh,
Chớ thành tựu nó bằng vào vô niệm.
Nếu các bạn muốn làm bình lặng những làn sóng,
Khi bạn cố gắng khiến điều này xảy ra, chúng lại sanh khởi nhiều thêm.
Cũng thế, dù bạn áp dụng những đối trị để dừng khởi niệm,
Những sóng tư tưởng sẽ lại tuôn trào.
Khi bạn chỉ bỏ mặc chúng một mình,
Sau một lúc những làn sóng sẽ lặng.
Cũng thế, nếu bạn biết thực hành thong dong thế nào, không ra công,
Những sóng khởi niệm sẽ tự nhiên bình lặng.
Sự giải phóng khởi niệm vào không gian tuyệt đối là định ;
Ngay nơi sự cắt đứt những thêm thắt ý niệm, đó là quán ;
Và khi những xuất hiện hình tướng và tâm hòa lẫn không thể phân chia, đó là hợp nhất.
Giống như một bình pha lê có nước,
Trong không gian tuyệt đối tinh khôi, vốn hiện tiền tự nhiên,
Không có những khuynh hướng thói quen nhiễm ô của phiền não để đoạn trừ,
Cũng không phải chỉnh sửa tâm với những đối trị để thành vô niệm ;
Thế thì căn cứ vào đâu để bạn thiền định với đối trị nào ?
Khi tâm vô sanh của bạn trụ trong không gian tuyệt đối,
Không thấy có những dấu vết của những vấn đề và những đối trị hay lấy và bỏ,
Và khi không có gì để thiền định và ai là người thiền định,
Những rắc rối tự-giải thoát, và những phương thuốc tự-xuất hiện.
Ban đầu, con đường để đi thì giống như một dòng suối đổ xuống một hẻm núi ;
Ở lúc giữa, con đường thánh thì giống như dòng sông Hằng ;
Cuối cùng, giống như sự bao la của đại dương,
Nó không động bởi bất cứ cái gì, và đó là con đường của toàn giác.
Kyemé Zhang Rinpoche nói :
Thiền định về Đại Ấn,
Không buộc mình vào một pháp môn đã chế định,
Bạn chắc chắn không cần tính toán theo những giai đoạn
Của những sơ bộ, thực hành chính và kết thúc.
Không cần tính toán những chu kỳ của thời gian hay ngày theo trăng.
Bất cứ khi nào bạn nhớ đến chuyện làm như vậy, hãy an nghỉ trong trống rộng.
Không có bắt đầu, chặng giữa hay cuối cùng.
Dòng tương tục của tâm vô sanh của bạn không bao giờ ngừng dứt.
Về sự đông đầy những làn sóng tư tưởng,
Nó sẽ trở thành thanh tịnh nếu nó được để một mình không tác động gì đến nó.
Nếu tấm màn những che ám của những tư tưởng bạn
Được để một mình không chỉnh trị, sửa sang, nó sẽ thanh tịnh như là Pháp thân.
Không biến đổi cái gì cả, hãy an nghỉ trong trống rộng.
Không rút lại thức của bạn, mà để nó đi tự do.
Không ham hố cái gì, mà nghỉ ngơi trong rỗng rang.
Không dấn thân vào nhiều việc, mà nghỉ ngơi trong cái hiện tiền.
Không cố gắng hướng dẫn tâm,
Hãy để nó vô trụ, như khoảng không gian.
Không nghĩ đến quá khứ, tương lai hay hiện tại,
Hãy để tâm thức bạn trinh nguyên, tươi trẻ.
Dù có tư tưởng tuôn ra hay không,
Chớ làm ra một điểm thiền định, mà an ổn thong dong.
Tóm lại, không thiền định về bất cứ cái gì,
Hãy để tâm thức bạn rong chơi tự do.
Không cần lo lắng về bất cứ điều gì.
Hãy hiện diện sống động trong kinh nghiệm về Pháp thân.
Bốn Pháp để Hàng Phục những Ranh Giới do Serlingpa dạy nói rằng :
Vứt nó xa và để nó tự do ;
Để nó lỏng lẻo và để nó là.
Sakya Dragpa Gyalsen vinh quang nói :
Hãy quan sát tâm của tâm, nó là vô tâm.
Nếu có cái gì để thấy, đó không phải là tâm tự thân.
Thấy cái không thấy là cái nhìn thấy của tâm.
Hãy an nghỉ không phóng dật trong tâm không thể thấy.
Tám Bài Kệ của Sakya Pandita nói :
Nếu gởi nó đi xa, nó không đi ;
Nếu buộc chặt nó, nó không dừng ;
Nếu nó được xem xét kỹ, nó là vô trụ ;
Thế thì đâu là bản tánh của nó ?
Chừng nào bạn còn một chút tham cầu nó,
Bạn sẽ bị trói buộc.
Nếu bạn biết bản tánh của nó,
Bạn sẽ được giải phóng khỏi mọi buộc ràng.
Những Giáo Lý Được Tuyển Tập của Phu Nhân Lab-dron nói :
Bởi thế, hãy an trụ trong trạng thái không suy nghĩ.
Chớ đi theo những dấu chân cảm thọ và tư tưởng.
Như sự sáng tỏ tự nhiên của một tia sấm chớp trong bầu trời,
Bất cứ tư tưởng gì khởi lên, hãy để chúng là như vậy.
Và :
Cũng thế, nếu bạn nhận biết tâm bạn,
Thì không cần hoàn thành thức tỉnh tâm linh ở nơi nào khác.
Theo những lời dạy của Gyalsey Thogmé, xuất hiện về sau đó :
Những hình tướng xuất hiện này thật ra là chính tâm bạn.
Tự tâm vốn tự do khỏi những cực biên của tạo tác ý niệm.
Nếu nó được biết, những dấu vết của cái được nắm hiểu và người nắm hiểu
Không xảy ra với tâm – đó là sự thực hành của những người con của chư Phật.
Và :
Hãy giải phóng một cách tự do hoạt động của thân,
Như một bó rơm bị cắt đứt.
Hãy giải phóng một cách tự do hoạt động của ngữ,
Như một đàn luýt bị cắt hết dây.
Hãy giải phóng một cách tự do hoạt động của ý,
Như một sợi dây thừng đã đứt.
Đức Marpa Lotsawa nói :
Những phân tán nhị nguyên của tâm
Tan vào không gian tuyệt đối của những hiện tượng, tự do với mọi tạo tác ý niệm.
Cơ cấu huyễn hóa này của những xuất hiện ở bên ngoài
Được chứng ngộ là cái toàn khắp vô sanh.
Bản tánh cốt lõi của tâm, người nắm hiểu ở bên trong,
Thì giống như gặp một người mà bạn đã từng quen biết.
Và :
Đối tượng xuất hiện này của tâm, nó được nắm hiểu ở bên ngoài,
Thì không ngừng là cái toàn khắp vĩ đại,
Và nó được thấu hiểu là Pháp thân vô sanh.
Đức Milarepa nói :
Cả hai, những chúng sanh của ba cõi sanh tử
Và chư Phật trong niết bàn
Được bao hàm trong thân của thực tại.
Và :
Những hiện tượng khách quan xuất hiện với sáu căn
Và tâm vô sanh của bạn
Cả hai cùng khởi một cách bất nhị.
Đức Rechungpa nói :
Kỳ diệu thay ! Những hiện tượng lạ lùng và đẹp đẽ
Của những sắc tướng là sự bất nhị của những hình tướng và tánh Không ;
Những âm thanh không thể diễn tả, tiếng động trống không.
Sự chứng ngộ này là sự hợp nhất của Lạc và Không.
Và :
Trong bản tánh của Pháp thân hiển lộ
Là sự chứng ngộ đối tượng quan sát và người quan sát không thể phân hai.
Đức Gampopa nói :
Giờ đây hãy biết bản tánh cốt lõi trống không, trong sáng này của những xuất hiện và tánh giác.
Chính là Pháp thân.
Và :
Do biết những hình tướng và âm thanh là tâm,
Có một dòng tương tục của hỷ lạc.
Điểm cốt yếu của đại lạc được khám phá.
Dusum Khyenpa nói :
Phật được tìm thấy trong tâm của chính bạn.
Không dính dáng gì đến việc ước muốn thành tựu những siddhi.
Bằng cách biết một cái, người ta biết rằng tất cả vốn giải thoát.
Không dính dáng gì đến việc nghe và suy nghĩ.
Hãy thấu biết tánh bất nhị của sanh tử và tịch diệt.
Không dính dáng gì đến việc chờ đợi thời gian thức tỉnh tâm linh.
Bậc Bảo Hộ của Thế Giới Rechenpa nói :
Lơ lửng trong tánh giác trần trụi,
Chớ mặc áo quần của những dấu vết khởi tưởng.
Trong chỗ an trú tự nhiên của tinh túy vốn sẵn
Không có điểm nào để cân phân trói buộc và giải thoát.
Tromdragpa nói :
Với sự nhận biết trong sáng tánh giác tự-sanh
Sự tham thiền của bạn không bị xao lãng dù trong khoảnh khắc.
Như ngọn đèn chiếu sáng trong đêm tối,
Không có chút lỗi lầm hay che chướng – kỳ diệu thay !
Karma Paksi (Karmapa thứ Hai) nói :
Không qua thành tựu ba hiện thân,
Đại Ấn này, tự tâm của bạn, được tự nhiên khám phá như là nền tảng ;
Thế nên không cần tìm kiếm nó.
Và :
Tánh giác này, tự tâm vốn sẵn, không sửa sang của bạn,
Được nhận biết cho chính bạn, và nó được để cho là trong bất cứ cái gì xuất hiện.
Và :
Thoát khỏi trí năng và không có trí óc tham dự,
Là sự thực hành trong thời gian định.
Và làm điều này với quang minh và tỉnh giác
Là lời khuyên thực tiễn để tránh cạm bẫy.
Tu hành thấy tất cả cái gì xuất hiện đều huyễn hóa,
Và tu hành thấy mọi sự là những phô diễn không ngừng của tánh giác.
Đó là sự thực hành hậu-định.
Orgyenpa nói :
Tánh giác bình thường nhận biết chính nó.
Thiền định về bản tánh của vòng sanh tử,
Thì không cần hoàn thành giải thoát.
Thiền định về sự đa thù của những xuất hiện
Thì không cần nhập định.
Trong Đại Ấn của chánh niệm về những xuất hiện
Không cần ngưng dứt những xuất hiện.
Trong sự gặp gỡ của tịnh quang mẹ và con
Không cần nắm giữ cái gì với chánh niệm.
Rangjung Dorje (Karmapa thứ Ba) nói :
Tổng quát, khi bạn nói “cái thấy, cái thấy”,
Đối với cái thấy, hãy quan sát tâm bạn.
Nếu không có cái gì để thấy khi nhìn
Chính đó là cái nhìn thấy tối cao.
Hãy nhìn lại ! Hãy nhìn lại ! Hãy quan sát tâm !
Trong lâu đài của tâm vô sanh
Pháp thân của an lạc bất biến trú ngụ.
Khi tâm thấy bản tánh cốt lõi của tánh giác của chính nó,
Làm sao nó có thể tìm được ở đâu khác ?
Rolpey Dorje (Karmapa thứ Tư) nói :
Hãy biết thức bình thường, nguyên sơ này
Là Pháp thân.
Hãy biết những tư tưởng đủ mọi loài này
Là trí huệ bổn nguyên.
Khachoš Wangpo nói :
Nếu bạn nhận biết tự tâm, bạn là Phật.
Sự giải thoát tự nhiên của bất cứ cái gì được thấy chính là con đường của giác ngộ.
Những lời dạy của Drungkyi Kunga Namgyal nói :
Thành tựu hơi ấm của kinh nghiệm là một điềm báo của chứng ngộ,
Tâm thành tựu sự dùng được của lạc, trong sáng và vô niệm.
Sự tự do này thoát khỏi những lỗi lầm của những cạm bẫy gọi là nhất tâm.
Đã tịnh hóa sự bám chấp vào những kinh nghiệm ; bèn không có đối tượng ;
Và bạn chứng ngộ không gian tuyệt đối và tánh giác là trống không.
Trong định bạn thoát khỏi năm ấm và trong trạng thái thiền định bạn kinh nghiệm (những hiện tượng là) huyễn hóa.
Hãy thấy bản tánh cốt lõi thoát khỏi những vết nhơ làm cho suy nhược.
Con đường thấy, thoát khỏi những tạo tác ý niệm, được gọi là trí huệ bổn nguyên vô niệm.
Mọi hiện tượng bao gồm trong vòng sanh tử và giải thoát
Được chứng ngộ là những tính chất của tâm của sự hợp nhất.
Thoát khỏi nỗ lực và trong lãnh địa của những tự-xuất hiện,
Sự chứng ngộ trí huệ sâu thẳm và bao la được gọi là một vị.
Do cái này có giải thoát, và sự bám chấp của ngày và đêm được tịnh hóa.
Vương quốc vốn sẵn, tinh khôi, tự-xuất hiện được phát hiện.
Không gian tuyệt đối và tánh giác được thống nhất, và tịnh quang mẹ và con được nối kết.
Sự thành tựu tự nhiên của ba thân được gọi là không-thiền định.
Những lời dạy như vậy dần dần trở nên rõ ràng. Đến đây kết thúc sự nhận diện.
– Với lạc, trong sáng và vô niệm tâm trở nên có thể dùng được. Trong đoạn này từ “nhất tâm” ám chỉ sự nhận biết thực tại. Bám chấp dừng lại, kết quả là không còn đối tượng. Rất khó thành tựu trạng thái chứng ngộ này trong đó chúng ta không xác nhận cũng không phủ nhận, thế nên chúng ta có thể thấy những hiện tượng và tư tưởng là trò chơi của tâm, và có được quán chiếu quyết định thoát khỏi mọi bám nắm. Đầy hy vọng chúng ta sẽ thực hành và sống cuộc đời sao cho không có hối hận vào lúc chết, không phá vỡ giới luật hay để cho samaya hư hỏng. Vì người mới học dễ bị quấy rầy, chúng ta thường được khuyến khích sống đơn giản và tương đối cô tịch không có những phóng dật. Trong môi trường giản dị đó chúng ta có thể thực hành từng cấp một.
Chìa khóa thực hành nào có thể mở cánh cửa đi vào con đường ? Đó là thiền định về vô thường – sự chắc chắn của cái chết và sự thật của vô thường. Hãy cố gắng chuyên cần thấu hiểu những chân lý này, bởi vì chúng cho chúng ta sự quán chiếu vào sự thực hành đích thực. Nếu bạn không biết làm sao thiền định, hãy tìm một người hướng dẫn tâm linh chân chính, người thông thạo kinh và tantra và có động lực là Bồ đề tâm. Dưới sự hướng dẫn của một người như vậy, bạn có thể chuẩn bị bước đi trên con đường Đại Toàn Thiện, làm thế vì lợi lạc cho chính mình và mọi người khác.
TÁNH GIÁC LỘ TOÀN THÂN
Những Giáo Huấn Thực Hành về Sự Hợp Nhất của Đại Ấn và Đại Toàn Thiện
của Karma Chagmé với bình giảng của Gyatrul Rinpoche
NAKED AWARENESS
Practical Intruction on The Union of Mahamudra and Dzogchen
Snow Lion Publications, 2000 – NXB. THIỆN TRI THỨC, 2003
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS