Mong thiện tri thức giải đáp dùm tôi: Khi xưa đức Phật giác ngộ, giải thoát những gì. Có phải giải thoát được khổ đau, sinh tử luân hồi không? và đức Phật giải thoát những điều trên bằng phương pháp gì?

SHARE:

Mong thiện tri thức giải đáp dùm tôi: Khi xưa đức PHật giác ngộ, giải thoát những gì. Có phải giải thoát được khổ đau, sinh tử luân hồi không? và đức Phật giải thoát những điều trên bằng phương pháp gì? Và con đường đức Phật tu, hiện nay, trong thời đại chúng ta đang sống, cụ thể năm 2016 có ai được giải thoát như ngài không? Nếu có là ai, nếu không, một con đường đi mà không có người đến thì quý vị nghĩ sao? Và bây giờ có quá nhiều kinh, sách, luận, bài giáng.. . Điều này thật vô cùng khó cho người tầm đạo cuộc đời lại có mấy mươi năm, họ phải đọc kinh sách gì, hành theo phương pháp gì, Kính xin quý vị thiện tri thức cho lời hướng dẩn. Chân thành cảm ơn quý vị

Trả lời:
Bạn thân mến, câu hỏi của bạn khá tổng quát chúng ta cùng nhau phân tích từng phần.
Thứ nhất, Đức Phật tu giải thoát có phải là giải thoát khổ đau sinh tử luân hồi không? Ngay câu hỏi chính là câu trả lời, tu hành Phật giáo là để giải thoát khỏi những trói buộc tạo ra sinh tử luân hồi. Không những vậy, tu hành còn làm cho mọi người thấy được giải thoát như mình. Trong các bài diễn tả lại tiểu sử của Đức Phật đều nói rằng: Phật tu học với nhiều vị thầy, có những năm tu khổ hạnh, cuối cùng những vị thầy và cách thức trên không thỏa mãn mục đích giác ngộ của ngài cho nên ngài ngồi thiền định suốt 49 ngày và ngài đã giác ngộ. Ngài chứng được sáu thông (lục thông) trong đó thông thứ sáu: Lậu tận thông, là không còn sinh tử luân hồi nữa, hoàn toàn giải thoát khỏi khổ đau. Năm thông còn lại ngoại đạo cũng có thể chứng được, chỉ trừ thông thứ sáu.

Thứ hai, bạn hỏi có ai trong thời đại chúng ta tu hành giải thoát được như Đức Phật không? Như Đức Phật thì không, nhưng nếm được vị giải thoát như Phật thì có. Thể nghiệm, hay nhận ra giải thoát thì có.
Chúng ta nên biết, con đường Phật đạo là sự kết hợp hai sự tích tập: tích tập trí tuệ và tích tập công đức. Một người bắt đầu tu hành cho đến khi thành Phật phải thực hiện viên mãn hai sự tích tập này.
Tại sao nói có người nếm được vị giải thoát như Phật nhưng chưa viên mãn? Bởi vì, con đường tu hành của một chúng sinh phải qua các chặn đường:
Tích tập phước đức, hay tịnh hóa tâm thức diễn ra trong thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, tứ gia hạnh (một A tăng kỳ kiếp).
Kế đến là địa vị kiến đạo, hay kiến tánh khởi tu, tức là hành giả đã bắt đầu vào địa thứ nhất hay các địa cao hơn của thập địa bồ tát. (đã vào thập địa thì sẽ có cái thấy giống như Phật nhưng chưa viên mãn bằng Phật). Vào thập địa từ Sơ địa bồ tát cho đến Bát địa bồ tát là có thể giải thoát sanh tử, ngay đây Bồ tát bát địa ngang với Alahán (từ Sơ địa đến Bát địa là một A tăng kỳ kiếp).
Từ Bát địa trở lên thành Phật là A tăng kỳ kiếp còn lại.
Chứng nghiệm hay thể nhận ra tâm giải thoát là hiện thực sống động được truyền thừa từ thời Đức Phật cho các đời kế tiếp được coi là tâm truyền tâm của Thiền tông gọi là truyền Tâm Ấn. Trong truyền thống Phật giáo Tây tạng có sự tái sanh trong tất cả các dòng phái. Đó là cách mà các vị Bồ tát thể nghiệm và truyền thừa thực tại giải thoát lại cho nhau từ đời này qua đời khác. (Truyền thừa là vị thầy chấp nhận sự chứng ngộ của đệ tử về tâm giải thoát sẵn có hợp với cái thấy của thầy)
Có sự truyền thừa này tức sự chứng ngộ Phật tánh của mỗi chúng ta trong mỗi thời đại có khi nhiều, có khi ít; nhưng đó là yếu tố duy nhất minh chứng Phật giáo nói đến giải thoát sanh tử là có thật và có người chứng ngộ nó trong cuộc sống; vì vậy Phật giáo mới tồn tại và phát triển cho đến nay trên 2500 năm và nó sẽ tồn tại mãi nếu còn có người chứng ngộ được Phật tánh vốn sẵn có này.

Thứ ba, đây là điều khó khăn thật sự trong thời buổi của chúng ta. Chúng ta tu hành mà không có một vị thầy. Phước báu của chúng ta có được hay không là ở trong đời chúng ta gặp được một vị thầy, và vị thầy này chỉ cho chúng ta cách thức tu tập hợp với căn cơ của chúng ta.
Khả năng của một Phật tử không thể biết được đâu là thầy giỏi, mình không thể nhận ra được một thiện tri thức. Tự chúng ta không thể tìm thầy, tự mình không thể thẩm định khả năng tu chứng của thầy mình được.
Theo kinh nghiệm mà thientrithuc chứng kiến, có nhiều huynh đệ, tìm thầy bằng cách nguyện trước Phật hay Bồ tát cho mình được gặp một vị thầy chỉ dạy mình tu học. Có người tha thiết và tìm được thầy. Đó là một cách.
Hai nữa, chúng ta phải sinh hoạt trong một chúng hội có qui củ được chỉ dạy bởi một vị thầy có kinh nghiệm. Sinh hoạt trong một chúng hội mình sẽ học tập ở chúng bạn rất nhiều điều và ngược lại chúng ta cũng có môi trường để giúp đỡ người khác nhằm hỗ trợ lẫn nhau trên con đường tu.
Về phương pháp tu hành, bạn phải xem mình có thiện căn với một phương pháp nào cụ thể mà bạn thực hành hằng ngày dễ dàng, đó chính là phương pháp dành cho bạn.
Kinh điển không nên tự đọc mà phải nhờ một người có kinh nghiệm chỉ cho mình giai đoạn nào nên đọc cái gì là phù hợp.
Vấn đề cốt lõi là phải có một vị thầy có kinh nghiệm, vị thầy sẽ chỉ dạy bạn cụ thể thì việc tu hành của bạn sẽ có nhiều thành công hơn.
Đến đây, chỗ bế tắt này, thientrithuc chỉ nhắc lại lời cũng của một vị thầy: “Đừng nói rằng trong đời này không có thầy, mà hãy nhìn lại sự tu hành của mình, mình tu tới đâu sẽ có vị thầy tới đó”.
Lời dạy trên nói lên tất cả đều qui về mình. Vị thầy là sự ứng hiện khả năng phấn đấu của mình đứng trước Phật đạo. Khi mình là một học sinh cấp một trong việc thực hành tu tập, mình sẽ có một vị thầy dạy cấp một; cũng vậy, khi mình là một sinh viên đại học mình sẽ có một vị thầy tương ứng và ..v..v.  Cứ để cho mọi việc vận hành hợp lý như nhu cầu cần yếu của nó. Mọi thứ rồi sẽ thỏa mãn cho mọi tầng lớp, cho mọi khả năng, cho mọi ước nguyện. Mong tất cả những chia sẽ này làm bạn hài lòng. Chào bạn.

SHARE:

Để lại một bình luận