SHARE:
“Trở lại bổn tâm” tức là trở lại Bồ đề tâm, cả Bồ đề tâm tuyệt đối lẫn Bồ đề tâm tương đối. Nói đơn giản, Bồ đề tâm tuyệt đối là Phật tánh và Bồ đề tâm tương đối là nguyện, hạnh đạt đến Phật tánh ấy. Nguyện hạnh đạt đến Phật tánh là việc “vun trồng các cội đức”. Việc vun trồng này – Bồ đề tâm tương đối – xảy ra trong Bồ đề tâm tuyệt đối, nghĩa là vun trồng mà không vun trồng, vun trồng cội đức nơi đất vô sanh. Đó sự tu hành hợp nhất hạnh và kiến, hợp nhất Bồ đề tâm tương đối và Bồ đề tâm tuyệt đối, hợp nhất công đức và trí huệ.
KINH: Phật bảo Phú Lâu Na: “Ông đi đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật.”
Phú Lâu Na bạch Phật rằng: “Thưa Thế Tôn! Con không kham nhận nổi việc đến thăm bệnh ông ấy. Tại sao thế? Nhớ lại trước kia, con ở trong rừng, dưới một cội cây thuyết pháp cho các tỳ kheo mới học. Lúc ấy Duy Ma Cật đến, nói với con rằng:
“Thưa ngài Phú Lâu Na! Trước nên nhập định, quán sát tâm thức của những vị này, rồi sau mới thuyết pháp. Chớ nên đem đồ ăn dơ để vào trong bát báu. Phải biết ý tưởng trong tâm các vị tỳ kheo này, chớ cho ngọc lưu ly đồng với thủy tinh. Ngài chẳng biết được căn nguyên của chúng sanh. Không nên dùng pháp Tiểu thừa mà phát khởi cho các vị ấy. Tự các vị không có tỳ vết, chớ làm thương tổn họ. Các vị muốn đi đường lớn, chớ chỉ nẻo nhỏ. Chớ lấy biển cả gộp vào dấu chân trâu. Chớ xem ánh sáng mặt trời ngang với lửa đom đóm.
Căn nguyên của chúng sanh là Phật tánh, cái chúng sanh vốn có mà không nhận ra (kiến), không khai triển (thiền), không sống hợp nhất được trọn vẹn (hạnh) để thành Phật, đầy đủ Trí và Bi làm lợi lạc cho khắp ba cõi khổ đau. So Phật tánh với sự giải thoát cho chính mình của vị A La Hán, “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, sau đời này sẽ không có đời sống khác nữa”, thì sự giải thoát này là nhỏ. Không nói về Đại Bi có thể làm lợi lạc cho chúng sanh đến ngày sanh tử rỗng không, chỉ nói về Trí Huệ thì: Niết bàn của Tiểu thừa là cái đối lập với sanh tử, trong khi với Đại thừa, Niết bàn là trạng thái của tâm thu rút về chính nó, trở lại cội nguồn của chính nó, trở lại sự an định vĩnh cửu của chính nó, còn sanh tử là trạng thái phóng tưởng, hoạt động, lưu xuất của tâm. Với Đại thừa, Niết bàn và sanh tử chỉ là hai trạng thái của tâm, hai phương diện của tâm, hai cách thế sinh hoạt của tâm. Phương diện tịch tĩnh của tâm và phương diện hoạt động của tâm không khác nhau; mở ra là sanh tử, thu vào là Niết bàn. Bởi thế Đại thừa nhằm đạt đến thể và dụng của tâm (tức Phật tánh), cái sanh ra và vượt khỏi sanh tử và Niết bàn, do đó tự tại cả với sanh tử và Niết bàn.
Trong sự thực hành thì cũng thế. Người tâm nhỏ thì thường chấp vào pháp môn tu, thích bám chấp vào những hạnh nhỏ và manh mún, cho đó là tất cả, mà không thấy cái tất cả là cái nền tảng pháp tánh mà mọi pháp môn, mọi hạnh nhỏ, lớn đều quy về. Do chấp như vậy, nên biến sự tu hành thành nhỏ hẹp: cho là việc tu hành chỉ nằm trong một vài công việc, chỉ có trong một số thời gian ‘đặc biệt’, trong một số không gian ‘thích hợp’. Đó là tu hành theo sự chấp tướng. Với người tâm lớn, nhằm vào pháp tánh mà tu, mà pháp tánh thì có mặt trong bất kỳ thời gian và không gian nào, cho nên lúc nào cũng là lúc tu hành, chỗ nào cũng là chỗ tu hành, miễn là không rời lìa pháp tánh ấy. Với người này, họ không bỏ pháp môn nào, không từ chối hạnh nào, nhưng tất cả các việc tu hành đó đều được đặt vào ‘bối cảnh’, vào nền tảng pháp tánh. Bởi thế mà không cho duy nhất ‘dấu chân trâu là biển lớn’, duy nhất ‘đom đóm là ánh sáng’ mà đặt dấu chân trâu dung thông với biển lớn, đom đóm dung thông với ánh sáng. Như thế mới có thể tiến bộ như Thiện Tài đồng tử trong kinh Hoa Nghiêm: tất cả pháp giới là chỗ tu hành vậy.
Với quan điểm thay vì chỉ trệ vào một vài hình tướng tu hành, mà quy tất cả vào tánh để cho sự tu hành trở thành phổ khắp như vậy, những lời của ngài Duy Ma Cật là chính xác và không có gì là ‘nặng nề’, ‘gay gắt’ cả.
“Ngài Phú Lâu Na! Những vị tỳ kheo này phát tâm Đại thừa đã lâu, giữa chừng quên đi ý ấy, nay sao lại lấy pháp Tiểu thừa dẫn dạy cho họ? Tôi nhìn thấy trí huệ Tiểu thừa thì cạn hẹp, như người mù không thể phân biệt căn cơ bén nhạy chậm lụt của tất cả chúng sanh.”
“Lúc ấy, Duy Ma Cật liền nhập tam muội, khiến những vị tỳ kheo ấy tự biết đời trước của mình, từng ở nơi năm trăm đức Phật vun trồng các cội đức, hồi hướng vô thượng chánh đẳng chánh giác, tức thì rỗng suốt trở lại được bổn tâm. Khi ấy các vị tỳ kheo đảnh lễ dưới chân Duy Ma Cật. Bấy giờ Duy Ma Cật nhân đó thuyết pháp khiến tất cả không còn thối chuyển nơi vô thượng chánh đẳng chánh giác.
“Con nghĩ vị Thanh Văn nào không nhìn thấy căn tánh của người thì chẳng nên thuyết pháp. Thế nên con không kham nhận đến thăm bệnh ông được.”
“Trở lại bổn tâm” tức là trở lại Bồ đề tâm, cả Bồ đề tâm tuyệt đối lẫn Bồ đề tâm tương đối. Nói đơn giản, Bồ đề tâm tuyệt đối là Phật tánh và Bồ đề tâm tương đối là nguyện, hạnh đạt đến Phật tánh ấy. Nguyện hạnh đạt đến Phật tánh là việc “vun trồng các cội đức”. Việc vun trồng này – Bồ đề tâm tương đối – xảy ra trong Bồ đề tâm tuyệt đối, nghĩa là vun trồng mà không vun trồng, vun trồng cội đức nơi đất vô sanh. Đó sự tu hành hợp nhất hạnh và kiến, hợp nhất Bồ đề tâm tương đối và Bồ đề tâm tuyệt đối, hợp nhất công đức và trí huệ.
“Nhìn thấy căn tánh của người” cũng là nhìn vào hai loại tâm Bồ đề ấy. Căn tánh tuyệt đối của người là Phật tánh. Căn tánh tương đối của người là mức độ tu hành của người ấy.
Thực hành Con Đường Bồ Tát qua kinh Duy Ma Cật
Tác Giả: Đương Đạo – NXB Thiện Tri Thức
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS