SHARE:
1. Khi làm một việc lợi ích nhỏ nào cho ai, chúng ta thấy vui. Thoạt đầu, người bình thường cảm thấy vui vì mình đã làm được, mình có khả năng, mình là kẻ làm ơn cho người khác. Một niềm vui nhuộm màu một cái tôi ích kỷ. Nhưng sau đó, dần dần khởi lên một niềm vui lớn lao hơn, lâu bền hơn: vui vì người khác có được lợi ích. Đây là một niềm vui có được từ chính người khác.
Buổi sáng chủ nhật, cho cả nhà đi chơi hết. Bất ngờ có vài người bạn gọi chút nữa đến chơi cả ngày. Thế là phải dọn dẹp, sửa soạn phòng cho bạn, nấu thêm nước pha trà… Khi làm công việc bất ngờ này chúng ta dễ lầm bầm. Tại sao mọi người đi hết, tại sao ta không có người giúp việc, tại sao ta phải làm công việc như một người dọn phòng ở khách sạn thế này? Nếu chỉ nghĩ đến riêng phần mình, chúng ta càng khó chịu trách móc nhiều hơn nữa.
Nhưng nếu nghĩ đến người khác: những người trong nhà có một ngày chủ nhật đi nghỉ mát vui vẻ, các người bạn có một ngày thoải mái, còn ta phải làm chuyện không phải phận sự của ta, nhưng công việc ấy sẽ đem lại niềm vui cho người khác. Cũng cùng một công việc, nhưng nếu vì chúng ta thì mọi sự trở nên rắc rối khó chịu, còn vì người khác thì công việc trở nên nhẹ nhàng, có khi còn thích thú nữa.
Làm lợi ích cho người khác, phục vụ cho hạnh phúc của người khác, đem lại niềm vui.
Người làm việc may mặc, khi chỉ nghĩ đến mình thì thấy công việc là một cực nhọc, bất mãn với những điều kiện chưa tốt ở chung quanh, tiền lương ít… Nhưng cũng với những điều kiện đó, nếu nghĩ đến người khác: cái áo này sẽ đến tay những em bé, những cặp vợ chồng, và họ sẽ sung sướng thế nào khi có được bộ áo quần đẹp đẽ, vừa túi tiền như thế. Lúc ấy người ấy cảm thấy niềm vui và sự thoải mái trong công việc.
Niềm vui trong công việc đến từ sự nghĩ đến hạnh phúc của người khác. Như thế, làm việc, dù ở cấp độ cao nhất hay thấp nhất, đều là niềm vui khi công việc đó phục vụ cho niềm vui và hạnh phúc của người khác.
Làm việc mà biết vui theo (tùy hỷ) niềm vui của người sẽ được hưởng kết quả công việc của mình, đó là niềm vui, hạnh phúc trong công việc. Cho người khác, đó có phải là kho tàng niềm vui của chúng ta, bởi vì người khác thì vô số, vô tận?
2. Thông thường, ở đời ai cũng muốn giàu có, chức quyền, nổi tiếng… Nhìn kỹ hơn, những thành công trên đều đi liền với trách nhiệm. Một giám đốc càng giàu thì càng có trách nhiệm với sự phát triển của công ty, nhân viên, công nhân, và hơn nữa, với xã hội. Chỉ lo làm giàu cho riêng mình, không có một định hướng xã hội thì chẳng có người tài giỏi về hợp tác, công nhân có thể bỏ đi công ty khác và hàng kém chất lượng thì xã hội không mua dùng.
Một nhà chính trị khi ứng cử phải nói cho dân chúng biết tôi sẽ phục vụ đất nước và dân chúng như thế nào. Hết nhiệm kỳ mà không làm được những điều đã hứa, không hoàn thành trách nhiệm thì người ta không bỏ phiếu cho nữa. Người ta bỏ phiếu là bỏ phiếu cho trách nhiệm của mình.
Trách nhiệm là trách nhiệm trong liên hệ với những người khác. Cuộc đời mình liên hệ được với nhiều người khác và trách nhiệm trong những mối liên hệ đó càng tăng, thì đây là sự thành công. Khi thấy cuộc đời mình có những mối liên hệ với nhiều người và những mối liên hệ đó càng tốt đẹp, tâm thức người ta mở rộng. Sự rộng mở của tâm thức chính là niềm vui. Hạnh phúc trong tâm chính là sự nối kết được mở rộng ra đến nhiều người.
Trái lại, người ta cô đơn, mà cô đơn là một nỗi khổ, vì không có những liên hệ với người khác, nghĩa là không có trách nhiệm với người khác.
Trách nhiệm đem lại niềm vui sống. Trái lại, không có trách nhiệm đưa tới chán nản, vì đời sống không còn ý nghĩa.
Khi thế giới trao giải Nobel dù y học, vật lý, văn chương hay hòa bình cho một người thì xã hội không chỉ tôn vinh tài năng của người ấy, mà chủ yếu là vì sự đóng góp, cống hiến của người ấy cho sự tiến bộ của nhân loại. Bằng cớ là có những nhà khoa học cũng rất giỏi, nhưng làm ra những vũ khí siêu hạng, những siêu vi trùng… thì chẳng bao giờ được giải thưởng gì.
Phụng sự là động cơ và kết quả của mọi công việc thành công ở đời. Hơn nữa, phụng sự là niềm vui trong công việc, có ngay từ lúc khởi đầu công việc chứ không đợi đến kết quả thành công.
Trách nhiệm và sự phụng sự của một người càng cao càng rộng thì người đó càng lên cao trên những bậc thang tiến hóa. Cho nên, tu thân chính là nhận lãnh trách nhiệm và hoàn thành những trách nhiệm của mình đối với mọi sự, mọi người chung quanh. Phụng sự là niềm vui, niềm vui đó càng rộng lớn khi sự phụng sự càng rộng lớn. Đây là niềm vui và hạnh phúc của con đường tiến hóa qua trách nhiệm và phụng sự.
3. Và cũng có những con người cao cả hơn nữa, nổi tiếng hơn nữa, giàu có về tâm linh hơn nữa, hẳn cũng nhiều quyền lực hơn nữa, phụng sự cho nhân loại cho đến ngày cuối cùng của nhân loại. Đó là những vị đại Bồ-tát mà nhân loại mãi mãi nhắc đến.
Như ngài A Nan phát lời thệ nguyện trước Đức Phật:
Đem thâm tâm phụng sự nhiều cõi
Đó mới gọi là báo Phật ân
Cúi xin Thế Tôn chứng minh cho
Đời ác năm trược thề vào trước
Còn một chúng sinh chưa thành Phật
Rốt chẳng nơi kia nhận Niết-bàn…
Đó là những vị như Quán Thế Âm, Địa Tạng…
Như ngài Địa Tạng với hạnh nguyện “địa ngục chưa trống rỗng thì tôi chưa thành Phật”. Sự phục vụ của Bồ-tát Địa Tạng là khắp cả không gian, suốt cả thời gian. Thế nên, Đức Phật đã tin cẩn giao phó trách nhiệm cứu độ chúng sanh cho ngài:
“Một lần nữa, ta đem các hàng chúng sanh, những kẻ ở trong nhà lửa chưa ra khỏi ba cõi mà giao phó cho ông. Ông chớ để các chúng sanh đó phải bị đọa vào ác đạo, dầu là chừng là một ngày một đêm, huống chi là để họ phải sa vào những địa ngục vô gián”.
Ai dám bảo những vị Bồ-tát ấy không hạnh phúc?
Tạp chí Văn hóa Phật Giáo số189
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS