SHARE:
Chú ý đơn thuần có nghĩa là nhìn sự vật như là nó hiện thực, nó là như vậy, không chọn lựa, không so sánh, không đánh giá, không đặt quan niệm, thành kiến của mình lên trên sự nhận xét. Chú ý đơn thuần là một tâm ý không phê phán và không can thiệp vào.
Trong kinh có nói hai ngàn năm trăm năm sau khi đức Phật nhập diệt, đạo Phật sẽ sống lại một cách huy hoàng và khởi sắc. Ngày hôm nay, chúng ta thấy lời tiên đoán đó đang trở thành một sự thật. Nhưng trước khi ta có thể hiểu được tầm quan trọng của lời tiên đoán này, ta phải hiểu giáo pháp là gì? Giáo pháp hay Ðạt Ma, phát xuất từ chữ Phạn “Dharma”, có nghĩa là luật, đạo, chân như của vạn vật, sự biến chuyển của mọi hiện tượng, hay nói một cách khác: giáo lý của đức Phật. Tất cả những cái đó đều gọi là Pháp (Dharma). Nó cũng có một nghĩa bao gồm mọi tế bào trong thân, mọi yếu tố của tâm, trong tất cả các sinh vật. Những yếu tố của tâm như là ý nghĩ, thị lực, tình cảm, tâm tưởng đều có thể gọi chung là Pháp. Phận sự của người tu tập thiền quán là tìm hiểu, khám phá những pháp vừa kể trong thân và tâm của mình, ý thức được từng yếu tố một, cũng như hiểu được luật biến chuyển và sự liên hệ của chúng. Ở đây, sự tu tập của chúng ta là như thế đó: kinh nghiệm được chân như của mình trong mỗi giây phút, chân như có nghĩa là tự thể chân thật của sự vật.
Tâm ta có một phẩm tính rất là quan trọng để dùng vào thiền quán. Phẩm tính này làm căn bản và nền móng cho sự giác ngộ, nó chính là sự chú ý đơn thuần (bare attention). Chú ý đơn thuần có nghĩa là nhìn sự vật như là nó hiện thực, nó là như vậy, không chọn lựa, không so sánh, không đánh giá, không đặt quan niệm, thành kiến của mình lên trên sự nhận xét. Chú ý đơn thuần là một tâm ý không phê phán và không can thiệp vào.
Phẩm tính này của tâm được diễn tả bằng một bài thơ Nhật, Haiku sau đây:
Hồ thu lặng,
Ếch nhảy vào,
Tõm!
Không thêm bớt một hình ảnh nào, không có cảnh mặt trời chiều hay bầu trời mùa thu hoàng hôn phản chiếu trên mặt hồ. Tác giả không hề linh động hóa cảnh vật. Chỉ kể lại một cách chi tiết rõ ràng, nhận xét của ông với việc xảy ra trước mắt:”Hồ thu lặng, ếch nhảy vào, tõm!” Một nhận thức đơn thuần: nhìn và quan sát sự vật với một tâm giản dị và trực tiếp. Không có gì là dư thừa hết. Ðây là phẩm tính trí tuệ và thẳm thấu của tâm.
Khi ta phát triển được một sự chú ý đơn thuần, đời ta sẽ thay đổi trên nhiều phương diện. Chân ngôn của thời đại bây giờ là “hãy sống trong hiện tại” – sống ngay trong giờ phút này. Nhưng vấn đề là sống làm sao đây! Ðầu óc ta thì cứ nhớ mãi những chuyện đã xảy ra trong quá khứ, nếu không thì tính toán cho tương lai, lúc nào cũng bồn chồn, lo nghĩ. Hồi tưởng về quá khứ; mơ mộng cho tương lai; sống trong giờ phút hiện tại không phải là chuyện dễ làm. Chú ý đơn thuần là một phương cách giúp ta sống và tỉnh thức trong giây phút hiện tại. Từ tốn lại trong giờ phút này, kinh nghiệm được hoàn toàn những gì đang xảy ra.
Có một câu chuyện thiền nói về việc sống trong hiện tại. Hai vị sư trở về chùa khi trời đã nhá nhem tối, sau một ngày mưa tầm tả. Ðường xá trong thành phố ngập nước, lầy lội. Cả hai đến một ngả tư đường, gặp một cô gái trẻ đẹp. Cô ta đang đứng bối rối vì đường quá sình lầy, không băng qua được. Ngay lúc ấy, vị sư thứ nhất bèn bồng cô ta lên và băng qua bên kia đường, rồi để cô xuống. Xong cả hai tiếp tục đi. Tối đó về đến chùa, vị sư thứ hai không còn nhịn được nữa, lên tiếng trách: “Tại sao huynh lại có thể làm một chuyện như thế được? Chúng ta là người tu hành, nhìn phụ nữ còn chưa được chứ còn nói gì đến chuyện đụng chạm họ. Nhất là những cô gái trẻ đẹp.” Vị sư thứ nhất đáp: “Tôi đã bỏ cô ấy xuống bên kia đường rồi, huynh còn mang cô ta về đến tận đây sao?” Khi ta có được một nhận thức đơn thuần, ý thức được sự có mặt của bất cứ những gì đang xảy ra chung quanh, ta có thể kinh nghiệm và đối phó với hoàn cảnh hiện tại một cách chính xác và tự tại hơn.
Chú ý đơn thuần có khả năng làm cho tâm ta được tĩnh lặng. Tâm chúng ta thường hay phản ứng: bám víu vào những gì làm mình dễ chịu, và xua đuổi những gì làm mình khó chịu.
Ta hành động vì lòng ta ưa thích hoặc ghét bỏ của mình. Tâm ta thiếu quân bình. Một khi sự chú ý đơn thuần được khai triển, ta sẽ kinh nghiệm được những cảm xúc, ý nghĩ của mình và hoàn cảnh chung quanh, mà không bị lôi cuốn hay sanh ác cảm. Ta sẽ có khả năng kinh nghiệm được hoàn toàn những gì đang xảy ra với một tâm tĩnh lặng và quân bình.
Nhưng việc tập luyện một sự chú ý đơn thuần (bare attention) không chỉ giới hạn vào những lúc ngồi thiền sáng và chiều. Nếu ta nghĩ rằng mình chỉ tu tập thiền quán vào những giờ ngồi thiền, còn những lúc khác thì không, là ta đã đập vỡ cuộc sống của mình ra thành từng mảnh, và phá hoại công trình tu tập của mình rồi. Chánh niệm phải được áp dụng cho mọi lúc, mọi hoàn cảnh, dù ta đang có đi, đứng, nằm, ngồi, nói chuyện hay là ăn uống. Ta phải biết sử dụng sự chú ý đơn thuần cho mọi đối tượng, mọi tâm trạng, mọi hoàn cảnh. Hãy sống trọn vẹn trong từng giây, từng phút một. Có câu chuyện về một người chạy trốn một con cọp. Anh ta chạy đến bên bờ một vực thẳm, nắm lấy một dây nho và đu xuống. Bên trên anh con cọp đứng nhìn, phía dưới lại có một con cọp khác đang gầm gừ chờ anh rơi xuống. Trong khi anh đang bị treo lơ lửng thì có hai con chuột đang gậm nhấm sợi dây nho mà anh đang bám. Lúc ấy anh chợt thấy một trái dâu đỏ chín mọc gần đó. Anh vói tay hái. Trái dâu ngọt lịm làm sao!
Sự chú ý đơn thuần, khi tu tập đúng mức sẽ trở nên tự nhiên, không phải đòi hỏi một sự dụng công nào nữa. Cũng giống như khi ta học chơi một nhạc cụ vậy. Ta ngồi xuống, học một vài lý thuyết rồi được đưa những bài thực tập. Lúc đầu ngón tay chưa quen, còn vụng về ta sẽ đánh những nốt sai và âm điệu sẽ rất là khó nghe. Nhưng nếu siêng năng luyện tập, dần dà tay ta sẽ quen, những cử động sẽ trở nên dễ dàng, âm thanh sẽ êm dịu hơn. Sau một thời gian, khi sự luyện tập đã chín mùi, mọi cử động sẽ trở nên tự nhiên và vô ngại. Lúc ấy sẽ không còn biên giới giữa thực tập và thực hành, chơi nhạc tự nó là tập nhạc. Sự tu tập chánh niệm cũng thế. Lúc đầu ta theo dõi mọi cử động một cách chậm chạp, từng bước chân “dở, bước, đạp”, từng hơi thở “phồng, xẹp” hay là “ra, vào”. Trong giai đoạn đầu sự tinh tấn và cố gắng là một yếu tố quan trọng. Dòng chánh niệm của ta bị đứt quảng rất nhiều. Biết bao nhiêu là trở ngại và phấn đấu. Nhưng khi tâm ta đã được tôi luyện đúng mức, chánh niệm sẽ tăng trưởng một cách tự nhiên. Trên hành trình tu tập, sẽ có một lúc sự xung động của chánh niệm trong tâm, mạnh đến nỗi nó có thể tự hoạt động một mình mà không cần đến sự dụng công của ta. Lúc ấy mọi sự sinh hoạt của ta sẽ trở nên dễ dàng, giản dị và tự nhiên, nhờ ta có được một chánh niệm vô ngại.
Chú ý đơn thuần là tập lắng nghe những gì đang xảy ra trong thân, trong tâm và thế giới chung quanh ta. Chắc một lần nào đó, bạn đã có một dịp ngồi bên một dòng sông, hay trên một ghềnh đá bên bãi biển. Lúc đầu ta chỉ nghe một khối âm thanh rào rạt. Nhưng nếu ta ngồi yên thêm một chút, chỉ ngồi và lắng nghe thôi, ta sẽ bắt đầu nghe được muôn ngàn âm thanh nhỏ khác biệt nhau, tiếng sóng biển vỗ trên ghềnh đá, tiếng dòng sông chảy mạnh. Với tâm tĩnh lặng ta có thể kinh nghiệm được thật sâu sắc những gì đang xảy ra. Khi ta lắng nghe nơi chính mình cũng thế, lúc đầu ta chỉ có thể nghe được một tiếng nói của cái “Ngã” hay “Tôi”. Nhưng dần dần, cái Tôi này sẽ hiển lộ cho ta thấy nó chỉ là một tập hợp của những yếu tố, tư tưởng, cảm giác, tinh cảm và hình ảnh thay đổi không ngừng. Tất cả sẽ hiển bày khi ta biết lắng nghe và chú ý. Có một bài thơ thật đẹp của một sư cô trong trường phái Thiền Zen như sau:
Ðã sáu mươi sáu lần,
đôi mắt này nhìn mùa thu đến và đi.
Ánh trăng xưa ta đã tả thật nhiều,
đừng hỏi nữa làm chi.
Hãy lắng nghe tiếng kêu của cây tùng và cây bách,
khi gió ngừng đưa…
Hãy lắng nghe tiếng của cây cỏ khi gió không còn thổi. Một tâm tĩnh lặng tiêu biểu cho sự quân bình của đạo, giữa hay yếu tố sáng tạo và tiếp nhận. Nhờ yếu tố sáng tạo mà ta có khả năng tỉnh thức, thông suốt và tích cực chú ý. Nhờ yếu tố tiếp nhận mà ta giữ được một thái độ không phân biệt, không chọn lựa và không phê phán. Tâm ta lúc ấy rất là cởi mở và êm dịu. Một khi ta có được một nhận thức tỉnh táo và thông suốt, đi đôi với một sự tiếp nhận không phân biệt, tâm ta sẽ ở trong một trạng thái quân bình, hoà hợp hoàn toàn.
Sự phát triển của ý thức đơn thuần đòi hỏi sự có mặt của hai tâm hành (mental factor). Tâm hành thứ nhất là tâm định, tức là khả năng chú ý vào một đối tượng duy nhất. Tâm hành thứ hai là chánh niệm, tức là khả năng biết được những gì đang xảy ra trong hiện tại, không để tâm chìm trong quên lãng, giữ cho tâm luôn được vững chãi và tập trung. Một khi chánh niệm và định lực được phát triển đúng nức, tâm của ta sẽ trở nên quân bình và sự quán sát sẽ vô cùng sâu sắc. Ta sẽ nhận chân được nhiều phương dien khác nhau của con người chúng ta.
Trí tuệ không đến từ một đối tượng hay một trạng thái tâm thức đặc biệt nào hết. Thiền sư Suzuki có nói về sự “chẳng có gì là đặc biệt”: Trong tâm và thân ta, trong chân như của sự vật, chẳng có gì là đặc biệt hết. Việc gì sanh lên thì có bản tánh tự nhiên là sẽ diệt đi. Chẳng có gì đặc biệt để ta luyến tiếc. Tất cả chỉ là một phần của dòng biến chuyển không ngừng. Ðiều quan trọng là sự quân bình và sáng suốt của tâm. Chúng ta cũng đừng ham muốn hoặc tìm kiếm những kinh nghiệm khác thường. Mặc dù đôi khi những hiện tượng siêu nhiên có thể xảy ra cho ta, nhưng chúng chẳng có gì đặc biệt, chỉ là thêm đề tài cho ta quan sát, bởi mọi hiện tượng đều chịu chi phối bởi luật vô thường. Ðiều mà chúng ta muốn làm là buông bỏ hết tất cả, không để dính mắc hay đi nhận bất cứ một trạng thái hay hiện tượng nào là mình. Hãy tự tại về mọi mặt, đừng để bị ràng buộc, dù bằng một sợi dây xích bằng vàng, bằng bất cứ chuyện gì xảy ra. Khi nào chúng ta kinh nghiệm được sự biến chuyển của định luật vô thường một cách sâu sắc, khi nào chúng ta trực nhận được rằng con người đang biến đổi trong từng giây phút, chừng đó ta sẽ có khả năng buông bỏ hết mọi ràng buộc, dính mắc và hòa hợp với dòng thực tại. Không còn chống cư, không còn nắm bắt và không còn ôm giữ. Chúng ta trở thành một với đạo.
Hỏi: Trong cả tiến trình tu tập, có phần nào là linh hồn không?
Ðáp: Phương pháp thiền quán là để phát triển chánh niệm. Có nghĩa là kinh nghiệm sự việc xảy ra với một tâm tĩnh lặng, không sử dụng tư tưởng hay khái niệm. Tâm của ta sẽ đi từ từ mức độ suy nghĩ – ý niệm lên đến mức độ trực nhận – kinh nghiệm. Mọi sử dụng ngôn từ sẽ trở thành vô nghĩa, khi so sánh với kinh nghiệm trực tiếp của chánh niệm. Tôi nghĩ tôi phải nói một điều gì ở đây là ta đừng bao giờ mù quáng tin theo một chuyện gì hết. Một sự hiểu biết sâu sắc sẽ tự động đến với bạn bằng những kinh nghiệm trong thiền quán. Dù cho bạn có biết gì về lý thuyết hay không, chuyện đó hoàn toàn không cần thiết. Có những thiền sư không bao giờ học, chưa từng đọc một quyển sách, không phải thông minh lắm, nhưng các ngài biết lắng nghe lời chỉ dẫn và chịu thực hành. Giáo pháp phô bày trong tâm các ngài. Các ngài kinh nghiệm được nhiều trình độ giác ngộ khác nhau, nhưng không thể dùng văn tự mà diễn tả cho người khác hiểu được. Ðiều quan trọng là bạn hãy kinh nghiệm lấy sự thật trong tâm bạn, đừng để dính mắc vào ý kiến và suy luận.
Hỏi: Mục đích của thiền định là để làm gì?
Ðáp: Có nhiều cách thiền khác nhau. Một phương pháp cổ truyền là phải tập trung tư tưởng để phát triển định lực trước, rồi sau đó mới dùng định lực để phát sinh trí tuệ. Phương pháp này đòi hỏi một thời gian lâu, bởi vì thiền định phải cần có một hoàn cảnh đặc biệt mới có thể phát triển được một định lực mạnh. Ở Miến Ðiện trong khoảng từ 100 đến 150 năm sau này là sự sống lại của thiền Minh sát (Vipassana). Thiền Minh Sát tuệ phát triển định lực và trí tuệ cùng một lúc. Phương pháp này gồm có sự chánh niệm và tập trung ý trong từng giây phút một, đầy đủ để dẫn đến sự giác ngộ.
Hỏi: Trong cuộc đời này chúng ta có quyền chọn lựa gì không?
Ðáp: Thường thì những gì xảy đến cho ta trong đời này là do ở nhân chúng ta đã gieo trong quá khứ. Nghiệp quả thì không tránh được, nhưng phản ứng, cách đối phó của ta thì hoàn toàn tùy thuộc ở mình. Ở điểm này chúng ta có hoàn toàn tự do. Chúng ta có thể có chánh niệm hay không, tùy ở ta. Không có gì bắt ta phải đối phó với nghiệp quả bằng một cách này hay cách khác. Tự do nằm ở chỗ ta chọn phản ứng bằng cách nào với những sự việc xảy đến trong giây phút hiện tại.
Hỏi: Vấn đề tiềm thức trong tâm lý học Tây phương liên hệ với thiền quán ra sao?
Ðáp: Khi tâm ta trở nên yên tĩnh và tỉnh thức, những gì nằm sâu dưới bình diện ý thức, mà ta gọi là tiềm thức, sẽ được soi sáng bởi ngọn đèn chánh niệm. Lúc đó ta sẽ thấy được những sự ràng buộc trong tâm ta từ bấy lâu nay. Sự nhận diện này sẽ đem chúng lên trên bình diện ý thức và được quán sát.
Hỏi: Nhưng lúc nào cũng phải giữ chánh niêm trong hiện tại, có làm ta mất đi sự tự nhiên hay không?
Ðáp: Sống mà không có chánh niệm đâu phải là sống tự nhiên. Nếu chúng ta phản ứng một cách máy móc, tức là chúng ta bị cai quản, lệ thuộc vào những chuyện xảy ra chung quanh. Cái đó đâu phải là tự nhiên, đó là người máy. Nhận được một tin gì đó chúng ta lật đật phản ứng một cách vô ý thức, không chánh niệm, tâm đó không phải là một tâm tự nhiên mà là một tâm máy móc. Sự tự nhiên chỉ đến với ta khi tâm ta yên lặng, khi tâm ta tỉnh thức, nhận biết được mọi việc rõ ràng trong từng giây phút. Khi chánh niệm tiến triển, nó sẽ không làm sinh hoạt của bạn bị đứt đoạn, nó không làm bạn mất tự nhiên. Trong giai đọan đầu thì ta cần phải chú ý từng cử động một, đến khi nào ta đạt được một ý thức đơn thuần rồi thì mọi sinh hoạt sẽ trôi chảy rất thư thái.
Hỏi: Khi nãy ông có thí dụ về người tập đánh đàn và người tập thiền. Có nhiều người tập đàn nhưng không phải ai cũng trở thành một nhạc sĩ giỏi. Cũng vậy, có phải mặc dù ta tập thiền nhưng không phải ai cũng sẽ thành công và có chánh niệm có đúng không?
Ðáp: Sự tiến bộ của mỗi người khác nhau. Có người tiến bộ một cách chậm chạp và khó nhọc. Có người tuy tiến chậm nhưng rất thoải mái và an lạc. Một số khác tiến bộ nhanh chóng nhưng khổ cực. Và cũng có người tiến nhanh chóng với sự an lạc. Sự tiến bộ cũng tùy thuộc vào nghiệp quả của mình, định lực và chánh niệm của mình đã khai triển đến đâu. Nhưng nếu chúng ta đi đúng hướng thì không chóng cũng chầy ta sẽ đến nơi, điều cần thiết là hãy cứ bước tới (tức là tinh tấn và cố gắng). Nó có thể là một năm, sáu mươi năm hay năm kiếp nữa cũng chẳng sao, miễn là ta đi về phía ánh sáng là đủ. Chúng ta muốn đi về hướng giải thoát, tự do, chứ không phải lùi lại mà đi về bóng tối. Cho nên bất cứ nghiệp quả của ta ra sao cũng vậy, hãy bắt đầu bằng những gì ta đang có.
Hỏi: Ông có nói về nhiều kiếp khác nhau. Cái gì sống qua những kiếp đó, có phải là linh hồn không?
Ðáp: Ðiều này có thể hiểu giống như là những thay đổi xảy ra trong một đời người. Thí dụ: nếu bạn không nhớ lại khoảng năm, mười năm trước đây, thân thể của bạn hoàn toàn khác biệt với bây giờ, nói trên phương diện tế bào cũng vậy. Thân thể của bạn chuyển hóa, thay đổi. Tâm của bạn cũng đã biến chuyển, thay đổi vô số lần hơn thế nữa, sanh ra rồi diệt đi. Bây giờ bạn không thể chỉ bất cứ một cái gì trong tâm hay thân bạn, và bảo rằng nó cũng giống y như hồi trước không sai khác. Bởi bạn bây giờ là kết quả, tập hợp của những ràng buộc, điều kiện trong quá khứ và từng giây phút nối tiếp nhau sau đó. Nói cách khác, giây phút này quyết định điều kiện khởi sanh cho giây phút kế tiếp. Không có gì được đem qua, nhưng có một mối liên hệ giữa giây phút này và giây phút kế. Mọi vật chuyển hóa theo một trật tự liên tục. Trong giờ phút sắp lìa đời, tâm ta sẽ quyết định điều kiện cho giây phút tái sanh. Không có gì đi theo qua hết, nhưng giây phút kế tiếp tùy thuộc vào giây phút trước đó.
The Experience Of Insight
Nguyễn Duy Nhiên dịch
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS