SỰ TRỐNG KHÔNG NỘI TÂM

SHARE:

Cô đang đội trên đầu một chiếc giỏ lớn, vịn nó bằng một tay; chiếc giỏ ắt hẳn là khá nặng, nhưng nhịp bước của cô không bị thay đổi vì sức nặng. Cô ở tư thế thăng bằng thật đẹp, dáng đi của cô thì uyển chuyển và nhịp nhàng. Trên cánh tay cô là những vòng kim loại lớn tạo ra tiếng leng keng nho nhỏ, và dưới chân là đôi dép cũ, sờn. Áo choàng sari của cô thì rách và bẩn vì đã cũ. Thường thì cô có nhiều người đi chung, cả nhóm đều có đội giỏ, nhưng buổi sáng này, trên con đường gập ghềnh cô ta chỉ có một mình. Mặt trời vẫn chưa quá nóng, và cao vút trên bầu trời xanh vài con kên kên lượn những vòng rộng mà không cần vỗ cánh. Dòng sông yên lặng chảy qua bên vệ đường.

 

 

Đó là một buổi sáng rất yên bình và người đàn bà đơn độc với chiếc giỏ lớn trên đầu dường như là điểm tập trung của vẻ đẹp và duyên dáng; mọi vật dường như đang trụ vào cô ta và chấp nhận cô như thể là thành phần của tự thể chúng. Cô ta không phải là một thực thể riêng biệt tách rời, nhưng là một thành phần của bạn và tôi, và của cây me nọ. Cô không đang bước đi phía trước tôi, nhưng chính là tôi đang bước đi với chiếc giỏ đó trên đầu mình. Đó không phải là một ảo tưởng, một điều được suy tưởng ra, một ước ao, một sự đồng hóa được tập luyện, vốn là một điều xấu xí quá đổi, nhưng là một kinh nghiệm tự nhiên và tức thời. Khoảng cách vài bước giữa chúng tôi đã biến mất, thời gian, ký ức và khoảng rộng mà tư tưởng sản sanh, đã hoàn toàn biến mất. Chỉ có người đàn bà đó, không có tôi đang nhìn cô ta. Và đường còn xa mới đến thành phố nơi mà cô ta sẽ bán những đồ trong giỏ. Về chiều cô sẽ trở về theo con đường đó và băng qua cây cầu tre trên đường về làng, chỉ xuất hiện lại vào buổi sáng hôm sau với chiếc giỏ đầy.

Anh ta là người rất nghiêm nghị và đã qua thời tuổi trẻ, nhưng anh có một nụ cười thoải mái và sức khỏe tốt. Ngồi tréo chân kiết già trên nền nhà, anh giải thích bằng tiếng Anh hơi ngập ngừng, và anh hơi thẹn về việc đó, rằng anh đã học đại học và đã lấy bằng M.A, nhưng anh đã không nói tiếng Anh rất nhiều năm đến độ anh gần như quên hết. Anh đã đọc nhiều văn học tiếng Phạn, và lời nói tiếng Phạn thường có trên môi của anh. Anh đã đến, anh nói, để hỏi nhiều câu về sự trống rỗng bên trong, sự trống rỗng của tâm thức. Rồi anh bắt đầu tụng kinh bằng tiếng Phạn, và căn phòng tức thời được lấp đầy với một âm vang sâu thẳm, trong trẻo và thấm nhập. Anh tiếp tục tụng một lúc, và nghe thật là thích thú. Gương mặt anh chiếu sáng với ý nghĩa mà anh đưa vào mỗi chữ và với tình yêu mà anh cảm nhận đối với những gì mà ngôn từ hàm chứa. Anh không có chút gì vờ vĩnh khéo xảo nào cả, và cũng không quá làm điệu trang trọng màu mè.

“Tôi rất vui được tụng những bài kệ này trước sự hiện diện của ông. Đối với tôi, chúng có ý nghĩa và vẻ đẹp tuyệt vời; tôi đã tham thiền về chúng nhiều năm, và chúng đối với tôi là một nguồn hướng dẫn và sức mạnh. Tôi đã tự tập luyện mình không cho dễ dàng bị cảm xúc, nhưng những bài kệ này đã làm tôi rơi lệ. Chính những âm thanh của những lời với ý nghĩa phong phú của chúng tràn ngập tim tôi và khi ấy cuộc sống không còn là một nỗi nhọc nhằn và khổ sở nữa. Giống như tất cả người khác, tôi đã nếm mùi đau khổ; đã có sự chết và có nỗi đớn đau của cuộc sống. Tôi có một người vợ đã chết trước khi tôi từ bỏ những tiện nghi ấm cúng của căn nhà cha tôi, và bây giờ tôi biết được ý nghĩa của sự thanh bần tự nguyện. Tôi đang nói với ông điều này chỉ là một cách thức giải thích mà thôi.Tôi không thất chí âu sầu, cô đơn, hay bất cứ thứ gì đại loại như thế. Tâm tôi tìm thấy vui thú trong nhiều việc; nhưng cha tôi từng nói với tôi một điều gì đó về những cuộc nói chuyện của ông, và một người quen đã thúc đẩy tôi đến gặp ông, vì vậy tôi có mặt ở đây”.

Anh nói tiếp: “Tôi muốn ông nói với tôi về sự trống không vô lượng vô biên. Tôi đã có một cảm nhận về sự trống không đó, và tôi nghĩ rằng tôi đã đạt đến rìa mép của nó trong những nẻo đường lang thang và tham thiền”. Rồi anh trích dẫn một bài kệ để giải thích và chứng minh kinh nghiệm của anh.

Xin được phép vạch điều đó ra, thẩm quyền của người khác, dù tuyệt diệu thế mấy, không chứng tỏ được gì về sự thật của kinh nghiệm bạn cả. Sự thật không cần chứng tỏ bằng hành động, nó cũng không tùy thuộc bất cứ thẩm quyền nào; vì thế chúng ta hãy dẹp bỏ mọi quyền lực và truyền thống, và cố tìm hiểu sự thật của vấn đề cho chính chúng ta.

“Điều đó có thể rất khó cho tôi, bởi vì tôi đã quá miệt mài đắm mình vào truyền thống, không phải truyền thống của thế gian, nhưng trong những giáo thuyết của Kinh Gita, của Upanishads v.v.. Có đúng không khi tôi buông bỏ tất cả những điều đó? Có thể việc đó không phải là sự quên ơn bội nghĩa về phần tôi sao?”

Không phải sự nhớ ơn cũng không phải sự quên ơn có liên quan chút gì ở đây. Chúng ta đang quan tâm đến sự khám phá sự thật hay sự hư giả của trống không đó mà bạn đang nói. Nếu bạn đi trên con đường của quyền lực và truyền thống, vốn là kiến thức, bạn sẽ kinh nghiệm chỉ những gì mà bạn muốn kinh nghiệm, những gì đó vốn được hỗ trợ bởi quyền lực và truyền thống. Đó sẽ không phải là một khám phá mới, nó đã được biết trước rồi, một vật được nhận biết ra và được kinh nghiệm. Quyền lực và truyền thống có thể sai, chúng có thể là một ảo tưởng êm đềm và dễ chịu. Để khám phá xem sự trống không đó là thật hay giả, xem nó thật có hay chỉ là một phát minh khác của tâm trí, thì tâm trí phải giải thoát khỏi mạng lưới của quyền lực và truyền thống.

“Sẽ có lúc tâm trí có thể tự giải thoát ra khỏi mạng lưới này sao?”

Tâm trí không thể giải thoát nó được, bởi vì bất cứ cố gắng nào về phần nó để được giải thoát đều chỉ dệt thêm một mạng lưới khác rồi nó sẽ lại bị trói buộc trong nó nữa mà thôi. Tự do không phải là một sự đối nghịch, tự do không phải là tự do đối với một cái gì, nó không phải là một trạng thái giải thoát khỏi một ràng buộc. Sự thôi thúc mình tự do sanh sự trói buộc cho chính nó. Tự do là trạng thái hiện thực, không phải là kết quả của khát vọng tự do. Khi tâm trí hiểu được điều này và thấy được sự hư giả của quyền lực và truyền thống, thì khi đó cái hư giả mới tàn héo tiêu vong đi.

“Có thể là tôi bị xúi dục cảm nhận những sự việc nào đó bởi do đọc sách và bởi những ý tưởng sách như vậy, nhưng ngoài tất cả những điều trên, tôi phần nào đã cảm nhận một cách lờ mờ từ thuở bé, như trong một giấc mơ chẳng hạn, về hiện hữu của sự trống không này. Đã luôn luôn có một báo hiệu của nó, một cảm giác nhớ lại nó; và khi tôi lớn lên, việc đọc nhiều những kinh sách tôn giáo khác nhau chỉ tăng cường cảm giác này, làm cho nó thêm sức mạnh và cả quyết hơn. Nhưng tôi đã bắt đầu nhận thấy những gì ông ấy muốn nói. Tôi đã lệ thuộc hầu như hoàn toàn vào sự mô tả về những kinh nghiệm của người khác, như được trình bày trong những kinh điển thiêng liêng. Sự tùy thuộc này tôi có thể vứt đi, bởi vì giờ đây tôi thấy được sự cần thiết phải làm như thế, nhưng tôi có thể làm sống lại sự cảm nhận vô nhiễm và nguyên sơ về cái vượt ngoài ngôn từ không?”

Cái gì được làm sống lại thì không phải là cái sống động, cái mới; nó là một ký ức, một vật chết, và bạn không thể đem sự sống vào vật chết. Làm sống lại và sống bằng ký ức là làm nô lệ cho sự kích thích, và một tâm trí lệ thuộc vào sự kích thích, hữu thức hoặc vô thức, sẽ không tránh được trở nên cùn lụt và mất sự nhạy cảm. Làm sống lại, là làm cho tồn tại mãi mãi sự rối loạn; quay về quá khứ đã chết rồi trong thời điểm của một sự khủng hoảng đang hiện diện là tìm kiếm một kiểu mẫu sống có gốc rễ trong sự mục nát. Cái gì mà bạn đã kinh nghiệm khi còn trẻ hay chỉ mới hôm qua thì đã chấm dứt và tiêu mất rồi; và nếu bạn cứ bám vào quá khứ, bạn sẽ ngăn cản kinh nghiệm tức thời về cái mới.

“Bởi vì tôi nghĩ ông sẽ nhận ra rằng, thưa ông, tôi đang thật sự nhiệt tâm, đối với tôi, thông hiểu và có được cái trống không đó đã trở nên một cấp thiết. Tôi phải làm gì?”

Ta phải làm trống không cái tâm trí của những điều đã biết; tất cả kiến thức mà ta gom góp có bất cứ ảnh hưởng nào trên tâm thức hiện hành phải chấm dứt. Kiến thức thì luôn luôn thuộc về quá khứ, nó chính là tiến trình của quá khứ, và tâm trí phải giải thoát khỏi tiến trình này. Sự nhận ra là thành phần của tiến trình kiến thức, phải không?

“Việc này xảy ra như thế nào?”

Nhận ra một cái gì bạn đã biết hoặc đã kinh nghiệm nó trước đó, vì kinh nghiệm này được lưu trữ như là kiến thức. Sự nhận ra xảy đến từ quá khứ. Bạn có thể đã kinh nghiệm sự trống không này từ lúc xa xưa rồi, và đã một lần kinh nghiệm nó, bây giờ bạn đang mong mỏi nó. Kinh nghiệm đầu tiên xảy ra không có sự theo đuổi nó của bạn; nhưng giờ đây bạn đang theo đuổi nó, và cái vật mà bạn đang tìm kiếm không phải là cái trống không nhưng mà là sự phục hồi lại một ký ức cũ kỹ đã qua rồi. Nếu nó thình lình xảy đến một lần nữa, thì tất cả mọi sự hồi tưởng về nó, tất cả kiến thức về nó phải chấm dứt, vì sự tìm kiếm vốn dựa trên ham muốn được kinh nghiệm.

“Ông có thật sự muốn nói rằng tôi phải không tìm tòi nó nữa không? Việc này dường như không thể tin được”.

Động cơ tìm kiếm có ý nghĩa lớn lao hơn chính sự tìm kiếm. Động cơ lan tràn khắp, hướng dẫn, uốn nắn sự tìm kiếm. Động cơ tìm kiếm của bạn là khát vọng kinh nghiệm cái không thể biết được, là khát vọng muốn biết niềm hạnh phúc và sự bao la của nó. Ước muốn này đã tạo ra người kinh nghiệm thèm muốn kinh nghiệm. Người kinh nghiệm sẽ tìm kiếm kinh nghiệm lớn hơn, rộng hơn và có ý nghĩa hơn. Tất cả những kinh nghiệm khác đã đánh mất hương vị của nó, người kinh nghiệm giờ đây lại ước mong được sự trống không, vì thế mà có người kinh nghiệm và vật được kinh nghiệm. Như vậy, xung đột được bắt đầu tiến hành giữa hai thực thể, giữa hai người theo đuổi và vật bị theo đuổi.

“Điều này tôi hiểu rất rõ, bởi vì nó đúng là tình trạng mà tôi đang kẹt trong đó. Giờ đây tôi thấy rằng tôi đang vướng mắc trong một cái lưới do mình tạo ra”.

 

Cũng như tất cả mọi người tìm kiếm đều vướng mắc, mà không chỉ riêng người tìm kiếm Chân lý, Thượng đế, trống không v.v… mà thôi. Mọi kẻ thèm muốn và tham vọng đều theo đuổi quyền thế, địa vị, uy tín; mọi kẻ lý tưởng, mọi kẻ sùng bái nhà nước, mọi kẻ xây dựng một không tưởng hoàn hảo – tất cả họ đều bị vướng mắc trong cùng một mạng lưới. Nhưng nếu khi bạn hiểu được ý nghĩa trọn vẹn của sự tìm kiếm, bạn sẽ có tiếp tục tìm kiếm cái trống không, “cái không” không?

“Tôi nhận thức được ý nghĩa bên trong câu hỏi của ông, và tôi đã thôi tìm kiếm”.

Nếu điều này là một sự hiện thực, thì cái gì là trạng thái của một tâm thức không đang tìm kiếm?

“Tôi không biết; toàn bộ sự việc quá mới mẻ đối với tôi đến nỗi tôi phải tập trung và quan sát. Tôi xin được có vài phút trước khi chúng ta tiến xa hơn”.

Sau một lúc yên lặng, anh tiếp:

“Tôi nhận thấy sự việc vô cùng tế nhị làm sao; thật là khó khăn làm sao để người kinh nghiệm, người quan sát không xen vào. Dường như hoàn toàn không thể được đối với sự việc tư tưởng không tạo ra người tư tưởng; nhưng chừng nào còn có một người tư tưởng, một người kinh nghiệm, thì rõ ràng là phải có sự chia cách và sự xung đột với cái sẽ được kinh nghiệm. Và ông đang hỏi, phải không, cái gì là trạng thái của tâm trí không có xung đột?”

Xung đột hiện hữu khi ham muốn mang khoác hình thức người kinh nghiệm và theo đuổi cái sẽ được kinh nghiệm; bởi vì cái sẽ được kinh nghiệm cũng là cái được hội nhập vào bởi tham muốn.

“Xin ông chầm chậm với tôi để tôi hiểu được những gì ông đang nói. Tham muốn không chỉ tạo dựng nên người kinh nghiệm, người quan sát, mà còn phát sanh cái sẽ được kinh nghiệm, cái được quan sát. Vì vậy, tham muốn là nguyên nhân của sự phân chia giữa người kinh nghiệm và vật được kinh nghiệm, và chính sự phân chia này duy trì xung đột. Giờ ông đang hỏi: cái gì là trạng thái của một tâm trí không còn xung đột, không còn bị lèo lái bởi tham muốn? Nhưng có thể câu hỏi này được trả lời mà không có người quan sát đang quan sát cái kinh nghiệm không ham muốn không?”

Khi bạn biết mình khiêm nhường, thì không phải là sự khiêm nhường đã chấm dứt rồi sao? Có đức hạnh không, khi bạn cố tâm tập luyện đức hạnh? Sự tập luyện như thế là sự tăng cường thêm hoạt động quy ngã, và nó sẽ chấm dứt đức hạnh.

Khoảnh khắc mà bạn ý thức rằng bạn hạnh phúc, bạn đã chấm dứt hạnh phúc rồi. Cái gì là trạng thái tâm trí không bị vướng mắc trong xung đột của ham muốn? Sự thôi thúc tìm hiểu khám phá đã là thành phần của ham muốn và chính nó đã hình thành nên người kinh nghiệm và vật được kinh nghiệm, có phải không?

“Đúng vậy, câu hỏi của ông là một cái bẫy cho tôi, nhưng tôi cảm ơn ông đã hỏi nó. Tôi đang thấy nhiều hơn về những tế nhị phức tạp của ham muốn”.

Đó không phải là một cái bẫy đâu, nhưng đó là một câu hỏi tự nhiên không tránh được mà đáng lẽ bạn phải tự hỏi mình trên tiến trình suy xét của bạn. Nếu tâm trí không cực kỳ sáng suốt, cực kỳ tỉnh giác, thì nó tức thời vướng mắc trở lại trong mạng lưới tham muốn của chính nó.

“Một câu hỏi sau cùng: Thật sự tâm trí có thể nào hoàn toàn giải thoát khỏi tham muốn có được kinh nghiệm mà kinh nghiệm đó vốn được duy trì sự phân chia này giữa người kinh nghiệm và vật được kinh nghiệm?”

Hãy tìm ra, thưa bạn. Khi tâm trí hoàn toàn giải thoát khỏi cơ cấu của tham muốn thì khi đó tâm trí có khác biệt với cái trống không vô niệm không?

Luận về đời sống – Krishnamurti

Commentarives on living

SHARE:

Trả lời