Như Lai thọ lượng là phẩm thứ 16 của kinh Pháp Hoa.
Trước khi nói về thọ lượng và giác ngộ của Như Lai, Đức Phật đã nói ba lần: “Các ông phải tin hiểu lời nói chắc thật của Như lai.” Chữ “thật” này còn được nhắc lại năm lần nữa trong phẩm ngắn chưa tới mười trang này.
Lời nói chắc thật của Đức Phật là: “Thật ta thành Phật đến nay đã vô lượng vô biên trăm nghìn muôn ức vô số kiếp”. Như Lai đã thành Phật từ vô lượng vô biên kiếp, nghĩa là thọ lượng của Như Lai cũng đã vô lượng vô biên kiếp. Thọ lượng và giác ngộ của Như lai là một, và sẽ trải dài đến tương lai vô lượng vô biên.
Đức Phật nói: “Sẽ diệt độ, chỉ vì chúng sanh mà dùng phương tiện nói”.
Đến nay vô lượng kiếp
Vì độ chúng sanh vậy
Phương tiện hiện Niết-bàn
Mà thật không diệt độ
Thường trụ đây thuyết pháp.
Thọ lượng giác ngộ là Pháp thân của Đức Phật Thích-ca và cũng là của tất cả chư Phật thì luôn luôn hiện hữu từ vô thuỷ đến vô chung.
Với chúng ta, tin là tin rằng cuộc đời chúng ta, dù có thế nào, luôn luôn nằm trong thọ lượng và giác ngộ vô lượng vô biên của Như Lai. Thật ra, chúng ta đang sống trong thọ lượng giác ngộ vô lượng vô biên của Như Lai. Cuộc đời của mỗi chúng ta, dù ngắn ngủi, bấp bênh, lên xuống, thành bại thế nào đi nữa thì cũng luôn luôn trùng khít với thọ lượng giác ngộ vô lượng vô biên của Như lai. Nghiệp riêng của mỗi chúng ta có là gì đi nữa, nghiệp của thế giới chúng sanh, của tất cả sự vật, của tất cả chư thánh hiền có là gì đi nữa, thì vẫn nằm trong và luôn luôn trùng khít với thọ lượng giác ngộ vô hạn của Như Lai. Như một giọt nước trong đại dương thì luôn luôn nằm trong và trùng khít với đại dương.
Tin nghĩa là hiểu, hiểu tức là tin. Tin hiểu cuộc đời hữu hạn vô thường, với hạnh phúc và khổ đau của chúng ta và tất cả mọi chúng sanh, luôn luôn là một với thọ lượng giác ngộ vô biên không giới hạn của Như Lai. Tin hiểu là thấy biết được rằng cuộc sống của mỗi chúng ta là thọ lượng giác ngộ vô tận. Tin hiểu là thấy biết được rằng sự hiện hữu của mỗi chúng ta, của thế giới, chúng sanh và sự vật là thọ lượng giác ngộ vô tận. Tất cả là sự thị hiện của thọ lượng giác ngộ vô lượng vô biên của Như lai.
Thế nên kinh hoa nghiêm nói: “Ba nghiệp thân khẩu ý trở thành vô biên”. ( Phẩm Thập định, thứ 27)
Không có sự vật nào, không có chúng sanh nào có thể nằm ngoài, tách biệt với thọ lượng giác ngộ vô biên của Như Lai. Một sát-na là một khoảnh khắc. Trong một sát-na có ít nhất 60 lần sanh diệt. Những sanh diệt trong khoảng sát-na đó vẫn là thọ lượng giác ngộ vô biên của Như Lai. Mỗi vi trần là một không gian nhỏ nhất, không thể nằm ngoài, tách biệt với thọ lượng giác ngộ vô biên của Như Lai, nên chính nó là thọ lượng giác ngộ vô biên của Như Lai.
Phẩm Thí dụ, thứ ba, Đức Phật nói: “Hiện nay ba cỏi này, đều là của Ta cả”. “Của ta”, nghĩa là ba cỏi này, cho đến mỗi sát-na và mỗi vi trần, đều của thọ lượng giác ngộ Như Lai và là thọ lượng giác ngộ vô biên của Như Lai.
“Ba cỏi là của ta”, không có sự vật nào, chúng sanh nào nằm ngoài, khác biệt với cái của ta này. Không có sự vật nào không là cái của ta này. Của ta là thọ lượng giác ngộ của Như Lai.
Vì trong cái thấy biết của Đức Phật thì ba cỏi chính là “thật tướng của tất cả các pháp”: Vì Như Lai như thật thấy biết tướng của ba cỏi, không có sanh tử, hoặc lùi mất, hoặc xuất hiện, cũng không ở đời hay diệt độ, chẳng có thật, chẳng không hư, chẳng phải như, chẳng phải khác, chẳng như ba cõi mà thấy ba cõi. Các việc như vậy, Như Lai thấy rõ, không có sai lầm”. (Phẩm Như Lai thọ lượng, thứ 16).
Tất cả các pháp là thọ lượng giác ngộ vô biên của Như Lai: Vì tất cả các pháp
Thảy đều là không tịch
Không sanh cũng không diệt
Không lớn cũng không nhỏ
Vô lậu và vô vi.
(Phẩm Tin hiểu, thứ 4)
Tất cả các pháp, con người và thế giới là thọ lượng giác ngộ của Như Lai, đây là tính cách thiêng liêng rốt ráo của thế giới.
Thấy tất cả chúng sanh trong thọ lượng giác ngộ của Như Lai, đây là tâm từ rốt ráo.
Tất cả chúng sanh là thọ lượng giác ngộ của Như Lai mà họ không hay biết, đây là đồng thể đại bi.
Tin hiểu sanh mạng mình là thọ lượng giác ngộ Như Lai vô biên vô tận, đây là giải thoát.
Thấy tất cả những lỗi lầm của mình đều xảy ra trên và trong thọ lượng giác ngộ của Như Lai, đây là chân sám hối…
Nguyễn Thế Đăng
Trích VHPG số 242 & 243
Post: Nghiêm Hạnh