Đóng góp của đạo Phật vào nền đạo đức & ổn định xã hội

SHARE:

Đóng góp của đạo Phật vào nền đạo đức & ổn định XH

Đạo Phật là một bộ phận của nền văn hóa truyền thống Việt Nam. Từ gần 20 thế kỷ nay, đạo Phật luôn luôn đóng góp vào sự phát huy nền đạo đức dân tộc, bồi dưỡng cho sự nghiệp giáo dục của bao nhiêu thế hệ.

Khi có nhân duyên, trong những triều đại lấy dân làm gốc như đời Lý  Trần, đạo Phật có những vị quốc sư ngay kinh đô để giúp nước trên nền tảng dân tộc và đạo pháp.

Trong những thời phong kiến suy đồi, đạo Phật vẫn tiềm tàng nơi các chùa chiền thôn dã, thở hơi thở từ bi  hỉ xả vào quần chúng, âm thầm gìn giữ giềng mối đạo đức dân tộc.

Dầu khi hiện, khi ẩn, đạo Phật đã luôn luôn hòa mình vào sự tiến hóa của dân tộc, bàng bạc trong thơ ca, trong ca dao tục ngữ, trong lời nói và lối sống của nhân dân.

Nói như thế để thấy rằng: trong sự xuống cấp về đạo đức hiện nay mà đặc biệt là ở nơi học đường, nơi đào tạo thế hệ tương lai của đất nước mà báo chí đang nêu ra, không phải là không có trách nhiệm của đạo Phật.

Đạo đức của đạo Phật thể hiện ở năm điều giới căn bản và bước đầu mà bất cứ Phật tử  nào cũng phải giữ, làm sức sống và hơi thở cho đời sống mình,dầu đó là Phật tử Bắc tông  từTrung Hoa, Triều Tiên đến Nhật Bản, hay Phật tử Nam tông từ Tích Lan, Thái Lan đến Campuchia.

♣♣♣

Năm điều giới luật (không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không say sưa mất tự chủ) do Đức Phật chế định ra, không phải để bảo vệ một chế độ chính trị nào, không dành riêng cho một giai cấp nào, và càng không phải để bảo vệ cho chính tổ chức của đạo Phật.

Năm điều luật đó góp phần vào sự tiến hóa của phẩm cách con người, vì không thể nào giết người mà an vui và hạnh phúc, không thể nào trộm cắp và nói dối mà có thể đem lại an bình và trật tự cho xã hội.

Các giới luật của đạo Phật – ở đây chỉ nói đến năm điều căn bản – còn sâu xa và căn bản hơn cả pháp luật. Pháp luật là quy ước của xã hội, nhằm đến sự không xâm phạm người khác, không làm rối loạn trật tự xã hội, có tính chất đối trị bên ngoài.

Giới luật của đạo Phật gồm thông cả mình lẫn người, cả trong lẫn ngoài, là sự thể hiện của Tình thương ra thành pháp luật của lương tâm.

Giới luật trước hết là giữ nơi chính mình, cho chính mình, cho sự an vui và hạnh phúc, cho sự tiến hóa của chính mình. Người ta có thể nói dối với cha mẹ, anh em, vợ chồng, có thể say sưa hay tà dâm mà không xâm phạm  đến ai nên không bị bắt giữ bởi pháp luật.

Nhưng người ta không thể nói dối, say sưa, tà dâm mà lại được an vui với chính mình. Nói dối không xâm phạm đến pháp luật, nhưng xâm phạm đến chính mình, đến sự bình an và tiến hóa của chính mình, đến con người thật của mình với đầy đủ trí tuệ và tình thương, hay nói theo danh từ nhà Phật, đến Phật tính vốn sẵn có nơi mình.

Cũng thế, một ý nghĩ giết, trộm, dâm, dối, dù ra tòa án mà không có tội đi nữa về mặt pháp luật, nhưng với giới luật thì có tội, vì đã xâm  phạm đến chính mình và người khác một cách sâu xa.

♣♣♣

Tây phương chia các môn học ra một cách rạch ròi: đạo đức học, phương pháp luận, tâm lý học, bản thể luận… Đạo Phật trái lại, là một thể thống nhất hữu cơ, một môn học bao trùm tất cả các môn học, các môn học đầy đủ trong một môn học.

Ví dụ không thể có Định, Huệ khi không có giới luật, và ngược lại, Định Huệ không tròn đủ thì giới luật phải thiếu sót.

Ở Đông phương, và nhất là trong đạo Phật, không thể nào có một học giả giỏi về phương pháp luận, tâm lý học mà lại thiếu đạo đức, không thể nào có một người gọi là bác học mà lại vô luân. Đó gọi là cái học Tri Hành hợp nhất.

Hơn nữa, Tây phương phân chia phương tiện khác với cứu cánh. Đạo Phật thì phương tiện và cứu cánh là một, phương tiện đến đâu thì cứu cánh hiện ra đến đó.

Cụ thể là đạo Phật không cho rằng giới luật là phương tiện để đạt đến cứu cánh tức là cái đời sống chân thường, an vui, giải thoát mà ta thường gọi là “Niết Bàn tại thế” hay “vui đạo giữa đời”. Mà giới luật chính là cái đời sống chân thường, an vui, giải thoát đó.

Bởi thế, giữ được một giới là an vui với một giới trong cái đời sống chân thường giải thoát. Sống được toàn bộ giới luật tức là sống được toàn bộ đời sống thanh tịnh giải thoát hay là Niết Bàn tại thế.

Đây cũng là một khác biệt giữa pháp luật và giới luật: pháp luật có tính chất răn đe, nghiêm cấm, trừng trị; giới luật có tính chất tự giác, vui hưởng và an hòa. Bởi thế mà sự giáo dục bằng giới luật của đạo Phật có một ảnh hưởng sâu xa lên toàn bộ thân tâm, có sức thu hút mãnh liệt, đã chứng tỏ sức sống và hiệu lực của mình hơn 25 thế kỷ.

♣♣♣

Nói qua năm điều giới luật căn bản và thông thường của bất kỳ người Phật tử nào, để chúng ta thấy cái tinh vi và sâu xa của nền đạo đức Phật giáo, cái nền tảng an vui lợi mình lợi người để sống và làm việc giữa đời, để biến trẩn gian thành thế giới an vui thanh tịnh.

Tuy năm điều giới chỉ là một phần nhỏ trong kho tàng tinh hoa của  đạo Phật có thể đóng góp cho đời, cũng cho chúng ta thấy sự sâu sắc tinh vi và hiệu lực của nền đạo đức Phật giáo.

So sánh sự khác biệt giữa giới luật và pháp luật, không phải là xem nhẹ  vai trò của pháp luật  là hệ thống điều hành và ổn định xã hội, mà để nói thêm rằng nhờ tính cách tự giác, tự hoàn thiện của giới luật, đạo Phật có thể đóng góp cho pháp luật một ý nghĩa sâu xa hơn, một sự hiệu lực vì có tính tự giác hơn.

Là Phật tử, chúng ta có trong tay chìa khóa của kho tàng Phật pháp mà tinh hoa đó đã từng đóng góp cho đời sống an vui của dân tộc. Là công dân, chúng ta có bản phận trước sự sa sút của đạo đức xã hội. Bằng sự xiển dương 5 điều giới nơi mình và nơi người, mỗi một chúng ta có thể đóng góp, ngay tại đây và ngay bây giờ, vào sự ổn định và đi lên của dân tộc trong thời đại mới này.

 

 

SHARE:

Để lại một bình luận