Những yếu tố làm nên sự cường thịnh của đời Trần

SHARE:

Những yếu tố làm nên sự cường thịnh của đời Trần

Niềm tin của đời Trần là tin vào sự phát triển đến toàn thiện và toàn diện của mỗi con người, và công sức của đời Trần là tạo một xã hội làm môi trường về cả vật chất lẫn tinh thần cho sự phát triển ấy. Tự phát triển thành Chân Thiện Mỹ, làm cho người khác phát triển thành Chân Thiện Mỹ và xây dựng một đất nước Chân Thiện Mỹ làm cơ sở cho hai sự phát triển trên, ba phạm trù ấy tương dung, tương nhiếp lẫn nhau, tạo thành sự hài hòa của con người cá nhân và xã hội.

Những tính cách tạo nên số phận”, câu nói của Herodote thời Hy Lạp đã được nhắc đến nhiều trong các sách ‘học làm người’ thời hiện đại. Thế thì ‘số phận’ của đời Trần, sự cường thịnh vinh quang của đời Trần cũng là kết quả tất yếu của những tính cách của họ.

Sử gia Ngô Sĩ Liên nhận định về đời Trần : “Nước trở nên văn minh, dân tới chỗ giàu thịnh(Đại Việt sử ký toàn thư II, trang 114). Về Trần Nhân Tông thì: “Vua nhân từ hòa nhã, cố hết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thưở trước, thực là vua hiền của đời Trần”. “Người làm vua đạt mức trung hòa thì đất trời định vị, vạn vật sinh sôi” (trang 470)

Nhà Trần kế tiếp nhà Lý, tức là cũng thừa hưởng những thành tựu của nhà Lý, mà một trong những thành tựu lớn của nhà Lý là đưa được từ bi vào xã hội. Một hình ảnh thân thương của làng quê Việt Nam lúc đó: “Trước đây khí hậu nước ta vì nóng bức nên làm nhiều đình trạm cho người đi đường nghỉ chân, thường quét vôi trắng”. Đến vua đầu tiên đời Trần là Thái Tông thì “xuống chiếu rằng trong nước hễ chỗ nào có đình trạm đều phải có tượng Phật để thờ”.

Sau đây chúng ta tìm hiểu một số yếu tố tạo nên sự cường thịnh của đời Trần, cái hào khí Đông A đã làm nên một triều đại mà mãi về sau chúng ta vẫn còn học hỏi.

1/ Lý tưởng:

Niềm tin tạo nên hào khí Đông A của đời Trần là tin tưởng vào tiền đồ, tương lai của con người và đất nước. Về con người, đó là sự tiến bộ đến vô tận của con người bằng cách tự hoàn thiện mình đồng thời giúp người khác hoàn thiện. Về đất nước, đó là một đất nước phát triển toàn diện cả vật chất lẫn tinh thần, cả những công trình vật chất lẫn những thành tựu về tinh thần.

Thái Tông, vua mở đầu đời Trần nói trong Khóa Hư Lục : “Đâu biết giác tánh Bồ Đề, mỗi mỗi đều viên thành, có hay thiện căn trí huệ người nào cũng sẵn đủ. Chẳng cứ ẩn dật hay làm việc giữa đời, đâu kể tại gia hay xuất gia. Chẳng nề tăng hay tục, chỉ cốt rõ tâm, nào kể gái trai, cớ sao phân biệt chấp tướng? Như thế hoặc phàm hoặc thánh cùng đi một đường, kẻ oán người thân đều cùng thở một không khí… Biến đại địa thành đất nước vàng ròng, trải sông dài thành sữa ngọt cho người và trời cùng hưởng”.

Và trong lời tựa Thiền Tông Chỉ Nam vua nói lên quyết tâm của mình, “Thế thì nay lẽ nào trẫm không coi trách nhiệm của các bậc thánh trước kia là trách nhiệm của mình, giáo pháp của Phật là giáo pháp của mình ư?”

Cái tinh thần “nhận lãnh trách nhiệm của đời trước”, “cùng đi một đường, cùng thở một bầu không khí” với con người thời đại để tự hoàn thiện mình và hoàn thiện người khác, trong Phật giáo gọi là Bồ đề tâm và sống một cuộc đời trong lý tưởng đó thì  gọi là Bồ tát hạnh.

Niềm tin của đời Trần là tin vào sự phát triển đến toàn thiện và toàn diện của mỗi con người, và công sức của đời Trần là tạo một xã hội làm môi trường về cả vật chất lẫn tinh thần cho sự phát triển ấy. Tự phát triển thành Chân Thiện Mỹ, làm cho người khác phát triển thành Chân Thiện Mỹ và xây dựng một đất nước Chân Thiện Mỹ làm cơ sở cho hai sự phát triển trên, ba phạm trù ấy tương dung, tương nhiếp lẫn nhau, tạo thành sự hài hòa của con người cá nhân và xã hội.

Chúng ta có thể hiểu niềm tin và sự lạc quan này của đời Trần qua câu nói của Gandhi, người đã phát động một cuộc đấu tranh không bạo lực và đem lại độc lập cho Ấn Độ vào năm 1948: “Tôi là một người hết sức lạc quan. Chủ nghĩa lạc quan của tôi là phát huy năng lực cá nhân không bạo lực cộng với niềm tin vô hạn vào khả năng con người” (Tìm kiếm một thế kỷ sáng lạn, Đối thoại giữa Kim Dung và Ideka, 1998, nxb Đại học Bắc Kinh, Lê Khánh Trường dịch, nxb Hội Nhà Văn, 2004, trang 41).

Sự tin tưởng vào cứu cánh tối hậu của con người thể hiện rất rõ vào đời Trần. Chẳng hạn sự giảng hòa mối thù gia đình giữa Trần Hưng Đạo và Trần Quang Khải, hai quan tướng cao nhất đời Trần. Vì chậm có con, Thái Tông (cha của Quang Khải) bị Trần Thủ Độ ép lấy vợ của Trần Liễu (cha của Hưng Đạo), lúc đó đã có thai, lên làm hoàng hậu. Trước khi chết Trần Liễu dặn Hưng Đạo phải báo thù.

Nhà Trần đối xử rộng lượng, như với Trần Khánh Dư. Tha thứ cho những người hàng giặc, thậm chí theo giặc, bằng cách đốt bỏ những thùng đựng tài liệu chứng cứ. Tấm lòng nhân hậu của Nhân Tông trước thủ cấp Toa Đô. Thả hết quân Nguyên Mông bị bắt về nước.

Suốt đời Trần, lo về chính sự không chỉ là cánh đàn ông mà còn cả phụ nữ, hoàng thái hậu, hoàng hậu, công chúa. Hỏi ý kiến toàn dân về quyết định nên đánh hay không ở Hội nghị Diên Hồng. Trong triều đình và quan chức cho tới người dân sống chan hòa vui vẻ với nhau, ít ngăn cách, ít kiểu cách phong kiến quan liêu…

Niềm tin vào sự phát triển tột độ của con người, đến mức toàn thiện và toàn diện, tức là sự thành Phật của con người, niềm tin vào tiềm năng có thể thành Phật của con người dầu trải qua vô số kiếp, niềm tin vào nguồn vốn Phật tánh sẵn đủ của con người (tức là sự bình đẳng tự bản thể), đó là quan điểm chung của đời Trần.

Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tung, thầy của Nhân Tông nói: “Tâm của muôn loài tức Phật tâm. Phật tâm cùng với tâm ta hợp. Pháp vốn như nhiên suốt cổ kim” (Phật tâm ca). Do đó mà có cái nhìn bình đẳng thiêng liêng: “Mày ngang mũi dọc khác chi nhau. Phật cùng chúng sanh đều một mặt.” (Phàm thánh bất dị).

Chính nhận thức ‘tất cả chúng sanh đều có Phật tánh’, chính nềm tin vào sự tốt đẹp sau cùng của số phận con người, chính niềm tin vào cứu cánh tối hậu Chân Thiện Mỹ của mỗi người mà có hạnh Bồ Tát, có từ bi, bố thí, tinh tấn, lợi mình lợi người, làm thanh tịnh và trang nghiêm cõi nước…

Tất cả mọi lãnh vực của xã hội, giáo dục, kinh tế, y học, khoa học, chính trị… đều được lập ra vì mục đích này, mục đích đưa con người tiến đến Chân Thiện Mỹ như là định mệnh tối hậu của nó.

Đặt tất cả mọi lĩnh vực sinh hoạt của xã hội vào nhận thức, niềm tin đó và làm việc vì niềm tin đó khiến mọi lĩnh vực hài hòa với nhau, có sinh khí, có hướng đi tốt đẹp đúng đắn, và do đó, đây là một xã hội hạnh phúc an vui. Xã hội ấy hạnh phúc không phải ở tương lai, mai sau mới có, mà hạnh phúc ngay trong hiện tại, dù đang trong tình trạng phát triển kém đến đâu: hạnh phúc vì con người đang làm một công việc vĩnh cửu cho sự tốt đẹp vĩnh cửu của chính mình và những người khác.

Ít nhất là ba vị vua đầu tiên của đời Trần, Thái Tông, Thánh Tông, và Nhân Tông đã sống một đời sống như vậy. Một đời sống trong hạnh Bồ tát. Hơn nữa, các vị đã huy động được toàn dân cùng sống trong hạnh Bồ tát. Cũng phải thấy thêm rằng, những vị vua cuối đời Trần đã không gìn giữ được (chứ chưa nói phát triển thêm) được sức sống lạc quan ‘vì người khác’ của những vị khai sáng vì thiếu cái nhìn rõ suốt, thiếu niềm tin, thiếu nguyện lực, thiếu hành động. Do đó đời Trần suy vi, (mà một dấu hiệu là Chu Văn An bỏ vua Dụ Tông để về quê quy ẩn), và mất hẳn vào những năm cuối cùng của thế kỷ 14, chấm dứt một triều đại vinh quang nhất, minh triết nhất, cường thịnh nhất, đầy sức sống nhất, phát triển toàn diện nhất trong lịch sử Việt Nam.

2/ Nhân cách và hành động

Các nhân vật đời Trần luôn luôn đặt nghĩa vụ và trách nhiệm lên trên cá nhân, vì nghĩa lớn của dân tộc hơn là quyền lợi và tiện nghi riêng của mình.

Khi Trần Thái Tông bỏ trốn lên núi Yên Tử vì bi kịch cá nhân – Thủ Độ ép Thái Tông giáng Lý Chiêu Hoàng để lấy vợ Trần Liễu, anh một Thái Tông, lúc đó đã có thai làm hoàng hậu, củng cố cho sự khởi đầu nhà Trần – thì quốc sư Phù Vân khuyên vua trở về và cầm tay căn dặn: “Phàm đã là bậc nhân quân tất phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng thiên hạ làm tấm lòng của mình. Nay muôn dân đã muốn đón bệ hạ về thì bệ hạ không về sao được! Duy có việc nghiên cứu Phật pháp xin bệ hạ đừng chút xao lãng mà thôi”.

Các vua đời Trần không giữ ngôi vị suốt đời mà sớm nhường ngôi cho con. Do đó đời Trần thường có chế độ ‘hai vua’ nhất là những lúc chiến tranh nguy cấp. Thái Tông nhường ngôi 19 năm trước khi chết; Thánh Tông 13 năm; Nhân Tông ở ngôi 14 năm, nhường ngôi 5 năm, xuất gia 8 năm. Vua Minh Tông đời thứ năm có lần nói trước triều đình: “Còn ngại gì nữa. Trước đây vì con đích trưởng chưa sinh, nên ta ở tạm ngôi này. Nay đã sinh rồi thì đợi lớn lên, ta sẽ trả lại ngôi vua chứ có khó gì?” (ĐVSK II, trang 146). Trong khi có rất nhiều triều đại trên thế giới việc con giết cha, mẹ giết con chính để con mình lên ngôi là chuyện thường. Ngay đời Đức Phật cũng có việc A Xà Thế giết cha để lên ngôi.

Nếu bảo các nhân vật đời Trần không tham muốn quyền hành thì họ tham gì? Họ tham muốn hạnh phúc của nhân dân, như quốc sư Phù Vân đã nói: “Lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng thiên hạ làm tấm lòng của mình”. Nói theo Phật giáo, đó là Bồ đề tâm: mong muốn đạt đến giác ngộ vì lợi lạc cho chúng sanh.

Không tham có lẽ chỉ là hành động bên ngoài dễ thấy. Chúng ta cần đi sâu hơn vào tâm hồn Trần Nhân Tông, vị vua có lẽ ‘bận rộn’ nhất đời Trần, vì phải đích thân hai lần đánh bại quân Nguyên Mông, hai lần gian khổ nhất, phải xây dựng quốc gia sau chiến tranh, qua Chiêm nhiều lần để có được hai châu Ô Lý và xây dựng hòa bình với Chiêm Thành, lại phải lo cho giáo hội (có lẽ là đầu tiên của VN)…

Trích một bài thơ được chép vào Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (trang 70):

Trăng vô sự chiếu người vô sự
Nước màu thu ngậm trời sắc thu
Bốn biển đã quang trần đã lặng
Nay đi hơn hẳn chuyến đi xưa
.

Bài thơ làm năm 31 tuổi, nghĩa là còn 20 năm nữa để làm việc nước. Chữ ‘vô sự’ xuất hiện nhiều trong thơ Nhân Tông. Vì sao một người bận rộn như thế mà hay nói đến ‘vô sự’. Chúng ta có thể hiểu điều này qua một câu của Lão tử: “Không làm mà không có gì không làm”. Vô sự bởi vì làm mà không tham, không sân, không si, nghĩa là làm mà vô ngã. Đây cũng là ‘hành động thanh tịnh và thuần khiết’ nói trong kinh Kim Cương, ảnh hưởng rất lớn vào đời Trần (xem bài Thiền Tông Chỉ Nam Tự của Thái Tông).

Với một “người vô sự”, nghĩa là không bị tham, sân, si, kiêu mạn, nghi ngờ, chấp trước, hẹp hòi, chủ quan… che ám, tâm thức người đó hẳn phải rộng rãi bao la và trong sáng, không bị ràng buộc, do đó mà có cái nhìn khách quan, không thiên lệch, toàn cuộc, nghĩa là thông minh, sáng suốt, là cái Phật giáo gọi là trí huệ.

Đó là chỉ nói qua về mặt trí huệ. Còn nhiều mặt của một nhân cách như đạo đức, từ bi hỷ xả, ý nguyện, nỗ lực, kiên trì… đã thể hiện trong hành động của các nhân vật đời Trần. Tóm lại, những nhân vật của đời Trần đã thể hiện những đức tính của một nhân cách lớn. Sự thể hiện những đức tính căn bản và rốt ráo của một con người là Bồ tát hạnh. Nói cách khác, Bồ tát hạnh là sự thể hiện Phật tánh ra giữa đời qua một con người.

Những nhân vật lớn của mọi thời đều không xem trọng cái tôi cá nhân mà hòa mình vào thời đại. Trong khi hòa mình như vậy, họ kéo thời đại cùng đi, cùng sống với mình. Đó là ý nghĩa thành ngữ ‘hòa quang đồng trần’ rất được ưa thích ở đời Trần. Cùng đi, cùng sống như thế nào? Cùng đi đến cái Phật tánh Chân Thiện Mỹ mà mỗi người đều sẵn có, và cùng sống nghĩa là cùng thể hiện Phật tánh ấy ra giữa cuộc đời.

Một thời đại lớn bao giờ cũng được nhận diện bởi sự cùng nhau này. Cùng nhau, đồng tâm hiệp lực vì sự tiến hóa đến Chân Thiện Mỹ của mỗi người và của tất cả mọi người, nghĩa là của tất cả xã hội.

3/ Xã hội bình đẳng, thân tình, chan hòa, đầy sức sống

Đọc bài Hịch Tướng Sĩ của Trần Hưng Đạo, chúng ta thấy cách nói của ông với tướng sĩ như anh em họ hàng trong nhà. ‘Việc nước cũng như việc nhà’, đó là tinh thần của xã hội đời Trần.

Yêu dân và gần dân, muốn cải cách đem lại điều tốt đẹp cho dân, chẳng hạn Trần Nhân Tông: “Thượng hoàng đi khắp các xóm làng để giáo hóa và trừ bỏ các việc mê tín, dạy cho thực hành Mười Điều Thiện”. Sống thì giản dị, đi thì không tiền hô hậu ủng, khi trở về Thăng Long lần cuối ông chỉ đi với một người, nhờ hai người dìu lên núi Yên Tử và khi chết chỉ có đệ tử Bảo Sát bên cạnh.

Vua ra lệnh đọc các chiếu chỉ bằng tiếng việt (thay vì chỉ tiếng Hán). Chính bản thân nhà vua cũng làm hai bài Cư Trần Lạc Đạo Phú và Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca bằng tiếng Việt, là hai tác phẩm viết bằng tiếng Việt đầu tiên ở nước ta. Trong những lý do của sự việc này, một lý do chính là vua muốn làm bớt khoảng cách giữa giới trí thức (tiếng Hán) và giới bình dân.

Trí thức hiểu biết không phải là độc quyền của một tầng lớp ưu tú, mà nó phải được phổ cập, phải được ‘đại chúng hóa’. Muốn đem sự lợi lạc đến cho tất cả mọi tầng lớp, xem tất cả phải được bình đẳng trong việc hưởng thụ văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội, đây là tâm Đại thừa của nhà vua.

Ở đời Trần không ít người xuất thân từ bình dân trở thành những nhân vật có công lớn như Phạm Ngũ Lão, Mạc Đỉnh Chi, Trương Hán Siêu, Yết Kiêu, Dã Tượng. Khi chết, Hưng Đạo trả lời vua Anh Tông: “Xưa trên dưới cùng ý nguyện, lòng dân không chia lìa mà phá được quân Tống. Phải xây dựng một ‘đội quân cha con’ mới có thể sử dụng được. Vã lại, khoan sức cho dân là kế gốc sâu bền vững, đó là thượng sách giữ nước vậy”.

Từ đầu đời Trần, hàng năm vào ngày 4 tháng 4 vua quan phải đến đền thờ ở núi Đồng Cổ, thề rằng: “Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này, thần minh giết chết”. Cũng ở đời Trần, ngoài thành có để cái trống, ai bị oan thì đánh trống sẽ được xem xét.

Từ bi hỷ xả thể hiện rõ trong một xã hội như vậy. Từ bi hỷ xả là chia sẻ một niềm vui, một hy vọng, một tôn trọng, đó là nhìn nhau như ‘những vị Phật sẽ thành’.

Nếu dùng một danh từ thời thượng ngày nay thì đời Trần là một nền dân chủ Phật giáo. Mọi người đều có Phật tánh nên mọi người đều bình đẳng và có quyền phát triển nó theo những điều kiện và khả năng hữu hạn của mình. Và con người nở hoa thì xã hội nở hoa.

Tất cả mọi người đều có Phật tánh, đó là một nền dân chủ Phật giáo. Đây là cái căn bản của hiện sinh con người, nên nó không dẫn tới cực đoan chủ nghĩa tập thể không màu sắc và cực đoan chủ nghĩa cá nhân tự do đến vô trách nhiệm. Vì tất cả mọi người đều có Phật tánh, cho nên xã hội tự nhiên là từ bi hỷ xả.

Tin tưởng vào tương lai, vào sự tiến bộ rốt ráo của vật chất và tinh thần con người, vào cứu cánh Chân Thiện Mỹ không giới hạn vào một tầng lớp nào mà mở rộng cho tất cả mọi người tham gia. Đây là sức mạnh và sinh khí, niềm hân hoan vui sống (hỷ) và cởi mở hào hứng (xả) của đời Trần. Cái hùng khí, sức làm việc hăng say của đời Trần chính là Bồ tát hạnh lan tỏa chan hòa trong khắp xã hội vậy.

4/ Hợp nhất đời và đạo

Một thành tựu lớn nhất của đời Trần là đã hợp nhất được đời với Đạo. Đây là một điều mà mãi tới ngày nay chúng ta vẫn còn phải học tập.

Nói đơn giản, với vua Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, làm chính trị, làm quân sự, làm kinh tế, làm xã hội nghĩa là làm đạo đức, làm văn hóa, làm từ bi, làm trí huệ, làm thệ nguyện. Làm bất cứ việc đời, việc xã hội nào cũng là làm Đạo (hành đạo), hay nói theo Phật giáo, làm Phật sự, ‘xứng tánh tác Phật sự’.

Ở đây chúng ta xét một yếu tố là thiền định mà cả ba vị vua đầu đời Trần đều thực hành. Với một tâm thiền định, người ta không chỉ thấy biết được phần nào chân lý tối hậu (chân đế, Đạo) mà còn thấy được phần nào chân lý tương đối (tục đế, đời) và sự không thể tách lìa của chúng.

Thiền định có thể đưa đến một cái nhìn vừa cao vừa rộng về những nguyên nhân (nhân) và những điều kiện hoàn cảnh (duyên), vì thiền định làm cho tâm thoát khỏi những cố chấp, thiên lệch, cục bộ, những quyền lợi cá nhân và tham muốn nhỏ hẹp. Nói theo ngôn ngữ hiện thời là bằng một tâm thiền định, người ta có ‘một tầm nhìn’, ‘một cái nhìn tổng quan mọi mặt’, ‘một trí thông minh bất biến ứng vạn biến’. Hay nói theo Khổng tử: “Đạo ta lấy cái Một mà suốt thông tất cả” (Ngô đạo nhất dĩ quán chi). Điều này cho chúng ta hiểu vì sao đời Trần có sáng suốt, thông minh, làm việc có hiệu quả để đưa đất nước đến một đỉnh cao như thế.

Ba vị vua đều gắn bó với Phật giáo từ nhỏ, và đều ngộ đạo – dĩ nhiên ngộ đạo chưa hẳn là giác ngộ hoàn toàn. Bởi thế cuộc đời thế gian trở thành môi trường cho các vị tự giác giác tha, để đưa đất nước thành một quốc độ Phật, một Tịnh độ. Chính vì nguyên do này mà đời Trần đã để lại một ấn tượng sâu sắc và âm vang rực rỡ như thế cho tất cả các đời sau.

Họ không chỉ mạnh về quân sự hay chính trị kinh tế, mà đồng thời mạnh về văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, nói chung là trình độ nhân văn. Họ không chỉ đánh thắng quân Nguyên Mông ba lần (điều cả thế giới lúc đó, từ Á sang Âu không ai làm được) nhưng vấn đề quan trọng hơn là họ đã chiến đấu và chiến thắng như thế nào.

Họ không chỉ đưa đất nước lên một tầm cao ngang ngửa với những quốc gia hạng nhất lúc ấy, mà vấn đề là chất lượng của sự giàu mạnh ấy như thế nào. Chúng ta dám chắc không một ông vua nào trên thế giới vào thế kỷ 13 đã có được một bài thơ sâu sắc và chiến lược như Cư Trần Lạc Đạo Phú của Trần Nhân Tông. Chúng ta dám chắc có rất ít nhà vua – thậm chí không có – đi xuất gia và sau đó vừa cố vấn cho đời vừa lãnh đạo giáo hội như Trần Nhân Tông.

Chúng ta thấy rằng ước mơ cao nhất của mọi dân tộc, mọi quốc gia, mọi nền văn minh là nối kết được đời với Đạo, thế giới vật chất và thế giới tinh thần (Ở đời vui Đạo hãy tùy duyên – CTLĐP). Ước mơ duy nhất của loài người, nói theo ngôn ngữ kinh Dịch, là ‘con người, bằng cuộc sống của mình, nối kết được Đất với Trời’.

Tất cả những tai họa cho loài người từ xưa và cho đến nay, chiến tranh, khủng bố, chống khủng bố, khủng hoảng kinh tế, môi trường bị hủy hoại… đều có nguyên nhân từ sự nối kết giữa đời và Đạo, giữa cái phàm tục và cái thiêng liêng, giữa chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối: hoặc không nối kết, hoặc nối kết không được, hoặc nối kết sai vì quan niệm sai về một trong hai vế.

Trần Nhân Tông đã làm được sự nối kết này, qua chính cuộc đời mình và qua cuộc sống của xã hội. Ông không làm vua, ông chỉ làm Bồ tát hạnh. Ông sinh ra không phải để làm anh hùng chiến thắng, không phải để nhập thế hay xuất thế. Ông sinh ra để sống cuộc đời mình cho đất nước, một đất nước được nhìn trong ánh sáng Phật giáo:

Xã tắc hai lần phiền ngựa đá
Non sông nghìn thưở vững âu vàng.

 

 

SHARE:

Để lại một bình luận