TRẦN NHÂN TÔNG VÀ ĐẠI TOÀN THIỆN

SHARE:

NHÂN ĐẠI LỄ TƯỞNG NIỆM 716 NĂM ĐỨC VUA – PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG NHẬP DIỆT VÀO NGÀY 1/11 ÂM LỊCH HÀNG NĂM (1308 – 2024).
—-🌿🌿🌿—-
Con Đường (Thiền và Hạnh)

Đức Đạt Lai Lạt Ma trong Đại Toàn Thiện giảng ở Tây phương nói:
– “Cái Thấy Hiểu là một trạng thái an nghỉ bất động như một trái núi.
– Thiền là một trạng thái không xáo động như đại dương, vì bất kể bao nhiêu sóng trên mặt nước, đại dương vẫn sâu thẳm bình an và tĩnh lặng. Sự thiền định này là một ‘chánh niệm tự nhiên và đích thực’. Một khi bạn đã được giới thiệu trực tiếp vào kinh nghiệm tánh giác rigpa, chánh niệm đích thực này hiện hữu như những tia sáng chiếu rọi từ mặt trời. Ở đây, bạn không cần một chánh niệm đòi hỏi cố gắng ở mức độ phi thường.
– Hạnh (hay hành động) là một trạng thái an nghỉ không xáo động khi đối diện với những tri giác quan. Bạn đã được giới thiệu vào cái thấy hiểu rigpa, và bạn có kinh nghiệm đó. Chừng nào bạn không theo và không mắc bẫy trong những đối tượng giác quan hay những ý niệm sinh khởi theo sau gót các đối tượng giác quan đó, mà bạn ở yên (an trụ) trong sự sống động trực tiếp của tánh giác rigpa, những hành động của bạn sẽ không là lấy hay bỏ. Thế nên hành động là một trạng thái an nghỉ không xáo động mặc dù những xuất hiện giác quan, vượt khỏi đè nén hay thả lỏng, hy vọng hay lo sợ.
Đây là những đặc trưng của lối tiếp cận Đại Toàn Thiện” (trang 65).
Khi đã bước vào thật địa của chân tánh thì làm gì cũng là tu, đó là Diệu Tu, tùy duyên mà thâm nhập vào chân tánh. Nói cách khác là an trụ vào tánh và làm mọi hành động phát khởi từ sự an trụ trong tánh giác. Ngài Padmasambhava nói:
“Là một thiền giả không chỉ có nghĩa là sống giản dị chân chất mà có nghĩa là hòa tâm mình với pháp tánh. Là một người trì chú không có nghĩa là lẩm bẩm các thần chú; mà có nghĩa là đạt đến giác ngộ một cách nhanh chóng qua con đường hợp nhất của phương tiện và trí tuệ. Là một thiền giả không có nghĩa là sống trong hang núi; mà còn có nghĩa là tu hành trong thật nghĩa của trạng thái bổn nhiên. Là một ẩn sĩ không có nghĩa là sống trong rừng sâu; mà có nghĩa là tâm người ấy thoát khỏi các tạo tác nhị nguyên. (Những khai thị về con đường Đại Toàn Thiện của Đức Liên Hoa Sanh, Thiện Tri Thức… trg 140.)
Sau khi ngộ tánh, Trần Nhân Tông đã sống cuộc đời mình theo tánh giác đó: hòa trộn cuộc đời mình trong tánh giác (nhập), để thân khẩu ý là sự biểu lộ của tánh giác.
Liên tục kết nối, hộ trì, duy trì, tương ưng với tánh giác, đó là điều ngài nói:

Nội tự tại kinh lòng hằng đọc
(Cư Trần Lạc Đạo Phú, Hội thứ Tám)

Kinh Nhật Tụng nói: “xứng tánh làm Phật sự”. Đây là giai đoạn Diệu tu nói theo Thiền tông, hay Thiền định và Hạnh nói theo Đại Toàn Thiện.
Cư Trần Lạc Đạo Phú và tất cả những bài thơ Thiền của Trần Nhân Tông đều nói lên sự an vui thong dong này:

Mình ngồi thành thị
Nết dụng sơn lâm
Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tánh
Nửa ngày rồi tự tại thân tâm

Chuyển ba độc mới chứng ba thân
Đoạn sáu căn nên trừ sáu giặc…
Hỏi pháp chân không
Hề chi lánh ngại tham chấp sắc
Biết chân như, tin bát nhã
Chớ còn tìm Phật Tổ tây đông…

Bốn câu kệ cuối của Cư Trần Lạc Đạo Phú là “Không thiền định”, cấp độ cuối cùng của Thiền Đại Ấn (Mahamudra) Tây Tạng (Có thể xem Kho Tàng tâm của các Bậc Giác Ngộ, Patrul Rinpoche, Dilgo Khyentse giảng, Thiện Tri Thức, 1999, trg 168 – 170):
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói thì ăn, hề, mệt ngủ yên
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm, chớ hỏi Thiền.

—☘☀☘—

Nhà xuất bản Thiện Tri Thức đã cho ra cuốn sách “Trần Nhân Tông: Đời – Đạo không hai” của tác giả Nguyễn Thế Đăng. Sau đây là một đoạn trích từ chương 5, “Trần Nhân Tông và Đại Toàn Thiện”.

Post: Tâm Ngọc Đồng Minh

SHARE: