SHARE:
Cuộc sống là gì? Đâu là nguồn gốc của cuộc sống? Làm thế nào và khi nào thì cuộc sống chấm dứt? Mọi người thường tự hỏi câu hỏi như vậy. Cuộc sống là danh và sắc ở giây phút hiện tại. Bây giờ có cái thấy; đó chẳng phải là cuộc sống ư? Tham, sân và si có thể sinh khởi đối với cái được thấy; đó chẳng phải là cuộc sống ư? Có sự suy nghĩ về cái được thấy, được nghe, được ngửi, được nếm và được xúc chạm; đó chẳng phải là cuộc sống ư?
Chúng ta có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý; chúng ta kinh nghiệm các đối tượng thông qua lục căn và qua những gì chúng ta kinh nghiệm, phiền não có thể sinh khởi. Đó là cuộc sống tại giây phút hiện tại. Nhưng đó cũng là cuộc sống trong quá khứ và cũng là cuộc sống trong tương lai, trừ khi có sự chấm dứt phiền não.
Cuộc sống đã bắt đầu như thế nào? Liệu có điểm khởi đầu của vòng luân hồi vô thủy của chúng ta hay không? Chúng ta không thể quay trở lại quá khứ. Nếu chúng ta muốn biết cái gì đã tạo duyên cho cuộc sống của chúng ta trong quá khứ, chúng ta nên biết cái gì tạo duyên cho cuộc sống của chúng ta trong hiện tại. Liệu có sự vô minh hiện giờ khi chúng ta thấy, nghe, nếm, ngửi, xúc chạm hay suy nghĩ hay không? Liệu có sự dính mắc vào danh và sắc hiện giờ hay không? Chừng nào chúng ta còn dính mắc vào đối tượng thị giác, âm thanh, mùi, vị, những thứ được xúc chạm và các đối tượng được kinh nghiệm qua ý căn, chừng đó vẫn còn nhân duyên cho cuộc sống tiếp diễn. Cuộc sống được tạo duyên bởi vô minh và tham ái.
Chúng ta đọc trong Đại kinh Sáu xứ (Trung bộ kinh, Tập III, số 149) rằng Đức Phật, khi ngự gần Såvatthí trong Động Jeta, đã nói với các tì kheo:
Này các Tỷ-kheo, (bất kỳ ai) không biết, không thấy như chân mắt; không biết, không thấy như chơn các sắc; không biết, không thấy như chơn nhãn thức; không biết, không thấy như chơn nhãn xúc; do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ; không biết, không thấy như chơn cảm thọ ấy, vị ấy ái trước đối với mắt, ái trước đối với các sắc, ái trước đối với nhãn thức, ái trước đối với nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, vị ấy ái trước đối với cảm thọ ấy. Khi vị ấy trú, quán sát thỏa mãn, bị ái trước, hệ lụy và tham đắm, nên năm thủ uẩn đi đến tích trữ trong tương lai. Và ái của vị ấy đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm sự hoan lạc chỗ này, chỗ kia; ái ấy được tăng trưởng; những thân ưu não tăng trưởng; những tâm ưu não tăng trưởng; những thân nhiệt não tăng trưởng; những tâm khổ não tăng trưởng. Vị ấy cảm thọ thân khổ và tâm khổ.
Mọi người thường phân vân đâu là nguyên nhân đầu tiên của vòng luân hồi sinh tử. Khi nào và làm thế nào vô minh đã sinh khởi? Không có ích gì khi phỏng đoán về nguyên nhân đầu tiên, bởi vì điều đó không đưa đến mục đích là sự tận diệt phiền não. Có vô minh hiện giờ; đó là một thực tại. Nó được tạo duyên bởi vô minh trong quá khứ. Nếu vô minh chưa được tận diệt, sẽ vẫn còn có vô minh trong tương lai, mãi mãi như vậy. Cuộc sống giống như một bánh xe quay tròn mà không có điểm khởi đầu.
Chúng ta không biết chúng ta đến từ cõi nào hay sẽ tái sinh về đâu. Kiếp sống rất ngắn ngủi, giống như một giấc mơ. Chúng ta được sinh ra với cá tính khác nhau và đã tích lũy rất nhiều phiền não. Chúng ta không thể quay về quá khứ và tìm xem chúng ta đã tích lũy phiền não như thế nào. Mọi người cũng có phiền não trong quá khứ. Một số người có thể nhớ lại kiếp trước của mình và thấy họ đã tích lũy phiền não ra sao. Trong Bài kinh Rigatha (Trưởng Lão Ni Kệ, Tiểu bộ kinh, 72, Isadisi), chúng ta đọc về cuộc đời của bà Isidasi, bà có nhiều đời chông mà vẫn không thể làm vừa lòng người chồng nào cả. Tuy nhiên, bà trở thành tì kheo ni và sau đó đã chứng quả A la hán. Bà có thể nhớ lại các kiếp trước của mình và khi đó bà biết vì sao bà phải chịu đựng nhiều đau khổ như vậy: ở trong một kiếp quá khứ, bà đã phạm giới tà dâm. Nghiệp bất thiện này đã dẫn bà tái sinh vào địa ngục trong nhiều thế kỷ và tái sinh làm thú ba lần. Sau đó bà tái sinh làm người ba lần, nhưng đều phải chịu rất nhiều đau khổ trong các cuộc đời đó, cho đến khi bà đạt A la hán quả.
Cuộc sống là sinh, lão, bệnh và tử. Những đau khổ mà tất cả chúng ta kinh nghiệm trong cuộc sống là không thể tránh khỏi chừng nào vẫn còn có nhân duyên cho nó sinh khởi. Chúng ta đọc trong The rígåthå (Tiểu Bộ Kinh, Trưởng Lão Ni Kệ, Phẩm VI – Tập sáu kệ, Mục 50 – Năm trăm Patacara) về những người phụ nữ phải chịu đựng đau khổ vì mất con cái. Họ đã đến gặp Paìåcårå, người cũng bị mất chồng, hai con, cha mẹ và anh trai trong một ngày. Paìåcårå đã phát điên vì đau khổ, nhưng đã vượt qua được. Bà đã trở thành vị thánh Tu đà hoàn, và sau này đạt được quả vị A La hán. Bà đã an ủi những người phụ nữ bất hạnh như sau:
Bạn không biết con đường
Nó đến hay nó đi,
Từ đâu con trai đến,
Bạn lại khóc: ‘Con tôi’.
Bạn đâu biết con đường,
Nó đến hay nó đi,
Bạn khóc nó làm gì?
Pháp hữu tình là vậy.
Không có ai yêu cầu,
Từ chỗ kia, nó đến,
Không có ai cho phép,
Từ chỗ này, nó đi,
Từ đâu, nó đến đây!
Ðược sống bấy nhiêu ngày.
Từ chỗ này nó đến,
Từ chỗ kia, nó đi,
Nó đến một con đường!
Nó đi một con đường,
Mệnh chung, hình sắc người,
Luân hồi, nó sẽ đi!
Ðến vậy, đi như kia,
Ở đây, khóc than gì?
Chúng ta không biết mọi người tới đây từ cõi nào cũng như họ sẽ đi đến đâu. Có vô lượng kiếp sống trong quá khứ và vì vậy, không có gì ngạc nhiên rằng trong vô lượng kiếp ấy, mọi người đã từng là bằng hữu của nhau, là cha mẹ, anh chị em, con cái của nhau. Liệu chúng ta có muốn tiếp tục trong vòng luân hồi sinh tử hay không? Chúng ta đọc trong The rígåthå (Tiểu Bộ Kinh, Trưởng Lão Ni Kệ, Phẩm VI – Tập sáu kệ, Mục 55 – Mahå-Pajåpatí) rằng Mahå-Pajåpatí, người đã tận diệt phiền não, đã nói như sau:
Liễu tri mọi đau khổ,
Gột sạch nhân khát ái,
Con đường Thánh tám ngành,
Ðoạn diệt, ta chứng ngộ.
Trước ta sống là mẹ,
Là con, là cha, anh,
Là ông nội, ông ngoại,
Ðời sống trước là vậy,
Không rõ biết như thật,
Nay ta thấy Thế Tôn,
Thân này thân tối hậu,
Sanh tử được đoạn tận,
Nay không còn tái sanh.
Những sự kiện xảy ra trong cuộc sống của chúng ta hôm nay có nhân duyên trong quá khứ. Những xu hướng mà chúng ta tích lũy bây giờ, chúng ta cũng có thể từng có trong quá khứ. Những việc chúng ta làm bây giờ, chúng ta cũng có thể đã từng làm trong quá khứ. Chúng ta đọc trong Giáo lý rằng Đức Phật đã nói về cả những việc Ngài đã làm cũng như những việc làm của người khác đều đã được làm tương tự trong quá khứ. Chúng ta không thể nhớ được các kiếp trước của mình, nhưng chúng ta biết rằng chúng ta đã tích lũy phiền não trong vô lượng kiếp.
Từ “phiền não” có phải quá nặng lời hay không? Chúng ta có thể nghĩ rằng chúng ta có tâm trong sáng và chỉ có một chút thiếu sót hay vài điểm yếu nhỏ. “Phiền não” là từ được dịch ra từ tiếng Pali là “kilesa”. Kilesa là sự ô nhiễm, bất tịnh. Khi chúng ta biết rõ hơn về những kilesas của mình, chúng ta sẽ thấy được sự xấu xa của chúng và những đau khổ do chúng mang đến. Chúng ta sẽ thấy hiểm họa của chúng, chúng ta sẽ nhận ra chúng đã bám rễ sâu dày đến mức nào và phải khó khăn nhường nào để diệt trừ chúng.
Cuộc sống của chúng ta đầy tham, sân và si. Không phải tất cả mọi người đều thấy rằng sẽ bớt đau khổ khi phiền não được diệt trừ. Tất cả chúng ta đều có những mong đợi khác nhau trong cuộc sống. Tất cả chúng ta đều muốn hạnh phúc, nhưng mỗi người lại có ý niệm về hạnh phúc khác nhau và cách thức để đạt được hạnh phúc ấy. Cả trong thời Đức Phật và bây giờ đều có những “người ngu” và “kẻ trí”. Những người không khôn ngoan cho rằng dính mắc với mọi người và mọi thứ là tốt. Họ nói rằng chúng ta không thực sự sống nếu chúng ta không có dính mắc. Do bởi vô minh mà họ không thấy được nhân quả trong các kiếp sống của mình. Khi họ có kinh nghiệm dễ chịu, họ không thấy rằng đó chỉ là khoảnh khắc của tâm quả – cái diệt ngay lập tức. Khi họ kinh nghiệm những thứ khó chịu, họ đổi lỗi cho người khác; họ không hiểu rằng nguyên nhân thực sự nằm ở bên trong họ, rằng nguyên nhân ấy là nghiệp bất thiện họ đã từng làm. Những người phải chịu sự lo lắng, phiền não, bất hạnh trong cuộc sống hàng ngày đều cố gắng thoát khỏi tình cảnh ấy bằng nhiều cách khác nhau. Một số người tìm thấy sự thỏa mãn khi đi xem phim. Số khác uống rượu hay dùng ma túy được để sống trong một thế giới khác hoặc cảm thấy mình là một người khác. Những người xa rời thực tại sẽ không bao giờ hiểu bản thân mình; họ sẽ tiếp tục sống trong vô minh.
Trong quá khứ và ngày nay đều có những người phản bác giáo lý của Đức Phật và hiểu sai giáo lý của Ngài. Họ không thấy rằng cuộc sống được tạo duyên bởi vô minh và tham ái. Họ không biết con đường dẫn đến chấm dứt phiền não. Nhưng những người nhận thấy phiền não tạo duyên cho khổ đau thì sẽ muốn giảm bớt phiền não. Họ lắng nghe giáo lý và tự mình thực hành bố thí (dåna), trì giới (síla) và phát triển tâm trí (bhåvanå). Tuy nhiên, chỉ có số ít người có xu hướng vun bồi trí tuệ mỗi ngày để tận diệt phiền não. Họ là những người khôn ngoan.
Trong cuốn Trưởng lão Tăng kệ và Trưởng lão Ni kệ (Tiểu bộ kinh) chúng ta đọc về những người đàn ông và phụ nữ trong thời kỳ Đức Phật cũng đều có những khó khăn, lo lắng, sự sợ hãi trong cuộc sống như chúng ta ngày hôm nay. Họ cũng có rất nhiều phiền não, nhưng họ đã có thể tận diệt phiền não bằng cách đi theo con đường Bát Thánh đạo. Nếu họ có thể làm như vậy, tại sao chúng ta không thể làm?
Những người khôn ngoan hiểu rằng, cuộc sống không kéo dài và vì vậy, cần khẩn cấp phát triển con đường dẫn đến chấm dứt phiền não. Mọi người thường có xu hướng trì hoãn thực hành Giáo lý của Đức Phật. Chúng ta đọc trong Trưởng Lão Tăng kệ (Kinh Tiểu bộ, Chương III, 174, Con trai của Mataga):
Ôi quá lạnh, quá nóng!
Ôi, đã quá trễ rồi!
Ðây là lời kêu than,
Như vậy bỏ việc làm,
Thời sát-na quý báu
Lặng lẽ vượt trôi qua.
Ai nghĩ đến lạnh nóng,
Không hơn loài cỏ rác,
Làm bổn phận con người,
Không hại đến an lạc.
Liệu chúng ta có nghĩ đó là quá lạnh, quá nóng hay quá muộn để chánh niệm hay không? Chúng ta luôn muốn làm cái gì đó thay cho chánh niệm về giây phút hiện tại. Chẳng phải mục đích cao nhất trong cuộc đời chúng ta là hưởng thụ những thứ được kinh nghiệm qua các căn hay sao? Đó là của cải, là sự tiện nghi trên thân, sự có mặt của người thân và bạn bè ư? Mọi người đều quên rằng không có gì trong những thứ đó kéo dài. Họ quên rằng ngay khi chúng ta sinh ra thì chúng ta cũng đã đủ già để chết rồi. Tuy nhiên, những người khôn ngoan đều thấy sự vô thường trong tất cả các pháp hữu vi. Trong Trưởng lão Tăng kệ (Tiểu bộ kinh, Trưởng Lão Tăng kệ, Chương II, 145, Vitasoka), chúng ta đọc rằng ngài Vitasoka, khi đang được người thợ cắt tóc, ngài nhìn vào gương và thấy một vài sợi tóc bạc. Ngài đã nhớ đến thực tại và phát triển tuệ giác. Trong khi Ngài ngồi đó, Ngài đã đạt được giác ngộ. Chúng ta đọc như sau:
Hãy cạo tóc cho ta
Người cạo tóc đã đến,
Ta cầm lấy cái gương,
Quan sát thân thể ta.
Thân được thấy trống rỗng,
Chìm tối trong đêm đen,
Mọi vải quấn chặt đứt,
Nay không còn tái sanh.
Chỉ một cái nhìn vào gương là có thể thấy ra nhiều sự thật! Nó có thể nhắc nhở chúng ta về sự vô thường. Vì vậy, chúng ta hiểu rằng, ngay cả khi chúng ta làm những việc bình thường nhất trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cũng không nên phí phạm thời gian; chánh niệm có thể được phát triển. Chúng ta có thể nghĩ rằng những công việc hàng ngày khiến chúng ta khó chánh niệm, nhưng luôn có nama và rúpa xuất hiện thông qua sáu căn, cho dù chúng ta đang làm gì. Ngay cả khi chúng ta nấu ăn, tuệ giác có thể được phát triển và đạt được giác ngộ. Chúng ta đọc trong Trưởng lão ni kệ (Tiểu bộ kinh, Trưởng lão ni kệ, Phẩm I, 1) về một người phụ nữ đang nấu ăn trong bếp. Một ngọn lửa bùng lên đốt cháy thức ăn. Tại khoảnh khắc đó, bà nhận thấy tính vô thường của các thực tại hữu vi và ngay lúc đó, ở trong bếp, bà chứng quả Bất lai, trở thành vị Thánh Anågåmí. Bà đã xuất gia tì kheo ni và sau đó chứng quả a la hán. Bà đã nói về sự giác ngộ của mình với những vần thơ như sau:
Hãy ngủ trong an lạc
Hỡi nàng thân đẫy đà,
Ðắp phủ trong tấm y,
Chính mình tự làm lấy,
Lòng tham, nàng lắng dịu,
Như ghè khô trong lò!
Chúng ta có thể nghĩ rằng chúng ta không thể chánh niệm vì chúng ta quá trạo cử và bất an. Chúng ta sẽ thấy phấn khởi hơn khi đọc rằng, mọi người trong thời kỳ Đức Phật cũng bị o ép bởi rất nhiều phiền não, họ phải chịu đựng nhiều đau khổ ám ảnh, nhưng họ vẫn có thể đạt được giác ngộ. Trong Trưởng lão ni kệ (Tiểu bộ kinh, Trưởng lão ni kệ, Tập V kệ, 38 “Một Tì kheo ni vô danh”), chúng ta đọc về một tì kheo ni có nhiều dục vọng và không thể tìm được sự an bình trong tâm trí. Bà được Dhammadinna giảng giáo pháp và sau đó bà đã đạt được “lục thông”, trong đó lục thông thứ sáu là sự tận diệt mọi phiền não. Bài kệ nói như sau:
Ðã được hai lăm năm,
Từ khi ta xuất gia,
Cho đến búng ngón tay,
Tâm ta không lắng dịu.
Tâm không được an tịnh,
Vì đầy ứ dục tham,
Ta giơ tay khóc than,
Ta đi vào tinh xá.
Ta đến vị Ni ấy,
Ðồng tín nữ với ta,
Nàng thuyết pháp cho ta,
Về uẩn, xứ và giới.
Nghe pháp nàng giảng dạy,
Ta ngồi vào một bên,
Ta hết đời quá khứ,
Thiên nhãn được thanh tịnh,
Với trí biết tâm người,
Lỗ tai được thanh tịnh.
Ta chứng thần túc thông,
Ta đạt được lậu tận,
Sáu thắng trí ta chứng,
Lời Phật dạy đã làm.
Những người bị sự lo lắng của mình o ép đến mức họ muốn thoát khỏi thực tại thì cũng có thể nghĩ đến việc tự tử. Ở thời Đức Phật, mọi người không khác với chúng ta ngày nay. Nhưng ngay cả đối với những người đã mất hết hy vọng, vẫn có một cách giúp họ thoát khỏi tuyệt vọng, đau khổ và sự sợ hãi. Chúng ta đọc trong Trưởng lão ni kệ (Tiểu bộ kinh, Tâp năm kệ, 40, Síhå) về một tì kheo ni đang chuẩn bị tự tử. Nhưng tại thời điểm đó, tuệ giác của Bà đã đạt được sự chín muồi và bà trở thành vị a la hán. Đoạn kệ viết như sau:
Không như lý tác ý,
Bị dục tham ám ảnh,
Ta trước bị dao động
Không chế ngự được tâm.
Bị phiền não chi phối,
Lạc tưởng ngự trị ta
Tâm ta không thăng bằng,
Bị tham tâm chi phối.
Bảy năm sống ốm yếu,
Vàng da, dung sắc xấu
Ðêm ngày không an lạc
Ta sống chịu khổ đau.
Do vậy ta lấy dây,
Ði vào giữa khu rừng,
Tốt hơn ta treo cổ,
Còn hơn sống hạ liệt.
Làm chắc dây thòng lọng,
Ta cột ở cành cây,
Quàng thòng lọng quanh cổ,
Tâm ta liền giải thoát.
Khi đọc về những người đàn ông và đàn bà trong thời kỳ Đức Phật, chúng ta nhận ra bản thân mình và mọi người đang sống cuộc sống hôm nay. Tất cả chúng ta đều tích lũy tham, sân và si. Tất cả chúng ta đều bị phiền não che mờ. Đôi khi chúng ta phân vân tự hỏi, liệu chúng ta có thể đạt được mục đích. Niết bàn dường như quá xa vời. Nhưng trên thực tế, với từng khoảnh khắc chánh niệm về danh và sắc, chánh kiến có thể được phát triển và vì vậy, tà kiến có thể bị diệt trừ và cuối cùng, giác ngộ sẽ đạt được. Chúng ta đọc trong Trưởng lão tăng kệ (Tiểu bộ kinh, Trưởng lão tăng kệ, Chương XVI, Màlunkyaputta) về con trai của Ngài Målunkyå đã lắng nghe Đức Phật giảng pháp va sau đó đã đạt quả a la hán. Bài kệ nói như sau:
Thấy sắc, niệm say mê,
Nếu tác ý ái tưởng,
Tâm tham đắm cảm thọ,
Tâm nhập và an trú.
Thọ người ấy tăng trưởng,
hiều loại, do sắc sanh,
Tham, hại tâm lớn mạnh,
Chúng gia hại tâm nó,
Khổ chất chứa như vậy,
Rất xa vời Niết-bàn.
(Đoạn kệ tiếp tục tương tự với các thức căn khác)
Không tham nhiễm các pháp,
Biết pháp, giữ chánh niệm,
Tâm không tham cảm thọ,
Không xâm nhập, an trú.
Cảm xúc như thế nào,
Như vậy, có cảm thọ,
Từ bỏ, không tích lũy,
Chánh niệm, hành trì vậy.
Như vậy, không chứa khổ,
Ðược gọi, gần Niết-bàn
Giáo pháp của Đức Phật có thể thay đổi tính cách của mọi người nếu họ đi theo con đường Ngài đã dạy. Chúng ta đọc trong Trưởng lão Tăng kệ (Tiểu bộ kinh, Trưởng lão tăng kệ, Chương II, Hai kệ, 139, Nanda) về Ngài Nanda, người đã đạt quả A La Hán. Ngài đã nói:
Không như lý tác ý,
Ta chuyên trang sức ngoài,
Ta thô tháo dao động,
Say đắm trong tham dục.
Với phương tiện thiện xảo,
Ta, bà con mặt trời,
Ðược hướng về chánh lý,
Làm ta thoát sanh hữu.
Mọi người trong thời kỳ Đức Phật đã hiểu chánh niệm cần phải được phát triển như thế nào trong đời sống hàng ngày. Chúng ta đọc trong Papañcasúdaní – Chú giải Trung bộ kinh, trong mục về Tứ niệm xứ (Trung bộ kinh I, 10) rằng Đức Phật đã dạy “Tứ niệm xứ” cho những người dân xứ Kuru (một tỉnh thuộc Delhi). Ở Kuru, mọi người dân ở mọi tầng lớp đều phát triển chánh niệm, kể cả những người nô lệ. Những người không phát triển chánh niệm được coi là người chết. Nếu chúng ta không phát triển cái hiểu đúng, chúng ta giống người chết bởi vì chúng ta phải tiếp tục trong vòng luân hồi sinh tử.
Những người vô minh về Giáo pháp và những người khôn ngoan có mục đích khác nhau trong cuộc sống và họ cũng có quan kiến khác nhau về tương lai. Một số người nghĩ về sự tái sinh an lành là sự thỏa mãn mong ước trong cuộc sống. Họ hy vọng được tiếp tục cuộc sống nơi cõi thiên, nơi có sự an lạc mãi mãi. Những người khác có thể không nghĩ về kiếp sau, nhưng họ mơ về một thế giới trong tương lai, một thế giới không có chiến tranh, không có sự bất hòa giữa con người. Nhưng họ không biết làm sao đến được thế giới đó.
Những người có cái hiểu đúng về Giáo pháp biết rằng, những gì chúng ta gọi là “thế giới” đều vô thường. Thế giới này được sinh khởi bởi nhân duyên và sẽ lại diệt mất. Toàn bộ thế giới đều sinh và diệt. Khi đến thời gian thích hợp, một người được sinh ra và trở thành vị Phật để giảng về chân lý. Nhưng ngay cả giáo lý cũng không trường tồn; chúng sẽ bị hiểu sai và làm ngược lại bởi phiền não của con người. Ngày nay mọi người vẫn còn có cơ hội để nghe Giáo pháp và phát triển Bát Thánh đạo. Những người khôn ngoan thì không mơ về một thế giới trong tương lai. Họ biết rằng điều lợi lạc nhất mà một người có thể làm được cho cả bản thân lẫn người khác là diệt trừ phiền não ngay tại giây phút hiện tại. Đức Phật dạy phát triển tâm trí cho những người muốn diệt trừ phiền não. Mọi người đều có tích lũy khác nhau. Một số người phát triển samatha (thiền định), một số phát triển vipassanå (thiền minh sát), số khác lại phát triển đồng thời cả samatha và vipassanå. Những người phát triển vipassanå sẽ biết thế giới thực sự là gì; họ sẽ biết rằng có “sáu thế giới”: thế giới của đối tượng thị giác, của âm thanh, của mùi, của vị, của đối tượng xúc chạm và của đối tượng của tâm. Họ sẽ biết rằng những thế giới này đều vô thường. Đức Phật, với minh nhãn, biết tất cả các thế giới này ở mọi khía cạnh; Ngài được gọi là “Người hiểu rõ thế gian” hay “thế gian giải” (lokavidú).
Những người vẫn còn tham ái không thể thấy rằng sự chấm dứt tái sinh là chấm dứt dukkha. Những người thấy tính vô thường của các pháp hữu vi có thể diệt trừ tham ái từng giai đoạn một. Bậc a la hán không còn dính mắc vào cuộc sống nữa. Đối với vị ấy, sẽ có sự chấm dứt cuộc sống, có nghĩa là chấm dứt danh và sắc, không bao giờ sinh khởi trở lại, chấm dứt sinh, lão, bệnh và tử. Vị a la hán nhận thấy rằng, chấm dứt tái sinh là hạnh phúc thực sự, an bình thực sự. Trong Trưởng lão ni kệ (Tiểu bộ kinh, Trưởng lão ni kệ, Chương XVI, Phẩm Hai mươi kệ, 248) chúng ta đọc rằng Thánh A La hán Adhimutta bị những tên cướp tấn công và những tên cướp này đã rất ngạc nhiên trước sự bình an của Ngài. Ngài Adhimutta đã nói:
Bờ kia đến, không thủ,
Việc làm xong, vô lậu,
Bằng lòng, thọ mạng diệt,
Như thoát lò sát sinh.
Pháp tánh đạt, tối thượng,
Ở đời, tuyệt sở hữu.
Như thoát ngôi nhà cháy,
Trong chết không sầu muộn.
Vô minh và tham ái tạo duyên cho cuộc sống của chúng ta. Khi vô minh và tham ái bị tận diệt, sẽ không còn nhân duyên cho sự tái sinh. Chấm dứt tái sinh là chấm dứt khổ. Như chúng ta đã đọc trong Đại kinh sáu xứ đã được nêu trên (Trung bộ kinh Tập III, số 149), Đức Phật đã nói với người không thấy mọi thứ như chúng là, rằng người ấy kinh nghiệm “sự đau khổ ở thân và ở tâm”. Đức Phật nói với người thấy được mọi thứ như chúng là như sau:
Này các Tỷ-kheo, (người nào) thấy và biết như chơn mắt, thấy và biết như chơn các sắc, thấy và biết như chơn nhãn thức, thấy và biết như chơn nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, thấy và biết như chơn cảm thọ ấy; vị ấy không ái trước đối với con mắt, không ái trước đối với các sắc, không ái trước đối với nhãn thức, không ái trước đối với nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ; vị ấy không ái trước đối với cảm thọ ấy. Khi vị ấy trú, quán sát vị ngọt, không bị ái trước, hệ lụy và tham đắm, nên năm thủ uẩn đi đến tàn diệt trong tương lai. Và ái của vị ấy, đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm sự hoan lạc chỗ này chỗ kia; ái ấy được đoạn tận; những thân ưu não của vị ấy được đoạn tận; những tâm ưu não được đoạn tận; những thân nhiệt não được đoạn tận; những tâm nhiệt não được đoạn tận; những thân khổ não được đoạn tận; những tâm khổ não được đoạn tận; vị ấy cảm thọ thân lạc và tâm lạc.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS