THANH NIÊN TRƯỚC Ý NGHĨA VÀ MỤC ĐÍCH CUỘC ĐỜI

SHARE:

Thật ra, ý nghĩa và mục đích cuộc đời là một quá trình tìm kiếm, khám phá và thực hiện cho tới khi chết. Tiến trình không dừng lại như bánh xe cuộc đời không bao giờ dừng lại.

Nhưng ở tuổi thanh niên, việc xác định dù sơ bộ ý nghĩa và mục đích cuộc đời là một việc làm khẩn thiết vì nó định hướng cho toàn bộ cuộc đời mình. Chúng ta sẽ tránh bớt được những rối rắm vì những cơ hội và những thách thức.
Hiện nay, y học, tâm lý học và các ngành học về con người đã đồng ý tổng quát về những giai đoạn của cuộc đời như sau:
Tuổi thơ ấu, từ sinh ra đến 6 tuổi: Học cách sử dụng thân thể, đồ vật, sống với thế giới và con người chung quanh. Hình thành ý thức về cái tôi, tự điều khiển thân thể, học nói và hiểu biết những người chung quanh…..
Tuổi thiếu niên, từ 6 đến 18 tuổi: Học tập kiến thức để thành người. Ý thức rõ ràng hơn về cái tôi, phát triển ý thức tự trị, có bản sắc riêng, phát triển năng lực tư duy và cảm xúc, mở rộng những tương quan với gia đình, với bạn bè, với người khác giới, bắt đầu có những tương quan với xã hội. Bắt đầu biết cách quản lý đời mình và có một mục đích dù chưa rõ ràng cho cuộc đời mình.
Tuổi thanh niên, từ 18 đến 35 tuổi: Ý thức rõ về mình, những khả năng, những ước mốn của mình trong tương quan với xã hội mình đang sống. Tìm một nghề nghiệp, một công việc và một cuộc hôn nhân, nhận thức rõ những quyền lợi, những bổn phận và trách nhiệm xứng tầm với cuộc đời của mình. Thực hiện ý nghĩa, những giá trị cho toàn bộ cuộc đời mình.
Trung niên, từ 35 đến 50: Thời kỳ có những thành công về mặt xã hội và trong việc hoàn thiện bản thân. Đời sống có ý nghĩa và giá trị sâu sắc hơn, trong tương quan với chính mình, với người khác và với thế giới.
Hậu trung niên, từ 50 đến 65 tuổi: Mức độ cao nhất của thành tựu bản thân. Lý trí, tình cảm tích cực đạt đến mức cao nhất. Chiết xuất những kinh nghiệm đang sống thành những giá trị sống và truyền đạt lại cho thế hệ sau.
Cao niên, trên 65 tuổi: Tổng kết và trao truyền kinh nghiệm của toàn bộ cuộc đời cho thế hệ sau và chuẩn bị cho cái chết.
Tuy chỉ nói sơ lược, nhưng chúng ta đều nhìn thấy thời thanh niên (18-35 tuổi) là thời rất quan trọng vì đó là thời để xác lập ý nghĩa con người mình ở giữa đời sống (tam thập nhi lập, Khổng Tử), thực sự sống ở đời, có một vị trí trong xã hội, sống với người khác và sống với thế giới. Đó là giai đoạn xác lập cho mình những ý nghĩa sống, giá trị sống, và mục đích sống để thực hiện chúng trong suốt cuộc đời.
Quan niệm hiện đại đã bắt gặp quan niệm của những nền văn hóa từ lúc khởi nguyên rằng giáo dục là giáo dục trọn đời. Con người học hỏi, thu thập thêm kinh nghiệm, và do đó mở rộng và nâng cấp cuộc đời mình càng lúc càng hoàn thiện.
Qua những giai đoạn ở trên , chúng ta thấy mọi giai đoạn đều là học hỏi và mở rộng đào sâu kinh nghiệm, nhờ quá trình này cuộc đời càng ngày càng có phẩm chất cao hơn, giá trị hơn, ý nghĩa hơn. Sự tự hoàn thiện, sự sống có phẩm chất cao hơn nằm ở mọi giai đoạn, phù hợp với khả năng và tuổi tác.
Thế nên, là sai lầm khi nói giai đoạn thanh niên thì người ta sống nhiền hơn, tuổi già thì người ta sống ít hơn. Trước cuộc sống và cái chết, con người luôn luôn ở tuổi thanh niên của sự học hỏi và trải nghiệm: thanh niên là tuổi sơ học của tuổi rất trưởng thành, và tuổi già là tuổi thanh niên đã trưởng thành. Biết học hỏi và trải nghiệm, mọi người luôn luôn và bình đẳng trước thời gian cũng như trước những điều xảy ra với mình.
Sống để làm gì, đâu là ý nghĩa và mục đích của đời người? Bằng một nhận thức thông thường và phổ quát, mỗi chúng ta đều có thể trả lời: Sống là để kinh nghiệm, trải nghiệm, mở rộng trường kinh nghiệm của mình, trong mọi lĩnh vực của đời sống. Sống là để “biết”. Sống là để “biết” những xúc cảm, những tri thức ngày càng sâu sắc hơn. Ngôn ngữ hằng ngày của chúng ta cũng nói ra điều đó: lịch sự (từng trải sự việc), lịch thiệp (trải qua, xã giao giỏi), lịch duyệt (từng trải việc đời), lịch lãm (đã đi qua nhiều nơi)…
Chúng ta đều đồng ý sống là để kinh nghiệm, trải nghiệm, cảm thấy (to feel) nhiều thứ, thậm chí gần như mọi thứ của cuộc đời. Nhưng chỉ trải nghiệm ở cấp độ giác quan thì chưa đủ. Điều này chỉ ở tuổi thơ ấu và một phần của tuổi thiếu niên. Lớn lên, tôi phải trải nghiệm những thứ đó ở cấp độ ý thức nữa. Nhờ ý thức phát triển, tôi có thể hiểu biết sâu sắc hơn, tinh lọc những hiểu biết giác quan thành một kho tàng của kinh nghiệm ý thức. Chẳng hạn, nhờ tư duy phân biệt, trí tưởng tượng và cảm xúc (những khả năng của ý thức), tôi có thể hiểu biết những vùng tôi chưa hề đặt chân đến qua những cuốn sách. Tôi có thế tiếp xúc với ý tưởng của những con người cao quý đã qua đời cách đây mấy ngàn năm.
Nhờ ý thức mà chúng ta có thể mở rộng và đào sâu kinh nghiệm về chính chúng ta, về người khác và về thế giới. ý thức làm cho cuộc sống của tôi được nhân lên nhiều lần; cái thật, cái tốt, cái đẹp được nhân lên nhiều lần. ý thức làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn, có giá trị hơn rất nhiều.
Nhưng chưa hết, ở tuổi mới lớn qua những thông tin bình thường của xã hội chúng ta nghe nói còn có một cấp độ khác cao hơn nữa của đời sống: cấp độ vượt khỏi ý thức, cấp độ này mà bây giờ mà chúng ta gọi là tâm linh, tinh thần, thực tại, đời sống đích thực và viết hoa… hay người xưa còn gọi là chân tâm, chân tánh, chân lý tuyệt đối và tối hậu, Đạo, Niết-bàn…
Nhờ những con người cao cấp, những người đạt đến đời sống cao hơn ý thức, một đời sống kỳ diệu, thiêng liêng và viên mãn, chúng ta biết rằng có một niềm vui cao hơn và trường cửu hơn cái vui của giác quan và ý thức, có một sự thật rõ ràng hơn sự phán định đúng sai của giác quan và ý thức, có một tình thương bao la, ân phước và thấu nhập hơn sự tiếp xúc hời hợt nông cạn của giác quan và ý thức. Nếu chúng ta đưa thân tâm đi trên con đường mà tất cả những vị ấy đã từng đi, dần dần chúng ta sẽ trải nghiệm cái đời sống chân thiện mỹ ấy.
Như vậy ý nghĩa và mục đích của cuộc đời là trải nghiệm, kinh nghiệm đời sống. Nhưng đời sống có ba cấp độ, giác quan, ý thức và tâm linh; thế nên trải nghiệm và hưởng thụ đời sống cũng phải đủ ba cấp độ mới trọn vẹn. Kinh nghiệm chúng ta là đi từ thấp đến cao, từ hẹp đến rộng, từ thô sơ đến vi tế, từ chóng vánh đến trường cửu… đó là sự lớn lên, sự trưởng thành của con người, và cũng là sự trưởng thành của tâm thức. Với một tâm thức trưởng thành, chúng ta đi qua cuộc đời này, hiểu biết nó, hưởng thụ nó, khai thác những tiềm năng của nó và chúng ta cũng trải nghiệm cái chết vốn chẳng hề tách lìa đời sống với niềm hân hoan của sự hiểu biết và thương yêu. Đó là mục đích và cũng là ý nghĩa và giá trị của cuộc đời.
Nhờ sự trải nghiệm mà chúng ta lớn dần lên, chúng ta trưởng thành, và chúng ta thành người toàn diện và toàn thiện. Cuộc đời chúng ta sẽ rất uổng phí nếu chúng ta cứ mãi là đứa trẻ nít trước đời sống.
Ban đầu chúng ta sống nhiều trong thế giới kinh nghiệm giác quan ở thời thơ ấu và thiếu niên. Đây là sự chuyển hóa thứ nhất từ vô tri vô giác đến sự sống của giác quan, nghĩa là của thân thể.
Rồi đến cuối thời thiếu niên và thời thanh niên, nhờ chúng ta phát triển ý thức với tất cả những khả năng của nó, chúng ta sống thế giới giác quan nhưng đậm chất ý thức khiến cho thế giới giác quan này được nâng cấp, có thêm rất nhiều nghĩa, thêm nhiều giá trị.
Đây là thế giới ý thức làm chủ, làm giám đốc, các giác quan làm nhân viên thừa hành. Lên cấp độ ý thức, thế giới được mở rộng và đi sâu hơn rất nhiều, thế giới trở thành phong phú hơn, sâu thẳm hơn.
Đây là sự chuyển hóa thứ hai, sự tỉnh thức và hoạt động của ý thức. Cuối cùng, bằng những thực hành tâm linh (Giới, Định, Huệ) chúng ta tiếp xúc được thế giới tâm linh, tinh thần.
Thế giới vẫn là thế giới như cũ, sông vẫn là song, núi vẫn là núi, nhưng từ nay mang một nội dung tâm linh tinh thần. Chính nhờ nội dung này mà thế giới tìm thấy ý nghĩa đích thực của nó.
Chúng ta đi đến cái thế giới rộng nhất, cao nhất, chân thực nhất, đẹp đẽ nhất, thiện hảo nhất, an vui nhất. Cái thế giới ấy mà mọi ngành học thuật đều hướng đên, đều tìm kiếm, dù đó là thi ca, nghệ thuật hay vật lý, toán học…
Đây là cuộcchuyển hóa thứ ba, cuộc chuyển hóa tâm linh, con người thành tựu chính mình, đi đến mục đích cuối cùng của cuộc đời làm người, tìm ra mình thực sự là cái gì, tìm ra ý nghĩa và giá trị tối hậu của đời sống, thiêng liêng hóa nghĩa là hoàn hảo hóa mọi tương quan của mình với người khác, với thế giới và với chính mình. Đây là đời sống của tự do, an lạc, của trí huệ và tình thương, nơi chấm dứt mọi khổ đau, mọi hy vọng mong cầu luôn luôn bất thành của kiếp người bất toại nguyện.
Thế nên con người sống là chuẩn bị và thực hiện cuộc sống của mình ở ba cấp độ, ba lĩnh vực ấy của đời sống. Giá trị của mỗi con người là người ấy sống được đời sống đến mức độ nào, trọn vẹn đến đâu, hoàn hảo đến mức nào. Mỗi phút giây, mỗi nơi chốn đều luôn luôn hiện hữu ba cấp độ ấy của đời sống. Đời sống như vậy có mặt ở mọi nơi mọi lúc, nên luôn luôn là cơ hội bình đẳng đối với tất cả mọi người. Chỉ tùy tâm thức chúng ta có thể kinh nghiệm được nó hay không mà thôi.
Nếu cần một nghề nghiệp, chúng ta cần những vị thầy. Nếu cần sống phong phú và trọn vẹn ở cấp độ ý thức, chúng ta cũng cần những vị thầy cao cấp hơn. Và nếu cần sống ở cấp độ tâm linh, chúng ta cũng cẫn những vị thầy tâm linh, hướng dẫn cho chúng ta đi vào cánh cửa mở ra thế giới tâm linh.
Mục đích của đời người là trưởng thành, tự hoàn thiện, tự thực hiện (self-realize) chính con người mình đầy đủ với ba cấp độ của nó. Dĩ nhiên trong quá trình tự thực hiện ấy chúng ta luôn luôn có sự giúp đỡ của những người khác, dù họ chỉ vô tình hay cố ý. Đơn giản, thân thể chúng ta duy trì được là nhờ sự làm việc tạo ra thực phẩm của họ. Ý thức chúng ta phát triển được là nhờ những thành quả ý thức của những người khác.
Thế nên, cuộc đời chúng ta không thể loại bỏ sự có mặt của những người khác. Người khác luôn luôn nằm trong sự tự thực hiện của chúng ta, từ giai đoạn giác quan đến giai đoạn ý thức và cuối cùng đến giai đoạn tâm linh. Sự tự thực hiện của chúng ta càng lớn khi càng có nhiều người trong đó, cho đến khi viên mãn thì hẳn là phải bao gồm tất cả mọi người . Người khác chính là Trí Huệ và Từ Bi của chúng ta.
Như chúng ta thấy ở trên, càng lớn tuổi, càng trưởng thành, càng có nhiều kinh nghiệm thì sự truyền đạt, trao truyền nội dung của kinh nghiệm càng phải có. Truyền đạt kinh nghiệm là một dấu hiệu của tuổi trưởng thành. Truyền đạt lại kinh nghiệm là sự đóng góp lớn nhất, sự trao tặng lớn nhất cho xã hội. Cho dù chúng ta không đạt đầy đủ những kinh nghiệm ở cả ba lĩnh vực, nhưng sự truyền đạt, sự cho đi những kinh nghiệm ấy là ý nghĩa và giá trị của toàn bộ một cuộc đời. Gia đình và xã hội được tồn tại, những nền văn hóa và văn minh vẫn tiếp diễn… chính là nhờ sự truyền đạt lại kinh nghiệm này.
Tóm lại, sống là để trải nghiệm đời sống. Đời sống thì rộng lớn và sâu xa vô cùng, như chúng ta đã nói ở trên. Vấn đề là trong các giai đoạn mà chúng ta trải qua, ở giai đoạn nào, chúng ta đều cố gắng tận dụng để học tập, trải nghiệm đời sống đó. Đây là con đường tất yếu, không chừa một ai. Nó không phải là một bổn phận do ai đặt ra để bắt buộc chúng ta. Nó chính là quyền lợi, hơn nữa, là quyền lợi tối thượng, của mỗi người chúng ta.
Sự phát triển của cuộc đời chúng ta với giai đoạn giác quan thì như một chồi sen ngâm dưới nước. Đến giai đoạn ý thức thì cuộc đời chồi sen của chúng ta vươn lên khỏi mặt nước và bắt đầu tượng hình một búp sen. Ở giai đoạn tâm linh thì đóa sen bắt đầu nở. Ý thức không chối bỏ giác quan mà là sự thành tựu, sự thăng hoa của giác quan. Cũng thế, tâm linh không chối bỏ giác quan và ý thức mà là sự nở hoa của giác quan và ý thức.
Con đường làm nở hoa con người của mình là sự tất yếu của một biện chứng tiến hóa của cuộc đời làm người như vậy.

SHARE:

Để lại một bình luận