CÔNG PHU THỰC TIỄN TRONG THAM THIỀN.

SHARE:

Hoàng đế Ðường Tuyên Tông hỏi Thiền sư Hoàng Biện:
– Ðốn kiến là gì? Tiệm tu là gì?
Sư đáp:
– Liền rõ tự tánh cùng Phật không khác là đốn kiến, nhưng vì ô nhiễm huân tập từ vô thỉ nên phải nhờ có tiệm tu để đối trị, khiến thuận theo tánh mà khởi dụng, như người ăn cơm chẳng phải một búng liền no.
*
Hòa thượng Quy Sơn thượng đường dạy:
Tâm của người học đạo phải ngay thẳng chân thật, không dối trá, không có tâm hạnh sau lưng trước mặt lừa phỉnh, bất cứ lúc nào thấy nghe bình thường không chiều uốn, cũng chẳng phải nhắm mắt bịt tai, chỉ cần tâm chẳng chạy theo vật là được. Từ trước, các Thánh chỉ nói: “Bên bợn nhơ là lỗi lầm”. Nếu không có các thứ thấy biết xấu xa, chấp trước theo tình và thói quen vọng tưởng nhiều như thế thì ví như nước mùa thu lóng đứng trong trẻo lặng yên, không động không ngại, gọi người này là đạo nhân, cũng gọi là người vô sự.
Khi ấy, có vị Tăng hỏi:
– Người đốn ngộ rồi còn tu nữa chăng?
Sư bảo:
Nếu người khi thật ngộ được bản tánh thì họ tự biết, tu cùng không tu chỉ là lời nói hai đầu. Như nay có người sơ tâm tuy từ duyên được một niệm đốn ngộ chân lý nơi mình, nhưng vẫn còn tập khí nhiều kiếp từ vô thỉ chưa có thể liền hết, nên cần phải dạy hắn trừ sạch dòng thức tạo nghiệp hiện tại, tức là tu vậy. Không nên nói có một pháp riêng dạy hắn tu hành thú hướng. Từ nghe vào được lý, nghe lý sâu mầu tâm tự tròn sáng không có chỗ mê lầm, hiện thời dù có trăm nghìn diệu nghĩa thăng trầm, hắn vẫn được ngồi mặc áo, tự biết tạo sanh kế.
Nói tóm lại, chỗ lý chân thật không nhận một mảy bụi, trong cửa muôn hạnh chẳng bỏ một pháp. Nếu được như vậy là một mình cầm đao xông thẳng vào, lòng phàm thánh sạch, hiện bày chân thường, lý sự không hai, tức Như Như Phật.

Hội Nguyên

*
Ðạt Ma bảo Nhị Tổ:
Chánh pháp nhãn tạng nay ta phó chúc cho ông. Sau khi ta diệt độ hai trăm năm, y ngưng lại chẳng truyền, pháp bủa cùng khắp, kẻ biết đạo thì nhiều, người hành đạo thì ít, kẻ nói lý thì nhiều, người thông lý thì ít, người thầm khế hợp mật chứng hơn cả ngàn muôn. Ông nên xiển dương, chớ khinh người chưa ngộ, một niệm hồi cơ bèn đồng bản đắc.
*
Có vị Tăng hỏi Hòa thượng Ðại Châu:
– Thế nào là tu hành?
Sư đáp:
– Chỉ cần đừng ô nhiễm tự tánh tức là tu hành, đừng tự dối trá tức là tu hành, đại dụng hiện tiền tức là pháp thân vô đẳng đẳng.

Truyền Ðăng Lục

Thiền sư Dũng Tuyền Hân thượng đường dạy:
Ta bốn mươi chín năm tại chỗ này còn có tẩu tác, bọn các ông chở mở miệng to. Kẻ kiến giải thì nhiều, còn người hạnh giải thì trong muôn người mới có một. Kiến giải, ngôn ngữ thảy cần phải cho thấu triệt, nhưng nếu thức tình chẳng hết thì tôi dám nói là hãy còn luân hồi. Sao vậy? Bởi vì thức lậu thì bấy giờ mới được tự thành tự lập.

Hội Nguyên

*
Thiền sư Ðại Huệ nói:
Việc này thật chẳng phải dễ dàng, cần phải sanh lòng hổ thẹn mới được. Thường thường người lợi căn thượng trí được nó chẳng phí sức bèn sanh tâm khinh dễ mà không tu hành. Họ phần đông bị cảnh giới trước mắt cướp đoạt mang đi, làm chủ tể chẳng được, ngày qua tháng lại mê man chẳng tỉnh, đạo lực không thắng được nghiệp lực, nên ma được dịp thuận tiện phá hoại, chắc chắn bị ma nắm quyền sai sử đến lúc mạng chung cũng chẳng đắc lực.
*
Thiền sư Viên Ngộ nói:
Như người học bắn lâu ngày mới bắn trúng đích, ngộ thì khoảng sát na mà công phu tu hành cần phải hàm dưỡng lâu dài. Như con chim bột cưu mới nở ra xương đã đỏ, nuôi dưỡng đút mồi, ngày qua tháng lại lông cánh đầy đủ mới có thể bay liệng cao xa được, do đó người ngộ thấu triệt rồi, còn cần phải điều phục tập khí nữa!

Tâm Yếu

*
Ngài Viên Ngộ nói:
– Lý cần phải đốn ngộ. Sự cần phải tiệm tu.

Tâm Yếu

*
Ngài Nam Tuyền nói: Ta lúc trên mười tám tuổi đã biết tại sinh kế.
Ngài Triệu Châu nói: Ta lúc trên mười tám tuổi đã biết phá tan nhà cửa.
Và nói: Ta ở phương Nam hai mươi năm, trừ hai thời cơm cháo là lúc dụng tâm tạp.
Thiền sư Ðộng Sơn Giới nói: Cần phải tâm tâm không chạm vật, bước bước không chỗ nơi, thường chẳng gián đoạn, mới được chút phần tương ưng.

Truyền Ðăng Lục

*
Thiền sư Ðại Từ Hoàn Trung nói:
Nói được một trượng chẳng bằng làm được một tấc.
Ngài Ðộng Sơn lại nói:
– Nói cái làm chẳng được không bằng làm cái nói chẳng được.
Hòa thượng Hối Ðường Tâm nói:
– Tôi đầu tiên vào đạo tự thị rất dễ, đến khi gặp Tiên sư Hoàng Long rồi, nghĩ lại mọi việc hằng ngày của mình cùng với lý mâu thuẫn rất nhiều, bèn nổi lực tu hành ba năm dẫu cho lạnh lẽo, nóng bức chí thẳng đổi dời. Sau đó, mới được mọi việc đúng như lý, mà nay khạc nhổ, quơ tay cũng đều là ý Tổ sư từ Ấn Ðộ sang.

Thiền Môn Bảo Huấn

*
Hòa thượng Hương Lâm Viễn nói:
Lão tăng phải mất bốn mươi năm mới “nhồi thành một khối” được. Ngài Viên Ngộ nhắc lại lời này để khuyên người muốn triệt ngộ phải siêng năng thực hiện công phu. Thật là có ý!
*
Thiền sư Khuê Phong nói:
Chân lý liền ngộ mà chóng viên mãn, vọng tình muốn dứt phải dần dần mới hết. Chóng viên mãn như trẻ mới sanh ra một ngày mà chi thể đã hoàn toàn đầy đủ. Tiệm tu như nuôi dưỡng nó nhiều năm chí khí mới lập.

Hội Nguyên

*
Thượng thư Ôn Tháo ở Sơn Nam hỏi ngài Khuê Phong:
– Người ngộ lý dứt vọng chẳng kết nghiệp, sau khi mạng chung linh tánh nương tựa vào đâu?
Sư đáp:
Tất cả chúng sanh không ai chẳng đủ giác tánh linh minh không tịch cùng Phật không khác. Chỉ vì từ vô thỉ kiếp đến nay chưa từng liễu ngộ, vọng chấp thân làm ngã tướng nên sanh ra các thứ tình cảm thương, ghét… Theo tình tạo nghiệp, theo nghiệp thọ báo, sanh già bệnh chết nhiều kiếp luân hồi. Nhưng giác tánh trong thân chưa từng sanh tử, như chiêm bao thấy bị đuổi rượt mà thân vốn an nhàn, như nước thành băng mà tánh ướt vẫn không đổi. Nếu hay ngộ được tánh này tức là pháp thân vốn tự vô sanh đâu có nương gá, linh minh chẳng muội, rõ ràng thường biết, không từ đâu đến, cũng không đi về đâu. Nhưng vọng chấp nhiều đời, tập quán thành tánh mừng, giận, buồn, vui vi tế lưu chú. Chân lý tuy nhiên liền đạt mà tình này khó thể dẹp ngay, cần phải luôn luôn giác sát để cho chúng càng ngày càng tổn giảm như gió ngừng liền mà sóng từ từ mới lặng, đâu thể tu một đời mà liền đồng lực dụng của chư Phật. Chỉ nên lấy không tịch làm tự thể chớ nhận sắc thân; lấy linh tri làm tự tâm, chớ nhận vọng niệm. Vọng niệm nếu khởi đều chẳng theo nó thì đến lúc mạng chung nghiệp không trói buộc được, tuy có thân trung ấm mà chỗ đi tự do, trên trời trong người tuỳ ý nương gởi. Nếu niệm thương ghét đã hết thì chẳng thọ thân phần đoạn, tự có thể đổi dở thành hay, đổi thô thành diệu. Nếu vi tế lưu chú tất cả đều lặng hết thì chỉ có viên giác đại trí chói sáng riêng còn, liền tùy cơ ứng hiện trăm ngàn muôn ức hóa thân độ chúng sanh có duyên, gọi đó là Phật.
*
Hòa thượng Viên Ngộ nói:
Thuở xưa, bậc đạo cao đức dày bảo người đã thoát căn trần nên hoằng mật ấn, hai ba mươi năm dụng công phu một cách lạnh lẽo, lặng lặng, vừa có mảy may tri kiến liền quét sạch, cũng chẳng lưu lại dấu vết càn quét. Ở trên bờ bên kia buông tay, quên hẳn toàn thân thì chắc chắn được sống rất thích thú. Chỉ sợ khởi cái biết về hành động ấy thì cái biết đó là tai họa vậy.
Hòa thượng Ðại An nói:
– Ta ở Quy Sơn ba mươi năm nay, ăn cơm Quy Sơn, ỉa cứt Quy Sơn mà chẳng học thiền Quy Sơn, chỉ chăm một con trâu cổ. Nếu nó lạc vào đám cỏ thì kéo nó ra, còn nếu nó chạm vào lúa mạ của người thì đánh lôi ra. Ðiều phục đã lâu, thật dễ thương vì nó đã chịu nghe lời. Nay nó đã biến thành con trâu trắng lồ lộ thường ở trước mặt suốt ngày đuổi cũng chẳng đi.

Chánh Pháp Nhãn Tạng

*
Thiền sư Viên Ngộ nói:
– Sau khi được ý chỉ phải miên mật tương tục giữ gìn khiến không gián đoạn để trưởng dưỡng thánh thai. Dẫu cho gặp cảnh giới ác mà vẫn có khả năng dùng được định lực chánh tri kiến dung nhiếp nó khiến thành một phiến thì cơn biến đổi lớn sanh tử chẳng đủ làm động lòng mình, hàm dưỡng được lâu năm sẽ thành con người vô vi, vô sự, đại giải thoát, đâu chẳng phải là chỗ làm đã xong, việc hành cước đã rồi ư!

Tâm Yếu

*
Thiền sư Hưng Thiện Duy Khoan được vua Hiến Tông thỉnh vào cung, quan Thị lang Bạch Cư Dị từng hỏi rằng:
– Ðã gọi là Thiền sư, tại sao thuyết pháp?
Sư đáp:
– Vô thượng Bồ đề mang ở thân là luật, nói ở miệng là pháp, hành ở tâm là thiền. Ứng dụng có ba, nhưng chỉ một mối. Ví như nước sông Hoài, sông Hán tùy theo chỗ đặt tên, tên tuy chẳng phải một mà tánh nước không hai. Luật tức là pháp, pháp chẳng rời thiền, tại sao trong đó lại lầm khởi phân biệt!
– Ðã không phân biệt thì lấy gì để tu tâm?
– Tâm vốn không tổn thương, đâu cần tu sửa. Không luận nhơ cùng sạch, nhất thiết đừng khởi niệm.
– Nhơ chẳng nên niệm thì phải, còn sạch cũng chẳng nên niệm nữa sao?
– Như không nên bỏ một vật gì hết vào trong con mắt, mạt vàng tuy quý nhưng rơi vào con mắt cũng thành bệnh.
– Vô tu, vô niệm thì đâu có khác gì phàm phu?
Phàm phu vô minh, Nhị thừa chấp trước, lìa hai bệnh này gọi là chân tu. Người chân tu chẳng được siêng, chẳng được quên. Siêng tức là gần với chấp trước. Quên tức là rơi vào vô minh. Ðây là tâm yếu vậy.

Hội Nguyên

*
Hòa thượng Quy Sơn hỏi Ngưỡng Sơn:
– Này Huệ Tịch! Tâm thức ông vi tế lưu chú không đến đã được mấy năm rồi?
Ngưỡng Sơn chưa vội đáp, hỏi vặn lại:
– Hòa thượng không đến đã được mấy năm rồi?
Lúc đó, Tổ Quy Sơn bảy mươi tuổi, đáp Ngưỡng Sơn:
– Lão tăng không đến đã bảy năm rồi.
Ngưỡng Sơn thưa:
– Huệ Tịch con chính đang náo loạn.
Lời bình của ngài Ðại Huệ: Lấy đây mà xét, chỗ này lấy thô tâm nói không để mà dối nhau được chăng? Thật ra, phải là người có lực lượng lớn mới được!

Ðại Huệ Phổ Thuyết

Trích trong Kho Báu Nhà Thiền, nguồn Thiền sư Văn Thủ, Dịch giả Định Huệ.

SHARE:

Để lại một bình luận