NHỮNG CÁCH THAM THIỀN BIẾT VỌNG

SHARE:

Mình trước đây đã có gần mười năm tu thiền biết vọng, cho nên có chút kinh nghiệm trong thực hành nó vì vậy mình muốn chia sẽ các bước thực hành lại với bạn bè.

Có yêu thích có thiết tha với thiền thì người ta mới có thể dành thời gian để tu hành tính ra năm mười năm hoặc cả đời hay nhiều đời. Bài viết này là cái nhìn của cá nhân mình về việc thực hành tu “thiền biết vọng” dựa trên kinh điển ngữ lục và các kiến thức khác nhằm làm sáng tỏ “chỗ vào” của một hành giả. Nó nói lên thứ lớp nhiều hơn là tính trực chỉ, tuy vậy nó có những bước ngoặc căn bản mà người tu biết được thì sẽ nhận ra mình dang ở đâu trên con đường.

Mong rằng nó sẽ có ích cho những người cần một sự am hiểu tổng quát về “con đường thấy” để tham khảo mà so sánh với việc tu hành của mình.

Kính

  1. HIỂU BIẾT SƠ LƯỢC
  2. Thứ nhất,

Sơ lược về lịch sử Thiền tông. 

Thiền tông, xuất phát từ hình ảnh khai thị của Phật trên hội Linh Sơn gọi là Niêm Hoa Vi Tiếu. Khi đức Phật ở trong chúng hội, ngài đưa cành hoa sen lên, trong chúng ai cũng ngơ ngác, chỉ có ngài Ma Ha Ca Diếp mỉm cười; Phật ấn chứng cho ngài Ma Ha Ca Diếp: “Ta có Chánh Pháp Nhãn Tạng Niết Bàn Diệu Tâm thực tướng vô tướng nay trao cho Ca Diếp”.

Trải qua 33 vị Tổ của Thiền tông và còn truyền thừa và mở rộng ra sau đó, dòng Thiền này xuất hiện những bậc xuất cách như ngài Mã Minh, ngài Long Thọ, ngài Bồ Đề Đạt Ma, Lục Tổ Huệ Năng… Những bậc xuất cách này không những ảnh hưởng lớn trong Thiền tông mà còn ảnh hưởng tới các tông phái khác.

Thiền tông xuất phát từ Ấn Độ truyền qua Trung Hoa đến đời thứ 28 các vị Tổ là người Ấn Độ, từ đời thứ 29 đến đời thứ 33 các vị tổ là người Trung Hoa, đến đời thứ 33 (là đời thứ sáu của Trung Hoa – Lục Tổ Huệ Năng) Thiền tông phát triển mạnh mẽ, trước đó việc truyền thừa còn dựa vào Y Bát để làm tín vật, đến đây Y Bát không còn cần thiết nữa. Sau đó Thiền tông chia ra làm 5 phái: Lâm Tế, Tào Động, Qui Ngưỡng, Pháp Nhãn, Vân Môn; trong 5 phái này phái Lâm Tế và Tào Động có ảnh hưởng lớn đến Phật giáo Việt Nam.

Thiền Tông từ Trung Hoa truyền vào Việt Nam vào thế kỷ thứ sáu cho đến thế kỷ thứ 13 có ba dòng thiền: Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, và Thảo Đường.

Sau này có dòng Thiền Trúc Lâm do Trúc Lâm Đại Đầu Đà (vua Trần Nhân Tông) lập nên, ngoài ra tông Lâm Tế và Tào Động cũng truyền qua Việt Nam.

Điểm lại Phật giáo Việt Nam từ thế kỷ thứ 19 trở về trước người Việt chúng ta rất có duyên với tu Thiền, hay đúng hơn thiền học đã thấm nhuần vào văn hóa người Việt.

Chúng ta, những người tu Thiền tông được hòa thượng Trúc Lâm chỉ dạy qua tham thiền Biết vọng, mục đích biết vọng là để nhận ra cái thấy mà Phật đã khai thị cho ngài Ca Diếp, là những gì mà các vị tổ sau đó đã xiển dương mạnh mẽ và nó được thể hiện khắp trong kinh điển và ngữ lục.

Như vậy, “Chánh Pháp Nhãn Tạng Niết Bàn Diệu Tâm thực tướng vô tướng”, chính là Ông chủ mà hòa thượng Trúc Lâm thường giảng giải, khai thị; là tánh Không của hệ Bát nhã hay Bát Nhã Ba la mật, là Như Lai Tạng của kinh Lăng Nghiêm, là Tâm Viên Giác trong kinh Viên Giác, là Tâm vô trụ của Kinh Kim Cang, là Pháp thân, Báo thân, Hóa thân của Phật, là Vô lượng thọ vô lượng quang của Phật A Di Đà, là nền tảng của Đại Ấn và Đại Toàn Thiện của Phật giáo Tây Tạng, là Tâm trong tam giới duy Tâm vạn pháp duy thức của Duy Thức tông…

Tất cả những tông phái tu theo Phật giáo Đại thừa đều đồng ở cái thấy giải thoát này. Vì vậy chúng ta tu phương pháp biết vọng, nhưng người tu cũng có thể thực hành những phương pháp khác nếu hành giả có thiện căn với phương pháp thực hành nào đó; ví dụ tham thiền thay vì quán hơi thở để nhiếp tâm, chúng ta cũng có thể niệm Phật để nhiếp tâm, hoặc trì chú để nhiếp tâm, dùng một câu thoại đầu để nhiếp tâm… Nắm được điểm chung này của Phật giáo người tu tiến hành tu tập sẽ có nhiều cơ hội hơn, con đường tu sẽ rộng mở hơn.

  1. Thứ hai,

Tiến trình tu hành để nhận ra bản tánh của tâm hay ông chủ, là cái đã có sẵn.

Một vấn đề khá quan trọng mà người tham thiền cần phải hiểu rõ, thực tại giải thoát là cái đã có sẵn; vì mê thực tại này mà thực tại giải thoát hiện ra như là thế giới sinh tử, từ cái thấy sai lầm về thực tại, chúng ta tu hành để nhận ra giải thoát; nhưng thật ra, dù cho hành giả mê hay ngộ thì thực tại vẫn giải thoát. Và bằng sự hiểu biết này chúng ta định hướng cho việc tu hành của mình để nhận ra giải thoát không đâu xa ngoài cái đã có sẵn nơi mỗi chúng ta; chúng ta tu hành là làm cho mọi che chướng dính mắc của mình tiêu mòn thì thực tại hiển lộ. Cũng đúng như lời hòa thượng Trúc Lâm thường dạy: Vọng hết thì Chơn hiện.

Trong kinh Lăng Nghiêm nói về hai thứ mê lầm căn bản:

“Một là: cội gốc căn bản của sanh tử từ vô thỉ. Tức là ông hiện giờ và các chúng sanh dùng cái tâm bám níu theo duyên (tâm chạy theo vọng và cảnh, tâm phan duyên) mà làm tự tánh”.

Hai là: cái Thể Bổn Lai Thanh Tịnh Bồ Đề Niết bàn vô thỉ. Tức là cái Chân Tâm vốn sáng soi của ông hiện giờ, hay sanh các duyên nhưng ông lại duyên theo các tướng duyên đó mà bỏ quên nó.

Vì các chúng sanh bỏ quên cái Vốn Tự Sáng này nên tuy trọn ngày sử dụng Nó mà chẳng tự biết, oan uổng, lạc vào sáu nẻo” (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, trời, người, atula hay á thần). 

_Chiếu theo căn bản thứ nhất nêu ở trên, biết vọng là biết tất cả tâm bám luyến theo duyên là hư vọng; đây là thế giới sanh tử của chúng sanh khi mê. Chúng ta tham thiền về nó để nhận diện bộ mặt mê lầm hư giả của mình mà không trụ chấp dính mắc vào nó, nhằm chấm dứt nhận thức sai lầm đã tạo nên sinh tử.

_Theo căn bản thứ hai, nếu người căn cơ bén nhạy ngay khi biết vọng hành giả có thể nhận ra cái vốn tự sáng của tâm. Cái vốn tự sáng có nghĩa là nó chưa từng thiếu vắng trong cuộc sống của mình; đây là đốn ngộ, nếu người nào có đủ căn cơ thì ngay nơi thế giới sanh tử muôn ngàn xao động, họ nhận ra Ông chủ.

Có cái biết chưa từng sanh diệt, cái chưa từng sanh diệt này còn là nguồn gốc phát xuất ra tất cả các tư tưởng các hình tướng, nhưng trên các tư tưởng và các hình tướng đó, thay vì biết nó là sự ứng hiện từ tâm giải thoát, chúng cũng giải thoát như chính bản tánh của tâm là “Sanh tức vô sanh”; nhưng chúng ta nắm bắt nó cho nó là thật có, cho nên nó vốn giải thoát lại trở thành thật có cứng đặc và từ đó nó tạo thành thế giới sanh tử có sanh có diệt. Chúng ta rơi vào căn bản thứ nhất.

Cái biết mà chúng ta phải khám phá, tìm ra là cái biết luôn luôn hiện hữu cho dù có hay không có vọng, cái biết đó là Ông chủ.

 

Với người căn cơ bình thường chúng ta phải tham thiền tiệm tu để tịnh hóa tâm thức, để nhận ra tâm định hay giải thoát giữa hai tư tưởng nhằm xác quyết cái thể xưa nay thanh tịnh. Từ công phu biết vọng, hành giả tham thiền bằng cách này để định tâm. Chúng ta sẽ nhận ra nơi xuất phát ra vọng hay nhận ra thể bổn lai thanh tịnh Bồ Đề Niết bàn từ vô thỉ, chính nó là ông chủ sáng soi sanh ra các duyên (các vọng).

Kế đến, từ thể bổn lai thanh tịnh mà chúng ta tham thiền đã nhận ra, người tu tiến một bước quan trọng nữa là nhận ra vọng khởi từ thể thanh tịnh này; vọng khởi như những làn sóng phát sinh từ đại dương thanh tịnh của tâm. Chúng ta sẽ thấy giải thoát mênh mông không bến bờ chớ không phải giải thoát chỉ ở tâm sáng tỏ tâm không có vọng.

Tâm thanh tịnh vẫn hiện hữu khi đang khởi tưởng, tâm thanh tịnh là nền tảng từ đó tư tưởng khởi lên hiện hữu và diệt dứt cũng trong tâm thanh tịnh này.

Người tu có xác quyết thứ hai: khởi tưởng chính là giải thoát; đó là thực tập tự tánh khởi dụng trong tham thiền.

Từ cái thấy khởi tưởng chính là giải thoát chúng ta sẽ đi vào thực tế hơn nữa, chúng ta sẽ nhận thấy mọi hình tướng không khác với tâm thanh tịnh, mọi hình tướng khi nhận biết thì sáng tỏ như bóng trong gương. Nó là sự phản chiếu của các tướng qua gương tâm thanh tịnh sáng tỏ. Chúng ta sẽ nhận thấy gương tâm là cả pháp giới, đâu đâu cũng là sự sáng tỏ của tâm. Hành giả khám phá tới đâu là Ông chủ tới đó, chiều kích của Ông chủ không phải là cái tâm nhỏ hẹp không có vọng tưởng, mà Ông chủ là cùng khắp, là không có Ông chủ. Chỉ là một vị: Giải Thoát.

Đó là hành trình tu hành để chúng ta trở về bản tánh của tâm, hay mức độ của cái thấy mà hành giả tham thiền phải biết để mình có chương trình tu hành cho mình, tùy theo khả năng và căn cơ của riêng mỗi người mà nỗ lực thực hành.

  1. Thứ ba,

“Chỉ” và “quán” luôn luôn đồng hành trong thực hành nên cần phải biết qua để không kẹt chỉ hoặc quán mà phải biết quân bình.

Trong suốt quá trình tu tập, từ địa vị phàm phu cho đến địa vị Phật, dù dụng công theo pháp phương tiện nào như: đọc tụng, trì chú, quán tưởng, niệm Phật, tham thiền… Chúng ta dụng tâm luôn luôn là biểu hiện của Chỉ và Quán hay chỉ quán đồng thời, dù người tu đang thực tập tu trên phương tiện tương đối hay sau khi chúng ta đã nhận ra Ông chủ và tu cái tuyệt đối; hành giả cũng không rời Chỉ và Quán hay Định và Huệ theo cách gọi của Lục Tổ.

Chỉ và quán luôn luôn hiện hữu khi chúng ta thực hành, dù cho chúng ta tu bằng pháp môn nào thì trong thực hành luôn luôn là sự thể hiện của chỉ hoặc quán hoặc chỉ quán đồng thời; chỉ cần hiểu rõ như thế nào là chỉ quán chúng ta biết cách quân bình nó cho khỏi thiên lệch trong thực hành, cuối cùng chỉ quán hợp nhất chính là tánh giác.

Cụ thể chúng ta tham thiền theo cách mà thiền sư Huyền Giác dạy: “Tỉnh tỉnh lặng lặng phải, tỉnh tỉnh loạn tưởng sai, lặng lặng tỉnh tỉnh phải, lặng lặng hôn trầm sai.”

Tỉnh (quán) cũng có nghĩa là tỉnh biết, là khả năng nhận biết của tâm khi mọi chuyện đang xảy ra. Tham thiền dựa vào sự tỉnh biết giống như chúng ta là một quan sát viên đang nhận biết mọi sự dù lớn hay nhỏ; mọi sự xảy ra mà không nắm bắt, chối bỏ, yêu ghét; chỉ thuần nhận biết, tỉnh thức với sự nhận biết này.

Còn “Chỉ” cụ thể trong tham thiền là giới hạn khả năng nhận biết của mình vào một đối tượng đã chọn hay nó là phạm vi quán sát khi tham thiền của mình.

*Có hai đối tượng để giới hạn khi chúng ta tham thiền:

Một là, ví dụ như khi chúng ta đếm hơi thở chúng ta giới hạn tỉnh thức chỉ ở nơi hơi thở, chúng ta không phóng tâm vào các chủ đề lan man khác. Khi biết vọng chúng ta chỉ giới hạn tỉnh thức ở nơi vọng khi vọng khởi, vọng hiện và lặng dứt, khi niệm Phật hay trì chú cũng vậy.

Hai là, “Chỉ” cũng có nghĩa ta an trú trong sự tỉnh biết mà không phóng tâm vào các đối tượng đang quan sát. Đối tượng của chỉ lúc này là sự tỉnh thức hay tên khác của quán.

Khi chỉquán cùng thực hành một lượt với nhau như: tỉnh thức hay phương diện sáng tỏ của tâm là quán đang biểu hiện, cùng lúc đó, tâm ròng rặt sáng tỏ và tâm không xen tạp niệm khác trong ánh sáng của tâm này là chỉ.

Tỉnh thức luôn hiện hữu khi có hay không có vọng tưởng chớ không phải tỉnh thức diệt vọng tưởng.

Khi chỉ quán hợp nhất, tỉnh thức chính là Tánh giác, Tánh giác là chỉ quán đồng hiện, hay còn gọi là “Thiền” theo kinh Viên Giác.

Mặt khác, để ứng dụng chỉ quán mọi lúc, mọi nơi, khi không tọa thiền; trong cuộc sống chúng ta luôn tỉnh thức trong phạm vi công việc mà mình đang quán xuyến. Lúc nào chúng ta cũng đánh thức tỉnh thức hiện diện trước mọi sự mọi việc của tâm mà không lan man phóng tâm một cách không kiểm soát như khi chưa biết tu. Khi chúng ta tỉnh thức là có quán và giới hạn tỉnh thức trong phạm vi chúng ta có thể kiểm soát được là có chỉ.

Lục Tổ dạy: “Ở ngoài thấy tướng mà lìa tướng, ở trong thấy không mà lìa không” ngoài thấy tướng mà lìa tướng nghĩa là sao? Quán là thấy tướng, nhưng lìa tướng là chỉ; ở trong cũng quán là thấy được không, và lìa không là chỉ.

Hành giả thực tập như vậy là tập gần giống như bản chất của tâm hay giống như Ông chủ, vì Chủ chính là chỉ quán hợp nhất.

Từ một phạm vi nhỏ như đếm hơi thở, phạm vi được mở rộng ra, là theo dõi hơi thở, sự tỉnh thức được mở rộng hơn, và khi biết vọng, phạm vi tỉnh thức lớn hơn, và đến khi chúng ta tỉnh thức với mọi sự mọi việc đang diễn ra nơi tâm; cụ thể là có vọng hay không có vọng, bên ngoài có âm thanh hay không có âm thanh. Thân tâm, toàn cảnh chỉ là biểu hiện của tỉnh thức.

Giống như tấm gương sáng, tâm tỉnh thức luôn luôn phản chiếu mọi hình tướng trong gương nhưng gương sáng không lưu lại một bóng nào trong gương, đó là biểu hiện của tánh giác.

Lúc đầu hành giả có tác ý để duy trì sự tỉnh thức, thực hành như vậy trong một thời gian, đến khi thuần thục hành giả quên sự duy trì này, bỗng nhiên hành giả nhận thấy có sự “tự tỉnh thức”, Vô tâm mà tỉnh thức; vô tâm mà tỉnh thức là biểu lộ của bản tánh của tâm.

Một đôi, tỉnhlặng luôn luôn cùng hiện trong tham thiền là an toàn nhất. Chính đó là cách tùy thuận theo tánh Viên Giác. Chúng ta thực tập giống như tâm giải thoát và đến lúc nào đó túc duyên đủ, hành giả phát hiện cái thấy giải thoát, cái thấy giải thoát là sự đồng hiện của ChỉQuán. 

Trong thực tế tham thiền, cụ thể là tham thiền biết vọng mà chúng ta đang khảo sát ở đây, có những hành giả vì không nắm vững chỉ quán để áp dụng tu cho nên công phu thiên lệch chỉ thuần “chỉ” như: buông vọng, diệt vọng, an trụ trong thanh tịnh… Tất cả những người tu như vậy không sai nhưng khi đã thành công trong thực hành tu chỉ, họ sẽ định tâm nhưng tâm không sáng vì thiếu quán, họ bế tắt như bị giam nhốt trong ao tù, việc thực hành không tiến được, cần phải có một thiện tri thức để hướng dẫn họ ra khỏi chỗ bế tắt này.

Tại sao bế tắt?

Chúng ta biết, chỉ có tác dụng làm cho hành giả né tránh những che chướng của tư tưởng khởi lên từ tâm, thậm chí chỉ có khi có tác dụng trừng tâm, nhờ chỉ, tâm chúng ta được an định. Người tu tạm thời thoát khỏi phiền não khi định tâm, nhưng khi không còn tác dụng của chỉ thì tâm lại xao động trở lại; đang khi thực hành thì định được tâm, không thực hành thì mất định.

Còn quán chiếu là sự quán sát thấu suốt về một vấn đề nào đó. Khi khởi tưởng là nguyên nhân của sinh tử, chúng ta dùng tâm để quán sát chính nó, quán sát đến tận cùng, hành giả sẽ nhận ra được nơi nào tâm sinh khởi, hiện hữu, và diệt dứt; khi đã thật sự nhận biết được dù chỉ biết nguồn gốc của một tư tưởng, hành giả sẽ có kinh nghiệm về sự không thật của khởi tưởng, từ đó vọng khởi sẽ không còn là vấn nạn đối với người tham thiền biết vọng.

Ngoài ra Quán còn nói lên tính năng động và sáng tỏ của tâm, thiếu tính năng động này hành giả chay ì trong cái thấy, chỉ trụ vào thanh tịnh, rơi vào nước chết. Trong tham thiền các Tổ quở là: “Nước chết không chứa được rồng”

Người xưa dạy: “Chỉ mà không phá chỉ là tăng trưởng vô minh

Quán mà không phá quán là tăng trưởng tà kiến”.

Chỉ mà không phá chỉ là tu thuần chỉ nên sự tối tăm tăng trưởng, phải khởi quán để phá sự tối tăm. Và tu thuần quán thì tâm phong dật lung tung, phải dùng chỉ để tập trung tâm lại không thôi tà kiến tăng trưởng.

Cho nên chỉ và quán phải song hành trong tham thiền, muốn đánh giá sự song hành này hiện hữu như thế nào trong công phu của mình, chỉ cần biết: tâm càng thanh tịnh rỗng rang bao nhiêu, thì tâm càng sáng tỏ thấu suốt bấy nhiêu; và ngược lại.

  1. THAM THIỀN ĐÓI VỚI NGƯỜI MỚI TU TẬP

Với những người mới tu tập, tham thiền mang tính chất luyện tâm.

Như thế nào là luyện tâm? Như chúng ta biết, người chưa tu họ chỉ quan tâm với những gì mà tâm khởi tưởng cùng với các hình tướng mà người đó tiếp xúc trong giao tiếp với thế giới mình đang sinh sống, tất cả những gì chúng ta dựa vào để sống đều là thế giới hình tướng, cả trong tâm lẫn ngoài tâm.

Khởi tưởng và các hình tướng mà ta nhận biết chính là biểu hiện từ bản tánh của tâm, bản tánh của tâm là giải thoát cho nên khởi tưởng cũng giải thoát, nhưng chúng ta không nhận biết tận nguồn tâm mà chỉ trên tướng mà nó biểu hiện đó chúng ta lầm chấp nó là có thật, và thế giới sanh tử như là hiện diện từ sự lầm chấp các hình tướng như thật có này.

Luyện tâm, là đánh thức sự hiện hữu chủ động của tâm. Nếu mọi thứ đều ở trong tỉnh thức tức là bạn đang chủ động đi ngược dòng sinh tử, bạn đang làm chủ đời bạn; còn ngược lại, bạn đang phó mặc đời bạn trôi theo dòng sinh tử.

Yếu chỉ của luyện tâm là “nhận biết sự hiện diện của tâm” qua quá trình tâm hoạt động. Theo căn bản thứ hai của kinh Lăng Nghiêm: “Chân Tâm vốn sáng soi, hay sanh ra các duyên, nhưng chạy theo các duyên mà bỏ sót nó” Thay vì theo thói thường, chúng ta luôn luôn dính mắc, lầm chấp, chạy theo duyên; bây giờ, chúng ta luyện tâm bằng cách không cho tâm buông lung, đi hoang theo sự chấp trước của tâm nữa.

Chúng ta phải nhận biết sự hiện hữu của tâm, hay thức tỉnh mình đang hiện hữu mà do phan duyên hành giả bỏ quên chính nó; bởi vì nền tảng là “Chân tâm vốn sáng soi”, chính nền tảng này biểu hiện ra mọi thứ tâm vì vậy chúng ta phải thức tỉnh để nhận diện nền tảng đó trên mọi thứ tâm. Nền tảng này cũng sẵn có trong mọi thời gian nhưng không bị chi phối bởi thời gian. Ngay bây giờ, “ngó qua” là thấy nó hiện hữu, cho nên khoảnh khắc nào cũng là sự hiện diện sẵn đủ.

Cuối cùng chúng ta sẽ thấy không có gì ngoài Tâm nền tảng. Như Duy thức tông nói: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”, đây là Chủ thật sự mà chúng ta cần phải tham thiền.

Người tu thực hiện luyện tâm từ đơn giản đến phức tạp. Lúc đầu luyện tâm ở mức độ hẹp, như đếm hơi thở, rồi tiến lên ở mức độ rộng hơn theo dõi hơi thở, rộng hơn nữa là biết vọng, hơn biết vọng là biết tất cả những gì đang diễn ra. Đến một mức: tâm (khả năng nhận biết), vọng tâm, và các hiện tướng (các tưởng và tướng bị biết); ba mặt này của một tâm đều được đánh thức sự hiện hữu của cái biết. Tâm, tư tưởng, và các hình tướng chỉ là ánh sáng của tâm giải thoát, đó chính là biểu lộ của ánh sáng nền tảng hay huệ mạng.

Trong một thời gian miên mật tu tập, chúng ta thường xuyên nhắc nhở sự hiện hữu của cái biết cho đến khi thuần thục; đến khi hành giả không chú tâm để luyện tập về nó nữa; bỗng nhiên một lúc nào đó hành giả nhận ra tâm nền tảng đúng nghĩa: “Chân tâm vốn sáng soi”. Nghĩa là nhận ra xưa nay cái biết đã có sẵn, có sẵn khi mình chưa tu, khi mình khởi tu, và hành giả à ra một tiếng khi nhận ra bây giờ và tự bao giờ nó vẫn hiện diện sờ sờ, sự sáng soi của tâm chưa bao giờ thiếu trong cuộc sống.

Như vậy, kinh nghiệm ngộ xảy ra. 

Luyện tâm đầu tiên là đếm hơi thở, chúng ta ngồi ngay ngắn, đúng tư thế trên bồ đoàn và tọa cụ như đã được dạy ở các thiền viện, khi hít vô và thở ra ba hơi dài chúng ta trở lại thở bình thường. Tư thế của thân chắc chắn đã trụ trên ba điểm: mông trên bồ đoàn, hai đầu gối trên tọa cụ, sống lưng thẳng đứng như một cây thương, đầu hơi cuối xuống, mắt khép hờ nhìn về phía trước, an nghỉ trong cái nhìn, hay nhắm mắt tùy người. Hai tay buông lỏng theo vai, đặt bàn tay phải trên bàn tay trái hai bàn tay để bên trên hai bàn chân ngay trước rún, hai đầu ngón cái của hai bàn tay vừa chạm vào nhau.

Chúng ta phải ngồi thật đúng cách, khi ngồi đã đúng cách rồi chúng ta thư giãn thân, người tu không còn chú ý tới thân nữa. Kế đến chúng ta thư giãn tâm, không bận tâm tới mọi sự mà chú ý tập trung vào đếm hơi thở. Thở ra hít vào đếm một, thở ra hít vào đếm hai… cho đến mười; chúng ta trở lại đếm một như trước; cứ lập đi lập lại như vậy trong suốt thời ngồi thiền của mình.

Trong khi đếm hơi thở chúng ta giới hạn tâm của mình tập trung vào chỉ một việc là đếm hơi thở, không để tâm tản mạn theo những suy nghĩ khác, đây là Chỉ, và nhận biết rõ ràng từng số đếm không lộn lạo là Quán.

Chúng ta thường nghe nói tâm như khỉ, vượn, luyện tập đếm hơi thở trong tham thiền là làm cho tâm viên ý mã giảm bớt sức tung hoành của nó.

Trong quá trình đếm hơi thở chúng ta thường hay phóng tâm, người tu sẽ quên việc đếm số; khi chợt thấy mình phóng tâm chúng ta kiên nhẫn trở lại đếm một, đếm hai… Chúng ta không bận lòng vì mình đã bị phóng tâm, không nghĩ mình đã phạm lỗi lầm; phải kiên trì, khi nào chúng ta tỉnh thức với việc đếm hơi thở trọn vẹn không lộn lạo, khi đó chúng ta đang thành công trong phương cách này.

Chú ý, chúng ta thường có thói quen chỉ thực hiện công việc theo sự chấp trước của tâm; chẳng hạn, khi chúng ta đi, chúng ta không bao giờ chú ý chúng ta đi như thế nào; chúng ta thở, chúng ta không chú ý vào chúng ta thở như thế nào. Cũng vậy, khi tương đối thuần trong tham thiền đếm hơi thở chúng ta sẽ không chú ý vào đếm hơi thở, người tu có thể đếm theo quán tính. Và khi đếm theo quán tính chúng ta đã đánh mất thực hành luyện tâm, khi đó phương diện quán chiếu của tâm hành giả yếu đi, chỉ còn Chỉ, và song song đó, tâm chúng ta cũng an chỉ dần theo phương pháp đếm. Kết quả là chúng ta rơi vào vô ký, hay nặng hơn chúng ta sẽ hôn trầm, ngủ gục. Cho nên, chúng ta phải áp dụng pháp tu chỉ quán song hành trong tham thiền của mình.

Suốt một thời tham thiền chúng ta tập trung đếm hơi thở mà không bị quên quan sát hay phóng tâm theo vọng tưởng là hành giả đã thành công ở bước luyện tâm này.

Khi đã thuần trong phương pháp đếm hơi thở, chúng ta chuyển sang theo dõi hơi thở. Công việc của đếm hơi thở là công việc đơn giản, khi chuyển sang theo dõi hơi thở phạm vi phức tạp của tham thiền tăng lên; hành giả không coi hơi thở chỉ bằng số đếm nữa mà nhìn nhận hơi thở như một quá trình sống năng động mà mỗi mỗi luôn luôn đánh thức sự tỉnh thức của tâm.

Khi thở vào chúng ta nhận biết hơi thở vào, khi hơi thở ra chúng ta nhận biết hơi thở ra; nó là một quá trình diễn ra trong tỉnh thức là Quán, và chúng ta dụng tâm chỉ ở phạm vi của hơi thở mà không chạy theo khởi tưởng hay tác động khác xung quanh người tu là Chỉ.

Có hai cách theo dõi hơi thở mà mỗi cách Chỉ mạnh hay Quán mạnh.

Cách Chỉ mạnh là chỉ nhận biết hơi thở qua chóp mũi. Chúng ta theo dõi hơi thở qua chóp mũi qua các bước hít vào, dừng lại, thở ra, dừng lại; rồi tiếp tục một nhịp khác. Cách này rất dễ định tâm; vì chỉ nhận biết hơi thở ở nơi cánh mũi cho nên sự tập trung rất cao vì vậy tâm rất dễ an định.

Cách Quán mạnh là nhận biết hơi thở liên tục khi nó từ mũi vào ngực, bụng, đầy lên, dừng lại rồi thở ra, hết hơi thở, dừng lại; rồi tiếp tục chu kỳ như trước. Đặc điểm thành công của quán hơi thở cách này là chúng ta nhận biết hơi thở lúc nào cũng mới mẻ. Muốn thấy hơi thở mới mẻ hành giả phải có sự nhận biết tương tục hơi thở mà không rơi vào tự kỷ ước định về hơi thở, nếu rơi vào ước định chúng ta sẽ quên mình đang thở, người tu sẽ đánh mất sự tỉnh thức với hơi thở.

Chúng ta thức tỉnh mình trong lúc thở là thành công; chính sự mới mẻ trong nhận biết tương tục, làm cho tâm thức chúng ta tỉnh thức rất mạnh.

Hành giả có thể dùng hai phương pháp này đắp đổi nhau: để trừ bệnh hôn trầm thì dùng quán hơi thở liên tục cả quá trình. Còn như để trừ bệnh tán loạn hành giả dùng phương pháp theo dõi hơi thở qua cánh mũi.

Một chú ý khá quan trọng mà người tu không quan tâm là: chúng ta khi ngồi thiền thì hết sức giữ gìn để chăm chú tham thiền, nhưng khi thời thiền hết, chuông xả thiền vang lên, chúng ta tiến hành những động tác xả thiền, khi đó, chúng ta thường hay có thái độ buông lung cho tâm chạy hoang. Đây là điều ít ai để ý, vì khi ngồi thiền, chúng ta đang tham thiền ở phương diện tương đối tĩnh của thân, và cảnh; hành giả chỉ đối phó với nội tâm mà thôi. Đến khi xả thiền, chúng ta buông lung và lăn xăn khởi tưởng, thậm chí có người thèm nói chuyện gì đó với người bên cạnh, chứng tỏ trong thời gian ngồi thiền, thay vì tham thiền người tu lại phóng tâm theo những suy nghĩ và bức xúc trong tâm bởi một sự việc nào đó, không nhịn được họ đợi xả thiền phải nói việc đó cho người khác nghe mới được, vì vậy “cốt khỉ vẫn hoàn cốt khỉ”.

Phải hiểu tham thiền là tham thiền trong bốn oai nghi không phải chỉ khi bạn đang ngồi trên bồ đoàn mà còn các oai nghi khác như: đi, đứng, nằm, ngồi; phải tham thiền khi tĩnh tại mà cả khi hoạt động như lúc chúng ta xả thiền.

Nếu bạn buông lung ngay khi xả thiền, bạn đã đánh mất cơ hội tham thiền của mình. Chính tâm lúc nào cũng ở tư thế tham thiền chúng ta mới nhận ra hậu thiền định, chúng ta mới phát hiện mức độ tâm Thiền chúng ta hiện hữu khắp nơi như thế nào.

Kết lại, hành giả lúc nào cũng phải ở trong tâm tham thiền.

Tâm tham thiền là như thế nào?

“Rõ ràng thường biết, nói không thể đến”

(Nhị Tổ Huệ Khả)

III. NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG LỆCH LẠC TRONG THAM THIỀN BIẾT VỌNG 

Trong phần này chúng ta nói đến công phu do thiếu hiểu biết mà kết quả không đúng lộ trình giải thoát. 

Như thế nào là biết vọng không theo hay biết vọng liền buông? Khi buông vọng rồi tâm như thế nào, hay là không có tâm?

Chúng ta tham thiền Biết vọng, nhưng mỗi người hiểu mỗi cách lời dạy trên nên có những định hướng và cách thực hành khác nhau: 

*Thứ nhất,

Khi chưa thấy ông chủ biết vọng và các hoạt động khác là tích tập tư lương và tịnh hoá tâm thức.

Theo lộ trình của 52 bậc trong Bồ tát đạo. Lộ trình này diễn ra từ Thập tín Thập trụ Thập hạnh Thập hồi hướng, Thập địa, Đẳng giác, Diệu giác thành Phật. Đây là lộ trình chung cho tất cả các tông phái tu theo Phật giáo Đại thừa; Thiền tông cũng là một tông phái nằm trong Đại thừa vì vậy những giai đoạn chứng đắc bản tâm cũng không ngoài các tầng bậc trên.

Trên lộ trình này: Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Tứ gia hạnh, là giai đoạn tích tập phước đức, hay theo Duy Thức tông gọi là giai đoạn tư lương vị; là giai đoạn chuẩn bị lương thảo hành lý để lên con đường vào Thập địa Bồ tát. Phật giáo Tây tạng gọi là giai đoạn tịnh hóa tâm thức hay giai đoạn thực hành sơ bộ.

Trong giai đoạn này chúng ta tham thiền trên hiện tượng của tâm, cụ thể là: đếm hơi thở, nhận biết hơi thở, biết vọng, tất cả những phương pháp thực hành trên diễn ra tương đối có người tham thiền và sự việc để tham thiền. Hay nói rõ hơn chúng ta đang tham thiền trên tướng của tâm chớ chưa có kinh nghiệm về bản tánh của tâm.

Vì là giai đoạn tịnh hóa tâm thức cho nên sinh hoạt theo thời khóa như các thời tham thiền càng nhiều càng nhặt chừng nào thì tâm thức càng bớt xao động, bớt lôi kéo mạnh mẽ chừng đó.

Khi chúng ta tiếp cận với một chúng có quy củ, có kỷ luật tu hành và những huynh đệ nhiều kinh nghiệm có cuộc sống nghiêm túc về đạo là cơ hội để chúng ta tự hoàn thiện mình.

Vì là tích tập công đức cho nên ngoài việc tham thiền còn các mặt khác như bố thí, cúng dường, giữ giới, ăn chay, lễ lạy, sám hối … đều có tác dụng tổng lực làm cho sự tích tập công đức này càng tiến nhanh; chúng ta thực hành tất cả những gì mà mình thấy mình còn thiếu sót trong 37 phẩm trợ đạo, thì sức mạnh tổng lực này sẽ hỗ trợ cho mình nhanh bước vào địa vị kiến đạo (thấy Tánh)

Thực chất của tích tập phước đức là xả bỏ những mê chấp, cho nên việc làm hỗ trợ càng rộng thì ngã chấp càng được vơi bớt; ngã chấp chúng ta càng buông bỏ bao nhiêu thì phước đức được tích tập bấy nhiêu.

Phật giáo Tây Tạng trong thời gian thực hành sơ bộ này ngoài những thực hành lễ lạy, cúng dường mạn đa la… còn có phát Bồ đề tâm, việc này tiếp sức cho giai đoạn tịnh hoá tâm thức, vì nó đánh tan chấp ngã khi phát Bồ đề tâm.

Khi chúng ta tích tập phước đức đã đủ thì đến giai đoạn kiến đạo là thấy ông chủ; thấy ông chủ là đã vào được thập địa. Đầu tiên là Sơ hoan hỷ địa nhưng tùy theo mức thâm ngộ của mỗi hành giả mà sự chứng ngộ vào được Sơ địa hay có thể ở các địa cao hơn. Và đến địa thứ Tám mới chứng vô sanh pháp nhẫn, địa vị này ngang với A la Hán, tức là giải thoát sanh tử; ở địa vị này tâm hoàn toàn tịch diệt.

Đó là nấc thang của sự thay đổi tâm thức từ mê sang ngộ theo thứ lớp là như vậy.

Trở lại việc tu hành cụ thể của chúng ta; biết vọng liền buông hay biết vọng không theo là để chúng ta không dính mắc với vọng, với trần cảnh và cả hiện tướng đang hiển hiện qua sáu căn của chúng ta tiếp xúc hằng ngày; chớ không phải biết vọng là diệt vọng hay đình chỉ vọng để tâm trống không rồi ngỡ đó là chứng đắc. Khi chúng ta còn phân biệt “có” và “không” thì chúng ta buông vọng rồi trụ vào cái không, tưởng rằng không vọng là giải thoát thì lầm. Cách hiểu, không vọng là giải thoát, không vọng trong trường hợp này là không ngơ hoặc vô ký chớ không phải là giải thoát.

Khi buông vọng, đằng sau của mọi hoạt động chấp tướng lặng dứt thì tâm an định, tâm an định đúng phải là định huệ đồng thời, hay chỉ quán hợp nhất. Không còn tâm chấp ngã nhưng không phải là không tâm mà là tâm nền tảng hiển lộ. “Vọng hết chơn hiện” 

*Thứ hai,

Phải biết tâm là tánh Không và quang minh không hai.

Chúng ta không biết rằng tâm là không hai giữa tánh Không và quang minh (Tịch Chiếu bất nhị); khi tâm chúng ta còn đứng trên nhị nguyên phân biệt có động có tịnh, chúng ta hiểu sai về tâm thanh tịnh thường nêu trong kinh điển. Chúng ta thông thường nghĩ tâm thanh tịnh chỉ một bề lặng dứt, bặt niệm. Nhưng thật ra, định tâm đúng là nó phải biểu hiệu của lặng dứt và sáng tỏ đồng thời hiện.

Thông thường các vị thầy hay dạy niệm Phật để được tâm thanh tịnh, hay trong Kinh Duy Ma Cật dạy: “Tâm tịnh thì cõi nước thanh tịnh” hay trong Kinh Lăng Nghiêm nói là “Thanh tịnh bản nhiên”. Thanh tịnh ở đây là tâm thanh tịnh nhưng đồng thời tâm phải sáng tỏ, chớ không phải nói một bề tịnh.

Tâm thức chúng ta khi biểu hiện có hai đầu: động và tịnh. Động là nói lên tâm khởi tưởng, tâm lăn xăn, tâm viên ý mã; tịnh là đối với động, tướng của tịnh là sự lặng dứt hết những xao động vừa nêu. Hai tướng động tịnh đó vẫn là biểu hiện của bề mặt tâm thức, còn thanh tịnh bản nhiên là không gian của tâm sinh ra hai thứ động tịnh trên. Cho nên, thanh tịnh bản nhiên là nền tảng của động và tịnh, thanh tịnh bản nhiên luôn luôn có mặt khi tâm chúng ta động hoặc khi tâm chúng ta tịnh. Chạy theo tướng động tịnh thì đánh mất tâm bản nhiên còn ở ngay tâm bản nhiên thì chính nó là biểu lộ khi động hoặc khi tịnh.

Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn có dạy: “Người kiến tánh thì cầm gươm ra trận cũng không rời bản tánh”. Hay Lục Tổ dạy “Đạo vốn thông lưu không trệ ngại”. Hoặc chỗ khác ngài dạy: “Huệ Năng không có tài, trăm việc đều lo nghĩ, đối cảnh tâm thường khởi, Bồ đề không có gì lớn”. Cho nên chúng ta thấy, thanh tịnh bản nhiên là nền tảng, khi an trụ lâu trong đó chúng ta thấy các tướng động tịnh đều sanh ra không ngoài nền tảng thanh tịnh bản nhiên này; vì vậy trong tướng động và tướng tịnh lúc nào thanh tịnh bản nhiên cũng hiện hữu đối với người thấy tánh. Thanh tịnh bản nhiên là thanh tịnh sống động.

“Mặc như lôi” (Im lặng sấm sét, im lặng sóng động)

Mặt khác, thanh tịnh và sáng tỏ là hai yếu tố không rời của một tâm giải thoát. Lục Tổ có một chương Định Huệ để nói lên điều này. “Nầy thiện tri thức! Pháp môn ta đây lấy Định Huệ làm căn bản; Định và Huệ là một thể, chẳng phải là hai, ngay lúc huệ thì định ở trong huệ, ngay lúc định thì huệ ở trong định. Nếu biết nghĩa ấy tức Định Huệ đồng học”

Do chúng ta không biết rằng thanh tịnh và sáng tỏ là không rời, chúng đồng khởi đồng hiện trong một tâm giải thoát và trong kinh điển nói đến tâm thanh tịnh tức là nói đến sự không hai này của Tâm. Chúng ta không hiểu tính không hai của Định và Huệ cho nên đó cũng là một cái thấy, một định hướng sai trong tham thiền của mình.

Người mới tu vì sống trong tâm vọng tưởng luôn luôn xao động không ngừng, nên tưởng rằng khi tâm không động vắng bặt những tư tưởng, những vọng niệm là giải thoát; chính vì định hướng như vậy cho nên người tu cố dẹp vọng tưởng. Trong thuật ngữ chúng ta thường dùng là công phu theo lối trừng tâm, hay kiểu mèo rình chuột. Tức là mỗi mỗi ta luôn luôn trông coi vọng tưởng không cho nó khởi, hay đây là cách công phu lấy đá đè cỏ; khi chúng ta có công phu vọng tưởng không khởi, nhưng khi rời khỏi thời công phu thì tâm lại khởi tưởng trở lại.

Từ suy nghĩ giải thoát là vắng lặng, dừng dứt, chúng ta lại có cái nhìn sợ vọng tưởng hay chúng ta xem vọng tưởng là đối nghịch với thanh tịnh. Hành giả sợ cảnh động, chỉ hướng vào cái tịnh để giữ cho tâm được tịnh, nào ngờ chúng ta cố tạo ra một cái tịnh gọi là tịnh vọng (Thanh tịnh do tạo tác của tâm thức); người tu giữ cái tịnh đó cho là cứu cánh, còn gọi là thủ tịnh.

Do không hiểu sự Bất nhị giữa thanh tịnh và sáng tỏ của tâm nên chúng ta tu một thời gian chúng ta sẽ bị bế tắt không có lối ra; trong nhà thiền gọi là nước chết. Hành giả thường sợ cảnh động, những điều trái ý dễ nổi nóng; lãnh đạm với cuộc sống, tâm không sáng, ngờ nghệch như người mất hồn quên đầu quên đuôi, cơ thể bị trệ ngại dễ sinh bệnh. Lỗi do chúng ta chỉ tu thiên về Chỉ mà thiếu Quán nên tâm không tương ưng với bản tánh của tâm là Chỉ Quán đồng thời. 

*Thứ ba,

Khởi tưởng là dặc tính của tâm, tâm như biển cả và biển cả bao giờ cũng có sóng.

Khi tâm khởi tưởng nếu mê lầm thì khởi tưởng là vọng tâm; nhưng nếu ta nhận diện được nguồn của khởi tưởng thì chính khởi tưởng là giải thoát, thậm chí khởi tưởng còn tự giải thoát.

Vấn đề khó khăn của chúng ta ở đây là làm thế nào để nhận ra nguồn gốc khởi tưởng, chớ không phải đè bẹp khởi tưởng cho nó lặng dứt rồi lầm nhận đó là giải thoát. Khi ta có ý đè bẹp hoặc dẹp vọng, tức là ta có tác ý hướng tịnh, người tu tạo ra tịnh vọng. Chúng ta đàn áp cái động để nhận ra cái trái ngược của động là tịnh, hai đầu động và tịnh đều là tâm tạo tác.

Chúng ta phải nhận ra sự thanh tịnh bản nhiên, sự hợp nhất của ChỉQuán là định huệ đồng thời; muốn vậy, chúng ta phải tịnh hóa tâm thức đúng để phát hiện chỉ và quán đồng thời. Khi đó, chúng ta sẽ nhận diện được Ông chủ. Muốn tịnh hóa tâm thức đúng chúng ta phải song hành hai pháp tu chỉquán hay tỉnh lặng song đôi trong tham thiền, con đường tu sẽ rất an toàn.

Nhân tu giống với tâm giải thoát quả sẽ là tâm giải thoát, hay nói theo kinh Viên Giác là chúng ta đang thực tập tùy thuận theo tánh Viên Giác.

Khi nhận biết chỉ quán đồng thời thì lúc này mọi khởi tưởng là ánh sáng của chỉ quán đồng thời, hay mọi khởi tưởng và các hình tướng là ánh sáng của tâm, chúng không phải là vọng tâm như khi mê lầm nữa.   

  CÁCH BIẾT VỌNG ĐÚNG 

Trong phần này trình bày bốn cách nhận ra bản tánh của tâm trong tham thiền biết vọng. 

  1. Biết vọng, ngay vọng là chơn hay biết trực tiếp bản tánh của tâm

Theo Kinh Viên Giác: “Tri Huyễn tức ly, ly huyễn tức giác” (biết huyễn tức lìa, lìa huyễn tức giác – không khởi thứ lớp); đây là cách biết vọng thẳng tắt nhất và chính nó là cách phù hợp với tông chỉ của Thiền tông – trực chỉ nhân tâm. Ngay nơi vọng là tánh giác, chúng đồng hiện trong tham thiền.

Trong Kinh Kim Cang có câu: “Nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai” (Nếu thấy tất cả tướng chẳng phải tướng, tức thấy Như Lai) Đây cũng là cách biết vọng trực tiếp, vọng tức là Tánh giác.

Theo căn bản thứ hai trong kinh Lăng Nghiêm: “Chân Tâm vốn sáng soi của ông hiện giờ, hay sanh các duyên nhưng ông lại duyên theo các tướng duyên đó mà bỏ quên nó”. Ngay nơi các duyên nhận ra Chân tâm vốn sáng, hay vọng tâm là biểu hiện nơi Chân tâm vốn sáng này; ngay nơi vọng tâm tức Chân tâm.

Lời khai thị của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn: “Người kiến tánh khi cầm gươm ra trận cũng không rời bản tánh”. Ngay nơi tướng tức là tánh “sắc tức thị không, không tức thị sắc”; hiện tượng chính là bản thể, bản thể biểu hiện hiện tượng, hiện tượng và bản thể đồng hiện. Cho nên với người căn cơ phù hợp sẽ thấy tất cả tướng không ngoài Tánh, tất cả vọng chính là Chủ. Vọng ở đâu là Chủ ở đó, tất cả vọng là tất cả Chủ. Toàn vọng là toàn Chơn.

Thiền sư Việt Nam sơ tổ dòng Vô Ngôn Thông là Cảm Thành khi được hỏi:

_ Thế nào là Phật?

Ngài đáp:

_  Ở khắp tất cả chỗ.

_Thế nào là tâm Phật?

Ngài đáp:

_ Chưa từng che dấu.

Tóm lại, kinh điển rất nhiều chỗ khai thị trực chỉ Tâm giải thoát này, và các vị thiền sư ứng dụng nó để khai thị cho người học thiền rất nhiều trong Ngữ lục.

Vì tính trực chỉ như vậy cho nên những hành giả có căn cơ phù hợp, có tâm tương ưng mới đảm đương mới thể nhập được; tức là, phải thấy trực tiếp Tánh giác. Ngài Lạt Ma Thứ 14 có nói về sự nhận diện tánh Không ở nơi các hiện tượng là “như nước hòa với nước”, thấy trực tiếp tánh Không phải ngay nơi tướng là tánh, như nước hòa với nước, không qua thứ lớp.

Nếu căn cơ hành giả không thể thẳng tắt đốn ngộ như trên thì chúng ta sẽ theo con đường tiệm tu, như trình bày sau đây. 

  1. Biết tất cả đều vọng là cơ hội nhận ra cái biết chưa từng vọng

Như thế nào là biết vọng? Nguồn gốc của vọng xuất phát từ lầm chấp thân và tâm này là một chủ thể, biết vọng là biết chủ thể lầm chấp này là vọng.

Ở đây, thân và tâm hiện hữu như mọi pháp khác hiện hữu; Sự hiện hữu này như Kinh Pháp Hoa nói rằng: “Các pháp trụ pháp vị tướng thế gian thường trụ”. Các pháp vốn giải thoát, thân tâm của chúng ta vốn giải thoát; chúng ta tu hành để nhận ra sự lầm chấp mà chúng ta tưởng ra và mặc định trên thân tâm vốn đã giải thoát này.

Như vậy, thân và tâm không có lỗi, chỉ có lỗi bởi ta lầm chấp nó là mình, chúng ta tạo ra một cái ta đại diện cho thân và tâm để chỉa cách mình với thế giới bên ngoài; đồng hoá cái thấy lưu xuất từ tâm giải thoát vốn giải thoát thành ra cái thấy có mình thấy, từ đây mà có ta có người, có ta có thế giới; sanh tử hình thành ở trong thế hai mặt của cuộc sống diễn ra do lầm chấp như vậy.

Cho nên kinh Lăng Nghiêm dạy: tri kiến lập tri tức vô minh bổn, tri kiến vô kiến tư tức Niết bàn. Trên thấy biết mà lập cái thấy biết là gốc vô minh, trên thấy biết mà không lập cái thấy biết tức (là) Niết bàn.

Biết vọng như thế nào?

Biết được vọng là biết được sự lầm chấp cho là thân và tâm thật có một cái tôi đại diện cho nó, sự lầm chấp này là vọng. Trên cái thấy vốn đã giải thoát, tự chúng ta tạo nên cái ta thấy trói buộc và nó tách riêng ra khỏi toàn cảnh. Khi tách riêng ra thì hình thành nhị nguyên có ta và có thế giới, chúng ta tự tạo mâu thuẫn do lầm chấp và chúng ta lặn ngụp trong cái nghiệp lầm chấp đó. Chỉ cần thấy biết mà không có ta thấy biết thì thấy biết sẽ trở về cái thấy biết giải thoát.

Hành giả thực hành tu tập trong giai đoạn này rất khó khăn, vì bắt đầu thực tập đảo lộn của sự nhận thức, người tu phải tập đứng trên một vị thế Vô tâm để phán xét mọi sự dính mắc của mình.

Cụ thể về thân, chúng ta phải xem xét thân là sự hợp tạo của tứ đại đất nước gió lửa. Không có một cái thân thường có mà do nhiều yếu tố hợp thành… hành giả phải quán xét đến tận cùng để nhận ra chúng ta chấp thân này thật có là sai lầm.

Với tâm, người tu phải dựa vào hai pháp tu chỉquán; chúng ta tỉnh thức biết tâm khi nó khởi vọng, có thể đầu tiên vọng liên tục hành giả chỉ nhận biết tâm chúng ta như khỉ như vượn, không ngớt khởi diệt, hết nghĩ chuyện này lại nghĩ chuyện khác, tâm như một dòng chảy luôn luôn nối tiếp những niệm tưởng.

Khi vọng tâm quá mạnh chúng ta lui về cột tâm vào một đối tượng như việc theo dõi hơi thở, hoặc đếm hơi thở, hoặc niệm Phật, như chúng ta đã thực tập ban đầu, khi vọng tâm tương đối yếu hành giả lại tiếp tục quán tâm. Nguyên tắc là: nhận biết vọng hay tỉnh thức khi có vọng khởi là quán và nhận biết vọng không khởi tâm theo vọng là chỉ.

Người tu kiên trì như một quan sát viên chỉ thuần quan sát mọi sự đang diễn ra đối với khả năng nhận biết của mình. Hay như một người gác cổng, vọng tưởng đến và đi qua chúng ta như qua một cái cổng, chúng ta an trú trong tỉnh thức nhận biết từng vọng niệm mà không có tác ý yêu ghét thủ xả. Như người gác cổng, không có một vọng niệm nào đi qua mà người gác cổng không nhận biết, nhưng người gác cổng vẫn tọa vị nơi mình đang làm việc mà không theo một niệm nào rời khỏi cái cổng mà mình gác. Chúng ta không đem cái ta chen vào trong tu tập.

Như một tấm gương, tâm người tu phản ánh tất cả các vọng tâm mà không đánh mất sự tỉnh thức của mình theo các bóng hiện ra trong gương tâm.

Đối tượng quan sát là tư tưởng và công phu tương tục là để tập sống trở lại khả năng nhận biết của tâm; khả năng này khi mới thực hành biết vọng là nhận biết nhưng vẫn còn có tác ý.

Nhưng khi ánh sáng của tâm được thường xuyên đánh thức, hành giả thay đổi mình thành một lối sống mới, tỉnh giác với tâm hơn. Và cho đến một lúc nào đó, túc duyên đủ, hành giả quên rằng mình đang tác ý tỉnh giác mà tỉnh giác tự có.

Trực nhận ra điều đó; tức là nhận ra xưa nay mình đã có cái thấy tỉnh giác này, không cần phải cố gắng để biết vọng mà tâm tự biết; đó là mình đã có kinh nghiệm về cái thấy Vô tâm, mình đã kinh nghiệm về tâm giải thoát.

Tâm giải thoát là Vô tâm nên nó có thể biết tất cả tâm, tất cả cảnh, tất cả sự. 

  1. Biết vọng từ tỉnh thức chuyển thành Tánh giác 

Khi tham thiền biết vọng, chúng ta sẽ thấy vọng và biết đồng hiện; dù có trùng trùng vọng đi nữa mà không có khả năng nhận biết thì có bao nhiêu vọng cũng như không có.

Cho nên biết vọng là: vọng cùng với biết đồng hiện, có bao nhiêu vọng là có bao nhiêu biết, trâu ở đâu thì thằng chăn ở đó. Theo khuynh hướng này hành giả sẽ không sợ vọng, mà chính vọng là cơ hội cho tỉnh thức hiện hữu. Tỉnh thức và vọng ở đây chính là mặt trăng thứ hai theo kinh Lăng Nghiêm, mặt trăng thứ hai không khác mặt trăng thật, mặt trăng thứ hai kế bên mặt trăng thật, hay mặt trăng thứ hai chính là mặt trăng thật đối với người đã thấu được bản chất của tâm.

Chúng ta để ý thấy, vì chạy theo vọng cho nên chúng ta quên đi tỉnh giác chưa bao giờ thiếu vắng. Chính nhờ thức tỉnh mình cho nên hành giả sẽ nhận ra cái mà mình đã bỏ quên đó là khả năng nhận biết. Sự nhận biết này luôn luôn có mặt, đồng hiện cùng với vọng, cả hai cái biết và người biết nó là mặt trăng thứ hai trong kinh Lăng Nghiêm.

Phật dạy trong Kinh Lăng Nghiêm: “Tánh thấy mầu sáng này cùng các thứ không, trần cũng lại như thế. Vốn là Chân Tâm Bồ Đề Vô Thượng, tròn sáng, mầu sạch mà lầm nhận cho là sắc, không cho đến các thứ thấy, nghe. Như mặt trăng thứ hai. Hai mặt trăng ấy, cái nào là mặt trăng thật, cái nào chẳng phải là mặt trăng? Văn Thù! Chỉ có một mặt trăng thật, trong đó tự không có cái “tức là” mặt trăng hay cái “chẳng phải là” mặt trăng!” (Trích trong Kinh Lăng Nghiêm, Phần thứ năm, Tánh Thấy Không Có “Phải” hay “Chẳng Phải”)

Tham thiền đến khi túc duyên đủ, chỉ cần “à” ra một tiếng, tỉnh thức và đối tượng của tỉnh thức chính là biểu lộ của mặt trăng thật hay cái thấy và vọng  bị thấy tiêu dung vào một vị tánh giác. Chúng ta tham thiền ở trong mặt trăng thứ hai; thời gian tỉnh thức trong mặt trăng thứ hai này miên mật là có “tin vui”. Trong Kinh Tứ Niệm Xứ, hành giả tuệ tri các pháp ít nhất trong bảy ngày thì Chánh Trí hiện. Chúng ta trong nhiều ngày miên mật không dính mắc và chạy theo vọng và cảnh; chỉ ở nơi tỉnh thức của tâm đang nhận diện tâm và cảnh. Miên mật công phu về tâm tỉnh thức này trong nhiều ngày, khi hành giả quên công phu này mà vẫn thấy mình tự tỉnh thức; chúng ta sẽ nhận ra Ông chủ như thế nào. Chủ là Vô tâm mà sáng tỏ, chủ là không có ai làm chủ chỉ có sự sáng tỏ của tâm như ngài Huệ Khả thưa cùng Tổ Bồ Đề Đạt Ma: “Rõ ràng thường biết, nói không thể đến” 

Ở đây, biết vọng cho ta thấy một lối tu chủ động; lấy quán chiếu làm chủ; tức là biết vọng đi từ tỉnh thức cho đến tánh giác. Tỉnh thức là mặt “quán” của tâm, không chạy theo vọng chỉ an trú trong tỉnh thức đang hiện hữu đó là “chỉ” của tâm. Trên vọng tâm, chúng ta trở về ánh sáng của tâm, miên mật nhận biết tâm đang đồng hiện cùng với vọng (Mặt trăng thứ hai) và đủ duyên chúng ta sẽ chợt nhận ra mặt trăng thứ hai chính là mặt trăng thật không hai không khác.

Phóng chiếu và nguồn của phóng chiếu là không hai, biểu hiện của tâm và bản tánh của tâm là bất nhị. Mau hay chậm từ mặt trăng thứ hai tới mặt trăng thật không có thời gian, người căn cơ nhanh có thể ngay cái thấy tức là bản tánh (sắc tức thị Không), còn người căn cơ chậm phải một phen thoát ra khỏi sự tác ý dựa dẫm vào cái thấy này. Biết rõ con đường như vậy chúng ta an tâm thực hiện, còn việc khi nào chúng ta thật thấy là do nổ lực và phước đức của mỗi người khi nào túc duyên đủ thì nhận ra bản tánh của tâm..

  1. Biết vọng thoát khỏi sự che chướng của vọng tâm, thấy giải thoát ở khoảng hở giữa hai tư tưởng. 

Nhận ra cái thấy giữa hai tư tưởng được các vị thầy khai thị trong truyền thống thiền Tông và truyền thống thiền Tây Tạng.

Chúng ta biết, che chướng là vọng tâm, chúng luôn khởi diệt trong tâm của người tu. Người tu tham thiền để nhận biết chúng, thay vì như trước kia, chúng ta để mặc cho vọng tưởng tung hoành và phụ thuộc vào nó, xem nó là mình. Nhờ tham thiền biết vọng trong một thời gian, tùy căn cơ mỗi hành giả mà có người mau có người chậm thay đổi; vọng tưởng thưa dần theo thời gian thực hành.

Đến khi, người tu nhận ra tư tưởng không còn tương tục như một dòng thác kín không kẻ hở; mà tư tưởng khởi và diệt thưa ra, giữa hai lần khởi diệt của hai tư tưởng có một khoảng hở, đó là khoảng hở giữa hai tư tưởng. Ở khoảng hở giữa hai tư tưởng này tâm hành giả không có niệm tưởng, tâm sáng tỏ. Đây là tâm nền tảng, tâm ở trạng thái an định, tâm không có tư tưởng.

Chúng ta phải trực tiếp nhận diện ra tâm nền tảng này trong tham thiền, khi đã một lần kinh nghiệm về nó, chúng ta phải ráo riết thực hành để thường xuyên kinh nghiệm về khoảng hở giữa hai tư tưởng này; cho đến khi thật xác quyết về nó, thật quen biết về nó trong tham thiền của mình.

Cái thấy này (khoảng hở giữa hai tư tưởng) rất quan trọng vì nó thật nhất từ khi hành giả thực hành cho đến giờ, chúng ta phải thường xuyên tiếp cận được nó trong tham thiền, dần dần làm quen với cái thấy này, và mở rộng nó ra theo sự thực hành các hạnh của mình trong cuộc sống.

Tiến thêm một bước nữa, khi không có khởi tưởng chúng ta ở trong lặng lẽ và sáng tỏ. Khi tư tưởng khởi trở lại, chúng ta chỉ thấy khởi tưởng, hay khởi tưởng đang xảy ra trong lặng lẽ sáng tỏ? Khi khởi tưởng lặng dứt, chúng ta trở về lặng lẽ và sáng tỏ.

Lần thứ hai, cũng ở trong lặng lẽ và sáng tỏ, khi tư tưởng khởi, chúng ta cũng nhận thấy tư tưởng khởi nhưng không ngoài lặng lẽ và sáng tỏ, khi khởi tưởng diệt chúng ta vẫn lặng lẽ sáng tỏ.

Nếu cả ba thời, lặng lẽ và sáng tỏ là nền tảng luôn hiện hữu, chúng ta đã thật sự nhận ra bản tánh của tâm như trong kinh Bát Nhã dạy: “Không sinh không diệt, không dơ không sạch, không thêm không bớt”.

Chỉ vắn tắt đôi câu, như chỉ ra ở trên nhưng trong thực hành từ tâm rỗng rang sáng tỏ dừng dứt cả tư tưởng mà chuyển sang tư tưởng khởi không ngoài tâm nền tảng sáng tỏ là cả một quá trình thực hành rất nhiều lần mới xác quyết được tâm nền tảng.

Ngoài ra, một yếu tố mà ít ai biết được, những người bản tánh cầu toàn, người tốt nhưng có tính sòng phẳng, thiếu lòng từ vì người, thiếu cởi mở, thì rất khó thấy được khởi tưởng cũng giải thoát. Bởi vì, bản tính cầu toàn luôn luôn an trú trong tâm lúc an định mà không thể mở tâm ra được. Tâm lượng của bạn quyết định bạn có nhận ra bản tánh của tâm khi khởi tưởng hay không, nếu bạn là người tâm lượng hẹp thì bạn chỉ biết bản tánh của tâm khi an định.

Ngoài ra, với những người căn cơ bình thường, thực hành biết vọng như đã nêu, dựa trên hai pháp tu chỉquán, thực hành theo thời gian, tâm thức chúng ta sẽ được tịnh hóa; tâm thức mệt mỏi, không còn mạnh mẽ như lúc ban đầu.

Đến thời điểm nào đó trong tu hành, tâm thức bị sụp đổ, cả hai: người biết vọng và vọng bỗng nhiên tiêu mất. Chúng ta rơi vào trạng thái theo thiền Đại Ấn của Tây Tạng gọi là: lạc, sáng tỏ, vô niệm.

Ba yếu tố lạc, sáng tỏ, vô niệm là quả của việc chúng ta đã tu nhân ban đầu đủ chỉquán. Rõ ràng nhất là tâm không có niệm, tâm rỗng rang nhưng tâm sáng tỏ, tâm trong suốt sáng tỏ, tạm dùng ngôn ngữ đễ diễn tả, chỉ khi nào người tu trực nhận ra nó trong tham thiền thì hàm nghĩa mới đầy đủ; còn lạc là phương diện phụ thuộc của tâm này, vì khi chúng ta thoát khỏi sự che chướng của tư tưởng phúc lạc của sự nhẹ nhàng sẽ hiển hiện.

Công phu được như vậy, hành giả phải ráo riết tham thiền, cắt mọi duyên bên ngoài để có thể tương tục làm quen với cái thấy này, càng dễ tái lập được với Nó thì hành giả xác quyết càng rõ về tâm giải thoát. Nhập thất trong giai đoạn này là tốt nhất.

Mặt khác, cũng không nhất thiết sự sụp đổ tâm thức xảy ra trong lúc đang ngồi thiền trên bồ đoàn, mà trong sinh hoạt hằng ngày; đủ duyên, hành giả sẽ nhận ra tâm mình thoát khỏi mọi che chướng.

Cái thấy này có thể xảy ra bất ngờ ở mọi lúc mọi nơi, mọi công việc; có khi do một tác động bên ngoài như: người xưa gánh nước bị gãy đòn gánh, khi nghe trời sấm chớp; hay buổi sáng trên đường đến sở làm, hay khi lao tác trong chùa, hoặc sau một thời kinh tụng, hay sau một thời sám hối, khi lễ Phật, hay bất ngờ được một vị thầy trực tiếp khai thị, lúc thư giản không bận rộn với việc gì, khi tự do ngồi lặng lẽ một mình, hoặc nhất là trong các kỳ nghĩ sau một thời gian làm việc … mỗi mỗi thời gian, không gian, sự sụp đổ của tâm thức đều có thể xảy ra đối với người có công phu tu tập miên mật.

Thông thường kinh nghiệm về tâm giải thoát thường xảy ra trong tu hành với người lúc tinh tấn ráo riết, thực hành thật miên mật, rồi xen kẻ vào đó là thời gian thư giãn nới lỏng, những lúc nới lỏng này kinh nghiệm về tâm thức thường bất ngờ xảy ra.

Với chúng ta, quan trọng nhất là xác quyết cái thấy khi trạng thái thoát khỏi sự che chướng của tâm thức; hành giả phải nhận ra như thế nào là tâm khi thoát khỏi tư tưởng; và rộng hơn phải thấy cái gì là thường còn chưa từng thiếu vắng dù tâm có khởi có diệt, cái gì là nền tảng của tâm thức, cái gì là nền tảng của tâm khi an định và khi có tư tưởng?

Người tu thấy được chánh nhân nhờ vào khoảng hở giữa hai tư tưởng, nhờ vào tâm khi có: lạc, sáng tỏ, vô niệm, nhờ những lúc tâm thức sụp đổ…

Một số hành giả chú ý vào sự an lạc của tâm, cảm nhận này thường xảy ra khi chúng ta đến những nơi như chùa chiền, gặp những vị thầy tôn kính, gặp bạn bè là những người tu hành nghiêm chỉnh. Chúng ta chú ý vào sự thanh tịnh của tâm hay sự an lạc, đây là một biểu hiện tốt của tâm nhưng nó chỉ là một trạng thái, chúng ta không nên chấp nó mà tưởng là bản tánh của tâm.

Một số hành giả chú ý vào sự rỗng rang, vô niệm của tâm đây cũng là khuynh hướng chú tâm vào thanh tịnh, cũng là một định hướng không đúng.

Tâm là sự hợp nhất của thanh tịnh và sáng tỏ, hay theo từ ngữ chuyên môn là tánh Không và quang minh. Hai yếu tố này của tâm, chúng đồng khởi nơi khoảng hở giữa hai tư tưởng, hoặc khi hành giả thoát khỏi che chướng của tâm, nó Vô niệm nhưng đồng thời sáng tỏ.

Chúng ta xác quyết tâm này khi không có tư tưởng nhưng phải nhận thấy nó cũng hiện diện khi có tư tưởng và khi có các hình tướng, nghĩa là khi thấy được bản tánh của tâm thì mọi lúc mọi nơi bản tánh của tâm luôn luôn hiện diện, dù khi không hoặc có tư tưởng, không hoặc có các hình tướng, chúng ta phải thấy được sự thường trụ của Tâm.

Đây là tâm mà hành giả phải xác quyết nó trong kinh nghiệm tham thiền của mình. 

  1. CHIỀU KÍCH CỦA TÂM NỀN TẢNG XÁC QUYẾT BẢN TÁNH CỦA TÂM

Phần này nói lên cách thực hành để nhận ra tầm cở không giới hạn của bản tâm. Nó giống như thiền định là làm quen với bản tánh của tâm như trong Đại Ấn hay Đại Toàn Thiện dạy về: cái thấy, thiền định, và hạnh. Nó nâng cấp và mở rộng cái thấy đầu tiên đã được khám phá.

Từ đầu đến giờ chúng ta khảo sát tâm theo khuynh hướng tịnh hóa tâm thức để cho tâm trở về như nó là, hay trong nhà thiền thường gọi là: “Tâm trước khi cha mẹ chưa sanh”.

Nhưng mặt khác tâm hành giả không phải là một tâm chỉ an vị trong lặng lẽ sáng tỏ như một mặt biển không có sóng. Tâm luôn luôn khởi tưởng, và chúng ta cũng thường xuyên phải tiếp duyên xúc cảnh, người tu không thể ẩn cư hay sống cô tịch để tu hành ở trong lặng lẽ sáng tỏ, không thể tịch tĩnh mãi được, chúng ta phải hòa nhập với cuộc đời, phải thực hành Bồ tát đạo, đem những hiểu biết của mình để chia sẽ với những người đang mê lầm nhằm đền ơn Phật, ơn thầy Tổ. Vì vậy hành giả phải xác quyết một lần nữa về tầm cỡ của tâm giải thoát này; là nhận ra giải thoát không phải chỉ có an vị trong tâm lặng lẽ và sáng tỏ mà ngay khi khởi tưởng cũng không ngoài lặng lẽ và sáng tỏ; hay khi tiếp duyên xúc cảnh, cảnh cũng giải thoát vì tất cả đều là biểu lộ của tâm.

Hành giả sẽ nhận ra chiều kích của tâm giải thoát: tất cả đều là giải thoát hay như trong Kinh Kim Cương nói: “Tất cả pháp là Phật pháp”. Tất cả đều là Chủ, tất cả không ngoài Chủ, Chủ ở đây là Pháp giới một tướng theo kinh Hoa Nghiêm.

*Hậu thiền định

Phương pháp thực hành này, theo thuật ngữ Phật giáo Tây Tạng gọi là Hậu thiền định, chúng ta khảo sát phương pháp này coi như thế nào?

theo Phật giáo Tây Tạng, khi nói đến hậu thiền định, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến những gì diễn ra sau một thời ngồi thiền, sự thật, hậu thiền định ở đây không nói theo nghĩa thông thường như vậy.

Hậu thiền định không có nghĩa là hành giả rời bồ đoàn, xả thiền mới có hậu thiền định; ngay khi tham thiền trên bồ đoàn chúng ta đang sống bằng năng lực của chỉ quán hợp nhất, lặng lẽ và sáng tỏ của tâm đang hiện hữu. Hành giả chủ động khởi tưởng, tư tưởng chúng ta nhắm vào để khởi bật lên là một vấn đề thật quan trọng có tác động lớn đối với mình. Chúng ta quan sát tâm trong lúc đang khởi tưởng này. Mình có bị dính mắc vào khởi tưởng này hay không, hay chúng ta thấy khởi tưởng cũng không ngoài lặng lẽ và sáng tỏ?

Nếu khi khởi tưởng mà đánh mất lặng lẽ và sáng tỏ thì hành giả phải thực hành củng cố tâm trở về cái thấy lặng lẽ sáng tỏ, thật xác quyết về nó; rồi từ sự an định đó chúng ta tiến hành khởi tưởng trở lại như đã nêu.

Thực hành đi thực hành lại nhiều lần, khi nào nhận biết được khởi tưởng không ngoài lặng lẽ và sáng tỏ thì thành công.

Chúng ta phải xác quyết điều này trong tham thiền; người tu nhận ra năng lực Chủ không phải khi tâm vắng bóng niệm tưởng mà năng lực này cũng có mặt khi có khởi tưởng, lúc đó, chúng ta mới nhận biết được hậu thiền định.

Khi đã có hậu thiền định là chúng ta thấy được sự tương tục của tâm giải thoát. Bởi vì, cả ba thời: khi chưa có khới tưởng khi có khởi tưởng và khi khởi tưởng lặn dứt chúng ta đã chứng nghiệm một vị duy nhất tương tục của tâm.

Từ đây về sau bất kỳ trạng huống hoàn cảnh nào của tâm, bất kỳ không gian thời gian nào chúng ta chỉ cần nhớ lại là nó ở ngay đó, vì xưa nay nó chưa tửng rời mình. Đó là chúng ta đã giáp mặt với thực tại, và việc thực hành tu hành chỉ là quên hay nhớ mình đang là thực tại hay không mà thôi.

Một điều bất ngờ với người tu là: vọng tưởng trước kia che chướng tâm chúng ta, bây giờ vọng tưởng là sự sống động của tâm; khởi tưởng là biểu hiện của tâm giải thoát. Chủ: dung nhiếp vọng tưởng chớ Chủ không đối nghịch, thù địch với vọng tưởng. Khi biết được nguồn tâm, biết được Chủ thì chính khởi tưởng là sự biểu lộ của Chủ. Ngay trước khi sanh khởi, khi sanh khởi và khi lặn dứt ba thời của khởi tưởng chỉ là Chủ.

Phương pháp thực hành tham thiền như trên là chúng ta đã thực tập Chân Không Diệu Hữu, hay Tự Tánh Khởi Dụng.

Vì hậu thiền định có thể thực tập ngay khi tham thiền trên bồ đoàn. Cho nên tham thiền theo cách này mang tính năng động bởi vì chúng ta chủ tâm khám phá phần còn lại của tâm (phần vọng tưởng mà ngay lúc đầu chúng ta phải tịnh hóa nó để có cơ hội thấy Chủ ở giữa hai tư tưởng); bây giờ, chúng ta chủ động tham thiền trực tiếp vào nó, nhận diện ra bản tánh của khởi tưởng cũng là giải thoát; đây là phương pháp trang bị cho hành giả tu Bồ tát hạnh.

Ngoài ra, Phật giáo Tây Tạng dạy là: tư tưởng tự giải thoát. Nếu chúng ta thực hành kinh qua các bước trên chúng ta chứng thực được một tư tưởng sanh ở đâu, trụ ở đâu, và lặn dứt ở đâu, chúng ta không còn sợ tư tưởng nữa, vì chúng ta nhận ra nó sinh ra rồi nó tự giải thoát trong nền tảng vô sanh.

Một lối tiếp cận hậu thiền định nữa là: khi hành giả đã thật sự xác quyết về lặng lẽ sáng tỏ đồng hiện trong tham thiền của mình; dù không chủ động hậu thiền định cũng xảy ra sau thời tham thiền. Người xưa mới nói tham thiền hay thiền định trong tất cả oai nghi là như vậy. Vì khi sức định đã có trong ngồi thiền thì khi xả thiền dư âm nó vẫn còn, dư âm này cũng là hậu thiền định. Dư âm này chính là tánh giác là cái thấy là sự sáng suốt thường trụ.

*Hậu thiền định xảy ra như thế nào? 

Khi hành giả an trú trong lặng lẽ và sáng tỏ, chúng ta đang sống bằng năng lực chủ khi tâm an định. Một điều khó thấy là khi chúng ta sống được với năng lực Chủ, sâu xa trong tâm chúng ta vẫn có một ý nghĩ duy trì cái thấy này. Vì nó là bộ mặt của giải thoát mà chúng ta chạm tới trong tham thiền, cho nên, chúng ta dù không muốn cũng mong nó luôn hiện hữu, chúng ta muốn an trụ vào nó.

Vượt qua! Chúng ta phải thư giãn cả cái thấy này, chúng ta không trụ chấp vào nó, phải vượt qua sanh tử và cả Niết bàn. Khi bạn không có tác ý trụ chấp, bạn thư giản, mặc cho tâm tự do, tâm hoang du, tâm sẽ khởi tưởng, khi tâm xao động mà bạn không mất định tâm, hay tâm vẫn hằng sáng suốt đó là hậu thiền định.

Luyện tập như vậy, chúng ta nhận thấy tham thiền của hành giả rất phóng khoáng, cởi mở, chủ động; và chúng ta thấy sự hợp nhất giữa tánh và tướng, giữa hiện tượng và bản thể, giữa sự năng động và tịch lặng, giữa cuộc đời sanh tử và giải thoát. Chúng ta sẽ nhận ra trong Bát Nhã Tâm Kinh dạy “sắc tức thị Không, Không tức thị sắc” là như thế nào! Nó thật sự hiện hữu trong tham thiền mà không qua ý niệm ngôn ngữ.

Khi đã có hậu thiền định, hay tự tánh khởi dụng trong tham thiền, hành giả sẽ mở rộng cái thấy này ở các hiện tướng bên ngoài. Các hiện tướng là: hình tướng, màu sắc, âm thanh, mùi hương.

Khi chúng ta nhìn thẳng vào một vật, theo thói quen chấp trước, chúng ta thấy có một người nhìn và vật bị nhìn. Nhưng với khả năng hiện tại, hành giả đang sống bằng năng lực Chủ. Lặng lẽ và sáng tỏ là Chủ, chúng ta sẽ thấy chính  các hình tướng hiển hiện trong tâm sáng tỏ như bóng hiện ra trong gương, bóng dù nhiều dù ít hoặc không bóng cũng không làm dừng dứt sự sáng tỏ của gương. Các hình tướng đang nhận thấy là sự hiển hiện của các bóng trong gương tâm lặng lẽ sáng tỏ. Bóng tức là gương, chúng ta thấy được Vô tình thuyết pháp.

Bài kệ truyền pháp của thiền sư Việt Nam, ngài Chân Nguyên (1647- 1726) nói lên tầm cỡ của Tâm giải thoát rất rõ ràng:

“Bày biện rõ ràng suốt cả ngày,

Đây là tự tánh mặc phô bày.

Sáu căn vận dụng chân thường thấy

Vạn pháp dọc ngang chính là Y”

(Hiển hách phân minh thập nhị thì,

Thử chi tự tánh nhậm thi vi.

Lục căn vận dụng chân thường kiến,

Vạn pháp tung hoành chánh biến tri.)

  1. NHẬN RA PHÁP GIỚI MỘT TƯỚNG, QUÊN HẾT CÁCH THỨC, PHƯƠNG PHÁP 

Khi hành giả đã qua hai lần xác quyết như thế nào là chủ và tầm cỡ của chủ. Công việc của chúng ta chỉ là tu hành và tinh tấn trên đường tu. Con đường tu của hành giả bây giờ đã thong dong, người tu không còn thắc mắc về Pháp nữa mà chỉ việc tập trung vào thực hành, thực hành đến đâu, thì giải thoát đến đó. Tuy nhiên, chúng ta được đào luyện như từ đầu là: hành giả phải dựa vào phương pháp này hoặc cách thức kia để tu, chúng ta vẫn thấy mình còn kẹt trong cách thức tu hành, còn dựa dẫm vào phương tiện tu hành.

Dù cho chúng ta đến giai đoạn chỉ nhận biết tâm giải thoát hiện hữu là cách tu đơn giản và tập trung nhất, chúng ta vẫn còn mắc vào phương pháp, cách thức. Tất cả: tâm, cảnh; mọi tư tưởng, hiện tượng được đưa vào con đường tu dù thuận hay nghịch để mở rộng cái thấy giải thoát này theo mọi hướng của cuộc đời; hành giả vẫn còn thấy chưa trọn vẹn trong cái thấy của mình.

Cho dến khi hành giả chợt nhận ra, tất cả đều đã giải thoát. Như trong kinh Pháp Hoa: “Các pháp trụ pháp vị, thế gian tướng thường trụ”. Tất cả đâu đã vào đó, tự các pháp đã giải thoát, mọi sự việc tự nó giải quyết ngay ở chính sự việc đó;

chúng ta không còn can dự vào mọi việc, không có gì để chinh phục, không có gì để sữa đổi, không có gì để tu hành, không có gì để khám phá; chúng ta an bình mà nhận ra mọi sự đã xong. Từ đây, như thiền sư Lâm Tế nói: “Tùy duyên tiêu nghiệp cũ, hồn nhiên mặc áo xiêm”.

Hay thầy ông, ngài Hoàng Bá hỏi ông khi được thầy cho phép ra giáo hóa:

Ông sẽ đi đâu?

Ngài Lâm Tế đáp:

–  Không về Hà Nam, cũng về Hà Bắc.

Chúng ta nhận ra Thỉ giác chính là Bản giác, nói theo Đại Thừa Khởi Tín Luận, hay như Phật giáo Tây Tạng gọi là Tịnh quang mẹ hòa nhập với Tịnh quang con.

Đến đây có thể quyết đoán rằng hành giả đã chắc chắn thấy Tánh. Chỉ có một vị giải thoát cho dù tập khí lâu đời vẫn còn ở người này nhưng nó cũng tiêu dong theo giải thoát, hay nó như những làn sóng gợn nơi mặt hồ tĩnh lặng của tâm, chỉ là tô thêm sự sống động của khuôn mặt giải thoát mà thôi.

Tất cả những dòng sông đều đổ về biển, vị của một giọt nước chính là vị của đại dương; tất cả bóng đều là gương. Hành giả vẫn tham thiền, niệm Phật, Trì chú, lễ lạy, cúng dường… các sinh hoạt thời khóa vẫn trôi chảy, vẫn đi làm việc của mình trong xã hội, vẫn giao tiếp với mọi người trong tương quan công việc; ngày ngày mặt trời vẫn mọc, và ngày ngày mặt trời vẫn lặn, bầu trời vẫn bao la như bao giờ… nhưng tất cả đều đã giải quyết xong, tất cả đã giải thoát; bạn có làm gì đi nữa thì bạn cũng giải thoát.

Đến đây, chúng ta tu hành nhưng chúng ta thoát ra khỏi mọi phương pháp, mọi cách thức.

Mọi sự hòa nhập vào dòng đời; tu hay không tu gì cũng không ngoài giải thoát, nhắm mắt mở mắt đều là Đạo; phiền não tức bồ đề, dâm nộ si là giải thoát, hành giả đã đủ lực để thực hiện làm lợi lạc cho mọi người với sự trang bị của vô úy. Bởi không có ai và không có việc gì ngoài giải thoát, cho nên cuộc đời dù có xảy ra thuận nghịch cũng giải thoát.

Chánh báo và y báo là một, không còn mâu thuẫn giữa chánh báo (mình) và y báo (thế giới sống chung quanh mình), vì một vị giải thoát đã xóa sạch mọi ngăn cách mâu thuẫn. Hành giả đã nhận ra Pháp Giới Một Tướng (Theo kinh Hoa Nghiêm)

Từ đây trở đi, việc tu hành của hành giả chính là tu hành cho người, như ngài Duy Ma Cật tuyên bố: “Tôi có bệnh là vì chúng sanh bệnh” vì tu hành là để làm lợi lạc cho người như một Bồ tát cho nên chính làm lợi lạc cho người khác là làm lợi lạc cho mình.

VII. PHẦN KẾT LUẬN

NHỮNG NHẬN XÉT CHUNG VỀ CÁCH THỨC TUTHIỀN BIẾT VỌNG 

Trong kết luận này gồm: 1. Nói về sự khác nhau của học giả và hành giả, 2. Về cái thấy trực tiếp, 3. Vấn đề bảo nhậm sau khi đã nhận ra ông chủ, 4. Thức tỉnh mình trong thực hành thiền để khỏi bị kẹt vào một ngã chấp mới, 5. Tu trên Phật tánh đã có sẵn (quả thừa), 6. Tham thiền có và không có nhập trụ xuất.

Qua những cách thức tham thiền biết vọng như đã nêu trên. Chúng ta có vài nhận xét như sau: 

*Thứ nhất,

Trong tham thiền, sự thực hành và biết rõ việc làm của mình trong phạm vi thực hành rất quan trọng. Người xưa nói: “Tu mà không học là tu mù, học mà không tu thì như cái đãy đựng sách”.

Người tu trong hoàn cảnh chúng ta hiện nay hay mắc vào một lỗi là: hiểu Thiền bằng sự nắm bắt của tâm thức, hiểu thiền thì nó chỉ là một mớ ngôn từ, trên đầu lại thêm đầu, mê lại càng mê; còn thực hành để nhận được thiền ngay nơi công phu của mình thì rất ít. Cho nên học giả thì nhiều mà hành giả thì ít.

Để tránh điều này xảy ra, chúng ta phải thực hành từng bước một theo khả năng của mình trong tu tập. Dựa theo các bước tham thiền, chúng ta tự biết đánh giá mình ở giai đoạn nào mà có công phu phù hợp để việc tu hành ngày càng tiến triển. 

*Thứ hai,

Thấy trực tiếp là thước đo hành thiền của một hành giả. Thấy trực tiếp chứng tỏ người tu không bỏ sự, chạy theo lý mà mình hiểu. Thiền sư Lâm Tế nói: “Nói được mà làm được là Tổ”. Câu nói khẳng định này cho chúng ta thấy tầm quan trọng của thực hành là như thế nào.

Khi bạn nhận được một lời khai thị từ một vị thầy hay từ kinh sách, lời chỉ dẫn này được bạn chiêm nghiệm và thực hành về nó cho đến khi nó hiển hiện nơi công phu thực hành của bạn thì bạn thấy trực tiếp nơi tâm của mình không nghi ngờ. Vì vậy điều tối quan trọng ở người tu là phải thấy trực tiếp, hay lý sự phải đi đôi.

Chính mình phải hòa vào dòng tu hành; chúng ta hòa nhập với Đạo chớ chúng ta không phải chỉ đứng bên ngoài mà hiểu Đạo. Thấy trực tiếp là kinh nghiệm về giải thoát, chúng ta sẽ tham thiền để cho kinh nghiệm này càng liên tiếp xảy ra và hành giả xác quyết về cái thấy, cho đến khi từ cái thấy trong tĩnh tại chúng ta mở rộng và khám phá cái thấy ở tâm khởi tưởng và các hiện tướng như âm thanh, mùi vị, màu sắc…Toàn tướng tức là Tánh.

Đến đây, có hai khuynh hướng xảy ra: một là, hành giả không thể thấy khởi tưởng và các hiện tướng là giải thoát. Chúng ta trụ chấp vào giải thoát của chỉ quán hợp nhất hay an trú vào sự an định của tâm, hay chúng ta trụ vào Ông chủ. Trong Kinh Đại Bát nhã rất nhiều lần Phật nhắc nhỡ Bồ tát phải nên tránh không rơi vào thừa Thanh Văn và Bích Chi Phật. Chúng ta dừng bước ở nơi đây, hành giả tham đắm vào tam muội. Chúng ta chứng đắc và giải thoát mà không thực hiện tiếp con đường Bồ tát.

Trong ngữ lục của Thiền tông, có rất nhiều chỗ nhắc nhở người tu không nên khởi tâm, hoặc cảnh báo khởi tưởng sẽ đánh mất Bản tâm. Các vị nhắc nhiều đến vô khởi nhằm sách tấn người tu đừng dính mắc vào khởi tưởng, chớ không phải đừng khởi tưởng là cứu cánh. Và có một số hành giả chỉ chú trọng vào sự dừng dứt của khởi tưởng, rồi tham thiền chỉ hướng tâm về nó; cuối cùng, rơi vào phạm vi giải thoát hẹp. Đây cũng là một sự hiểu lầm có khởi tưởng là đánh mất Bản tâm, họ không thật sự chứng nghiệm được chiều kích của Bản tâm là toàn thể pháp giới, tức là họ còn phải nhận ra bản tâm dung chứa tất cả những khởi tưởng, và các hình tướng, hay bản tâm chính là Pháp giới.

Thiền sư Dainin Katagiri một thiền sự hiện đại, Sư trưởng của trung tâm thiền Minnesota, ở Minneapolis Hoa Kỳ, thuộc tông Tào động định nghĩa Phật, Pháp, Tăng: “Phật là Pháp giới, Pháp là lời dạy của Pháp giới, Tăng là những người làm Pháp giới và giáo lý sống động trong cuộc sống.”

Với nền tảng là Pháp giới, tông chỉ của tông Tào động là “chỉ ngồi”, khi ngồi thiền chính hành giả ngồi Phật chớ không có một quá trình thành Phật nào khác. Vì vậy, tông Tào Động chủ trương suy nghĩ nhưng “suy nghĩ cái không suy nghĩ”. Và họ tham thiền để tiếp cận với Đạo cho đến khi thể nhập Pháp giới. Ở đây hành giả Tào Động cũng đi con đường thiền định “suy nghĩ cái không suy nghĩ” (Vô niệm).

Chúng ta thấy với cách thức như vậy tông Tào Động cũng tiếp cận được với Pháp giới; Khác chăng, hành giả có dung nhiếp được sự khởi tưởng và các hiện tướng vào công phu tham thiền hay không.

Nếu chỉ loại bỏ khởi tưởng và các hiện tướng để chứng đắc thì đó là thừa Thanh Văn, giải thoát hẹp, giải thoát ly thế gian.

Còn nhận ra khởi tưởng và các tướng cũng giải thoát đó là Bồ tát thừa, sẽ dẫn hành giả đến Phật thừa, giải thoát tại thế gian, giải thoát dung nhiếp được thế gian, giải thoát là Pháp giới.

Tâm luôn luôn sáng tỏ thấu suốt, và sáng tỏ và tánh Không là bất nhị, cho nên biểu hiện của Tâm sau khi đã chứng nghiệm chỉ quán hợp nhất, là sáng suốt không rời giải thoát; cho nên ngài Ca Diếp mĩm cười khi Phật đưa cành hoa sen lên trước chúng hội, và ngài được Phật thọ ký. Phương diện sáng suốt này được hỗ trợ bởi sự cởi mở của tâm, là tâm hạnh của Bồ tát; chính nó là Đại Quang Minh Tạng trong kinh Viên Giác và kinh Hoa Nghiêm. Chính nó là cách tiếp cận Pháp giới tánh, chính nó là Pháp giới.

Với Bồ tát thì sự chứng ngộ phải thấy được: bản tánh của tâm, thấy được bản tánh của khởi tưởng, thấy được bản tánh của các hiện tướng; kết lại, thấy được Pháp Giới Một Tướng.

Ngài Lục Tổ Huệ Năng dạy trong phẩm Bát Nhã: “Nầy thiện tri thức! Trí huệ quán chiếu trong ngoài sáng suốt, biết rõ bản tâm; mà biết rõ bản tâm, tức là gốc giải thoát”.

Thấy trong, thấy ngoài, biết rõ bản tâm; Cả ba là một, là Đại Quang Minh Tạng (kho ánh sáng lớn).

*Thứ ba,

Một câu hỏi mà người tu thiền lâu có kinh nghiệm trong tham thiền của mình hay thắc mắc là: tham thiền nhận ra ông chủ rồi, làm sao để bảo nhậm? Dựa theo các bước chứng nghiệm trong tham thiền như trên chúng ta nhận thấy:

Một là, nếu hành giả thủ tịnh, chỉ thấy được phần tướng tịnh của tâm do công phu dẹp vọng, đè vọng, đây là định tương đối; cho nên bảo nhậm là giữ cái không vọng. Đây là tướng tịnh, tướng vắng lặng của tâm, người tu đã lạc hướng trong tham thiền; công phu bế tắt. Phải tìm thiện tri thức để định hướng lại cái thấy, nhằm thoát ra khỏi bế tắt này.

Hai là, nếu hành giả đã nhận ra chỉ quán hợp nhất hay Định Huệ đồng thời, ông chủ hiện.

Bảo nhậm là chúng ta phải thường xuyên tham thiền để nhận diện cái thấy này tương tục. Hành giả phải thật xác quyết cái thấy này, đây là giai đoạn tối quan trọng trong tham thiền bởi vì chính cái thấy này là nền tảng cho các bước tiếp theo để mở rộng ra thành pháp giới, hay một vị giải thoát.

Nhận diện cái thấy là như thế nào? Là chỉ biết cái thấy này hiện hữu, chính nó tu chớ không có ai tu hành cả, bảo nhậm là nhận biết trong mọi hoạt động của mình nay đã có ánh sáng giải thoát này hiện hữu, không mất nó trong tham thiền gọi là bảo nhậm, giữ cho tâm tương ưng với cái đã có sẵn là bảo nhậm, giữ là giữ cho tâm không theo thói quen chạy loạn nữa, và nhận diện tâm sáng tỏ tâm giải thoát đang phản chiếu mọi sự vật hiện tượng mọi khởi tưởng như gương phản chiếu mọi hình tướng, chớ không phải có cái gì đó để giữ.

Ba là, nếu hành giả đã nhận ra sự đồng hiện của khởi tưởng và giải thoát, đến đây hành giả không còn thắc mắc bảo nhậm như thế nào. Bởi vì, với người này, họ thấy tướng ở đâu là tánh ở đó, tánh tướng đồng hiện, bảo nhậm là mở rộng cái thấy này trên mọi phương diện; bảo nhậm chỉ là tỉnh giác bằng sự hiện hữu của giải thoát đang đồng hiện cùng với mọi hình tướng, mọi khởi tưởng. Phật giáo Tây Tạng hay nói: “Khó khăn là cơ hội hay đem trở ngại vào con đường”. Ở mức độ này những việc khó làm, khó vượt, mà vượt qua được đó là bảo nhậm.

Cuối cùng, nếu hành giả nhận ra tất cả chỉ là một vị giải thoát. Còn ai đâu trong cái biển giải thoát này mà bảo nhậm? Tự thọ dụng thôi!

*Thứ tư, trong tham thiền, do nghiệp thức chúng ta luôn luôn dính mắc, trụ chấp; cho nên, trước khi tu chúng ta chấp vào ta và cái của ta. Vào đường tu, chúng ta tham thiền biết vọng, không theo vọng là lìa sự dính mắc vào tư tưởng và các hình tướng.

Khi vọng tâm đã tương đối thưa, kế đến hành giả chấp vào trạng thái của tâm. Người tu chú trọng vào sự thanh tịnh, an lạc, và lấy trạng thái này để đánh giá chất lượng tham thiền của mình; khi thanh tịnh nhiều thì hành giả vui thích, khi tâm loạn động thì hành giả nản lòng.

Khi công phu có chứng nghiệm như: nhận ra năng lực Chủ, chúng ta chấp năng lực này là một chủ thể, trước kia chúng ta dính mắc vào tâm mê, bây giờ chúng ta chấp vào kinh nghiệm về Ông chủ. Chúng ta bỏ cái ngã sanh diệt lại gán cho tâm khi giải thoát thành một cái ngã khác; chúng ta luôn luôn bị lạc hướng trong tham thiền. Trong nhà Thiền diễn tả: “Con trâu chui qua cái lổ. Đầu, sừng, bụng và bốn chân chui qua lọt; còn cái đuôi không chui qua lọt”; cái đuôi là bóng dáng của chấp ngã.

Thật sự, vô tâm nhận biết mọi trạng thái tâm mới là cách tham thiền đúng; bản chất của tâm là cái mà chúng ta phải tham thiền về nó. Bản chất của tâm ứng hiện ra sinh tử lẫn Niết bàn; cho nên, chúng ta phải tham thiền để trực tiếp thấy được bản chất của tâm mới không lạc hướng tham thiền, bản chất của tâm là Vô tâm, nhưng Vô tâm mà không dừng sự biểu hiện.

“Trong hội của thiền sư Bá Trượng, một hôm có vị tăng vừa đi vừa khóc đi thẳng vào pháp đường.

Sư hỏi:

– Làm gì?

Tăng thưa:

 – Cha mẹ đồng thời chết, thỉnh thầy chọn ngày.

Sư bảo:

 – Ngày mai đồng thời chôn.” (Bá Trượng Hoài Hải)

Cũng có một đoạn ngữ lục dạy: Như một người đi qua làng cổ độc, người đó chỉ biết cấm cổ mà đi chớ không dám đụng chạm cây lá hay quay qua quay lại; cứ đi thẳng!

Trong Bát Nhã Tâm Kinh cuối bài là yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế… Là: qua rồi qua rồi, qua bên kia rồi, tất cả qua bên kia rồi…

Mục tiêu tham thiền của chúng ta là pháp giới, chúng ta phải đi tới cái thấy toàn cảnh là giải thoát; muốn vậy, chúng ta xả bỏ sanh tử mà cũng không đắm trước vào Niết bàn.

*Thứ năm, trong Chánh Pháp Nhãn Tạng của ngài Đạo Nguyên (1200 – 1253) Sơ tổ của tông Tào Động Nhật Bản. Ngài chủ trương tu hành ngược lại với quan điểm của tông Lâm Tế. Với ngài Lâm Tế, chủ trương tu hành để chứng ngộ, đại nghi đại ngộ. Quan điểm của ngài Đạo Nguyên là ngay khi tu có chứng ngộ, nghĩa là người tu dù bất cứ pháp môn nào, bất cứ thời gian, hoàn cảnh nào; cũng là tu hành trên (hay trong) Phật tánh vốn đã giác ngộ của chính mình. Ngài đã đọc và sửa lại câu kinh nổi tiếng: “Tất cả chúng sanh đều Phật tánh” thành: “Tất cả chúng sanh đều Phật tánh”.

Với cái nhìn này, hành giả nhận thấy; chúng ta tu hành dù tu bằng phương tiện nào, dù chúng đang tu hành với tâm dính mắc của mình, nhưng vì đang tu trên và trong giác ngộ đã sẵn cho nên lúc nào thời gian nào tâm thay đổi hành giả cũng có thể trực ngộ được giải thoát.

Cho nên, tánh Không hay Chủ bao giờ cũng hiện hữu, tâm chúng ta có sanh có diệt vì lầm chấp theo tướng, nhưng Chủ của sự sanh diệt này là tâm nền tảng luôn hiện hữu khi tâm đang biểu hiện có sanh có diệt; vì vậy, một hành giả tham thiền không nên nghĩ mình phải tu hành qua một quá trình. Nếu chúng ta nghĩ rằng người tu phải thực hành tu tập qua bao nhiêu công lao, bao nhiêu thời gian mới chứng ngộ được Tâm; đó là một cách nghĩ chấp trước. Chúng ta tự suy nghĩ, tự tạo ra một tiến trình rồi chính mình bị kẹt vào tiến trình đó.

Hành giả lúc nào cũng thức tỉnh mình: giải thoát là có sẵn, chúng ta có thể ngộ đạo ngay bây giờ và tại đây, không qua không gian và thời gian nào. Chính đây là phần thưởng khích lệ cho mỗi chúng ta bởi vì ai cũng có thể chợt ngộ ở bất cứ thời gian nào, bất cứ đâu, và bất cứ sự việc gì; cho nên, dù ở mức độ sơ khởi như đếm hơi thở, hay theo dõi hơi thở khi bắt đầu tu sự chứng nghiệm cũng có thể xảy ra.

Chúng ta thấy, đây là tinh thần đốn ngộ của Thiền tông. Theo thiền sư Đạo Nguyên, bạn đang tu trên (hay trong) Phật tánh vốn đã giác ngộ; nếu bạn không tin tiền đề bạn là Phật như ngài Đạo Nguyên đã minh định thì cũng không có cái gì ngăn bạn trực ngộ Phật tánh này ngay tại đây và bây giờ.

*Thứ sáu,

Tham thiền như thế nào là có nhập, trụ, xuất; như thế nào không?

Khi bạn tham thiền có phạm vi để nhiếp tâm vào trong tham thiền của mình là có nhập, trụ, xuất. Chẳng hạn, đếm hơi thở, và quán hơi thở là tham thiền có nhập trụ xuất; kể cả biết vọng cũng có nhập trụ xuất.

Tất cả đối tượng tham thiền nếu là tướng của tâm đều có nhập trụ xuất; bởi vì tướng của tâm thì riêng rẽ khác biệt, vì thấy sự khác biệt trong tham thiền cho nên chúng ta sẽ có tham thiền có nhập trụ xuất trên sự khác biệt này.

Khi bạn đã chứng nghiệm được chỉ quán hợp nhất, hay nhận ra Ông chủ, bạn sẽ tham thiền không có nhập, trụ, xuất; không có xả thiền hay nhập thiền gì ở đây cả. Nếu thật sự nhận ra Chủ thì tất cả đều là Chủ, tất cả đều ở nơi tâm Thiền, bạn chỉ tham thiền để nhận diện tâm Thiền này biểu hiện mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh, mọi sự việc mà thôi.

Tham thiền khi đã nhận ra Chủ là khám phá, khám phá đến đâu Chủ đến đó, dù cảnh thuận hay nghịch cũng là cơ hội cho bạn khám phá sự hiện hữu của tâm Thiền này; khám phá cho đến mức độ nào đó, bạn chợt hiểu ra tất cả đã giải thoát. Từ đó trở đi bạn cũng tham thiền, cũng tu hành nhưng chẳng có ai để tham thiền, chẳng có gì để khám phá tất cả đã giải thoát; bạn tu hành cho mọi người.

*Cuối cùng,

Một vị thầy có kinh nghiệm, một đạo sư có thẩm quyền rất quan trọng đối với người tu, nhất là Thiền tông.

Vì tính thẳng tắt và trực tiếp chỉ thẳng vào bản tâm của hành giả; cho nên, một vị thầy sáng mắt sẽ hướng dẫn, gợi cảm hứng, tạo niềm tin, xác quyết cái thấy trong quá trình tu; thầy sẽ chỉ bảo những bước tiếp theo sau khi đã nhận ra năng lực Chủ (kiến tánh khởi tu), để chúng ta đi trọn trên con đường mà không hài lòng an trụ ở một mức độ nào bởi cái thấy hạn hẹp của mình …

Vị thầy nói lên phước báu của một hành giả trong tu hành; càng có được nhiều vị thầy trong đời mình phước càng lớn.

Nguyện cho chúng ta có niềm tin về Pháp, có cái nhìn tổng quan về con đường, có được điều này để chúng ta tu hành thể nhập Pháp giới nhằm lợi lạc cho tất cả.

Tháng 5 năm 2017

Tánh Hải.

 

SHARE:

Trả lời